TÌM HIỂU VỀ HÀNH CHÍNH VÀ PHÁP LUẬT HÀNH CHÍNH VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI
I. KHÁI NIỆM LUẬT HÀNH CHÍNH
1. Luật Hành chính là gì?
1.1. Khái niệm Luật Hành chính
Luật
Hành chính là một ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt nam. Luật
hành chính điều chỉnh các mối quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động
quản lý hành chính nhà nước. Có thể nói Luật Hành chính là ngành luật về
quản lý hành chính nhà nước.
- Quản lý
là sự tác động có mục đích của các chủ thể quản lý đối với các đối
tượng quản lý. Quản lý được thực hiện bằng tổ chức và quyền uy. Có tổ
chức thì mới phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn
vị, bộ phận và của những người tham gia hoạt động chung. Có quyền uy
thì mới bảo đảm được sự phục tùng của cá nhân đối với tổ chức, của cấp
dưới đối với cấp trên.
- Quản lý nhà nước
là sự tác động của các cơ quan mang quyền lực nhà nước (chủ thể quản
lý) tới các đối tượng quản lý (đơn vị, tổ chức, công dân) nhằm thực hiện
các chức năng đối nội và đối ngoại của nhà nước. Nói cách khác quản lý
nhà nước là hoạt động của Nhà nước trên các lĩnh vực lập pháp, hành pháp
và tư pháp nhằm thực hiện các chức năng đối nội và đối ngoại của nhà
nước. Như vậy tất cả các cơ quan nhà nước đều có chức năng quản lý nhà
nước.
- Quản lý hành chính nhà nước là hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực hành pháp.
Hoạt động hành pháp là hoạt động thi hành pháp luật hay còn gọi là hoạt
động chấp hành và điều hành của Nhà nước. Nội dung hoạt động chấp hành
và điều hành thể hiện trên các mặt sau đây:
+
Hoạt động chấp hành thể hiện ở mục đích của quản lý hành chính nhà nước
là nhằm bảo đảm thực hiện các văn bản pháp luật của các cơ quan quyền
lực nhà nước trên thực tế.
+
Hoạt động điều hành thể hiện ở chỗ để bảo đảm cho các văn bản pháp luật
của cơ quan quyền lực nhà nước được thi hành trên thực tế, các cơ quan
hành chính nhà nước phải tiến hành hoạt động tổ chức, chỉ đạo, điều hành
trực tiếp đối với các đối tượng quản lý thuộc quyền. Trong quá trình
điều hành, các cơ quan hành chính nhà nước có quyền nhân danh nhà nước
ban hành các văn bản pháp luật (dựa trên các Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết
của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, văn bản của cơ quan nhà nước
cấp trên) hoặc ra các chỉ thị, yêu cầu, mệnh lệnh cụ thể bắt buộc đối
tượng quản lý có liên quan phải thực hiện.
Nguyên tắc quản lý hành chính Nhà nước:
Quản
lý hành chính nhà nước là một hoạt động có mục đích của Nhà nước, do
vậy, hoạt động này phải được tiến hành trên những nguyên tắc nhất định.
Các nguyên tắc cơ bản của hoạt động quản lý hành chính Nhà nước bao gồm 2
nhóm sau:
- Các nguyên tắc chính trị - xã hội gồm:
+ Nguyên tắc Đảng lãnh đạo;
+ Nguyên tắc nhân dân lao động tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước;
+ Nguyên tắc tập trung dân chủ;
+ Nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc;
+
Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa (mọi cơ quan, tổ chức công dân
phải nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật, luật pháp ban hành phải được thi
hành và chấp hành nghiêm chỉnh).
- Các nguyên tắc tổ chức - kỹ thuật bao gồm:
+
Nguyên tắc quản lý theo ngành kết hợp với quản lý theo địa phương: quản
lý theo ngành là quản lý trên phạm vi tổng thể hoạt động của các đơn
vị, tổ chức hoạt động có cùng một mục đích (ví dụ như quản lý đối với
ngành giáo dục, ngành y tế...). Quản lý theo địa phương là quản lý trên
phạm vi một lãnh thổ nhất định. Theo pháp luật nước ta thì quản lý theo
địa phương được thực hiện ở ba cấp: tỉnh, huyện và xã. Quản lý ngành kết
hợp với quản lý theo địa phương là sự kết hợp giữa quản lý theo chiều
dọc của các Bộ đối với quản lý theo chiều ngang của Uỷ ban nhân dân địa
phương.
+
Nguyên tắc quản lý theo ngành kết hợp với quản lý theo chức năng: quản
lý theo chức năng là quản lý theo từng lĩnh vực chuyên môn nhất định. Cơ
quan quản lý theo chức năng là cơ quan quản lý một lĩnh vực chuyên môn
hay một nhóm các lĩnh vực chuyên môn có liên quan với nhau. Quản lý theo
ngành kết hợp với quản lý theo chức năng để bảo đảm việc thực hiện có
hiệu quả từng chức năng quản lý riêng biệt của các tổ chức trong ngành,
đồng thời, bảo đảm được mối quan hệ điều hòa phối hợp liên ngành.
1.2. Luật Hành chính quy định những vấn đề gì?
Với tư cách một ngành luật, Luật Hành chính gồm tổng thể các quy phạm pháp luật quy định những vấn đề cơ bản sau:
-
Quy định vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan hành
chính nhà nước, quy định quyền và nghĩa vụ của các chủ thể khác của quản
lý hành chính nhà nước, mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước và
công dân;
- Xác định những nguyên tắc cơ bản của quản lý hành chính nhà nước;
- Xác định cơ chế quản lý hành chính trên mọi lĩnh vực (kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng...);
- Quy định quy chế công vụ, quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức , chế độ khen thưởng, kỷ luật;
- Quy định các hành vi vi phạm hành chính, chế tài (biện pháp) xử phạt, xử lý hành chính;
-
Quy định về cơ chế giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quản lý
hành chính nhà nước, trình tự, thủ tục tố tụng hành chính.
2. Đối tượng điều chỉnh của Luật Hành chính
Đối tượng điều chỉnh của Luật Hành chính (tức là đối tượng mà Luật hành chính tác động tới) là các quan hệ xã hội hình thành trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước, bao gồm các nhóm quan hệ sau đây:
-
Các quan hệ quản lý phát sinh trong quá trình các cơ quan hành chính
nhà nước (Chính phủ, các Bộ, Uỷ ban nhân dân....) thực hiện hoạt động
chấp hành và điều hành trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
-
Các quan hệ quản lý hình thành trong quá trình các cơ quan quyền lực
Nhà nước (Quốc hội, Hội đồng nhân dân), Tòa án, Viện Kiểm sát xây dựng
và củng cố chế độ công tác nội bộ của cơ quan.
-
Các quan hệ quản lý hình thành trong quá trình các cơ quan nhà nước
khác, các cá nhân và tổ chức được Nhà nước trao quyền thực hiện hoạt
động quản lý nhà nước trong một số trường hợp cụ thể do pháp luật quy
định.
Trong
3 nhóm quan hệ kể trên thì nhóm quan hệ thứ nhất là nhóm quan hệ cơ bản
nhất mà Luật Hành chính điều chỉnh. Theo đó, các quan hệ quản lý của cơ
quan Nhà nước phát sinh trong hoạt động chấp hành và điều hành gồm
những mối quan hệ sau đây:
+
Mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước cấp trên với cơ quan hành
chính cấp dưới theo hệ thống dọc (ví dụ quan hệ giữa Chính phủ với các
Bộ, giữa Uỷ ban nhân dân tỉnh với Uỷ ban nhân dân huyện).
+
Mối quan hệ giữa cơ quan hành chính cùng cấp, thực hiện các mối quan hệ
phối hợp, phục vụ lẫn nhau (ví dụ mối quan hệ giữa các Sở, quan hệ giữa
các Phòng thuộc Uỷ ban nhân dân huyện, quan hệ giữa các Cục, Vụ thuộc
Bộ với nhau...).
+
Mối quan hệ giữa các cơ quan hành chính Nhà nước với các đơn vị cơ sở
trực thuộc (ví dụ mối quan hệ giữa Uỷ ban nhân dân huyện với các đơn vị
trực thuộc...).
+
Mối quan hệ giữa các cơ quan hành chính có thẩm quyền với các tổ chức
sự nghiệp và các tổ chức kinh doanh của các thành phần kinh tế trong xã
hội (ví dụ quan hệ giữa Bộ Y tế với các bệnh viện, trung tâm y tế; quan
hệ giữa Sở Kế hoạch đầu tư với các doanh nghiệp trong hoạt động đăng ký
kinh doanh...).
+
Mối quan hệ giữa cơ quan hành chính có thẩm quyền với các tổ chức xã
hội và các đoàn thể nhân dân (ví dụ quan hệ giữa Uỷ ban nhân dân tỉnh
với các tổ chức xã hội trong vấn đề đăng ký lập Hội, phê chuẩn Điều lệ
hoạt động Hội; quan hệ giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt
nam trong việc phối hợp hoạt động bảo đảm quyền của người lao động...).
+
Mối quan hệ giữa các cơ quan hành chính có thẩm quyền và công dân (ví
dụ quan hệ giữa Uỷ ban nhân dân cấp xã với công dân trong vấn đề đăng ký
khai sinh, đăng ký kết hôn; quan hệ giữa cơ quan Địa chính - Xây dựng
với công dân trong hoạt động cấp phép xây dựng...).
Nhận xét
Đăng nhận xét