Chuyển đến nội dung chính

ĐIỂM TIN GIÁO DỤC NGÀY 30 THÁNG 12 NĂM 2015

ĐIỂM TIN GIÁO DỤC NGÀY 30 THÁNG 12 NĂM 2015








Tiền tỉ thu hút tiến sĩ: (>> Link nghe trực tiếp)



Nhiều trường ĐH, CĐ đưa ra chính sách ưu đãi lên đến hàng tỉ đồng để thu hút người có học hàm học vị về trường mình, nhưng kết quả không như mong muốn. Các ưu đãi bao gồm hỗ trợ tiền mặt lên đến hàng trăm triệu đồng, phụ cấp ưu đãi theo hệ số lương, hỗ trợ đi lại, hỗ trợ mua nhà.. . Tuy ưu đãi hấp dẫn nhưng số người về trường làm việc không nhiều, thậm chí có trường không thu hút được tiến sĩ nào. Trong khi đó, có trường tuy nhiều người về nhưng sau một thời gian đã dứt áo ra đi vì môi trường không phù hợp.

Hỗ trợ tiền tỉ.. .

Hiện có một số trường thực hiện chính sách này như Trường ĐH Hạ Long, Trường ĐH Thủ Dầu Một, Trường ĐH Xây dựng Miền Tây, Trường CĐ Cộng đồng Hậu Giang.. . Đây là những trường ĐH mới được nâng cấp từ các trường CĐ tại địa phương. Hầu hết trường này trực thuộc UBND tỉnh và được tỉnh hỗ trợ kinh phí, riêng Trường ĐH Xây dựng Miền Tây tự bỏ kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi. Trong số này, Trường ĐH Hạ Long (Quảng Ninh) Chi mạnh tay nhất. Theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh, từ nay đến năm 2017 trường cần tuyển 15 tiến sĩ và 27 thạc sĩ đào tạo ở nước ngoài, phần lớn tập trung vào nhóm ngành ngoại ngữ. Nếu đáp ứng đầy đủ điều kiện, người có học hàm giáo sư - tiến sĩ được hỗ trợ tiền mặt một lần 700 triệu đồng, phó giáo sư - tiến sĩ được 600 triệu đồng, tiến sĩ được 500 triệu đồng và thạc sĩ là 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, người về trường theo diện thu hút này còn được hỗ trợ 3-10 lần mức lương cơ sở hằng tháng. Ngoài ra, những đối tượng này cũng được hỗ trợ nhà ở công vụ, hỗ trợ tiền tạo lập nhà ở 2,5 - 4,5 tỉ đồng tùy đối tượng. Ngoài việc hỗ trợ trên, người về trường làm việc còn được nhiều ưu đãi khác về việc bố trí công việc phù hợp, ưu tiên xem xét bổ nhiệm cán bộ quản lý, ưu tiên bố trí việc làm cho vợ (chồng) Trên địa bàn tỉnh.

Tuy mức ưu đãi thấp hơn, nhưng số tiền Trường ĐH Xây dựng Miền Tây hỗ trợ người về trường làm việc cũng rất lớn. Ngoài các ưu đãi về việc ưu tiên bố trí công việc, bố trí phòng ở, người về trường được hưởng phụ cấp tăng thêm 2-3 lần mức lương tối thiểu chung. Người có học hàm, học vị từ tiến sĩ trở lên còn được hỗ trợ một lần 500 triệu đồng đối với giáo sư - tiến sĩ, 450 triệu đồng đối với phó giáo sư - tiến sĩ và tiến sĩ là 400 triệu đồng. Với bằng cấp được đào tạo ở nước ngoài, mức hỗ trợ tăng thêm 100 triệu đồng. Trong khi đó tại Trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương), người có học vị tiến sĩ cam kết làm việc tại trường tối thiểu năm năm sẽ được hỗ trợ 200 triệu đồng, thạc sĩ tốt nghiệp loại giỏi được 100 triệu đồng, hỗ trợ mua nhà giá rẻ.. . Ngoài ra, trường còn hỗ trợ về tiền thuê nhà ở, chi phí đi lại hằng tháng. Trường CĐ Cộng đồng Hậu Giang hỗ trợ người có bằng thạc sĩ 70 triệu đồng và tiến sĩ 100 triệu đồng.

Chỉ giải quyết tức thời!

Mặc dù đưa ra những hỗ trợ và ưu đãi rất lớn, nhưng kết quả lại chưa như kỳ vọng của các trường. Tháng 3-2015, Trường ĐH Hạ Long thông báo tuyển dụng 15 tiến sĩ và 27 thạc sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài về làm giảng viên theo chính sách thu hút của tỉnh. Thế nhưng theo số liệu của phòng tổ chức cán bộ Trường ĐH Hạ Long, tính đến thời điểm tháng 8-2015 trường này mới chỉ tuyển được hai người có học vị tiến sĩ, trong đó có một tiến sĩ ngôn ngữ Anh và một tiến sĩ ngôn ngữ Trung Quốc. Còn tiến sĩ Nguyễn Văn Xuân - phó hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Miền Tây - cho biết đến nay trường vẫn chưa tuyển được ứng viên nào theo diện thu hút này. “Có một người nộp hồ sơ, trường liên lạc mời về, nhưng cuối cùng họ không về. Trường có tiềm lực, nhưng đặc thù đào tạo các ngành kỹ thuật nên chỉ thu hút tiến sĩ nhóm ngành này, không tuyển tiến sĩ khối kinh tế và nhóm ngành khác. Hơn nữa, trường nằm ở tỉnh nên cũng hạn chế sự quan tâm của người muốn về trường” - ông Xuân lý giải về việc chính sách thu hút chưa đạt kết quả như mong muốn. Cũng theo ông Xuân, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong khi chính sách thu hút chưa hiệu quả, trường phải tự đưa người đi đào tạo“Năm nay trường có 10 người trúng tuyển nghiên cứu sinh. Dự kiến mỗi năm trường sẽ đưa 8-10 người làm nghiên cứu sinh, phấn đấu đến năm 2020 trường có 25 giảng viên, cán bộ quản lý có học vị tiến sĩ - ông Xuân nói thêm.

Tại Trường ĐH Thủ Dầu Một, chính sách thu hút này đã giúp trường tuyển được một lượng lớn người có học hàm, học vị khi trường vừa được nâng cấp lên ĐH. Tuy vậy sau thời gian năm năm, nhiều người đã dứt áo ra đi. Một tiến sĩ về Trường ĐH Thủ Dầu Một theo chính sách này, hiện đã rời trường, cho biết chính sách này thật sự rất tốt cho địa phương nói chung và Trường ĐH Thủ Dầu Một nói riêng. Lúc mới về công tác, môi trường làm việc rất tốt, đội ngũ này đã xây dựng chương trình vững, mở nhiều ngành đào tạo, kể cả bậc thạc sĩ. Tuy nhiên, thời gian sau này môi trường làm việc không còn như lúc đầu, giảng viên không còn được tự do làm chuyên môn, mà tất cả phụ thuộc vào phòng đào tạo, phòng tổ chức. Chính sách tốt nhưng cách thực hiện nửa vời - chỉ phục vụ việc mở ngành của trường - nên không giữ chân người về trường. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp - hiệu trưởng Trường ĐH Thủ Dầu Một - cho hay giai đoạn 2009-2014 có 3 phó giáo sư, 52 tiến sĩ và 338 thạc sĩ về trường theo diện thu hút. Gần 34 tỉ đồng đã được giải ngân cho người về trường. Thế nhưng hết thời hạn năm năm, 20 người đã ra đi. “Nhờ chính sách này mà đội ngũ giảng viên của trường được tăng cường đáng kể. Tuy nhiên, chính sách này chỉ giải quyết được vấn đề tức thời, về chiều sâu và lâu dài thì không ổn định. Nhiều người đến với trường nhưng lại không gắn bó. Do vậy trường phải đẩy mạnh việc đào tạo, đưa người của trường đi học thạc sĩtiến sĩ để đảm bảo đội ngũ cũng như sự gắn bó lâu dài. Hiện có 61 người đang làm nghiên cứu sinh” - ông Hiệp cho biết.




Băn khoăn độ tuổi giảng viên ảnh hưởng chất lượng đào tạo:



Đối với các trường ngoài công lập, một trong những tiêu chí chưa được quy định là giới hạn độ tuổi giảng viên lại gây băn khoăn và được cho là có ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, đặc biệt trong đào tạo y khoa. Để kiểm tra các yêu cầu, điều kiện cần thiết cho đào tạo ngành Y đa khoa và Dược học Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ, đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế đã kiểm tra toàn bộ hồ sơ mở ngành và hồ sơ minh chứng đội ngũ của trường. Đến nay, theo kết luận của đoàn kiểm tra, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ đã bổ sung cơ sở vật chất và đội ngũ theo yêu cầu của đoàn thẩm định liên ngành. Cụ thể: Đội ngũ giảng viên ngành Y khoa đã có 34 người có trình độ thạc sĩ trở lên trên tổng số 56 giảng viên cơ hữu, trong đó có 23 tiến sĩ và 11 thạc sĩ; 10 chuyên khoa I và 12 chuyên khoa II. Hiện trường thiếu 1 tiến sĩ Sản khoa và 6 môn học chưa có giảng viên cơ hữu đúng chuyên ngành: Chẩn đoán hình ảnh, Truyền nhiễm, Tâm thần, Ký sinh trùng, Sinh lý bệnh miễn dịch, Mô phôi. Đối với ngành Dược học, trường có 20 giảng viên trình độ tiến sĩ, PGS, thạc sĩ, 2 chuyên khoa I, 1 chuyên khoa II, trong đó 14 chuyên ngành và 8 cơ sở. Có 1 giảng viên/19 môn cơ sở và chuyên ngành, trong đó thiếu giảng viên chuyên ngành dạy môn Phân tích kiểm nghiệm.

Điểm tin giáo dục ngày 30 tháng 12 năm 2015Tuy nhiên, đoàn kiểm tra không công bố thống kê về độ tuổi giảng viên tham gia giảng dạy hai ngành này của trường. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Quyền Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho rằng khi đặt ra vấn đề này thì phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng để quy định không làm ảnh hưởng đến bất cứ ai còn sức lao động muốn lao động mà không có cơ hội để làm việc. “Về độ tuổi giảng viên cần phải kín kẽ ở nhiều góc độ để giải quyết vấn đề này, làm sao để tránh tình trạng không có sự kế tục phát triển giữa các thế hệ nhưng cũng tránh động chạm, làm mủi lòng những nhà giáo, những người đã có tuổi, có cống hiến, còn sức khỏe và vẫn tiếp tục tâm huyết với nghề”. Bà Phụng cho biết theo quy định hiện nay, các giáo sư được kéo dài thời gian công tác tối đa 10 năm, các PGS tối đa 7 năm, Tiến sĩ tối đa 5 năm. “Đây là thời gian tối đa được kéo dài trong biên chế để tính là giảng viên cơ hữu của các cơ sở đào tạo công lập và được nhà nước trả lương từ ngân sách, chưa hưởng bảo hiểm xã hội, Đối với các trường tư thục thì hiện nay không có quy định nào để khống chế cả”.

GS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH Y Dượcnói rằng: “Về độ tuổi của các thầy, tôi cũng rất suy nghĩ”. Theo GS, cần tận dụng chất xám của các thầy lớn tuổi nhưng cũng cần tính đến đặc thù của nghề y. “Làm sao bây giờ mời các thầy 75,80 tuổi vào mổ, khám chữa bệnh? Nhưng không làm lâm sàng, mổ xẻ thì dậy sinh viên lại là cả một câu chuyện”. Trên thực tế, các trường ngoài công lập phần lớn là các thầy ngoài độ tuổi công tác. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết đối với khối tư thục chúng ta chưa có quy định về độ tuổi của giảng viên. Nhiều trường tư thục chưa được tin cậy khi nhìn vào độ tuổi của giảng viên: “Có những trường tư chỉ mới các thầy về hưu về giảng dậy, các thầy rất có kinh nghiệm nhưng các bạn trẻ thì không nhìn thấy đội ngũ kế cận, không thấy tương lai của trường.” Theo bà, với các trường dân lập cần quy định vấn đề tuổi tác sao cho có sự kết hợp hài hòa kết hợp giữa người có kinh nghiệm và lớp trẻ. “Khi làm điều lệ trường ĐH, chúng tôi đã đặt ra vấn đề này lấy ý kiến các trường cũng như cơ quan khác. Cho đến nay vẫn đang tranh luận và chưa thống nhất”.

Theo tờ trình của trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ gửi Bộ Y tế, sau khi nghiên cứu khảo sát nhu cầu xã hội trên địa bàn Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh đồng bằng sông Hồng về việc chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng kết hợp việc tham khảo một số trường đa ngành có đào tạo ngành Y đa khoa và ngành Dược học của cả nước, kể cả công lập và tư thục, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ đã triển khai đăng ký mở ngành Y đa khoa và ngành Dược học. Nhà trường đã mời ông Nguyễn Quốc Triệu, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế và ông Trịnh Quân Huấn làm cố vấn cho trường trong việc mở ngành. Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ đã quyết định thành lập khoa Y, mời GS. TS Lê Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Y tế Hà Nội làm trưởng khoa; Thành lập khoa Dược, mời GS. TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng khoa.




Công bố kết luận về tuyển sinh ngành Y, Dược tại ĐH Kinh doanh và Công nghệ:



Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế đồng ý để Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo ngành Dược học và Y đa khoa từ năm 2016 nếu trường thực hiện xong hợp đồng mua bán thiết bị phục vụ cho đào tạo ngành y để bảo đảm được cơ sở vật chất tối thiểu theo yêu cầu của chương trình đào tạo và bổ sung đội ngũ giảng viên cơ hữu đúng chuyên ngành.

Do quan điểm và thời điểm khác nhau!

Chiều 28-12, Bộ GD-ĐT đã họp báo, thông báo kết luận của Đoàn kiểm tra việc thực hiện yêu cầu điều kiện bảo đảm chất lượng thực tế đào tạo ngành Y khoa và Dược học của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ. Theo kết luận của Đoàn kiểm tra, đến ngày 23-12, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ đã bổ sung cơ sở vật chất và đội ngũ theo góp ý của Đoàn thẩm định liên ngành ngày 5-10-2015. Đoàn kiểm tra thống nhất đánh giá đồng ý cho trường tuyển sinh ngành Dược từ năm 2016 nếu thực hiện xong hợp đồng mua bán thiết bị đã ký trị giá 23 tỷ đồng; Bổ sung tối thiểu 1 thạc sĩ môn Phân tích kiểm nghiệm và báo cáo Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế. Đối với ngành Y đa khoa, Bộ GD-ĐT và Y tế sẽ xem xét cho phép trường đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh sau khi trường bổ sung đội ngũ, trong đó có 1 tiến sĩ Sản khoa, 6 giảng viên cơ hữu đúng chuyên ngành của 6 môn học: Chẩn đoán hình ảnh; Truyền nhiễm; Tâm thần; Ký sinh trùng; Sinh lý bệnh Miễn dịch; Mô phôi và thực hiện các hợp đồng mua bán trang thiết bị đã ký trị giá 11 tỷ đồng. Trường cũng cần khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để sớm được công nhận là phân hiệu của trường tại Từ Sơn - Bắc Ninh.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Quyền Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ chỉ cho trường tuyển sinh khi thực hiện tất cả các điều kiện theo kết luận và thời điểm trường được tuyển sinh phụ thuộc vào khi nào trường hoàn thiện hết các tiêu chí còn thiếu trên. Vấn đề đặt ra vì sao trong khi Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ còn nhiều tiêu chí chưa đạt mà trước đó, Bộ GD-ĐT lại ra văn bản cấp phép cho trường được mở ngành Y, Dược dẫn đến sự phản ứng mạnh mẽ trong dư luận? Bà Nguyễn Thị Kim Phụng giải thích: Trong biên bản của đoàn thẩm định liên ngành ngày 5-10 thì trong kết luận của đoàn thẩm định nói rằng về cơ bản nhà trường đã đầy đủ điều kiện mở ngành. Đội ngũ, cơ sở vật chất, phòng thực hành, phòng thí nghiệm, trang thiết bị.. . Về cơ bản đã bảo đảm theo quy định của Bộ GD-ĐT để mở hai ngành. Văn bản lần đầu cũng đề nghị trường bổ sung thêm một số yếu tố để bảo đảm theo lộ trình các năm học và khi tăng quy mô. Như vậy với kết luận này đoàn thẩm định cho mở ngành đã kiến nghị Bộ là về cơ bản Trường đã đủ điều kiện cho mở ngành rồi, còn một số thiếu sẽ bổ sung khi tăng quy mô. “Đó là quan điểm chúng tôi áp dụng với một số trường trong thời gian gần đây, nếu về cơ bản đã đủ rồi thì có thể cho mở ngành và trường vừa hoàn thiện chương trình vừa tuyển sinh. Tuy nhiên đối với lần kiểm tra này, từ chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trước dư luận xã hội, trước yêu cầu chất lượng chúng tôi thống nhất phải bảo đảm đủ mới cho tuyển sinh. Như vậy đây là yêu cầu mới trong giai đoạn hiện nay riêng đối với việc tuyển sinh. Hai văn bản này ở hai giai đoạn khác nhau, do có sự chỉ đạo và quan điểm khác nhau”. Bà Phụng cho biết. Từ trường hợp này, về sau chúng tôi cũng sẽ áp dụng quan điểm này đối với các trường để bảo đảm công bằng.

Sớm có tiêu chí riêng cho đào tạo ngành y...

Tại buổi họp báo, nhiều phóng viên đã thẳng thắn dùng cụm từ “bác sĩ Kinh Công”  để chỉ việc trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành đào tạo Y đa khoa và dược học cũng như bày tỏ băn khoăn liệu việc các cơ sở giáo dục với đủ các tiêu chí theo quy định hiện có đã bảo đảm để mở ngành có tính đặc biệt như như y và dược hay chưa? Ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết: “Liên quan đến quy định hiện nay về mở ngành và quy mô tuyển sinh, chúng tôi cũng thấy quy định của Thông tư 08 về điều kiện mở ngành của Bộ GD-ĐT có những điểm chưa hoàn toàn phù hợp với lĩnh vực y tế và Bộ Y tế đã có đề nghị với Bộ GD-ĐT xem xét để chỉnh sửa. Hiện nay chúng tôi đang chỉnh sửa và chắc sắp tới sẽ sớm ban hành để có những tiêu chí riêng cụ thể về lĩnh vực đào tạo y tế”.

GS Nguyễn Đức Hinh- Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, Chủ tịch hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH Y Dược cho rằng Luật Giáo dục quy định “tự chủ”  nhưng nghề y là nghề đặc biệt và nói về sự tự chủ thì bên cạnh “bàn tay vô hình của kinh tế thị trường cũng cần bàn tay hữu hình của quản lý nhà nước”. “Nhưng chúng ta cũng cần tính thế nào để các trường cùng tham gia không đến lúc chỉ còn một vài ba trường đào tạo ngành y thì cũng không được”- ông bày tỏ quan điểm. Trong thời gian tới, các trường y, dược cũng cho rằng nên để Chính phủ cho phép mở ngành đào tạo Y, Dược và thống nhất đề xuất sẽ có ngưỡng xét tuyển riêng cho khối ngành y, dược áp dụng với những trường sử dụng điểm của kỳ thi THPT quốc gia...

Ông Nguyễn Minh Lợi cho biết sắp tới, Bộ Y tế sẽ kiến nghị sửa Luật Khám chữa bệnh trong đó yêu cầu tổ chức kỳ thi quốc gia về cấp chứng chỉ hành nghề nhằm giám sát, bảo đảm những người đủ điều kiện chuyên môn của ngành y tế để làm việc trong các cơ sở y tế. Ngoài thi chứng chỉ hành nghề, trong công tác đào tạo sẽ chú trọng ban hành các chuẩn năng lực đối với từng lĩnh vực như: Bác sĩ đa khoa, điều dưỡng và sắp tới là răng- hàm –mặt.. .




Học địa lý là học những gì:



Đối với những quốc gia phương Tây như Pháp, Anh, địa lý là môn học quan trọng để dẫn dắt thế hệ trẻ hiểu được những thách thức và cơ hội trong bối cảnh thế giới vô cùng phức tạp. Chẳng hạn chương trình dạy địa lý ở Pháp xây dựng xuyên suốt từ tiểu học đến THPT đi từ những khái niệm cơ bản đến phát triển tư duy về địa chính trị, từ đó phát triển và củng cố tư duy logic. Theo website của Bộ Giáo dục Pháp, ở cấp THCS, HS được dạy về đất đai, sự phân bổ dân cư theo vùng miền, phát triển bền vững, sống như thế nào để hòa hợp thiên nhiên, mối quan hệ giữa con người và các nguồn tài nguyên. Các lớp cuối cấp đề cập những vấn đề rộng như lãnh thổ trong thời đại toàn cầu hóa, những vấn đề liên quan đến toàn cầu hóa… Chương trình THPT xoáy sâu vào sự phát triển bền vững, vai trò của các vùng miền đối với sự sống của con người, tầm quan trọng của nước, vai trò của năng lượng, các vùng biển và những khu vực đối mặt với thảm họa thiên nhiên, địa chính trị. Đến năm cuối cấp THPT, nội dung khai thác các khía cạnh phức tạp của toàn cầu hóa và địa chính trị, ảnh hưởng của các cường quốc.. .

Còn Bộ Giáo dục Anh cũng nêu rõ mục đích của môn địa lý trong chương trình phổ thông là cung cấp cho HS các cơ hội hiểu thêm về thế giới, những thách thức mà thế giới phải đối mặt. Nội dung từng khối lớp hướng HS tìm hiểu về các quá trình thay đổi của địa lý, làm sáng tỏ những tác động và sự thay đổi trong mối quan hệ giữa con người và môi trường… Môn học này còn giúp HS phát triển nhiều kỹ năng như điều tra và phương pháp tiếp cận nghiên cứu thực địa, sử dụng bản đồ và hệ thống thông tin (GIS) … Đặc biệt môn học này giúp HS trở thành những công dân toàn cầu, có hiểu biết và quan tâm về môi trường.

Trong thời đại công nghệ đang cực thịnh, chuyện dạy và học môn địa lý càng thay đổi theo hướng thực tế. Tờ The New York Times từng đăng tải đề xuất của HS về môn học này theo hướng kết hợp các hệ thống đồ họa, mô hình trên máy tính, bản đồ các loại, tin tức xảy ra tại các vùng miền để kết nối với điều kiện địa lý, xã hội của vùng đó. Như vậy rõ ràng đối với các nước, địa lý không chỉ là những địa điểm có tên trên bản đồ mà còn về con người, văn hóa, lịch sử của từng vùng miền; Các tác động về thiên tai đến cuộc sống con người và cách đối xử của nhân loại đối với tự nhiên đã làm thay đổi bề mặt địa lý, hoàn cảnh xã hội và điều kiện kinh tế như thế nào. Có thể nói, nắm vững địa lý sẽ giúp thế hệ tương lai hiểu hơn về quá khứ, hiện tại và tương lai của toàn cầu, cũng như vai trò của từng địa phương đối với phần còn lại của thế giới.




Cụ ông gốc Việt 70 tuổi tốt nghiệp đại học Mỹ:



Hình ảnh ông Tap Van Kieu (sau đây gọi là ông Kiều) Giơ tấm bảng tốt nghiệp đại học ở tuổi 70 đã được chia sẻ trên khắp các mạng xã hội và trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người ở Mỹ, theo The Huffington Post. Tấm bảng trong bức ảnh cho thấy những cột mốc quan trọng trong cuộc sống của ông Kiều - bao gồm kết hôn, làm cha của 3 con nhỏ và thậm chí là trở thành người ông trước khi ông hoàn thành ước mơ của cuộc đời là tốt nghiệp đại học. Ông vừa tốt nghiệp ĐH Virginia Commonwealth.

Chia sẻ với The Huffington Post, cô Mary Kiều, con gái ông Kiều cho biết ông Kiều đã rời Việt Nam vào năm 1975 cùng vợ và 3 con nhỏ. Khi ở Mỹ, ông đã từng tham dự một khóa cao đẳng cộng đồng ở độ tuổi 30. Và để tồn tại, trang trải cuộc sống tại Mỹ, ông Kiều đã làm qua nhiều nghề, từ một người đưa thư, tài xế xe buýt cho đến chủ một doanh nghiệp nhỏ. “Cha tôi không phải thuộc tuýp người để bản thân mình rảnh rỗi, dù chỉ trong một buổi chiều,” Mary Kiều cho biết. “Vì vậy sau khi về hưu ở tuổi 65, cha tôi quyết định theo đuổi thử thách khác là hoàn thành bậc đại học. Đó là ước mơ của cha tôi, tốt nghiệp đại học, dạy hợp xướng cho trẻ em, và để cho cháu trai 5 tuổi của mình, Oliver, nhìn thấy được ngày ông mình tốt nghiệp đại học“Tôi sẽ mô tả câu chuyện của cha mình như một trong rất nhiều câu chuyện truyền cảm hứng của những người nhập cư khác. Làm việc chăm chỉ, tin vào chính mình, không bao giờ bỏ cuộc, biết nhắc nhở bản thân một cách mạnh mẽ rằng bạn không bao giờ quá già để thực hiện ước mơ thì chắc chắn bạn sẽ đạt được mục tiêu của mình, cho dù ngay cả khi bạn đã 70 tuổi.” cô Mary Kiều chia sẻ.




Đại học Mỹ thuật Việt nam đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh:



Sáng nay 30-12, tại Hà Nội, trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam đã kỷ niệm 90 năm thành lập. Nhân dịp này, Chính phủ đã trao tặng trường Huân chương Hồ Chí Minh. Trường Mỹ thuật Đông Dương được thành lập năm 1925. Trường đã được đổi qua nhiều tên gọi Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, Mỹ thuật Việt Nam, Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, Đại học Mỹ thuật Hà Nội và nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Qua 90 năm hình thành và tiếp nối nhà trường đã đào tạo ra hàng ngàn họa sĩ cho đất nước. Rất nhiều các họa sĩ đã và đang là các trụ cột của nền mỹ thuật Việt Nam. Các cựu sinh viên của trường trong 90 năm qua đã là các giảng viên chủ chốt của các trường mỹ thuật trong cả nước.




44 tiêu chí đánh giá sách giáo khoa tiếng Anh giáo dục phổ thông:



Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư quy định Bộ tiêu chí đánh giá sách giáo khoa tiếng Anh giáo dục phổ thông. Theo đó, bộ tiêu chí gồm 44 tiêu chí, được chia thành năm nhóm: Điều kiện tiên quyết; Mục tiêu, nguyên tắc và phương pháp dạy học; Kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ; Thiết kế và cấu trúc; Học liệu đi kèm. Bộ tiêu chí là căn cứ để Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đánh giá, định hướng cho các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân tham khảo khi biên soạn sách phù hợp với chương trình môn học; Hỗ trợ các nhà quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh lựa chọn, sử dụng sách trong quá trình dạy và học. Đáng chú ý, đối với tiêu chí về điều kiện tiên quyết, sách không trái với văn hóa, lịch sử, địa lý, đạo lý và thuần phong mỹ tục Việt Nam, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế; Bảo đảm đạt mục tiêu của chương trình môn học cũng như phát triển cân đối bốn kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết…




Ra mắt kênh truyền hình VTV7 Giáo dục Quốc gia:



Đài Truyền hình Việt Namvừa họp báo giới thiệu kênh truyền hìnhVTV7 Giáo dục Quốc gia, chính thức phát sóng từ ngày 1-1-2016. Với thời lượng phát sóng 18 giờ/ngày, chương trình bao gồm các mục chính: Thức dậy cùng VTV7, VTV7 English, Trường học VTV7, VTV7 Giải trí… Trong đó mụcTrường học VTV7sẽ đề cập các vấn đề giáo dục trong nhà trường, học qua truyền hình với phần bổ trợ kiến thức chính khóa trong trường học. Bên cạnh đó là các mục thiết thực như: Học lịch sử thật tuyệt, Ô cửa khoa học, Siêu tính nhẩm, Con đường nghề nghiệp, Bong bóng và 7 câu hỏi địa lý. Ở giai đoạn đầu phát sóng, đối tượng khán giả trọng tâm mà VTV7hướng đến là học sinh mẫu giáo và tiểu học. Thông qua kênh truyền hình này, các học sinh trên khắp mọi miền Tổ quốc, nhất là vùng sâu, vùng xa sẽ được tiếp cận các kiến thức từ kho dữ liệu củaĐài Truyền hình Việt Nam cũng như của các kênh truyền hình khác trên thế giới và khu vực.




Tài trợ 66 tỷ đồng nâng cao năng lực sản xuất giống lúa:



Ngày 29-12, tại Hà Nội, Ban quản lý Dự án Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứukhoa học và công nghệ (FIRST) Và Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) Ký kết thỏa thuận hợp tác tài trợ Dự án “Làm chủ công nghệ chọn tạo và góp phần nâng cao năng lực sản xuất giống lúa có các đặc tính nổi trội, giá trị kinh tế cao, góp phần bảo đảm sự tự chủ của Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long” với tổng giá trị hợp đồng lên tới 66 tỷ đồng. Qua việc thực hiện dự án, Viện lúa ĐBSCL sẽ làm chủ công nghệ chọn tạo giống lúa để tạo ra được một số giống lúa mới có giá trị kinh tế cao (năng suất cao, chất lượng tốt, thích nghi rộng và chống chịu được sâu bệnh); Hoàn thiện đồng bộ nguồn nhân lực và trang thiết bị phục vụ nghiên cứu chọn tạo giống, chuyển giao công nghệ, tổ chức sản xuất giống lúa đạt trình độ quốc tế, tăng thêm nguồn thu từ 30% đến 35% hằng năm. Dự án thành công sẽ góp phần đưa Viện lúa ĐBSCL trở thành viện nghiên cứu khoa học và công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, đạt đẳng cấp khu vực.




Hàng vạn học sinh bị cong vẹo cột sống:



Tại Hội nghị về y tế trong trường học ngày 29/12, Cục y tế dự phòng (Bộ y tế) Cho biết, năm 2015, sau khi khám sức khỏe định kỳ cho học sinh đã phát hiện 700.000 em mắc tật khúc xạ, 2,6 triệu trẻ mắc bệnh răng miệng, 40.000 em bị cong vẹo cột sống và 100.000 trẻ bị béo phì… Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ y tế cho rằng: “Vấn đề lớn đặt ra cho ngành giáo dục và ngành y tế là, công tác chăm sóc sức khỏe ngày một tốt hơn tại sao tỉ lệ một số bệnh như: Cận thị, vẹo cột sống, rối loạn tâm thần…trong học sinh lại tăng lên”. Ông Nguyễn Tài Dũng, Phó Trưởng phòng phụ trách học sinh- sinh viên Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho hay, học sinh đang gặp nhiều vấn đề về sức khỏe không phải trường nào cũng phát hiện kịp thời và chữa trị.




(Tổng hợp theo ND, TP, TN, TT)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

sách giáo trình công nghệ thông tin pdf doc - sách tham khảo

[-] Mục Lục 1 kế toán doanh nghiệp với visual basic https://ambn.vn/product/35662/ke-toan-doanh-nghiep-voi-visual-basic.html Những kiến thức cơ bản về kế toán như biểu mẫu, báo cáo, sổ sách chứng từ kế toán đã được trình bầy ở những bộ sách trước cùng tác giả, và coi như ở tập sách này là bạn đã nắm rõ về microsoft access và visual basic. Trong sách này, sẽ hướng dẫn bạn thêm khi thiết kế các giao diện nhập dữ liệu, xử lý và báo cáo trong chương trình kế toán, hiểu rõ những kỹ thuật và công cụ lập trình nâng cao và dễ dàng thiết kế thành công một chương trình quản lý kế toán doanh nghiệp bằng Visual Basic 2. lập trình cơ sở dữ liệu visual basic sql server https://ambn.vn/product/35577/lap-trinh-co-so-du-lieu-visual-basic-sql-server.html Cuốn sách này cung cấp cho người học những thông tin chi tiết cảu các công cụ kỹ thuật hiện nay như ADO, ADO MD và ADOX, MSDE, .. SQL Namespace.. Mục tiêu cuốn sách là cung cấp các kiến thức ở mức độ chuyên sâu những công cụ mà kết hợp giữa

Đề tài: Hoạt động marketing của công ty cổ phần bút bi Thiên Long

Đề tài: Hoạt động marketing của công ty cổ phần bút bi Thiên Long Mục Lục Lời mở đầu Chương I : Phân tích kết quả kinh doanh của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long I. Kết quả kinh doanh của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long trong thời gian qua II.Đánh giá hoạt động marketing của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long thời gian qua Chương II : Phân tích môi trường marketing của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long I. Phân tích môi trường marketing vĩ mô II.Phân tích môi trường marketing vi mô III. Phân tích môi trường marketing nội bộ IV. Phân tích swot Chương III. Phân đoạn thị trường của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long với sản phẩm bút bi Thiên Long I. Vị trí hiện tại của doanh nghiệp II. Xác định đối tượng khách hàng hay thị trường cần phân đoạn III. Phân chia thị trường theo những tiêu thức thích hợp IV. Đánh giá tiềm năng của các đoạn thị trường V. Lựa chọn các phương thức marketing nhằm khai thác các đoạn thị trường mục tiêu Chương IV. Xác định chiến lược M

CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KẾT QUẢ HỌC TẬP CỦA HỌC SINH TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRỲ TỈNH CAO BẰNG

LUẬN VĂN THẠC SĨ: CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KẾT QUẢ HỌC TẬP CỦA HỌC SINH TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRỲ TỈNH CAO BẰNG HỌC VIÊN: BẾ THỊ DIỆP – HƯỚNG DẪN KH: TS. NGUYỄN THỊ TUYẾT CHUYÊN NGÀNH: ĐO LƯỜNG VÀ ĐÁNH GIÁO TRONG GIÁO DỤC MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 2. Mục đích nghiên cứu của đề tài 3. Giới hạn nghiên cứu của đề tài 4. Phương pháp nghiên cứu 5. Câu hỏi nghiên cứu, giả thuyết nghiên cứu 6. Khung lý thuyết của đề tài 7. Khách thể và đối tượng nghiên cứu Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 1.1. TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 1.1.1. Các công trình nghiên cứu ở nước ngoài 1.1.2. Các công trình trong nước 1.2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN 1.2.1. Hoạt động học tập trong nhà trường 1.2.2. Loại hình nhà trường PTDTNT 1.2.3. Đặc trưng học sinh THPT DTTS 1.2.4. Các khái niệm công cụ của đề tài 1.3. KẾT LUẬN CHƯƠNG Chương 2: TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU 2.1. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1.1. Tổng thể