Chuyển đến nội dung chính

ĐIỂM TIN GIÁO DỤC NGÀY 06 THÁNG 01 NĂM 2016

ĐIỂM TIN GIÁO DỤC NGÀY 06 THÁNG 01 NĂM 2016








Hơn 4.000 thí sinh cả nước tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia:

Điểm tin giáo dục thứ tư, 06 tháng 01 năm 2016Sáng 6-1, hơn 4.400 thí sinh bước vào Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm 2016 với 12 môn thi. Theo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục- Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm 2016 được tổ chức vào các ngày 6,7 và 8-1-2016. Phạm vi nội dung thi theo chương trình giáo dục THPT hiện hành và chương trình chuyên sâu các môn chuyên cấp THPT do Bộ GD-ĐT ban hành. Riêng đối với thi thực hành, môn Vật lý có phạm vi là phần Cơ học, Điện học, Quang học, môn Hóa học là phần phân tích định lượng, môn Sinh học là Sinh thái thích nghi ở thực vật; Hóa sinh và Tế bào học; Sinh lý học thực vật và Vi sinh học. Năm nay, cả nước có 4.404 thí sinh dự thi tại 68 Hội đồng coi thi, hơn 1.000 cán bộ được huy động tham gia coi thi và chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện bảo đảm tổ chức thi an toàn, nghiêm túc. Đội tuyển học sinh giỏi của Hà Nội năm nay có 172 học sinh tham dự ở 12 môn thi. Môn Lịch sử tăng thêm 3 em so với năm trước.

Lịch kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông: Ngày 6-1-2016 thi viết các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc và thi lập trình trên máy vi tính môn Tin học; Ngày 7-1-2016 thi viết các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học; Thi nói các môn Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc và thi lập trình trên máy vi tính môn Tin học; Ngày 8-1-2016 thi thực hành các môn Vật lí, Hóa học và Sinh học.




Tư vấn “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai” tại 120 trường trung học phổ thông:


Ngày 6-1, tại TP Hồ Chí Minh, Chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai”  năm 2016 do Báo Giáo dục TP Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng các trường đại họccao đẳng (ĐH, CĐ) Khu vực phía nam tổ chức đã khai mạc tại Trường THPT Phan Đăng Lưu. Đây cũng là năm thứ 8, chương trình tư vấn tuyển sinh đi đến các trường THPT nhằm cung cấp cho các em những thông tin về kỳ thi THPT quốc gia 2016, việc lựa chọn ngành học, trường học để phát huy tối đa năng lực, sở trường và phù hợp với khả năng của bản thân; Đồng thời giúp các em ổn định tâm lý, giữ sức khỏe trong những ngày ôn thi căng thẳng. Chương trình có sự đồng hành của các chuyên gia tư vấn giàu kinh nghiệm như TS. Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, PGS. TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam; Ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh; Chuyên gia tư vấn Luật di dân-du học Canada CDICS. NET (ảnh).. . Cùng các chuyên viên tư vấn tuyển sinh giàu kinh nghiệm của gần 30 trường ĐH, CĐ, học viện các tỉnh phía nam. Chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai”  năm 2016 sẽ được tổ chức tại 120 trường THPT. Năm nay, ngoài 80 trường THPT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, chương trình sẽ đi đến 40 trường THPT thuộc các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, Lâm Đồng, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Đắk Lắk, Đồng Tháp nhằm mang đến những thông tin thiết thực, hữu ích cho học sinh vùng xa.




Trung cấp Y Dược Hà Nam phải đình chỉ tuyển sinh:


Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Đắk Lắk đã ban hành quyết định số 903, buộc phân hiệu Đắk Lắk của trường Trung cấp Y Dược Hà Nam phải đình chỉ tuyển sinh đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp từ năm 2016. Quyết định 903 xác nhận Trung cấp Y Dược Hà Nam phân hiệu Đắk Lắk đã vi phạm Khoản 5, Điều 3, Thông tư số 52 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định về điều kiện, hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo và tuyển sinh. Theo đó, nếu đến ngày 31/12/2016, Trung cấp Y Dược Hà Nam “vẫn chưa khắc phục những nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ tuyển sinh tại Phân hiệu Đắk Lắk và không có hồ sơ đề nghị được tuyển sinh trở lại, thì Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ đề nghị giải thể Phân hiệu tại Đắk Lắk”.

Trước đó, trong tháng 12/2015 báo Tiền Phong đã nêu cụ thể nhiều sai phạm của đơn vị kinh doanh giáo dục kiểu “đánh bắt xa bờ”  này qua 2 bài “Báo động “loạn’ đào tạo Y dược”, “Loạn đào tạo y dược và hệ lụy: Cố gắng sửa sai, chấp nhận giải tán!”. Bà Trần Thị Kim Oanh hiệu trưởng trường Trung cấp Y Dược Hà Nam cũng đã thừa nhận với báo Tiền Phong: Trong 4 điểm trường của Trung cấp Y Dược Hà Nam ở Hà Nam, Gia Lai, Ninh Thuận, Đắk Lắk hiện chỉ có phân hiệu tại Đắk Lắk đang còn hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, khả năng khắc phục các sai phạm, yếu kém của phân hiệu Đắk Lắk về mặt bằng, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chất lượng đào tạo theo đúng các quy định là điều trường khó thực hiện nổi vào cuối năm 2016, nên khả năng chấp nhận phải giải tán trường là điều có thể xảy ra, khi các khóa trung cấp Y-Dược đang học dở dang hiện nay hoàn tất chương trình.




Clip nam sinh bị tát ở quán game gây tranh cãi:


Phát hiện ra cậu con trai ở quán game, người phụ nữ lớn tuổi vung tay tát nhiều lần vào má cậu bé. Vừa đánh, bà vừa hét lên giận giữ. Một clip dài gần 2 phút ghi lại cảnh người phụ nữ lớn tuổi tát liên tiếp vào mặt nam sinh nhiều lần ngay tại quán Net vì phát hiện ra cậu bỏ học đi chơi game vừa được đăng tải trên một diễn đàn khiến nhiều người xôn xao. Nhiều người nhận xét, người phụ nữ lớn tuổi, tay cầm túi xách vừa mắng nhiếc nam sinh trên đây có thể là mẹ con. “Hết lần này đến lần khác, chơi game sẽ tạo ra tiền tài vật chất cho mày này, nhà lầu, xe hơi này. Sao mày không ở đây luôn đi?”. Vừa quát tháo cậu bé, người phụ nữ vừa vung tay tát liên tiếp nhiều lần vào mặt nam sinh. Vừa tát, bà vừa tiếp tục quát tháo. Trước lời mắng nhiếc từ người phụ nữ và sự chứng kiến của nhiều người xung quanh, cậu học trò mặc đồng phục, đầu vẫn đội mũ bảo hiểm, chỉ cúi gằm, không phản kháng và im lặng chịu đòn. Bất bình trước sự việc này, một người nào đó trong quán lên tiếng: “Cô ơi, đưa em về nhà uýnh (đánh) Đi cô”.

Đoạn video trên đã thu hút hàng nghìn lượt xem và bình luận. Một số ý kiến đồng tình với người phụ nữ nhưng một số khác cho rằng, người lớn đánh mắng con cái cần đúng vị trí và hoàn cảnh. “Các bạn đặt vị trí của mình và hiểu tâm lý của con không khi vừa đánh mắng con ở chỗ đông người như vậy? Đáng ra, người lớn nên đưa con em về nhà để dạy dỗ mới không ảnh hưởng tâm lý để giúp con cái tiến bộ”, bạn đọc Anh Cường cho biết. Một độc giả khác cũng nhận xét, bị đánh đau như vậy nhưng bạn đó không có phản ứng gì xúc phạm. Bạn ấy đứng để chịu hình phạt nên có lẽ em đã hiểu ra được lỗi của mình, chứng tỏ đây là một cậu bé hiếu thảo nhưng do tuổi trẻ ham chơi nên mới ra nông nỗi này. Đáp lại những nhận xét ủng hộ cậu bé, nhiều người đã lên tiếng cảnh báo: “Chắc các bạn vẫn chưa quên một vụ trọng án ở Hải Dương. Bài học ở vụ án này là con nghiện chơi game, cuộc sống ảo tưởng theo game nên ra tay sát hại tính mạng của bố mẹ rồi chị gái”, bạn đọc Quang Huy cho biết. Độc giả Nguyen Phong nêu quan điểm: “Thương cho roi cho vọt, mình nghĩ hành động này của người phụ nữ không có gì đáng lên án. Các bạn thử nghĩ xem, nuôi con lên đến ngần ấy tuổi đầu nhưng phát hiện ra tình cảnh này, các bạn sẽ hiểu. Mình thấy thương người mẹ này quá. Mong sao bé ngoan cho gia đình đỡ khổ”.

Giáo dục chứ không phải đánh con!

Chia sẻ với chúng tôi, GS. TS Tâm lý Nguyễn Ngọc Phú, Tổng Thư kí Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, cho rằng: “Trước hết về mặt giáo dục trong gia đình, bố mẹ đánh con là không được. Chúng ta giáo dục con chứ không phải đánh con. Phải phân tích cho chúng điều hay lẽ phải, cái hơn thiệt để con cái tự giác ngộ và chuyển biến hành vi chứ không nhất thiết phải sử dụng biện pháp mạnh. Thứ hai, người phụ nữ này cho dù là mẹ cháu bé đi chăng nữa thì cũng đã vi phạm tội làm nhục con ở chỗ đông người, nhất là cháu bé cũng đã khá lớn chứ không còn nhỏ. Điều này sẽ rất tệ hại bởi sau này, đứa bé sẽ nuôi hận thù với người đánh đó suốt đời. Nhất là trong lúc bị đánh mà có một người bạn nào đó của cháu nhìn thấy thì càng tai hại. Trong câu chuyện này, tôi nghĩ người phụ nữ ấy nên tìm hiểu xem con chơi ra sao để khuyên nhủ. Một lần không được thì hai lần, ba lần…

Tuy nhiên, cho dù trong hoàn cảnh nào, việc đánh con cái ở chỗ đông người như thế là hoàn toàn không được và chứng tỏ người đó bất lực trước con cái”. Trả lời câu hỏi, nếu bị xúc phạm nhiều lần, hành động tiêu cực nhất mà một đứa trẻ có thể làm là gì, GS Phú cho biết, có nhiều cách thức nhưng hành động tiêu cực cao nhất mà trên thế giới và cả ở Việt Nam đã từng xảy ra nhiều lần là trong cơn khủng hoảng vì stress không ngờ, đứa trẻ đó đã tự vẫn. “Vì vậy theo tôi, trong giáo dục con cái, trước hết cần mềm mỏng và có phương pháp công phu. Phải tìm hiểu để với mỗi đứa trẻ, cần có biện pháp giáo dục thích hợp”, GS Phú nói.




Con trẻ vô tâm, vì sao:


Hai tâm sự, một của người mẹ và một của người thầy nhưng cùng kể về sự vô tâm của con mình, của học trò mình. Đọc để cùng giật mình, lo âu cho một ngày kia.. . Sự vô cảm, sự dửng dưng với tập thể, thái độ thiếu trách nhiệm với công việc chung không còn là cá biệt ở học sinh nào, lớp nào, trường nào. Đọc để cùng giật mình, lo âu cho một ngày kia.. .

Ai chăm sóc mẹ?

Con gái tôi hiện học lớp 11. Biết điểm tổng kết học kỳ I, con về khoe với cả gia đình đạt học sinh giỏi, thuộc top 5 bạn có điểm số cao nhất lớp. Con tôi đề đạt nguyện vọng được bố mẹ thưởng tiền mua sắm quần áo và được đi chơi cùng các bạn vào đêm Noel. Nhưng thật không may, ngay đúng đêm Noel vừa rồi tôi bị tăng huyết áp, mệt mỏi choáng váng, nên tôi cần con gái ở nhà chăm sóc. Khác với suy nghĩ của tôi, con gái tỏ vẻ khó chịu vì bị lỡ hẹn đi chơi cùng các bạn. Nhìn con nhíu mày nhăn nhó khi mẹ nhờ đi bưng thuốc, làm vệ sinh.. . Lòng tôi trĩu nặng, rơm rớm nước mắt. Con không hỏi mẹ được một câu: “Mẹ thấy trong người thế nào?”, “Mẹ ăn gì để con nấu.. .”  mà cắm cúi vào điện thoại, cập nhật trạng thái trên Facebook: Nỗi buồn không được đi chơi đêm Noel. Hóa ra con gái tôi vẫn còn quá bé bỏng, vô tư và vô tâm như ngày nào.

Nhớ lại những lần ông bà nội ngoại của con bị ốm, vợ chồng tôi tất tả ra vào chăm sóc bố mẹ trong bệnh viện, còn các cháu của ông bà thì bận học tối ngày nên không thể tới thăm. Hoặc các cháu đến thăm ông bà thì chỉ cho có lệ, và rất nhanh sau đó thì các cháu bị người lớn nhắc nhở “về nhà học bài”, “không có việc ở đây”.. . Có đôi lần tôi cũng buồn nhiều, vì nhờ con để mắt tới ông bà đang bị bệnh thì con mãi để mắt tới màn hình điện thoại, đeo tai nghe như không hề biết gì xảy ra xung quanh mình. Vì thương con học ngày học đêm cho bằng bạn bằng bè, cho có tương lai sáng láng mà một người mẹ như tôi không nề hà bất cứ điều gì để chăm sóc con: Cơm bưng nước rót tới tận phòng, mỗi sáng sớm tranh thủ đi mua đồ ăn cho con, dành cho con thêm vài phút ngủ say.. . Bây giờ tôi giật mình khi chứng kiến con gái chỉ quen nhận sự chăm sóc, nuông chiều từ cha mẹ mà không biết làm điều ngược lại là quan tâm chăm sóc cha mẹ, dù chỉ bằng một vài câu hỏi thăm, một bữa ăn sáng.. . Những đứa trẻ vô tâm như con gái tôi ngày càng nhiều. Với những người thân yêu nhất, các con còn có thể đối xử như vậy thì mong chờ gì các con sẽ đối xử tốt, sống chan hòa, yêu thương mọi người?

Chiếc bình bông héo khô...

Hôm nay, do có công việc nên tôi vào lớp 10A1 chuyên toán (lớp được coi là ngoan, là “chuẩn” của trường). Vừa bước vào lớp, tôi sững người khi thấy chiếc bình bông cây kiểng nhỏ đã héo khô tự lúc nào, trông thật tội nghiệp.. . Chỉ hai tuần trước đây, khi nhấc bình bông kiểng còn xanh tốt lên, tôi có ý định sẽ tìm cho lớp cái đĩa lót bình để khi tưới cây, nước khỏi chảy ra ngoài. Thế mà giờ đây, cái đĩa tôi tìm đã có mà cây thì chết khô từ hồi nào. Được thầy hiệu trưởng phân công làm công tác giáo dục đạo đức, tư tưởng cho học sinh, thiệt tình là nhiều khi tôi không hiểu hết tâm tánh học sinh bây giờ. Như lớp 10A1 có 35 em, đa số các em là con em công nhân viên chức nhà nước, doanh nghiệp, gia đình khá giả, điều kiện học tập khá đầy đủ. Vậy mà cả 35 em mỗi ngày bước ngang qua bình bông bên lan can cửa ra vào lớp, không ai tự giác cầm chai nước tưới cho cây, không ai thấy cây đang héo khô dần trong vô vọng. Nếu cây biết kêu la chắc gì các em đã nghe thấy, vì ai cũng luôn mải mê dán mắt vào màn hình điện thoại thông minh.

Ngay cả lớp trưởng, bí thư chi đoàn cũng không quan sát, không bao quát cả lớp. Bản thân các em đã không quan tâm đến cây, lại còn không nhắc nhở các bạn trực nhật tưới cây! Sự vô cảm, sự dửng dưng với tập thể, thái độ thiếu trách nhiệm với công việc chung không còn là cá biệt ở học sinh nào, lớp nào, trường nào. Các em chỉ biết học mà không biết hành! Bài giảng của thầy cô luôn có liên hệ, tích hợp, lồng ghép bảo vệ môi trường, trồng cây xanh cho không khí trong lành, cho trường xanh - sạch - đẹp.. . Khi trả bài, các em trả lời trôi chảy, phát biểu hăng hái, tỏ ra hiểu thấu vấn đề, nhưng khi vận dụng vào thực tế thì chỉ là con số không! Chiếc bình bông héo khô đó ngay trước cửa lớp, như một dấu hỏi đập vào mắt mọi người mỗi ngày. Nhưng các em không buồn tìm câu trả lời. Không đơn giản chỉ là câu chuyện chiếc bình bông héo khô, mà điều đó còn nói lên sự héo khô trong tâm hồn, héo khô trong tình cảm, héo khô trong trách nhiệm, héo khô trong ý thức của con người. Các em không hiểu được rằng cây cũng như con người, rất cần được chăm sóc, tưới tắm, nâng niu.. .




Trường học, giáo viên đi sau đổi mới giáo dục, phải thay đổi cách đào tạo người thầy:


Yêu cầu các trường sư phạm phải đổi mới đào tạo từ trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực. Đó là nội dung phát biểu của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển tại đợt tập huấn phát triển chương trình đào tạo giáo viên (GV) Phổ thông cho các trường ĐH, CĐ sư phạm (SP) Do Bộ GD-ĐT, tổ chức ở Hải Phòng ngày 5.1.

“Thế là chết rồi”!

Tại buổi tập huấn, ông Hiển kể: “Mới tuần trước thôi, khi trao đổi với tôi, một lãnh đạo trường CĐ địa phương nói rất hồn nhiên rằng trường ấy đang chờ chương trình giáo dục phổ thông mới ra để xây dựng chương trình đào tạo cho mình. Thế là chết rồi! Một dịp sinh hoạt chuyên môn hồi giữa năm trước, Bộ đã mời tất cả các trường có đào tạo SP đến để bàn thảo, rồi Bộ cũng đã có văn bản thông báo các trường phải chủ động xây dựng chương trình để từ năm học 2016 - 2017 thực hiện được việc đào tạo theo chương trình mới. Thế mà lãnh đạo một trường CĐ SP còn phát biểu như vậy!”. Ông Hiển cho rằng trường SP và phổ thông phải đồng thời đổi mới. “Nhưng trước khi nói chuyện đào tạo, bồi dưỡng GV phổ thông thì năng lực đào tạo của giảng viên SP phải được nâng lên. Giảng viên SP phải coi việc tự bồi dưỡng là chính để nâng cao năng lực của mình”.

Năng lực sư phạm thay vì kiến thức!

Theo ông Hiển, trong thời gian qua, 7 trường SP trọng điểm đã thành lập câu lạc bộ hiệu trưởng, có nhiều sinh hoạt, hội thảo xung quanh công tác nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên SP, xây dựng, phát triển chương trình đào tạo bồi dưỡng GV. Một số trường SP của trung ương và địa phương đã chủ động trao đổi giảng viên, GV, sinh viên để giảng viên gắn bó hơn với thực tiễn phổ thông. Cũng nhiều GV phổ thông được mời tham gia góp ý chương trình của trường SP, đào tạo giáo viên mới.. . Ông Hiển yêu cầu năm học 2016 - 2017 các trường SP triển khai được chương trình đào tạo mới. “Bây giờ cần phải tránh kiểu tư duy cũ, rằng đổi mới chương trình phổ thông rồi mới đổi mới đào tạo SP. Tư duy mới yêu cầu đổi mới quá trình đào tạo từ trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực người học. Như vậy các trường SP phải đào tạo GV có năng lực dạy học, năng lực giáo dục để có thể ứng dụng vào nhiều chương trình giáo dục phổ thông khác nhau, nhiều sách giáo khoa, hoạt động khác nhau. GV có năng lực chung để đáp ứng được nhiều chương trình và đáp ứng được thực tế giáo dục ở nhiều địa phương, có yêu cầu đặc thù khác nhau. Quan trọng là trường SP phải giúp người học hình thành nên năng lực SP của một GV”.

Chương trình đào tạo GV mới cần phải đổi mới so với chương trình cũ để đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực. Trường phổ thông yêu cầu ở học sinh những năng lực gì thì chính giảng viên SP phải đào tạo được cho GV phổ thông những năng lực đó. Vì thế mà đổi mới ở phổ thông và đổi mới trong trường SP là đồng bộ. Hiện Bộ đã “đặt hàng”  nhóm 7 trường SP trọng điểm xây dựng một chương trình đào tạo chung chiếm khoảng 70% tổng dung lượng cho các trường ĐH, 30% còn lại sẽ do mỗi trường tự xây dựng nhằm đáp ứng được yêu cầu của từng vùng miền và từng trường. “Tuy nhiên, chương trình này chỉ có tính chất gợi ý, còn sử dụng hay không là quyền của mỗi trường. Nếu nơi nào xây dựng được chương trình riêng cho mình tốt hơn thì Bộ càng hoan nghênh”, ông Hiển nói.




Học ngày rồi lại học đêm:


Mặc dù chưa phải đến mùa thi nhưng học sinh lớp 12 ở nhiều trường THPT trên địa bàn TP. HCM phải học suốt ở trường từ 6g30 sáng đến 22g đêm mới được ra về. Tối 16-12-2015, tại một cơ sở của Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến (quận Tân Bình, TP. HCM) Trên đường Mai Lão Bạng, đồng hồ đã điểm đúng 22g nhưng nhiều phụ huynh đậu xe ngoài cổng trường vẫn dõi mắt vào trong trường. Chị N., phụ huynh của một học sinh lớp 12C6, cho biết: “Tùy vào lịch học của mỗi ngày, thời gian học sinh ra về sớm nhất là 22g; Có bữa gặp bài khó thì về trễ hơn, nhưng cũng chỉ đến 22g30 thôi. Biết chắc chắn như vậy nhưng mình và nhiều phụ huynh khác vẫn đến sớm hơn 10-15 phút để được đón con ngay. Học suốt cả ngày cháu nó cũng mệt lắm rồi, ra khỏi trường cháu nào cũng muốn về nhà ngay để tắm rửa, nghỉ ngơi. Khuya như thế này mà phải đứng chờ đợi người nhà nữa thì tội nghiệp lắm”.

Chủ nhật cũng học!

Đúng 22g10, các học sinh lớp 12 Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến lục tục ra khỏi cổng trường. Một học sinh lớp 12 (đề nghị không nêu tên) Đang học để chuẩn bị thi khối D kể: “Thường mỗi ngày em dậy từ 5g30, vệ sinh cá nhân xong thì đến trường ăn sáng. Đúng 6g30 chuông reng vào lớp. Buổi sáng học đến 11g30 rồi học sinh được nghỉ ăn trưa. 13g30 vào học buổi chiều, đến 16g30 nghỉ ngơi và ăn chiều; 18g tụi em tiếp tục giờ học buổi tối, 22g ra về. Học suốt như vậy từ thứ hai đến thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật cũng phải học từ sáng đến 16g30, chỉ được nghỉ buổi tối mà thôi”. Học sinh này còn cho biết thêm: “Cứ ba tuần học sinh lớp 12 tụi em mới được nghỉ một ngày chủ nhật trọn vẹn”. Khi chúng tôi hỏi: “Học suốt tuần như vậy có thấy mệt không?”, bạn học sinh liền nhún vai: “Mệt chứ! Nhưng tụi em học như vậy từ đầu năm học đến nay rồi, riết cũng quen. Nhưng cứ về nhà là đứa nào cũng lăn quay ra ngủ để lấy sức ngày mai học tiếp. Vậy mà có ngày lên lớp vẫn cứ buồn ngủ”. Để trả lời cho câu hỏi“Học suốt như vậy thì có hiệu quả không?”, một học sinh lớp 12C6 Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến bày tỏ: “Tùy mỗi người thôi. Nhưng tôi nghĩ đa số là hiệu quả. Bởi vì mỗi dạng bài thầy cô đều cho ôn đi ôn lại, làm đi làm lại rồi, làm riết thành ra thuộc luôn”. Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện trên địa bàn TP. HCM có khá nhiều trường tổ chức cho học sinh học vào ban đêm như: Trường THCS-THPT Nhân Văn, Trường THCS-THPT Tân Phú, Trường THCS-THPT Thanh Bình.. .

Do phụ huynh yêu cầu...

Trao đổi với chúng tôi, TS Lê Trọng Tín, hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, cho biết: “Từ thời cổ xưa đến nay học sinh phải khổ học mới thành tài. Đến lớp 12 rồi nếu các em không tập trung học thì làm sao mà thi đậu được? Nếu học sinh không đậu đại học được là nhà trường có tội với phụ huynh. Ở trường chúng tôi, buổi sáng và chiều học sinh học chính khóa. Buổi tối là thời gian tự học của học sinh dưới sự giám sát của giáo viên quản nhiệm, chứ các em không học thêm bài mới. Mặc dù tự học nhưng học sinh vẫn ngồi theo mô hình lớp học trong không khí nghiêm túc, nếu có chỗ nào “bí” thì có thể hỏi giáo viên để được giải đáp ngay”. Thế nhưng, tại sao nhà trường không để học sinh về nhà tự học bài, làm bài mà phải “cấm túc”  tại trường vào buổi tối? TS Lê Trọng Tín giải thích: “Thời điểm học buổi tối có thể hiểu là thời gian học sinh thẩm thấu kiến thức đã học từ buổi sáng và chiều. Vào các buổi sáng, lúc 6g30 trường tôi gọi là tiết 0: Giáo viên sẽ kiểm tra xem học sinh có làm bài, học bài của hôm trước không. Kiểm soát ngặt nghèo như vậy nhưng vẫn có em không làm”. Ông Lê Hữu Khương, tổng quản nhiệm cơ sở 1 Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, còn băn khoăn: “Nếu cho các em về nhà tự học thì trong thời gian nhất định của buổi tối liệu các em có làm được khối lượng bài tập theo yêu cầu như ở trường không? Thật ra thời gian buổi tối học sinh được giải lao 30 phút, chứ không phải học suốt 4 tiếng đồng hồ”.

Trong khi đó, một giáo viên Trường THCS-THPT Thanh Bình lại cho rằng: “Chính phụ huynh đề nghị nhà trường phải tổ chức cho học sinh học tại trường vào buổi tối. Bởi nhiều em không có tinh thần tự học. Có phụ huynh đã than thở rằng: Cứ về nhà là các em chơi game rồi ăn, ngủ, ba mẹ có nói gì cũng không nghe, nhắc nhở học bài cũng không học. Họ bảo: Chỉ còn cách nhà trường “cấm túc” đến 9,10g đêm, có giáo viên ngồi kè kè bên cạnh là học sinh phải học chứ không chạy đi đâu được”. Tương tự, một hiệu trưởng trường THPT ở Gò Vấp cũng tâm sự: “Tôi không vơ đũa cả nắm, nhưng thật sự bây giờ có rất ít học sinh muốn đi đến đích của kiến thức. Các em ngại học, chán học, bước vào lớp học với sự uể oải, nhưng khi đi chơi thì các em tràn đầy sinh lực. Có phụ huynh đã nói thẳng với tôi: “Nhà trường cần nghĩ ra nhiều cách thức để “cấm túc” học sinh trong khuôn viên trường từ sáng đến tối. Khi về nhà, các cháu chỉ tắm rửa, ăn uống rồi đi ngủ thôi. Nếu 17g chiều học sinh tan học rồi các cháu đi chơi bời, dễ sa vào những cạm bẫy của xã hội thì làm sao cha mẹ quản lý được. Nếu trường không tổ chức giữ học sinh vào buổi tối thì tôi xin chuyển trường cho cháu.. .”.




​Sinh viên Trung Quốc là “chúa gian lận”  khi du học:


Chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây, các trường Đại học ở Anh bắt gần 50.000 sinh viên gian lận trong thi cử, sinh viên Trung Quốc chiếm đa số. Theo tờ Guardian, từ năm 2012 đến nay, theo số liệu của chính phủ Anh thì số lượng sinh viên quốc tế không thuộc Liên minh châu Âu (EU) Gian lận trong thi cử đã tăng lên 4 lần so với trước đây. Chỉ trong 3 năm đã có tổng cộng 362 sinh viên bị đuổi học khỏi 129 trường đại học của Vương quốc Anh vì hành vi gian lận trong thi cử. Số lượng này chiếm khoảng 1% tỉ lệ sinh viên vi phạm trên cả nước. Ngoài ra cũng đã có 11 trường đại học bắt hơn 1.000 sinh viên gian lận, nhiều nhất là Đại học Kent có đến 1.947 trường hợp vi phạm. Và đặc biệt có năm sinh viên gian lận bằng cách nhờ người khác thi hộ.

Theo thống kê từ 70 trường hàng đầu của Anh, số sinh viên quốc tế ngoài khối EU chiếm 35% số trường hợp gian lận, nhưng chỉ chiếm 12% tổng số học sinh du học tại Anh. Tại Đại học Queen Mary ở London có 75% số trường hợp vi phạm là các sinh viên quốc tế và 1/3 số này là các du học sinh đến từ Trung Quốc. Ông Geoffrey Alderman, giáo sư của Đại học Buckingham, cho biết hình thức “đạo văn truyền thống”  là sao chép và cắt dán từ các bài luận có sẵn đã bị “bắt bài”  trong thời gian qua do người chấm bài sử dụng công cụ tìm kiếm để “phá án”. Nay cách thức gian lận đó đang dần được thay thế bằng hình thức thuê người viết bài chuyên nghiệp. Dịch vụ tinh vi này nở rộ trên mạng Internet và gây không ít khó khăn trong việc đảm bảo công bằng trong thi cử.

Sau đây là 5 trường đại học có số lượng học sinh gian lận trong thi cử nhiều nhất 3 năm qua ở Anh: Đại học Kent: 1.947 sinh viên; Đại học Westminster: 1.933 sinh viên; Đại học East London: 1.828 sinh viên; Đại học Sheffield Hallam: 1.740 sinh viên; Đại học Oxford Brookes: 1.711 sinh viên.




Cẩm nang tuyển sinh ĐH, CĐ 2016 độc đáo, hấp dẫn, bổ ích:


Báo Tuổi Trẻ và Nhà xuất bản Trẻ liên kết ấn hành cuốn Cẩm nang tuyển sinh ĐH, CĐ 2016. Cuốn cẩm nang này đang được rất nhiều học sinh, phụ huynh trông đợi trước mùa thi, bởi đây là một ấn phẩm độc đáo, vừa cung cấp đầy đủ chi tiết những thông tin liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ năm 2016, vừa mang đậm giá trị tư vấn hướng nghiệp, định hướng tương lai. Nhóm tác giả thực hiện cẩm nang này sẽ tập hợp, cập nhật đầy đủ thông tin về quy chế tuyển sinh mới nhất của Bộ GD-ĐT và những điểm mới về kỳ thi THPT quốc gia 2016; Quy định đăng ký dự thi; Những điểm mới trong đề thi tuyển sinh 2016; Những thay đổi về chính sách ưu tiên trong tuyển sinh 2016; Thông tin mới về tuyển thẳng theo quy định chung của Bộ GD-ĐT và chính sách áp dụng riêng của một số trường đặc thù.. .

Bên cạnh đó, cẩm nang còn bao gồm nhiều bài phân tích, đánh giá sâu sắc, tổng hợp chi tiết, nhận định chính xác và cập nhật đầy đủ những phương án tuyển sinh mới nhất của các trường ĐH, CĐ trong năm nay. Đồng thời cẩm nang tập hợp rất nhiều thông tin về ngành tuyển sinh, tổ hợp các môn xét tuyểnchỉ tiêu của hầu hết các trường ĐH, CĐ trong cả nước, để thí sinh có thể lựa chọn cho mình một ngành, một trường phù hợp. Các thí sinh quan tâm đến ngành công an, quân đội cũng sẽ tìm thấy được trong cẩm nang thông tin mới nhất của mùa tuyển sinh 2016, áp dụng cho các trường khối ngành công an, bí quyết để trúng tuyển vào các trường quân đội.. .

Cẩm nang tuyển sinh ĐH, CĐ 2016 của báo Tuổi Trẻ cũng tiếp tục dày công tập hợp thông tin tư liệu cung cấp cho thí sinh toàn cảnh xu hướng chọn ngành, chọn trường của thí sinh trong những năm qua. Bằng những phương pháp thống kê, phân tích khoa học, các chuyên gia sẽ mang đến nhiều thông tin đắt giá cùng những biểu đồ minh họa, giúp thí sinh dễ dàng nhận diện các trường, ngành học phù hợp với mình. Thí sinh quan tâm tới những ngành có nhiều cơ hội việc làm, muốn biết những ngành nghề đang bị cảnh báo dư thừa nguồn nhân lực trong tương lai gần cũng sẽ tìm thấy thông tin này trong cẩm nang. Cẩm nang cũng đăng tải những bài viết tái hiện công việc cụ thể của những ngành nghề đang được các bạn trẻ quan tâm.

Bên cạnh đó nhiều bài viết của các chuyên gia không chỉ giúp thí sinh định hướng năng lực của mình chính xác hơn, mà qua đó các bạn còn tìm thấy sự tư vấn cũng như sẻ chia những tâm tư mùa thi, dinh dưỡng thế nào là hợp lý trong những ngày ôn luyện, học các môn như thế nào cho phù hợp.. . Thông qua hướng dẫn của các thầy cô, của các thủ khoa mùa thi trước.. . Cẩm nang còn nhiều thông tin liên quan trực tiếp đến việc thi cử của thí sinh như nhận định đề thi, bí quyết làm bài các môn, các thông tin về học phí, vay vốn học tập.. . Dự kiến cẩm nang sẽ phát hành vào tháng 2-2016 trên các sạp báo toàn quốc.




Trải nghiệm làm nông dân:


Đó là chương trình giáo dục kỹ năng sống do Trường THPT Lê Quý Đôn (TP. HCM) Vừa tổ chức cho 431 học sinh khối lớp 10 của trường tham gia. Tại vườn ươm Đông Thạnh, quận 12, các học sinh đã cùng nhau nhặt cỏ, làm vệ sinh cho đất; Cuốc, xới đất rồi ươm cây, trồng cây dưới sự hướng dẫn của nhân viên vườn ươm Đông Thạnh và giáo viên môn sinh vật, địa lý. Sau hai ngày trải nghiệm làm nông dân, khi về trường, học sinh sẽ viết bài thu hoạch và thuyết trình về chuyến đi thực tế trên. Theo cô Đỗ Thị Bích Duyên, hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn: “Với mục tiêu giáo dục học sinh trở thành người tự tin và phát triển toàn diện, ngoài việc cho học sinh có sự trải nghiệm về thiên nhiên, nhà trường còn tổ chức cho học sinh đi bán hàng tại siêu thị, nhặt rác ở công viên, đi tuyên truyền cho người dân tại những ngã tư về việc tắt máy xe khi chờ đèn đỏ.. .”.




(Tổng hợp theo ND, TP, TN, TT)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đề tài: Hoạt động marketing của công ty cổ phần bút bi Thiên Long

Đề tài: Hoạt động marketing của công ty cổ phần bút bi Thiên Long Mục Lục Lời mở đầu Chương I : Phân tích kết quả kinh doanh của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long I. Kết quả kinh doanh của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long trong thời gian qua II.Đánh giá hoạt động marketing của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long thời gian qua Chương II : Phân tích môi trường marketing của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long I. Phân tích môi trường marketing vĩ mô II.Phân tích môi trường marketing vi mô III. Phân tích môi trường marketing nội bộ IV. Phân tích swot Chương III. Phân đoạn thị trường của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long với sản phẩm bút bi Thiên Long I. Vị trí hiện tại của doanh nghiệp II. Xác định đối tượng khách hàng hay thị trường cần phân đoạn III. Phân chia thị trường theo những tiêu thức thích hợp IV. Đánh giá tiềm năng của các đoạn thị trường V. Lựa chọn các phương thức marketing nhằm khai thác các đoạn thị trường mục tiêu Chương IV. Xác định chiến lược M...

CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KẾT QUẢ HỌC TẬP CỦA HỌC SINH TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRỲ TỈNH CAO BẰNG

LUẬN VĂN THẠC SĨ: CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KẾT QUẢ HỌC TẬP CỦA HỌC SINH TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRỲ TỈNH CAO BẰNG HỌC VIÊN: BẾ THỊ DIỆP – HƯỚNG DẪN KH: TS. NGUYỄN THỊ TUYẾT CHUYÊN NGÀNH: ĐO LƯỜNG VÀ ĐÁNH GIÁO TRONG GIÁO DỤC MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 2. Mục đích nghiên cứu của đề tài 3. Giới hạn nghiên cứu của đề tài 4. Phương pháp nghiên cứu 5. Câu hỏi nghiên cứu, giả thuyết nghiên cứu 6. Khung lý thuyết của đề tài 7. Khách thể và đối tượng nghiên cứu Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 1.1. TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 1.1.1. Các công trình nghiên cứu ở nước ngoài 1.1.2. Các công trình trong nước 1.2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN 1.2.1. Hoạt động học tập trong nhà trường 1.2.2. Loại hình nhà trường PTDTNT 1.2.3. Đặc trưng học sinh THPT DTTS 1.2.4. Các khái niệm công cụ của đề tài 1.3. KẾT LUẬN CHƯƠNG Chương 2: TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU 2.1. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1.1. Tổng thể...

SÁCH TRUNG QUỐC DANH PHƯƠNG TOÀN TẬP

SÁCH THAM KHẢO VỀ Y HỌC PHƯƠNG ĐÔNG TRUNG QUỐC DANH PHƯƠNG TOÀN TẬP Cái truyền lại được của y học nằm lại trong bài thuốc. Cho nên dược học của Đông y dẫu đã trải qua nhiều chìm nổi, biến thiên song không triều đại nào, thòi kỳ nào bị ruồng bỏ, mà trong y học, việc nghiền cứu thảo luận các bài thuốc đã trở thành một chủ đề muôn thuở. Người học không sợ nhiều mà chỉ lo ít, người SƯU tầm chẳng sợ giàu mà chỉ lo còn quá nghèo. Cuốn sách này là công việc của nhiều người tâm huyết với nhiều năm lao động, tập hợp các bài thuốc hay, bất kê kinh phương, thời phương hoặc bí phương, hễ có công dụng lâm sàng tốt, được chấp nhận rộng rãi từ cổ chí kim đều được giới thiệu. Thuốc hay tập hợp hơn nghìn bài lấy công dụng chủ trị làm cương lĩnh, lấy phương tễ làm đề mục. Mỗi phương đều có tên bài, xuất xứ, thành phần, cách dùng, công hiệu, chủ trị, giải thích bài thuốc theo lí luận Đông y, lòi bàn, các bài thuốc cùng tên, các bài thuốc phụ thêm, phân tích, điền lí để sáng rõ. Trong phần ...