luan an tien si, ngu van,chuyen nganh, van hoc, trung quoc,tu tuong thien, trong tho, duong, dinh vu thuy trang
TƯ TƯỞNG THIỀN TRONG THƠ ĐƯỜNG
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Sự huy hoàng của xã hội phong kiến Trung Quốc thời Đường (618 – 907) Là điều kiện chính cho sự phát triển đất nước ở nhiều lĩnh vực. Cần nhắc đến ở đây là thành tựu của thơ và thiền. Qua thời gian, thơ Đường ngày càng khẳng định và chứng tỏ vị trí là đỉnh cao bất tuyệt trong thơ ca nhân loại. Và Thiền tông thời Đường cũng là thành tựu mà lịch sử Phật giáo cũng như đời sống văn hóa, tinh thần Trung Quốc nói riêng, lịch sử Phật giáo nói chung ghi nhận như là sự mở ra của một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên phát triển rực rỡ của Phật giáo Đại thừa và Trung Quốc hóa Phật giáo.
Mặc dù là một tôn giáo ngoại lai, thứ đại kỵ của văn hóa Trung Quốc nhưng nhờ tinh thần “tùy duyên” uyển chuyển, tư tưởng Phật giáo không những sớm được hội nhập mà còn có thể cùng với hai tư tưởng bản địa là Nho và Lão làm thành hệ tư tưởng chủ đạo của kiến trúc thượng tầng xã hội Trung Quốc.
Đạo Phật đã gây sự dao động trong tâm hồn người Trung Hoa, bây giờ ảnh hưởng tới các triết gia. Nhiều nhà cũng tập thói quen tham thiền; Có nhà còn trách Khổng Tử là đã bỏ phần siêu hình học, cho lối giải quyết vấn đề nhân sinh và tinh thần của đạo Khổng có vẻ hời hợt, tàn nhẫn quá [20, tr.166].
Đó là chỗ mà Phật giáo đã cống hiến cho nhân sinh Trung Quốc. Cho nên, trong chừng mực nhất định, hiểu được tư tưởng Thiền, nhận ra sự tương thông, sự thâm nhập của tư tưởng Thiền trong thơ và cách dùng thơ để nói đến thiền là đồng thời thấy được phần nào quan niệm sống, phong cách sống và tinh thần dân tộc cao độ của người Trung Quốc. Quan trọng hơn nó sẽ gợi mở ra cho chúng ta những kiến giải, những phương thức tiếp cận hữu hiệu đối với thơ Đường.
Thơ thuộc văn học, thiền thuộc tôn giáo. Nói đến thành tựu của thơ ca Trung Quốc là nói đến thơ Đường, nói về khả năng Trung Quốc hóa tư tưởng ngoại lai là nói về thiền Huệ Năng thời Đường. Thiền và thơ, hai lĩnh vực tưởng như rất khác xa nhau nhưng có thể dẫn ra đây rất nhiều ý kiến của những nhà nghiên cứu, phê 2 bình ở các thời đại khác nhau nói về sự tương thông giữa thơ và thiền. Đại thể đều coi thơ và thiền là đồng bộ. Người ta mặc nhiên thừa nhận sự tương thông huyết mạch giữa thơ và thiền: “Thiền mà không thiền chính là thơ, thơ mà không phải thơ chính là thiền” 1, “Tham thiền và làm thơ vốn không sai biệt” 2 … Nhìn nhận vai trò của thiền đối với thơ Tử Công Lâm3 lại cho rằng: “Thiền có hai ảnh hưởng chủ yếu đối với thơ: Một là lấy thiền nhập vào thơ, lấy thiền ý thiền vị dẫn nhập vào trong thơ; Hai là lấy thiền dụ thơ, lấy quan điểm thiền tông mà luận bàn thơ” [176]. Trong thơ cũng như trong nghiên cứu phê bình thơ Đường người ta tìm thấy ở thiền những phương pháp mang tính định hướng tương đối rõ nét.
Phần thơ Đường nói riêng và văn học Trung Quốc nói chung trong chương trình văn học phổ thông trung học không nhiều. Việc tiếp cận và lý giải nó theo cách thông thường lâu nay là đi vào tìm hiểu luật thi chứ chưa chú ý đúng mức đến thiền cảnh, thiền vị có trong từng tác phẩm. Ở bậc học Đại học Văn học Trung Quốc về cơ bản được trình bày theo các thời kỳ và tác giả lớn của từng thời kỳ. Thi Phật Vương Duy cũng được chú trọng phần nào nhưng một cái nhìn bao quát về sự tương thông giữa tư tưởng thiền và thơ Đường thật sự chưa có cơ sở hệ thống để vận dụng.
Luận án này mong được bổ sung phần nào cho phương pháp luận nghiên cứu thơ Đường, nhất là nghiên cứu mối quan hệ giữa thơ Đường và Phật giáo mà trọng tâm của nó là tư tưởng triết học Thiền.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề:
Ở Trung Quốc có rất nhiều công trình nghiên cứu liên quan tới thơ và thiền đã được thực hiện. Vì vậy ở đây không đề cập đến những công trình chỉ nghiên cứu riêng Thiền hoặc thơ Đường. Ở Việt Nam và các nước khác thì ngược lại, do vì những nghiên cứu chung về hai đối tượng này còn quá ít nên chúng tôi không chỉ điểm qua những công trình có sự so sánh giữa chúng hoặc mang tính khái quát về 1. Tăng Phổ Hà thời Minh, dẫn theo [165, tr. 297] 2. Lý Chi Nghĩa, thời Tống. Dẫn theo [165, tr. 297] 3. Giáo sư Đại học thành phố Đài Bắc, Đài Loan. 3 văn học sử hay thiền nói chung mà còn đề cập đến một số công trình lý luận phê bình có liên quan nhằm để thấy được xu hướng và mức độ nghiên cứu, tiếp cận thiền và thơ Đường của giới học giả Việt Nam và các nước khác.
2.1. Ở Trung Quốc:
Mối quan hệ giữa thiền và thơ Đường rất được các học giả Trung Quốc lưu tâm từ lâu. Từ những năm 30 của thế kỷ XX các học giả Trung Quốc đã dành nhiều bút mực cho việc nghiên cứu và so sánh hai đối tượng này. Phải nói rằng hầu như tất cả vấn đề liên quan đều đã được nghiên cứu. Tuy nhiên, những kiến giải khác nhau cho cùng một vấn đề là khả năng lặp lại hữu ích của một công trình nghiên cứu. Để thấy rõ tình hình và sự phong phú của việc nghiên cứu so sánh, ảnh hưởng thiền và thơ Đường ở Trung Quốc chúng tôi trình bày ra đây đầy đủ chi tiết của mỗi công trình đã được công bố.
Chu Dụ Khải cho rằng: “Sự ảnh hưởng của thiền tông đối với thơ ca TrungQuốc chủ yếu thể hiện trên ba phương diện: Dĩ thiền tác thi (lấy thiền làm thơ), dĩ thiền nhập thi (Đem thiền vào thơ) Và dĩ thiền luận thi (dùng thiền luận giải thơ)”.
Ý kiến này rất tương hợp với sự phân chia các công trình nghiên cứu về hai đối tượng này. “Dĩ thiền tác thi” nên có thi thiền tương thông. “Dĩ thiền nhập thi” nên trong mỗi thi phái, mỗi tác giả, mỗi bài thơ đều có thể ảnh hưởng thiền. “Dĩ thiền luận thi” vì đó như là một phương thức luận giải của chính nó. Phân chia các công trình nghiên cứu như sau đây không phải là hợp lý cho tất cả nhưng cho thấy một sự tương đồng lớn lao từ trong thực tiễn nghiên cứu và sáng tác.
2.1.1. Những công trình nghiên cứu trên phương diện dĩ thiền tác thi:
Theo chỗ được biết, có ba công trình nghiên cứu rất công phu và hệ thống của các tác giả Trung Quốc rất gần với đề tài luận án của chúng tôi. Trước hết là cuốn Trung Quốc thiền tông dữ thi ca của Chu Dụ khải (1992). Như chính tác giả đã nói trong phần kết luận:
Ý của người viết là đi sâu tìm hiểu sự thẩm thấu qua lại giữa thơ và thiền, mở ra một góc nhìn mới về nghiên cứu nghệ thuật và tôn giáo, nhưng rồi khi bắt đầu đặt bút xuống viết thì vẫn nặng về phương diện ảnh hưởng của 4 thiền tông đối với nghệ thuật thơ ca [165, tr. 320].
Tuy vậy, tác giả vẫn dành riêng một chương để chứng minh sự tương thông giữa thơ Đường và thiền1. “Tính phi công lợi chính là phương diện thứ nhất của sự tương thông” đó. Và ở chương VI, Chu Dụ Khải bàn nhiều về bản sắc thiên nhiên như là sự ngẫu hợp của thiền và thơ Đường mà thi tăng Hàn Sơn là người được dẫn nhiều minh chứng nhất cho các luận điểm này.
Sau Chu Dụ Khải, Trương Bá Vi (1996) Với Thi dữ thiền nghiên cứu và Vương Phạm Chí (2000) Với Trung Quốc thi thiền nghiên cứu cũng là những công trình công phu, có nhiều kiến giải đóng góp quý báu. Ngoài ra chúng tôi còn phải kể đến hai tác phẩm: Tư tưởng thiền và thơ tình của Tôn Xương Vũ, xuất bản năm 1997; Thiền với văn hóa và văn học của Lý Tiễn Lâm, xuất bản năm 1998. Những công trình tiếp theo đây tuy không quy mô như ba công trình trên, nhưng chúng đều nhìn nhận sự tương thông kỳ lạ giữa thiền Trung Quốc và thơ Đường:
Cội nguồn Ấn Độ của văn học nghệ thuật thời Đường (1/1973), Lưu Minh Thứ, Nguyệt san Văn Triết, 1 (4); Văn học thời Đường và Phật giáo (1984), Tôn Tinh Vũ, Khoa học Xã hội Thiên Tân, (5), tr. 68 – 72; Triết học nghệ thuật của Trung Quốc: Thi thiền nhất thể hóa (1987), Nhật Phúc Vĩnh Quang Tư, Tạp chí Học viện Sư phạm Hồ Bắc, (3), tr. 43 – 51; Thơ và Thiền (1986), Viên Hành Bái, Tri thức Văn học sử, (10), tr. 18- 24; Thơ và thiền (1988), Lí Tráng Ưng, Tạp chí Đại học Sư phạm Bắc Kinh, (4), tr. 35–46; Lược bàn về thiền và thơ (1988), Tôn Tinh Vũ, Mặt trận khoa học xã hội, (4), tr. 234 – 249.
2.1.2. Những công trình nghiên cứu trên phương diện dĩ thiền nhập thi:
Cụ thể hóa nghiên cứu ảnh hưởng thiền trong thơ những học giả Trung Quốc nhìn nhận sự ảnh hưởng lớn lao của thiền qua việc lý giải các hiện tượng trong thực tế đời sống văn học:
Dân tộc hóa trong tư tưởng Thiền tông và sự phồn vinh Tăng thi trong Văn 1. Xem Trung Quốc thiền tông dữ thi ca – Chu Dụ Khải, tr. 297 5 học Lục triều và ảnh hưởng của Phật giáo (12/1935), Tưởng Duy Kiều, Quốc Gia Luận Hành, kỳ thứ 6; Thiền tông và các tác giả Giang Tây thời Tống (1988), Vương Kì Trân, Tạp chí Đại Học Giang Tây, (4), tr. 24 – 29; Luận về ảnh hưởng của văn học kinh điển Phật giáo đối với biến văn Đôn Hoàng (1985), Lương Đạt Thắng, Tạp chí Đại học Sư phạm Liêu Ninh, (3), tr. 48 – 53; Khảo cứu về thi Phật Vương Duy (9/1936), Nhi Đảo Hiến Kiết Lãng, Nghiên cứu Văn học Trung Quốc, NXB.
Thượng Hải Bắc Tân; Ý thiền và ý họa trong thơ ca của Vương Duy (2/1980), Viên Hành Bái, Mặt Trận Khoa Học Xã Hội, tr. 276 – 283; Tín ngưỡng Phật giáo và sáng tác thơ ca của Vương Duy (2/1981), Tôn Tinh Vũ, Di Sản Văn Học, tr. 44 – 56; Tình thơ – ý họa – lý thiền: Bàn về “Điểu minh giản” của Vương Duy (1982), Lâm Bang Quân, Tạp chí Đại học Sư phạm Bắc Kinh, (4); Tình thơ – ý họa – lý thiền: Thiển bàn về phong cách thơ hậu kỳ của Vương Duy (1983), Sử Song Nguyên, Tạp chí Học viện Sư phạm Nam Kinh, (1), tr. 6; Thẩm mỹ quan thiền tông của Vương Duy và phong cách linh hoạt kỳ ảo (không linh) Của ông (1984), Đào Lâm, Tạp chí Học viện Sư phạm Triết Giang (3);
Những vấn đề liên quan đến sự ảnh hưởng của Phật giáo đối với Liễu Tông Nguyên và bình luận đánh giá về thơ “Thiền lý” (1981), Ngô Văn Trị, Văn Sử Triết (6), tr. 53 – 62; Liễu Tông Nguyên và Phật giáo, Tạ Hán Cường (1983), Nghiên cứu Lịch sử Triết học Trung Quốc, (3), tr. 82 – 89; Liễu Tông Nguyên và Phật giáo (1984, Lại Vĩnh Hải, Nghiên cứu Triết học, (3), tr. 59 – 65; Thơ Sơn thủy của Liễu Tông Nguyên và tư tưởng Phật Nho (1985), Cảnh Khải Toàn, Nguyệt san Học thuật, (5), tr. 56 – 60; Sơ lược về thi tăng Quán Hưu và thơ của ông (1984), Hoàng Thế Trung, Tạp chí Học viện Sư phạm Triết Giang, (2), tr. 72 – 80; Bạch Cư Dị và đạo Phật (1984), Trương Lập Danh, Tạp chí Học viện Sư phạm Tương Đàm, (2), tr. 29 – 35; Lý luận về tư tưởng thiền tông Phật giáo và văn học của Tô Thức (1989), Lưu Thạch, Thiên Phủ Tân Luận, (2), tr. 77 – 84.
Thời Vãn Đường (1987), Hoàng Tân Lượng, Tạp chí Học viện Sư phạm Ích Dương, (3), tr. 7-12; Thi tăng và tăng thi thời Đường (1984), Trình Dụ Trinh, Tạp chí Đại học Nam Kinh, (1), tr. 34 – 41.5. Nhiều nhất vẫn là những công trình nghiên cứu viết về ảnh hưởng, tương 6 thông giữa thiền với thơ từng tác giả, từng thi phái, từng thời kỳ. Điều này nói lên khả năng ứng dụng rộng lớn và thiết thực của vấn đề. Chúng tôi không có điều kiện để nắm đầy đủ danh mục các công trình nghiên cứu, ở đây chỉ là một số rất ít của các công trình đó:
2.1.3. Những công trình nghiên cứu trên phương diện dĩ thiền luận thi:
Sơ lược về thuyết “Thi thiền tương thông” (1987), Thôi Đại Giang, Tạp chí Đại học Sư phạm Hoa Nam, (2), tr. 26 – 32; Luận về “Diệu ngộ” (1984), Trương Nghị, Nghiên Cứu Lí Luận Văn Nghệ, (4), tr. 85 – 89; Thiền học - Thi học - Mỹ học:
Bàn về “dĩ thiền dụ thi” trong “Thương lãng thi thoại” (1985), Lưu Văn Cương, Tạp chí Đại học Liêu Ninh, (3), tr. 43 – 48; Bàn về “dĩ thiền dụ thi” (1985), Chu Chấn Phủ, Tri thức Văn học sử, (10), tr. 71 – 74; Ý tưởng Thiền cảnh và ý tưởng thẩm mỹ (1987), Mậu Gia Phúc, Nghiên cứu Văn Nghệ, (5), tr. 77 – 83; Nghiên cứu so sánh về tư tưởng Thiền tông thời kỳ đầu và thời kỳ cuối (1987), Lại Vĩnh Hải, Tạp chí của nghiên cứu sinh học viện Khoa Học Xã Hội Trung Quốc, (5), tr. 4-8.
Phật giáo và văn hóa truyền thống Trung Quốc, Thượng Hải nhân dân xuất bản xã, Thượng Hải, 1998 của Phương Lập Thiên tuy không trực tiếp nghiên cứu mối quan hệ giữa thiền Phật giáo với văn học, song đã đề cập đến ảnh hưởng của Phật giáo đối với văn hóa nói chung ở các nước như Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Phật giáo Trung Quốc mà ông nói đến là Phật giáo thời Tùy Đường, văn hóa truyền thống mà ông đề cập đến trong đó có sự góp mặt quan trọng của thơ Đường. “Trong trái tim khối óc của người Nhật, thơ Đường được coi là trường phái thơ cổ điển của đất nước mình” dtamdsupers (1). Một công trình khác của ông cần đề cập chi tiết ở đây là Cảnh giới thi ca thiền tông.
Đóng góp đáng chú ý của công trình là phần trình bày về “cơ chế phát sinh cảm ngộ thẩm mỹ thiền tông”. Bắt đầu từ ý kiến cho rằng “Điều quan tâm cuối cùng của thi ca thiền tông” là “bản lai diện mục” Phương Lập Thiên đã đi 1. Phương Lập Thiên, Phật giáo và văn hóa truyền thống Trung Quốc 7 sâu vào phân tích “ba giai đoạn kiến sơn” 1 như là phương cách tương ứng để hiển lộ “bản lai diện mục” đó. Tuy công trình chỉ gói gọn trong thi ca thiền tông Lâm Tế và thơ tụng cổ nhưng đã gợi mở cho chúng ta cái nhìn tương thông giữa cảnh thơ với cảnh thiền mà luận án sẽ có dịp đề cập đến ở chương 3.
2.2. Ở Việt Nam:
Mặc dù còn ít ỏi và có thể coi là sơ lược nhưng giới học giả Việt Nam đã quan tâm nghiên cứu thiền và thơ Đường với nhiều khuynh hướng khác nhau.
2.2.1. Sách dịch:
Trước hết nói về việc giới thiệu nguyên tác thơ Đường. Theo tài liệu xưa nay thường nhắc đến, thơ Đường có hơn 48.000 bài của 2300 nhà thơ. Con số khổng lồ đó cần được nhắc lại khi đề cập đến việc dịch thơ Đường ở Việt Nam. Dịch phẩm đầu tiên là Thơ Đường tuyển tập của Nam Trân (tập hợp những bản dịch hay của các dịch giả tên tuổi như: Tản Đà, Ngô Tất Tố, Tương Như…). Thơ Đường của Trần Trọng San, Đường thi của Trần Trọng Kim. Bên cạnh đó còn có Vương Duy thi tuyển, Lý Bạch thi tuyển, Đỗ Phủ thi tuyển, Thế giới thi ca thiền Hàn Sơn của các dịch giả Giản Chi, Trúc Khê, Vũ Thế Ngọc… Dịch phẩm nguyên tác thơ công phu, đầy đủ nhất hiện nay là Đường thi tuyển dịch của Lê Nguyễn Lưu. Cuốn sách gồm hơn một nghìn bài thơ của 180 tác giả với mở đầu là phần tiểu luận, cung cấp một cái nhìn tương đối khái quát về thơ Đường. Tổng kết lại tất cả vẫn còn là một con số quá khiêm tốn so với số lượng hiện có của “Toàn Đường thi”.
Sách nghiên cứu thơ Đường của các học giả Trung Quốc được dịch sang tiếng Việt cũng không nhiều. Nhân sinh quan và thơ văn Trung Hoa của Lâm Ngữ Đường, Nguyễn Hiến Lê dịch (1970) Là tác phẩm thường được nhắc đến. Cuốn sách không đầy 200 trang nhưng đã lý giải một cách thuyết phục về vai trò của thơ ca trong đời sống tinh thần dân tộc Trung Quốc. Tuy đề cập đến cả ba tư tưởng lớn 1. Thiền sư Thanh Nguyên Duy Tín nói: “Lão tăng ba mươi năm trước khi học thiền thấy núi là núi, sông là sông. Kịp đến sau này thân cận yết kiến thiện tri thức, có chỗ ngộ nhập thì thấy núi không phải là núi, sông không phải là sông. Đến nay được chỗ nghỉ ngơi, buông bỏ xuống, lại thấy núi là núi, sông là sông” Nho, Lão và Phật nhưng đặc biệt nhấn mạnh tinh thần thực tiễn của Nho gia, tác dụng “phủ lên kiếp trần một bức màn thưa đẹp đẽ” của Lão gia còn Phật giáo ít được đề cập đến.
Thơ thiền Đường Tống của Đỗ Tùng Bách do Phước Đức dịch (2000) Tuyển chọn thơ của các thi tăng, phần lớn có xuất xứ từ công án ngữ lục và tác phẩm của thi tăng thời Tống. Trong hai chương “Thiền vị trong thơ Đường Tống”, “Thiền gia tông phái và Giang Tây thi phái” Đỗ Tùng Bách đã sơ lược trình bày những vấn đề tương quan thiền và thơ. Sự hợp lưu giữa thiền và thơ: Sự khác biệt, khả năng dung hợp, quá trình dung hợp giữa thiền và thơ đã bước đầu được tác giả bàn đến mặc dù còn rất sơ lược. Điểm mới của công trình này cần nhắc đến ở đây là phần “Sự cấu thành thiền vị trong thơ Đường Tống”. Nhưng cách làm của ông là phân chia thiền trong thơ ra ba cấp độ biểu hiện: Thiên thú thi, lý thú thi và thiền thú thi 1. Ông đề cao thơ thiền vị với kết luận: “Đặc chất của thơ Đường Tống là nơi thiền vị”. Nhìn chung, dù còn sơ lược nhưng công trình này đã đề cập tương đối nhiều vấn đề hữu ích cho việc nghiên cứu so sánh, tương thông giữa thiền và thơ Đường.
Không đặt thơ Đường trong so sánh với thiền, công trình Nghệ thuật ngôn ngữ thơ Đường của Cao Hữu Công, Mai Tổ Lân do Trần Đình Sử và Lê Tẩm dịch đã đưa ra hướng tiếp cận thơ Đường bằng lý luận hiện đại của các nhà lý luận phê bình phương Tây như: T. E. Hulme, Ernest Fenollsa, Jakobson… Theo chúng tôi, phần nghiên cứu ngữ nghĩa, ẩn dụ và điển cố trong thơ Đường là một gợi ý lớn khi đi vào tìm hiểu thế giới nghệ thuật thơ.
Các tác phẩm dịch khác như: Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp, Phan Ngọc dịch và giới thiệu (in lần 1 năm 1996, lần 4 năm 1999); Kim Thánh Thán: Phê bình thơ Đường, Trần Trọng San dịch (1990); Lý luận văn học nghệ thuật cổ điển Trung Quốc của Khâu Chấn Thanh, Mai Xuân Hải dịch (1992) Thể hiện sự quan tâm của học giả Việt Nam đối với nghiên cứu phê bình văn học cổ điển Trung Quốc. Những 1. Thơ vịnh thú thiên nhiên, thơ có ý vị kỳ lạ và thơ có thiền vị. Xem [2, tr. 337]. 9 công trình này sẽ cung cấp cho bạn đọc những lý luận mang tính cơ sở trong việc tiếp cận thơ Đường. Phê bình thơ Đường của Kim Thánh Thán gợi mở một cách đọc thơ và “ngộ” giải thơ tràn đầy sự tương cảm giữa con mắt thiền giả và tấm lòng thi nhân…
Lịch sử văn học Trung Quốc của Sở Nghiên cứu văn học Trung Quốc là một tư liệu quan trọng trong dạy và học Văn học Trung Quốc ở bậc học Đại học. Bàn về nguyên nhân hưng thịnh của thơ Đường, các tác giả này cho là do sự phát triển của bản thân các hình thức văn học quyết định và những nhân tố bên ngoài thúc đẩy.
Trong các nhân tố bên ngoài đó, nhóm tác giả này đề cập đến cảnh tượng “trăm nhà đua tiếng” mà Phật giáo như là một nhân tố quan trọng thuộc kiến trúc thượng tầng góp phần làm thơ Đường trở thành đỉnh cao bất tuyệt.
Điểm qua các công trình nghiên cứu thiền và thơ Đường ở Trung Quốc cũng như những dịch phẩm về Văn học Trung Quốc ở Việt Nam như trên là để thấy được sự “bao la vạn tượng”, những góc nhìn thơ từ “mắt thiền”, tư tưởng thiền trong thơ Đường được coi trọng như thế nào và nền học thuật văn học Trung Quốc ở ViệtNam cần bổ sung những gì.
2.2.2. Sách nghiên cứu:
Không tìm thấy một tài liệu tham khảo chính nào bằng tiếng Việt, thậm chí, sách dịch cũng không. Trong nhiều chục năm nay ở bậc Đại học, Cao học, Nghiên cứu sinh có nhiều công trình nghiên cứu về thơ Đường, tuy có một số luận văn nói đến tư tưởng Thiền và thơ nhưng chỉ dừng ở thơ Vương Duy nên chưa thấy được tầm ảnh hưởng sâu, rộng và hầu như đồng bộ của nó.
Từ những năm 1955-1975 những tác giả như Nhất Hạnh (Nguyễn Lang), Tuệ Sỹ, Đoàn Trung Còn, Lê Mạnh Thát đã có rất nhiều công trình nghiên cứu nhưng chủ yếu vẫn thuộc lĩnh vực Sử học và Văn hóa học. Ảnh hưởng của thiền đến văn hóa, văn học không phải không được đề cập đến trong các công trình nghiên cứu của họ nhưng không phải là hướng nghiên cứu chủ đạo nên thường là những nhận định chung, mang tính khái quát.
Từ những năm 90 của thế kỷ XX trở lại đây đã có những công trình đi vào 10 nghiên cứu hệ thống và chính diện hai đối tượng thơ và thiền. Luận án Tiến sĩ Ngữ văn của Thích Đồng Văn (2004): Biến văn thời Đường và ảnh hưởng của Biến văn trong Văn học Trung Quốc; Lịch sử tư tưởng thiền từ Veda Ấn Độ tới thiền tông Trung Quốc, Hoàng Thị Thơ (2005) Là cách thể hiện sự quan tâm tới thiền và văn học Trung Quốc ở góc nhìn so sánh chuyên biệt mỗi lĩnh vực. “Nghiên cứu so sánh thơ thiền Lý-Trần (Việt Nam và thơ thiền Đường-Tống (Trung Quốc)”, Lê Thị Thanh Tâm (2007); Nghệ thuật hội họa trong thơ sơn thuỷ điền viên của Vương Duy, Trần Thị Thu Hương (2001); Thơ thiền Vương Duy – một điển hình của hiện tượng thi tăng, Nguyễn Thị Diệu Linh (2001) Là những công trình đã chọn điểm nhìn mới và khá sắc sảo. Vấn đề “thi trung hữu họa” không phải là đặc trưng riêng có trong thơ Vương Duy. Mỗi bài thơ Đường đều có thể là một bức tranh. Ngoài nguyên tắc điều phối màu sắc, tác giả Trần Thị Thu Hương chỉ ra “tính họa” trong thơ Vương Duy bằng luật viễn cận với ba chiều kích: Điểm nhìn mặt phẳng, điểm nhìn trên - dưới, điểm nhìn di động. Có một điểm nhìn siêu cá thể của tâm hồn thiền giả, ẩn giả, của cái ta luôn hòa nhập với bản thể vũ trụ cũng được sáng lên trong bức tranh thiên nhiên đó.
Công trình Khảo sát đặc trưng nghệ thuật của thơ thiền Việt Nam thế kỷ X – thế kỷ XIV của tác giả Đoàn Thị Thu Vân (1996) Cũng chủ yếu đi vào tìm hiểu nghệ thuật thơ. Tác giả đã đưa ra những kết luận thuyết phục trên cơ sở nghiên cứu thống kê và cũng đã dành riêng một chương để so sánh “Đặc trưng nghệ thuật trong thơ thiền Lý-Trần với thơ Nho cùng thời và thơ thiền Trung Quốc, Nhật Bản”.
2.2.3. Báo, tạp chí:
Ảnh hưởng của Phật giáo trong thi ca của Nguyễn Xuân Sanh được công bố trên Tạp chí Đại học năm 1959 có lẽ là công trình đầu tiên trực tiếp nghiên cứu mối quan hệ và ảnh hưởng của hai đối tượng thơ và thiền. Rất nhiều công trình nghiên cứu tương tự khác đã được đăng tải trên các tạp chí nghiên cứu. Từ quan tâm chủ yếu về văn hóa, lịch sử của những công trình nghiên cứu trong những năm trước 1945, từ những năm 90 trở lại đây, giới nghiên cứu bắt đầu dành sự chú ý tới mối quan hệ văn học Trung Quốc, thơ văn Lý-Trần và thiền Phật giáo. Có thể kể một số 11 công trình như: “Ảnh hưởng của Thiền tông đối với văn hóa Trung Quốc và thế giới” của Tôn Thất Lợi (1997); “Mối quan hệ giữa Phật giáo với văn học” của Nguyễn Công Lý (1998). “Phật giáo và văn học Trung Quốc” của Lê Kỉnh Tâm (2003); “Phật giáo với văn học Việt Nam” Nguyễn Duy Hinh (1992), “Thơ thiền và việc lĩnh hội thơ thiền thời Lý” của Nguyễn Phạm Hùng (1992) …
2.3. Ở các nước:
So với thơ Đường thiền được các nước phương Tây biết đến nhiều hơn và do vậy cũng có nhiều công trình nghiên cứu hơn. Người có công đem Thiền giới thiệu ra thế giới phương Tây một cách hệ thống và có sức hút đáng kể là thiền sư người Nhật D. T. Suzuki 1 với bộ “Thiền luận” của ông. Chúng tôi chưa tìm thấy một công trình nghiên cứu nào nghiên cứu chung hai đối tượng thiền và thơ Đường ở các nước khác. Chủ yếu vẫn là những công trình giới thiệu thiền hoặc nghiên cứu thiền trong tương quan với lịch sử, văn hóa. Đạo giáo và các tôn giáo Trung Quốc của Henri Maspero2 (1999) Là một tác phẩm tiêu biểu đã được dịch sang tiếng Việt.
Tìm hiểu thiền với cuộc sống - ngụ ngôn thiền (Zen Fables for Today) Là tuyển tập những câu chuyện thiền ý nhị được tái hiện từ công án thiền Trung Quốc của thiền sư Richard Mclean đã được dùng để hướng dẫn thiền ở trung tâm thiền do ông sáng lập ở Đức.. . Tuy không phải là một công trình nghiên cứu hệ thống nhưng như bài viết ngắn về thiền và thơ3 của nhà nghiên cứu Đông phương người Nga, T. P. Grigorieva là khá hiếm. Hiện tại, chúng tôi chưa được biết có công trình nghiên cứu nào ở các nước khác liên quan gần đến đề tài luận án của chúng tôi.
-----------------------------------------
MỤC LỤC
Mở đầu
1. Lý do chọn đề tài
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu và nguồn tư liệu
4. Phương pháp nghiên cứu
5. Đóng góp mới của luận án
6. Cấu trúc luận án
CHƯƠNG 1 - THƠ VÀ THIỀN TRONG ĐỜI SỐNG TINH THẦN TRUNG QUỐC THỜI ĐƯỜNG (618-907)
1.1. Tiền đề cơ bản cho sự hưng thịnh của Thơ và Thiền
1.1.1. Điều kiện văn hóa xã hội
1.1.2. Tương hợp nội tại Nho, Lão, Phật và con đường của Huệ Năng
1.1.3. Những thể nghiệm nhân sinh của Nho, Lão và Phật trong đời sống xã hội
Trung Quốc
1.2. Thiền học là tinh hoa Phật học Trung Quốc
1.2.1. Khởi nguyên của Thiền Trung Quốc
1.2.2. Giới thuyết về Thiền
1.2.3. Quá trình du nhập và phát triển
1.3. Thơ và quá trình phát triển của thơ ca Trung Quốc
1.3.1. Thơ ca trong quan niệm của người Trung Quốc
1.3.2. Quá trình phát triển của thơ ca Trung Quốc
CHƯƠNG 2 – SỰ TƯƠNG THÔNG GIỮA TƯ TƯỞNG THIỀN VỚI NỘI DUNG THƠ ĐƯỜNG
2.1. Một số tư tưởng Thiền chủ yếu trong thơ Đường
2.1.1. Bình thường tâm là Đạo và bản sắc thiên nhiên
2.1.2. Vô ngã, vô thường
2.1.3. Tự tánh thanh tịnh
2.1.4. Bất tận hữu vi, bất trụ vô vi
2.2. Thiền trong đề tài sáng tác của thơ Đường
2.2.1. Đề tài Sơn thuỷ điền viên
2.2.3. Đề tài Xã hội
2.3. Khẳng định và biểu đạt cái tôi chủ quan
2.3.1. Nhạy cảm trước đổi thay
2.3.2. Cái tôi hoài vọng, đăng cao vọng viễn và con đường vong ngã
2.3.3. Độc thiện kỳ thân
2.3.4. Tự tại và bản sắc thiên nhiên
2.4. Các cấp độ Thiền
2.4.1. Thiền ngữ
2.4.2. Thiền lý
2.4.3. Thiền vị
CHƯƠNG 3 – SỰ TƯƠNG THÔNG GIỮA TƯ TƯỞNG THIỀN VỚI NGHỆ THUẬT THƠ ĐƯỜNG
3.1. Tư duy Thiền – tư duy Thơ
3.1.1. Tư duy hướng nội
3.1.2. Tư duy trực giác
3.1.3. Tư duy phi logic
3.1.4. Tư duy hiện tượng - bản thể
3.2. Ngôn ngữ Thiền – ngôn ngữ Thơ
3.2.1. Sự tiếp biến ngôn ngữ
3.2.2. “Bất lập văn tự” và ngôn ngữ ý tượng, điển cố
3.3. Cảnh Thiền – Cảnh Thơ
3.3.1. Không gian, thời gian, con người
3.3.2. Tiếng động, màu sắc
3.3.3. Cách gợi tả và cấu trúc mở của thơ Đường
Kết luận
Tài liệu tham khảo
----------------------------
keyword: download luan an tien si, ngu van,chuyen nganh, van hoc, trung quoc,tu tuong thien, trong tho, duong, dinh vu thuy trang
linkdownload: LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN
Nhận xét
Đăng nhận xét