Chuyển đến nội dung chính

ĐIỂM TIN GIÁO DỤC NGÀY 05 THÁNG 01 NĂM 2016

ĐIỂM TIN GIÁO DỤC NGÀY 05 THÁNG 01 NĂM 2016








Nữ tiến sĩ của buôn làng:


Trò chuyện, hoặc cùng đi điền dã với Tuyết Nhung Buôn Krông là dịp may đầy thú vị đối với bất kỳ ai có niềm say mê về nghiên cứu văn hóa tộc người cùng vẻ đẹp tinh tế của xã hội mẫu hệ Tây Nguyên. Bởi, nữ tiến sĩ người Ê đê Bih này chính là người đã “tắm mình trong hơi ấm mẫu hệ” ấy.

Bán gà mua hồ sơ thi đại học...

Cô giáo Tuyết Nhung, Trưởng Bộ môn Ngữ văn khoa Sư phạm, kiêm Phó Giám đốc Trung tâm KHXH&NV Tây Nguyên của trường Đại học Tây Nguyên là con gái thứ năm trong một gia đình có tới 12 người con ở buôn Mblơt, xã Ea Bông, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. Trên căn nhà sàn dài của gia đình cô đã có sự giao thoa văn hóa Việt - Bih, vì mẹ cô mang hai dòng máu Việt (Mỹ Tho, Tiền Giang), còn bố cô là người Bih, một sắc tộc “nhánh” tỏa ra từ “cây”  phả hệ Êđê, định cư lâu đời trên vùng bình nguyên ven sông Krông Ana. Những đội chiêng nữ Êđê Bih chân trần thô mộc, tự tin và mạnh mẽ luôn là điểm nhấn độc đáo, được cổ vũ nồng nhiệt trong các lễ hội Voi và Cồng chiêng Tây Nguyên. Đội chiêng nữ Bih Krông Ana năm 2008 từng được Bộ Văn hóa chọn đi dự Festival dân ca dân vũ thế giới diễn ra tại Ý. Được nuôi lớn từ chiếc nôi thấm đẫm hương vị đại ngàn, cô gái Bih chào đời năm 1971, luôn thấy đó là “duyên”, cũng là “nợ”, tự nhận mình phải có trách nhiệm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của quê hương. “Từ rất bé, tôi đã được tham gia vũ điệu nhảy xoang, nghe hát eirrei, nghe kể aghan (sử thi), được “ngủ thăm”  khi có lễ hội. Ở đó, trai gái buôn làng đều cháy hết mình theo những điệu xoang bên ánh lửa bập bùng, được thưởng thức những món đặc sản của người Êđê với rượu cần nồng nàn, cơm lam sốt dẻo, gà nướng thơm lừng cạnh đĩa cà đắng trộn cá khô đậm đà, cay bỏng vị muối ớt. Những điều rất đỗi chân thực và gần gũi ấy ngấm vào máu tôi lúc nào không hay.. .” - Tuyết Nhung tâm sự.

Tính cách tò mò, tư chất thông minh, Tuyết Nhung ấp ủ làm được điều gì đó lớn lao hơn quê hương. Nhưng cuộc sống những ngày còn cắp sách đến trường đó còn hoang sơ và khó khăn đến nỗi suýt tí nữa đường học vấn của Tuyết Nhung bị đứt. Một buổi cà phê sáng, hình dung lại chuyện cũ, Tuyết Nhung bật cười, kể cho tôi nghe: Hồi tốt nghiệp phổ thông, mẹ cho mình một con gà cồ bảo đi bán lấy tiền mua hồ sơ thi đại học. Mẹ dặn, con gà này đáng giá 49 đồng. Trời còn mờ tối mình đã mải miết đạp xe gần bảy cây số từ buôn Mblơt vào tận chợ Buôn Trấp rao bán gà, không ai trả tới giá đó. Mình đạp xe về trường, dựng xe cột gà ngoài hiên vào lớp học tới cuối buổi chở gà về trả lại cho mẹ. Thế là hết hạn, vẫn chưa mua được hồ sơ. May sao nhà trường phát hiện hồ sơ còn dư một bộ mà Tuyết Nhung chưa có, bèn cho không. Mình nộp hồ sơ đi thi, đậu vào đại học Đà Lạt. Suốt mấy năm học rất “tài tử”  may không bị thi lại lần nào.. .

Xinh đẹp và giỏi giang...

Tốt nghiệp sư phạm Ngữ văn Đại học Đà Lạt, Tuyết Nhung về nhận công tác ở trường Đại học Tây Nguyên, học thêm văn bằng hai về Tâm lý - Giáo dục, kết hôn với một đồng nghiệp cùng trường. Có hậu phương vững chắc từ chàng giảng viên người Chăm thông thạo nhiều ngôn ngữ ngành Công nghệ thông tin, luôn “đòi hỏi cầu toàn”  với vợ, Tuyết Nhung càng có điều kiện học hỏi kinh nghiệm từ các cuộc hội thảo và thực địa nghiên cứu. Năm 2005 tại trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP HCM, cô đã bảo vệ thành công học vị tiến sĩ với đề tài “Văn hóa mẫu hệ qua sử thi Êđê”. Đôi vợ chồng trí thức chỉ có một cô con gái nhỏ tự giác chăm ngoan, nên ngoài thời gian giảng dạy, Tuyết Nhung còn tham gia phản biện, viết nhiều bài viết chuyên đề sinh động, hấp dẫn cho các tạp chí về bảo tồn, phát huy những phong tục tập quán đẹp đẽ của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Từ năm 2007 đến nay, chị cùng chồng, tiến sĩ Công nghệ thông tin Văn Ngọc Sáng và cộng sự đã thực hiện thành công việc số hóa điện tử các từ điển Việt - Jrai, Jrai - Việt; Việt - Stiêng, Stiêng - Việt; M’nông- Việt, Việt - M’nông; Chăm - Việt, Việt - Chăm, làm chủ nhiệm đề tài cấp bộ “Nghiên cứu lễ hội dân gian Êđê”, “Dân ca Êđê”, viết giáo trình dạy tiếng Êđê, giáo trình dạy tiếng Chăm trực tuyến. Chị còn tham gia làm đề tài cấp Nhà nước về “Vai trò của nhóm nguồn nhân lực cao đối với tiến trình phát triển kinh tế- xã hội đặc thù vùng Tây Nguyên”, được mời tham gia nhiều đề tài về văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết của người Êđê, M’Nông, Jrai, Bahnar...

Nhiều công trình khoa học có công sức của tiến sĩ Tuyết Nhung được in thành sách và công bố như cuốn “Văn hóa mẫu hệ qua sử thi Êđê”; “Văn hóa ẩm thực Êđê”; “Sử thi Y’Khing Jú- H’Bia Ju Yâo”  v.. . V.. . Góp phần đáng kể vào việc bảo tồn và phát huy kho tàng văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên. “Để làm được những điều đó, ông xã tôi đã hỗ trợ và cộng tác rất hữu hiệu cho các công trình này”. - Tiến sĩ Tuyết Nhung hạnh phúc chia sẻ. Nhìn nữ tiến sĩ xinh đẹp, giản dị luôn hứng thú chia sẻ những gì mình hiểu biết cho sinh viên và học viên, ai cũng cảm nhận được mong muốn của chị về việc hun đúc, lan tỏa niềm đam mê cho lớp trẻ. Số sinh viên ngưỡng mộ cô giáo “hát hay như ca sĩ, giảng tỉ mỉ như chuyên gia”  ngày càng đông. Nhưng nhiều khi chị cũng không giấu được nỗi buồn lo trước thực tế nhiều lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc đang dần mất đi, thế hệ trẻ ở các buôn làng ngày càng quên lãng những tập quán tốt đẹp mà cha ông để lại. Tiến sĩ Tuyết Nhung tiết lộ, gần đây, đại diện của Trung tâm nghiên cứu thuộc trường Đại học Paris 7 đã kết nối với nhóm nghiên cứu của chị về việc hợp tác thực hiện công trình số hóa toàn bộ di sản Sử thi Tây Nguyên. Hiện chị đang viết dự thảo đề án, mong tạo được thêm một kênh thông tin giá trị hữu hiệu trong việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết và truyền bá văn hóa các dân tộc của Việt Nam ra thế giới.

Một trong những công trình thú vị gần đây do TS Tuyết Nhung cùng nghệ nhân Võ Văn Hải thực hiện, là cuốn sách bằng gỗ độc đáo, trên đó khắc chữ về cuộc đời, sự nghiệp của thầy giáo Y Jút H’wing, “cha đẻ”  của bộ chữ viết tiếng Êđê, ra mắt công chúng nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 2015. Điều thôi thúc chị thực hiện việc này, là tên thầy Y Jút lâu nay đã được đặt cho những con đường, những trường học trên Tây Nguyên, nhưng những cống hiến lớn lao cả về sự nghiệp cách mạng lẫn sự nghiệp giáo dục của ông, thậm chí đến cái họ của ông, vẫn rất ít người biết đến. Dày công thu thập lại nguồn tư liệu tản mác về thầy Y Jút xong, TS. Tuyết Nhung lo phần biên soạn và dịch thuật, còn nghệ nhân Võ Văn Hải ngồi khắc tỉ mỉ tới 3 tháng toàn bộ nội dung lên 12 trang sách chuốt bằng gỗ bạch tùng viền bằng gỗ cà te, nặng gần 50 ký, mang tên “Thầy giáo Y Jút H’wing - người con ưu tú của Tây Nguyên”. Toàn bộ chi phí thực hiện công trình độc đáo này, là từ tiền túi của 2 đồng tác giả. Mới đây, Tổ chức Kỷ lục đã công nhận đây là “Cuốn sách gỗ được viết bằng 4 thứ tiếng Việt, Êđê, Anh, Pháp đầu tiên tại Việt Nam”.. . TS. Tuyết Nhung chia sẻ: Trong các buôn làng Êđê, cảnh chồng đánh vợ, cãi vã xúc phạm nhau là điều rất hiếm thấy. Vì Luật tục - Bảo vật vô giá mà tổ tiên người Tây Nguyên đã dày công sáng tạo, vun đắp chính là bộ quy tắc đạo đức đã thấm sâu vào mỗi nhà sàn dài còn lưu truyền tập quán mẫu hệ.

PGS-TS Đinh Thị Phương Châm hiện đang công tác tại Viện Nghiên cứu Văn hóa, thuộc Viện Hàn lâm KHXHVN cho biết: Viện đã nhiều lần mời TS. Tuyết Nhung hợp tác trong các đề tài nghiên cứu về văn hóa các dân tộc. Nhiều kiến giải của TS Tuyết Nhung với lối tư duy không áp đặt, tôn trọng cách nói cách nghĩ của đồng bào, thật sự am hiểu phong tục tập quán bản địa, giúp rất nhiều người thiếu thông tin về Tây Nguyên có thể hiểu đúng, hiểu sâu hơn về văn hóa Tây Nguyên, đặc biệt về những giá trị cốt lõi, nhân văn của một thời xã hội đã qua đi nhưng vẫn còn giá trị đích thực.




10 khóa học trực tuyến miễn phí từ các trường danh tiếng:


Việc học đang dễ dàng hơn bao giờ hết với một loạt các lớp học trực tuyến tại Coursera - hệ thống liên kết các trường đại học hàng đầu trên thế giới, cung cấp các khóa học trực tuyến miễn phí, tạo cơ hội tiếp cận nền giáo dục quốc tế cho bất cứ ai có nhu cầu - theo tổng hợp từ Business Insider.

1. Giới thiệu tổng quan về tài chính, kế toán - Đại học Pennsylvania (Mỹ): Đây là một trong bốn khóa học miễn phí về kiến thức nền tảng trong kinh doanh do giáo sư Brian J. Whatrton Bushee tại Đại học Pennsylvania trực tiếp giảng dạy. Kết thúc khóa học, bạn sẽ biết làm thế nào để tự tin đọc báo cáo thu nhập, bảng cân đối tài chính và báo cáo lưu chuyển tiền mặt. Thời gian khóa học: Thường mở trong khoảng từ tháng 12 đến đầu tháng 2 hằng năm.

2. Đàm phán thành công: Chiến lược và kỹ năng - Đại học Michigan (Mỹ): Giáo sư George Siedel tại Trường kinh doanh Ross thuộc Đại học Michigan đã từng dạy về đàm phán tại các giảng đường lớn trên thế giới sẽ hướng dẫn trong khóa học này. Lớp học được thiết kế dựa trên nghiên cứu thực tiễn của giáo sư sẽ giúp bạn cải thiện kỹ năng đàm phán, thương lượng trong kinh doanh hay đơn giản là trong cuộc sống thường ngày. Thời gian khóa học: Luôn mở sẵn.

3. Giới thiệu về lập trình tương tác trong Python (Phần 1) - Đại học Rice (Mỹ): Python là một trong năm ngôn ngữ lập trình trên thế giới được sử dụng tại các công ty, tổ chức lớn như Google, Yahoo và NASA. Tuy đây là dạng ngôn ngữ cấp cao, nhưng người mới bắt đầu có thể tìm hiểu về kiến thức cơ bản tương đối dễ dàng qua sự hướng dẫn của các giáo sư Joe Warren, Scott Rixner, John Greiner và Stephen Wong. Thời gian khóa học: 9/1 - 2/2/2016.

4. Thiền trong Phật giáo Tây Tạng và Thế giới hiện đại - Đại học Virginia (Mỹ): Khóa học sẽ do giáo sư David Francis Germano và Kurt R. Schaeffer phụ trách, cung cấp cái nhìn nhiều tầng lớp về Phật giáo Tây Tạng. Thời gian khóa học: Luôn mở sẵn.

5. Dụng cụ, các dữ liệu khoa học - Đại học Johns Hopkins (Mỹ): Đây là một trong chín môn học của lớp gói dữ liệu giới thiệu về khoa học do giáo sư Jeff Leek, Roger D. Peng và Brian Caffo đứng lớp để cung cấp kiến thức tổng quát chính xác về dữ liệu mà các nhà khoa học thường sử dụng cũng như giới thiệu cho người học một số công cụ khoa học như: Phiên bản điều khiển, GitHub và RStudio. Thời gian khóa học: Thường mở vào tháng 12, kết thúc trong tháng 1.

6. Lập trình R - Đại học Johns Hopkins: Lập trình R là một trong các môn của gói dữ liệu khoa học tại Đại học Johns Hopkins. Khóa học giới thiệu cho người tham gia về ngôn ngữ lập trình R, loại ngôn ngữ phổ biến nhất trên thế giới để cung cấp dữ liệu. Thời gian khóa học: Thường mở vào tháng 12, kết thúc trong tháng 1.

7. Tìm hiểu về động cơ, máy móc - Đại học Stanford (Mỹ): Nếu bạn muốn tìm hiểu về trí thông minh nhân tạo thì khóa học này được đánh giá là khởi đầu tuyệt vời. Andrew Ng, giáo sư Đại học Stanford và nhà đồng sáng lập Coursera sẽ sử dụng các trường hợp nghiên cứu và các bài lập trình để giảng dạy, minh họa trong toàn bộ khóa học. Thời gian khóa học: Thường mở vào cuối tháng 12 đến 21/3.

8. Lập trình cho mọi đối tượng (Bắt đầu với Python) - Đại học Michigan: Đây là một khóa học lập trình Python khác được cung cấp từ Đại học Michigan cho những người đang muốn tìm kiếm một nền tảng kiến thức lập trình vững chắc.

9. Làm chủ phân tích dữ liệu trong Excel - Đại học Duke (Mỹ): Tiến sĩ Jana Schaich Borg và Giám đốc trung tâm định lượng Daniel Egger sẽ dạy người học cách sử dụng excel để hiểu các khái niệm đằng sau phép rút gọn không chắc chắn và thông tin được dự báo sẽ được các nhà khoa học sử dung nhiều. Thời gian khóa học: Thường mở từ giữa tháng 12 đến đầu tháng 2

10. Tìm hiểu công cụ tinh thần để làm chủ các vấn đề khó khăn - Đại học California (San Diego, Mỹ): Oakland Barbarra và Terrence Sejnowski giáo sư Viện Salk (Mỹ) Sẽ sử dụng những kiến thức nghiên cứu về hóa học trong não để giúp người học giải thích xác định, tiếp cận tình huống mới, ghi nhớ các sự kiện và đối phó với sự trì hoãn. Thời gian khóa học: Hiện vẫn đang mở từ 4/1 - 7/2.




Trường học, giáo viên đi sau đổi mới giáo dục, 20 năm không thay giáo án:


Điểm tin giáo dục thứ ba ngày 01 tháng 05 năm 2016Theo nhiều chuyên gia, do thiếu 'bảo hành' trong đào tạo ngành sư phạm mà năng lực của giáo viên là một rào cản rất lớn với đổi mới giáo dục phổ thông. Các chuyên gia cho rằng việc Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều chủ trương đúng trong thời gian gần đây nhưng lại bị chính giáo viên (GV) Phản ứng, một phần do sự thiếu chuẩn bị từ Bộ nhưng cũng phản ánh trung thực bức tranh chất lượng đội ngũ GV hiện nay.

Ngại cập nhật, hay sao chép!

Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, kể: “Gần đây khi dự giờ giảng của một GV văn có trình độ thạc sĩ, tôi ngạc nhiên bởi mục tiêu bài học mà cô ấy đưa ra giống như hồi tôi được học ở phổ thông cách đây 20 năm. Tôi còn được biết những bài viết về Nguyễn Tuân đăng trên báo mấy năm gần đây cô ấy chưa hề đọc, dù luận văn thạc sĩ của cô là về tác giả này. Với môn toán của tôi cũng gặp tình trạng tương tự, hiện tượng GV đi dạy hàng chục năm mà kiến thức tham khảo chỉ loanh quanh trong mấy cuốn tài liệu có từ hồi học ĐH là thường”. Tương tự, một giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP. HCM, cho biết: “Nhìn vào giáo án của một số GV dạy văn ở trường phổ thông, chúng tôi thấy bài giảng của một số tác phẩm xuất hiện trong chương trình từ đầu những năm 1990 tới nay đã hơn 20 năm nhưng giáo án không có gì mới mẻ về nội dung lẫn phương pháp giảng dạy”. Ông Phan Văn Quang (Tổ trưởng Tổ phổ thông, Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng cán bộ Q. Tân Bình, TP. HCM) Cho biết cứ 3 - 4 năm GV sẽ viết lại giáo án một lần. “Trước khi soạn, GV cần khảo sát học sinh để nhận biết trình độ, khả năng tiếp nhận sau đó mới soạn giáo án cho phù hợp. Về quy định thì không được giữ nguyên giáo án các năm nhưng thực tế nhiều GV giữ nguyên năm này qua năm khác”, ông Quang nhìn nhận.

Theo một khảo sát nhỏ trong khoảng 20 GV phổ thông tại TP. HCM, có hơn một nửa thừa nhận việc soạn giáo án rất nhàn. “Chương trình sách giáo khoa triển khai theo nội dung nên kiến thức giữa các năm thay đổi không nhiều nên GV lười đổi mới, cập nhật bài dạy mà không lo sợ sai về kiến thức”, Hoài Thương, một giáo viên ở Q. Tân Phú (TP. HCM), cho biết. Một học sinh Trường THPT Lê Xoay (tỉnh Vĩnh Phúc) Kể: “Chị em đã ra trường được 7 năm. Khi em lên lớp 11 em cũng học lớp thầy L. Dạy sử. Em thường sử dụng tập mà chị em để lại để học bài trước và so sánh thì thấy hoàn toàn khớp và không hề khác nhau”. Nhiều GV chọn cách soạn giáo án theo kiểu đóng rời, làm tệp từng bài rồi ráp vào với nhau. Khi bị kiểm tra, GV chỉ cần lên internet lấy về một số bài tập nâng cao tháo tệp ráp lại. Thậm chí có GV hoàn toàn sao chép giáo án trên internet. “Trong lớp học nào cũng có 4 đối tượng học sinh yếu - trung bình - khá - giỏi và mỗi nơi, trình độ học sinh cũng khác nhau. Không thể có mẫu giáo án chung vì mỗi đối tượng học sinh là khác nhau. GV chủ quan áp dụng một mức độ kiến thức nhất định cho tất cả học sinh là không khoa học, GV dạy toán ở một trường THPT Q. Tân Bình (TP. HCM) Cho biết.

Sản phẩm thiếu “bảo hành”!

Theo tiến sĩ Giáp Văn Dương, người sáng lập Cổng giáo dục trực tuyến Giapschool, GV hiện là những người có thế giới quan rất đóng. Lăng kính nhận thức của GV gắn chặt với những điều được rót từ trên xuống, thường rất bảo thủ và giáo điều. Vì thế, GV thường chậm nhịp so với sự phát triển của học sinh và nhận thức xã hội. Ông Dương nhận xét: “Nếu chỉ nhìn 2 lĩnh vực mà nhà nhà đều quan tâm là kinh tế và giáo dục thì rõ ràng giáo dục đã tụt hậu quá xa so với kinh tế. Trong khi kinh tế đã được tự do hóa một phần lớn và hội nhập sâu rộng với thế giới qua các hiệp định thương mại, thì tư duy của giáo dục chủ yếu vẫn dừng ở thời kỳ trước đổi mới với cơ chế tập trung, quan liêu đóng vai trò chi phối. Với chất lượng GV như thế, khi tiến hành đổi mới giáo dục tổng thể lần này, phần đông trong số họ sẽ không theo kịp và trở thành lực cản. Đổi mới giáo dục chỉ thành công khi đổi mới người thầy”. Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ cho rằng khiếm khuyết lớn nhất trong đào tạo sư phạm hiện nay là thiếu cơ chế “bảo hành”  với chính sản phẩm của mình. “Tốt nghiệp rồi là gần như sinh viên bị cắt đứt hoàn toàn mối liên hệ với trường, trong đó bao gồm những kiến thức hoặc quan điểm giáo dục mới. Tư duy này cần phải thay đổi. Các trường sư phạm cũng nên có một chính sách “bảo hành” riêng với những GV mà mình đã từng đào tạo”, bà Thơ đề xuất. Còn theo tiến sĩ Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục ĐH và nghề nghiệp, Viện Khoa học giáo dục VN, vấn đề tự chủ và tính trách nhiệm của GV hiện còn mờ nhạt, vì vậy không tạo được động lực giúp GV vươn lên hoàn thiện mình, trong đó có năng lực dạy học.

Đào tạo hướng tới năng lực thay vì kiến thức!

Nhiều chuyên gia cho rằng để giúp GV nâng cao năng lực, việc đào tạo lại hoặc bồi dưỡng GV đồng loạt trong dăm ba ngày như thời gian qua sẽ không có hiệu quả. “Cập nhật kiến thức cho GV phổ thông cần phải làm theo cả 2 cách: GV tiến hành tự học, tự nghiên cứu; Các trường sư phạm tổ chức các chương trình bồi dưỡng theo chuyên đề cho các GV phổ thông có nhu cầu”tiến sĩ Lê Đông Phương đề xuất. Cũng theo ông Phương, chất lượng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông sắp tới phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ GV hiện tại vì số GV đào tạo mới sẽ chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong những năm đầu thực hiện. Tiến sĩ Vũ Hoài An, Hiệu trưởng Trường CĐ Hải Dương, cho rằng nếu chương trình đào tạo trường sư phạm hướng tới đào tạo năng lực cho SV thì khi ra trường, họ sẽ biết bổ sung kiến thức thường xuyên để đáp ứng với yêu cầu công việc theo từng giai đoạn. Nếu trường đào tạo chỉ quan tâm mục tiêu cung cấp kiến thức cho người học thì không chóng thì chầy, GV sẽ trở nên lạc hậu khi những kiến thức đó không còn được đưa vào giảng dạy trong trường phổ thông. Nếu được đào tạo năng lực, GV sẽ biết tự bổ sung, cập nhật kiến thức sư phạm cho bản thân để có thể tự tin đứng lớp với bất cứ chương trình nào. “Với những các thầy cô đang đứng lớp, Bộ nên giao cho những đơn vị đánh giá độc lập tổ chức những kỳ thi đánh giá năng lực GV. Nếu không đạt, GV phải tự bỏ tiền ra đi học để thi cho đến bao giờ đạt thì mới được tiếp tục đứng lớp, ông Hoài An chia sẻ. Còn theo ông Nguyễn Quốc Vương, nghiên cứu sinh ngành giáo dục lịch sử, Trường ĐH Kanazawa (Nhật Bản), để có được những GV có năng lực tự đào tạo lại chính mình, trường sư phạm cần thiết kế chương trình đào tạo làm sao để giúp giáo sinh mở rộng thế giới quan. “Cái dở trong đào tạo sư phạm của mình là quá chú trọng vào kỹ thuật dạy học mà ít chú ý đến yêu cầu sinh viên học cách nghiên cứu nội dung học tập, lựa chọn tài liệu sử dụng trong dạy học, sách giáo khoa, ông Vương nhận xét.




Học ngành này làm nghề khác:


Để không lâm vào tình trạng bị động, loay hoay không tìm được việc làm, một số người đã chủ động chọn cho mình những ngã rẽ.

Tìm hiểu kỹ trước khi quyết định.. .

Lê Thanh Tùng, sáng lập studio Spotlight ở TP. HCM, khuyên những bạn trẻ chọn nghề trái với ngành học của mình rằng phải tìm hiểu kỹ trước khi quyết định. Tùng đã học ngành kiến trúc nhưng ra trường làm du lịch, khách sạn trước khi tìm đến và ở lại với nhiếp ảnh. Tùng cho rằng nhiều bạn trẻ chọn ngành học theo ý kiến bố mẹ hoặc trào lưu chứ không phải vì sở trường hay ý thích. “Có thời điểm ai cũng đổ xô đi học hàng hải vì muốn đi xuất ngoại buôn hàng kiếm tiền, thời mở cửa thì thích học quản trị kinh doanh, học kinh tế. Còn tôi thì sau 2 năm ở kiến trúc theo kiểu vừa bơi vừa học vì chỉ giỏi các môn vẽ, còn lại các môn khác thì rất chật vật, thế là nghỉ ngang để đi làm”, Tùng kể. Sau một thời gian làm du lịch, Tùng quay sang làm khách sạn nhưng vẫn không cảm thấy hài lòng thật sự. “Để chuyển ngành khác thì lúc đầu cũng rất mất phương hướng. Sau một thời gian tìm hiểu, nói chuyện với bạn bè, tôi quyết định theo lĩnh vực nhiếp ảnh quảng cáo”, Tùng chia sẻ. Sau hơn 5 năm, Tùng đã trở thành một cái tên khá quen thuộc trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Từng tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP. HCM và học thạc sĩ kinh tế ở Canada nhưng Thanh lại quyết định đi theo nghiệp… đóng giày, bởi một cơ duyên rất tình cờ. Theo kinh nghiệm của Thanh, ngoài chuyện tìm hiểu kỹ lĩnh vực mình sẽ chuyển, đầu tư và tìm ra hướng đi mới, sáng tạo hơn cho nghề là một điều nên làm. Thành công ở Canada, Thanh quay về VN với một cửa hàng thứ hai. Thanh cho rằng, khó khăn không chừa một ai dù là người làm đúng ngành, vì vậy, chuyện học ngành này, làm ngành khác không có gì phải ngại.

Cần đam mê và học hỏi!

Cũng là dân kiến trúc, nhưng Đào Hoàng Long (ngụ ở Q. 3, TP. HCM) Lại rẽ sang con đường làm stylist (tư vấn phong cách), sau phát triển lên thành đạo diễn hình ảnh - sự kiện. “Tôi chọn stylist và tự học thêm những khóa đồ họa, photoshop, đọc sách để bổ sung kiến thức. Càng tìm hiểu càng thấy thích nên tốt nghiệp xong thì theo đuổi luôn nghề này”, Long bộc bạch. Với Long, bạn trẻ không nên quyết định chuyển ngành một cách vội vàng mà hãy dành thời gian nghiên cứu, bồi dưỡng những kỹ năng còn thiếu cho ngành nghề mình hướng tới. “Quan trọng nhất là xác định được đam mê của mình và khả năng phát triển của nghề mới”, Long nhấn mạnh. “Nếu bạn nhắm chừng nghề mới tạo được cơ hội phát triển, bứt phá khoảng 50/50 thì nên đánh cược, còn ít hơn thì đừng dại vì nó không hơn ngành mình đang học”, Long lý giải.

Còn Lê Thanh Tùng thì cho rằng, chính vì việc mới bắt buộc phải làm lại từ con số 0, nên đam mê và học hỏi sẽ chính là số “vốn” đầu tiên. “Tự bản thân mỗi người sẽ thích ứng để tiếp tục theo đuổi việc chuyển ngành của mình. Còn việc trau dồi kiến thức thì ngành nào cũng vậy, bạn càng dành nhiều thời gian, nhiều tâm huyết cho nó thì dứt khoát bạn sẽ thành công”, Lê Thanh Tùng đúc kết. Trong khi đó, Quốc Khánh, chuyên viên nhân sự Công ty tư vấn tuyển dụng TalentNet, cho biết việc chuyển ngành cũng là xu hướng khá phổ biến trong giới trẻ hiện tại. “Xét về tuyển dụng thì trừ những vị trí có yêu cầu chuyên môn đặc biệt như kế toán, luật, kỹ sư, những nghề còn lại thì không quan trọng học ngành gì. Nếu ứng viên có thể xác định được đường hướng công việc, đam mê, cầu thị và chứng minh được sự phù hợp với vị trí thì nhà tuyển dụng có thể hẹn phỏng vấn. Nhưng đối với những bạn trẻ mới tốt nghiệp, việc xét ngành học cũng khá quan trọng. Còn người đã đi làm thì việc đánh giá chủ yếu dựa trên kinh nghiệm và năng lực”, Khánh cho biết.




Gần 100 giáo viên chưa được chuyển ngạch lương:


Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Trị cho hay, việc chậm trễ chuyển ngạch lương là do Bộ Nội vụ có văn bản yêu cầu tạm dừng việc chuyển ngạch lương cho những trường hợp này, chờ xây dựng xong bộ tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp. Chiều 4/1, lý giải việc gần 100 giáo viên mầm non trong tỉnh đã hoàn thành việc nâng bằng hơn hai năm nay song vẫn chưa được chuyển ngạch lương, Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Trị, ông Hồ Sĩ An cho hay, việc chậm trễ chuyển ngạch lương là do Bộ Nội vụ có văn bản yêu cầu tạm dừng việc chuyển ngạch lương cho những trường hợp này, chờ xây dựng xong bộ tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp. Được biết,đây là những trường hợp sau khi có bằng trung cấp mầm non đã được biên chế giảng dạy tại các trường mầm non trong tỉnh nhiều năm qua và được hưởng ngạch lương tương ứng. Nhiều người trong số này sau đó đã đăng ký theo học, rồi tốt nghiệp các lớp cao đẳngđại học mầm non và đã nộp bằng mới từ năm 2013, hiện vẫn chưa được chuyển ngạch.




Học sinh lớp 8 chế thiết bị chống gian lận thi cử:


Chiếc máy quét cầm tay có thể dò được các thiết bị gian lận công nghệ cao trong phòng thi, kể cả những thiết bị siêu nhỏ hoặc không hoạt động. Thiết bị được chế tạo theo nguyên lý hoạt động của cảm biến tiệm cận điện cảm và module công tắc từ lưỡi gà, cảm biến từ trường, cảm biến hồng ngoại nhằm dò tìm và nhận biết các thiết bị gian lận công nghệ cao. Khi học sinh mang theo tài liệu hoặc các thiết bị nghi ngờ gian lận, cổng quét sẽ phát ra tín hiệu. Thiết bị có thể dò tìm và phát hiện sự xuất hiện của tai nghe siêu nhỏ, các thiết bị đi kèm, ngay cả khi chúng không hoạt động. Đồng thời, xác định và tính toán giá trị biến thiên từ trường giữa từ trường tại vị trí cần kiểm tra và từ trường trái đất. Giá trị biến thiên này sẽ được hiển thị trên màn hình dò tìm, truyền thông hiển thị giá trị và vẽ sơ đồ giá trị từ trường biến thiên trên máy tính. Ngoài ra, nó có thể làm nhiễu đường truyền của các thiết bị gian lận và nhận biết được các thiết bị không dây như sóng GSM, Bluetooth.. . Thiết bị này được Ngô Đức Huy và Võ Trần Công, học sinh lớp 8 trường TH - HCS - THPT Việt - Úc, thực hiện dưới sự hướng dẫn của giáo viên Dương Ngọc Cường. “Tụi em mất khá nhiều thời gian để thực hiện, rất vui vì thiết bị của mình được đánh giá có tính ứng dụng cao hơn các giải pháp đang áp dụng lâu nay như camera hay giám thị quan sát”, Huy cho hay.




Nghiên cứu áp lực tâm lý thi cử:


Liên tục phải chịu áp lực từ thi cử, Phan Ngọc Hân và Nguyễn Nhật An - trường THPT Gia Định - đã thực hiện nghiên cứu về vấn đề này. Đề tài đưa ra thực trạng về chứng trầm cảm ở học sinh THPT hiện nay xuất phát từ việc ngày càng có nhiều biến đổi về suy nghĩ, cảm xúc và hành vi trong cuộc sống, trong các mối quan hệ với bạn bè như uống rượu bia, đánh nhau.. . Để thực hiện, Hân và An đã lấy ý kiến 150 học sinh THPT. Qua khảo sát, Hân cho rằng học sinh hiểu biết rất ít về trầm cảm và mối nguy hiểm của căn bệnh. Ngoài lý do thay đổi tâm sinh lý của tuổi dậy thì, nguyên nhân lớn nhất hiện nay khiến nhiều học sinh bị trầm cảm do gia đình quá kỳ vọng vào con em mình. Còn nhà trường thì đặt nặng vấn đề điểm số, áp lực học hành. “Bọn em chịu rất nhiều áp lực, còn ba mẹ lúc nào cũng muốn được điểm tuyệt đối, học sinh giỏi hoặc thi đậu trường này trường kia. Không được nghỉ ngơi, bọn em thậm chí phải ăn uống vội vàng để kịp giờ học chính khóa và học thêm”, Hân nói và cho rằng khi bị trầm cảm nhiều bạn đã sống tách biệt hẳn với bạn bè, thậm chí có bạn nghĩ đến chuyện tự tử. Hân và An mong muốn qua đề tài này phụ huynh và nhà trường không còn đặt nặng thành tích học tập, còn học sinh cần được tuyên truyền nhiều hơn về kiến thức trầm cảm cũng như các biểu hiện bệnh tâm lý. Các em cũng đề xuất mỗi trường nên có phòng tư vấn tâm lý hoạt động hiệu quả để phát hiện và can thiệp kịp thời những học sinh có biểu hiện tiêu cực.




Tìm giải pháp cho tình trạng xả rác ở phố đi bộ Nguyễn Huệ:


Trước việc phố đi bộ còn thiếu cây xanh, tình trạng xả rác bừa bãi và bán hàng rong chèo kéo khách du lịch còn phổ biến, Vũ Ngọc Mai - học sinh trường trung học Thực hành (Đại học Sư phạm TP HCM) - thực hiện đề tài Phố đi bộ Nguyễn Huệ - từ góc nhìn môi trường và văn hóa đô thị. Mai cùng bạn chung lớp Nhâm Lê Quỳnh An bắt tay nghiên cứu đề tài mong tìm ra giải pháp khắc phục. Khảo sát trên 300 người (trong đó có 230 người dân TP và 70 du khách trong và ngoài nước), đa số đều cho rằng đây là nơi đi dạo, hóng mát miễn phí; Biểu tượng mới của sự phát triển đô thị; Không gian gắn kết mọi người.. . Nhiều người tỏ ra chưa hài lòng khi khu phố này thiếu cây xanh, ghế ngồi, nhà vệ sinh và hệ thống thùng rác công cộng.. . Tuy nhiên, có đến 77% người dân thành phố và 75% du khách cho rằng nhiều người thiếu ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh, môi trường chung. 44% du khách còn cho rằng việc bày bán hàng rong ở phố đi bộ gây mất mỹ quan đô thị. Mai và An cho rằng muốn giải quyết vấn đề hàng rong cần đáp ứng nhu cầu của người dân bằng cách lắp đặt các máy bán hàng tự động. Tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa và các điểm trình diễn nghệ thuật trong từng góc phố. Cần có các trạm thông tin du lịch thông minh, quầy hướng dẫn du lịch.. .

Đây là những đề tài của học sinh TP HCM lọt vào vòng chung kết khoa học kỹ thuật do Sở Giáo dục - Đào tạo TP HCM tổ chức. Trong đó, đề tàiPhố đi bộ Nguyễn Huệ từ góc nhìn môi trường và văn hóa đô thị là một trong những đề tài đạt giải nhất cấp thành phố. Theo đánh giá của ông Phạm Ngọc Tiến - Phó Trưởng ban tổ chức cuộc thi - năm nay có nhiều đề tài mang tính ứng dụng cao, tập trung vào những vấn đề gần gũi, thiết thực và thời sự hơn. “Có thể sản phẩm của các em chỉ là những ý tưởng ban đầu, những mô hình nhỏ, nhưng ban giám khảo đánh giá cao ý tưởng độc đáo, sáng tạo, tính chủ động và linh hoạt của học sinh chứ không nặng về đầu tư kỹ thuật và vật chất”, ông Tiến cho hay.




Chương trình học bổng Fulbright năm học 2017-2018:


Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam thông báo bắt đầu tiếp nhận hồ sơ dự tuyển chương trình học bổng Fulbright lấy bằng thạc sĩ tại Mỹ năm học 2017-2018. Học bổng sẽ bao gồm toàn bộ học phí, trợ cấp hằng tháng, vé máy bay khứ hồi đến Mỹ và bảo hiểm y tế. Hạn chót nhận hồ sơ là 17g ngày 15-4-2016. Đối tượng tham gia chương trình: Là công dân Việt Nam, tốt nghiệp đại học, có ít nhất hai năm kinh nghiệm kể từ khi tốt nghiệp đại học đến thời điểm nộp hồ sơ, có điểm TOEFL iBT tối thiểu 79 điểm và IELTS 6.5 còn giá trị sử dụng. Chương trình Fulbright khuyến khích các ngành khoa học xã hội và nhân văn như Hoa Kỳ học, giáo dục, truyền thông, báo chí, quan hệ quốc tế, công tác xã hội, chính sách công, kinh tế, kinh doanh, sức khỏe cộng đồng, thư viện, quản lý hành chính công, giảng dạy tiếng Anh, nghiên cứu về giới và phụ nữ.. . Các ứng viên nộp đơn trực tuyến tại địa chỉ: https://apply.embark.com/student/fulbright/international/20/. Hồ sơ trực tuyến đầy đủ bao gồm đơn dự tuyển, ba thư giới thiệu, các loại bằng cấp và bảng điểm từ bậc đại học trở lên (kèm bản dịch tiếng Anh có công chứng), chứng chỉ TOEFL/IELTS và sơ yếu lý lịch. Thông tin chi tiết tại trang web: http://vietnam.usembassy.gov/fvst.html.




(Tổng hợp theo ND, TP, TN, TT)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đề tài: Hoạt động marketing của công ty cổ phần bút bi Thiên Long

Đề tài: Hoạt động marketing của công ty cổ phần bút bi Thiên Long Mục Lục Lời mở đầu Chương I : Phân tích kết quả kinh doanh của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long I. Kết quả kinh doanh của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long trong thời gian qua II.Đánh giá hoạt động marketing của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long thời gian qua Chương II : Phân tích môi trường marketing của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long I. Phân tích môi trường marketing vĩ mô II.Phân tích môi trường marketing vi mô III. Phân tích môi trường marketing nội bộ IV. Phân tích swot Chương III. Phân đoạn thị trường của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long với sản phẩm bút bi Thiên Long I. Vị trí hiện tại của doanh nghiệp II. Xác định đối tượng khách hàng hay thị trường cần phân đoạn III. Phân chia thị trường theo những tiêu thức thích hợp IV. Đánh giá tiềm năng của các đoạn thị trường V. Lựa chọn các phương thức marketing nhằm khai thác các đoạn thị trường mục tiêu Chương IV. Xác định chiến lược M...

CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KẾT QUẢ HỌC TẬP CỦA HỌC SINH TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRỲ TỈNH CAO BẰNG

LUẬN VĂN THẠC SĨ: CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KẾT QUẢ HỌC TẬP CỦA HỌC SINH TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRỲ TỈNH CAO BẰNG HỌC VIÊN: BẾ THỊ DIỆP – HƯỚNG DẪN KH: TS. NGUYỄN THỊ TUYẾT CHUYÊN NGÀNH: ĐO LƯỜNG VÀ ĐÁNH GIÁO TRONG GIÁO DỤC MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 2. Mục đích nghiên cứu của đề tài 3. Giới hạn nghiên cứu của đề tài 4. Phương pháp nghiên cứu 5. Câu hỏi nghiên cứu, giả thuyết nghiên cứu 6. Khung lý thuyết của đề tài 7. Khách thể và đối tượng nghiên cứu Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 1.1. TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 1.1.1. Các công trình nghiên cứu ở nước ngoài 1.1.2. Các công trình trong nước 1.2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN 1.2.1. Hoạt động học tập trong nhà trường 1.2.2. Loại hình nhà trường PTDTNT 1.2.3. Đặc trưng học sinh THPT DTTS 1.2.4. Các khái niệm công cụ của đề tài 1.3. KẾT LUẬN CHƯƠNG Chương 2: TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU 2.1. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1.1. Tổng thể...

SÁCH TRUNG QUỐC DANH PHƯƠNG TOÀN TẬP

SÁCH THAM KHẢO VỀ Y HỌC PHƯƠNG ĐÔNG TRUNG QUỐC DANH PHƯƠNG TOÀN TẬP Cái truyền lại được của y học nằm lại trong bài thuốc. Cho nên dược học của Đông y dẫu đã trải qua nhiều chìm nổi, biến thiên song không triều đại nào, thòi kỳ nào bị ruồng bỏ, mà trong y học, việc nghiền cứu thảo luận các bài thuốc đã trở thành một chủ đề muôn thuở. Người học không sợ nhiều mà chỉ lo ít, người SƯU tầm chẳng sợ giàu mà chỉ lo còn quá nghèo. Cuốn sách này là công việc của nhiều người tâm huyết với nhiều năm lao động, tập hợp các bài thuốc hay, bất kê kinh phương, thời phương hoặc bí phương, hễ có công dụng lâm sàng tốt, được chấp nhận rộng rãi từ cổ chí kim đều được giới thiệu. Thuốc hay tập hợp hơn nghìn bài lấy công dụng chủ trị làm cương lĩnh, lấy phương tễ làm đề mục. Mỗi phương đều có tên bài, xuất xứ, thành phần, cách dùng, công hiệu, chủ trị, giải thích bài thuốc theo lí luận Đông y, lòi bàn, các bài thuốc cùng tên, các bài thuốc phụ thêm, phân tích, điền lí để sáng rõ. Trong phần ...