Muối mặn -Truyện Ngắn
Duyên nhìn
cái bụng ngày một lớn dần mà ngao ngán.
- Không biết
bao giờ cho hết cái khổ. Một mình nuôi hai đứa đã đủ chết giờ lại thêm đứa
nữa.. .
Mụ Mạch thấy
vậy vội vàng an ủi:
- Thôi! Cái
số cô nó thế thì biết làm thế nào. Có ai muốn vậy đâu. Mà cái chú Phúc nhà cô
cũng cứ ưa việc nặng cơ. Đã bảo đào giếng vất vả lại nguy hiểm mà vẫn cứ làm. Bây
giờ giếng sập, bị chôn sống, chỉ tổ khổ vợ, khổ con.
- Ấy chết! Chị
đừng nói thế, anh ấy có cố làm cũng là chỉ vì cái nhà này. Lỗi là ở em nên em
phải chịu.
- Thì ai chả
biết. Mà thôi, cô cũng đừng nghĩ nhiều làm gì cho khổ ra... Muộn rồi, tôi phải
về nấu cơm đây, chứ đi làm về mệt, thấy nồi cơm chưa nấu, ông ấy lại kêu - Mụ
Mạch nói xong, vội vàng đứng dậy, phủi quần ra về.
Mụ Mạch vừa
đi khỏi, Duyên lại ngồi thẫn thờ. Con Tí và thằng Tũn vẫn nô đùa ngoài sân,
không biết rằng mẹ chúng đang khóc. Nhìn hai đứa, Duyên càng thêm đau lòng, lại
còn phải lo cho đứa bé sắp chào đời nữa chứ... Biết bao nhiêu thứ chồng chất
lên vai Duyên. Thử hỏi làm sao Duyên có thể kham nổi. Giá như không có đứa bé
trong bụng còn đỡ, đằng này...
- Mẹ ơi! Chị
Tí làm ngã con - Thằng Tũn mếu máo chực ăn vạ.
Em ăn gian
nên tự ngã đấy chứ - Con Tí sợ mẹ mắng cũng mếu máo theo.
Chỉ chờ có
thế, thằng Tũn khóc oà lên làm như mình oan lắm.
Duyên từ nãy
đến giờ đã mệt rã rời, giờ lại phải nghe hai đứa cãi nhau, Duyên gần như phát
điên. Lúc ấy cũng may vì đứa bé trong bụng Duyên đạp dữ dội, nếu không Duyên đã
nhảy bổ tới, cho mỗi đứa một cái bạt tai rồi. Nhìn lũ trẻ, Duyên chỉ biết rít
lên: Tiên sư chúng mày! Nghịch lắm rồi lại khóc. Chúng mày có câm cái miệng
ngay không thì bảo. Tao mà điên lên là tao giết chết bây giờ...
Chưa bao giờ
thấy mẹ cáu như thế, nên hai đứa vội vàng im bặt. Con Tí chạy đến đỡ em rồi hai
đứa nhanh chóng lẩn đi.
Duyên đờ đẫn
hết người, không hiểu là mình vừa nói gì, đành đưa tay với cốc nước uống ừng
ực...
*
Duyên sinh
con gái. Con Tí mới học hết lớp hai đã phải nấu cơm đem vào cho mẹ, chẳng gì
thì nó cũng là con đầu, bây giờ mới thấy cái câu ví Ruộng sâu trâu nái không
bằng con gái đầu lònglà đúng ở chỗ ấy. Mà cũng chẳng hẳn đúng. Rơi vào hoàn
cảnh như thế này thì đứa nào mà chả phải làm, không biết rồi cũng phải biết. Sau
trận mắng của Duyên, nó như lớn hẳn lên, không còn nghịch ngợm nữa, cái gì cũng
nhường em cả... Những ngày mẹ nằm cữ, việc gì cũng đến tay, thành ra nó cũng
chẳng khác gì một cô chủ nhỏ trong nhà. Hết tiền, hết gạo, nó cắp rá đi vay. Đến
khi Duyên dậy được và giao cho nó nhiệm vụ ẵm em thì Duyên đã lâm vào cảnh nợ
nần chồng chất.
Duyên phải
nai lưng ra mà làm. Chỉ bốn miệng ăn đã đủ chết, đằng này lại còn công nợ. Lúc
đầu khi người ta đến đòi, Duyên còn ngại ngùng xin khất, nhưng lâu dần biết chưa
thể trả, người ta đòi mãi Duyên đâm chai mặt. Nhiều lúc ra đường gặp phải chủ
nợ, Duyên cũng chẳng buồn chào. Cuộc sống của Duyên cứ thế. Ở nhà, đứa lớn cõng
đứa bé đi chơi cho mẹ đi làm. Mà Duyên cũng chẳng thể nhờ cậy ai, vì nhà đẻ của
Duyên cách xa những gần trăm cây số, còn anh em nhà chồng thì bạc bẽo, gặp
Duyên ngoài đường họ chỉ đã muốn tránh xa vì sợ Duyên xin xỏ. Biết thế nên
Duyên cũng chẳng bao giờ đến nhà, trừ những ngày lễ, ngày tết.
Ở làng bên
có lão Khuyến, từ ngày chồng Duyên bị chết đến giờ vẫn hay để ý tới. Hôm đi qua
nhà Duyên, thấy mái nhà lụp xụp như sắp bung, lão bèn gạ gẫm hôm nào sẽ sang
giúp. Lúc đầu Duyên cũng ngại, nhưng sau nghĩ cảnh mùa mưa, căn nhà dột nát,
Duyên thấy không đành. Trong nhà thì không có tiền, nay tự nhiên có người nhận
giúp, cuối cùng Duyên phải nhờ lão.
Lão Khuyến
được Duyên nhờ thì ra vẻ hứng khởi lắm, mừng hơn được vàng. Từ ngày lão đến nhà
Duyên giúp, thỉnh thoảng hàng xóm có bàn ra tán vào, đặc biệt là mụ Mạch, vẫn
lấy cớ sang chơi để dò la tin tức.
- Cô Duyên
này, tôi nghe hàng xóm người ta đàm tiếu nhiều lắm, cô xem thế nào...
- Mặc kệ,
người ta thích nói gì thì nói, tôi chẳng làm sai là được. Ông Khuyến sang giúp
tôi sửa nhà chứ có gì đâu.
- Thì đã
biết thế, nhưng ông Khuyến tính nết thế nào thì cả cái làng này đều biết, mà cô
thì cũng chẳng lạ gì... Tôi chẳng qua cũng chỉ là lo cho cô thôi, chứ tôi có
được cái gì đâu nào. Mà đã là hàng xóm thì cũng chỉ có lúc này là còn bảo nhau
được. Hoàn cảnh cô như thế, tôi mới...
Nghe mụ Mạch
nói xong, Duyên gục xuống khóc nức nở:
- Trời ơi! Sao
số tôi lại khổ thế này...
- Ô hay! Tôi
chỉ nói thế chứ có làm gì đâu mà cô lại lu loa lên. Hàng xóm người ta không
biết lại tưởng tôi làm gì cô.
- Chị về đi.
Hãy để cho tôi được yên.
Mụ mạch bĩu
môi rồi vội vàng cắp đít ra về. Đi dọc đường, miệng vẫn còn lẩm bẩm:
- Gớm nữa...
Báu lắm đấy. Trên đời này làm gì có cái chuyện làm không công bao giờ. Chồng
chết mới được có hơn năm đã tí tởn. Tưởng đây không biết hả. Chỉ nhìn qua là
biết tỏng ra rồi. Còn gì nữa mà phải giấu.
Không khéo
rồi lại có ngày ễnh ra cho mà xem. Lúc ấy á... , có mà muối mặt.
*
Duyên gánh
mạ ra đồng. Gió đồng thổi xào xạc, đôi chân ngập bùn nghe lạnh buốt. Duyên nhớ
lại cái thời con gái. Cũng vào những ngày vụ thế này, Duyên theo mẹ ra đồng cấy
hái. Ngày ấy trai trong làng có nhiều người theo đuổi Duyên. Cứ chờ những lúc
Duyên đi làm đồng về qua là cánh trai làng lại hùa nhau trêu trọc, thẹn đến đỏ
mặt. Duyên ngày ấy trẻ con và nhát chứ đâu cứng cỏi như bây giờ. Vậy mà chẳng
hiểu thế nào Duyên lại nhận lời yêu Phúc. Phúc có bà dì ở ngay cạnh nhà Duyên. Thỉnh
thoảng Phúc vẫn hay về chơi thành ra quen. Rồi chẳng mấy chốc Duyện vội rời xa
bố mẹ, đến một vùng quê cách nhà hàng trăm cây số. Duyên vừa mới bước chân về
làm dâu với bao bỡ ngỡ thì đã bị mẹ chồng đuổi ra ở riêng, lại còn đòi chiếc
giường duy nhất trong nhà, khiến hai vợ chồng phải nằm dưới đất. Rồi đến khi
con Tí, thằng Tũn chào đời thì Duyên đã già dặn hẳn. Cô đã làm mẹ... Mãi cho
đến tận bây giờ, Duyên vẫn không thể quên được cái ngày người ta báo cho cô
biết cái tin giếng chồng chị đang đào thuê bị sập... Duyên đã chảy biết bao
nhiêu nước mắt cũng chẳng thể thay đổi được. Phúc đã chết rồi, chẳng thể sống
lại được nữa.
*
Duyên vội xoa
lớp bùn cho phẳng rồi nhanh tay cắm từng khóm mạ. Nước dưới chân bị khua lên
đục ngàu, tanh nồng mùi bùn lẫn mùi gốc rạ nát được trộn lẫn vào nhau. Duyên
chỉ thấy tội nghiệp cho ba đứa trẻ, đến nước này rồi cũng chẳng thoát khỏi cái
cảnh bán mặt cho đất, bán lưng cho trời... Chiếc đòn gánh đè nặng trên vai cũng
như đang đè nặng lên cuộc đời cô.
Duyên sắp
đôi quang chuẩn bị về. Ở nhà, mấy đứa nhỏ chắc đang sốt ruột chờ mẹ về ăn cơm. Duyên
nhớ, buổi chiều con Tí còn đi học. Lão Khuyến chắc cũng nghỉ tay về nhà rồi. Duyên
cắp đôi quang gánh ra về, chẳng hiểu trong lòng cứ thấy sốt ruột, chân Duyên
càng bước nhanh vội vã.
Vừa về đến
nhà, Duyên đã thấy con Tí bế em ngồi khóc ở xó bếp. Hỏi thì nó không dám nói. Chỉ
có đôi mắt là đang nhìn Duyên lộ đầy vẻ sợ sệt. Đúng lúc ấy thì mụ Mạch từ đâu
chạy sang:
- Kìa! Thằng
Tũn nó ăn phải bả chuột, lão Khuyến vừa mới đưa nó đi viện đấy. May mà còn phát
hiện ra, mà cũng chẳng biết được thế nào. Cô thử xuống xem sao.
Lưỡi Duyên
như ríu lại, mặt cắt không còn hột máu, cứ thế ba chân bốn cẳng chạy ra khỏi
cổng, chẳng buồn để ý tới khuôn mặt tái mét của con Tí từ nãy đến giờ.
Xuống tới nơi
thì thằng Tũn đang được người ta rửa ruột, còn lão Khuyến đang ngồi trực ở bên
ngoài, khuôn mặt lộ đầy vẻ khắc khổ. Gần năm mươi tuổi đầu vẫn không vợ, không
con, cứ lùi lũi một mình, lại còn bị làng trên xóm dưới bới móc. Người ta cứ
bảo lão Khuyến máu dê. Mà cũng tại cái cách ăn nói dẻo quẹo pha thêm chút chớt
nhả nên lão mới bị mang tiếng như thế. Và cũng chưa biết chừng, chính vì lý do
đó mà đến tận bây giờ lão vẫn chưa lấy được vợ.
Hôm đưa
thằng Tũn về, lão Khuyến cũng đến. Lão Khuyến giúp Duyên trả tiền viện phí cho
thằng Tũn. Vậy là Duyên đã phải mắc một món nợ, không biết bao giờ mới trả
được. Mẹ chồng Duyên thỉnh thoảng vẫn đến xăm xỉa, nói bóng nói gió... Nghĩ thì
cũng chỉ tội cho con Tí. Sau bận ấy, nó đã bị Duyên dầncho một trận, có lẽ đó
là lần đầu tiên Duyên đánh con. Duyên đánh nó xong mà lòng đâu có nhẹ. Cô chỉ
nhớ lúc ấy mình không thể kiềm chế nổi mình nữa. Mãi đến khi tìm thuốc bôi
những vết lằn trên người con Tí, Duyên mới thấy ân hận, day dứt. Cô thấy như
mình không xứng đáng là một con người nữa. Nhìn Duyên khóc, con Tí tưởng mẹ vẫn
còn giận, cũng chẳng dám ho he dù bôi thuốc bị đau.
*
Lão Khuyến
lấy vợ đã gần hai tháng. Người đời chua mồm nói Duyên dại, nhập nhằng với lão
Khuyến để bây giờ lão bỏ. Còn mẹ chồng Duyên cũng chẳng tha, thỉnh thoảng đi
qua nhà lại ngoa ngoắt chửi bới con dâu...
Duyên lau
từng giọt nước mắt đang nhỏ xuống gối. Cạnh bên ba đứa trẻ đã ngủ say li bì. Duyên
nhớ lại những lời thủ thỉ của lão Khuyến hôm đưa thằng Tũn từ bệnh viện về. Lão
nói muốn đón mẹ con Duyên sang ở với lão. Chẳng hiểu thế nào, Duyên lại không
đồng ý...
Những ý nghĩ
cứ dồn nén lên nhau, Duyên nhớ những hôm Phúc đi đào giếng về trưa, mồ hôi nhễ
nhại ướt đầm tấm áo; Rồi nhớ lúc Phúc nựng con, ru con ngủ. Duyên cứ nhớ như
thế... Trong tâm trí cô, hình ảnh lão Khuyến cứ mờ dần, mờ dần...
Duyên chìm
vào giấc ngủ. Trong cơn mơ, Duyên nghe thấy tiếng nhốn nháo như tiếng mụ Mạch,
rồi tiếng mẹ chồng Duyên, và còn cả nhiều tứ tiếng khác nữa hoà trộn vào nhau
vọng lại. Duyên không thể định hình nổi đó là tiếng gì nữa. Chỉ cảm thấy có vị
gì đó cay cay đọng lại nơi đầu lưỡi nghe mặn chát...
PHÙNG HÀ (Theo ND)
=================================
Nhận xét
Đăng nhận xét