NGỰA TRONG TRÀO LƯU THƠ HIỆN ĐẠI
(Vài ý bình phẩm tác phẩm thơ trong năm Ngọ)
Ngựa đã là biểu tượng lớn gần như của mọi nền văn hóa của các dân tộc. Từ
biểu tượng con vật của bóng tối và của những ma lực trong nền văn minh Trung Á
cho đến biểu tượng Thần linh của nước ở nền văn hóa Tây Âu và Viễn Đông, ngựa
còn là biểu tượng cho sự cường liệt của dục vọng và là vật cưỡi của thần linh
nơi các tôn giáo lớn trên thế giới.
Ngựa (tiếng Pháp: Cheval) Gắn liền với rất nhiều nền văn hóa, với những
đặc ngữ quen thuộc. Ngựa trắng, ngựa hoang, tuấn mã, chiến mã, con ngựa gỗ,
ngựa không cương, vân vân.. . ở tột đỉnh của sự thăng hoa, hình ảnh ngựa trắng
là vật cưỡi của các anh hùng, thánh nhân để làm nên những kỳ tích vĩ đại. Trong
sử thi Chăm Akayet Dêva Mưnô, hoàng tử Dêva cưỡi ngựa trắng bay, lao vào cuộc
chiến, vượt qua mọi trở lực và đánh thắng mọi kẻ thù, mang thanh bình cho quê
hương. Thời hiện đại, ngựa được các nhà phân tâm biến thành biểu tượng của tâm
vô thức hoặclinh hồn phi nhân tính, hay cao hơn: Sự cuồng nhiệt vô bờ của dục
vọng bất khả cưỡng.
Trong văn chương Việt Nam hiện đại, trước hết, ngựa biểu tượng cho tinh
thần tự do, mơ mộng đẫm chất lãng mạn. Từ ngựa của Xuân Diệu thời Thơ Mới: Và
hồn tôi như ngựa trẻ không cương/ Con ngựa chiến ngất ngây đường viêu viễn. Sang
Hoàng Hưng thời hiện đại chủ nghĩa, ngựa đã là ngựa cô độc đầy kiêu hãnh lạc
giữa tập thể bầy: Em là con ngựa non thon vó/ Lạc giữa rừng người hoang vu.
Nhưng dẫu lãng mạn hay kiêu hãnh tới đâu, con ngựa vô thức vẫn bị nhốt
chặt giữa cộng đồng bầy đàn, bởi đè nén và chịu ức chế bởi muôn vàn trói buộc. Sự
cuồng nhiệt vô bờ của dục vọng bị nén chặt bởi bao khuôn phép của xã hội và
nhân quần, ngựa cần phải bung phá, xổ lồng để thể hiện tối đa tiềm lực của
mình. Thời đại hôm nay sẵn sàng cho ngựa tinh thần mới đó. Trong thơ ca, các
nhà thơ trẻ đương đại đã làm được gì? Từ Trần Lê Sơn Ý:
Thức
dậy đi hỡi chú ngựa non của đồng ngực trẻ
Thức
dậy và tung bờm cất vó
Phóng
như điên.. .
Thức
dậy đi ơi chú ngựa đã ngủ sâu trong đáy tim nhiều năm tháng.
(Bài ca ngựa non, Thơ hôm nay, NXB
Đồng Nai, 2003, tr. 213)
Cho đến tận ngựa của Khương Hà:
Em là con ngựa bất kham vừa chạy trốn vừa chạy theo những ám ảnh...
(Khương Hà, Bên trái là đêm, Dự
báo phi thời tiết, NXB Hội Nhà văn, 2006, tr. 32)
Ngựa của các bạn thơ nữ trẻ hôm nay nhất tề đòi tháo cũi xổ lồng. Cho
mọi sức sống trào lên, tràn ra, phun vọt mà không phải bị nén lại bởi bất kỳ
lực cản nào. Lâu nay đời sống và cả thơ ca chúng ta bị gò bó, đóng khung trong
ngôi nhà chật chội, thể thức chật hẹp. Ta đã từng cựa quậy, nhưng vùng vẫy thế
nào rồi cũng bị vướng kẹt. Với chung quanh và cả với chính ta. Ta Thơ Mới,
nhưng mới thế nào rồi cũng cũ. Ta thơ tự do, nhưng tự do ta vẫn lớn lên từ tiếp
nhận truyền thống. Nghĩa là vẫn bị vướng kẹt. Phải tự do, tự do tuyệt đối, là
thế. Cần "phóng như điên... " là vậy.
Rồi khi nhóm thơ Ngựa Trời xuất hiện, sự phóng túng đã được đẩy lên đến
tột đỉnh. Ngựa trời hay bọ ngựa (tiếng Pháp: Mante religieuse) Sau khi làm tình
với con đực, ăn tươi nuốt sống bạn tình của mình. Ngựa biến thành thứ ngựa lừa (hay
ngựa người) (tiếng Pháp: Onagre) Tượng trưng cho con người hoang dã không thể
khuất phục.
Nhưng chỉ có thế thôi sao? Vậy đâu là sự sáng tạo không gì cản nổi của
thơ trẻ hôm nay? Tự do và hoang dã để làm gì, nếu dục tính ấy không được quy
hướng về sự sáng tạo, vừa thỏa mãn cái tôi cá nhân đồng lúc phục vụ nhân quần? Bởi
ngựa còn là biểu tượng của phá hủy và sáng tạo. Theo tinh thần triết học Shiva,
phá hủy để sáng tạo, phá hủy trong ý hướng sáng tạo ngút trời. Biểu tượng ngựa
liên quan mật thiết tới lửa, nước và chiến thắng, đồng thời quan hệ biện chứng
với sáng tạo. Lửa phá hủy và nước rửa sạch, để mọi thứ trở nên tinh khôi sẵn
sàng cho bung phá và làm mới.
Các bạn thơ trẻ đang ở đâu, giữa dòng đời bề bộn này? Ngựa năm nay có
hứa hẹn một khám phá mới, thành tựu mới cho văn học Việt Nam?
Inrasara (Theo ND)
Nhận xét
Đăng nhận xét