Chuyển đến nội dung chính

Truyện Ngắn Trăng Muộn

Trăng Mun


Miên bị cấm bước lên nhà từ lúc vợ mới của chồng trở dạ. Bấy giờ là nửa đêm. Con dốc chạy từ chân thang nhà này xuống bản mỗi lúc một nhiều hơn những ánh đóm lập lờ xuôi ngược, cùng tiếng người đi lại rậm rịch, làm lũ chó mấy nhà gần đấy sủa inh cả một góc đồi. Đàn bà họ Hà đến đã đông lắm, chia nhau làm việc nọ việc kia. Người nhóm bếp nấu nước, người đốt đuốc vào đồi chặt cây ông chườm bụng, người ngồi xé váy cũ làm tã, vài người chỉ túm tụm để thì thầm gì đó. Càng lúc Sính càng khóc rên nhiều hơn, thở dồn dập. Các cơn rặn cũng dầy hơn. Mấy người già chen lời dặn nọ, quát kia. Có lẽ đứa bé sắp ra rồi. Miên ngửa cổ lên, chạy vào chạy ra khắp gầm sàn, đứng hết chỗ này chỗ khác, cố tìm một vị trí để có thể nhìn thấy gì đó trên gian bếp. Nhưng những cái khe sàn nhỏ hẹp ấy chỉ đủ cho chút ánh sáng leo lét của đèn dầu và bếp lửa liu riu lên xuống, thi thoảng lại bị che tối bởi bóng người ngang qua ngang lại.



Miên bất lực ôm lấy chân cột ở gian Sính nằm, ngửa mặt lên sàn để có thể nghe được từng âm thanh trên đó. Rồi chẳng biết từ lúc nào, thấy trán mình cũng vã tướp mồ hôi, người run run, thở khó nhọc như khi đói gánh nước ngược dốc. "Thế, sắp được rồi, lấy hơi sâu vào rồi rặn mạnh, a... a... a, ôi... trời... ơi..., Bá Đủ, bá Đủ à tỉnh lại đi..., oe oe...". Hỗn độn mớ âm thanh, những tiếng kêu la rên khóc, thảng thốt trên gian bếp bất chợt dồn lên nhau, dội vào tai làm Miên rụng rời tay chân, người như chết lặng. Cảm giác rõ cái gì đó nhưng nhức đau, nheo nhẻo xót, rần rật như từng làn nọc độc của lá nánchà trên da thịt, lan nhanh vào tim gan cô. Miên đã rất sợ linh cảm của mình về giây phút này và cuối cùng thì nó đúng. Đúng như một sự trừng phạt cho cái ý muốn ích kỷ của mình. Miên thấy mình có tội lắm, không phải với Sính, không phải với chồng hay nhà họ Hà, mà với đứa trẻ kia. Rồi ngày mai ngày mốt gì đó thôi, nó cũng sẽ phải chết oan nghiệt như con của Miên, chết ngay khi tiếng khóc còn tròn vành vạnh trên bờ môi khát sữa, giữa một khe đá lạnh trong rừng thẳm. Và đời Sính có thoát khỏi cái chuồng trong gầm sàn này, sống kiếp con trâu con ngựa như Miên không? Đưa tay bụm miệng giữ tiếng khóc, Miên lao như điên ra khỏi gầm sàn về phía khạ nước bên đồi.

*

Lần mò dưới ánh sáng li ti của nhúm mắt than còn rừng rực trên gộc củi to, nàng lén lút lết ra khỏi chõng bếp, khẽ hạ sấp mình xuống sàn trườn nhẹ lại xó nhà. Ở đó đứa bé đang khóc ngặt đi vì khát sữa, tay chân cố vùng vẫy trong manh chiếu rách bó quanh mình. Nó đã khóc đến khản lạc giọng. Vừa chạm tay được đến bọc chiếu, nàng ngồi bật dậy, bế nhanh lấy con, thu mình vào trong góc khuất, luống cuống vén áo nhét vội núm vú vào miệng nó. Thằng bé ngửi thấy mùi mẹ càng khóc lớn hơn, như mừng rỡ như dỗi hờn. Nàng run rẩy lo sợ, chỉ cần ai đó bắt gặp việc này thì thằng bé sẽ chẳng còn được bú thêm một giọt sữa nào cho đến khi chết đi vì đói. Vừa ngậm vú mẹ vừa nấc tủi, sau một lúc nó cũng im thin thít, chỉ còn tiếng mút chìn chịt, tiếng nuốt ừng ực trong sự thỏa khát ngọt ngào. Nàng ngồi mân mê thân thể kỳ dị tội nghiệp của con, hôn hít điên cuồng lên đôi tay đôi chân khều khào co quắp, vuốt ve cái u nhọn ở lưng, áp má vào gương mặt méo mó trên cái đầu cũng méo mó được gác lên bờ vai không có cổ.

Họ đã bỏ thằng bé vào xó nhà từ lúc lọt lòng mẹ và đợi ngày nó tắt thở mà đem chôn.

Hình hài nó ám ảnh đến hãi hùng những ai từng nhìn thấy, từng nghe kể lại. Người ta bảo đó là ma cớt. Ở Mường, đứa trẻ nào sinh ra mà có hình hài bất thường gớm giếc, hay biểu hiện khác thường đều có chung số phận của ma cớt, sẽ bị cuốn trong tấm chiếu rách, bỏ vào xó nhà cho đến khi chết đi. Người Mường bảo, ma cớtlà hồn ma người già vừa chết, đầu thai lại làm trẻ nít. Nhưng đứa trẻ này ông Ậu nói không phải trẻ cớt già, mà là cớt ma cớt quỷ. Nó là con quỷ rừng, ếm vía, chui vào bụng nàng để được về bếp nhà người nương hồn mà quấy quả. Ngay sau hôm sinh ra, ông Đủ đã gọi thầy về tơm cúng, đẩy hồn cho nó nhanh về rừng. Thế nhưng đã bảy ngày bảy đêm, nó cứ lớn lên, tiếng khóc khỏe khoắn hơn mỗi ngày dưới xó nhà, làm cả họ hoang mang sợ hãi. Tiếng dữ lan nhanh khắp bản khắp mường theo những lời kể được thêu dệt thêm, khiến nhà này càng lúc càng căng nghẹt âm khí hãi hùng. Người trong nhà thì lánh xa gian bếp như tránh những điều xấu điều rủi. Chỉ riêng nàng không thấy sợ, kể cả nó có là ma quỷ, nó sẽ hại chết nàng đi nữa nàng vẫn muốn được chăn ẵm, bế bồng, muốn được nuôi nấng nó.

Từng ấy ngày đêm, không mấy lúc nàng chợp mắt, đau đáu thức theo từng tiếng thở của con, bất kỳ khi nào vắng người lại trườn đến bên, lén lút vội vàng cho con bú. Ngày sinh ra nó, hạnh phúc và nỗi đau trộn lẫn vào nhau cào cấu tâm can nàng đến rồ dại. Ai hiểu, nỗi khát khao làm mẹ, sự đau đáu tiếng trẻ khóc của người đàn bà đã mấy lần nghén củ măng đắng, nghén trái chu rừng? Để rồi cứ quằn quại nhìn những hình hài méo mó, chưa kịp giống người đã tím tái hay vàng ởn, tắt thở ngay lúc vừa lọt lòng mẹ. Ai hiểu, mỗi lần trở dạ non tháng nàng lại hoang mang đến nghẹt thở, chỉ cầu mong duy nhất một điều rằng, được nghe tiếng con khóc ngay sau cơn rặn cuối cùng? Và đây, lần đầu tiên nàng mang thai đủ chín tháng, nỗi khao khát được nghe con quẫy đạp, được nghe tiếng con khóc đã thỏa nguyện, nên nàng ngất lịm đi vì hạnh phúc, rồi lại ngất lịm đi ngay khi vừa tỉnh dậy mở mắt nhìn thấy hình hài của con. Thế rồi đau đớn kiếp người cũng từ khi ấy bắt đầu đeo bám đời nàng.

Sang ngày cữ thứ tám, nhà họ Hà làm lễ tơm cúng to lắm, từ sáng sớm đã rậm rịch người đến bắt gà bắt lợn, cắt cổ mổ bụng, gọi nhau í ới khiêng ra suối ra ao làm lòng làm ruột. Đàn bà lo vào đồi chặt thêm củi, vác ống sang khạ lấy nhiều nước, bà Đủ đong mấy thúng gạo nếp cho bọn con gái gánh ra mó vò sạch rồi đem về ngâm đầy chiếc sanh lớn. Chập chiều cỗ lễ đã xong, ông Ậuđược rước về khi con gà vừa vào chuồng. Ậungồi vào mâm lễ lúc mọi nhà sàn bắt đầu lên đèn. Mùi nhang khói, giọng cúng khấn trầm buồn ỉ ôi ai thảm làm cho không khí ngôi nhà như có đám khó. Trong xó bếp, thi thoảng lại ré lên ngằn ngặt từng cơn khóc khản lạc của ma cớt, khiến ai cũng thấy rờn rợn. Họ quẩn quanh nhau bên đống lửa dưới sân, chẳng ai muốn rời đi đâu.

Trên chõng cữ, nàng không nằm cũng không ngồi, ôm chiếc chăn vần vò liên tay, hễ đặt lưng xuống lại bật dậy, hết xoay nghiêng lại dựa cột, mắt lúc nào cũng ngân ngấn ướt, đỏ hoe và sưng húp. Từ sáng sớm đông người ra vào, không lúc nào có cơ hội cho con bú, thằng bé đói khát, khóc nhiều cứ lả đi, có lúc chỉ còn khì khẹt được vài tiếng rồi lịm thinh. Lòng như có lửa, nàng cầu mong cho nhanh xong lễ, mong mọi người nhanh về hết trước khi thằng bé kiệt sức vì đói.

Quá nửa đêm lễ tơm cúng mới xong. Ậu vừa dứt giọng gọi người thu lễ nàng đã chồm vội dậy ngó ra gian thờ. Nhiều người đang tất bật chuẩn bị những gì đó bên chiếc mâm gỗ to, sắp vài thứ đồ đạc như chăn chiếu cũ trong cái troi nôi nhỏ, hình như để đem đi xa. Dưới sân, mấy gã đàn ông giục nhau bó đuốc, châm lửa. Nàng đau đáu nhìn vào xó tối ấy, vuốt tay lên ngực thở một hơi dài, gương mặt nửa lo âu nửa mừng rỡ. Bỗng Ậuđi về phía bếp, tay bưng theo bát nước lấy từ mâm thờ, dừng lại trước mặt nàng lẩm bẩm một hồi, xong nhúng tay vào trong chiếc bát rồi vuốt vuốt nước gì đó lên tóc nàng nói khẽ:

- Vía lành vía tốt, từ nay đừng rước ma rừng, hồn lạc về bóng nhà nữa mà phải tội!

Dứt lời,Ậu ra hiệu cho người soi đèn, tiến lại nơi cái bọc chiếu rách. Lúc này đứa trẻ đã lặng im sau một hồi quẫy khóc.

Ông hà hà hơi vào bát nước rồi tưới khắp người nó, miệng khấn lớn:

- Đêm nay tôi phải về núi thôi, ma rừng không ở bếp nhà người được, tôi đi không tiếc không luyến bóng bếp vía nhà, đừng ai khóc ai giữ mà phải tội.

Thằng bé bị tưới nước lạnh giật tỉnh, thét lên "oe oe" được vài tiếng rồi lại ngằn ngặt đi từng cơn trong tiếng khóc khản quánh. Ông Ậu quay sang người đàn bà đứng bên ra lệnh:

- Bế nó ra troi khiêng đi cho kịp giờ lành.

Nàng bật dậy khỏi chõng, lao sang phía người đàn bà nọ, lập cập cuống quýt:

- Bế... bế... nó đi đâu... đi đâu thím à?

- Hôm nay làm lễ đưa ma cớt về rừng mà, còn ở bóng nhà bóng bếp nó không chết cho đâu.

- Đem nó vào rừng sao? Nó chết mất đấy! Không... không được đâu!

Chưa hết lời, nàng đã chồm tới, đưa tay định giằng lấy cái bọc, mẹ chồng từ phía sau bất ngờ túm áo giật mạnh, làm nàng ngã ngửa ra sàn sau tiếng quát nghiến kèn kẹt qua kẽ răng:

-Trời ơi...! Con cọp bắt, mày muốn giữ họa cho nhà này à?

Cả đám người xúm lại, trợn mắt ái ngại bởi hành động như bị ma nhập của nàng. Mấy người già bặp môi khẽ rít giọng: "Cọp bắt à? Có im cái miệng đi không, kiêng lắm". Vừa nức nở vừa cố ngóc dậy nàng van xin:

- Mế ơi, con lạy con van mế, đừng bắt nó chết mế à, nó là con của con...

Bà Đủ không thèm nhìn, quay sang giục người thím họ ôm trẻ cớt nhanh xuống thang. Nàng trườn người lao theo ôm lấy chân người đàn bà nọ, khóc nức cố rặn thành lời:

- Không, đừng...! Van thím đó, thím ơi... thím để con bế nó, để con đem nó đi khỏi đây, gặm sàn lạy thím, thím ơi... đừng...đừng thế...!

Câu nói còn vướng sau từng tiếng nấc hụt hơi thì nàng đã bị đạp ngã nhoài ra, lập tức mấy người đứng cạnh túm chân tay lôi vào góc xó. Nàng rũ rượi trong nước mắt đầm đìa, tóc tai rối bù, cố vùng vẫy gào khóc. Khả từ dưới sân chạy lên, xồng xộc lao đến giằng lấy vợ ôm ghì vào lòng, run rẩy không nói được nửa lời. Nàng đẩy Khả ra đập tay liên hồi lên người chồng nghẹn nấc:

- Nó... nó còn biết bú đấy, nó khóc tiếng người mà, engcứu con với, nó là con ta mà,eng thương ún...

Khả cắn răng, mắt đỏ hoe len rỉ hai hàng nước ngân ngấn, nhìn vợ khóc lả tuyệt vọng đang cố ngoái đầu ra phía cửa chồ, đau đáu mắt theo những đốm đóm mờ khuất bên đồi. Tiếng đứa trẻ khản thiết nhỏ dần tan mòn vào hun hút đêm. "Con... ơ... ơ... i...!". Nàng đổ gục xuống tay Khả, ngất lịm khi tiếng nấc gọi cuối cùng còn mắc lại sau miếng giẻ chật cứng trong miệng mà người ta nhét vội.

***

Nàng tỉnh lại vào một đêm muộn trăng, quờ tay tìm chồng chạm vào bốn bên phên vách xéo xộc, chật chội. Nàng hoảng hốt, bật khóc, đập cửa gọi chồng khi nhận ra mình bị nhốt trong một cái chuồng nhỏ dưới gầm sàn. Nhưng chẳng có tiếng đáp ngoài tiếng lũ gà chuồng bên nhao nhác vì bị nàng đánh thức và âm thanh rỉ rả não nề của lũ côn trùng đêm. Vài vệt trăng len qua khe vách loang loáng như ma trơi theo từng cử động hoảng hốt điên loạn của nàng. Rồi lũ gà cũng mặc tiếng khóc ấy, lặng dần chìm vào giấc ngủ.


Chừng như chúng đã quen những đêm bị đánh thức như thế, và mọi người ở cái nhà này cũng quen với tiếng gào khóc vô thức của nàng, duy đêm nay nàng biết điều đó. Đêm lặng im đến tàn nhẫn. Bất lực, gục rũ lên tấm phên cửa nàng ngồi nhìn trăng đợi sáng. Và mãi trời cũng sáng. Đó là một buổi sáng nghiệt ngã, mà đôi lần sau này nàng từng ước giá mình đừng tỉnh lại. Sớm đó, khi mẹ chồng vừa mở cửa gian cũi, nàng vội vã lao ra như con thú xổng chuồng, mừng rỡ chạy ngược thang về phía buồng, khấp khởi vén màn lên gọi chồng:

- Eng Khả à, sao để úndưới đó như thế, s... a... o...?

Lời nói ứ lại ở cổ như miếng sắn đắng bị mắc nghẹn. Nàng rụng rời khi thấy trong màn chồng mình đang nằm cạnh một người đàn bà lạ, chiếc màn đã mới, chiếc chiếu và cả cái gối hai người chung nhau cũng không phải của nàng nữa. Mái sàn như sập đến đầu, chân run rồi khụy xuống, đôi môi bặm chặt, người run rẩy, mắt nhòa nhoẹt nhìn Khả. Khả bật dậy, ngỡ ngàng rồi chồm đến nắm lấy tay nàng lắp bắp:

- Miên à, ún... únkhỏi rồi sao, ún biết gọi engrồi sao?

- EngKhả à, engKhả ngủ với ai trong buồng của vợ chồng ta đó?

Nàng nuốt nghẹn từng câu, nước mắt giàn giụa. Khả lặng người, cứ lặng đi như thế rất lâu, gương mặt lẫn lộn niềm vui và sự xót xa trông đến tội nghiệp. Hắn nhoài người sang định ôm lấy nàng, nhưng hai tay còn chưa kịp tròn vòng chạm nhau đã bị giật ra bởi bàn tay người đàn bà nọ. Cô ta thét lên:

- Engcũng bị rồ rồi à?

Vừa lúc đó bà Đủ sầm sầm bước tới, túm lưng áo nàng giật mạnh ra, giọng hằn học:

- Xuống dưới đi, cô không phải là vợ nó nữa, nó có vợ mới rồi, cô bị ma rừng ếm vía không đẻ nên trẻ nít, lại bị điên, không lên này được nữa đâu!

Nàng vùng khỏi tay mẹ chồng lao ngược về phía Khả, túm hai vai chồng lắc mạnh, gào khóc:

- EngKhả à, không phải thế đúng không, eng Khả không bỏ ún mà, không phải vợ mới, mế chỉ nói dọa thôi phải không?

Khả nhìn nàng rưng rưng, rồi quay ra nghẹn ngào với mẹ:

- Mế à, vợ con khỏi rồi, mế cho ún lên nhà với con!

- Mày cũng điên nữa rồi, ông Ậu cũng đã bảo vía nó không lành nữa, nhà này muốn sinh được trẻ nít phải cấm nó lên thang, phải để nó ngủ gầm sàn mà canh chừng con ma rừng đi cớt.

Nói dứt lời, mẹ chồng lôi nàng ra cửa. Giật tay đẩy mẹ chồng ra, nàng quay nhanh lại nhìn chồng uất nghẹn và khóc to như đứa trẻ bị đòn oan, rồi bất giác lao xuống thang chạy vô định về phía đồi. Nàng đổ khụy bên một tảng đá, gục đầu vào mặt đá gào trong nước mắt:

- Ma rừng ơi cho làm người điên thôi!

***

Những ngày tháng cay đắng trôi qua trong cái gầm sàn ấy đã làm nàng hóa hòn đá biết lăn. Bố mẹ chồng thường hay ở chòi nương nên ngôi nhà còn lại nàng và vợ chồng Khả càng trở nên nghiệt ngã với những ngày lùi lũi lên rẫy xuống ruộng sau bóng họ, những đêm phát rồ phát dại bởi cái âm thanh kẽo kẹt trên gian buồng dội xuống - thứ âm thanh từng làm nàng điếng người đi vì xấu hổ lẫn hạnh phúc trong vòng tay ân ái bên chồng. Giờ đây nó như miếng cật nứa khứa khía vào tim nàng, mỗi lần thế nàng lại đạp tung phên cửa lao đi về phía phiến đá dưới máng khạ, ngồi hứng lấy dòng nước xa xả dội lên đầu lên mặt, dội qua bầu ngực nóng hôi hổi của những cô đơn, những khao khát và cay đắng. Đôi khi nàng muốn vào rừng mà ăn lá ngón rồi ngủ trên phiến đá nào đó cho khô xác đi. Nhưng lại tiếc, tiếc những phút giây thoáng nhanh khi bắt gặp ánh nhìn vụng trộm đầy ắp yêu thương nồng nàn của Khả, tiếc những cái chạm tay vội vàng run rẩy mỗi khi có cơ hội ngang nhau. Nàng yêu Khả nhiều hơn những gì có thể biết trong lòng mình, và tin trong tim Khả cũng còn nguyên vẹn lời thề yêu thương đến bạc đầu, dù không thể trái lời cha mẹ họ tộc. Thế nên lại ôm cái mớ hỗn độn những hạnh phúc những khổ đau, những mong manh hy vọng, nàng vật vã trở lại cái cũi buồng ấy cùng với lũ trâu lũ gà trong gầm sàn. Rồi dần càng lúc càng nhiều hơn những đêm vò võ, quay quắt trên phiến đá dưới nhẫy nhụa ánh sáng mê hoặc của trăng muộn, nàng ôm khao khát mà nhớ thương, hờn ghen đến điên dại.

Tự khi nào nàng đã dần sống lại với sức sống mãnh liệt hơn trong nghiệt ngã ấy. Bởi vậy bất chấp những lời đe dọa đay nghiến, những trận cào xé dằn vặt của mẹ chồng, hễ khi tay Khả thò qua vách kéo áo, nàng lại bật dậy cùng lao đi. Họ vội vã với những cái ôm, cái hôn, cái chạm da thịt vụng trộm ngắn ngủi, chưa khi nào kịp thỏa nhớ thương, chưa kịp đủ an ủi bù đắp đã phải vội vàng dứt nhau ra. Để rồi sau mỗi lần yêu, kẻ nằm lại chơ chênh trên phiến đá, hay người thốc tháo ngược dốc chạy nhanh trở về, cũng đều mang nặng thêm trong lòng những cơn khát. Và như thế, giấc mơ về tiếng khóc trẻ nhỏ cứ tròn vành vạnh như vầng trăng trên cao kia, đêm đêm trải đầy chăn chiếu trong gian cũi chật chội.

***

Nhìn nồi lá thuốc sôi sùng sục, Miên rùng mình, rồi nước mắt ứa ra. Mẹ chồng bảo thuốc đó để sinh con trai. Nhà này ba đời độc nam, mấy chục năm qua không đêm nào ông Đủ ngon giấc vì nỗi lo tuyệt tự, nỗi lo cho cái uy vị trưởng họ. Bà Đủ cũng từng ấy năm trời nhắm mắt chịu bao cay đắng, nghiến răng biến mình thành con cọp con cáo để giữ chồng. Khả là đứa con trai duy nhất của họ sau lần bà Đủ trượt chân trên đá, ngã sảy thai khi có mang lần thứ hai. Từ đó không biết thế nào bà không sinh nở được nữa. Ngày Khả vừa chớm tuổi làm thằng trai làng, nghe người ta mách ở mường nào đó xa lắm có bà Mày Langsống một mình trên núi cao, làm phép làm bùa giỏi và còn biết lấy thuốc sinh con trai. Nhưng hiếm ai có thể xin được, vì nghe đâu còn phải hợp bóng vía, hợp đường âm tổ tiên với ma lang của bà. Từ ngày đó vợ chồng ông Đủ đã nuôi sẵn nhiều trâu nhiều lợn, chuẩn bị tiền của, mong xin được thuốc quý.

Thế rồi khi Khả vừa cưới vợ xong, họ đôn đáo tìm đủ cách, làm đủ mọi lễ lớn lễ nhỏ đi xin thuốc và may mắn thế nào đường âm bóng vía hợp được, nên họ đã có thứ thuốc quý ấy. Từ đó, hễ Miên bắt đầu chậm ngày đàn bà là mẹ chồng sắc thuốc cho uống. Mỗi tháng uống một bát vào tuần trăng giữa tháng. Không đắng không chát, mà nước đó cứ vào đến bụng là người như say củ sắn non, bủn rủn nôn nao chếnh choáng. Nó hành hạ Miên những lần có chửa, thế nhưng không hiểu vì sao con của Miên chẳng khi nào kịp đủ tháng đã phải ra khỏi cơ thể mẹ và chết yểu với hình hài tội nghiệp lắm.

Lần cuối cùng có mang, Miên chỉ gắng được đến bát thuốc thứ ba, sau đó tìm cách lén đổ hết qua khe sàn. Đủ chín tháng, nàng sinh được một đứa trẻ còn sống, biết bú mẹ, biết khóc tiếng người. Nhưng đó là lần cuối cùng nàng còn được làm dâu nhà họ Hà, bởi đã sinh ra một con ma cớt quỷ. Miên cũng đành tin nó là ma quỷ, cho đến khi quen bộ đội Hải nàng bỗng hay lấn cấn day dứt những lời bộ đội nói với mình. Mẹ chồng bảo, đừng tin lời người Kinh, vì họ không biết được những thứ linh thiêng của người Mường. Ở cái xó núi này Miên chỉ biết tin rừng rú, tin những con người ở quanh mình và tin vào ma mị, chứ có biết khoa học là gì đâu. Từ sau lần bộ đội Hải năn nỉ xin được nhánh cây thuốc mang về xuôi, khi trở lại đã đem mạng sống của mình ra thề rằng, thuốc đó làm chết trẻ nít, ba tuần thuốc của Miên làm đứa trẻ không đủ chết, nhưng phải mang hình hài kỳ dị đó. Điều bộ đội nói càng làm nàng như điên dại hơn trong lẫn lộn những ý nghĩ, ngờ hoặc rồi day dứt ám ảnh xót xa. Miên đã đợi ngày Sính mang bầu để tìm câu trả lời, bằng cái ý định sắc chỉ đủ ba bát thuốc cho Sính trước khi tráo nấu lá cây khác. Thế rồi Sính cũng có mang. Một tháng, hai tháng và...

Bát nước thuốc vừa được múc ra còn nghi ngút khói trên chạn. Miên đứng bên rụt rè đặt tay mân mê cạnh bát rồi lại rụt xuống. Thẫn thờ một lát, hít hơi thật sâu nàng thở nhẹ ra, bê chắc lấy bát thuốc đi thẳng lên buồng Sính.

Bát thuốc thứ ba.

***

Chín tháng sau, cũng vào đêm muộn trăng, Miên một mình vật vã khóc trên phiến đá lạnh dưới chân đồi sau cơn trở dạ của Sính.

Đêm lặng lẽ dưới ánh trăng vằng vặc phả lên triền đồi, kéo tràn qua thung lũng đến tận chân thang nhà họ Hà. Hai người đàn bà chui ra khỏi cái buồng cạnh chuồng gà, vác ống bương theo nhau xuống khạ nước bên chân núi. Đặt ống nước lên hòn đá họ lặng lẽ ngồi xuống bờ cỏ, im lặng hồi lâu Miên chậm rãi:

- Sính có định về bên ấy không?

- Tôi cũng như chị mà, về làm sao được nữa, ai dám gần chúng ta, về rồi thêm xấu hổ khổ thân bố mế thôi.

- Nhưng chúng ta không bị ma ếm, không phải tại chúng ta không biết sinh trẻ nít mà!

- Ừ... nhưng ai tin?

- Chỉ cần gặp được người tốt Sính sẽ lại được làm mẹ thôi. Sính còn trẻ lắm, đừng chết già như con trâu trong gầm sàn ấy.

- Dễ thế sao chị không đi?

- Tôi muốn ở lại cùng engKhả.

- EngKhả sắp lấy vợ mới rồi, nhà họ Hà sẽ tìm dâu cho đến khi có người nào đó sinh được trẻ nít.

- Nếu còn uống thuốc đó sẽ chẳng ai sinh được trẻ nít đâu.

- Thế sao chị ở lại làm gì mà phải thấy, phải làm những cái khổ cái tội?

- Tôi ở lại sinh trẻ nít cho engKhả, sẽ không để cho người con gái nào lên thang rồi lại bị nhốt trong gầm sàn ấy nữa.

Miên cầm tay Sính đặt lên bụng mình xoa nhẹ. Sính mừng rỡ rưng rưng nước mắt:

- Chị có mang rồi à, thích quá, eng Khả thương chị thế, nhất định eng ấy sẽ đưa được chị lên thang thôi.

- Sính cũng thế, đi đi! Bộ đội Hải nhắn tôi, khi nào đi Sính hãy thẳng con dốc sau nhà, trên lối rẽ sang Mường Cợi, bộ đội Hải và đứa con tội nghiệp của Sính đã đón đợi.

Sính sững người rồi quỳ thụp xuống, túm hai tay Miên bóp chặt run run hỏi:

- Chị... chị nói là con...?

- Ừ, bộ đội Hải nhặt được nó trong đồi sau đêm người ta đem đi và nuôi từ bấy đến giờ đó. Nhờ nó và những tin đồn về ma cớt nhà họ Hà mà bộ đội đã tìm ra lý do làm chết trẻ nít từ thứ thuốc kia.

- Sao tôi không được biết gì, bộ đội cũng không nói với tôi.

- Sợ điều chẳng lành cho cả hai mẹ con nên phải giấu kín đến bây giờ.

Sính đi nhé, đừng chần chừ nữa, bộ đội tốt lắm, thương Sính từ lâu, Sính cũng biết còn gì. Sính ôm chầm lấy Miên khóc òa. Trăng khuya trong veo vẻo, mềm óng, đổ ánh bạc ngập đầy bóng hai người đàn bà đang ngồi búi tóc cho nhau, những ngón tay vuốt lên đêm chia ly bịn rịn và ấm áp.

Phạm Tú Anh (AMBN Đăng tải lại từ ND)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đề tài: Hoạt động marketing của công ty cổ phần bút bi Thiên Long

Đề tài: Hoạt động marketing của công ty cổ phần bút bi Thiên Long Mục Lục Lời mở đầu Chương I : Phân tích kết quả kinh doanh của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long I. Kết quả kinh doanh của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long trong thời gian qua II.Đánh giá hoạt động marketing của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long thời gian qua Chương II : Phân tích môi trường marketing của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long I. Phân tích môi trường marketing vĩ mô II.Phân tích môi trường marketing vi mô III. Phân tích môi trường marketing nội bộ IV. Phân tích swot Chương III. Phân đoạn thị trường của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long với sản phẩm bút bi Thiên Long I. Vị trí hiện tại của doanh nghiệp II. Xác định đối tượng khách hàng hay thị trường cần phân đoạn III. Phân chia thị trường theo những tiêu thức thích hợp IV. Đánh giá tiềm năng của các đoạn thị trường V. Lựa chọn các phương thức marketing nhằm khai thác các đoạn thị trường mục tiêu Chương IV. Xác định chiến lược M...

CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KẾT QUẢ HỌC TẬP CỦA HỌC SINH TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRỲ TỈNH CAO BẰNG

LUẬN VĂN THẠC SĨ: CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KẾT QUẢ HỌC TẬP CỦA HỌC SINH TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRỲ TỈNH CAO BẰNG HỌC VIÊN: BẾ THỊ DIỆP – HƯỚNG DẪN KH: TS. NGUYỄN THỊ TUYẾT CHUYÊN NGÀNH: ĐO LƯỜNG VÀ ĐÁNH GIÁO TRONG GIÁO DỤC MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 2. Mục đích nghiên cứu của đề tài 3. Giới hạn nghiên cứu của đề tài 4. Phương pháp nghiên cứu 5. Câu hỏi nghiên cứu, giả thuyết nghiên cứu 6. Khung lý thuyết của đề tài 7. Khách thể và đối tượng nghiên cứu Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 1.1. TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 1.1.1. Các công trình nghiên cứu ở nước ngoài 1.1.2. Các công trình trong nước 1.2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN 1.2.1. Hoạt động học tập trong nhà trường 1.2.2. Loại hình nhà trường PTDTNT 1.2.3. Đặc trưng học sinh THPT DTTS 1.2.4. Các khái niệm công cụ của đề tài 1.3. KẾT LUẬN CHƯƠNG Chương 2: TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU 2.1. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1.1. Tổng thể...

SÁCH TRUNG QUỐC DANH PHƯƠNG TOÀN TẬP

SÁCH THAM KHẢO VỀ Y HỌC PHƯƠNG ĐÔNG TRUNG QUỐC DANH PHƯƠNG TOÀN TẬP Cái truyền lại được của y học nằm lại trong bài thuốc. Cho nên dược học của Đông y dẫu đã trải qua nhiều chìm nổi, biến thiên song không triều đại nào, thòi kỳ nào bị ruồng bỏ, mà trong y học, việc nghiền cứu thảo luận các bài thuốc đã trở thành một chủ đề muôn thuở. Người học không sợ nhiều mà chỉ lo ít, người SƯU tầm chẳng sợ giàu mà chỉ lo còn quá nghèo. Cuốn sách này là công việc của nhiều người tâm huyết với nhiều năm lao động, tập hợp các bài thuốc hay, bất kê kinh phương, thời phương hoặc bí phương, hễ có công dụng lâm sàng tốt, được chấp nhận rộng rãi từ cổ chí kim đều được giới thiệu. Thuốc hay tập hợp hơn nghìn bài lấy công dụng chủ trị làm cương lĩnh, lấy phương tễ làm đề mục. Mỗi phương đều có tên bài, xuất xứ, thành phần, cách dùng, công hiệu, chủ trị, giải thích bài thuốc theo lí luận Đông y, lòi bàn, các bài thuốc cùng tên, các bài thuốc phụ thêm, phân tích, điền lí để sáng rõ. Trong phần ...