luan an tien si triet hoc,chuyen nganh, lich su, triet hoc,triet hoc, chinh tri, jean jacques rousseau, va y nghia lich su, cua no, duong thi ngoc dung
LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC
Chuyên ngành : LỊCH SỬ TRIẾT HỌC
Mã số : 62.22.80.01
TRIẾT HỌC CHÍNH TRỊ JEAN JACQUES ROUSSEAU VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA NÓ
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Triết học chính trị, hay sự phân tích triết học những vấn đề chính trị, chiếm vị trí lớn trong di sản tinh thần của J. J. Rousseau, thể hiện xuyên suốt quá trình sáng tác của J. J. Rousseau, từ những tác phẩm đầu tiên cho đến những tác phẩm cuối đời. Là đại biểu xuất sắc của phong trào Khai sáng Pháp, J. J. Rousseau đã biết kế thừa sáng tạo và phát triển những thành tựu của triết học chính trị của các bậc tiền bối trên cơ sở thực tiễn nước Pháp thế kỷ XVIII, đưa ra những quan điểm độc đáo về tự do, bình đẳng; Về nguồn gốc, bản chất nhà nước, pháp luật và thiết chế chính trị … góp phần làm nên thắng lợi của Đại Cách mạng Pháp năm 1789.
Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử giai đoạn mình, triết học chính trị của J. J. Rousseau, hay nói như Engels, những phác thảo có tính biện chứng về sự vận động của xã hội, đặc biệt là cách lý giải của ông về chủ quyền nhân dân, về bản chất của quyền lực nhân dân và những ý tưởng về nhà nước của dân, do dân, vì dân, cũng như những suy nghĩ về mối quan hệ giữa quá trình phát triển đời sống vật chất với việc bảo vệ các giá trị đạo đức truyền thống, triết lý giáo dục nhằm tạo ra con người tự chủ, tự tin, yêu hòa bình, biết tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác … còn tiếp tục ảnh hưởng tới quá trình vận động, phát triển tiếp theo của tư tưởng xây dựng nhà nước pháp quyền nói riêng, triết học chính trị của nhân loại nói chung và đến nay nó vẫn còn chứa đựng nhiều giá trị hiện thực.
Ra đi tìm đường cứu nước từ lý của Đại cách mạng Pháp 1789, trải qua quá trình bôn ba tại sào huyệt của chủ nghĩa thực dân, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh tìm thấy con đường cứu nước cho dân tộc trong lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga 1917. Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam bắt đầu xây dựng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, xây dựng nhà 5 nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Dù không trực tiếp khẳng định bằng khái niệm, song tư tưởng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân đã được Hồ Chí Minh khẳng định nhiều lần bằng nhiều cách diễn đạt khác nhau trong suốt quá trình Người trực tiếp lãnh đạo xây dựng nhà nước Việt Nam mới.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Đại hội VII khẳng định: “tiếp tục cải cách bộ máy nhà nước theo phương hướng: Nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Đến Đại hội VIII, khái niệm “nhà nước pháp quyền” đã chính thức khẳng định trong văn kiện Đại hội Đảng. Sau Đại hội IX, quan điểm xây dựng nhà nước pháp quyền của Đảng đã chính thức được thể chế hóa tại điều 2 của Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001): “Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân … Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Đại hội X vừa qua một lần nữa khẳng định: “Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Cần xây dựng cơ chế vận hành của nhà nước, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”.
Như vậy, hơn 60 năm qua, vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân, vì dân luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm tới. Tuy nhiên trên thực tế, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, quyền làm chủ của nhân dân bị vi phạm ở nhiều nơi với nhiều mức độ khác nhau và nó đã trở thành vấn nạn ở Việt Nam hiện nay. Các thế lực đối lập trong và ngoài nước, trong quá trình chống phá cách mạng Việt Nam, với nhiều chiêu thức khác nhau, luôn sử dụng những luận điểm “đa nguyên đa đảng”, “tam quyền phân lập”, … để 6 chống lại lý luận của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đặc biệt là luận điểm “quyền lực nhà nước là thống nhất” và “dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Đồng thời, lý luận xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vẫn còn tồn tại một số điểm gây tranh cãi.
Để thành công trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cùng với việc quán triệt những nguyên lý phổ biến của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước xã hội chủ nghĩa, phải hiểu rõ lý luận về nhà nước pháp quyền đi đôi với việc làm cho những giá trị ấy trở thành hiện thực trong đời sống con người. Do đó, ngoài việc chủ động phát huy nội lực, Đảng và Nhà nước đã chủ trương hội nhập sinh hoạt quốc tế, học tập kinh nghiệm và lý luận xây dựng nhà nước pháp quyền của các các dân tộc đi trước. Việc nghiên cứu triết học chính trị J. J. Rousseau cũng nằm trong yêu cầu này.
2. Tổng quan tình hình nghiên cứu đề tài
Tư tưởng của J. J. Rousseau cũng như của nhiều nhà Khai sáng Pháp khác đã thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trên nhiều bình diện khác nhau như triết học, chính trị học, sử học, luật học, văn học, giáo dục học …
Tại Liên Xô trước đây, các tác phẩm chọn lọc của J. J. Rousseau cũng như những sách giáo khoa, sách chuyên khảo có sự phân tích sâu sắc những tư tưởng của J. J. Rousseau của nhiều tác giả tên tuổi đã được xuất bản và tái bản nhiều lần. Chẳng hạn, trong tác phẩm “Sự phát triển tư tưởng xã hội tại Pháp thế kỷ XVIII” (1977), V. P. Volgin đưa J. J. Rousseau vào nhóm các nhà dân chủ và bình quân, nghĩa là chủ trương một xã hội mà quyền lực thuộc về nhân dân, tôn trọng quyền sở hữu cá nhân dưới sự điều tiết của nhà nước, chống sự giàu có thái quá và sự bần cùng, phân phối lại sản phẩm, hạn chế tiêu dung, nhằm ngăn chặn bất bình đẳng xã hội; I. N. Kupsov trong tác phẩm “J. J. Rousseau – 7 nhà tư tưởng của cách mạng Pháp” (1979) Đã phân tích vị trí của J. J. Rousseau trong phong trào Khai sáng Pháp, chỉ ra mối liên hệ giữa tư tưởng dân chủ của J. J. Rousseau với Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp, xem quan niệm “ý chí chung” như dự báo về tiến bộ xã hội; Tác phẩm “Phong trào Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII” của Kh. N. Môm-giăng (1983) Trình bày tiền đề thực tiễn và tiền đề lý luận của Phong trào Khai sáng Pháp, phân tích và đánh giá các chân dung tiêu biểu từ thế hệ đầu tiên đến các nhà cách mạng tư sản.
Tác phẩm đã dành phần đáng kể tìm hiểu quá trình hình thành, nội dung cơ bản của tư tưởng chính trị của J. J. Rousseau, chỉ ra cả những mặt tích cực và hạn chế của những tư tưởng đó, cũng như ý nghĩa của nó đối với sự phát triển của nhân loại tiến bộ. Nhà xuất bản “Khoa học” Matxcơva năm 1991 cũng cho in bản dịch ra tiếng Nga tác phẩm “J. J. Rousseau” của tác giả Guy Besse (xuất bản tại Paris năm 1988). Tác phẩm “Triết học chính trị” của E. A. Posniakov được xuất bản năm 1994 đã đánh dấu sự xâm nhập ban đầu của chuyên ngành triết học chính trị tại Nga. Năm 1999, với sự xuất hiện hai tác phẩm “Triết học” của tập thể tác giả V. G. Kuznetsov, I. D. Kuznetsova, V.V. Mironov, K. Ch. Mongian và “Triết học chính trị” của K. S. Gadgiev, khái niệm triết học chính trị được định nghĩa và được xem như sự cụ thể hóa những luận điểm của triết học xã hội. Trong tất cả những tác phẩm này, những nội dung cơ bản của triết học chính trị J. J. Rousseau đã được phân tích và đánh giá trân trọng bên cạnh tên tuổi một số triết gia tiêu biểu khác. Ở Sài Gòn trước giải phóng cũng như ở Việt Nam hiện nay, những tác phẩm tiêu biểu của J. J. Rousseau như “Emile, hay vấn đề giáo dục” và “Bàn về khế ước xã hội” khi dịch sang tiếng Việt cũng gây được sự chú ý trong dư luận.
Trước khi “Bàn về khế ước xã hội” được đông đảo độc giả Việt Nam biết đến, dịch giả Hoàng Thanh Đạm cũng đã giới thiệu đến bạn đọc tóm tắt nội dung cơ bản của tác phẩm này qua bài báo “Tìm hiểu “Bàn về khế ước xã hội”, được đăng trong tạp chí “Lịch sử quân sự” vào tháng 6/1989 và sau này được đính 8 kèm trong tác phẩm trên. Trong tác phẩm “Lý luận giáo dục châu Âu”, tác giả Nguyễn Mạnh Tường cũng đã dành hơn một trăm trang để nói về tư tưởng của J. J. Rousseau, trong đó tư tưởng triết học chính trị của J. J. Rousseau trải đều trong các trang viết. Trong tác phẩm “Những danh tác chính trị”, tác giả Jean Jacques Chevallier (được dịch giả Lê Thanh Hoàng Dân dịch và được nhà xuất bản Trẻ phát hành năm 1971 tại Sài Gòn) Cũng đã dành sáu mươi trang phân tích sự kế thừa sáng tạo của tư tưởng chính trị của J. J. Rousseau trong “Bàn về khế ước xã hội” cũng như ý nghĩa và ảnh hưởng của tác phẩm này đối với lịch sử. Tác phẩm “J. J. Rousseau” của tác giả Phùng Văn Tửu được thể hiện dưới dạng văn học cũng đã ra mắt độc giả Việt Nam năm 1996.
Trong “Lịch sử các tư tưởng chính trị”, xuất bản tại Hà Nội năm 1995 (thuộc chương trình KH-CN: KX-05. Đề tài KX- 02), bên cạnh việc phân tích những tư tưởng chính trị cơ bản của một số triết gia phương Tây tiêu biểu từ cổ đại đến cận đại qua chủ đề: “chủ nghĩa không tưởng triết học: Platon”, “chủ nghĩa chuyên chế cá nhân – Grotius Hugo và Thomas Hobbes”, “chủ nghĩa tự do quý tộc: Montesquieu” …, tác giả Marcel Prelct đã phân tích nội dung cơ bản của tư tưởng chính trị của J. J. Rousseau qua chủ đề “chủ quyền tối thượng của nhân dân – J. J. Rousseau”.
Trong tác phẩm “Triết học chính trị Montesquieu với việc xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam” (2006), Tiến sĩ Lê Tuấn Huy cũng đã đưa ra những nhận xét, so sánh triết học chính trị J. J. Rousseau với triết học chính trị Montesquieu và những nhận định về vị trí, vai trò triết học chính trị của hai ông trong dòng chảy triết học chính trị nhân loại nói riêng và cách mạng thế giới nói chung. Tác giả Phạm Thế Lực cũng đã phân tích những nội dung cơ bản của tác phẩm “Khế ước xã hội” trong bài viết “Tư tưởng chủ quyền nhân dân trong tác phẩm Khế ước xã hội của J. J. Rousseau” đăng trên tạp chí Khoa học xã hội (số 8/2007).
Gần đây nhất, trong tác phẩm “Emile hay là về giáo dục” của J. J. Rousseau do Lê Hồng Sâm, Trần Quốc Dương dịch và nhà xuất bản Tri thức phát hành (tháng 6/2008), nhà văn Bùi Văn Nam Sơn cũng đã viết bài giới 9 thiệu “Emile hay là về giáo dục – Một triết lý giáo dục nhân bản: Dạy và học làm người”, trong đó ngoài việc giới thiệu nội dung cơ bản của tác phẩm “Emile hay là về giáo dục”, nhà văn Nam Sơn cũng tóm tắt trình bày những tư tưởng cơ bản của J. J. Rousseau trong một số tác phẩm tiêu biểu và ảnh hưởng của chúng. Ngoài ra, trong các tác phẩm “Dân chủ và giáo dục” của John Dewey (2008), “Lịch sử các học thuyết chính trị trên thế giới” của Lưu Kiếm Thanh (2001), “Các trường phái triết học trên thế giới” của David E Cooper (2005), “Văn minh phương Tây – Lịch sử và Văn hoá” của Edward McNall Burns (2008), “Chân dung những nhà cải cách giáo dục tiêu biểu trên thế giới” của Alphabooks (Bản quyền tiếng Việt 2007 do GS. TSKH Bành Tiến Long viết lời giới thiệu).. . Tư tưởng của J. J. Rousseau nói chung và tư tưởng triết học chính trị J. J. Rousseau nói riêng cũng được phân tích dưới nhiều góc độ khác nhau. Hầu hết các tác giả khi bàn về tư tưởng của J. J. Rousseau đều dành cho ông sự đánh giá trân trọng.
Ngoài ra, những nội dung cơ bản trong triết học chính trị của J. J. Rousseau đã được nhiều tác giả trình bày trong nhiều chuyên khảo nghiên cứu tư tưởng chính trị - xã hội dưới dạng sách giáo khoa, giáo trình về lịch sử tư tưởng chính trị, lịch sử triết học, lịch sử văn học, hay trong các tạp chí như tạp chí Triết học, tạp chí Cộng sản, tạp chí Khoa học xã hội … Với sự phát triển của công nghệ thông tin, giờ đây chúng ta có thể truy cập những bài viết, bài bình luận liên quan đến triết học chính trị của J. J. Rousseau của nhiều tác giả với nhiều nội dung và khía cạnh khác nhau.
Bên cạnh những tác phẩm, những bài viết về nội dung tư tưởng chính trị của J. J. Rousseau, những tác phẩm, những bài viết liên quan đến tư tưởng về nhà nước pháp quyền và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng được chúng tôi tìm kiếm, tìm hiểu và tất cả trở thành những tư liệu bổ ích giúp chúng tôi thực hiện luận án này.
3. Mục đích và nhiệm vụ của luận án
a. Mục đích
Cùng với việc trình bày một cách hệ thống nguồn gốc, tiền đề và những nội dung cơ bản của triết học chính trị J. J. Rousseau qua một số tác phẩm tiêu biểu của ông, luận án mong muốn chỉ ra những giá trị và ảnh hưởng mà những tư tưởng này đã tạo ra trong quá trình phát triển của lịch sử nhân loại nói chung cũng như những bài học lịch sử mà chúng ta có thể rút ra được từ những tư tưởng đó trong sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân vì dân tại Việt Nam hiện nay.
b. Nhiệm vụ
Để đạt được mục đích trên, luận án nêu ra và giải quyết các nhiệm vụ sau:
1) Trình bày nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển của triết học chính trị J. J. Rousseau nói riêng và tư tưởng của J. J. Rousseau nói chung.
2) Phân tích nội dung cơ bản của triết học chính trị J. J. Rousseau qua một số các tác phẩm tiêu biểu, đặc biệt là hai tác phẩm “Bàn về khế ước xã hội” và “Emile, hay vấn đề giáo dục”. So sánh những tư tưởng đã nêu với tư tưởng cơ bản của một số nhà lý luận tiền bối của ông, cũng như đánh giá những tư tưởng đó từ lập trường của chủ nghĩa duy vật lịch sử.
3) Nêu ý nghĩa, giá trị, ảnh hưởng và một số bài học lịch sử của triết học chính trị J. J. Rousseau đối với Đại cách mạng Pháp 1789 nói riêng, cách mạng thế giới nói chung và đối với quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
4. Giới hạn của luận án
Tư tưởng của J. J. Rousseau có nội dung phong phú và được nhiều bộ môn khoa học nghiên cứu như triết học, chính trị học, luật học, xã hội học, văn học.. . Trong giới hạn của luận án này, tác giả chỉ muốn tiếp cận tư tưởng chính trị 11 của ông với tư cách là một vòng trong chuỗi “vòng xoáy ốc” của quá trình phát triển tư tưởng chính trị của nhân loại và tập trung phân tích nội dung những tư tưởng ấy dưới góc độ triết học. Nghĩa là, tập trung chủ yếu phân tích tính kế thừa sáng tạo trong quan niệm của ông về nguồn gốc, bản chất của quyền lực nhà nước và những mối quan hệ xoay quanh quyền lực đó; Về nguồn gốc, bản chất của bình đẳng, tự do của mọi công dân trong xã hội cùng triết lý xây dựng một nhà nước lý tưởng trong đó mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân, chính nhân dân trực tiếp thực hiện quyền lực của mình trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Thêm vào đó, mặc dù J. J. Rousseau viết rất nhiều công trình, song nội dung triết học chính trị của ông được thể hiện rõ nét nhất trong tác phẩm “Bàn về khế ước xã hội” và “Emile, hay vấn đề giáo dục”, đặc biệt trong “Bàn về khế ước xã hội”. Do đó, trong luận án này, tác giả cũng tập trung khai thác trong nội dung của hai tác phẩm trên, nhất là trong “Bàn về khế ước xã hội”.
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận án
Cơ sở lý luận của luận án là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử được thể hiện trong việc phân tích tiến trình lịch sử xã hội, mà cụ thể là phân tích triết học chính trị của J. J. Rousseau.
Cùng với những phương pháp toàn diện, lịch sử - cụ thể, phát triển, gắn lý luận với thực tiễn … được rút ra từ phép biện chứng duy vật, những phương pháp phân tích, tổng hợp, khái quát hóa, hệ thống hóa, quy nạp, diễn dịch, đối chiếu, loại suy, logic … và sự kết hợp giữa những phương pháp đó cũng được sử dụng trong quá trình thực hiện luận án này.
6. Cái mới của luận án
- Từ di sản tư tưởng của J. J. Rousseau, luận án tổng hợp, chọn lọc và phân tích một cách hệ thống những nội dung cơ bản của triết học chính trị J. J. Rousseau qua các thời kỳ khác nhau.
- Rút ra ý nghĩa lịch sử và ảnh hưởng của triết học chính trị J. J. Rousseau đối với thời đại; Chỉ ra mối liên hệ thời sự giữa tư tưởng chính trị của J. J. Rousseau với quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân hiện nay ở Việt Nam.
7. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
- Góp phần làm phong phú thêm kho tàng tri thức về lịch sử triết học chính trị phương Tây nói chung và triết học chính trị J. J. Rousseau nói riêng.
- Chỉ ra ý nghĩa và một số bài học lịch sử từ triết học chính trị J. J. Rousseau đối với sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân ở Việt Nam.
- Dùng làm tài liệu tham khảo, phục vụ cho quá trình nghiên cứu và giảng dạy các môn lịch sử triết học, triết học chính trị, lý luận về nhà nước và pháp luật tại các trường cao đẳng và đại học, hoặc tham khảo để đổi mới phương pháp giảng dạy tại các bậc phổ thông …
8. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận, phần công bố những công trình khoa học được tác giả nghiên cứu và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận án được kết cấu thành 03 chương, 06 tiết và 12 tiểu tiết.
------------------------------------
MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU
Chương 1: NGUỒN GỐC, QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA TRIẾT HỌC CHÍNH TRỊ J. J. ROUSSEAU
1.1. Nguồn gốc hình thành triết học chính trị J. J. Rousseau
1.1.1. Bối cảnh kinh tế - chính trị - xã hội nước Pháp đầu thế kỷ XVIII – cơ sở thực tiễn của triết học chính trị J. J. Rousseau
1.1.2. Nguồn gốc lý luận của triết học chính trị J. J. Rousseau
1.2. Quá trình hình thành và phát triển triết học chính trị J. J. Rousseau
1.2.1. Thời kỳ hình thành triết học chính trị J. J. Rousseau
1.2.2. Thời kỳ khẳng định của triết học chính trị J. J. Rousseau
Kết luận chương 1
Chương 2: NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA TRIẾT HỌC CHÍNH TRỊ J. J. ROUSSEAU
2.1. Phê phán bất bình đẳng và tha hóa con người – điểm khởi đầucủa triết học chính trị J. J. Rousseau
2.1.1. Phê phán bất bình đẳng và tha hóa con người trong “Luận vềkhoa học và nghệ thuật”
2.1.2. Phê phán bất bình đẳng và tha hóa con người trong “Luận về nguồngốc và bản chất của sự bất bình đẳng giữa người với người” và phương ánkhắc phục bất bình đẳng trong “Kinh tế chính trị”
2.2. Triết học chính trị J. J. Rousseau trong “Bàn về khế ước xã hội” và “Emile, hay vấn đề giáo dục”
2.2.1. Quan niệm thống nhất quyền lực nhà nước và những ý tưởng vềnhà nước của dân, do dân, vì dân trong “Bàn về khế ước xã hội”
2.2.2. Triết lý kiến tạo mẫu người công dân tự do cho xã hội dânchủ lý tưởng trong “Emile, hay vấn đề giáo dục”
Kết luận chương 2
Chương 3: Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA TRIẾT HỌC CHÍNH TRỊ J. J. ROUSSEAU
3.1. Giá trị và ảnh hưởng của triết học chính trị J. J. Rousseau tới sựvận động của cách mạng thế giới
3.1.1. Triết học chính trị J. J. Rousseau – một trong những ngọn cờlý luận của Đại cách mạng Pháp 1789
3.1.2. Triết học chính trị J. J. Rousseau với bước chuyển tư tưởng chínhtrị Việt Nam cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX
3.2. Giá trị và ảnh hưởng của triết học chính trị J. J. Rousseau với việcxây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân ở Việt Nam
3.2.1. Mối liên hệ lịch sử giữa tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhànước Việt Nam dân chủ cộng hòa với triết học chính trị J. J. Rousseau – sựthể hiện sinh động quy luật kế thừa và phát triển
3.2.2. Ý nghĩa và bài học lịch sử của triết học chính trị J. J. Rousseau đối vớiviệc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân ởViệt Nam hiện nay
Kết luận chương 3
KẾT LUẬN
CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC ĐÃ CÔNG BỐ
TÀI LIỆU THAM KHẢO
--------------------------------------------
keyword: download luan an tien si triet hoc,chuyen nganh, lich su, triet hoc,triet hoc, chinh tri, jean jacques rousseau, va y nghia lich su, cua no, duong thi ngoc dung
Nhận xét
Đăng nhận xét