VĂN HỌC NAM HÀ 文 學 南 河
(VĂN HỌC XỨ ĐÀNG TRONG)
Nguyễn Văn Sâm
Lời vào sách
Thực
hiện quyển sách này, chúng tôi có tham vọng trình bày bộ mặt của văn
học miền đất từ Thuận Hóa đến Hà Tiên thời gian từ khi Nguyễn Hoàng thật
sự rời đất Bắc (Canh Tý 1600) đến lúc Nguyễn Ánh lên ngôi (Nhâm Tuất
1802). Lúc đó vùng đất thuộc chúa Nguyễn được gọi bằng danh từ “Xứ Đàng Trong” hoặc “Nam Hà”; trong khoảng thời gian có xuất hiện nhà Tây Sơn, ta còn thấy nhắc đến tiếng “Quảng Nam quốc”...Danh
từ Nam Hà được đặt cho tựa sách vì tính chất gọn gàng và chính xác của
những từ ngữ nầy, tuy rằng trong một vài trường hợp những tiếng đồng
nghĩa khác vẫn được sử dụng. Chúng tôi có vài băn khoăn khi bắt tay vào
việc soạn thảo: Có chăng văn học Nam Hà? Nếu có, đáng cho chúng ta khơi
ra, đặt tên thành một nền văn học hay nên đồng hóa với những tác giả,
tác phẩm đồng thời ở Bắc Hà để có chung một giai đoạn lịch sử văn học
của Việt Nam thời phân tranh? Giới hạn thời gian năm nào? Khi nhà Tây
Sơn lên cầm quyền hay nhà Tây Sơn dứt nghiệp? Sự băn khoăn sinh ra vì có
thể có người hoặc không nắm vững vấn đề, hoặc ác ý cho rằng tác giả có
tinh thần chia rẽ, khơi lại một cuộc phân cách, đố kỵ thù nghịch đã qua.
Trong lịch sử có những xung đột Trịnh - Nguyễn - Tây Sơn nhưng đó là
vấn đề quân sự, chánh trị, quyền lực, còn tác phẩm văn học của Việt Nam
dầu viết ở đâu, Đàng Ngoài hay Đàng Trong vẫn thuộc về văn học Việt Nam,
một phần tử của toàn thể duy nhất. Chúng tôi vẫn nghĩ như vậy nhưng
quan niệm rằng văn chương khó thể quay mặt lại với hoàn cảnh xã hội,
chánh trị ở giai đoạn tạo dựng ra nó; văn chương, vì vậy là tiếng nói
của chứng nhân đối với những biến động của một thời nhiều xáo trộn cách
đây gần ba thế kỷ, một thời dân chúng lầm than, đói khổ chết chóc, mất
nhân tính... Những tác phẩm ở Nam Hà phản ánh được tình trạng qua phân,
phe nhóm vì tác giả hầu hết phục vụ cho chúa Nguyễn, liên quan đến người
cầm 2 quyền nên nói lên tiếng nói của những người muốn mở mang vùng đất
mới.
Trong
khi đó nhà văn đất Bắc, nối tiếp truyền thống văn hóa cũ nên chưa có
đường hướng đặc biệt. Mặt dù tác phẩm ở vùng nầy tương đối dồi dào, ta
chỉ ghi nhận được một vài trường hợp có vẻ dấn thân (Đoàn Thị Điểm, Lê
Hữu Trác, Hồ Xuân Hương, Ôn Như Hầu…) với những tác phẩm tả thực, nói
lên được những thực trạng của hoàn cảnh đương thời. Không chấm dứt tác
phẩm khi nhà Tây Sơn nắm quyền, trái lại kéo dài nền văn học Nam Hà đến
lúc Gia Long lên ngôi vì chúng tôi quan niệm văn học của những nhà văn
giai đoạn Tây Sơn cầm quyền chỉ nối tiếp những năm trước (Đời Lê - Trịnh
hoặc Nguyễn), nói cách khác, văn học Tây Sơn không có vì nhà văn sanh
ra, lớn lên dưới triều đại trước và quan trọng nhất: diễn tả những gì
các nhà văn lớp trước đã diễn tả. Mặt khác, thời Tây Sơn vẫn còn loạn
lạc, chiến tranh, văn chương lúc nầy vẫn nằm trong một chiều hướng văn
học phân tranh, tác giả ở Đàng Ngoài nói những điều đặc biệt thuộc về
văn học Bắc Hà, nhà văn Đàng Trong trình bày những điều có sắc thái
riêng thuộc về văn học Nam Hà. Về quan điểm khảo sát, để thấu hiểu toàn
bộ hệ thống tư tưởng của tác giả chúng tôi khảo sát một cách hòa đồng
tác phẩm Hán - Nôm, không phân biệt hình thức văn tự. Chúng tôi chủ
trương, văn tự chỉ là một trong những phương thức truyền thông của loài
người mặc dầu sử dụng hệ thống nào, con người cũng chỉ diễn tả tâm tình
và tư tưởng mình, cốt cách của dân tộc mình, hoàn cảnh trong đó tác giả
sống...Do đó hệ thống chữ viết dưới dạng nào cũng vậy, vấn đề quan trọng
chỉ thu gọn lại ở điểm nhà văn có diễn tả chân thật và có kỹ thuật cao
không. Đại cương, các văn gia sau sẽ được đề cập đến: Đào Duy Từ, Nguyễn
Cư Trinh, Nguyễn Hữu Hào, Hoàng Quang, Ngọc Hân Công Chúa, Ngô Thế Lân,
Nhóm Chiêu Anh Các, Võ Trường Toản, Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Văn Thành,
Đặng Đức Siêu... Những tác giả nầy, nhìn chung sẽ được coi như tiếng nói
đặc biệt của Nam Hà mà họ là những thành tố cơ bản – còn một vài tác
giả khác vì sự khiếm khuyết tài liệu chúng tôi xin được lược qua. Có thể
có người cho rằng bấy nhiêu thôi thì là quá ít. Nhưng ít còn hơn không,
bởi lý do ở ngoài tầm tay chúng ta – lý do chiến tranh mà đất nước đau
khổ nầy phải gánh chịu gần như liên tục từ đầu thế kỷ XVII đến giờ. Một
học giả gần đây đã nhận xét rất đúng khi viết: “Xã hội Việt Nam từ
khi Họ Mạc cướp ngôi (*) nhà Lê năm 1527 cho đến đầu thế kỷ XVII, đã
trải qua một giai đoạn hãi hùng. Trong gần ba thế kỷ, không lúc nào chấm
dứt những cuộc chiến tranh tàn sát. Vì thế, cả nhân tài vật lực của
người Việt đều dốc vào công cuộc binh đao, còn việc học hành trong nước
thì hầu như bị đặt vào hàng thứ yếu “ Lời nhận xét nầy nhìn chung cho xã
hội Việt Nam, nhưng nhìn riêng cho xã hội Nam Hà lại càng đúng hơn. Tuy
nhiên, không phải vì “việc học hành hầu như bị đặt vào hàng thứ yếu”
mà niềm Nam không sản xuất được các bậc tài hoa, những văn nhân 3 lỗi
lạc. Miền Nam vẫn có được nhiều cây bút nổi tiếng cũng như đã hiến cho
tổ quốc lắm anh hùng tên tuổi không thể phai mờ trong tâm trí người dân.
Trước
đây, chính Lê Quý Đôn trong Phủ Biên Tạp Lục cũng cho rằng nhân tài
tuấn dị ở vùng Nam Hà nối tiếp không bao giờ dứt. Trong một bài khảo
sát về văn học miền Nam cách đây khoảng mười năm, một nhóm tri thức đã
có lời nhận định khá khách quan sau đây: “Miền Nam nước Việt có một quá
khứ trọng đại, khả dĩ làm vẻ vang non sông, hãnh diện cho giống nòi.
Miền Nam là một địa linh mà đã gọi là địa linh, tất nhiên phải hun đúc
nhiều anh thư, hào kiệt, văn nhân, thi sĩ tài ba lỗi lạc chẳng kém gì
các miền khác của nước Việt muôn thuở “ Vì vậy, nghiên cứu về văn học
Nam Hà là một cần thiết. Quyển sách nầy chỉ giữ được vai trò gợi ý, mở
đường, do đó chưa nói được hết những vấn đề quan yếu vì vậy rất cần được
sự phê bình, góp ý của những bậc cao minh. Tiện đây, chúng tôi xin chân
thành cảm tạ những đồng nghiệp đã tận tình giúp tài liệu, cho ý kiến để
tác phẩm nầy được hoàn thành như giáo sư Lê Hữu Mục, giáo sư Nguyễn
Khuê, giáo sư Huỳnh Minh Đức...Tài liệu gồm có 360 trang.
Saigon, ngày 10 tháng 4 năm 1972
Nguyễn Văn Sâm
Lịch Sử và Xã Hội Việt Nam Thời Phân Tranh
Nhìn
chung, giai đoạn văn học chúng ta đang khảo sát nằm trong thời đại vô
cùng rối ren mặc dầu trước đó nước nhà đã trải qua một cuộc qua phân khá
lâu dài của thời Lê - Mạc Khi họ Mạc suy yếu, nhà Lê khôi phục trở lại
(tái chiếm Tây Đô năm 1543) cũng bắt đầu từ đây những cuộc xung đột mới
mở màn làm nền cho giai đoạn văn học của chúng ta: cuộc phân tranh Trịnh
- Nguyễn rồi Tây Sơn - Nguyễn, Tây Sơn - Trịnh, Tây Sơn - Nguyễn Ánh...
Sự việc bắt đầu với chuyện Nguyễn Hoàng vào Nam. Năm 1558 (Mậu Ngọ),
Nguyễn Hoàng nhờ chị là Ngọc Bảo xin với Trịnh Kiểm cho vào đóng ở phía
Nam vì sợ xảy ra chuyện không hay như anh mình trước đây. Trịnh Kiểm tâu
với vua Lê Anh Tông cho Nguyễn Hoàng vào trấn giữ đất Thuận Hóa.
Năm
1572 (Nhâm Thân) Trịnh Kiểm mất, Trịnh Cối và Trịnh Tùng tranh ngôi
Chúa nên xung đột nhau; lợi dụng cơ hội, họ Mạc đem quân đánh Thanh Hóa
đồng thời sai Lập Bạo, một tùy tướng giỏi đem chiến thuyền vào đánh
Nguyễn Hoàng, nhưng Lập Bạo bị Nguyễn Hoàng dùng mưu giết đi.
Năm 1592 (Nhâm Thìn) Nguyễn Hoàng phải trở ra Bắc giúp vua Lê tiêu diệt họ Mạc, ông cùng Trịnh Tùng lập được nhiều chiến công.
Năm
1593 (Quí Tỵ) Trịnh Tùng lấy lại được kinh đô, nhưng vẫn không thuận để
Nguyễn Hoàng về lại Thuận Hóa vì ngại sự bành trướng thế lực của ông
nầy ở miền Nam.
Năm
1600 (Canh Tý) khi có loạn Phan Ngạn, Bùi Văn Khuê, Ngô Đình Nga ở Nam
Định, Nguyễn Hoàng xin đi đánh dẹp, nhân cơ hội, theo đường biển lén trở
về vùng chiếm giữ của mình.
Từ
đây họ Trịnh gần như mất hết ảnh hưởng từ Thuận Hóa trở xuống, vùng đất
bây giờ thật sự là của Nguyễn Hoàng. Hai họ Trịnh Nguyễn tuy ngoài mặt
hòa thuận (Ngọc Tú, con gái út của Nguyễn Hoàng được gả cho
Trịnh
Tráng, con trai của Trịnh Tùng) nhưng mỗi bên vẫn luôn củng cố lực
lượng; phòng bị để chờ ngày tiêu diệt phe nghịch. Năm 1613 (Quí Sửu)
Nguyễn Hoàng trước khi mất dặn con là Nguyễn Phúc Nguyên (Chúa Sãi) lo
luyện tập quân sĩ gây dựng sự nghiệp muôn đời 3.
Từ
đó, các chúa Nguyễn sau nầy đều gắng sức gây dựng cơ đồ: đóng đồn, đắp
lũy (đồn Trường Dục, lũy Nhật Lệ4 ), chiếm đất (phía Nam sông Gianh, tức
sông Linh Giang) để xây dựng sự nghiệp.. Năm 1625 (Ất Sửu) Chúa Trịnh
Tráng muốn dò xét ý đồ của Chúa Nguyễn - Nguyễn Phúc Nguyên - mới gởi
thư dọa nạt, nhưng Sãi Vương một lòng không thuần phục Chúa Trịnh nên
trả lời dứt khoát bằng một bức thơ lời lẽ rất cứng rắn, quả quyết.
Hai
bức thư nầy – gởi và trả lời – đều được viết bằng tiếng Nôm, tuy có
tính cách lịch sử, chánh trị nhưng đánh dấu một giai đoạn văn học mới:
phân chia Nam và Bắc Hà trên lãnh vực văn nghệ. Chúng tôi xin đăng lại
nguyên văn ở phần phụ lục I để làm tài liệu. Trong bức thư của mình
Trịnh Tráng căn cứ vào những điểm sau: 5
- Vua Lê thuộc về dòng chính thống, tài đức, Họ Nguyễn phải chu toàn bổn phận bầy tôi đối với nhà vua.
- Nếu gây cuộc can qua, họ Trịnh vẫn đủ sức vì có binh hùng tướng mạnh, nhưng chiến tranh chỉ là việc vạn bất đắc dĩ.
-
Nếu họ Nguyễn thần phục nhà Lê, địa vị khanh tướng vẫn không mất. Để
trả lời lại, Nguyễn Phúc Nguyên dựa trên những luận cứ sau:
- Họ Nguyễn không muốn việc binh đao, nhưng nếu cần vẫn đủ khả năng chống lại sức mạnh của họ Trịnh.
- Họ Trịnh không đáng mặt tôi trung và càng không nên nói đến chữ trung vì đã đàn áp vua Lê.
Qua
hai bức thư trên ta thấy Nam Hà và Bắc Hà đã quyết liệt tranh đấu với
nhau, sự thù nghịch đã không còn che đậy. Trịnh Tráng dựa trên một thứ
chính nghĩa chủ quan, Nguyễn Phúc Nguyên cậy có địa thế và binh hùng.
Thật vậy, lúc nầy đồn lũy họ Nguyễn đã vững, các danh tài như Nguyễn Hữu
Dật, Nguyễn Hữu Tiến6 , Đào Duy Từ góp sức hiến mưu nên miền Nam không
còn sợ miền Bắc nữa. Sự cương quyết nầy khiến Chúa Trịnh căm giận lắm
nhưng không thể làm gì được.
Năm
1629 (Đinh Mão) Trịnh Tráng, để hoàn toàn có chánh nghĩa, nhờ vua Lê
sai đem vào Thuận Hóa một tờ sắc cũng bằng chữ Nôm nội dung tỏ ý đòi họ
Nguyễn phải nạp thuế nhưng thật ra bắt Chúa Nguyễn phải thần phục bằng
cách cho con trai ra Bắc chầu vua.
Chúa
Nguyễn bấy giờ là Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên nhận sắc nhưng vẫn không
nộp thuế. Thấy vậy, cũng trong năm nầy họ Trịnh một lần nữa mượn tiếng
vua Lê đòi Chúa Sãi cho con ra chầu, lần nầy chỉ nhắc đến việc góp phần
triều cống nhà Lê, nhưng không nhắc gì đến việc thuế má. “Nộp thuế” hay “cho con ra Bắc chầu vua Lê”
chỉ là những cớ do Trịnh Tráng đưa ra để dò tình ý và bắt buộc Nguyễn
Phúc Nguyên phải chịu mệnh của mình. Chấp nhận nộp thuế hay cho con ra
chầu một vị vua chịu sự áp chế của Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn đã đương
nhiên thần phục họ Trịnh vậy. Mà khổ, nếu không chấp nhận những điều
nầy, họ Nguyễn trở thành người không 6 thần phục nhà Lê. Bởi vậy Chúa
Nguyễn tiếp sứ, nhận chiếu nhưng tìm cách trả chiếu về cho họ Trịnh. Năm
1630 (Canh Ngọ) Đào Duy Từ hiến kế làm mâm hai đáy, giữa để tờ sắc đã
nhận từ ba năm trước kèm theo tờ thiếp có bài thơ như sau:
Mâu nhi vô dịch, 矛兒無役
Mịch bất 7 kiến tích 覓不見跡
Ái lạc tâm trường, 愛樂心長
Lực lai tương địch. 力來相敵
Phùng
khắc Khoan, mưu thần của họ Trịnh đoán được ý của bài thơ trên bằng
cách chiết tự thành bốn chữ: Dư bất thụ sắc 予不受勅 (Ta không chịu nhận
sắc). Từ đấy, hai họ Trịnh Nguyễn thật sự ra mặt chống đối nhau. Chúa
Nguyễn chấp nhận sự khiêu khích của Chúa Trịnh và họ Trịnh cũng có lý do
để chinh phạt, còn thắng hay bại đó là chuyện khác.
Trịnh
Tráng sau khi nhận được tờ sắc trả lại liền xua quân vào Nam; Từ đó lúc
nghỉ, lúc chiến hai bên đánh nhau thêm8 sáu lần nữa (những năm 1630,
1636,1648,1655,1661,1672) Nhưng chúa Trịnh phương Bắc không đủ sức diệt
chúa Nguyễn phương Nam vì đường xá xa xôi lại thêm nhiều lũy9 của
Đào
Duy Từ quá kiên cố chặn đường tiến quân. Từ năm 1673 (Quý Sửu) Hai bên
ngưng chiến, ai lo cương vực nấy cho đến năm 1771 (Tân Mão) Nhà Tây Sơn
nổi lên làm lung lay cả chế độ của Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong.
Năm
1765 (Ất Dậu) Trước khi mất Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738 - 1765) Có
để di chiếu lập người con thứ hai là Chương Võ, cha của Nguyễn
Ánh
sau nầy, lên nối nghiệp, nhưng quyền thần Trương Phúc Loan dùng mưu
tráo di chiếu lập người con thứ 16 lên ngôi tức là Định Vương. Định
Vương Lúc ấy mới 12 tuổi nên tất cả quyền hành đều nằm trong tay Quốc
Phó Trương Phúc Loan. Lợi dụng chức vị, Loan làm nhiều điều tàn tệ11 ,
nhân dân đồ thán, nên ba anh em Nguyễn Nhạc nổi lên ở ấp Tây Sơn (Qui
Nhơn) Lấy thành Qui Nhơn (1773) Rồi Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận.
Loan thu góp thuế 7 má của dân chúng, không nộp vào quỹ, đem bán chức
tước, bè phái, nên rất giàu, có lần lụt, Loan phơi vàng bạc, chiếu sáng
cả một vùng. Ta có thể biết phần nào hành vi của Loan qua Hoài Nam
Khúc12 懷南曲 của Hoàng Quang 黄光.
Thừa
dịp nầy, Trịnh Sâm cho Hoàng Ngũ Phúc tiến binh vào lấy thành Trấn Ninh
(1774) Rồi Quảng Trị, giả tiếng trừ Trương Phúc Loan. Các quan của chúa
Nguyễn một phần hèn yếu, một phần muốn trừ nạn Trương Phúc Loan nên lập
mưu bắt Loan giao cho Ngũ Phúc. Tuy nhiên Phúc vẫn tiến quân đánh lấy
Phú Xuân (tháng 1-1775) Chúa Nguyễn phải bỏ thành chạy về Quảng Nam. Ở
đây chúa lại bị Nguyễn Nhạc đuổi đánh nên chạy về Gia Định, để Đông Cung
ở lại. Nguyễn Nhạc nhân đó sai rước Đông Cung về, tôn lên để làm vì hầu
có chính nghĩa chống nhau với họ Trịnh.
Từ
đây quân Tây Sơn đã mạnh, lúc hòa hoãn với Trịnh để đánh Nguyễn, lúc
hòa hoãn với Nguyễn để bảo toàn lực lượng, vùng vẫy một thời.Đến năm
1778 (Mậu Tuất) Sau khi bắt được Định Vương và Đông Cung,Nguyễn Nhạc tự
xưng đế hiệu, đặt niên hiệu là Thái Đức.
Tuy
nhiên dòng họ Chúa Nguyễn vẫn chưa dứt vì một người cháu của Định Vương
là Nguyễn Phúc Ánh chạy thoát vào Nam mộ quân đánh nhau với Tây Sơn
nhiều trận.
Lúc
nầy, ngoài Bắc Trịnh Sâm mất (1782), Trịnh Cán còn nhỏ nên nhiều người
không phục, Trịnh Khải mưu với quân Tam Phủ giết vợ Trịnh Sâm (Đặng Thị
Huệ) Và Trịnh Cán rồi lên ngôi chúa.
Nhận xét
Đăng nhận xét