luan an tien si ngu van,chuyen nganh, ngon ngu hoc, so sanh, vi tu trang thai, trong tieng viet,so sanh voi tieng anh, tran thi minh phuong
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN
Chuyên ngành: Ngôn ngữ học so sánh
Mã số: 5.04.27
VỊ TỪ TRẠNG THÁI TRONG TIẾNG VIỆT (So sánh với tiếng Anh)
MỞ ĐẦU
- Lý do chọn đề tài:
Vị từ là thành phần không thể thiếu của phần lớn các phát ngôn trong bất cứ ngôn ngữ nào. Theo Nguyễn Thị Quy, có khoảng 72% câu trong các văn bản nghệ thuật tiếng Việt có vị từ làm trung tâm cho phần thuyết [57, tr. 36]. Mặt khác, trong thực tế Học tập, nghiên cứu và giảng dạy Việt ngữ và Anh ngữ, chúng tôi nhận thấy người học nắm được nghĩa và cách sử dụng của vị từ của một ngôn ngữ càng vững bao nhiêu thì khả năng sử dụng thứ ngôn ngữ ấy của họ càng nhiều bấy nhiêu. Vị trí quan trọng của vị từ trong phát ngôn là lý do chính khiến chúng tôi hết sức quan tâm đến đối tượng này. Sự quan tâm ấy được bắt đầu từ luận văn thạc sĩ của chúng tôi.
Trong khi vị từ chỉ hành động đã có nhiều công trình nghiên cứu quan tâm đến, thì vị từ chỉ trạng thái lại chưa được may mắn như thế. Số lượng vị từ chỉ trạng thái tuy không nhiều, nhưng tần suất sử dụng lại rất cao. Theo thống kê của Gregor D. Smart (được công bố tại hội thảo khoa học SEAMEO TP. HCM tháng 3/2007), số lượng vị từ trạng thái chiếm vị trí đáng kể trong số 4,7 triệu lượt từ thường dùng trong tiếng Anh. Ví dụ như biết: 65.808 lượt, thích: 48.098 lượt, v.v. (x. Phụ lục 1). Tuy được sử dụng nhiều, nhưng việc sử dụng vị từ trạng thái sao cho đúng nghĩa và phù hợp với ngôn cảnh lại là điều không dễ dàng.
Bởi lẽ trong nhiều trường hợp của hoạt động tu từ, các biến thể của chúng có giá trị tu từ khác nhau, chẳng hạn, không đẹp rất khác với xấu, không ghét chưa hẳn đã là thích, còn thích chưa chắc đã là yêu, cũng như yêu mến, yêu quý, kính yêu, v.v., lại có những sắc thái ngữ nghĩa khác hẳn nhau. Vì vậy, trong quá trình dạy tiếng Anh cho người Việt, hoặc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, ta không thể dịch các cặp từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa một cách tùy tiện, mà cần có sự 2 quan tâm đúng mức đến mặt ngữ nghĩa và ngữ dụng của chúng. Mu? N v? Y, ta không th? Ch? Xem xét nghĩa của từ trên cơ sở đặc điểm ngữ pháp, khả năng kết hợp, vị trí, chức năng ngữ pháp của từ ấy trong câu, mà còn phải đặt chúng vào những phát ngôn và nghiên cứu nghĩa của những phát ngôn đó trong ngôn cảnh, tức cần xem xét nghĩa của từ trong toàn bộ các phát ngôn nói chung. Đó là lý do tiếp theo khiến chúng tôi thấy cần quan tâm hơn đến ngữ nghĩa và cơ sở tri nhận của vị từ chỉ trạng thái.
Từ năm 1980, tiếng Anh là một trong bốn ngoại ngữ (bên cạnh tiếng Nga, tiếng Pháp và tiếng Trung) Được dạy bắt buộc trong nhà trường trên cả nước.
Những năm gần đây, việc dạy và học tiếng Anh lại chiếm ưu thế rõ rệt so với các thứ tiếng khác. Trong xu thế hội nhập kinh tế với thế giới hiện nay, nhu cầu học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng lại càng được chú trọng. Tuy vậy, việc giảng dạy và học tập tiếng Anh vẫn chưa được thực hiện bằng những phương pháp khoa học tương thích, khiến cho hiệu quả thu được chưa cao, chưa đáp ứng đươc nhu cầu mong muốn về việc sử dụng tiếng Anh của người ViệtNam nói chung và lực lượng lao động trẻ của cả nước nói riêng. Tình trạng này là do đa số giáo viên và học sinh vẫn dạy và học tiếng Anh theo phương pháp ngữ pháp – phiên dịch. Để tránh việc dạy và học thụ động ấy, cả thầy lẫn trò cần chú ý đến tổ chức các hoạt động tích cực, thông qua việc chú ý đến ngữ nghĩa và ngữ dụng của các phát ngôn hơn. Đây là lý do khiến chúng tôi chọn tiếng Anh làm đối tượng để so sánh chủ yếu khi tìm hiểu về vị từ trạng thái của tiếng Việt. Trong trường hợp cần thiết, chúng tôi có so sánh với tiếng Pháp, tiếng Nga để thấy rõ vấn đề hơn.
Khi tiến hành khảo sát các dữ liệu ngôn ngữ đã thu thập được về các vị từ chỉ trạng thái, chúng tôi nhận thấy có nhiều điểm tương đồng và dị biệt giữa 3 tiếng Việt và tiếng Anh rất thú vị. Chẳng hạn từ tròn trong tiếng Việt có nghĩa là có hình dáng giống như hình tròn, đường tròn, hình cầu, hoặc có nghĩa âm thanh dễ nghe hoặc việc làm nào đó trôi chảy. Vì vậy, từ tròn trong tiếng Việt thường được kết hợp với các danh từ chỉ sự vật, như bàn tròn, trăng tròn, v.v. Hay chỉ các bộ phận trong cơ thể con người hoặc động vật, như khuôn mặt tròn, mắt tròn (như hạt nhãn), v.v., nghĩa là tròn được dùng như một từ chỉ trạng thái tĩnh. Các trường hợp tròn được dùng như một vị từ chẳng hạn như tròn môi, tròn mắt … được dùng khá hạn chế. Trong khi đó, round trong tiếng Anh, ngoài các nghĩa giống như tiếng Việt, còn có nghĩa di chuyển theo hình tròn, như We round our lips when we say “oo” (Ta đọc tròn môi khi phát âm “oo” ), wheels go round (bánh lái xoay tròn), hoặc có nghĩa nói hay viết vòng vo, không đi vào trọng tâm, như The report is going round (Bài báo cáo không đi vào nội dung chính). Như vậy, round trong tiếng Anh vừa có chức năng của một vị từ chỉ trạng thái tĩnh vừa có chức năng của một vị từ biểu thị trạng thái động rất phổ biến.
Xin dẫn thêm một dẫn chứng nữa. Để mô tả tình trạng béo, tiếng Việt cũng như tiếng Anh có rất nhiều từ khác nhau như to, lớn (big), bụ bẫm (plump), đẫy đà (buxom), to, mập, lực lưỡng (beefy), béo, mập (fat), mũm mĩm (chubby), v.v.. Mỗi một từ như vậy, thường kèm theo sắc thái đánh giá và thường chỉ dùng để miêu tả một hoặc một số đối tượng nhất định trong phạm vi hẹp. Cho nên, nếu vượt ra ngoài phạm vi sử dụng đó, chẳng hạn dùng fat khi nói về người được ta kính trọng, yêu mến, thì sẽ trở nên khiếm nhã; Hoặc dùng plump hay chubby để mô tả một phụ nữ trung niên hay một thanh niên thì sẽ làm cho hình ảnh đối tượng miêu tả không chính xác và nội dung thông báo trở nên hài hước.
Trong câu, nội dung của sự thể quyết định cách tổ chức các tham tố và quan hệ giữa các tham tố, theo đó cũng quyết định cả tổ chức cấu trúc ngữ nghĩa 4 của phát ngôn. Nói cách khác, nghĩa của vị từ giữ vai trò quyết định đối với cách tổ chức của câu về ngữ pháp. Tiếc thay, vì số lượng các vị từ trạng thái (vốn có hai nét đặc trưng là không động [– động] (tức là tĩnh), và không chủ ý [– chủ ý] (tức là chỉ tính chất của sự vật)) Lại quá lớn so với quỹ thời gian và khả năng thực hiện của bản thân, nên trong luận án này chúng tôi chỉ tập trung xem xét mặt ngữ nghĩa và cơ sở tri nhận của các cặp từ: Tròn – méo, béo – gầy, yêu – ghét, hiền – dữ, vốn đại diện cho bốn nhóm nhỏ thuộc vị từ trạng thái (được phân chia ở mục phân loại vị từ, chương I), và so sánh chúng với tiếng Anh mà thôi.
2. Lịch sử vấn đề
Vấn đề vị từ trạng thái đã được không ít các nhà ngôn ngữ học đề cập tới, chẳng hạn như Anna Wierzbicka (1999), Cliff Goddard (1998), Anna Gladkova (2004), v.v. Đặc biệt, Anna Wierzbicka (1999) Đã phân tích ngữ nghĩa và cơ sở tri nhận của các từ freedom (tự do) Và so sánh với các nghĩa biểu hiện của các từ libetas trong tiếng Latin, svoboda trong tiếng Nga, wolnos’c’ trong tiếng Ba Lan. Công trình của bà đã đi đến những điểm tương đồng và dị biệt về văn hoá trong việc tri nhận các từ này. Tác giả Cliff Goddard cũng thông qua việc so sánh giữa tiếng Malay và tiếng Anh để khảo sát nghĩa biểu hiện của các từ sabar, ikhlas, setia trong tiếng Malay và patient, sincere, loyal (kiên nhẫn, chân thực, trung thành) Trong tiếng Anh. Tiếp thu thành quả của các công trình đi trước, Anna Gladkova đã phân tích các thang độ biểu thị tính trạng của con người qua việc so sánh các từ suffer, endure, tolerant (chịu đựng, cam chịu, vị tha) Với terpet’ trong tiếng Nga, từ đó đưa ra những kết luận về cơ sở tri nhận các nét nghĩa khác biệt của từ terpet’ do những khác biệt về văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, những nghiên cứu vừa nêu đều chủ yếu đi sâu vào phân tích việc giao thoa về văn hóa giữa các thứ tiếng. Hơn nữa, đối tượng khảo sát trong những công trình 5 vừa nêu trên thực tế cũng chưa đụng chạm đến nhóm từ mà luận án này khảo sát như tròn, méo, béo, gầy, yêu, ghét, hiền, dữ, v.v.
Từ những năm 70 của thế kỷ XX, cũng đã có rất nhiều tác giả trên thế giới quan tâm đến các vấn đề về ngữ nghĩa và cơ sở tri nhận. Bởi vì các nhà nhận thức luận đã coi ngôn ngữ như là một mặt hữu cơ của nhận thức và việc hiểu cấu trúc ngữ pháp phải gắn với ngữ nghĩa. Trong thực tế, ngôn ngữ học tri nhận đã chịu nhiều ảnh hưởng của tâm lý học, nhất là tâm lý học nhận thức.
Noam Chomsky (1988) Đã từng xem ngôn ngữ học là một bộ phận của tâm lý học. Theo hướng này, có thể kể tên một số nhà nghiên cứu có nhiều đóng góp trong ngữ nghĩa học và ngôn ngữ học tri nhận là Ronald W. Langacker (1991,2002), Gilles Fauconnier & Marturner (1995), Leonard Talmy (2000), Charles Fillmore (2002), John Lyons (2006), Anna Wierzbicka (1992), Anna Zalizniak (2006).
Trong nước, tác giả Chu Bích Thu [71] cũng đã cho nhóm từ chỉ tính chất là quan trọng và đã đi sâu nghiên cứu “Những đặc trưng ngữ nghĩa của tính từ tiếng Việt hiện đại”. Tuy nhiên, trong luận án này, tác giả chỉ tập trung nghiên cứu ba nhóm tính từ: Nhóm tính từ biểu thị kích thước của sự vật trong không gian: Cao – thấp, dài – ngắn, rộng – hẹp, v.v. ; Nhóm tính từ biểu thị phẩm chất: Đẹp – xấu, hay – dở, v.v. ; Nhóm tính từ biểu thị phẩm chất chung: Tốt – xấu, v.v.[71, tr. 5]; Chứ chưa quan tâm nhiều đến nhóm từ chỉ trạng thái tròn, méo, béo, gầy, yêu, ghét, hiền, dữ, v.v..
Tác giả Lý Toàn Thắng (2005), một trong những người tiên phong trong việc tiếp cận ngôn ngữ học tri nhận, lại quan tâm đến ngôn ngữ học tri nhận từ góc độ ngôn ngữ học tộc người, tập trung vào mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy, đặc biệt quan tâm đến các dạng thức tri nhận về không gian.
Kế thừa thành quả của những nhà ngôn ngữ học tri nhận đi trước, tác giả Nguyễn Thị Dự [18] cũng đã nghiên cứu khá chi tiết và thú vị các tính từ chỉ kích thước trong không gian như cao, thấp, ngắn, dài, rộng, hẹp, nông, sâu, dày, mỏng, v.v. Của tiếng Việt trong sự so sánh với tiếng Anh.
Một số sách vở viết về ngữ pháp tiếng Việt của các tác giả như Nguyễn Tài Cẩn, Đinh Văn Đức, v.v., cũng ít bàn tới nhóm từ chỉ trạng thái như tròn, méo, béo, gầy, yêu, ghét, hiền, dữ, v.v. Đặc biệt là chưa có công trình nào phân tích ngữ nghĩa các cặp từ biểu thị trạng thái một cách cụ thể và so sánh chúng với tiếng Anh.
Tuy những công trình vừa nêu không trực tiếp liên quan đến các vị từ được khảo sát trong luận án này, nhưng những cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu kế thừa từ những công trình ấy đã tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi rất nhiều trong việc triển khai đề tài.
3. Nhiệm vụ của luận án
Từ trước đến nay, việc nghiên cứu từ vựng – ngữ nghĩa của từ thường được triển khai theo hai hướng chính.
Hướng thứ nhất, mà đại diện là những công trình nghiên cứu của những năm 30 và 40 của thế kỉ trước, thường tập trung vào việc phân loại và đặt tên cho các tiểu loại lớn nhỏ trong nhóm, chứ ít chú trọng tới việc tiếng Việt đã dùng những phương tiện gì để diễn đạt những ý nghĩa ấy. Theo cách này, các nhà nghiên cứu thường hệ thống hoá các dẫn liệu đã được sưu tập trong các bộ từ điển và phát hiện các mối quan hệ có tính hệ thống giữa các từ và ngữ nghĩa của chúng nhờ phân loại lại các từ theo các nhóm đã được định nghĩa. Cách tiếp cận đó tuy bao quát được một khối lượng lớn các đơn vị ngôn ngữ được sắp xếp 7 trong hệ thống, nhưng lại chỉ xác định nghĩa của các từ trong nhóm như đã được mô tả trong các từ điển, chứ chưa đi sâu vào cơ cấu nghĩa của các từ hữu quan.
Hướng thứ hai là nghiên cứu từ vựng – ngữ nghĩa theo những cách dùng cụ thể trong thực tiễn, ngay cả những cách dùng chưa được mô tả trong từ điển hoặc đã mô tả nhưng chưa đi sâu vì những cách dùng ấy chỉ mới được trình bày ở dạng khái quát, chứ chưa được miêu tả, được cập nhật, được trình bày một cách đầy đủ, rõ ràng.
Nhiệm vụ mà luận án này muốn thực hiện không phải là phân loại hay định nghĩa từ vựng nhóm từ tròn, méo, béo, gầy, yêu, ghét, hiền, dữ, mà là tìm hiểu cơ cấu ngữ nghĩa của nhóm từ ấy trong tiếng Việt và tiếng Anh thông qua các phát ngôn và những cách dùng của các từ trong nhóm này trong các tác phẩm văn học hiện thời, để qua đó tìm hiểu sâu thêm về khía cạnh tri nhận của chúng nhằm trả lời cho câu hỏi: Những ý niệm được thể hiện bằng các từ tròn – méo, béo – gầy, yêu – ghét, hiền – dữ có phải sản phẩm của quá trình tương tác giữa những tri thức có được về thực tại khách quan với thực tại khách quan hay không.
Nhiệm vụ cụ thể mà chúng tôi tự đặt ra khi thực hiện đề tài này là:
(a) Phân tích ngữ nghĩa của các vị từ chỉ trạng thái: Tròn, méo, béo, gầy, yêu, ghét, hiền, dữ thông qua cách dùng những từ đó trong thực tiễn giao tiếp của người Việt.
(b) So sánh những điểm tương đồng và dị biệt về ngữ nghĩa và ngữ dụng của nhóm vị từ này giữa tiếng Việt và tiếng Anh.
(c) Tìm hiểu cơ sở tri nhận của nhóm vị từ đang phân tích thông qua các cấu trúc so sánh và cách sử dụng từ đồng nghĩa, trái nghĩa. 8
(d) Tiến hành thực nghiệm nhằm ứng dụng các kết quả khảo sát vào việc dạy và học tiếng Việt cũng như tiếng Anh.
4. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là các vị từ chỉ trạng thái tròn, méo, béo, gầy, yêu, ghét, hiền, dữ. Các từ đứng trước hoặc sau các vị từ này (như [tròn] vo, [méo] xẹo, [béo] bệu, [gầy] nhom, [hiền] hậu, [hiền] hòa, [dữ] tợn, [dữ] dằn, [yêu] tha thiết, [ghét] cay [ghét] đắng, v.v.) Là những từ biểu hiện những sắc thái nghĩa khác nhau của từ gốc.
Lựa chọn nhóm vị từ này, chúng tôi dựa vào mấy tiêu chí sau:
Tiêu chí thứ nhất là các cặp từ được chọn để so sánh về nghĩa thuộc vốn từ vựng cơ bản này đại diện cho nhóm từ để mô tả trạng thái nào đó. Chẳng hạn tròn, méo là các vị từ hình trạng dùng để mô tả tình trạng của các vật vô tri hoặc bộ phận nào đó của cơ thể người hay động vật như nguyên, vuông, thẳng, méo, xéo, xoắn, vặn, cong, lành, rách, v.v.. Các vị từ béo, gầy để biểu thị thể trạng của người hay động vật hoặc những thực thể được coi như người hay động vật như cao, to, khỏe, mạnh, mập, thấp, nhỏ, yếu, xìu, vụng, lả,… Các vị từ chỉ tâm trạng yêu, ghét biểu thị những trạng thái không thường tồn của người hay động vật như thích, khoái, thương, say, mê, chán, ghét, dỗi, hờn, ghen, tức… Và các vị từ chỉ chỉ tính trạng hiền, dữ biểu thị tính tình và tính khí thường tồn của người hay động vật, hay những thực thể được coi như người hay động vật như lành, ngoan, chăm, gan, dữ, bướng, ác, liều, dại, v.v.
Tiêu chí thứ hai để chọn lựa đối tượng nghiên cứu là dựa vào các vị từ trái nghĩa thường đi thành cặp với các từ trong nhóm đang xét. Chẳng hạn, từ trái nghĩa thường đi cặp với hiền là dữ, hiền trái nghĩa với dữ, độc, ác nhưng đồng 9 nghĩa với lành. Vị từ lành cũng trái nghĩa với dữ, độc, ác. Vậy dữ, độc, ác trong hai nhóm trái nghĩa này liệu có nghĩa như nhau trong các phát ngôn được khảo sát không.
Tiêu chí thứ ba là nghĩa của từ trạng thái được dùng ở đây để chỉ chung cho những tính chất và tình trạng của sự vật. Tính chất là đặc trưng thường tồn của một đối tượng. Tình trạng là một trạng thái nhất thời. Tính chất có thể chia thành hai thứ: Thể chất (như béo, gầy, yếu, khỏe, v.v) Và tinh thần (như hiền, dữ, khôn, dại, v.v.). Tình trạng vật chất có thể có được ở các vật vô sinh (như tròn, méo, cong, thẳng, nguyên, sứt, v.v.). Còn tình trạng ở các vật hữu sinh như ở con người và động vật còn thêm vào những trạng thái tâm lý, tình cảm (như vui, buồn, yêu, ghét, lo, sợ, v.v.). Tuy nhiên, sự phân biệt này chỉ có tính chất tương đối, vì tính chất cũng có thể thay đổi hoặc mất đi và ở đối tượng có thể xuất hiện những tính chất khác. Hơn nữa, các trạng thái tinh thần của con người được phản ánh trong từng ngôn ngữ cũng rất khác nhau.
5. Phương pháp nghiên cứu và nguồn tư liệu
Luận án được tiến hành trên cơ sở áp dụng các phương pháp phổ biến đối với nghiên cứu ngôn ngữ học như: Phương pháp miêu tả, phương pháp so sánh đối chiếu, phương pháp thống kê. Phương pháp miêu tả giúp luận án nêu lên được các nghĩa khác nhau của từ không chỉ trong từ điển mà còn trong các văn bản nghệ thuật, sách báo,… từ thực tiễn. Phương pháp miêu tả còn là cách thức nêu ra cụ thể các nghĩa gốc, nghĩa phái sinh, nghĩa chuyển của từ. Phương pháp so sánh đối chiếu là cách thức giúp luận án tìm ra những điểm tương đồng và dị biệt giữa tiếng Việt và tiếng Anh của nhóm từ đang xét. Phương pháp thống kê là công cụ không thể thiếu khi tiến hành các khảo sát. Đồng thời luận án còn áp 10 dụng phương pháp phân tích thành tố nghĩa, phương pháp thống kê và phương pháp quy nạp khi tiến hành các khảo sát.
Nguồn ngữ liệu gồm hơn 2178 phiếu ngữ cảnh được thu thập từ các tác phẩm văn học hiện thời, các loại báo, tạp chí và các loại sách ngữ pháp, sách tham khảo, từ điển của chủ yếu hai thứ tiếng Việt và Anh.
Từ định hướng nghiên cứu vừa đặt ra, chúng tôi thu thập các cứ liệu, các mẫu câu trong sách, báo, từ điển tiếng Việt để phân tích các nét nghĩa tối giản, các mối liên hệ ngữ nghĩa của nhóm từ này trong các phát ngôn thông qua hiện tượng đồng nghĩa và trái nghĩa, so sánh từng cặp các vị từ trạng thái, xem xét các hiện tượng mở rộng nghĩa, chuyển nghĩa, các mối tương quan trong các cấu trúc so sánh của nhóm từ được mang ra khảo sát. Sau đó tiến hành so sánh với những dạng tương đương trong tiếng Anh, phân tích khả năng kết hợp và tìm những điểm tương đồng dị biệt giữa tiếng Việt và tiếng Anh. Đồng thời kiểm tra những kết luận qua việc tiến hành các bài khảo sát trắc nghiệm thực tế, sau khi đã tổng hợp các kết quả và những điểm tương đồng dị biệt qua so sánh.
6. Đóng góp của luận án
Thực hiện được những nhiệm vụ đã đề ra, luận án sẽ có đóng góp nhất định vào việc phân tích đặc điểm ngữ nghĩa của nhóm từ chỉ trạng thái như mối quan hệ giữa ngữ nghĩa và ngữ pháp, ngữ nghĩa và tri nhận. Về thực tiễn, việc phân tích các cấp độ biểu hiện nghĩa sẽ giúp cho người dạy và người học tiếng có cái nhìn cụ thể hơn khi sử dụng nhóm từ này trong ngôn cảnh.
Tuy đã có nhiều công trình nghiên cứu trong nước và trên thế giới đề cập đến ngữ nghĩa cũng như việc tri nhận các vị từ trạng thái như đã đề cập ở phần lịch sử vấn đề, nhưng luận án này giải quyết vấn đề theo hướng nghiên cứu cụ 11 thể hơn, với cách tiếp cận dữ liệu cập nhật hơn, thiết thực hơn. Các kết quả so sánh đối chiếu sẽ giúp làm sáng tỏ hơn về những nội dung ngữ nghĩa có tính đặc thù về tri nhận, về văn hóa, về tư duy của người sử dụng hai ngôn ngữ Việt và Anh. Việc phân tích cặn kẽ các nét nghĩa của một nhóm từ cụ thể sẽ giúp người học tiếng sử dụng ngôn ngữ tốt hơn, thể hiện ý người nói trong phạm vi đa dạng hơn, tinh tế hơn.
7. Bố cục của luận án
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận, phần phụ lục, danh mục sách tham khảo và nguồn tư liệu trích dẫn, luận án có bốn chương sau đây:
Chương 1: “Cơ sở lý thuyết liên quan tới vị từ trạng thái”. Nội dung chương này đề cập đến những khái niệm cơ bản được dùng làm cơ sở lý thuyết cho việc triển khai đề tài của luận án như: Vị từ trạng thái và cách phân loại của chúng, nghia c? A vị từ trạng thái, các phương pháp phân tích thành tố nghĩa, cơ sở tri nhận về nghĩa của vị từ trạng thái.
Chương 2: “Vị từ trạng thái chỉ tính chất”. Nội dung chương này đi sâu vào việc phân tích ngữ nghĩa của nhóm vị từ trạng thái chỉ thể trạng (như béo –gầy), và vị từ trạng thái chỉ tính trạng (như hiền – dữ), phân tích các nét đặc trưng trong cách biểu hiện nghĩa của các cặp từ này trong tiếng Việt và so sánh với các dạng tương đương trong tiếng Anh, rút ra kết luận về cơ sở tri nhận của chúng.
Chương 3: “Vị từ trạng thái chỉ tình trạng”. Chương này tập trung phân tích ngữ nghĩa của nhóm vị từ chỉ hình trạng (như tròn – méo) Và vị từ chỉ tâm trạng (như yêu – ghét). Từ việc phân tích các nét đặc trưng trong cách biểu hiện nghĩa của các cặp từ này trong tiếng tiếng Việt, chúng tôi tiến hành so sánh với các 12 dạng tương đương trong tiếng Anh nhằm rút ra kết luận về cơ sở tri nhận của chúng.
Chương 4: “Một số vấn đề về việc sử dụng vị từ trạng thái tiếng Việt và tiếng Anh”. Ở chương này, luận án tìm hiểu cách sử dụng vị từ trạng thái thông qua việc tiến hành một số khảo sát miêu tả và thực nghiệm về ngữ nghĩa và cách tri nhận các vị từ chỉ trạng thái ở học sinh phổ thông. Qua đó ứng dụng các kết quả khảo sát đã thu thập được vào việc dạy và học tiếng Việt cũng như tiếng Anh. Nội dung khảo sát cụ thể bao gồm những vấn đề liên quan đến hiện tượng đồng nghĩa, trái nghĩa khi sử dụng vị từ trạng thái, những vấn đề liên quan đến hiện tượng đa nghĩa khi chuyển dịch vị từ trạng thái và các khảo sát thực nghiệm về cách sử dụng vị từ trạng thái tiếng Việt và tiếng Anh ở học sinh phổ thông.
Việc tiến hành đề tài tìm hiểu về ngữ nghĩa và cơ sở tri nhận vị từ trạng thái trong tiếng Việt, đồng thời so sánh chúng với các dạng tương đương trong tiếng Anh hy vọng sẽ góp phần bổ sung, mở rộng thêm các vấn đề về phân tích nghĩa vị từ theo cơ chế tạo nghĩa vị từ của mỗi ngôn ngữ trong quá trình hành chức. Các kết quả nghiên cứu sẽ giúp ích cho việc giảng dạy và học tập tiếng Việt cũng như tiếng Anh, đặc biệt là hỗ trợ cho việc biên soạn các giáo trình dạy tiếng, từ điển (giải thích, đối chiếu) Với các cứ liệu đa dạng và sát thực hơn
----------------------------------------------------
MỤC LỤC
Phần mở đầu
Chương 1: CƠ SỞ LÝ THUYẾT LIÊN QUAN TỚI VỊ TỪ TRẠNG THÁI
1.1. Vị từ trạng thái
1.1.1. Khái niệm vị từ trạng thái
1.1.2. Phân loại
1.2. Nghĩa của từ. Phương pháp phân tích thành tố nghĩa
1.2.1. Nghĩa của từ
1.2.2. Các quy luật phát triển nghĩa
1.2.3. Phương pháp phân tích thành tố
1.3. Cơ sở tri nhận vị từ trạng thái
1.3.1. Một số nét cơ bản về ngôn ngữ học tri nhận
1.3.2. Tri nhận về vị từ trạng thái
1.4. Tiểu kết
Chương 2: VỊ TỪ TRẠNG THÁI CHỈ TÍNH CHẤT
2.1. Vị từ trạng thái chỉ thể trạng
2.1.1. Nghĩa và các kết hợp của các từ béo, gầy
2.1.2. Hiện tượng chuyển nghĩa của các từ béo, gầy
2.1.3. Những điểm tương đồng và dị biệt của các từ béo, gầy so vớicác từ tương đương trong tiếng Anh
2.1.4. Tri nhận về trạng thái béo/ gầy
2.2. Vị từ trạng thái chỉ tính trạng
2.2.1. Nghĩa và các kết hợp của các từ hiền, dữ
2.2.2. Hiện tượng chuyển nghĩa của các từ hiền, dữ
2.2.3. Những điểm tương đồng và dị biệt của các từ hiền, dữ so vớicác từ tương đương trong tiếng Anh
2.2.4. Tri nhận về trạng thái hiền/ dữ
2.3. Tiểu kết
Chương 3: VỊ TỪ TRẠNG THÁI CHỈ TÌNH TRẠNG
3.1. Vị từ trạng thái chỉ hình trạng
3.1.1. Nghĩa và các kết hợp của các từ tròn, méo
3.1.2. Hiện tượng chuyển nghĩa của các từ tròn, méo
3.1.3. Những điểm tương đồng và dị biệt của các từ tròn, méo so với các từ tương đương trong tiếng Anh
3.1.4. Tri nhận về trạng thái tròn/ méo
3.2. Vị từ trạng thái chỉ tâm trạng
3.2.1. Nghĩa và các kết hợp của các từ yêu, ghét
3.2.2. Hiện tượng chuyển nghĩa của các từ yêu, ghét
3.2.3. Những điểm tương đồng và dị biệt của các từ yêu, ghét so với các từ tương đương trong tiếng Anh
3.2.4. Tri nhận về trạng thái yêu/ ghét
3.3. Tiểu kết
Chương 3: MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ VIỆC SỬ DỤNG VỊ TỪ TRẠNG THÁI TIẾNG VIỆT VÀ TIẾNG ANH
4.1. Những vấn đề liên quan đến hiện tượng đồng nghĩa, trái nghĩa khi sử dụng vị từ trạng thái
4.1.1- Từ đồng nghĩa
4.1.2- Từ trái nghĩa
4.1.3- Các dạng bài tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa tiêu biểu
4.2. Những vấn đề liên quan đến hiện tượng đa nghĩa khi chuyểndịch vị từ trạng thái
4.2.1-Nhóm từ chỉ tính chất
4.2.2- Nhóm từ chỉ tình trạng
4.3. Thực nghiệm về cách sử dụng VTTT tiếng Việt và tiếng Anh ở học sinh
4.3.1- Các bài tập kiểm tra về cách chọn từ đồng nghĩa, trái nghĩa, từ đa nghĩa có liên quan đến VTTT trong tiếng Việt và tiếng Anh
4.3.2- Các câu dịch có VTTT từ tiếng Việt sang tiếng Anh và từ tiếng Anh sang tiếng Việt
4.3.3- Kết quả và giải pháp
4.4. Tiểu kết
Phần kết luận
Danh mục các công trình của tác giả đã công bố có liên quan đến đềtài của luận án
--------------------------------------------
keyword: download luan an tien si ngu van,chuyen nganh, ngon ngu hoc, so sanh, vi tu trang thai, trong tieng viet,so sanh voi tieng anh, tran thi minh phuong
Nhận xét
Đăng nhận xét