Chuyển đến nội dung chính

TRUYỆN NGẮN: ĐƯỜNG LẦY

TRUYỆN NGẮN: ĐƯỜNG LẦY


 Chiếc ta-xi rú lên một hồi khành khạch rời rạc rồi tắt lịm. Cậu lái xe ý chừng không muốn mở cửa xe, nhảy xuống tìm gạch, đá ven đường chèn bánh xe như mấy lần trước, tay buông vô lăng, mũi lấm tấm mồ hôi, quay xuống bảo Hồng:

- Cháu chịu rồi cô ạ. Đường lầy kinh dị thế này chỉ có phá xe.


Hồng đành trả tiền, xuống xe. Chị trân trân nhìn đôi giày da xinh xắn, nâu bóng giờ lún xuống bùn. Ngước lên đỉnh dốc, chị ngán ngẩm nhìn con đường đất đỏ lầy lên tận óc! Tại sao Đinh chọn nơi này? Thở dài, chị dấn bước. Bùn lầy cứ dính queo đôi giày, giằng giữchân chị lại. Chị cúi xuống, xắn quần, tháo giày ra, lội bộ. Đôi bàn chân thành phố, móng tô sơn kỹ càng, gót son từng có thời nhiều đàn ông đã nâng niu, giờ đạp lên bùn lầy đỏ vùng cao. Tại sao chị phải đến đây?

***
Họ vừa qua một đêm ngon lành vàmới tỉnh giấc trong căn hộchung cư sang trọng của chị ở tầng 19. Đinh hôn nhẹ lên bờ vai chị rồi cứ thế trần truồng đi vào phòng tắm.

Tuổi đã ngoại lục tuần, nhưng anh còn giữ được dáng người rắn rỏi, thẳng tắp, không bị bụng mỡ như mấy ông sĩ quan ham nhậu. Mỗi ngày đều đặn, bất kể nắng mưa hay ốm đau, việc chạy đều 90 phút cho anh dáng săn chắc của dân điền kinh.

Chị hài lòng nhìn theo hút dáng anh, mỉm cười. Chị vẫn nằm trên giường, tấm chăn mỏng vắt hờ lên lưng và eo, đến ngang cặp vú còn căng nở và trắng ngần như gái đôi mươi, anh từng thán phục khi lần đầu nhìn thấy.

Chiếc di động của anh để ngay bên gối chợt réo, cắt ngang dòng suy nghĩ được ướp men hạnh phúc của chị. Chị định lờ nó đi, nhưng tiếng chuông hơi choi chói lôi sự chú ýcủa chịtrởlại. Chị nhặt điện thoại lên, định mang vào phòng tắm cho anh.

Chợt hai chữ“Cù Nhầy” hiện trên màn hình Iphone làm chị lăn tăn. Chị ngây ra nhìn cái điện thoại với cái nick kỳcục đang làm phiền chị quá sớm. Nó tắt cuộc gọi chừng nửa phút thì lại réo rắt lần hai.

“Cù Nhầy” là ai?

- Xin lỗi, ai gọi cho anh Đinh đấy ạ?

- Chị cất giọng vui vẻ, ngọt ngào hết sức.

Đầu bên kia sững ra vài khắc.

- Chị là ai? - “Cù Nhầy” hỏi, giọng gay gắt.

Chị lập tức thấy khó chịu, nghiêm giọng:

- Tôi là ai, cô không có quyền hỏi.

Chính tôi mới là người có quyền hỏi cô là ai.

Giọng “Cù Nhầy” bắt đầu xoe xóe:

- Chị là cái chó gì với Đại tá Đinh, hả? Sao chị cầm điện thoại của anh ấy? Anh ấy đâu rồi, chị đưa điện thoại cho Đại tá để tôi nói chuyện.

Chị cười nhạt, giọng lạnh băng, đầy đe dọa:

- Nói đi, cô là ai, tên gì, ở đâu... Trả lời tôi cho tử tế nếu muốn yên thân. Cô sẽ không muốn sống nữa nếu biết tôi là ai, tôi có thể làm được những gì.

Cái giọng xoe xóe kia càng tăng cấp độ:

- Á... Một con đĩ già lại dám dọa bà. Bao nhiêu con đĩ non bà đây còn chấp hết, phải lạy bà như tế sao. Này, bà nói cho mà biết: Bà là vợ của lão Đinh lang chạ đấy nhá. Đưa ngay điện thoại cho thằng cha lang chạ, có cái đinh cùn đi cắm khắp nơi, để bà lôi cổ nó về bà giềng mẻ!

Buổi sáng của chị vỡ tan.

***

Hồng mắm môi dấn từng bước trong dẻo bùn quánh đỏ. Gạch vụn, sỏi thúc vào gan bàn chân chị nhoi nhói. Chị cần phải tường tận câu chuyện này, dù chị không lạ gì thói đàn ông. Nếu còn một góc tối nào đó, chị sẽ rạch ra, rọi mắt vào nhìn cho kỹ. Dù ở thiên đường chị cũng lôi xuống, chui xuống âm ty chị cũng móc lên bằng được. Chị không bao giờ bó tay trước bất cứviệc gì chị muốn.

Trong đời, từng có lần duy nhất chị chịu nhường người đàn ông ấy một bước, đó là bố con Huệ, người chồng đầu tiên, duy nhất của chị.

Khi con Huệ lên sáu tuổi anh ta đòi ly thân chị, chỉ một lýdo lãng xẹt: Thầy phán, mệnh của anh và em xung khắc, em luôn cản trở công danh của anh, mà đó lại là ý nghĩa cuộc đời anh.

Chị đời nào chấp nhận. Chị, người đàn bàcó nhan sắc, giỏi giang, kiếm tiền dễ như lượm lá rụng trong vườn, nội trợ cũng khéo; xét về độ thông minh thì đàn ông còn phải ngả nón, tại sao lại bị chồng bỏ?! Bạn chị bảo: “Mày dở hơi, cứ nói trước, làm trước những việc đàn ông người ta chưa kịp nghĩ ra, thì người ta lấy đâu ra chỗ thể hiện. Đàn ông không thể hiện là đàn ông không ra gì. Nó phải phới thôi”.

Anh ruột chị thì rên rỉ: “Anh đã bảo cô rồi, hãy ngu đi để lấy chồng. Cô lại quên à?”.

Mất 12 năm trời chị không thuyết phục nổi anh, đành ra tòa ly dị. Chị chấp nhận sự thật: bị đàn ông chối bỏ.

Chị chơi với nhiều đàn ông hơn, có ý tìm kiếm. Chị không định thể hiện với ai, cũng không định kiếm tấm chồng. Chị sẽ không bao giờ lấy chồng nữa. Chị cần một người yêu, một người tri kỷ, một người phóng khoáng, một người ham khám phá, có thể cùng chị “đứng thẳng lên mà đi”.

***

Đại tá Đinh bảo chị:

- Hồng à, em cũng hơi giống anh đấy. Hơn 10 năm trước anh ly dị vợ, và từ đó đến nay độc thân. Anh quyết định không cần lấy vợ. Quá khứ có vợ của anh đã đóng chặt lại rồi. Anh chỉ xin em một điều là đừng cố mở nó ra làm gì.

Hồng mỉm cười, nhìn sâu vào mắt Đinh, gió đùa trên những giò lan treo lửng lơ trên đầu họ, rồi rơi vờn mái tóc mềm ánh nâu của chị:

- Em chẳng dành thì giờ vào những việc vô nghĩa như lục lọi quá khứ chẳng hạn. Những người đàn bà trước kia, thậm chí sau này của anh, em không quan tâm. Nhưng em có một nguyên tắc mà em và anh nên tuân thủ: hiện tại anh và em đang cùng đi trên một con đường, thì con đường ấy chỉ có hai chúng mình thôi.

- Đồng ý! Đinh vươn tay qua bàn, nắm chặt tay Hồng, mắt anh nheo tít lại, có lẽ vì nắng chói.

***

Một người đàn ông trung niên, dắt chiếc xe đạp “cởi truồng” khó nhọc từ dốc đi xuống. Bánh xe, nan hoa bê bết bùn đỏ. Anh ta dừng lại, có ý né đường cho chị đi, mắt nhìn chị ái ngại. Chị hỏi:

- Anh cho tôi hỏi, trang trại của Đại tá Đinh còn xa không?

Người đàn ông ngoái lại phía sau, khoát tay chỉ vút lên phía đỉnh núi, nơi những tán cây rậm rìu uẩn.

- Phía mãi trên kia, còn mệt mới tới nơi, sao chị không điện thoại cho Đại tá đánh con Jeep xuống chở chị lên. Mưa suốt cả tuần nên con dốc này thành dốc tử thần. Xe nào cũng tử, chỉ con Jeep Mỹ của Ngài Đại tá là bất chấp. - Người đàn ông nói vẻ thán phục.

Chị xua tay:

- Không cần, tôi muốn lội bộ như thế này xem sức mình đến đâu.

- Vâng, chị chịu khó leo núi vậy, lên tới nơi chị bảo chị Ngoan làm cho cốc sinh tố bơ hái trong vườn là tỉnh táo thôi.

Chị ngạc nhiên:

- Anh có vẻ rành chuyện ở trang trại Đại tá nhỉ?

- A, tôi được chị Ngoan thuê làm vườn ở đómà. Người đàn ông giải thích - Bơ và vú sữa trong trang trại Đại tá Đinh sai quả lắm.

Chị chợt đắng lòng. Nhiều lần anh bay ra Hà Nội, ta-xi đưa anh từ sân bay về, chất đầy những bao tải và thùng carton quả bơ, vú sữa, nhưng anh giải tán rất nhanh trên đường, biếu Thiếu tướng A, Trung tướng B, Thượng tướng C nào đó rất mê bơ, vú sữa trang trại... Khi anh về tới căn hộcủa chị thì đến cái lácây bơ cũng không còn.

- Em cũng mê ăn bơ - Có lần chị cáu.

- Thế à? Sao em không bảo sớm để anh đểphần em vài cân? - Anh cười xí xóa - Để lần sau anh mang cho em vậy.

Và chưa từng có lần sau. Tính anh hay quên lắm. Có lẽ có tuổi rồi nó thế: anh vò đầu bứt tai.

***

Sau khi lấy số điện thoại của “Cù Nhầy” từ máy điện thoại di động của anh, chị đã nhiều lần trò chuyện với “Cù Nhầy”. Một lần, cái giọng xoe xóe ấy biến mất, thay vào đó là tiếng nức nở:

- Em đến nhục với thằng cha này chị ạ. Em cúc cung tận tụy với cha ấy hơn mười năm trời, bao tiền của riêng em kiếm được từ công việc cũ em rót vào đầu tư cái trang trại này cùng cha ấy, cứ tưởng với thời gian thì cha ấy sẽ cảm kích tấm chân tình của em mà sống thật lòng với em. Rồi cha ấy cũng nói thương em, từ nay chỉ có em thôi. Em hởi lòng hởi dạ, càng dồn hết sức đắp điếm cho trang trại này, hoa trái sum suê, tiền kiếm cũng được lắm, trang trại bắt đầu đẻ ra tiền. Nhưng đúng là miệng quan trôn trẻ, cha ấy cứ xoen xoét với em, lấy tiền của em nhét đầy túi, rồi nay con này mai con nọ, nghỉ hưu rồi nhưng cứ lấy lý do bay ra Trung ương lo lót việc ông này bà kia quan trọng lắm, kỳ thực toàn đi tìm gái. Còn thân em đây đến cái giấy kết hôn cha ý cũng không ký cho. Nhiều lúc em muốn bỏ phắt cha ấy, tự lo cho mình cho đỡ nhọc xác, nặng đầu, nhưng rồi em lại tiếc công em theo đuổi cha ấy bao năm, dồn bao tình cảm, tiền của, mồ hôi nước mắt nữa... Hu hu, sao em ngu thế không biết!...

Chị hỏi anh, giọng không cảm xúc:

- Cô Ngoan với anh thế nào?

Anh không hề tỏ ra ngạc nhiên hay lúng túng vì bị chị phát hiện.

Giọng anh trơn tru như thật:

- Anh thuê cô ấy trông nom trang trại ở trong kia cho anh. Em đừng bận tâm, cô này quản lý trang trại thì tốt, làm ra lãi cho anh, nhưng đầu óc có vấn đề, hơi hoang tưởng, cô ấy cứ nghĩ anh cần có gì với cô ta. Anh chưa tìm được người nào tin cậy để trông nom trang trại nên vẫn tạm dùng cô ấy.

Chị rùng mình.

***

Trang trại của Đại tá Đinh nằm quá lưng chừng núi. Từ con dốc lầy bùn rẽ trái chừng hơn trăm mét là tới cổng trang trại. Chị dừng một chút trước cánh cổng ghép bằng những thân keo thẳng tắp, khá mới, còn lớp vỏ chưa bong hết, trông mộc mạc mà đẹp. Làn gió luồn qua những tán cây ăn quả rậm rì, đưa đến cánh mũi nhạy của chị thứ mùi hôi khó ngửi. Như mùi phân lợn.

Quả nhiên, dưới mỗi gốc cây bơ, vú sữa là dăm ba chú lợn mán đen, lưng võng lăn lóc như những quả dưa hấu, đang mải miết rà mõm sát đất. Chị lia mắt khắp lượt: có quá nhiều lợn mán. Dưới đất đen đặc lợn mán, trên trời rậm rịt quả bơ, vú sữa.

Người đàn bà này quả là mát tay, chịu thương chịu khó. Chị khe khẽ lắc đầu. Vẫn chân trần chị đi về phía căn nhà to nhất giữa trang trại.

Chị dừng trước cửa chính, lắng nghe tiếng xoe xóe quen tai:

- Anh quyết định đi. Tôi muốn anh lựa chọn: một là chúng ta đăng ký kết hôn. Hai là anh trả lại cho tôi số phần tôi góp vào trang trại này, rồi tôi sẽ biến. Biến mất hoàn toàn khỏi cuộc đời anh.

Giọng Đinh:

- Em biết thừa nguyên tắc của anh rồi. Anh không bao giờ cưới vợ nữa. Nhưng em là người đàn bà quan trọng nhất của cuộc đời anh kể từ khi anh gặp em. Như vậy còn chưa đủ sao?

Giọng Ngoan, bớt xoe xóe, nhưng nặng hơn:

- Tôi quan trọng nhất, và có những con đàn bà khôn hơn tôi quan trọng nhì, ba, tư, năm, sáu... chúng nó moi túi anh lấy tiền máu tiền nước mắt của tôi. Chỉ có tôi ngu dại cứ vắt kiệt mình ra cho anh từng đấy năm trời...

Không chịu đựng thêm, chị đấm tay lên cánh cửa, kêu lớn:

- Có khách, có khách!

Đại tá Đinh mở cửa, lần này thì anh ngạc nhiên:

- Ô, Hồng! Làm sao em tới được đây?

Chị mỉm cười, giọng nhẹ như không:

- Ngạc nhiên chưa? Em là người có thể đến bất cứ nơi nào, mở bất cứ cánh cửa nào muốn mở. Bây giờ anh mới biết sao?

Từ đó Đinh không nói câu nào nữa. Anh ngồi hút thuốc hết điếu này tới điếu khác, nét mặt cố không lộ cảm xúc gì, nhưng những ngón tay liên tục bấm tìm gì đó trên điện thoại một cách thiếu kiểm soát.

Anh để mặc hai người đàn bà vừa đối thoại, vừa dắt nhau đi xem lợn, thăm cây, quả. Thôi mặc họ tự xử. Rồi họ sẽ tìm ra phương án với nhau, anh không việc gì phải nghĩ cho mệt óc. Anh tự hỏi, giả dụ một trong hai người đàn bà kia nắm tờ giấy kết hôn mà trong đó có tên anh, thì sao nhỉ? Không lấy vợ vẫn cứ là hay nhất!

Ngoan nhìn chị, cố nói chậm, nhưng chị có cảm giác cái giọng ấy căng đầy nước mắt, chỉ chực vỡ òa ra thành suối, thành sông, thành lũ:

- Đêm nay chị ở đây với anh ấy nhé. Em sẽ đi.

- Em đi đâu? - Chị bất giác hỏi.

- Đi đâu chẳng được, miễn là ra khỏi đây. - Ngoan nhếch môi - Em thật sự chán lắm rồi.

- Cứ thế, bỏ cả đây mà đi ư?

- Chứ nhùng nhằng đến bao giờ, đến hết đời ư? Thôi đi để tự giải phóng mình, cho được tự do, ý em nói là về tư tưởng ấy.

Chị lắc đầu.

- Chị đến đây để biết cho rõ. Thế là đủ rồi. Cảm ơn em đã tin chị, mách địa chỉ trang trại cho chị đến. Chị đi đây.

Ngoan vội nắm tay chị:

- Không được. Chị ở lại đây đi. Chị yêu Đại tá Đinh mà.

- Hết rồi, em ạ. Con người ấy kể từ hôm nay đã bị loại ra khỏi cuộc rồi.

Không quay lại chào anh. Chị rời trang trại. Ngoan tiễn chị một đoạn.

Chị lại nhấc từng bước chân khó nhọc đi xuống con đường lầy. Thỉnh thoảng ngoái lại, chị thấy Ngoan vẫn tần ngần đứng đó, lại giơ tay lên vẫy vẫy chị. Cô ấy đang lưỡng lự, giữa đứng lại và quay về.

Chị nhìn lại phía sau một lần nữa, như chụp một bức hình vào óc, con đường lầy với người đàn bà lưỡng lự ven đường.

Chị biết sẽ không bao giờ trở lại con đường này.

(Theo ND - KIỀU BÍCH HẬU)


-------------------------

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đề tài: Hoạt động marketing của công ty cổ phần bút bi Thiên Long

Đề tài: Hoạt động marketing của công ty cổ phần bút bi Thiên Long Mục Lục Lời mở đầu Chương I : Phân tích kết quả kinh doanh của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long I. Kết quả kinh doanh của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long trong thời gian qua II.Đánh giá hoạt động marketing của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long thời gian qua Chương II : Phân tích môi trường marketing của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long I. Phân tích môi trường marketing vĩ mô II.Phân tích môi trường marketing vi mô III. Phân tích môi trường marketing nội bộ IV. Phân tích swot Chương III. Phân đoạn thị trường của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long với sản phẩm bút bi Thiên Long I. Vị trí hiện tại của doanh nghiệp II. Xác định đối tượng khách hàng hay thị trường cần phân đoạn III. Phân chia thị trường theo những tiêu thức thích hợp IV. Đánh giá tiềm năng của các đoạn thị trường V. Lựa chọn các phương thức marketing nhằm khai thác các đoạn thị trường mục tiêu Chương IV. Xác định chiến lược M...

CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KẾT QUẢ HỌC TẬP CỦA HỌC SINH TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRỲ TỈNH CAO BẰNG

LUẬN VĂN THẠC SĨ: CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KẾT QUẢ HỌC TẬP CỦA HỌC SINH TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRỲ TỈNH CAO BẰNG HỌC VIÊN: BẾ THỊ DIỆP – HƯỚNG DẪN KH: TS. NGUYỄN THỊ TUYẾT CHUYÊN NGÀNH: ĐO LƯỜNG VÀ ĐÁNH GIÁO TRONG GIÁO DỤC MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 2. Mục đích nghiên cứu của đề tài 3. Giới hạn nghiên cứu của đề tài 4. Phương pháp nghiên cứu 5. Câu hỏi nghiên cứu, giả thuyết nghiên cứu 6. Khung lý thuyết của đề tài 7. Khách thể và đối tượng nghiên cứu Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 1.1. TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 1.1.1. Các công trình nghiên cứu ở nước ngoài 1.1.2. Các công trình trong nước 1.2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN 1.2.1. Hoạt động học tập trong nhà trường 1.2.2. Loại hình nhà trường PTDTNT 1.2.3. Đặc trưng học sinh THPT DTTS 1.2.4. Các khái niệm công cụ của đề tài 1.3. KẾT LUẬN CHƯƠNG Chương 2: TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU 2.1. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1.1. Tổng thể...

SÁCH TRUNG QUỐC DANH PHƯƠNG TOÀN TẬP

SÁCH THAM KHẢO VỀ Y HỌC PHƯƠNG ĐÔNG TRUNG QUỐC DANH PHƯƠNG TOÀN TẬP Cái truyền lại được của y học nằm lại trong bài thuốc. Cho nên dược học của Đông y dẫu đã trải qua nhiều chìm nổi, biến thiên song không triều đại nào, thòi kỳ nào bị ruồng bỏ, mà trong y học, việc nghiền cứu thảo luận các bài thuốc đã trở thành một chủ đề muôn thuở. Người học không sợ nhiều mà chỉ lo ít, người SƯU tầm chẳng sợ giàu mà chỉ lo còn quá nghèo. Cuốn sách này là công việc của nhiều người tâm huyết với nhiều năm lao động, tập hợp các bài thuốc hay, bất kê kinh phương, thời phương hoặc bí phương, hễ có công dụng lâm sàng tốt, được chấp nhận rộng rãi từ cổ chí kim đều được giới thiệu. Thuốc hay tập hợp hơn nghìn bài lấy công dụng chủ trị làm cương lĩnh, lấy phương tễ làm đề mục. Mỗi phương đều có tên bài, xuất xứ, thành phần, cách dùng, công hiệu, chủ trị, giải thích bài thuốc theo lí luận Đông y, lòi bàn, các bài thuốc cùng tên, các bài thuốc phụ thêm, phân tích, điền lí để sáng rõ. Trong phần ...