Chuyển đến nội dung chính

ĐIỂM TIN GIÁO DỤC NGÀY 29 THÁNG 01 NĂM 2016

ĐIỂM TIN GIÁO DỤC NGÀY 29 THÁNG 01 NĂM 2016








Thưởng Tết giáo viên - nơi nghìn đô, nơi chỉ tờ lịch:


Cùng làm một công việc “gõ đầu trẻ” nhưng giáo viên tại các trường công lập và trường tư đã có sự khác nhau về thu nhập, còn đối với các trường quốc tế lại còn chênh lệch lớn hơn rất nhiều. Thế nên cuối năm xuân đến tết về mới có cảnh bi hài “kẻ cười, người khóc”  vì thưởng tết.

Mơ được thưởng vài trăm nghìn....

Chuyện giáo viên không có thưởng Tết hay lương tháng 13 là chuyện “xưa như trái đất”  bấy lâu nay. Càng gần Tết, trong khi người người ở các lĩnh vực khác lại rộn ràng công bố chuyện thưởng Tết thì các thầy cô giáo lại ngậm ngùi tủi thân. Tuy nhiên, những năm gần đây tại nhiều trường, một số địa phương thực hiện tốt về tự chủ một phần tài chính theo Nghị định 43 của Chính phủ để có được khoản thu nhập tăng thêm cho giáo viên và được ngầm hiểu là thưởng Tết. Theo đó, lãnh đạo trường nào có tài “khéo léo”  trong cân đối thu chi cộng thì khoản dư cuối năm khá thì chia cho giáo viên, nhân viên cao. Ngoài khoản kết dư từ ngân sách mỗi năm, trường nào có nhiều nguồn thu phụ từ cho thuê cơ sở vật chất, căntin, bãi xe… thì cuối năm giáo viên được thưởng nhiều hơn. Tại TP. HCM và một số địa phương ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhờ cân đối thu chi từ ngân sách mà giáo viên cũng được thưởng tầm vài triệu đồng. Thậm chí như tại TP. HCM, có những trường giáo viên được nhận không dưới 10 triệu đồng. Bên cạnh đó, thành phố còn chi ngân sách để hỗ trợ cho giáo viên dịp Tết 1,2 triệu đồng.

Tuy nhiên không phải địa phương nào giáo viên cũng được hưởng niềm vui nhờ những khoản thưởng cuối năm. Cô Ngọc Hân, giáo viên ở Bình Dương chia sẻ rằng “cuối năm nhận được khen thưởng năm học trước cộng thêm những khoản lặt vặt của học kỳ vừa qua được hơn 1 triệu đồng, cộng thêm hỗ trợ của tỉnh 1 triệu đồng nữa thành ra Tết chỉ được hơn 2 triệu đồng. Như vậy, cuối năm được nhận lương tháng 1 và được ứng trước lương tháng 2 nữa cộng lại tất cả chỉ được 10 triệu đồng. Tưởng được lãnh nhiều vậy nhưng không dám chi tiêu nhiều vì nếu mua sắm tết lỡ có “quá tay” thì tháng sau sẽ đói”. Trong khi đó, cô Hồng Hạnh, giáo viên ở huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) Tâm sự: “Nhìn sang đồng nghiệp ở TP. HCM nhận thưởng thấy mà ham trong khi mình làm cả năm trời nhận được tất tần tật chỉ 800.000 đồng cho cuối năm. Bao nhiêu đó thì chỉ đủ sắm cho con vài bộ đồ mới cộng thêm một ít bánh mứt cho gọi là Tết”. Thực tế thì những giáo viên này còn khá hơn các đồng nghiệp ở các tỉnh khác.

Một số trường ở địa bàn vùng sâu, xa thì chẳng ai thèm đến thầu bãi giữ xe hay căn tin nên chẳng có nguồn nào dư ra thêm để chia cho giáo viên. Thậm chí nói như thầy Thành, giáo viên ở Nam Định thì “đi dạy mười mấy năm rồi chưa biết tiền triệu thưởng vào cuối năm là gì. Năm nay mong có thưởng 100.000 đồng là giáo viên trường mừng lắm rồi”. Không chỉ vậy, tại nhiều trường ở Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An…, mức thưởng của giáo viên không khá hơn năm trước khi chỉ là tờ lịch, cân đường, gói mì chính. Thế nên chuyện thưởng tết với những “người lái đò”  ở những nơi này không phải là đề tài “nóng” để mọi người bàn tán.

Giáo viên trường tư, trường quốc tế thưởng vài triệu là thường!

Trong khi đó, vào cuối năm các trường ngoài công lập, những trường quốc tế đều có những khoảng thưởng hậu hĩnh cho giáo viên, nhân viên của mình. Lãnh đạo một trường THPT tư thục ở quận Tân Phú (TP. HCM) Cho biết mức thưởng của trường dành cho giáo viên thấp nhất cũng 5,6 triệu đồng, còn với người có đóng góp và thâm niên thì cao nhất cũng tới 25 triệu đồng. Đối với khối trường tư thục, năm nào “làm ăn” tốt thì thu nhập của cán bộ, giáo viên cũng được tăng hơn là chuyện đương nhiên. “Đối với trường tư, giữ chân người đã cống hiến tốt cho trường không bằng cách nào tốt hơn là thưởng cao cũng là đáp lại tương xứng với công sức lao động đã bỏ ra trong năm qua của họ”, vị chủ một trường tư thục cho biết. Trong khi đó, đối với các trường quốc tế ở TP. HCM, thu nhập hàng tháng của đội ngũ giáo viên vốn đã cao hơn đồng nghiệp ở các trường công lập. Hơn thế, cuối năm đội ngũ giáo viên, nhân viên đều được hưởng lương thứ 13 là điều rất bình thường. Tùy vào sự cống hiến của từng người mà khoản thưởng cuối năm thấp nhất cũng 5 triệu đồng và cao nhất có khi lên đến vài ba chục triệu đồng.

Một giáo viên dạy ở trường quốc tế U cho biết năm nay mức thưởng của trường dao động từ 300 USD đến hơn 1.000 USD tùy vào trình độ, cấp bậc và đóng góp của mỗi người. Tương tự, ở trường quốc tế A, lương thứ 13 của giáo viên nhận được trung bình cũng hơn 10 triệu đồng/người. Cùng một công việc nhưng kết quả thưởng cuối năm ở trường quốc tế sẽ khiến các giáo viên vùng cao, vùng sâu có phần chạnh lòng. Dù vậy, thưởng Tết có như thế nào thì họ vẫn nhiệt tâm trên bục giảng để cống hiến công sức, nhiệt tâm với những thế hệ học trò. Có chăng mong rằng sẽ có lúc sự chênh lệch này sẽ được rút ngắn hơn để những “kĩ sư tâm hồn”  ấy sẽ được ấm lòng khi tết đến.




Kỹ năng chọn ngành xét tuyển:


Điểm tin giáo dục ngày thứ sáu, 29 tháng 01 năm 2016Buổi Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên và Bộ GD-ĐT phối hợp tổ chức đã diễn ra sôi động tại Trường THPT Phú Mỹ (Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) Vào chiều 28.1. Buổi tư vấn tập trung vào việc tìm hiểu thông tin các ngành nghề cũng như cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Hơn 1.000 học sinh (HS) Các trường THPT Phú Mỹ, Trần Hưng Đạo, Hắc Dịch đã được nghỉ học buổi chiều để tham dự chương trình. Đầu chương trình, thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP. HCM, lưu ý thông tin về kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Theo dự kiến, khả năng kỳ thi vẫn giữ nguyên như năm 2015, nếu có sẽ điều chỉnh để tạo thuận lợi hơn cho thí sinh. Theo đó, dự kiến tháng 4, thí sinh sẽ đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ. Do vậy, thí sinh cần đăng ký môn học phù hợp, bên cạnh các môn bắt buộc xét tốt nghiệp còn phải đăng ký thêm môn trong tổ hợp xét tuyển của các trường ĐH, CĐ. Thạc sĩ Vũ cho biết hầu hết các trường xét tuyển thí sinh bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường có đề án tuyển sinh riêng xét thí sinh dựa trên học bạ THPT.

Thừa giáo viên, có nên thi sư phạm?

Rất nhiều câu hỏi của HS ở địa phương này dành cho khối ngành sư phạm. Ngoài việc tìm hiểu thông tin ngành nghề, nhiều HS băn khoăn về việc làm sau khi tốt nghiệp. Một HS đặt vấn đề: “Em có nên nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành sư phạm không khi tình trạng sinh viên các ngành này ra trường không tìm được việc làm?”. Thạc sĩ Lê Ngọc Tứ, Trường ĐH Sư phạm TP. HCM, thông tin theo thống kê của Bộ GD-ĐT năm 2015 thì nhu cầu tuyển dụng giáo viên vẫn có với số lượng từ 18.000 - 20.000 người. Thực tế, tình trạng thừa giáo viên tồn tại song song với việc thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non, tiểu học và tiếng Anh. Hơn nữa, thời điểm hiện nay, chúng ta đang thực sự thiếu giáo viên có chất lượng. Trong khi đó, trả lời câu hỏi về ngành marketing, thạc sĩ Nguyễn Thái Châu, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính-Marketing, cho rằng bên cạnh kiến thức nền về kinh tế, sinh viên còn được học thêm kiến thức cần thiết khác như: Thiết kế, thị trường, truyền thông…

Nữ có nên theo học ngành kỹ thuật?

Một nữ sinh Trường THPT Hắc Dịch thắc mắc: “Nếu là nữ có nên theo học ngành kỹ thuật không?”. Tiến sĩ Phan Đức Hùng, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. HCM, giải đáp: “Nếu là nữ khi theo học các ngành kỹ thuật, sinh viên sẽ có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên theo thống kê từ trường, ngày càng nhiều nữ sinh theo học ngành này tại trường. Và để hỗ trợ, trường có chính sách đặc biệt là giảm 50% học phí cho sinh viên nữ”. Về cơ hội việc làm của ngành Đông phương học, thạc sĩ Hồ Viễn Phương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng, chia sẻ ngành này hiện đang đào tạo 3 chuyên ngành: Nhật Bản học, Trung Quốc học và Hàn Quốc học. Khi tốt nghiệp, hầu hết sinh viên được tuyển dụng vào vị trí phiên dịch cho các doanh nghiệp nước ngoài với mức thu nhập thấp nhất dành cho sinh viên mới ra trường khoảng 6 triệu đồng/tháng.

Chọn ngành hay chọn trường?

Một câu hỏi khá thú vị được HS Trường THPT Trần Hưng Đạo nêu ra: “Tiêu chuẩn để theo nghề thủy thủ là gì, em đi xe khách bị say xe thì có học được ngành này không? Em còn nghe nói lương của thủy thủ rất cao, điều này có đúng không?”. Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ giải đáp ngay: “Để trở thành thủy thủ, em có thể theo học ngành khoa học hàng hải và xét tuyển vào 2 chuyên ngành: Điều khiển tàu biển và vận hành khai thác máy tàu thủy. Hiện ở khu vực phía nam chỉ có Trường ĐH Giao thông vận tải TP. HCM đào tạo bậc ĐH”. Thạc sĩ Vũ lưu ý, không phải tất cả sinh viên tốt nghiệp 2 chuyên ngành này đều có thể làm việc trên biển, vì 80% nhân lực sẽ làm việc liên quan đến lĩnh vực hàng hải và chỉ 20% làm việc trực tiếp trên tàu. Điều kiện đầu tiên để trở thành thủy thủ là phải có sức khỏe, vì vậy ngay từ đầu vào trường phải xét thí sinh có đủ điều kiện sức khỏe như đã công bố chi tiết trên website trường. “Thủy thủ đi làm sẽ được nhận mức lương theo tiêu chuẩn quốc tế”, thạc sĩ Vũ cho biết.

Cũng từ sân trường, HS Nguyễn Ngọc (Trường THPT Phú Mỹ) Đã đặt một lúc 2 câu hỏi về cơ hội khi theo học các ngành kinh doanh quốc tế và công nghệ thực phẩm. Về ngành kinh doanh quốc tế, thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP. HCM, lưu ý có 3 tên ngành khác nhau, nhưng có nội dung chương trình đào tạo như nhau gồm: Kinh doanh quốc tế, kinh tế quốc tế, kinh tế đối ngoại. Tốt nghiệp các ngành này, sinh viên sẽ làm việc trong môi trường kinh doanh quốc tế tại các đơn vị có yếu tố nước ngoài. Thạc sĩ Nguyễn Thái Châu bổ sung thêm HS theo học các ngành này cần phải rất giỏi tiếng Anh. Còn về ngành công nghệ thực phẩm, tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP. HCM, cho biết được xét tuyển bằng 2 tổ hợp toán - lý - hóa và toán - hóa - sinh. Dịp này, tiến sĩ Trần Đình Lý khuyên HS nên chọn ngành trước rồi mới đến chọn trường khi quyết định nộp hồ sơ xét tuyển.




Học sinh lớp 10 đạt giải Nhất Toán quốc gia THPT:


Là thí sinh nhỏ tuổi nhất của kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2016 nhưng Phạm Nam Khánh (lớp 10 chuyên Toán THPT Hà Nội - Amsterdam) Đã 'vượt mặt' anh chị cả nước rinh giải Nhất với điểm số cao nhất. Phạm Nam Khánh giành giải Nhất môn Toán kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2016 với điểm số cao nhất 33/40 điểm. Suốt nhiều năm trước đó, nam sinh khối THCS trường chuyên Hà Nội - Amsterdam khiến nhiều người thán phục khi liên tiếp đạt giải cao trong các kỳ thi Toán trong nước và quốc tế. Năm 2012, em rinh giải Bạch kim cuộc thi Toán châu Á - Thái Bình Dương (APMOSPS) Và là 1 trong 10 thí sinh Việt Nam được tham dự tiếp vòng 2 tại Singapore. Cùng năm đó, Khánh được huy chương Đồng cá nhân, 2 giải Nhì đồng đội trong cuộc thi toán quốc tế IMC tổ chức ở Đài Loan. Tham dự kỳ thi Toán học trẻ quốc tế IMC tổ chức tại Hàn Quốc năm 2014, Phạm Nam Khánh cũng xuất sắc mang về chiếc huy chương Bạc. Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi của thành phố Hà Nội (tháng 10/2015), em tiếp tục đạt giải Nhất với số điểm cao nhất 19,5/20 cho môn Toán.

Chia sẻ trên website của trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, Khánh cho biết, em thừa hưởng niềm yêu thích Toán học từ bố - cựu học sinh chuyên Toán. Những bài toán vui mà bố chỉ dạy thời nhỏ đã giúp em có hứng thú, dần đam mê với môn học đòi hỏi sự suy luận, tư duy logic này. Toán học là môn rất đặc sắc. Sự liên kết logic giữa những thông tin trong một bài toán có sức cuốn hút rất riêng và em nghĩ đó là điều thú vị của Toán. Môn Toán không chỉ gắn với Lý, Sinh, Hóa… mà tất cả những thứ xung quanh ta đều có ứng dụng của môn học này”, Nam Khánh nói. Nam sinh lớp 10 trường Ams có thể bỏ thời gian dài dành riêng cho việc học Toán. Em cảm thấy bứt rứt mỗi khi chưa tìm được lời giải cho một bài tập nào. Những cách giải còn dài cũng khiến Nam Khánh không ưng thuận nên lại miệt mài suy nghĩ phương án khác. “Có lúc em nghĩ nhiều quá nên hay lơ đãng những việc khác”, “cậu út”  của kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT cười cho biết.

Khánh tâm sự, để giảm bớt căng thẳng khi học tập, em thường nghe nhạc nhẹ. Đá bóng, chơi bóng rổ và viết truyện khoa học viễn tưởng, truyện siêu anh hùng với mình là nhân vật chính.... Ước mơ của Phạm Nam Khánh là trở thành nhà sáng chế, phát minh ra những thứ có ích cho cuộc sống. Để hiện thực hoá điều này, em đang cố gắng giành xuất học bổng du học tại Mỹ và mở mang tri thức. Ngoài Phạm Nam Khánh, một thí sinh khác cũng đạt điểm cao nhất môn Toán, giành giải Nhất kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2016 là Đào Vũ Quang (lớp 12 chuyên Toán) - gương mặt “ai cũng biết”  khi trở thành đại sứ trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Quang cho biết, rất vui và bất ngờ với kết quả này. Đây như sự đền đáp cho những nỗ lực học tập của em suốt năm qua, sau khi thất vọng vì bị loại ở vòng chọn đội tuyển quốc gia hồi lớp 11.

Cũng giống Phạm Nam Khánh, Đào Vũ Quang sở hữu một bảng thành tích đáng nể trong môn Toán. Năm lớp 7, em là một trong 10 thí sinh ưu tú nhất được chọn qua vòng đấu loại giữa học sinh 3 miền đất nước, để tham dự cuộc thi Toán châu Á - Thái Bình Dương tại Singapore và đạt giải Bạch kim. Lớp 10,11, em liên tục được trường chuyên Hà Nội - Amsterdam trao học bổng cho học sinh có kết quả học tập xuất sắc nhất; Đạt giải Nhì môn Toán tại kỳ thi chọn học sinh giỏi khu vực Duyên hải đồng bằng Bắc bộ; Giải Nhất Toán Hà Nội mở rộng; Nhì cuộc thi Khoa học quốc tế trẻ… Năm 2014, Quang mang về tấm huy chương Bạc giải Toán học trẻ quốc tế tại Dejoun (Hàn Quốc) Cho đội thi của trường. Mùa hè năm 2015, Đại học tư thục Jacobs (Đức) Cấp cho em “tấm vé”  cùng 100 học sinh quốc tế khác tham dự Trại hè quốc tế Toán học với sự tham gia của nhiều giáo sư nổi tiếng thế giới, tổ chức tại Đức trong 10 ngày. Quang sau đó được tham gia Hội nghị Lãnh đạo trẻ châu Á tại Singaprore và trở thành đại biểu trẻ tuổi nhất của Việt Nam được Viện Vật lý quốc gia chọn tham gia Hội nghị Khoa học quốc tế tại Israel.

Từng đỗ thủ khoa kỳ thi đầu vào lớp 10 trường chuyên Khoa học tự nhiên (thuộc Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội), Đào Vũ Quang chọn THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam để được tham gia nhiều hoạt động ngoại khoá và phục vụ mục đích du học. Song song với việc hoàn tất hồ sơ xin học bổng, nam đại sứ trường Ams cùng “em út”  Phạm Nam Khánh đang tập trung cao độ cho kỳ thi chọn đội tuyển Toán quốc tế sẽ diễn ra vào tháng 3 tới.




Tết sớm cho học trò nghèo:


Các học sinh ở xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đợt băng tuyết vừa qua - đã được nhận những phần quà kịp thời từ bạn đọc báo Tuổi Trẻ và các mạnh thường quân. Sáng 29-1, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh đoàn Nghệ An, Phòng giáo dục huyện Kỳ Sơn cùng các nhà tài trợ Công ty Sony Electronics Việt Nam và Cộng đồng Sony Alpha Việt Nam, Trung tâm mua sắm Robins (Thái Lan) Trao quà cho học sinh tiểu học Na Ngoi 2 trong chương trình “Quà xuân cho vùng biên giới”. Tổng cộng có 397 phần quà đã được trao cho học sinh tiểu học Na Ngoi 2. Mỗi phần trị giá 600.000 đồng, trong đó tiền mặt là 300.000 đồng, quà trị giá 300.000 đồng (bánh kẹo, áo ấm, dép…). Ngoài ra, 45 giáo viên của trường cũng được nhận quà của chương trình trị giá 500.000 đồng. Một nhà tài trợ giấu tên cũng đã trao 100 áo ấm cho 100 học sinh Trường mầm non Na Ngoi 2 và 25 phần quà cho giáo viên với mỗi người 500.000 đồng. Phát biểu tại buổi lễ trao quà, ông Phan Văn Đắc - trưởng ban công tác xã hội báo Tuổi Trẻ - nói: “Mùa xuân đang gõ cửa từng nhà, người người vui xuân, nhưng nếu biết chia sẻ niềm vui ấy đến với các em học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa thì niềm vui xuân càng nhân lên gấp bội. Hiểu được điều đó, báo Tuổi Trẻ, những nhà hảo tâm cùng bạn đọc cả nước đã chung tay mang đến cho các em cùng các thầy cô món quà xuân. Quà xuân tuy nhỏ nhưng đầy ắp sự ấm áp, xua đi cái giá lạnh của vùng cao, góp phần giúp các em có thêm cái ăn, cái mặc”.




Đào tạo giảng viên chuyên gia năng suất các nước vùng sông Mê Kông:


Chiều 29.1, tại TP. HCM, đã diễn ra Lễ bế giảng Chương trình đào tạo giảng viên chuyên gia năng suất các nước vùng sông Mê Kông, nằm trong Chương trình quốc gia 'Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020' được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Chương trình này thu hút sự tham dự của 30 học viên đến từ Lào, Myanmar, Campuchia và Việt Nam, do Viện Năng suất Việt Nam tại TP. HCM phối hợp cùng Trung tâm Năng suất Nhật Bản tổ chức. Các học viên phải trải qua giai đoạn đào tạo 9 tháng với 2 học kỳ để trở thành giảng viên bậc thầy (master trainers) Về chuyên gia tư vấn năng suất ở quốc gia của mình. 6 chuyên gia đến từ Nhật Bản trực tiếp đứng lớp và giám sát chương trình đào tạo từ xa, cung cấp cho các học viên những kiến thức, quy trình, phương pháp, công cụ tư vấn quản lý và năng suất, đặc biệt là kỹ thuật áp dụng tư vấn cho doanh nghiệp thông qua 4 tuần thực hành tại 8 doanh nghiệp lớn khu vực Đông Nam Bộ và TP. HCM. Chương trình đã trao Giấy chứng nhận tốt nghiệp cho 11 học viên đến từ Myanmar, Lào và Campuchia, đồng thời cho 19 chuyên gia của Việt Nam. Các vị này sẽ trở thành giảng viên bậc thầy, tham gia vào các hoạt động đào tạo Chuyên gia năng suất tại các quốc gia, vùng miền kể từ năm 2016.




Hợp tác đào tạo thạc sĩ với Phần Lan:


Liên minh ĐH Phần Lan (bao gồm ba trường: ĐH Turku, ĐH Tampere và ĐH Eastern Finland) Và Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP. HCM) Đã ký kết văn bản hợp tác toàn diện về đào tạonghiên cứu khoa học và trao đổi sinh viên. Theo đó, Trường ĐH Turku (trường ĐH lớn thứ hai của Phần Lan, nằm trong top 400 trường ĐH hàng đầu thế giới) Sẽ giúp Trường ĐH Khoa học tự nhiên xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo bậc thạc sĩ ngành quản lý thông tin toàn cầu, ngành an ninh và bảo mật thông tin. Đây là những ngành đào tạo rất mạnh của Phần Lan, là nguồn cung cấp nhân lực chất lượng cao cho việc thực thi các dự án về chính phủ điện tử và cải cách hành chính công. Ngoài ra, hằng năm các trường ĐH Phần Lan sẽ dành nhiều học bổng toàn phần cho sinh viên của Trường ĐH Khoa học tự nhiên.




Nhận hồ sơ học bổng Chính phủ Australia 2016:


Đại sứ Australia tại Việt Nam Hugh Borrowman cho biết chương trình Học bổng Chính phủ Australia 2016 bắt đầu nhận hồ sơ trực tuyến của các ứng viên Việt Nam có mong muốn theo học bậc Thạc sĩ tại Australia. Chương trình nhận hồ sơ trực tuyến từ 1-2 đến 31-3- 2016. Những người được nhận học bổng dự kiến sẽ bắt đầu khóa học tại Australia năm 2017. Học bổng Chính phủ Australia là học bổng toàn phần, bao gồm toàn bộ học phí, sinh hoạt phí, vé máy bay và bảo hiểm y tế. Các sinh viên sẽ theo học ở bậc Thạc sĩ tại một trường đại học Australia do ứng viên lựa chọn, trong nhiều lĩnh vực như: Bình đẳng giới, khuyết tật, phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, quản trị và cải cách kinh tế. Cán bộ của các cơ quan trung ương và chính quyền địa phương; Nhân viên các tổ chức phi chính phủ Việt Nam, các doanh nghiệp ở các tỉnh; Giảng viên cao đẳngđại học và các nhà nghiên cứu được khuyến khích tham gia chương trình này. Ứng viên là người khuyết tật và người ở vùng nông thôn khó khăn là đối tượng được ưu tiên của Chương trình Học bổng Chính phủ Australia.

Để biết thêm thông tin chi tiết có thể truy cập trang web của Chương trình Học bổng Chính phủ Australia tại Việt Nam tại: australiaawardsvietnam.org




(Tổng hợp theo ND, TP, TN, TT)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

sách giáo trình công nghệ thông tin pdf doc - sách tham khảo

[-] Mục Lục 1 kế toán doanh nghiệp với visual basic https://ambn.vn/product/35662/ke-toan-doanh-nghiep-voi-visual-basic.html Những kiến thức cơ bản về kế toán như biểu mẫu, báo cáo, sổ sách chứng từ kế toán đã được trình bầy ở những bộ sách trước cùng tác giả, và coi như ở tập sách này là bạn đã nắm rõ về microsoft access và visual basic. Trong sách này, sẽ hướng dẫn bạn thêm khi thiết kế các giao diện nhập dữ liệu, xử lý và báo cáo trong chương trình kế toán, hiểu rõ những kỹ thuật và công cụ lập trình nâng cao và dễ dàng thiết kế thành công một chương trình quản lý kế toán doanh nghiệp bằng Visual Basic 2. lập trình cơ sở dữ liệu visual basic sql server https://ambn.vn/product/35577/lap-trinh-co-so-du-lieu-visual-basic-sql-server.html Cuốn sách này cung cấp cho người học những thông tin chi tiết cảu các công cụ kỹ thuật hiện nay như ADO, ADO MD và ADOX, MSDE, .. SQL Namespace.. Mục tiêu cuốn sách là cung cấp các kiến thức ở mức độ chuyên sâu những công cụ mà kết hợp giữa

Đề tài: Hoạt động marketing của công ty cổ phần bút bi Thiên Long

Đề tài: Hoạt động marketing của công ty cổ phần bút bi Thiên Long Mục Lục Lời mở đầu Chương I : Phân tích kết quả kinh doanh của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long I. Kết quả kinh doanh của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long trong thời gian qua II.Đánh giá hoạt động marketing của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long thời gian qua Chương II : Phân tích môi trường marketing của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long I. Phân tích môi trường marketing vĩ mô II.Phân tích môi trường marketing vi mô III. Phân tích môi trường marketing nội bộ IV. Phân tích swot Chương III. Phân đoạn thị trường của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long với sản phẩm bút bi Thiên Long I. Vị trí hiện tại của doanh nghiệp II. Xác định đối tượng khách hàng hay thị trường cần phân đoạn III. Phân chia thị trường theo những tiêu thức thích hợp IV. Đánh giá tiềm năng của các đoạn thị trường V. Lựa chọn các phương thức marketing nhằm khai thác các đoạn thị trường mục tiêu Chương IV. Xác định chiến lược M

CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KẾT QUẢ HỌC TẬP CỦA HỌC SINH TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRỲ TỈNH CAO BẰNG

LUẬN VĂN THẠC SĨ: CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KẾT QUẢ HỌC TẬP CỦA HỌC SINH TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRỲ TỈNH CAO BẰNG HỌC VIÊN: BẾ THỊ DIỆP – HƯỚNG DẪN KH: TS. NGUYỄN THỊ TUYẾT CHUYÊN NGÀNH: ĐO LƯỜNG VÀ ĐÁNH GIÁO TRONG GIÁO DỤC MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 2. Mục đích nghiên cứu của đề tài 3. Giới hạn nghiên cứu của đề tài 4. Phương pháp nghiên cứu 5. Câu hỏi nghiên cứu, giả thuyết nghiên cứu 6. Khung lý thuyết của đề tài 7. Khách thể và đối tượng nghiên cứu Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 1.1. TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 1.1.1. Các công trình nghiên cứu ở nước ngoài 1.1.2. Các công trình trong nước 1.2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN 1.2.1. Hoạt động học tập trong nhà trường 1.2.2. Loại hình nhà trường PTDTNT 1.2.3. Đặc trưng học sinh THPT DTTS 1.2.4. Các khái niệm công cụ của đề tài 1.3. KẾT LUẬN CHƯƠNG Chương 2: TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU 2.1. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1.1. Tổng thể