Chuyển đến nội dung chính

Truyện ngắn: Đôi dép nổi giận

Truyện ngắn: Đôi dép nổi giận


Ðôi dép nổi giận lấy vị trí phố Thọ Lão là tâm cảnh truyện. Xưa nơi đây người Hà Nội cổ gọi là Dốc Thọ Lão, đấy cũng là Ô Ðống Mác, một cửa ô chìm trong vùng lõm nhất, nơi hội tụ nhiều gia đình nghèo nhất với ngõ lẻ thấp cao, những ngôi nhà nhỏ, ẩm thấp, cũng là nơi cư ngụ của nhân vật chính liên minh với cái dép Xỏ ngón làm chuyện kỳ khôi Nổi giận.

Dép nằm ở vị trí thấp nhất trong bộ y phục của người, cận đất. Loại “Xỏ ngón” càng thấp. Ấy mà, ăn ở nếu không ra gì, bội bạc với nó, có ngày nó cũng biết nổi giận. Truyện ngắn Kiều Bích Hậu kể về sự Nổi giận, không nên xét nét nó, tựa vào quy chuẩn ở nền tảng đạo đức gì, như tác giả đã dám để cho hai nhân vật đồng lõa với nhau. Kẻ này lấy cắp của người kia. Truyện xây dựng rất không khí, bởi sự thường đời được Hậu trộn nhuyễn vào sự tưởng tượng mềm mại, tạo nên một câu chuyện thật hư, xảy ra ở vùng tôi mô phỏng trên. Nó là tiếng răn ứa, phụt ra từ cổ họng của những kẻ cận đất nhất, dễ bị bỏ rơi nhất, trong sự phân hóa giàu nghèo hôm nay... Giọng văn nhẹ nhàng, không có lời chửi xéo, uất kết hay ra cái thứ lớp lang đạo lý, mà vẫn nghèn nghẹn một sự đòi nhân tính trong quan hệ con người hôm nay. Ngay hôm nay, câu chuyện hay nhà văn lên tiếng đòi phải tìm mọi cách giữ lấy đạo lý của ông bà dạy: Ăn ở phải có hậu.

Lời bình của nhà văn Nguyễn Văn Thọ

Tôi lục túi, moi ra mấy tờ tiền, đếm đi đếm lại. Hai tờ hai ngàn đồng và hai tờ năm trăm đồng. Tất cả đều cũ nát bẩn thỉu. Bụng tôi gào réo, đói đói đói. Nếu tôi mua hai ổ bánh mì, thì tối nay tôi sẽ ngủ vỉa hè. Nếu tôi nhịn đói và vật nài tay chủ nhà trọ, tôi sẽ được một chỗ ngủ với một cái chiếu đơn cũ hôi rình, kèm món nợ năm ngàn đồng. Giá thuê chỗ ngủ ở khu ổ chuột bây giờ cũng tăng theo giá xăng, điện, mười ngàn đồng/người/đêm.

Nhưng đói thế này, tôi sẽ chết trong lúc ngủ. Mà tôi thì chưa muốn chết. Mới 23 tuổi đầu, tôi phải sống để thực hiện ước mơ của tôi. Mặt, tay tôi túa mồ hôi, run rẩy vì đói.

Tôi mua hai ổ bánh mì trong cái thúng góc phố. Ăn ngấu nghiến. Chưa bao giờ bánh mì ngon đến thế.

Tôi có hai lựa chọn, xin tiền hoặc ăn cắp để có được ít nhất mười ngàn đồng thuê chỗ ngủ đêm nay.

Tôi quan sát chung quanh tìm cơ hội. Góc phố Thọ Lão cuối chiều đông đúc người lớn tan sở, trẻ con tan học. Đập vào mắt tôi là hình ảnh một cô gái trẻ, xách cái túi ni-lông mầu đen, xăm xăm đi tới xe rác, lẳng cái túi vào xe.

Trí tò mò nổi lên, cái gì trong túi ni-lông đen mà nó thu hút tôi mạnh vậy? Bà ngoại tôi từng bảo: “Đừng sợ hãi, lúc con khó khăn nhất cũng là lúc vận may lấp ló đâu đó quanh con, chờ con nhìn ra nó. Chỉ cần con có con mắt thứ ba để nhìn ra vận may mà những người khác không thấy”.

Tôi tin rằng mình có con mắt thứ ba ấy. Tôi từ tốn tiến về xe rác, cúi nhặt cái túi ni-lông mầu đen. Trong túi là một đôi dép cũ, kiểu dép xỏ ngón đế đỏ quai đen, chất liệu cao-su xốp tổng hợp, rất bền.

Ngồi tạm xuống bậc tam cấp của một cửa hàng thực phẩm mặt phố, tôi thử xỏ chân vào đôi dép cũ. Đôi dép vừa in với cỡ chân tôi. Đứng lên đi thử vài bước thấy thoải mái, tôi bỗng phấn chấn vô cùng.

* * *

Thu sang nhà anh họ ăn cỗ. Nhà ở khu chung cư, lát sàn gỗ nên guốc dép của khách tụt ra để cả ngoài cửa. Lúc có việc phải về sớm, Thu ra cửa, bỗng thấy đôi giày da nâu kiểu búp bê của ai đó xinh quá, mới ướm thử vào chân mình. Nào ngờ đôi giày vừa in chân chị. Đi đôi giày này, mặc bộ váy jean hoặc váy in bông thì đẹp phải biết! Thu cứ thế đi đôi giày búp bê về, bỏ lại đôi dép xỏ ngón đế đỏ quai đen của chị. Cũng có chút áy náy vì đôi dép ấy chị dùng đã ba năm mà chưa hỏng. Đôi dép đã cùng chị đi biết bao đường đất, không bao giờ làm đau chân.

Nhìn bóng Thu nhanh chóng lướt xa, đôi dép xỏ ngón hoảng hốt. Nó đã quá quen với đôi bàn chân chị. Nó vốn nghĩ bàn chân chị cần nó, luôn dính vào nó. Rồi máu ghen nổi lên, nó hét:

- Đừng bỏ tôi!

Thu cùng đôi giày búp bê đã biến mất vào thang máy.

* * *

Tuần qua, tôi đã bớt căng thẳng do tìm được việc nhể ốc vặn cho một cửa hàng bún ốc. Tôi phải làm việc cật lực từ bốn giờ sáng đến sáu giờ sáng, sau đó được ăn một bát bún ốc và được trả năm mươi ngàn đồng. Có tiền đút túi, tôi cùng đôi dép xỏ ngón lang thang khắp phố tìm cơ hội. Tôi thấy từ khi đánh bạn với đôi dép xỏ ngón đen - đỏ này, vận may đến với tôi nhiều hơn. Người ta dễ dàng thuê tôi làm các việc lặt vặt, không lắc đầu quầy quậy khi tôi ngỏ lời như trước. Tôi làm việc thật chăm, cốt tích lũy một sổ tiết kiệm để sau này đi học ngành văn hóa. Tôi muốn trở thành một nhà nghiên cứu văn hóa, vì ước muốn này mà tôi đã trốn khỏi cơ sở làm giò chả của bố mẹ ở quê để lên thành phố tìm vận may.

Chiều nay người không được khỏe, tôi bỏ ý định ra tiệm cơm xin rửa bát thuê. Đôi chân đưa tôi tới vườn hoa Y-ec-xanh. Ngồi xuống một ghế đá nghỉ ngơi, tôi bỗng nghe tiếng nói cất lên từ dưới chân:

- Cô mệt lắm không?

- À, cũng hơi hơi mệt - Tôi đáp - Tò mò nhìn đôi dép xỏ ngón.

- Cô không thích làm việc chân tay à?

- Chẳng bao giờ tôi thích làm việc tay chân - Tôi nói, cong những ngón chân lên rồi lại chạm nhẹ xuống dép, mắt không rời đôi dép.

- Sao cô không xin tiền bố mẹ mà đi học ngành khác? Tự cô tích cóp đến bao giờ cho đủ?

- Bố mẹ tôi á? Còn lâu! - Tôi bĩu môi - Ông bà ấy muốn tôi suốt đời làm việc không công cho họ, vắt kiệt tôi vào mấy cái máy xay thịt ấy. Tôi mà ngỏ ý đi học thì chết đòn. Ông bà ấy đẻ con ra để lấy người làm việc, không lấy người đi học!

- Nếu bây giờ có chục tỷ đồng cô sẽ làm gì?

- Chục tỷ cơ á? Nhiều nhỉ! Tôi sẽ mua một căn hộ vừa vừa tiền ở gần Trường đại học Văn hóa, sau đó ôn thi vào trường này. Số tiền còn lại tôi gửi tiết kiệm một phần để lấy lãi chi dùng hằng tháng, một phần đầu tư mua cổ phần của một công ty nào đó.

- Sau đó nữa?

- Tôi sẽ ra trường, trở thành một nhà nghiên cứu văn hóa độc lập. Tôi sẽ đầu tư nghiên cứu những vấn đề do tôi chọn, tôi sẽ đi đến bất cứ nơi nào tôi muốn, để phục vụ việc nghiên cứu.

- Nghe thật hấp dẫn - Xỏ ngón nói - Tôi sẽ giúp được cô. Chỉ cần cô làm theo những gì tôi bảo.

* * *

- Đừng bỏ tôi! Đừng bỏ tôi!

Thu bịt chặt tai, cố bước đi thật nhanh. Sao chị không muốn nghe mà tiếng thét hoảng hốt ấy cứ xọc vào tận óc chị.

- Đừng bỏ tôi!

Thu đành ngoái lại nhìn. Đôi dép xỏ ngón đỏ - đen to như hai trái núi lừng lững tiến về phía chị. Nó như muốn đè bẹp chị. Chị hoảng hốt bỏ chạy. Nhưng không kịp rồi, chiếc dép đổ rầm xuống chị. Thu bẹp dí, nghẹt thở.

Reng, reng!

Thu bừng tỉnh, người túa mồ hôi ướt nhép. Tim chị vừa ngừng đập. Chị há miệng ra thở.

Reng, reng! Chuông cửa tiếp tục kêu.

Định thần một lúc, Thu mới bước ra cửa. Cửa mở, cô nhân viên ngân hàng nở nụ cười tươi bước vào:

- Chào chị, em mang bộ hồ sơ vay tiền tới cho chị đây.

- Ừ, vào đi - Thu gãi đầu, đầu chị ong ong - Hôm nay độc trời, chị thấy nhức đầu quá.

- Khổ thân chị! Thế thì em để lại hồ sơ, lúc nào hết nhức đầu, chị điền đầy đủ vào hồ sơ rồi ký tên là sẽ vay được tiền.

- Ừ, để mấy hôm nữa nhé. Chị đau đầu là không muốn nhìn thấy chữ đâu.

- Thế thì chị nghỉ đi, em về. Chị có thể vay tối đa mười hai tỷ đồng, thế chấp villa này.

- À này, hôm nay đến tay không à?

- Em mang hồ sơ cho chị đấy thôi - Cô nhân viên ngân hàng dừng lại trước cửa.

- Chị là khách hàng Vip của bọn mày, mà không khuyến mãi cho chị cái gì sao? À, cái vòng đá ở tay em được ai tặng mà đẹp thế? Cho chị đeo thử xem?

Cô nhân viên tháo vòng ra khỏi tay:

- Ồ, chị thích thì em tặng chị. Em mua vòng ở Đà Nẵng đấy, đá tự nhiên chứ không phải bột đá đâu.

- Thích quá! Chị đang có một cái váy tím mà chưa có cái vòng nào hợp với nó. Cảm ơn em nhé!

Bước ra khỏi cửa, cô nhân viên ngân hàng xì một hơi rõ dài, lẩm bẩm: “Đúng là đồ chín xu đổi lấy một hào”. Sao lần nào mụ ý cũng trấn đồ của mình ngon ơ thế nhỉ!

* * *

Tôi ngập ngừng trước cổng biệt thự số 12 đường Hoa Mai, ngó quanh. Mười giờ sáng trời nắng chói chang, vắng ngắt, người dân ở đây đã đi làm cả rồi.

- Đếm từ viên đá dưới chân trái, sang đến viên thứ năm, cô nạy lên lấy chìa khóa - Giọng nói từ chân tôi cất lên.

Tôi luống cuống, suýt bật móng tay cái mới nạy được viên đá lên. Có một hộp nhỏ bằng inox, tôi moi chùm chìa khóa ra. Tôi nhanh chóng mở cổng, cửa và lọt vào phòng khách, tim nảy thình thịch.

- Phòng này rộng, nhưng lộn xộn thật, mọi thứ chẳng liên quan với nhau - Tôi lẩm bẩm, không hiểu sao vào lúc này mà tôi còn để tâm được tới cách bài trí của ngôi nhà.

- À, thì toàn thứ bà ta xấn xổ trấn của người khác thì làm sao mà đồng bộ cho được. Khốn nạn, tại sao lại có người chỉ biết thu vào, giật của người khác mà không bao giờ nhả ra chút gì! - Xỏ ngón cáu kỉnh nói - Tôi muốn bà ta trắng tay!

Có gì rờn rợn dưới gan bàn chân tôi, nhưng đã trót thì phải trét. Với lại, sự nguy hiểm càng lúc càng kích thích tôi. Tôi phải liều thôi. Được ăn cả, ngã về máng lợn! Có lẽ lũ trộm cắp chuyên nghiệp cũng có cảm giác man rợ này. Giờ thì tôi hiểu rồi.

Xỏ ngón bảo tôi mở két trong buồng ngủ. Tôi tìm thấy một hộp đựng toàn vàng lá. Tôi bỏ ngay vào ba-lô.

- Lật nệm giường lên - Xỏ ngón nói.

Tôi lôi ra một túi đựng hồ sơ.

- Xong rồi - Xỏ ngón hạ lệnh - Biến ngay. Mang bộ hồ sơ này tới ngân hàng và cô sẽ thành tỷ phú.

* * *

- Với 20 tỷ đồng, chị có thể ôm trọn cả hai sàn trong tòa CC1 với hai mươi căn hộ - Tay chủ đại lý bất động sản hạ giọng. Sau đó chị bán lại hoặc cho thuê đều có lời. Giá mềm mại quá phải không, chỉ có lúc bất động sản chạm đáy. Chị quả là một nhà đầu tư thông minh.

Thu chả bao giờ lãng trí vì những phỉnh nịnh của lũ con buôn, chị nói thẳng:

- Tôi mua nhiều hàng thế, anh cần khuyến mãi cái gì cho tôi chứ?

- Ô hay - Tay chủ đại lý xòe cả hai bàn tay ra - Tôi khuyến mãi cả vào giá rồi đấy thôi, những 10% so với giá thị trường. Quả thật tôi chưa giảm cho ai tới mức đó.

- Nếu tôi trả tiền tươi ngay một lần. Anh hãy khuyến mãi cho tôi thêm một căn hộ nữa!

Tay đại lý phì cả nước bọt qua kẽ răng:

- Có bố bảo tôi cũng không làm thế được. Chị đừng ép tôi quá, chúng tôi đã rất thất bát vì cú rớt vô thời hạn của bất động sản rồi.

- Thì tôi đang cứu anh đấy chứ. Nếu không nhận ra thiện ý của tôi, anh sẽ mất cơ hội.

Thu đứng lên, kiên quyết bỏ về, mặc cho tay chủ đại lý vật nài tung mọi mánh khóe. Sắt đá và sắt đá. Chị kiên tâm muốn là được, không lùi bước.

Tay chủ đại lý thở dài.

- Thôi được, bán rẻ hơn đẻ lãi. Mời chị vào phòng tài vụ làm thủ tục mua.

* * *

Thu bấm máy điện thoại tìm số của cô nhân viên ngân hàng, đặt lịch hẹn trước khi tới.

- Này em gái, em đang ở ngân hàng chứ?

- Vâng, em đang làm việc ở đây - Cô nhân viên ngân hàng vui vẻ đáp - Chị hẳn đã ôm được cả hai sàn rồi chứ?

- Tất lẽ dĩ ngẫu là phải được! - Thu cười - Chị mà đã ra tay thì không việc gì không xong. Thế bây giờ chị mang hồ sơ vay tiền tới ngân hàng em nhé. Em giải quyết vay nhanh cho chị.

- Ơ! - Cô nhân viên ngân hàng ngạc nhiên - Hôm qua em đã giải quyết cho chị vay xong mười hai tỷ rồi còn gì?! Hôm nay chị lại vay nữa sao?

- Cái gì?! - Thu cau mày - Nhà cô mơ ngủ đấy à? Bây giờ tôi mới chuẩn bị mang hồ sơ tới vay tiền mà.

- Ôi trời ơi! Chị xem lại hộ em. Em không nhầm được. Hồ sơ vay tiền của chị đang nằm ở ngân hàng em rồi. Hôm qua chị đã ở đây, đã ôm cả núi tiền đi mà. Em còn hỏi chị có cần xe hộ tống hay không, chị nói không cần. Có bao nhiêu người ở đây chứng kiến. Chị tỉnh lại đi cho em nhờ.

Thu choáng váng, tay giữ điện thoại, tay lật nệm giường. Bộ hồ sơ vay tiền mà chị đã điền đầy đủ và ký sẵn đã không còn ở đó.

Thu nhao đến ngân hàng. Cãi vã chán chê một hồi, ngân hàng đã đưa ra cho chị xem bộ hồ sơ vay tiền của chị, có đính kèm phiếu chi tiền với chữ ký giống y chang của chị, ký lúc 15 giờ hôm qua. Thu đòi xem băng ghi hình từ camera của ngân hàng lúc 15 giờ, thời điểm có kẻ mạo danh chị giao dịch.

Thu ngã vật ra khi nhìn thấy trên màn hình đôi dép xỏ ngón đen - đỏ! Nó từ màn hình lao thẳng vào chị!

* * *

Tôi mua nhà, đi học, sở hữu một sổ tiết kiệm và một số giấy tờ cổ phiếu. Đúng như kế hoạch của tôi. Tôi không đi đôi dép xỏ ngón đen - đỏ nữa. Tôi đã hóa nó trong lò theo yêu cầu của nó. Sau đó, tôi tham gia một số chương trình từ thiện, ủng hộ kha khá tiền, lộc bất tận hưởng mà, mặc dù Xỏ ngón không bảo tôi làm thế.

Thỉnh thoảng tôi ra vườn hoa Y-ec-xanh, ngồi trên ghế đá. Tôi giơ bàn chân soi dưới nắng, như cảm thấy có Xỏ ngón dưới chân tôi.

Tôi nhớ nó, thật sự nhớ, đôi Xỏ ngón nổi giận của tôi.

(Theo ND- KIỀU BÍCH HẬU)


-------------------

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đề tài: Hoạt động marketing của công ty cổ phần bút bi Thiên Long

Đề tài: Hoạt động marketing của công ty cổ phần bút bi Thiên Long Mục Lục Lời mở đầu Chương I : Phân tích kết quả kinh doanh của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long I. Kết quả kinh doanh của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long trong thời gian qua II.Đánh giá hoạt động marketing của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long thời gian qua Chương II : Phân tích môi trường marketing của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long I. Phân tích môi trường marketing vĩ mô II.Phân tích môi trường marketing vi mô III. Phân tích môi trường marketing nội bộ IV. Phân tích swot Chương III. Phân đoạn thị trường của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long với sản phẩm bút bi Thiên Long I. Vị trí hiện tại của doanh nghiệp II. Xác định đối tượng khách hàng hay thị trường cần phân đoạn III. Phân chia thị trường theo những tiêu thức thích hợp IV. Đánh giá tiềm năng của các đoạn thị trường V. Lựa chọn các phương thức marketing nhằm khai thác các đoạn thị trường mục tiêu Chương IV. Xác định chiến lược M...

CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KẾT QUẢ HỌC TẬP CỦA HỌC SINH TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRỲ TỈNH CAO BẰNG

LUẬN VĂN THẠC SĨ: CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KẾT QUẢ HỌC TẬP CỦA HỌC SINH TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRỲ TỈNH CAO BẰNG HỌC VIÊN: BẾ THỊ DIỆP – HƯỚNG DẪN KH: TS. NGUYỄN THỊ TUYẾT CHUYÊN NGÀNH: ĐO LƯỜNG VÀ ĐÁNH GIÁO TRONG GIÁO DỤC MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 2. Mục đích nghiên cứu của đề tài 3. Giới hạn nghiên cứu của đề tài 4. Phương pháp nghiên cứu 5. Câu hỏi nghiên cứu, giả thuyết nghiên cứu 6. Khung lý thuyết của đề tài 7. Khách thể và đối tượng nghiên cứu Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 1.1. TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 1.1.1. Các công trình nghiên cứu ở nước ngoài 1.1.2. Các công trình trong nước 1.2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN 1.2.1. Hoạt động học tập trong nhà trường 1.2.2. Loại hình nhà trường PTDTNT 1.2.3. Đặc trưng học sinh THPT DTTS 1.2.4. Các khái niệm công cụ của đề tài 1.3. KẾT LUẬN CHƯƠNG Chương 2: TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU 2.1. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1.1. Tổng thể...

SÁCH TRUNG QUỐC DANH PHƯƠNG TOÀN TẬP

SÁCH THAM KHẢO VỀ Y HỌC PHƯƠNG ĐÔNG TRUNG QUỐC DANH PHƯƠNG TOÀN TẬP Cái truyền lại được của y học nằm lại trong bài thuốc. Cho nên dược học của Đông y dẫu đã trải qua nhiều chìm nổi, biến thiên song không triều đại nào, thòi kỳ nào bị ruồng bỏ, mà trong y học, việc nghiền cứu thảo luận các bài thuốc đã trở thành một chủ đề muôn thuở. Người học không sợ nhiều mà chỉ lo ít, người SƯU tầm chẳng sợ giàu mà chỉ lo còn quá nghèo. Cuốn sách này là công việc của nhiều người tâm huyết với nhiều năm lao động, tập hợp các bài thuốc hay, bất kê kinh phương, thời phương hoặc bí phương, hễ có công dụng lâm sàng tốt, được chấp nhận rộng rãi từ cổ chí kim đều được giới thiệu. Thuốc hay tập hợp hơn nghìn bài lấy công dụng chủ trị làm cương lĩnh, lấy phương tễ làm đề mục. Mỗi phương đều có tên bài, xuất xứ, thành phần, cách dùng, công hiệu, chủ trị, giải thích bài thuốc theo lí luận Đông y, lòi bàn, các bài thuốc cùng tên, các bài thuốc phụ thêm, phân tích, điền lí để sáng rõ. Trong phần ...