Chuyển đến nội dung chính

TIẾNG CHÀY MA – TRUYỆN NGẮN

TIẾNG CHÀY MA –TRUYỆN NGẮN



- Không! Có các vàng tôi cũng không bao giờ vào cái chỗ "thổ tả" ấy nữa! Dũng tợp một ngụm nước trà đặc, mặt méo xệch như thể vừa thoát thân khỏi một nơi nào đó rất khủng khiếp. Họ mải bàn luận không chú ý đến một thanh niên mặt non choẹt, đôi giày như thể mới được phát còn mới tinh chưa vướng một chút bụi nào cọ cọ vào nhau.

- Em muốn đi Chung Chiêng một chuyến. Bọn họ mắt sáng bừng như vừa bắt được vàng, tất cả cùng nhìn về phía Việt rồi ồ lên.

- Phải phải, cậu ấy sẽ đi!

Việt nhận việc đi công tác ở Chung Chiêng một tháng để hướng dẫn dân bản trồng rừng cây lâm nghiệp. Anh trở về phòng, tự tay gấp quần áo, thu dọn đồ đạc,.. . Tất cả thật gọn gàng, vuông vức xếp vào ba- Lô. Trong lòng không khỏi bồn chồn, lo lắng đang được giao một công việc hết sức khó khăn ở bản xa xôi vào bậc nhất của tỉnh.

Xe khách dập dềnh, lắc lư qua những đoạn đường đang sửa dở. Đi khoảng ba mươi cây số, bác tài xế quay đầu hét tướng xuống phía dưới.

- Đến ủy ban xã rồi nhé, ai xuống thì xuống đi!

Việt xách ba- Lô, chân chưa kịp chạm mặt đất, chiếc xe đã vội vã lao đi, anh mất đà bước hụt, đầu giúi về phía trước. Giữ thăng bằng một lúc anh mới ngẩng mặt lên nhìn quang cảnh xung quanh. Trung tâm xã Bác Nọi không có biểu hiện của sự khấm khá, dăm ba chiếc ô cũ kỹ giương lên để che nắng cho bàn thực phẩm ế, những người bán hàng đang uể oải ngồi ngáp vắn ngáp dài.

Việt khoác ba- Lô lên thẳng ủy ban xã, mấy người đang ngồi tán chuyện cùng ồ lên chào mặc dù chưa biết anh là ai. Việt chìa giấy giới thiệu công tác cho một người ngồi gần cửa nhất, người này trịnh trọng đón mảnh giấy và đọc thầm, khoảng dăm phút sau anh ta gọi với vào phía góc trong cùng có một cô mặc áo kẻ ca rô xanh tím đang ngồi kỳ cạch bên chiếc máy vi tính.

- Cô Hậu gõ hộ tôi cái giấy nhận công tác. Việt tiến tới chỗ cô gái có tên Hậu, cô gái nâng tờ giấy của Việt lên xem, sau đó mở máy tính và bắt đầu dùng đầu ngón trỏ của tay phải chọc xuống bàn phím. Việt xót ruột nhìn đồng hồ, khoảng ba mươi phút sau Hậu chìa cho anh một tờ giấy vừa in xong.

- Anh xem lại đã đúng chưa.

Việt đón lấy tờ giấy và tỉ mỉ dò tìm từng con chữ, anh vốn là người cẩn thận và nguyên tắc, sai một lỗi coi như hỏng cả bản.

- Cô ơi chỗ này, một chín tám lăm, nhầm số một thành dấu chấm than rồi.

Hậu đỏ mặt, giật vội tờ giấy trên tay Việt, cô đã cố đánh rất chậm và cẩn thận dò từng câu từng chữ mà vẫn bị anh bắt được lỗi. "Số một và dấu chấm than có khác gì nhau đâu! ". Cô gân cổ chống chế nhưng vẫn sửa dấu chấm than thành số một.

Sau khi làm xong các thủ tục cần thiết, Việt được mời ăn một bữa trong quán cơm phở bình dân cạnh ủy ban. Ngay đầu buổi chiều hôm đó, ông Toán và cô Hậu dẫn anh vào Chung Chiêng để nhận việc. Ông Toán là phó đội trưởng dân quân tự vệ xã, khoảng bốn mươi lăm tuổi, khuôn mặt nhàu nhĩ, thân gầy rạc được bao bọc trong chiếc áo dân quân rộng mà dày như chiếc bao tải gai, vừa đi vừa lải nhải: "Cái bọn ấy, nếu chúng nó quá thể, anh cứ xuống xã mà ở, rồi thỉnh thoảng hãy lên". Việt không khỏi ngạc nhiên, đến giờ anh mới cảm giác phân vân, lo lắng không biết trên Chung Chiêng có gì đáng sợ đến vậy mà khi nhắc đến nơi đó ai cũng lắc đầu nguầy nguậy.

Đi hết bản Chung Xa thì không còn đường lớn nữa. Ba người rẽ trái, bước chân lên những viên đá xếp tạm bợ để đi qua con ngòi nhỏ, nước trong vắt nhưng tuyệt nhiên không thấy sủi tăm một con đòng đong, cân cấn nào. Đường mòn hẹp dần, dốc đến nỗi có những đoạn chỉ có thể bò, nhìn từ xa họ như đang giẫm vai nhau nối thành một cái thang để lên được phía bên trên. Ông Toán đi trước dẫn đường, cô Hậu được ưu tiên đi giữa, còn Việt tất nhiên phải đi sau cùng. Hậu nói: "Như thế là hợp lý nhất, nếu có ai trượt chân ngã xuống thì anh có thể đỡ, vì anh là cán bộ".

Leo hết quãng dốc, ba người ngồi nghỉ trên triền đỉnh, có hai người đàn ông đi ngược từ đường mòn phía bản ra, trên vai gùi vỏ can loại hai mươi lít đã ngả màu đục và chi chít vết xước. Họ mắt la mày liếng, chào quýnh quáng cho xong rồi tụt vội xuống con dốc, thoáng chốc hai cái bóng loắt choắt như hai con khỉ đã nhỏ xíu tít phía dưới.

Hậu bước song song với Việt, vừa đi vừa nói chuyện về bản Chung Chiêng, trên bản có ba mươi tư nóc nhà nhưng có tới một trăm tám mươi sáu nhân khẩu, chủ yếu là người Mông. Người dân trên bản đặc biệt lười lao động, chủ yếu sống dựa vào núi non và con ngòi nhỏ quanh năm cạn nước. Điều khủng khiếp hơn là ở đây từ nhỏ tới lớn, già, trẻ, gái, trai đều nghiện rượu. Việt cười khẩy, rượu thì ở đâu người ta chẳng uống, chẳng say, chẳng nghiện. Hậu nhìn anh bằng đôi mắt hết sức cảm thông, cô chỉ có thể động viên Việt bằng vài từ lí nhí trong cổ.

- Dù sao thì anh cũng phải cẩn thận đấy!

Gần bốn giờ chiều thì đến nơi, Việt ở lại nhà trưởng bản, ông Toán và cô Hậu vội vã "bàn giao" anh cán bộ lâm nghiệp rồi quay về.

Trưởng bản Sua người gầy lòng khòng, chòm râu bạc mỏng tang như bám hời hợt vào cái cằm trồi về phía trước, tay bắt mặt mừng, vỗ vỗ lên ngực Việt.

- Được, được rồi! Khỏe đấy, uống được rượu không?

Việt khẽ gật đầu tôn kính, anh muốn sắp xếp lại chỗ ăn chỗ ở cho đàng hoàng rồi mới tính bắt tay vào công việc chính.

Nhà trưởng bản có ba gian chính giữa và nối thêm hai gian trái, nhìn bề ngoài có vẻ to nhưng đông người ở nên có vẻ chật chội. Những người con của trưởng bản lớn lên lập gia đình, sinh con đẻ cái, người thì dựng tạm cái chòi ngoài sườn dốc làm chỗ chui ra chui vào, khi chán lại dọn về ở trong ngôi nhà này, mỗi cặp vợ chồng con cái cuốn đồ đạc ở một góc nhà, đêm đến lại trải ra ngủ. Bên gian trái nối thêm để vợ chồng người con cả ở, còn gian phải là chỗ của ông bà già trưởng bản.

Thêm Việt nữa là mười lăm người, nhưng có thấm vào đâu, trưởng bản vừa nói vừa chỉ chỗ chính giữa bảo Việt ngả tạm lưng ở đó. Chiều đến, bước chân rầm rầm của những người vừa đi làm về khiến Việt choàng tỉnh dậy, anh lễ phép chào mọi người nhưng dường như chẳng ai câu nệ điều đó, họ đã quá quen với việc khách xa đến ăn ở trong ngôi nhà này rồi.

Bữa cơm tối chưa được dọn ra thì chum rượu đã đặt giữa nhà, trưởng bản cầm cái bát khoắng vào giữa chum múc một bát nước đùng đục trịnh trọng đưa cho Việt.

- Anh là khách phải uống trước đấy.

Việt ngượng ngập nâng bát rượu định đặt xuống thì trưởng bản lại đẩy bát rượu lên ngang miệng anh.

- Uống đi, cho chúng nó còn uống.

Việt choáng váng nhìn xung quanh, từ già đến đứa nhỏ nhất trong nhà ngồi xúm xuýt, vây kín bên chum rượu, những cặp mắt đau đáu thèm khát chờ đợi để đến lượt mình. Đặt bát xuống cũng không xong, Việt đành đưa lên miệng nhấp một ngụm, rồi dốc hết cả bát vào trong cổ. Và cứ như vậy hết lượt này đến lượt khác, vòng này đến vòng khác, Việt chẳng đếm nổi mình đã uống bao nhiêu bát rượu từ tay những người trong nhà múc trong chum đổ vào miệng anh nữa. Những khuôn mặt đen đỏ nhòe nhoẹt, tiếng nói cười bả lả hòa quyện với mùi rượu nồng nàn quay cuồng trong đầu Việt. Anh ngủ vùi một giấc cho đến khi giật mình tỉnh dậy thì mặt trời đã lên trên đỉnh núi. Người nhà trưởng bản đã đi làm cả. Việt khoác áo, xuống sân định bụng đi một vòng thăm dân bản trước.

* * *

Tiếng giã đều đều, nhỏ nhẹ như thể sợ làm đau những hạt gạo giữa ban sáng khiến Việt cảm thấy trong lòng thật dễ chịu. Cái nặng trĩu tụ lại thành u trên đầu bởi bữa rượu ép đêm qua tan dần ra, thấm qua chân tóc anh, chảy láp táp theo mồ hôi xuống cổ. Việt đưa tay quệt ngang thứ nhớp nháp đó, hai bàn chân anh như bị thôi miên, vừa đi vừa hòa theo từng nhịp chày giã xuống thành giai điệu nhịp nhàng, nhịp nhàng "kít, kung.. . Kung, kít.. . Kung.. . Kung... ".

Chắc hẳn là một thiếu nữ Mông đang giã gạo. Việt khe khẽ nhón mũi giày như thể sợ làm hỏng tiếng chày kia. Nhưng tiếng chày bỗng im bặt. Những cây cỏ đắng um tùm hai bên đường, hoa nở trắng xóa giữa ngọn, ong hút mật sớm vo ve như tiếng đàn bên tai. Việt dỏng tai chờ đợi mà tiếng chày vẫn chưa giã trở lại, anh sốt ruột khẽ đưa tay vén bụi cây đắng ghé mắt vào. Ngoài túp lều nhỏ cũ kỹ, xung quanh ốp những tàu lá cọ nẹp lại làm vách thì chỉ còn trơ chiếc cối giã gạo, người chẳng thấy đâu. Việt đứng bần thần một hồi thì một bé gái chừng hơn mười tuổi, lưng địu đứa em nhỏ, hai tay xách hai ống nứa chạy thình thịch ra suối, anh không kịp tránh mặt nên đứng chôn chân tại chỗ. Em bé nhìn thấy Việt thì giật thót mình đứng khựng lại, co rúm vì sợ hãi.

- Ai vừa giã gạo vậy? Có phải em không? - Việt vừa giơ tay trấn an cô bé vừa cất tiếng hỏi.

Em bé sợ hãi lắc đầu nguầy nguậy.

- Chắc là mẹ em? - Việt đổi sang câu hỏi khác.

Em bé vẫn chưa gật đầu, đôi mắt to tròn run rẩy, long lanh ướt.

- Thế thì chắc là chị của em giã gạo rồi!

Việt lẩm bẩm trả lời câu hỏi của chính mình. Bỗng đứa trẻ trên lưng em bé tỉnh giấc òa khóc, em bé hoảng hốt thả hai ống nứa xuống đất, quay lưng cắm cổ chạy một mạch về túp lều, hai ống nứa lăn lông lốc xuống chạm vào mũi giày của Việt, anh khẽ cúi xuống nhặt lên.

Mới chỉ qua một đêm không có rượu mà người đàn ông đã biến thành con quỷ với đứa con gái mình đẻ ra. Đây không phải là lần đầu tiên ông Cơ túm mớ tóc hung hung của Sa kéo cho rối tung lên, giọng thì gằm gè như tiếng thú dữ.

- Tao bảo đi đổi rượu. À lối...

- Không, không được đổi rượu. Gạo nấu cháo của em Si đấy!

Sa vẫn giữ khư khư rá gạo vừa giã trật vỏ trong tay mặc cho người bố ra sức giằng lại. Đứa trẻ trên lưng Sa khóc ngằn ngặt. Ông Cơ giật mạnh cái rá, những hạt gạo mầu trắng bạc tung ra, bay lạt rạt trên mặt đất. Sa hét toáng lên, nước mắt lã chã, tay vơ vội nắm gạo lẫn đất cho vào rá.

Việt đứng ngoài đã nhìn thấy cả. Anh đặt hai ống nước dựa vào bục cửa và quỳ một bên gối xuống, nhặt từng hạt gạo bỏ vào lòng bàn tay. Ông Cơ ngạc nhiên trước sự xuất hiện đường đột của Việt, liền hất hàm với anh.

- Mày rình nhà tao à!

- Nếu ông còn đánh em ấy, tôi sẽ...

Việt bỏ gạo vào trong rá, tay xoa xoa lên đầu Sa.

- Đừng sợ, đừng sợ.

Sa ngẩng khuôn mặt ướt đẫm nhìn anh thanh niên lạ, một chút gì đó ấm áp từ đôi mắt sáng ngời truyền sang sưởi ấm tâm hồn nhỏ bé, ngây dại run rẩy của em.

*

Cả bản Chung Chiêng đang chìm trong bầu không khí đặc quánh vì rượu. Tất cả mọi thứ làm ra chỉ để dốc vào chai, vào can và thùng rượu. Những cái bụng của đàn ông, đàn bà, già trẻ đều ỏng ảnh thứ nước được trưng cất từ hạt ngô, củ sắn. Hết ngô, sắn để ủ rượu thì đi mua của người bản khác đem vào bán. Trong nhà đến cái niêu méo mó, cũ kỹ cũng được quy thành tiền để đem đổi rượu. Chỉ cần có rượu thì dăm ba quả vả, thêm nắm rau rừng là thành mâm cỗ họp từ buổi nay đến buổi mai, say từ chiều trước đến tận sáng hôm sau, còn một tí sức lực đấy, ai cũng cố nhổm dậy để vào rừng kiếm củ quả gì đó gùi xuống chợ, lại là đổi rượu. Đàn ông uống rượu, đàn bà cũng gật gù bên mâm rượu. Chỉ có trẻ con là ngoại lệ, bụng chúng đói, mắt chúng mờ, tai chúng ù đi, chúng thèm một bữa cơm độn sắn đến cháy gan, cháy ruột từ người lớn.

Việt gầy rạc, công việc của anh thất bại hoàn toàn, người Chung Chiêng cùng đưa ra một triết lý: "Phá rừng đi làm nương còn không kịp, trồng vào thêm để làm gì nữa cho khổ! ". Anh chỉ có thể ngồi vào các bàn rượu dùng hết lý lẽ của mình để khuyên giải dân bản đừng uống rượu nữa, nhưng tiếng nói của anh sao át nổi sự quyến rũ chết người của loại ma men đã thống trị bao nhiêu năm ở cái đất Chung Chiêng này.

Thế rồi người bị mụ mị bởi ma men lại chính là Việt, anh đã không thể từ chối bất cứ một mâm rượu nào dọn ra. Hễ ngửi thấy hơi rượu bay đến là anh lại lần mò, tìm uống bằng được. Anh không nhớ mình đã say bao nhiêu lần, dưới bao nhiêu nóc nhà, để rồi trở thành con ma rượu mới chỉ sau hai tháng cắm bản.

Chuyến công tác chỉ còn một tháng. Nghĩ đến nhiệm vụ của mình, anh buồn bã cầm chai rượu vừa được một tay bán rượu tặng khi chiều lên hất thẳng vào trong cuống họng. Rượu đổ đến đâu anh cảm thấy thẳm sâu linh hồn mình như đang hừng hực cháy rụi đến đấy.

Trong cơn u u mê mê, tiếng chày ở đâu đó lại cất lên. Việt thấy thật lạ lùng, "Chung Chiêng làm gì còn có hạt thóc, hạt ngô nào mà giã", anh bị cuốn theo tiếng giã tưởng đã xa vời vợi đó, dường như nó là liều thần dược an ủi, ve vuốt, cứu rỗi linh hồn Việt đang bị nhấn chìm vào trong men rượu. Việt cứ vậy lần theo tiếng giã, nhưng lạ lùng, đi tới gần thì tiếng chày lại im bặt như thể chưa bao giờ cất lên vậy.

Đến lúc này thì Việt đã hoàn toàn tỉnh rượu và giật thót mình khi nhận ra đây là nhà của Sa, em bé có đôi mắt sâu thăm thẳm mà anh đã gặp từ khi mới đến. Anh đang định đi vào thì chạm ngay lão Cơ ở đầu hiên, lão hằm hè chỉ tay vào mặt anh.

- Mày đấy, uống tranh hết rượu chúng nó... Giờ định đến ăn cắp cái gì của nhà tao à?

- Nhà ông còn gì nữa mà cắp?

- Tao còn đứa con gái đấy, động vào nó tao giết. - Lão Cơ lải nhải với Việt xong thì ngật ngưỡng đi ra suối.

Sa thu mình vào xó nhà, ôm chặt đứa em đang ngủ ngoan trong tay. Em ngước đôi mắt đen lay láy nhìn Việt. Anh bần thần trước ánh mắt sâu thăm thẳm đầy mệt mỏi của Sa.

- Cán bộ ơi, anh có lấy Sa không?

- Em nói cái gì thế?

- Em bảo anh Việt có lấy Sa không?

- Sao có thể lấy em được.

- Anh không lấy Sa thì sao lại sang đây?

- Em... Em còn nhỏ mà. Làm sao có thể nghĩ đến chuyện đó được!

- Nếu không lấy anh Việt, bố bán cả chị em Sa đi để mua rượu đấy...

Việt sợ hãi đến đau lòng. Sa còn nhỏ mà phải khổ quá. Ở Chung Chiêng này có bao nhiêu em cũng khổ như Sa? Tất cả là do rượu, nó còn độc hơn cả thứ vũ khí giết người hạng nặng mà Việt đã từng được nghe qua.

Khuôn mặt, ánh mắt non nớt bỗng chốc hóa lạnh ngắt của Sa cụp xuống, khẽ ấp lên má đứa em nhỏ, miệng khe khẽ một điệu hát không rõ lời. Việt rùng mình, quay mặt đi, bước nhanh chạy trốn khỏi căn nhà rách nát như ma mãnh vừa lôi kéo anh đến bằng tiếng chày ảo ảo trong đầu.

Việt lao lên sàn nhà trưởng bản Sua, trong khi đám người vẫn đang túm tụm, ồn ào bên chum rượu. Anh nằm vật ra sàn, dúi đầu vào trong đống chăn màn bùng nhùng chẳng để tâm xem mình đang tỉnh hay đang mê nữa.

Từ xa xa tiếng chày ma mãnh lại cất lên. Việt nhét hai ngón tay bịt tai lại, nhưng oái oăm, tiếng chày cứ vậy giã thẳng vào trong đầu anh, giã vào tâm can đang rối mịt mù, điên dại của anh.

"- Kít... Kum... Kum, kít... Kum.. Kum. , kít... Kum... ".

*

Việt ôm đầu ngủ thiếp đi cho đến tận khi người bản ồn ào gọi nhau đi đâu đó anh mới choàng tỉnh dậy. Trong nhà chỉ còn vợ trưởng bản đang đun nồi nước sôi trên kiềng, thấy anh thức dậy, bà lật đật chạy sang đỡ Việt.

- Mày đang ốm, đêm qua sốt nặng lắm đấy, từ từ ngồi dậy?

- Trưởng bản đâu rồi ạ?

- Đi sang nhà thằng Cơ rồi.

- Vậy à?

Việt chợt nhớ ra ông Cơ chính là bố của em Sa. Anh vội vàng hỏi vợ trưởng bản.

- Bà ơi, vợ của ông Cơ đâu, sao không thấy?

- Nó chết hơn năm rồi, đẻ con Si xong khổ quá nên ăn lá ngón chết.

Việt thoáng bần thần giây lát.

- Nhà ấy hôm nay có việc gì thế bà?

- Mày không biết à? Thằng Cơ gả bán con Sa cho người tít bản Pình. Nghe nói thằng đấy hơn bốn mươi tuổi, mắt chột lại bị gù lưng, nhưng mà nhiều trâu nhiều bò lắm, thằng Cơ vớ được hố củ bở, mời cả bản đến uống rượu suốt ba ngày ba đêm đấy. Chỉ khổ con Sa, có biết gì đâu...

Việt bật dậy khỏi đống chăn màn bùng nhùng, chân loạng choạng đi xuống cầu thang, nghĩ ngợi sao anh lại quay lên lấy bộ quần áo nhàu nhĩ mặc vào người. Vợ của trưởng bản ngước nhìn anh bằng đôi mắt đầy thông cảm.

- Mày lại thèm rượu à? Ừ, sang đấy mà uống!

Việt chạy như bay qua mấy con dốc nhỏ. Nhà ông Cơ người ra người vào đông đúc, nói cười huyên náo. Nhà trai từ bên bản Pình đã khiêng mấy con lợn và hàng chục can rượu đến đặt ở sân, chờ sẵn để đón cô dâu về.

Thấy Việt áo quần xộc xệch, đầu tóc rối bù đi vào, những người đang giúp làm cỗ ở đó ai nấy đều dạt ra tránh đường cho anh đi. Việt đi thẳng đến cửa, bước chân hơi ngập ngừng bởi cửa nhà đã bị cài then bên trong, cành lá xanh cắm trên mái nhà rủ xuống cấm cản người không liên quan bước vào.

Mấy thanh niên trong bản thấy vậy liền chạy đến lôi kéo Việt ra ngoài sân.

- Cán bộ ơi không vào đấy được đâu. Ra đây uống thôi.

Việt chưa kịp đẩy mấy người thanh niên ra thì họ đã kéo anh ngồi xuống mâm rượu. Người người thi nhau đổ rượu vào miệng anh cán bộ lâm nghiệp nghiện rượu. "Người Mông Chung Chiêng không có rượu thì sẽ không có niềm vui, không có bạn tốt, không có rượu cái tay cái chân nó mềm nhũn không lên nương được. Thế nên phải uống rượu mới là người Chung Chiêng, phải có rượu... ".

*

Nửa đêm, cả nhà trưởng bản ai nấy đã say mèm sau bữa rượu bét nhè ở nhà ông Cơ. Việt choàng tỉnh giấc bởi tiếng chày lúc xa lúc gần đâu đó vọng lại, mỗi lúc một thôi thúc dội vào tai. Tiếng giã thống thiết như đang lay anh dậy, kêu gọi, cầu cứu. Việt bò ra khỏi chăn, cứ vậy mà đi trong vô thức, lần theo tiếng chày âm âm u u đó. Khi tiếng chày trong đầu đã im bặt thì Việt đã đứng ngay trước cửa nhà ông Cơ. Một vài người trong bản đã dậy giúp nấu cơm làm cỗ ngày thứ ba.

Đèn dầu trong nhà leo lét, hai bên túm tụm bàn chuyện đón cô dâu đi để kịp về đến bản Pình trước lúc trời sáng. Việt khẽ lách chân đi vào. Sa vẫn địu em Si trên lưng ngồi nép ở góc chiếc phản cũ kỹ khóc lóc. Ông Cơ dường như đã tỉnh rượu, ngồi kè kè bên cạnh đứa con gái nhỏ.

- À lối, tao bảo mày không được khóc mà.

- Không đi đâu, không đi đâu. Ở nhà nuôi em Si thôi.

- Đưa cho tao.

- Không... Không... Không đi...

- Tao bảo đi là đi!

- Cán bộ Việt bảo con còn nhỏ mà.

- Cả cái bản này bao nhiêu đứa như mày đều đi cả rồi, sang nhà chồng mày còn có cơm mà ăn.

Ông Cơ túm lấy đứa trẻ trên lưng Sa giật mạnh. Đứa trẻ sợ hãi khóc thét lên. Sa ôm vào cây cột gào khóc ầm ĩ nhất quyết không đi. Một người đàn ông chừng bốn mươi, lưng gù, một bên mắt bị chột gỡ tay Sa khỏi cây cột, giọng ề à nồng nặc mùi rượu.

- Bố vợ à, để tao lôi nó về, không chờ được nữa đâu.

Ông Cơ tay túm lấy đứa con nhỏ trên lưng Sa kéo lại, bên kia là người đàn ông hơn em đến mấy chục tuổi sẽ làm chồng đang dùng hết sức lôi đi. Sa kinh sợ khóc thét lên, trong cơn hãi hùng, nước mắt đầm đìa em vô tình kêu lên:

- Anh Việt ơi, cán bộ Việt ơi...

Bỗng đèn dầu trong nhà vụt tắt. Có bàn tay chắc nịch cầm lấy tay Sa kéo chạy ra khỏi nhà. Mặc cho đám người hò theo đuổi bắt. Việt quỳ gối xuống đường rồi bảo Sa trèo lên lưng, và cứ như vậy anh cõng cả Sa với đứa em nhỏ chạy băng băng ra khỏi bản Chung Chiêng giữa đêm tối mịt mùng.

LÝ HỮU LƯƠNG (TheoND)

 

 

>> Nghe Truyện Audio Online hay

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đề tài: Hoạt động marketing của công ty cổ phần bút bi Thiên Long

Đề tài: Hoạt động marketing của công ty cổ phần bút bi Thiên Long Mục Lục Lời mở đầu Chương I : Phân tích kết quả kinh doanh của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long I. Kết quả kinh doanh của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long trong thời gian qua II.Đánh giá hoạt động marketing của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long thời gian qua Chương II : Phân tích môi trường marketing của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long I. Phân tích môi trường marketing vĩ mô II.Phân tích môi trường marketing vi mô III. Phân tích môi trường marketing nội bộ IV. Phân tích swot Chương III. Phân đoạn thị trường của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long với sản phẩm bút bi Thiên Long I. Vị trí hiện tại của doanh nghiệp II. Xác định đối tượng khách hàng hay thị trường cần phân đoạn III. Phân chia thị trường theo những tiêu thức thích hợp IV. Đánh giá tiềm năng của các đoạn thị trường V. Lựa chọn các phương thức marketing nhằm khai thác các đoạn thị trường mục tiêu Chương IV. Xác định chiến lược M...

CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KẾT QUẢ HỌC TẬP CỦA HỌC SINH TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRỲ TỈNH CAO BẰNG

LUẬN VĂN THẠC SĨ: CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KẾT QUẢ HỌC TẬP CỦA HỌC SINH TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRỲ TỈNH CAO BẰNG HỌC VIÊN: BẾ THỊ DIỆP – HƯỚNG DẪN KH: TS. NGUYỄN THỊ TUYẾT CHUYÊN NGÀNH: ĐO LƯỜNG VÀ ĐÁNH GIÁO TRONG GIÁO DỤC MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 2. Mục đích nghiên cứu của đề tài 3. Giới hạn nghiên cứu của đề tài 4. Phương pháp nghiên cứu 5. Câu hỏi nghiên cứu, giả thuyết nghiên cứu 6. Khung lý thuyết của đề tài 7. Khách thể và đối tượng nghiên cứu Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 1.1. TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 1.1.1. Các công trình nghiên cứu ở nước ngoài 1.1.2. Các công trình trong nước 1.2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN 1.2.1. Hoạt động học tập trong nhà trường 1.2.2. Loại hình nhà trường PTDTNT 1.2.3. Đặc trưng học sinh THPT DTTS 1.2.4. Các khái niệm công cụ của đề tài 1.3. KẾT LUẬN CHƯƠNG Chương 2: TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU 2.1. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1.1. Tổng thể...

SÁCH TRUNG QUỐC DANH PHƯƠNG TOÀN TẬP

SÁCH THAM KHẢO VỀ Y HỌC PHƯƠNG ĐÔNG TRUNG QUỐC DANH PHƯƠNG TOÀN TẬP Cái truyền lại được của y học nằm lại trong bài thuốc. Cho nên dược học của Đông y dẫu đã trải qua nhiều chìm nổi, biến thiên song không triều đại nào, thòi kỳ nào bị ruồng bỏ, mà trong y học, việc nghiền cứu thảo luận các bài thuốc đã trở thành một chủ đề muôn thuở. Người học không sợ nhiều mà chỉ lo ít, người SƯU tầm chẳng sợ giàu mà chỉ lo còn quá nghèo. Cuốn sách này là công việc của nhiều người tâm huyết với nhiều năm lao động, tập hợp các bài thuốc hay, bất kê kinh phương, thời phương hoặc bí phương, hễ có công dụng lâm sàng tốt, được chấp nhận rộng rãi từ cổ chí kim đều được giới thiệu. Thuốc hay tập hợp hơn nghìn bài lấy công dụng chủ trị làm cương lĩnh, lấy phương tễ làm đề mục. Mỗi phương đều có tên bài, xuất xứ, thành phần, cách dùng, công hiệu, chủ trị, giải thích bài thuốc theo lí luận Đông y, lòi bàn, các bài thuốc cùng tên, các bài thuốc phụ thêm, phân tích, điền lí để sáng rõ. Trong phần ...