ĐIỂM TIN GIÁO DỤC NGÀY 21 THÁNG 01 NĂM 2016
Học sinh Hà Nội nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân 9 ngày:
Học sinh Hà Nội sẽ nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 từ ngày 6-2 (thứ bảy) Đến hết ngày 14-2 (chủ nhật), tổng cộng 9 ngày. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội vừa có công văn hướng dẫn các đơn vị, trường học chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán năm 2016. Theo đó, đối với cán bộ, công chức của sở, phòng GD-ĐT các quận, huyện, thị xã; Cán bộ, giáo viên, học sinh các trường Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT, Trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp, Trung tâm GDTX được nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân từ ngày 6-2 (thứ bảy) Đến hết ngày 14-2 (chủ nhật), (tức là từ 28 tháng Chạp năm Ất Mùi đến hết ngày mùng 7 tháng Giêng năm Bính Thân), tổng cộng 9 ngày. Đối với cán bộ, giáo viên, học sinh các trường Trung cấp chuyên nghiệp được nghỉ Tết Bính Thân từ ngày 1-2 (thứ hai) Đến hết ngày 14-2 (chủ nhật) (tức là từ 23 tháng Chạp năm Ất Mùi đến hết ngày mùng 7 tháng Giêng năm Bính Thân), tổng cộng 14 ngày. Sở GD-ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị rà soát, kiểm tra kế hoạch trực trong dịp Tết, bảo đảm thông suốt các hoạt động chuyên môn trước và sau kỳ nghỉ Tết. Các đơn vị bố trí cán bộ trực, giải quyết công việc của công dân và giải quyết kịp thời các tình huống phát sinh và sau kỳ nghỉ Tết, các đơn vị cần ổn định ngay nền nếp dạy, học và làm việc bình thường.
Hiệu trưởng ăn chặn tiền trợ cấp học sinh nghèo:
Tiền hỗ trợ bán trú cho học sinh nghèo miền núi, vùng sâu có thêm động lực đến trường nhưng bị hiệu trưởng ăn chặn. Ngày 21/1, ông Nguyễn Văn Phúc – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kông Chro (Gia Lai) - cho biết, ông Trần Quốc Khải - Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Cao Bá Quát vừa bị công an khởi tố về hành vi Tham ô tài sản. Ngoài ra, ông Khải cũng bị đình chỉ công tác và sinh hoạt Đảng để phục vụ công tác điều tra. Theo kết quả điều tra ban đầu, trong quá trình thực hiện việc chi trả tiền hỗ trợ cho học sinh bán trú, ông Khải đã lợi dụng chức vụ và quyền hạn để chiếm dụng, chi trả trái quy định. Cụ thể, từ năm học 2010-2011 đến học kỳ I năm học 2015-2016, trường Cao Bá Quát nhận hơn 980 triệu đồng tiền hỗ trợ cho học sinh nhưng ông Khải đã cắt xén 137 triệu đồng. Theo ông Phúc, ngày 22/1 tới, Ban thường trực Huyện ủy Kông Chro sẽ tổ chức họp bàn để có hướng xử lý liên quan đến sai phạm ở trường Cao Bá Quát và xem xét bố trí nhân sự mới tiếp quản hoạt động của trường.
Khởi tố hiệu trưởng ăn chặn tiền bán trú:
Theo kết quả điều tra ban đầu, trên cương vị hiệu trưởng Trường Cao Bá Quát từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015, ông Khải đã có hành vi ăn chặn, biển thủ tiền trợ cấp. Chiều 20-1, đại tá Lê Hoài Nam - trưởng Công an huyện Kon Chro (tỉnh Gia Lai) - cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kon Chro đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Trần Quốc Khải - hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Cao Bá Quát (xã Đắk Sông, Kon Chro) - để điều tra về hành vi tham ô tài sản. Huyện ủy Kon Chro cũng tạm đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với ông Khải trong thời gian 90 ngày, thôi chức hiệu trưởng để ông Khải tập trung hợp tác với cơ quan điều tra. Theo kết quả điều tra ban đầu, trên cương vị hiệu trưởng Trường Cao Bá Quát từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015, ông Khải đã có hành vi ăn chặn, biển thủ tiền trợ cấp theo quy định dành cho học sinh bán trú ở vùng đặc biệt khó khăn. Tổng số tiền ông Khải chiếm đoạt là 137 triệu đồng.
Thi tuyển vào lớp 10 sớm, tránh nâng điểm, làm đẹp học bạ:
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 dự kiến sẽ tổ chức sớm vào cuối tháng 5/2016, sớm hơn năm trước khoảng 10 ngày. Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang yêu cầu các trường THCS lập kế hoạch ôn tập cho học sinh yếu kém, giảm điểm 0 trong kỳ thi vượt cấp, tránh việc nâng điểm, làm đẹp học bạ. Ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT) Cho rằng, các trường cần xem lại cách đánh giá, cho điểm học sinh bởi học bạ nhiều em khá, giỏi nhưng khi thi vượt cấp vẫn bị điểm 0. Chưa kể, lên THPT, hiệu trưởng các trường phản ánh, năng lực các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ của nhiều học sinh yếu kém. Ông Hoan đề nghị, cuối năm học này, Sở sẽ ra đề thi chung các môn Văn, Toán, Ngoại ngữ cho học sinh lớp 9 toàn thành phố để đánh giá trình độ chung. “Phòng giáo dục sẽ ra đề kiểm tra 1 tiết, các trường sử dụng một đề chung để kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh, tránh việc có trường ra đề dễ, trường ra đề khó đồng thời hạn chế cả dạy thêm, học thêm”, ông Hoan nói. Tuy nhiên, ý kiến này chưa nhận được sự đồng thuận. Ông Đoàn Công Thạo, hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ cho rằng, nếu Sở GD&ĐT ra đề thi đánh giá cuối kỳ, cuối năm thay cho các trường phải có lộ trình thực nghiệm. Chưa kể, các trường lâu nay đã được giao tự chủ về dạy học và tự có trách nhiệm về chất lượng học sinh.
Tránh nâng điểm, làm đẹp học bạ!
Theo kế hoạch, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 5, sớm hơn năm 2015 khoảng 10 ngày. Sở GD&ĐT sẽ tổ chức một kỳ thi chung cho tất cả các thí sinh. Học sinh dự thi vào các trường THPT không chuyên sẽ thi các môn Văn, Toán và xét học bạ của 4 năm THCS. Học sinh thi vào các trường chuyên tuyển sinh toàn thành phố, ngoài Toán, Văn sẽ thi môn Ngoại ngữ và môn chuyên. Như vậy, năm nay, học xong chương trình lớp 9, học sinh chỉ còn thời gian rất ngắn để ôn tập. Ông Quang yêu cầu 625 trường THCS trên toàn thành phố chú trọng bồi dưỡng học sinh yếu kém, hạn chế điểm liệt trong kỳ thi tuyển vào lớp 10. Theo ông Quang, để đạt kết quả tốt, các trường phải có kế hoạch ôn tập, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh, không được chạy theo thành tích, nâng điểm, làm đẹp học bạ.
Riêng vấn đề đánh giá chất lượng học sinh, ông Lê Ngọc Quang cho rằng, sở giao quyền tự chủ, tự quyết cho các trường. Tuy nhiên, để có mặt bằng chung chất lượng, trước kỳ thi vượt cấp, Sở GD&ĐT sẽ ra đề thi định hướng, các trường lấy đó làm tiêu chí để ra đề thi riêng. Theo ông Quang, việc các trường cần có sườn đề thi là cần thiết bởi chất lượng giáo dục giữa các trường sau nhiều năm sáp nhập vẫn có độ “vênh” khá xa. “Ví dụ, điểm tuyển sinh lớp 10 nhiều trường ở quận nội thành trên 50 điểm thì các trường ở huyện ngoại thành mới chỉ 22 điểm là điều cần phải suy nghĩ”, ông Hoan nói. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội luôn “nóng” bởi lượng thí sinh dự thi đông, tỉ lệ chọi để vào trường công lập khá cao. Năm 2015, có khoảng 80 nghìn thí sinh dự thi, trong đó chỉ có khoảng 50 nghìn học sinh được học trường công lập, khoảng 30 nghìn em không đủ điểm chuẩn buộc phải học trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên.
Hơn 500 sinh viên có nguy cơ bị kỷ luật vì không đóng BHYT:
Chiều 19/1, trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP. HCM) Công bố danh sách 568 sinh viên có nguy cơ bị kỷ luật cảnh cáo do không tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) Năm học 2015-2016. Nếu bị cảnh cáo thì các sinh viên này sẽ bị hạ điểm rèn luyện. Theo thông báo của trường, dù trong năm học 2015 - 2016 nhà trường đã tổ chức 3 đợt thu phí BHYT từ ngày 17/8/2015 - 30/11/2015 tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vẫn còn 568 sinh viên không tham gia BHYT theo quy định. Trong danh sách sẽ kỷ luật thì sinh viên Cao đẳng Công nghệ thông tin chiếm số lượng đông tới 158 sinh viên. Ngay khi trường ra thông báo thì một số sinh viên cũng ý kiến rằng do khó khăn nên chưa tham gia được và đề nghị nhà trường nên gia hạn để các bạn kiếm tiền đóng. Trong khi đó một số sinh viên lại phản ứng rằng bảo hiểm là tự nguyện sao trường lại bắt buộc và đưa ra kỷ luật.
Trao đổi với Dân trí, ông Văn Chí Nam, Trưởng phòng Công tác Sinh viên trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM) Cho biết, theo Luật BHYT bắt đầu từ năm 2010, tất cả học sinh, sinh viên bắt buộc phải tham gia BHYT để được chăm sóc sức khoẻ. Cực chẳng đã nhà trường mới buộc đưa ra thông báo này vì trước đó Phòng Công tác sinh viên cũng đã có 3 đợt thu BHYT kèm theo là 3 lần nhắc nhở sinh viên nếu không tham gia là vi phạm luật BHYT. Tuy nhiên theo ông Nam, trường vẫn gia hạn thời gian đến 19/2 là hạn cuối để sinh viên phản hồi nếu có sai sót cần điều chỉnh. Nếu sinh viên không ý kiến hoặc đóng bảo hiểm thì nhà trường mới chính thức có quyết định kỷ luật. Cũng theo ông Nam, nếu bị kỷ luật cảnh cáo thì những sinh viên này không đạt điểm trung bình điểm rèn luyện theo quy định của Bộ GD-ĐT và sẽ mất quyền lợi được tham gia một số hoạt động cũng như được cấp học bổng hoặc xét khen thưởng…
Trước đó khi thông báo thu phí BHYT là 544.000 đồng/ sinh viên/15 tháng nhà trường cũng cho biết nếu sinh viên đã có thẻ BHYT (do địa phương, hoặc các tổ chức cấp) Thì chỉ phải nộp bản photo thẻ bảo hiểm (còn giá trị sử dụng) Cho Phòng Công tác sinh viên trường. Tuy nhiên thực tế nhiều sinh viên lại quên điều này và bị nêu trong danh sách sẽ bị kỷ luật. Bên cạnh đó, nhiều sinh viên hệ cao đẳng dự định không tiếp tục học ở trường nên “lờ” luôn việc đóng BHYT.
Tuyển sinh 2016 - nên điều chỉnh những gì:
Chỉ còn vài ngày nữa thôi, xã hội sẽ đón nhận dự thảo về quy chế thi THPT quốc gia và xét tuyển vào ĐH, CĐ với những kỳ vọng về sự thay đổi hợp lý. Các thông tin ban đầu cho thấy những người có trách nhiệm trong việc soạn thảo quy chế này đã có những điều chỉnh theo hướng tích cực, hướng đến thí sinh (TS) Và lấy cái gốc là hướng nghiệp chứ không phải “hướng trường” như năm trước. Là cầu nối giữa nhà trường và TS, là người trong cuộc, tôi có 4 kỳ vọng cho những điều chỉnh hợp lý.
Cơ bản nên giữ nguyên kỳ thi này với những thay đổi nhỏ.. .
Khách quan mà nhìn nhận, đánh giá về kỳ thi “2 trong 1” vừa qua được tổ chức tốt và được xã hội đánh giá cao, đặc biệt là giảm được chi phí cho TS, gia đình và xã hội. Khảo sát sinh viên năm thứ nhất (vừa tham gia kỳ thi THPT năm 2015), hầu hết đều đánh giá khá cao việc tổ chức thi như năm ngoái. Chúng tôi đề nghị cơ bản giữ nguyên kỳ thi này với những thay đổi nhỏ, cố gắng tiến tới trắc nghiệm hoàn toàn các môn thi thì càng tốt. Thời gian thi vẫn giữ nguyên từ 1 - 4.7, bất kể là ngày thường hay ngày nghỉ, có thể xem đây là ngày hội truyền thống thi cử mang tầm quốc gia hằng năm.
Nên giao các cụm thi và các trường công bố kết quả thi...
Cảm xúc về khâu công bố kết quả thi năm 2015 vẫn còn rất “ấn tượng” với những cung bậc: Lo lắng, hồi hộp, đồng cảm rồi lại lo lắng hơn.. . Nhiều người vẫn cứ băn khoăn vì nếu cho 38 cụm thi quốc gia chứ không phải 8 điểm truy cập xem điểm thì sẽ giảm tình trạng nghẽn mạch. Có người còn mạnh miệng nói rằng “nghẽn” không phải mạng mà là “nghẽn tắc” về quản lý. Năm nay, có thông tin sẽ sử dụng phần mềm của nhà cung cấp khác (?). Cũng được thôi nhưng hãy lường trước dư luận: Nếu mọi việc tốt đẹp thì không sao, nếu trục trặc lại mang tiếng… thử nghiệm. Việc quan trọng là xem trục trặc ở khâu nào để điều chỉnh ngay khâu đó, sẽ hợp lý hơn là tìm cái mới hoàn toàn.
Xét tuyển phải dựa vào cái gốc là chọn ngành!
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT và Chính phủ đã nhiều lần khẳng định chắc chắn sẽ giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm nhiều hơn cho các trường. Dư luận đã và đang hoan nghênh định hướng này. Trước hết, các trường xét tuyển phải có dữ liệu tuyển sinh đầy đủ và kịp thời. Việc xét tuyển này phải do các trường tự giải quyết tùy theo đặc thù của trường, ngành. Làm sao để cuộc tuyển chọn này theo nguyên tắc cạnh tranh về điểm cao hay thấp, chứ không cạnh tranh về thời gian để vào được ngành học phù hợp năng lực sở trường của TS. Quy chế xét tuyển phải dựa vào cái gốc là việc chọn ngành, nguyện vọng của TS vẫn theo thứ tự ưu tiên nhưng không nhất thiết phải bắt buộc cùng một trường. Tốt hơn nếu việc xét tuyển hoàn toàn trực tuyến theo tài khoản của TS, đăng ký vào ngành phù hợp, theo hướng điểm chuẩn từ trên xuống, khi nào chạm đáy chỉ tiêu, đó là mức điểm chuẩn. Muốn vậy, cơ sở hạ tầng phải ổn, cơ sở dữ liệu phải đáp ứng tốt nhất.
Cần lấy hướng nghiệp làm gốc!
Với những sự thay đổi gần như toàn diện về quy chế tuyển sinh, thời gian, phương cách tổ chức trong các khâu: Đăng ký hồ sơ xét tuyển, tổ chức coi thi, chấm thi, xét tuyển…, liệu công tác tư vấn hướng nghiệp có thay đổi theo? Hướng nghiệp và tuyển sinh tuy hai mà là một. Hướng nghiệp là vấn đề lớn hơn và cần phải đi trước một bước. Nếu việc chọn lựa xuất phát từ năng lực, sở trường của bản thân thì thường sẽ bền vững hơn. Việc chọn nghề, chọn ngành không phù hợp ảnh hưởng rất lớn (theo hướng tiêu cực) Đối với việc học hành và công việc của các TS sau này. Từ năm 2015 cách thức nộp hồ sơ xét tuyển, chọn ngành học của TS thay đổi. Nếu trước đây TS phải chọn ngành của trường để đăng ký thi thì nay TS cứ tập trung học để có kết quả tốt nhất rồi hãy chọn ngành phù hợp.
Đại học Huflit tăng học phí cao và không rõ ràng:
Nhiều sinh viên trường Trường ĐH Ngoại ngữ tin học TP. HCM (Huflit) Phản ánh trường tăng học phí quá cao và không rõ ràng. Trên diễn đàn HUFLIT confessions, hàng trăm ý kiến của các bạn sinh viên xoay quanh việc nhà trường tăng học phí, đa phần các bạn đều than thở, bức xúc, có bạn còn cho rằng.. . “bất lực” vì biết dù có than thở thì tình hình cũng không được giải quyết.
Tăng bất thường!
Bạn Nguyễn Thị L. A (sinh viên năm 3) Nói: “Mình nghĩ rằng tất cả các bạn sinh viên đều đặt dấu hỏi về việc tăng học phí của trường. Trường cam kết mỗi năm tăng 5-10% so với học kì trước, nhưng thực tế cho thấy, đối với tín chỉ lý thuyết, năm ngoái là 450.000 đồng/chỉ, thì năm nay đã là 550.000 đồng/chỉ, còn với tín chỉ môn thực hành thì nhân lên 1.5 lần”. “Khi đem thắc mắc ra để hỏi các phòng có liên quan trong trường thì đều nhận được câu trả lời như “sẽ liên hệ cấp trên để tìm hiểu thêm”, “sẽ trả lời em trong thời gian sớm nhất”, hay “sẽ phản hồi cho em trong học kì sau”. Nhà trường không đưa ra 1 giải thích nào hợp lý cho việc tăng tiền học phí như vậy” - L. A. Nói thêm.
Tương tự ý kiến đó, bạn Hân (sinh viên năm 2 trường Huflit) Cũng cho rằng hầu hết các bạn sinh viên đều xác nhận rằng trường thông báo tăng khoảng 10% một năm, nhưng học kì vừa rồi lại tăng hơn 22%. “Mình cảm thấy không thỏa đáng” - Hân bức xúc. Bạn Nguyễn Minh (sinh viên năm nhất) Tâm sự: “Ban đầu trường nói chỉ tăng khoảng 10% học phí nhưng không phải năm nào cũng tăng, và cũng không nói rõ ràng tăng trên tổng học phí hay tăng trên số tín chỉ môn học đăng ký. Bản thân là một sinh viên tự lập, nhắm số tiền hàng tháng bỏ ra để chi trả học phí là tầm 1,9 triệu đến 2.1 triệu đồng là hoàn toàn kham được nên mình mới dám đăng ký học. Tuy nhiên giờ lại tăng đột biến, mà tăng trên tổng học phí như vậy thiệt quá sức”.
Học phí tăng do tín chỉ tăng!
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đinh Hồng Vân - trường phòng truyền thông và quan hệ doanh nghiệp Hufflit - cho biết việc tăng học phí nằm trong lộ trình của nhà trường và đã được thông báo vào đầu năm cho sinh viên. Khóa có mức học phí tăng nhiều nhất là khóa 2014 do thay đổi cách đào tạo. “Năm đầu tiên, học phí nhà trường cố định với những môn đại cương. Từ năm thứ 2 trường sẽ đào tạo theo tín chỉ. Khóa trước, một tín chỉ là 450.000 đồng, khóa 2014 là 550.000 đồng. Hơn nữa, vì các khoa đào tạo tập trung vào các năm 2,3 để năm thứ 4 sinh viên có nhiều thời gian cho việc thực tập nên số tín chỉ ở hai năm học này khá nhiều” - ông Vân nói. Theo ông Vân, chính điều này đã đưa học phí hai năm học này tăng so với năm trước. Tuy nhiên đến năm thứ 4 học phí sẽ giảm do số tín chỉ sinh viên phải học còn khá ít. Trường tăng học phí theo lộ trình trung bình từ 10 đến 15%/năm.
Tuy học phí năm nay tăng so với năm trước nhưng mức tăng tổng học phí của khóa học chỉ dao động trong mức nói trên. Cũng theo ông Vân, năm nay học phí tăng nhiều nhất có khoa lên đến gần 10 triệu đồng tuy nhiên cũng có khóa lại giảm vài phần trăm so với năm trước. “Có thể sinh viên chưa có thông tin đầy đủ khi thấy học phí năm nay cao hơn năm trước nhưng nếu tính tổng học phí cả khóa học vẫn nằm trong ngưỡng từ 10 đến 15% theo lộ trình của trường. Theo lộ trình này, học phí của trường sẽ tăng dần lên mức trần khoảng 24 triệu đồng. Khi đó, trường không tăng học phí theo lộ trình nữa mà chỉ tăng căn cứ vào mức trượt giá” - ông Vân cho biết thêm.
Theo giải thích của trường này, mức học phí hiện nay của trường nằm ở mức trung bình thấp so với các trường ngoài công lập khác. Trong khi đó các phòng học được trang bị máy lạnh, máy chiếu, sĩ số các lớp chuyên ngành không quá 45 sinh viên, các lớp lý thuyết không quá 120 sinh viên. “Việc tăng học phí để đảm bảo kinh phí nâng cao chất lượng cũng như quy mô đào tạo của trường. Trong thời gian tới trường sẽ mời chuyên gia nước ngoài cũng như giảng viên các trường ĐH trong khu vực tham gia đứng lớp cho một số khối ngành. Sinh viên gặp khó khăn về kinh tế có thể đăng ký ít tín chỉ hơn để giảm mức học phí tuy diều này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ học tập” - ông Vân nói. Liên quan đến phản ảnh của sinh viên về việc trường tăng học phí nhưng chất lượng đào tạo không có thay đổi, máy chiếu ở phòng học liên tục bị hư, ông Vân giải thích: “Trường đã giao cho các khoa và phòng ban liên quan đảm bảo chất lượng cũng như thiết bị giảng dạy và cũng thường xuyên kiểm tra việc này. Nếu có tắc trách chỗ nào đó, trường sẽ kiểm tra lại”.
Bạn Nguyễn Châu Y. N (sinh viên năm 2) Lại cho rằng việc tăng học phí nhưng chất lượng đào tạo không có thay đổi gì quá mới mẻ. Cụ thể là cách dạy của giảng viên vẫn như vậy, máy lạnh tốt nhưng máy chiếu lại rất hay chập chên, đã cũ, hay tắt. Đồng tình với bạn Y. N, bạn Linh cũng chia sẻ: “Máy chiếu không thể nào tệ hơn được. Cách đối xử của các thầy cô trong các văn phòng cũng không hồ hởi, đôi khi là khó chịu và nói thẳng ra là mình có cảm giác như không muốn giúp đỡ sinh viên, chỉ trả lời qua loa cho qua chuyện”.
Trường Anh ngữ AEG bổ sung yếu tố nghệ thuật vào mô hình giáo dục STEM:
Trong hai ngày 16 và 17 tháng 1 vừa qua, tại ngày hội STEM, Trường Anh ngữ American Education Group (AEG) Tổ chức các lớp học Anh ngữ miễn phí với mô hình giáo dục Steam. Mô hình Steam bổ sung yếu tố nghệ thuật vào mô hình STEM bao gồm các yếu tố khoa học, công nghệ, kỹ thuật, và toán học. Ngày hội được tổ chức tại khuôn viên ký túc xá trường Đại học Sài Gòn, 273 An Dương Vương, quận 5. Ngày hội STEM được Hội Tin học TPHCM, Trung tâm Khoa học Công nghệ trẻ Thành đoàn TP. HCM phối hợp cùng Tạp chí Tia sáng tổ chức, thu hút sự tham gia của nhiều trường học và tổ chức giáo dục nhằm chia sẻ thông tin và lớp học thử miễn phí đến với các bậc phụ huynh, học sinh.
“Sự kiện này giới thiệu triết lý giáo dục STEM, trong khi đó tại AEG, chúng tôi mong muốn tiến xa hơn nữa qua việc bổ sung thêm yếu tố nghệ thuật vào chương trình giảng dạy. STEAM sẽ tập trung trang bị cho các em học sinh một nền tảng kiến thức vững chắc hướng đến một tương lai thành công” - Ông Robert Sherwood, Giám đốc Phát triển của Trường anh ngữ AEG chia sẻ, “AEG nhấn mạnh sự quan trọng của việc kết hợp giữa lý thuyết với thực hành, giữa nghiên cứu với trải nghiệm thực tế nhằm kích thích phát triển tối đa khả năng tưởng tượng của các em học sinh Việt Nam”.
Tại lễ công bố ngày hội STEM, Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký hội Tin học TP. HCM, Trưởng Ban Tổ chức Ngày hội cho biết: “Ngày hội STEM TP. HCM là sự nối tiếp thành công của ngày hội STEM lần 1 tại Hà Nội vào tháng 5-2015 và hướng đến mục tiêu nhân rộng mô hình giáo dục STEM tại Việt Nam, lan tỏa đến các trường học, khu dân cư trong thành phố, cũng như các tỉnh thành lân cận. Tại ngày hội, không chỉ trẻ em tại TP. HCM mà các em học sinh vùng sâu, vùng xa cũng có cơ hội tiếp xúc với mô hình giáo dục này. Bộ Giáo dục đã cho phép các trường thành lập câu lạc bộ em yêu khoa học. Nếu đưa STEM vào hoạt động của câu lạc bộ, phương pháp học tập của trẻ em sẽ được cải tiến theo chiều hướng tích cực”.
Tại ngày hội STEM, AEG mang đến một số hoạt động từ lớp Anh ngữ STEAM. Một trong những hoạt động này là bài học về diện tích bề mặt thông qua thực hành thiết kế một chiếc thuyền từ giấy bạc và thả trên mặt nước. Ngoài ra bài học thực nghiệm biến chanh thành nguồn pin để thắp sáng đèn LED tạo cho trẻ nhiều hứng thú nhất. Qua thí nghiệm này, các em học sinh hiểu nguyên tắc cơ bản để tạo ra điện, các em cũng có cơ hội sử dụng đồng hồ đo điện áp để đo dòng điện các em tạo ra, và điện áp cần thiết để thắp sáng đèn LED. Tại lớp học thử, phụ huynh và học sinh được trải nghiệm những giá trị mà Anh ngữ STEAM mang lại.
“Chúng tôi rất hào hứng được đóng góp một phần vào ngày hội. STEM được đánh giá cao trên toàn thế giới vì nó chú trọng vào thực tiễn. Nắm bắt rõ điều đó, AEG đã phát triển và bổ sung vào mô hình STEM với yếu tố nghệ thuật (Arts) Để kích thích khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng của học sinh Việt Nam nhiều hơn nữa” - Ông Robert Sherwood nói thêm. Ông Tristan Makin – Giám đốc Học thuật Trường anh ngữ AEG chia sẻ: “Bằng việc kết hợp các môn học khác nhau vào một giáo trình thống nhất, các em học sinh không những tích lũy được một nền tảng kiến thức đa dạng vững chắc thông qua các hoạt động thực hành và thí nghiệm phong phú bằng tiếng Anh, mà còn nâng cao trình độ ngôn ngữ của mình. Những tiết học cũng như nguồn thông tin bổ ích này sẽ trang bị đầy đủ cho các em khi tham gia học tập tại các trường trung học, cao đẳng và đại học sau này. Nhưng quan trọng nhất, các em sẽ có cơ hội tự mình khám phá thế giới xung quanh, rèn luyện kỹ năng hợp tác với người khác và phát triển niềm vui, sự tự chủ trong mỗi em”.
Cô Minh Nguyệt cùng con gái rất hào hứng trải nghiệm trong những tiết học thử mô hình STEAM của AEG trong ngày hội. Cô chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ thấy con gái mình vui vẻ như thế khi đến trường. Con bé kể với tôi về các thí nghiệm thú vị mà bé tư tay thực hành trong lớp, cũng như con bé hiểu bài suốt tiết học. Các thầy cô giáo trong lớp luôn sẵn sàng giúp đỡ con tôi và con bé cảm thấy thật thoải mái khi học. Con bé muốn được tiếp tục học tập trong các lớp STEAM trong thời gian tới”.
STEAM dựa trên lý thuyết giáo dục hiện đại, xem giáo viên là người hỗ trợ về học tập, không chỉ là người cung cấp kiến thức. Phương pháp này mang lại sự hứng khởi trong học tập trong lúc vẫn đảm bảo việc học sinh đạt được thành tích, nhưng quan trọng hơn, giúp các em học vì yêu thích và thật sự tương tác với môn học. Các em thấm nhuần kiến thức cũng như cảm thấy đạt được thành tựu với sự cố gắng của bản thân. Việc đặt học sinh làm trung tâm sẽ giúp các em trở thành những lãnh đạo mạnh mẽ và những nhà cải tiến đầy sáng tạo. Đây là lần thứ hai ngày hội STEM được tổ chức Việt Nam, và là lần đầu tiên được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh sau thành công rực rỡ tại Hà Nội trong tháng 5 năm 2015 vừa rồi.
(Tổng hợp theo ND, TP, TN, TT)
Nhận xét
Đăng nhận xét