TỪ PHÊ BÌNH VĂN HỌC Ở PHÁP ĐẾN THỰC TẾ CỦA TA
PGS. TS. ĐÀO DUY HIỆP
Việc
nghiên cứu và đào tạo Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) ở Việt
Nam hiện nay đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức mà trong bài viết
này tôi muốn đề cập đến hai vấn đề vừa thời sự vừa muôn đời, nhưng chỉ
khoanh vào lĩnh vực văn học là: Nghiên cứu phê bình và giảng dạy văn học
trong nhà trường đại học.
Mặc
dù Hội thảo có tên: “Nghiên cứu và đào tạo khoa học xã hội và nhân văn ở
Việt Nam: Thành tựu và kinh nghiệm”, nhưng vì mọi thành tựu và kinh
nghiệm đều phải có nguồn gốc, nên ở bài này, tôi đi theo hướng tìm những
ảnh hưởng từ bên ngoài qua mối giao lưu lịch sử giữa hai nước Pháp –
Việt trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy văn học. Bài viết có hai ý
chính: Phê bình văn học của Pháp và ảnh hưởng của nó đến phê bình văn
học của Việt Nam như thế nào.
1. Phê bình văn học của Pháp thế kỉ 19
Trở
lại nền nghiên cứu phê bình và giảng dạy văn học của Pháp thế kỉ 19,
đương nhiên, nhiều điều giờ đây đã trở nên lạc hậu, cũ kĩ, nhưng vào
những năm 30,40 của thế kỉ trước nó đã in dấu ấn khá sâu đậm lên không
khí văn nghệ Việt Nam với nhiều cây bút ở cả lĩnh vực phê bình lẫn sáng
tác của ta (tôi sẽ nói ở phần 2 của bài viết). Tôi đi vào hai vấn đề lớn
là phê bình và giảng dạy văn học trong nhà trường Đại học của Pháp để
qua đó phần nào chúng ta có thể rút ra được một vài ý nghĩa thiết thực.
Phê
bình văn học là một bộ phận không thể thiếu được trong đời sống văn
học. Một tác phẩm ra đời, đến tay người đọc, đã tất yếu được phê bình
theo nghĩa có khen có chê, ngay cả khi công chúng thưởng thức không tự ý
thức. So sánh hay, dở cũng là một kiểu phê bình. Ngay từ thời Phục
hưng, nội hàm của thuật ngữ “phê bình” theo nghĩa hiện đại của nó đã
xuất hiện với tên tuổi của Joseph Juste Scaliger (1540 - 1609). Sau đó,
phê bình văn học trở thành một hoạt động văn hóa gắn với thú vui đàm
thoại. Bóng dáng của các cuộc đàm thoại này sẽ còn thấy một cách vui
nhộn trong Phê bình trường học làm vợ (1663) của Molière . Phê bình lúc
đó chủ yếu nhắm vào những khuyết điểm của tác giả, trong thực tế thì nó
chỉ giới hạn ở phê bình về các chi tiết. Cách bình giảng của Voltaire về
các vở kịch của Corneille, chẳng hạn. Voltaire quan niệm nhà phê bình
lí tưởng phải là một người “có nhiều khoa học và nhiều khiếu thẩm mĩ,
không được thành kiến và không được đố kị” - Điều quá đúng cả cho hôm
nay.
Vào
đầu thế kỉ 19, bên cạnh văn học đã xuất hiện hình thức khác của diễn
ngôn như một sự thực hành độc lập và riêng biệt, đó là phê bình văn học.
Với sự phát triển của báo chí, phê bình văn học thế kỉ 19 ở Pháp đã trở
thành một thể loại với việc xuất bản định kì các tạp chí, ấn phẩm. Cho
đến cuối thế kỉ, trong các trường đại học đã thành lập các khoa nghiên
cứu về lịch sử văn học Pháp. Một phần trong số đó đã được xếp vào dưới
cái tên là “phê bình văn học” trong ý nghĩa rộng của thuật ngữ này. Dù
từ lâu người ta đã bắt đầu và đã phán định các tác phẩm văn học, nhưng
phê bình văn học từ đây mới mang một chức năng tự trị và, trong sự
chuyển biến đó, sự phát triển của ý thức về lịch sử đã được tính đến,
cũng như sức mạnh của báo chí, rồi sự đổi mới của trường đại học: Phê
bình lúc đó thường thường là các nhà văn, nhà báo hoặc giáo sư gọi là
phê bình nghệ sĩ, phê bình báo chí và phê bình chuyên nghiệp. Vấn đề là
từ một sự thực hành phong phú thông qua cái viết phê bình đó, phương
pháp phát triển dần lên từ đầu thế kỉ 19 sang đến thế kỉ 20, nên phê
bình đã tự cấp trước cho mình một công chúng ngày càng rộng lớn.
Dưới
đây là một số tên tuổi lớn về phê bình văn học, trong đó có cả giáo sư
đại học kiêm nhà phê bình của Pháp ở thế kỉ 19. Nhắc đến những thành tựu
và cả nhược điểm của họ chính là ta nhìn lại hành trình “phủ định” để
phát triển của ngành KHXH&NV Pháp. Và cũng qua đó để ta tránh không
lặp lại những gì đã trở thành quá khứ.
Sainte
- Beuve (1804 - 1869) cũng đồng thời là nhà báo viết về phê bình văn
học. Phương pháp tiểu sử trong phê bình văn học của Sainte - Beuve vẫn
được hiểu như mang tính nhân quả (“cây nào quả nấy”), từ đó dẫn ông từ
nghiên cứu văn học đến nghiên cứu tâm sinh lý học, yếu tố di truyền từ
gia đình, dòng họ.
Ngày
nay, phương pháp phê bình văn học của Sainte - Beuve đã đi vào quá khứ,
không còn được tôn vinh như đương thời. Việc nhìn ra những hạn chế của
phương pháp này không phải đến bây giờ thế giới mới đề cập đến. Ngay từ
đầu thế kỉ 20, Marcel Proust trong Chống Sainte - Beuve đã phê bình một
cách thẳng thắn “phương pháp tiểu sử” này. Proust viết: “một quyển sách
là một sản phẩm của một cái tôi khác với cái tôi mà chúng ta thể hiện ra
trong các thói quen của chúng ta, trong xã hội, trong những thói tật
của chúng ta.” . Nhận định đó của Proust có nghĩa là, sản phẩm tinh
thần, mà ở đây là tác phẩm nghệ thuật ngôn từ, là một diễn ngôn của một
cái “tôi” khác với cái “tôi” của chính con người tác giả - Điều mà
Sainte - Beuve lại cho là một, không thể tách rời. Thậm chí sau này
Roland Barthes đã đề cập đến “cái chết của tác giả” trong tác phẩm văn
học. Ở đó, mọi chủ thể phát ngôn đều hòa lẫn giọng vào nhau, rất khó
phân biệt, chúng mất hút trong văn bản đó, nhất là chủ thể của con người
cầm bút viết. Có thể coi nhận định của Proust đã là một trong những
tiền đề cho phê bình của Pháp và phương Tây thế kỉ 20 trong mối quan hệ
tác giả - Tác phẩm - Người đọc. Chỉ gần nửa thế kỉ sau đó, nghĩa là vào
những năm 60,70 của thế kỉ 20, Pháp là một trong những quốc gia mạnh về
lí thuyết nghiên cứu văn học.
Ở
Việt Nam, các nhà phê bình của ta đều có ít nhiều ảnh hưởng của phương
pháp này, tôi sẽ nói bên dưới. Ngay cả giờ đây, hạn chế của phương pháp
phê bình tiểu sử của Sainte - Beuve mà hơn một thế kỉ nay các nhà văn và
các nhà phê bình phương Tây đã chỉ ra và đã không còn sử dụng nữa, thì ở
ta, đây đó, phảng phất vẫn còn những bài viết hoặc bài giảng theo hơi
hướng “tiểu sử” để hiểu tác phẩm. Phương pháp này không giúp cho người
học hiểu thêm được cái hay, cái đẹp của tác phẩm.
Hippolyte
Taine (1828 - 1893), là nhà triết học, sử học, nhà phê bình văn học,
giáo sư dạy về thẩm mĩ học. Công trình Nhập môn nghiên cứu về Lịch sử
thực nghiệm là một tuyên ngôn xét tới lịch sử khoa học. Đối với ông,
lịch sử thuộc về phạm vi của thực nghiệm cũng như là tâm lí học. Người
ta phải áp dụng cho nó cùng những phương pháp như đối với khoa học tự
nhiên. Những biến cố trong lịch sử sẽ được xác định bởi các luật lệ
tương đương với các luật lệ của thế giới tự nhiên. Mỗi sự kiện lịch sử
sẽ phụ thuộc vào ba điều kiện: Môi trường (địa lí, khí hậu); chủng loài
(trạng thái thể chất của con người: Cơ thể và vị trí của anh ta trong sự
phát triển sinh học); thời điểm (trạng thái sớm phát triển trí tuệ của
con người). Có thể đưa vào vị trí đó một phương pháp thực nghiệm để
nghiên cứu chúng, như đối với y học (xem Claude Bernard). Không chỉ có
sự nghiên cứu về các triệu chứng, mà còn là một công việc của phòng thí
nghiệm với những kinh nghiệm về vật lí học và hóa học về các loài vật
đang sống để hiểu tốt hơn về con người và những bệnh tật của họ và để
thử nghiệm các phản ứng của các cơ quan trong cơ thể đối với các chất
khác nhau thuộc về hóa học... http://ambn.vn/recruit/3748/tu-phe-binh-van-hoc-o-phap-den-thuc-te-o-viet-nam.html
Nhận xét
Đăng nhận xét