ĐIỂM TIN GIÁO DỤC NGÀY 12 THÁNG 01 NĂM 2016
Nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc rất ít người:
Những năm qua, một số địa phương đã thực hiện khá hiệu quả đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người theo quyết định 2123/QĐ-TTg năm 2010, qua đó cơ bản hoàn thành các mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, để duy trì hiệu quả giáo dục vùng dân tộc rất ít người, cần tiếp tục kéo dài các cơ chế, chính sách để trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc rất ít người được học tập, rèn luyện trong môi trường giáo dục bảo đảm chất lượng. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), tính đến hết tháng 10-2015, các địa phương có học sinh dân tộc rất ít người đã xây dựng được 96 phòng học (đạt 89,72% so kế hoạch), 86 phòng công vụ giáo viên (đạt 77,48%). Một số tỉnh như: Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Kon Tum hoàn thành việc xây dựng phòng học và phòng công vụ giáo viên. Năm học 2014-2015, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%, cấp tiểu học đạt 99,77%, THCS đạt 98,83%, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Một số tỉnh tích cực triển khai hiệu quả, nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc rất ít người. Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Điện Biên, Nguyễn Sỹ Quân chia sẻ: Bên cạnh việc tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng phòng học, phòng công vụ giáo viên, sở còn tranh thủ sự giúp đỡ của già làng, trưởng bản, người có uy tín để vận động học sinh đầu cấp, học sinh bỏ học ra lớp. Mặt khác, ngành GD và ĐT tỉnh Điện Biên cũng “cử” học sinh đã tốt nghiệp THCS, THPT, học sinh thành đạt tại địa phương đến nói chuyện với gia đình có học sinh bỏ học về vai trò cần thiết của việc học tập…
Trong khi đó, tại tỉnh Lai Châu hiện có hơn 420 nghìn người chủ yếu là dân tộc thiểu số (chiếm 87,3%), trong đó, có ba dân tộc rất ít người gồm: Cống, Mảng, Si La. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Lai Châu, Hoàng Đức Minh khẳng định: Đề án đã thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc rất ít người. Phần lớn người dân khi được hỏi đều cho rằng, muốn xóa đói, giảm nghèo thì phải đi học. Thực tế cho thấy, từ năm 2010 trở về trước, số lượng học sinh dân tộc thiểu số thi đỗ đại học chỉ đếm trên đầu ngón tay thì đến nay đã có hàng trăm học sinh. Đáng chú ý, đã có học sinh dân tộc rất ít người (Si La, Cống) Thi đỗ đại học chứng tỏ chất lượng giáo dục đã nâng lên rõ rệt. Năm học 2014-2015, Sở GD và ĐT tỉnh Lai Châu đã cử cán bộ, chuyên gia đến 21 trường tiểu học, THCS chất lượng giáo dục còn kém để hướng dẫn giáo viên dạy học. Trước tình trạng học sinh bỏ học, tỉnh Lai Châu đã ban hành khung thời gian năm học cụ thể, chi tiết theo phong tục địa phương. Theo đó, học sinh có thể được nghỉ mùa phụ giúp gia đình và nghỉ Tết theo phong tục đồng bào. Tỉnh cũng thực hiện việc đưa học sinh các lớp 3,4,5 về trung tâm xã học tập; Một số học sinh lớp 1,2 cũng được phụ huynh đồng ý đưa về trường chính học tập nhằm bảo đảm tốt nhất về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên.
Tuy nhiên, quá trình triển khai đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người cũng cho thấy mặc dù cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng, nhưng so với nhu cầu, điều kiện tối thiểu, một số điểm trường ở vùng sâu, vùng xa bếp ăn, nhà ăn, công trình phụ trợ chưa bảo đảm. Trưởng phòng Giáo dục Dân tộc (Sở GD và ĐT tỉnh Hà Giang), Mai Thị Thịnh cho biết: Toàn tỉnh có ba dân tộc rất ít người gồm: Bố Y, Cờ Lao, Pu Péo phân bố tại tám huyện. Mặc dù được đầu tư xây dựng nhưng ở các điểm trường nói chung và điểm trường có học sinh dân tộc rất ít người nói riêng còn nhiều phòng học bán kiên cố, phòng học tạm cần được đầu tư xây dựng. Vụ trưởng Giáo dục Dân tộc (Bộ GD và ĐT) Trần Ngọc Sơn nêu thực trạng một số địa phương chưa hoàn thành việc xây dựng các điểm trường cũng như còn xảy ra tình trạng học sinh các dân tộc rất ít người bỏ học. Nguyên nhân là do một số địa phương khi đề xuất xây dựng các điểm trường chưa khảo sát kỹ, chưa tính đến việc quy hoạch, phát triển mạng lưới trường, lớp học. Tại một số điểm trường xa xôi, giao thông đi lại khó khăn, giá vật liệu xây dựng bị “vênh” so với kinh phí dự tính đã ảnh hưởng đến tính khả thi của công trình. Vấn đề học sinh dân tộc rất ít người bỏ học là do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa quan tâm, tạo điều kiện để con em đi học; Một số học sinh cấp tiểu học, THCS bỏ học do sinh sống xa trung tâm xã, huyện cũng là một rào cản không nhỏ.
Theo Thứ trưởng GD và ĐT Nguyễn Thị Nghĩa: Qua 5 năm triển khai, đề án xây dựng được nhiều phòng học, phòng công vụ giáo viên cũng như hỗ trợ kịp thời chế độ chính sách cho học sinh. Khi xây dựng được những điểm trường khang trang, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp, chất lượng giáo dục đã tăng lên đáng kể. Học sinh mầm non được học hai buổi/ngày ở các thôn bản; Học sinh tiểu học, THCS, THPT học trong trường phổ thông dân tộc bán trú, nội trú. Trước những khó khăn, đề xuất của các địa phương, Bộ GD và ĐT sẽ báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài chính sách đối với học sinh dân tộc rất ít người để các em có điều kiện học tập, rèn luyện trong môi trường giáo dục bảo đảm chất lượng. “Trong 5 năm thực hiện đề án, có 13.655 lượt trẻ em, học sinh, sinh viên dân tộc rất ít người được hưởng chính sách hỗ trợ. Trong đó, tỉnh Hà Giang có 1.951 lượt học sinh, tỉnh Lai Châu 8.085, tỉnh Kon Tum 489, tỉnh Lào Cai 1.064, tỉnh Điện Biên 1.239, tỉnh Nghệ An 827 với tổng kinh phí hơn 110 tỷ đồng” - Trần Ngọc Sơn, Vụ trưởng Giáo dục Dân tộc (Bộ GD và ĐT).
Ngày 11-1, tại Hà Nội, Chương trình Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Tổ chức hội thảo tổng kết hai đợt đánh giá kỹ năng đọc đầu cấp của học sinh tiểu học năm 2013-2014. Giám đốc Chương trình Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP), Trần Đình Thuận cho biết: Được Bộ GD và ĐT phê duyệt với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ, SEQAP đã tổ chức triển khai thành công hai đợt đánh giá kỹ năng đọc của học sinh đầu cấp (EGRA) Trong năm 2013-2014 với tổng số 3.357 học sinh các lớp 1,2,3 của 112 trường tiểu học thuộc sáu tỉnh: Điện Biên, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Trị, Gia Lai và Vĩnh Long. Từ năm 2006 đến nay, EGRA đã được thử nghiệm và triển khai tại hơn 60 quốc gia với hơn 80 ngôn ngữ trên thế giới. Tác dụng can thiệp nhằm nâng cao chất lượng học tập nói chung, kỹ năng đọc của học sinh đầu cấp nói riêng ở các nước triển khai EGRA là rất khả quan.
So với các công cụ đánh giá thực hiện ở Việt Nam trước đây, bộ công cụ EGRA có những điểm khác biệt như: Đánh giá khả năng của học sinh dựa trên kỹ năng chứ không theo chương trình giảng dạy; Tiến hành trên một nhóm học sinh bằng cách kiểm tra vấn đáp từng em trong khoảng thời gian khoảng 15 phút, không phải bài kiểm tra giấy áo dụng cho toàn bộ học sinh trong thời gian hoạch định; Dễ dàng diễn giải kết quả đạt được về kỹ năng của một học sinh ở khối lớp nhất định.. . Theo Giám đốc Chương trình Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) Trần Đình Thuận, điều ngạc nhiên và vui mừng là kết quả đọc từ quen thuộc và đọc thành tiếng của học sinh cao hơn so với chuẩn kiến thức, kỹ năng của Bộ GD và ĐT đề ra cho mỗi lớp. Tuy nhiên, kết quả các phần đọc hiểu, nghe hiểu và nghe - viết (chính tả) Vẫn còn tương đối thấp, đặc biệt đối với học sinh lớp 1.
Tuy nhiên, qua hai đợt đánh giá kỹ năng đọc của học sinh đầu cấp tiểu học (2013,2014) Có một số kiến nghị như đối với chương trình, sách giáo khoa Tiếng Việt các lớp đầu cấp, rà soát các nội dung dạy học trong SGK Tiếng Việt ở các lớp đầu cấp tiểu học theo hướng chú ý nhiều hơn đến các kỹ năng của HS còn hạn chế, như: Đọc hiểu, Nghe hiểu, Đọc tiếng tự tạo và Đọc tên chữ cái. Đối với nhà trường, đầu tư nhiều hơn cho các hoạt động dạy học ở các điểm trường lẻ vì hiện nay kết quả đọc của học sinh điểm trường lẻ chưa theo kịp kết quả đọc của học sinh ở các điểm trường chính. Bên cạnh đó, ở nơi có nhiều học sinh dân tộc ít người, trình độ tiếng Việt của các em còn kém, nếu điều kiện cho phép, nên khuyến khích sử dụng trợ giảng tiếng dân tộc ở các lớp đầu cấp, đặc biệt là lớp 1. Cũng nên khuyến khích giáo viên sử dụng đan xen cả tiếng Việt và tiếng dân tộc trong giảng dạy.
EGRA là công cụ đánh giá các kỹ năng đọc nền tảng cơ bản nhất của học sinh trong ba năm đầu ở cấp tiểu học, được thực hiện với từng em, dưới hình thức phỏng vấn trực tiếp. Ứng dụng của EGRA cho phép thử nghiệm các phương pháp dạy đọc, thay đổi chương trình, sách giáo khoa dạy học và chương trình đào tạo giáo viên, giúp các cơ quan quản lý hoạch định chiến lược nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục tiểu học nói riêng, giáo dục phổ thông nói chung.
Vẫn yêu sử, nhưng chán học qua sách giáo khoa:
Yêu môn Lịch sử nhưng không thích học môn này qua sách giáo khoa (SGK), cần phải đổi mới cả cách dạy lẫn chương trình…, đó là những vấn đề được hàng trăm học sinh yêu sử trên toàn quốc chia sẻ tại Hà Nội ngày 11/1.
Chán học theo SGK!
Đào Duy Tân, học sinh Trường THPT chuyên Thái Bình cho rằng, học sinh kém môn Lịch sử là do cách dạy và cách ra đề theo kiểu “thui chột” kiến thức. Theo bạn Tân ngay trong lớp học của mình, nhiều học sinh bỏ bê môn học này vì giáo viên truyền thụ kiến thức khô khan, mỗi lần thi phải học thuộc để trả bài cho đúng. “Đa số học sinh học Sử kiểu đối phó, kiểm tra, thi cử xong chẳng có tí kiến thức nào đọng lại trong đầu”, Tân nói. Lê Tuấn Hùng học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) Bày tỏ, em đam mê môn Lịch sử nhưng những cuốn sách cuốn hút em lại nằm ngoài chương trình, sách giáo khoa hiện hành. Theo Hùng, đọc hơn 100 trang sách Lịch sử lớp 12 chỉ được vài ba ảnh minh họa đen trắng, số liệu quá nhiều, không để lại ấn tượng gì. “Để thỏa đam mê, em thường đến thư viện, tìm những cuốn viết sâu sắc về những trận đánh trong lịch sử, khi gấp sách lại, cả thế giới hào hùng, bi thương hằn sâu trong tâm trí không dễ gì quên”, Hùng nói. Cô Lê Thị Mỹ Dung, giáo viên dạy Lịch sử Trường THPT Phan Đình Phùng cho biết, đang có dấu hiệu nhiều người coi trọng các môn khoa học tự nhiên, xem nhẹ các môn khoa học xã hội, đặc biệt là môn Lịch sử. Theo cô Dung, nói học sinh quay lưng với môn Sử là không đúng. “Có nhiều em ghi tên mình đăng ký dự thi học sinh giỏi môn Sử nhưng ngay ngày hôm sau đến gặp cô xin…rút vì bố mẹ không cho. Nhiều phụ huynh trao đổi, các trường top đầu không thi môn Sử. Lựa chọn môn học này sau khi ra trường khó kiếm việc làm có thu nhập cao”, cô Dung nói.
Đưa Lịch sử vào đời sống.. .
Theo bố mẹ chuyển từ Tây Ban Nha sang Việt Nam sinh sống từ nhỏ, Rufino Aybar, học sinh lớp 11D1 THPT Phan Đình Phùng chia sẻ, trước đây bạn rất ngưỡng mộ chiến tích đánh thắng các nước lớn của Việt Nam qua phim tư liệu. Niềm ngưỡng mộ đó khiến em yêu thích môn Lịch sử, coi môn học này quan trọng nhất nhưng dường như xung quanh không phải ai cũng nghĩ vậy. Khi Bộ GD&ĐT có đề án đưa môn Sử thành môn phụ, em đã rất thất vọng. Rufino mong muốn, sử dụng nhiều tư liệu, phim ảnh để dạy học thay vì đọc thuộc các con số.
Từng đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử, Nguyễn Đức Mạnh, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) Cho rằng, ngành giáo dục cần học cách dạy Sử thấm tự nhiên vào học sinh bằng nhiều phương pháp. Mạnh chia sẻ, khi sang Singapore, ở những bức tường lớn, đất nước này in nhiều hình ảnh, lịch sử của những người hùng đối với đất nước như ông Lý Quang Diệu… Hoàng Thị Thiết, Trường THPT Mường Kim (Lai Châu) Đề nghị, kiến thức về Hoàng Sa, Trường Sa phải được đưa nhiều hơn vào chương trình sách giáo khoa. Theo Thiết, hiện nay, đa số thông tin về Trường Sa, Hoàng Sa, về biển học sinh phải cập nhật qua báo đài trong khi sách giáo khoa, chương trình học lại không viết, giáo viên cũng ít đề cập. “Chỉ khi có nhiều hiểu biết, học sinh mới hun đúc được tình yêu thương và quyết tâm giữ gìn từng tấc đất, tấc nước của dân tộc”, Thiết khẳng định. TS Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội đánh giá: Học sinh chỉ ra những nguyên nhân môn học trở nên khó nhằn rất sát thực tế và cho thấy các em rất yêu lịch sử. Ngành giáo dục cần thiết phải đổi mới sách giáo khoa, chương trình dạy học. Theo TS Giang, trong ít năm tới, nên tổ chức thi theo hướng đánh giá năng lực, tổng hợp kiến thức đa ngành hơn là thi theo khối ngành A, B, C, D. Khi đó, buộc học sinh phải học tất cả các môn.
Cuộc thi Tự hào Việt Nam là cuộc thi trực tuyến thu hút 310.850 thí sinh trên cả nước tham gia thi tìm hiểu về văn hóa, lịch sử dân tộc. Cuộc thi do T. Ư Đoàn, Bộ GD&ĐT tổ chức, đến nay lựa chọn 85 thí sinh xuất sắc vào vòng chung kết diễn ra từ ngày 11-13/1 tại Hà Nội. Ban tổ chức sẽ trao gần 40 giải thưởng cho các đơn vị, cá nhân đạt giải trị giá hàng trăm triệu đồng.
Đại học FPT tuyển sinh năm 2016 như thế nào:
Mới đây, Đại học FPT công bố phương thức tuyển sinh hệ đại học chính quy năm 2016. Theo đó, năm nay, trường áp dụng thêm hình thức tuyển sinh dựa vào việc xét tuyển học bạ THPT. Năm 2016, Đại học FPT tiếp tục tổ chức kỳ thi tuyển sinh đầu vào theo hình thức trắc nghiệm và viết luận. Kỳ thi diễn ra vào ngày 15/5/2016 với điểm mới là 100% thí sinh sẽ làm bài thi trên máy tính. Phó Hiệu trưởng Trường Đại học FPT, Trần Ngọc Tuấn cho biết, năm 2016 Đại học FPT nâng cao chất lượng kỳ thi đầu vào bằng việc triển khai cho 100% thí sinh làm bài thi trên máy tính. “Đây cùng là hình thức thi tuyển phù hợp với xu hướng tin học hóa đang ngày càng phát triển trong giáo dục Việt Nam”, ông Tuấn nói. Chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến của trường là 2.000 sinh viên cho 9 chuyên ngành gồm Kỹ thuật phần mềm, An toàn thông tin, Công nghệ thông tin, Marketing, Tài chính quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nhật và Thiết kế đồ họa. Trong đó Kinh doanh quốc tế và Công nghệ thông tin là hai ngành mới, được Đại học FPT chính thức tuyển sinh từ năm 2016. Đối tượng tuyển sinh là thí sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc sẽ tốt nghiệp THPT năm 2016. Hạn đăng ký xét tuyển đến hết ngày 11/5/2016. Thí sinh có thể đăng ký vào Trường Đại học FPT theo 1 trong 2 cách: Đăng ký trực tiếp tại các văn phòng tuyển sinh hoặc gửi hồ sơ qua bưu điện. Thí sinh có thể đăng ký và nộp hồ sơ trực tuyến tại website daihoc. Fpt. Edu. Vn.
Thí sinh thuộc các đối tượng sau sẽ được miễn thi đầu vào của Trường Đại học FPT: Thuộc diện được tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh Đại học, cao đẳng hệ đại học chính quy của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) Năm 2016; Tổng điểm 3 môn đạt từ 21 điểm trở lên (đã bao gồm điểm ưu tiên) Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 theo tổ hợp môn tương ứng với ngành đăng ký học tại Trường Đại học FPT; Điểm trung bình cộng 3 môn từ 7.0 điểm trở lên (theo tổ hợp môn tương ứng với ngành đăng ký học tại Trường Đại học FPT) Trong 05 học kỳ (lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) Theo kết quả Học bạ THPT; Thí sinh là học sinh Trường THPT FPT: Có điểm trung bình cộng 3 môn từ 6.5 điểm trở lên (theo tổ hợp môn tương ứng với ngành đăng ký học tại Trường Đại học FPT) Trong 05 học kỳ (lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) Theo kết quả Học bạ THPT; Đạt giải cấp thành phố cuộc thi Violympic năm 2015,2016; Vào vòng 2 cuộc thi Alice hoặc Scratch 2015; Chuyên ngành Ngôn ngữ Anh: Có chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT từ 80 hoặc IELTS từ 6.0 hoặc quy đổi tương đương; Chuyên ngành Ngôn ngữ Nhật: Có chứng chỉ tiếng Nhật JLPT từ N3 trở lên.
Năm 2016 Đại học FPT tiếp tục cấp 200 suất học bổng bao gồm các mức: Học bổng 140% (bao gồm toàn bộ học phí và sinh hoạt phí trong suốt 4 năm học tại trường); Học bổng toàn phần 100% học phí (bao gồm cả khóa học tiếng Anh dự bị); Học bổng bán phần từ 70% - 50% học phí (bao gồm cả khóa học tiếng Anh dự bị) Trong suốt 4 năm theo học tại trường. Theo đó, các thí sinh đáp ứng một trong các tiêu chí: Thí sinh đạt giải học sinh giỏi Quốc tế, Quốc gia các môn Toán, Lý, Hoá, Tin, Anh; Thí sinh có thành tích học tập xuất sắc ở bậc THPT; Thí sinh đạt các giải thưởng cấp quốc gia các cuộc thi năng khiếu, nghệ thuật, thể thao, văn hoá, sắc đẹp,… có thể nộp hồ sơ nhập học ngay từ bây giờ cho đến hết ngày 11/05/2016.
Hơn 2.000 việc làm thêm dịp tết cho sinh viên:
Hàng nghìn việc làm mùa vụ tết hấp dẫn đang chờ đợi các ban sinh viên. Ngày 12.1, Anh Nguyễn Trọng Hoàng - Trưởng phòng hỗ trợ đời sống sinh viên thuộc Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP. HCM, cho biết trung tâm đang có nhu cầu tuyển gấp 450 sinh viên nam làm công việc bảo vệ Đường hoa thành phố dịp Tết nguyên đán Bính Thân năm 2016 và các sự kiện diễn ra tại TP. HCM từ ngày 26.1 đến ngày 13.2. Theo đó, sinh viên làm việc theo ca (8 giờ/ca); Thu nhập ngày thường 20.000 đồng/giờ; Ngày tết 27.000 đồng/giờ (bao cơm). Bên cạnh đó, thông qua Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP. HCM, hiện có 86 đơn vị doanh nghiệp đăng ký tuyển gấp sinh viên đảm nhận 1.890 đầu việc (thu nhập trung bình từ 15.000 đồng - 50.000 đồng/giờ hoặc 140.000 đồng - 300.000 đồng/ngày, tùy theo thời điểm và tính chất công việc). Những việc được tuyển dụng nhiều là: Nhân viên thu ngân tại các siêu thị, phụ kho, giao hàng, gói quà tết, phục vụ nhà hàng, phụ bếp, giữ xe, bảo vệ, dọn nhà, trực tổng đài chăm sóc khách hàng… Để biết thêm chi tiết, liên hệ trung tâm trên tại 33 Nguyễn Thị Minh Khai, Q. 1; ĐT: 08.38274706 (gặp anh Trọng Hoàng).
Trên 3.300 học sinh được khảo sát ở sáu tỉnh thành trong hai năm 2013-2014 để có kết quả đánh giá nói trên về khả năng đọc của học sinh tiểu học ở nhiều phương diện. Ngày 11-1, chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (Bộ GD-ĐT) Đã công bố kết quả khảo sát này. Năm 2013, phạm vi khảo sát ở 40 trường thuộc các tỉnh Điện Biên, Gia Lai, Nghệ An, Vĩnh Long với 1.200 học sinh lớp 1 và lớp 3. Năm 2014, khảo sát tại 72 trường với 2.360 học sinh lớp 1 và 2 của sáu tỉnh. Ngoài các tỉnh đã khảo sát năm 2013, có thêm Quảng Trị, Lào Cai. Kết quả khảo sát cho thấy học sinh các lớp 1,2,3 có tiến bộ đồng đều ở tất cả các kỹ năng, nhưng mức độ khác nhau giữa các nhóm học sinh có hoàn cảnh gia đình, điều kiện giáo dục khác nhau. “Hai kỹ năng tỏ ra khó đối với học sinh là đọc tên chữ cái và đọc tiếng tự tạo. Chứng tỏ học sinh chưa thành thạo các nguyên tắc ghi âm bằng chữ viết và kỹ năng giải mã tiếng - từ. Đáng chú ý là kết quả đọc hiểu, nghe hiểu (viết chính tả) Của học sinh còn tương đối thấp, nhất là lớp 1” - PGS. TS Vũ Thị Thanh Hương, đại diện chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học thực hiện khảo sát nói trên, cho biết.
5 chương trình đào tạo của trường ĐH Việt Nam được Mỹ công nhận:
Sáng nay 12.1, Trường ĐH Hoa Sen đã công bố 5 chương trình đào tạo được kiểm định bởi tổ chức ACBSP (Mỹ). Năm ngành được công nhận kiểm định thuộc khoa Kinh tế - Thương mại, gồm: Marketing, Quản trị kinh doanh, Quản trị nhân lực, Kế toán, Tài chính - ngân hàng. Đây là trường ĐH đầu tiên tại Việt Nam tham gia và đạt được các tiêu chí của ACBSP. ACBSP (viết tắt của Accreditation Council for Business Schools and Programs - Hội đồng Kiểm định các trường và chương trình đào tạo về kinh doanh) Là một tổ chức kiểm định chuyên ngành nhằm đánh giá chất lượng và tính chính trực của chương trình đào tạo có cấp bằng về kinh doanh. Tại Mỹ, ACBSP và AACSB là 2 tổ chức kiểm định chuyên ngành kinh doanh có uy tín nhất. Để được chứng nhận chất lượng, các trường ĐH thường phải vượt qua các thủ tục và quy trình kiểm định chặt chẽ, trong đó có cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo, quy trình quản lý, chất lượng đầu ra, dịch vụ hỗ trợ sinh viên… Theo tiến sĩ Nguyễn Thiên Phú - Phó trưởng khoa Kinh tế - Thương mại, khoa này bắt đầu là một ứng cử viên của ACBSP từ năm 2013. Sau 3 năm chuẩn hóa chương trình đào tạo, đội ngũ giáo viên… để hoàn chỉnh hồ sơ, 5 ngành trên đã chính thức được tổ chức này công nhận. Được biết, hoạt động kiểm định này diễn ra liên tục, cứ 2 năm một lần trường phải thực hiện báo cáo tự đánh giá và đến năm thứ 10 sau khi được công nhận lần đầu, trường phải tiếp đoàn đánh giá một lần nữa để được công nhận trong 10 năm kế tiếp.
Đức tuyển 8.500 giáo viên dạy tiếng Đức cho trẻ em tị nạn:
Tại Đức, hơn 8 nghìn “lớp học đặc biệt” đã được tạo lập để giúp trẻ em tị nạn bắt kịp các bạn đồng trang lứa, cùng với đó, 8,5 nghìn giáo viên được tuyển dụng để dạy tiếng Đức cho các em. Đã có khoảng 196.000 trẻ em tị nạn đến từ các quốc gia chiến tranh, nghèo đói gia nhập vào hệ thống trường học ở Đức trong năm 2015.8264 “lớp học đặc biệt” đã được lập ra để giúp các em bắt kịp các bạn đồng trang lứa. Quốc gia này cũng đã tuyển dụng 8.500 giáo viên để dạy tiếng Đức cho những trẻ em tị nạn. Cơ quan giáo dục của Đức cho biết 325.000 trẻ em trong độ tuổi đi học đã đến các nước EU vào năm 2015, trong cuộc khủng hoảng nhập cư châu Âu được cho là tồi tệ nhất kể từ chiến tranh thế giới thứ hai. Tại Đức, dự tính đã có hơn một triệu người tị nạn trong năm 2015, nhiều hơn gấp năm lần so với năm 2014, đặt hệ thống giáo dục Đức vào sự căng thẳng trong khả năng cung cấp dịch vụ cho những người mới đến. Trường học và hệ thống giáo dục chưa bao giờ đối mặt với một thách thức như vậy,” Brunhild Kurth, người đứng đầu các cơ quan giáo dục cho biết”. Heinz-Peter Meidinger, người đứng đầu của công đoàn giáo viên Đức cho biết Đức sẽ cần thêm tới 20.000 giáo viên.
(Tổng hợp theo ND, TP, TN, TT)
Nhận xét
Đăng nhận xét