Chuyển đến nội dung chính

Tháng 7 Qua Nghĩa Trang Hàm Rồng: Bút ký


 THÁNG BẨY QUA NGHĨA TRANG HÀM RỒNG


Tháng Bảy, nắng đã thôi chát chúa những ban trưa còn mang tên mùa hạ, mưa bắt đầu trầm tư, lê thê lười biếng đổ dài lên ngày. Tôi ôm bó huệ trắng, thư thả men bờ sông Mã về Nam Ngạn vào một buổi chiều dịu dàng nắng, phóng khoáng gió và bầu trời mang vẻ ưu tư rất riêng. 

Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng nằm trên phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa. Rời khỏi quốc lộ gió bụi ồn ào chỉ chừng hai ki- Lô- Mét, mà đến đây tôi bị bất ngờ như bắt gặp một miền khác, khác hẳn những gì đã thuộc về thành thị. Sự bình yên, thanh tịnh bắt đầu từ con đường bê- Tông sạch sẽ ngăn ngắn, nối đường chính của phường với cổng nghĩa trang. Hai bên lối đi là những cây xà cừ vạm vỡ, xanh rợp lá, thân bền bỉ vững chãi phếch mầu, thẳng tắp nối nhau đứng đón gió từ cánh đồng ùa về vi vút. Có mấy chiếc võng được mắc dưới tán râm, vài cụ già, đôi ba em bé thư thả nằm đó để hưởng cái ý vị ngọt lành của trời đất, như được ban riêng cho nơi này. 

Người quản trang tên Nguyễn Châu Long niềm nở tiếp tôi bằng sự nhiệt thành của tấm lòng hiếu khách, của thói quen và niềm hân hoan khi được đón bất kỳ ai về đây thắp viếng hương hoa cho đồng đội mình. Chẳng bao xa, cũng không gian đó, chỉ ngoài kia thôi, cách vài trăm mét đã là quán xá, đã là san sát nhà tầng sầm uất, thế mà bước chân vào đây, cái sự tĩnh lặng yên ả thanh đãng cứ trong veo đến lạ lùng. 

Trong lúc đợi người quản trang châm hương, tôi đứng lặng nép bó huệ vào lòng, ngước nhìn tượng đài uy nghi sừng sững và cả ngàn ngôi mộ trắng xóa hiên ngang bình thản giữa đất trời. Bỗng thấy lòng rưng rưng xúc động, thấy mình bé nhỏ may mắn và hạnh phúc biết bao so với những hình khối mầu trắng lặng lẽ và thiêng liêng ngợp nắng kia. Chao ôi! Dẫu biết từ lâu, ý thức từ lâu về sự hy sinh, về những mất mát của cha anh cho đất nước này, để mình có giây phút này, đứng đây mà suy tư, mà ngậm ngùi mà kính cẩn, thế nhưng chỉ khi trực diện bằng tất cả giác quan trước không gian và cảnh tượng như thế, con người ta mới thấu rõ hơn bất kỳ khi nào về những niệm thức đó. 

Dâng hoa thắp hương xong, tôi theo chú Long đến từng hàng mộ nhỏ, cỏ mơn man gối mình lên thành mộ, lên lối đi, lấn bấn cuốn vào chân khách như để kể về những miền xanh bất diệt. 

Chú Long dẫn tôi tới hàng mộ đầu, bên tay phải lối vào tượng đài, tay chỉ giọng trầm nhẹ: "Hẳn cháu nghe nhiều đến Lê Đình Chinh, người chiến sĩ xin nhập ngũ ở tuổi mười lăm và anh hùng ngã xuống ở tuổi mười tám. Ngôi mộ của anh được đặt ở vị trí hàng đầu này đấy"... 

Vâng, tuổi mười tám của anh, và trăm nghìn tuổi mười chín đôi mươi, hay chỉ nhích nhắc hơn thế, được ghi trên những tấm bia đó, ám ảnh tôi đến nghẹn ngào. Bằng tuổi họ ngày ấy, tôi, thế hệ chúng tôi được vô tư rong ruổi bao ước mơ cao xa, còn vô lo chuyện cuộc đời lớn lao ngoài kia. Vậy mà các anh đã đem tuổi xuân ấy đi thắp xanh cả vòm trời đất Việt, nối dài những dải bình yên Tổ quốc. Hẳn trong số họ, không ít người khi trút hơi thở cuối cùng vào gió, còn chưa từng biết đến một lần hò hẹn, còn chưa từng biết cầm tay ai đó mà mộng mơ mầu trắng hoa cưới, hoặc có những người nhắm mắt mang theo lời thề non hẹn biển, mà chẳng kịp biết mình đã để lỡ dở một chuyến yêu thương. 

Chú Long vừa dẫn tôi đi vừa thủ thỉ kể chuyện, những câu chuyện đời gắn liền với nghề quản trang của mình trong suốt hai mươi bảy năm qua. Sau nhiều năm quân trường, năm 1987 chú được điều thẳng về đây khi đang làm nhiệm vụ quốc tế bên nước bạn Lào. Bởi thế, người đàn ông ấy tha thiết lắm với công việc, nặng lòng lắm với những ngôi mộ lặng lẽ nơi này. Bởi thế, ông coi tất cả những người nằm đó thân thương, gần gũi như đồng đội của mình, và bởi thế nên hơn hai nghìn ngôi mộ ở đây mà ông thuộc gần hết từng vị trí của những cái tên, nhớ rõ câu chuyện về họ nếu đã từng biết đến. 

Đang thao thao, bất chợt chú dừng lại và ngồi xuống cạnh một ngôi mộ giữa khu K, mân mê rứt những sợi cỏ đan len lên bát hương, nghẹn ngào: "Khi đón những người đồng đội về, nhìn phần hài cốt của họ chỉ có một nhúm ít ỏi, thương lắm cháu ạ. Phần nhiều xương cốt còn lại chẳng biết lạc đâu đó trên đất nước này, điều chừng giản đơn thế mà càng nghĩ càng xót xa, nhận ra sự mất mát lớn quá so với những gì ta thấy được". Giây phút ấy không gian như lắng xuống, và chừng gió cũng ngừng mơn trớn trên những khóm cây. Tôi nghe rõ cả tiếng cá đớp động chân lá sen dưới lạch nước nhỏ bên cạnh, nghe rõ tiếng thở của người lính già trôi lãng đãng trong suy tư trăn trở. Chú nói đúng, những điều tưởng bé nhỏ thôi, nhưng lại là những mất mát vô cùng. Tôi chợt nghĩ, những bé nhỏ ấy đủ lớn lao cho một Việt Nam có hôm nay an bình vững chãi, thì còn đủ hào khí nung nóng những dòng máu đang chảy trong triệu triệu con tim tuổi trẻ đất Việt bây giờ... 

Hai chú cháu đi hết bảy khu mộ tự lúc nào không biết. Tôi quên mất thời gian trong mênh mang những xúc cảm, với bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu nỗi niềm của người lính già ấy trong suốt buổi chiều. Hoàng hôn đã chùng chiềng đổ thâm thẫm mầu mây, chừng đang đón đợi cơn mưa từ phía xa tít. Tôi bỗng thấy chiều mang sắc màu mùa Vu Lan. Trước khi ra về, tôi muốn thả lòng mình theo con mương đầy sen, chạy dài phía sau tượng đài, hít hà thật sâu hương sen ngào ngạt phả theo gió đồng để nghe lòng mình nhẹ bẫng mà an nhiên. Sen ở đây không quá xanh tốt, không nhiều hoa, bông không to và không rực rỡ, chỉ loáng thoáng điểm trong lùm lá những đóa nho nhỏ vừa vặn xinh, mầu hồng phơn phớt phai, ấy thế mà trông đẹp đến bình dị và thanh cao giữa chốn linh thiêng này. Chú Long bảo: "Sen này, chú vận động anh em đi xin về trồng, mỗi năm thêm một ít, đến giờ đã lan khắp con mương chạy quanh bốn phía rồi. Có sen, nghĩa trang cũng bớt cô quạnh và vong hồn của những người nằm đó sẽ thanh tịnh bình yên. Chú tin thế, nên trồng thật nhiều". 

Trong lúc rong ruổi theo bờ mương, tôi sững người khi nhìn thấy hai đài bia lớn nằm ở hai bên, ngay phía sau tượng đài. Đang trân trân nhìn hàng chữ trên đó, vừa định quay ra hỏi thì chú Long đã bước nhanh lên trước, giọng trầm vang: "À, chú chưa nói với cháu về hai ngôi mộ tập thể của những người lính tình nguyện Việt Nam, các anh hy sinh khi làm nhiệm vụ quốc tế bên nước bạn Lào". 

Rồi chú lại say sưa kể về một cuộc thảm sát của giặc, khi quân ta đang trú ngụ, hoạt động trong hai chiếc hang ở nước bạn, bất ngờ bị bao vây đánh úp... Ngày tìm kiếm được hài cốt, đã không thể phân biệt danh tính từng người, nên khi quy tập về đây, những hài cốt nào cùng một hang thì được chôn cất trong cùng một huyệt mộ. Thế nên ở đây có một mộ 63 hài cốt và một mộ có 28 hài cốt... 

Tôi đứng rất lâu chỉ để nhìn hàng chữ. Một cảm giác buốt nhói. Những người con của đất nước kiên trung này, cả khi đã nằm xuống, mà đến cái tên cũng không thể gọi được sau làn khói hương lam loang đầy mắt mẹ. Thương lắm, những người ở lại, không thể đắp cho con, cho anh mình một nấm mộ tròn trĩnh trên cánh đồng quê hương ngày đầy nắng và gió thanh bình. Các anh nằm đó bên nhau từ ngày máu thịt và linh hồn lẫn vào làm một. Làm một để hóa xanh bầu trời trên cao kia. Làm một để trở thành bất tử với cái tên "Quân tình nguyện Việt Nam... " trong lòng dân tộc và bạn bè quốc tế. Tôi nhìn ra bốn bề cánh đồng, thấy hình như những ngọn lúa, những rặng cây đang cúi đầu. Bình yên, hạnh phúc này đánh đổi nhiều quá những mất mát vô hình, không tên. Mắt nhòa đi, tôi khẽ cúi đầu lặng lẽ thật lâu với cỏ. 

Chiến tranh đã đi qua, đã lùi xa và trở thành quá khứ. Đất nước đang lớn lên cùng bạn bè năm châu. Còn đó những hào hùng oanh liệt, rạng rỡ trên từng trang sử, trong niềm tự hào của mỗi chúng ta. Và còn đó, cả những vết đau trên mình Tổ quốc, nhưng nhức lòng người Việt mỗi khi tháng Bảy về. Người nằm xuống có lẽ đã thanh thản, bởi xương máu của họ đã đổi được bình yên cho non sông, người ở lại cũng khép nỗi đau, mà tự hào vì người thân của mình đã hóa thành một phần Đất Nước. Nhưng day dứt lắm những bóng người đau đáu, miệt mòn ngày tháng kiếm tìm phần mộ của người thân yêu trên khắp các nghĩa trang. Tôi cứ ám ảnh lời của chú Long: "Thương nhất là những người mẹ, người con, người em nào đó, mang niềm hy vọng bước qua cánh cổng này, cần mẫn đọc kỹ từng tấm bia, để rồi lại tha thểu vô vọng ra về". 

Rồi họ sẽ lại đi bao nhiêu nơi như thế. Hy vọng, ngậm ngùi và thất vọng sẽ còn nối tiếp nhau trong hành trình không hứa hẹn.Chia tay chú Long và nghĩa trang Hàm Rồng trong ngổn ngang, bâng khuâng nhiều cảm xúc, tôi vội vã chạy đua cùng cơn giông phía cuối trời, hối hả ngược bờ sông Mã trở ra thành phố, hòa mình vào ầm ào gió bụi, tấp nập cuộc sống thị thành. Bỗng nhận ra lòng mình yên bình và thanh tịnh đến lạ. Chừng như đó là lòng tin, lòng tin bất diệt vào đất nước này. Đất nước đời đời có những người con kiên trung, để cả khi hóa thành nắm đất nâu, vẫn thắp bỏng được những dòng máu đỏ trong triệu triệu trái tim thế hệ tiếp nối. Đó là niềm tin bất diệt, dù bây giờ hay ngày mai biển quê hương dậy sóng, đất nước sẽ bình yên đi qua, bởi người Việt Nam muôn đời yêu hòa bình và khi cần, họ luôn sẵn sàng đem thân mình chở che cho dải đất hình chữ S này xanh vẹn nguyên màu của lời ca dao ngàn thuở. Bằng chứng là kia, những cây phong ba mang dòng máu Lạc Hồng đang hiên ngang chắn gió ngoài khơi... 

Mưa, cơn mưa tháng Bảy chạy dài theo lối tôi về. Mưa hát: Hỡi những người con đã ngủ yên trong lòng đất mẹ, Tổ quốc ngàn đời ghi công các anh! 

 PHẠM TÚ ANH (Theo ND)



===============================

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đề tài: Hoạt động marketing của công ty cổ phần bút bi Thiên Long

Đề tài: Hoạt động marketing của công ty cổ phần bút bi Thiên Long Mục Lục Lời mở đầu Chương I : Phân tích kết quả kinh doanh của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long I. Kết quả kinh doanh của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long trong thời gian qua II.Đánh giá hoạt động marketing của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long thời gian qua Chương II : Phân tích môi trường marketing của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long I. Phân tích môi trường marketing vĩ mô II.Phân tích môi trường marketing vi mô III. Phân tích môi trường marketing nội bộ IV. Phân tích swot Chương III. Phân đoạn thị trường của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long với sản phẩm bút bi Thiên Long I. Vị trí hiện tại của doanh nghiệp II. Xác định đối tượng khách hàng hay thị trường cần phân đoạn III. Phân chia thị trường theo những tiêu thức thích hợp IV. Đánh giá tiềm năng của các đoạn thị trường V. Lựa chọn các phương thức marketing nhằm khai thác các đoạn thị trường mục tiêu Chương IV. Xác định chiến lược M...

CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KẾT QUẢ HỌC TẬP CỦA HỌC SINH TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRỲ TỈNH CAO BẰNG

LUẬN VĂN THẠC SĨ: CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KẾT QUẢ HỌC TẬP CỦA HỌC SINH TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRỲ TỈNH CAO BẰNG HỌC VIÊN: BẾ THỊ DIỆP – HƯỚNG DẪN KH: TS. NGUYỄN THỊ TUYẾT CHUYÊN NGÀNH: ĐO LƯỜNG VÀ ĐÁNH GIÁO TRONG GIÁO DỤC MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 2. Mục đích nghiên cứu của đề tài 3. Giới hạn nghiên cứu của đề tài 4. Phương pháp nghiên cứu 5. Câu hỏi nghiên cứu, giả thuyết nghiên cứu 6. Khung lý thuyết của đề tài 7. Khách thể và đối tượng nghiên cứu Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 1.1. TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 1.1.1. Các công trình nghiên cứu ở nước ngoài 1.1.2. Các công trình trong nước 1.2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN 1.2.1. Hoạt động học tập trong nhà trường 1.2.2. Loại hình nhà trường PTDTNT 1.2.3. Đặc trưng học sinh THPT DTTS 1.2.4. Các khái niệm công cụ của đề tài 1.3. KẾT LUẬN CHƯƠNG Chương 2: TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU 2.1. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1.1. Tổng thể...

SÁCH TRUNG QUỐC DANH PHƯƠNG TOÀN TẬP

SÁCH THAM KHẢO VỀ Y HỌC PHƯƠNG ĐÔNG TRUNG QUỐC DANH PHƯƠNG TOÀN TẬP Cái truyền lại được của y học nằm lại trong bài thuốc. Cho nên dược học của Đông y dẫu đã trải qua nhiều chìm nổi, biến thiên song không triều đại nào, thòi kỳ nào bị ruồng bỏ, mà trong y học, việc nghiền cứu thảo luận các bài thuốc đã trở thành một chủ đề muôn thuở. Người học không sợ nhiều mà chỉ lo ít, người SƯU tầm chẳng sợ giàu mà chỉ lo còn quá nghèo. Cuốn sách này là công việc của nhiều người tâm huyết với nhiều năm lao động, tập hợp các bài thuốc hay, bất kê kinh phương, thời phương hoặc bí phương, hễ có công dụng lâm sàng tốt, được chấp nhận rộng rãi từ cổ chí kim đều được giới thiệu. Thuốc hay tập hợp hơn nghìn bài lấy công dụng chủ trị làm cương lĩnh, lấy phương tễ làm đề mục. Mỗi phương đều có tên bài, xuất xứ, thành phần, cách dùng, công hiệu, chủ trị, giải thích bài thuốc theo lí luận Đông y, lòi bàn, các bài thuốc cùng tên, các bài thuốc phụ thêm, phân tích, điền lí để sáng rõ. Trong phần ...