ĐIỂM TIN GIÁO DỤC NGÀY 04 THÁNG 01 NĂM 2016
Một học sinh “gánh”.. . 3 chương trình tiếng Anh:
Theo lộ trình của Đề án Ngoại ngữ quốc gia (gọi tắt là đề án Ngoại ngữ 2020), năm học 2018-2019,100% học sinh từ lớp 3 sẽ được học ngoại ngữ theo chương trình chuẩn của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, đến nay các thành phố lớn như Hà Nội, số lượng giáo viên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều học sinh đã đồng thời phải gánh tới 3 chương trình tiếng Anh... Hầu hết học sinh trong các trường học của Hà Nội hiện nay đang phải cùng lúc theo học nhiều chương trình tiếng Anh khác nhau như Chương trình tiếng Anh của Bộ, chương trình tiếng Anh liên kết và chương trình tại các trung tâm mà phụ huynh cho con em học thêm… Chị Nguyễn Thị Hòa, phụ huynh của một học sinh lớp 8 cho hay, con chị hiện đang theo 3 chương trình học tiếng Anh gồm chương trình của Bộ GD&ĐT, chương trình liên kết với trường và chương trình học thêm ở trung tâm. Bỏ thêm tiền triệu mỗi tháng để con đi học tiếng Anh ngoài chương trình nhưng chị Hòa không biết con mình đang học gì, học đến đâu vì vợ chồng chị đều kém tiếng Anh. Chị Hòa chỉ biết, đến kỳ đóng tiền học thêm tiếng Anh liên kết mỗi tháng 220.000 đồng và đưa đón con đi học ở các trung tâm theo thời khóa biểu.
Băn khoăn chất lượng...
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, đến năm 2015-2016 có khoảng 70% số trường triển khai dạy ngoại ngữ theo chương trình mới. Mục tiêu đến năm 2018-2019, tất cả học sinh từ lớp 3 của Hà Nội sẽ được học tiếng Anh 4 tiết/tuần. Tuy nhiên, trên thực tế, theo phản ánh của nhiều phụ huynh, đa số các trường tại Hà Nội đều đang dạy chương trình chính thống với khoảng 1-2 tiết/tuần, còn lại liên kết thêm với các trung tâm Anh ngữ ở ngoài để tăng thời lượng tiết học. Các trung tâm được trường liên kết cũng rất đa dạng, số tiền phụ huynh phải đóng cũng khác nhau, dao động từ 100.000 đồng - 600.000 đồng/tháng. Hiệu trưởng một trường tiểu học thuộc quận Đống Đa (Hà Nội) Cho biết, trường có nhiều năm thực hiện chương trình dạy tiếng Anh liên kết với trung tâm. Với thời lượng 2 tiết/tuần, mỗi học sinh chỉ phải đóng thêm 150.000 đồng/tháng. “Chương trình học do giáo viên bản ngữ đứng lớp, học sinh được rèn cách phát âm chuẩn và phong thái tự tin trong giao tiếp khiến học sinh rất hứng thú”, bà hiệu trưởng nói. Vị hiệu trưởng này cũng cho rằng, chương trình học liên kết rất có lợi cho học sinh bởi với chương trình của Bộ GD&ĐT học sinh học nặng ngữ pháp, không giao tiếp được nhiều. Điều đáng nói, dù chương trình liên kết dạy học tiếng Anh là chương trình tự nguyện, tuy nhiên ở hầu hết các trường hiện nay, đa số học sinh đều đăng ký theo học chương trình này. Một phụ huynh khác chia sẻ, lớp học hơn 50 học sinh nên dù có giáo viên bản ngữ, cả buổi con cũng không được gọi đến tên. Vì thế, mất cả nửa ngày thứ 7 đưa con đến trường học chương trình liên kết nhưng gia đình vẫn phải ngậm ngùi nộp tiền cho con học thêm ở trung tâm bên ngoài để con được theo lớp ít học sinh, chất lượng hơn.
Nhiều sinh viên dân tộc nhận học bổng tài năng âm nhạc Toyota:
Quỹ Toyota Việt Nam (TVF) Và Công ty Ôtô Toyota Việt Nam (TMV) Phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa trao học bổng cho các học sinh, sinh viên xuất sắc của 5 trường đào tạo âm nhạc trên cả nước. Lần này, 54 học bổng được trao cho các học sinh, sinh viên thuộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc. Trong số 9 sinh viên thuộc trường Cao đẳng VHNT Tây bắc, 8 sinh viên trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc nhiều em là người dân tộc Mông, Tày, Thái. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập TMV, với mục đích hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các tài năng âm nhạc trẻ, mỗi suất học bổng năm nay được tăng giá trị từ 4 triệu đồng lên 6 triệu đồng, đưa tổng giá trị học bổng của chương trình năm nay lên tới 510 triệu đồng. Chương trình Học bổng Toyota hỗ trợ tài năng trẻ âm nhạc Việt Nam được Quỹ Toyota Việt Nam thực hiện thường niên kể từ năm 2009 nhằm hỗ trợ các tài năng trẻ được thực hành nhiều hơn; Tạo điều kiện cho các sinh viên xuất sắc có nhiều cơ hội được tập luyện, biểu diễn cùng những dàn nhạc chuyên nghiệp, góp phần thúc đẩy hoạt động giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho nền âm nhạc Việt Nam.
Nhiều sinh viên được nhận học bổng Toyota cũng đã giành được nhiều giải thưởng cao quý tại các cuộc thi âm nhạc quốc tế như: Pianist Đỗ Hoàng Linh Chi, Phan Thiên Bạch Anh, Nguyễn Thế Vinh, violinist Hoàng Hồ Khánh Vân; Nhiều em cũng đã nhận được các học bổng du học tại các nước có nền âm nhạc tiên tiến như Mỹ, Nhật, Châu Âu. Năm 2015 có 85 suất học bổng được trao cho các học sinh, sinh viên trường nhạc. Trước đó, lễ trao học bổng cho 16 học sinh, sinh viên tại khu vực phía nam và 15 học sinh, sinh viên tại khu vực miền Trung được tổ chức tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, Học viện Âm nhạc Huế vào ngày 15 và 18/12/2015.
Trường học, giáo viên đi sau đổi mới giáo dục:
Theo kế hoạch, bắt đầu từ năm học 2018 - 2019 sẽ chính thức áp dụng chương trình - sách giáo khoa mới. Tuy nhiên, đến thời điểm này nhiều trường sư phạm vẫn chưa xác định sẽ đổi mới như thế nào. Giáo sinh không có thông tin còn giáo viên dường như đứng ngoài với những đổi mới đang diễn ra.
Trường địa phương tự... bơi!
Từ nhiều năm nay, các trường CĐ sư phạm (SP) Địa phương hoạt động khá chật vật khi nguồn tuyển ngày càng cạn. Vì thế các trường thu hẹp chỉ tiêu tuyển mới, trọng tâm cho hoạt động chuyên môn được chuyển dần sang đào tạo lại và bồi dưỡng giáo viên. Tuy nhiên, hiện nay các trường chưa biết đào tạo lại và bồi dưỡng giáo viên (GV) Những gì khi nội dung chương trình mới còn chưa rõ. Hầu hết các trường vẫn sử dụng các tài liệu cũ để đào tạo sinh viên cũng như bồi dưỡng GV. Ông Vũ Văn Dương, Hiệu trưởng Trường CĐSP Cao Bằng, chia sẻ: “Bộ GD-ĐT nói các trường chủ động thay đổi chương trình đào tạo để GV ra trường là thích ứng được với chương trình mới nhưng chúng tôi thấy chưa có cơ sở để làm điều này. Chí ít chúng tôi phải thấy được nội dung chương trình mới thì mới làm được, nếu không thì Bộ cũng nên có một định hướng rõ hơn. Vì thế các trường SP địa phương vẫn đang chờ. Trường tôi cũng chỉ đạo GV tự tìm hiểu trên mạng, nhưng anh em nói là vẫn mông lung lắm”. Còn PGS-TS Cao Văn, Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương (Phú Thọ), cho biết: “Với trình độ CĐ, chúng tôi vẫn duy trì việc đào tạo theo chuyên môn kép như trước đây, chẳng hạn SP văn - sử, hoặc hóa - sinh, toán - lý, lý - hóa…”. Lãnh đạo Trường ĐH Thủ đô (tiền thân là Trường CĐSP Hà Nội) Cho biết cái khó là Bộ vẫn tập trung quan tâm tới những trường trọng điểm, còn với các trường SP địa phương thì Bộ có quan điểm là triển khai ở phần sau - tức bồi dưỡng GV. “Tuy nhiên, chúng tôi đã tìm cách tận dụng các mối quan hệ của mình để “đẩy” cán bộ, giảng viên tham gia tích cực vào việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa của Bộ”, TS Đỗ Hồng Cường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô, thông tin. Đây cũng là một trong số rất ít trường SP địa phương thực hiện được chương trình đào tạo mới cho SV mới vào trường từ khóa 2015 - 2016 nhưng lại phải thực hiện trong cái vỏ cũ. “Chẳng hạn sẽ phải cấp bằng cử nhân SP vật lý trong khi chuẩn đầu ra là những sinh viên được trang bị khối kiến thức trong lĩnh vực khoa học tự nhiên”, ông Cường nói.
Giáo sinh chưa được chuẩn bị kỹ!
Trong khi đó, giáo sinh dường như luôn nằm ngoài những chủ trương, dự án dạy học mới. “Những buổi hội thảo triển khai chương trình - sách giáo khoa, đổi mới giáo dục được tổ chức ở trường nhưng thường mang tầm vĩ mô dành cho nhiều quan chức, các thầy cô chứ hầu như sinh viên, những giáo viên tương lai không được tham gia để hiểu, chuẩn bị những kiến thức về chương trình mới”, D. L (sinh viên tốt nghiệp năm 2015 Trường ĐH SP TP. HCM) Cho biết. Khi chúng tôi đặt câu hỏi về chương trình sách giáo khoa mới, tích hợp, L. Còn lơ mơ hơn và nói: “Em nghĩ tích hợp là trộn các môn học lại với nhau”. L. Cũng thẳng thắn: “Đó là những gì em nghe lỏm trong lúc làm tiếp tân cho những hội thảo ở trường chứ chưa từng chính thức được nghe giới thiệu hay phổ biến. Nghe nói 3 năm nữa sẽ dạy chương trình - sách giáo khoa mới nhưng ở trường chúng em chưa từng một lần được nghe giới thiệu hay học một chút gì liên quan”.
Nguyên phó hiệu trưởng một trường THPT công lập tại Q. 10, TP. HCM cho biết, theo dõi sát việc thực tập của giáo sinh sư phạm thấy vẫn còn nhiều điều lo lắng, giáo sinh tiếp thu tốt, có năng lực nhưng kỹ năng ứng xử, kỹ năng SP còn thiếu nhiều. “Một sinh viên học khoa quản lý giáo dục, khi tôi hỏi học ngành này ra trường làm gì, các em bảo ra làm giám thị!”, vị này nói. Ông Trần Hữu Hòa, Phó hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie (TP. HCM), cũng cho biết hiện nay các trường phổ thông đang chuẩn bị đổi mới toàn diện vào năm 2018, phương pháp dạy học thay đổi nhiều nhưng hình như sinh viên các trường ĐH, CĐ SP chưa được chuẩn bị kỹ lắm. “Nếu chỉ yêu cầu các em cầm cục phấn, đào tạo kỹ năng SP thì lại đi vào lối mòn của chúng tôi. Các em hiện nay đạo đức tốt, kiến thức giỏi, nhiệt tình, tham gia hoạt động tốt hơn ngày xưa. Được chuẩn bị tốt cho sự đổi mới, các em mới đáp ứng được nhu cầu của thời buổi này”, ông Hòa nói. Thạc sĩ Nguyễn Thị Hương, Khoa Giáo dục - Chính trị, Trường ĐH SP Đà Nẵng, cho biết: “Nói đúng ra là những năm gần đây các trường đào tạo SP có chuyển biến. Một số trường còn có hoạt động rèn luyện thường xuyên cho sinh viên, giúp đa số giáo sinh có sự tự tin, sử dụng hợp lý phương pháp giảng dạy. Tuy nhiên, điểm vênh nhau giữa trường SP và trường phổ thông vẫn còn nhiều. Nhất là những đổi mới trong giảng dạy thì phần lớn giáo sinh phải về trường mới được tiếp xúc. Riêng chương trình tích hợp, vừa qua 7 trường SP trọng điểm đều đã có chương trình cứng để giảng dạy, với 70% nội dung do Trường ĐH SP Hà Nội cung cấp, 30% do các trường chủ động. Tuy nhiên, sinh viên có thành thạo điều này hay không phải chờ kết quả trong thời gian tới”.
Sinh viên chưa được học nhiều về nghiệp vụ sư phạm...
Kết quả khảo sát về chương trình thực tập SP do thạc sĩ Nguyễn Thị Hương, Khoa Giáo dục - Chính trị Trường ĐH SP Đà Nẵng, công bố tại một cuộc hội thảo giáo dục vào tháng 8.2015 cho thấy có những bất cập: Trong 130 - 135 tín chỉ mà sinh viên SP phải tích lũy, học phần nghiệp vụ SP chỉ có khoảng từ 23 - 27 tín chỉ. Thời gian bố trí kế hoạch chương trình thực tập chưa phù hợp. Đáng lẽ phải thực tập từ năm thứ hai thay vì ở năm thứ ba như hiện nay. Kiến thức được học trong trường ĐH và thực tế ở trường phổ thông có khoảng cách, sự phối hợp giữa trường ĐH và trường phổ thông còn thiếu chặt chẽ, việc đánh giá thực tập SP của giáo sinh còn gặp nhiều điều bất cập, hệ thống cơ sở vật chất ở các trường THPT vẫn còn hạn chế.. .
Hàng tỉ đồng của giáo viên đi đâu:
Hàng trăm giáo viên các trường học trên địa bàn huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) Đang mòn mỏi đợi các khoản thanh toán theo chế độ như tiền hỗ trợ lần đầu dành cho giáo viên vùng đặc biệt khó khăn, công tác phí, tiền tập huấn, tăng lương.. . Giải trình với UBND huyện, lãnh đạo phòng giáo dục nói chưa nhận được tiền, trong khi đó đơn vị tài chính lại phản ứng ngược lại.
3 năm đi dạy vẫn chưa nhận được tiền!
Theo Phòng giáo dục huyện Ia Grai, từ tháng 1-2012 đến nay, số giáo viên nhận công tác tại các trường vùng ba, trường thuộc diện khó khăn toàn huyện là 89 người. Trong số này có 15 giáo viên mầm non, 52 giáo viên tiểu học và 22 giáo viên cấp trung học cơ sở. Theo quy định, số thầy cô giáo này khi nhận công tác sẽ được nhận trợ cấp một lần bằng 10 tháng lương tối thiểu chung, thời gian nhận chế độ phải được thực hiện ngay khi có quyết định công tác, tổng số tiền phải chi cho 89 giáo viên này gần 1 tỉ đồng. Thế nhưng, suốt ba năm nay, toàn bộ 89 giáo viên vùng xa của huyện Ia Grai vẫn chưa nhận được khoản tiền nào. Cô N. T. V. - giáo viên một trường giáp biên giới của huyện - buồn rầu: “Từ ngày nhận công tác đến nay tôi chỉ được trả lương, đi hỏi tiền chế độ một lần cho giáo viên vùng xa thì nhà trường trả lời huyện chưa cấp kinh phí. Trong khi đó giáo viên ở những vùng đặc biệt khó khăn như chúng tôi ở đây cần đủ thứ để chi tiêu khi mới về nhận công tác, cuộc sống hằng ngày hết sức khó khăn, điều kiện thiếu thốn”.
Một giáo viên khác ở xã Ia Chía cho biết: “Lúc quyết định xin về vùng xa, nhiều giáo viên như chúng tôi cũng rất mong có khoản hỗ trợ ban đầu để ổn định cuộc sống, mua sắm phương tiện để vào làng đi dạy, nhưng từ khi về đây đến nay chưa thấy được chi trả. Trong khi chúng tôi hằng ngày phải đi mua nước để dùng, thức ăn ở vùng xa đắt đỏ gấp hai ba lần ở bên ngoài nên chi tiêu tăng vọt, giáo viên đợi tiền hỗ trợ một lần nhưng đợi mãi vẫn không thấy”. Không chỉ tiền trợ cấp một lần mà nhiều giáo viên ở các trường của Ia Grai cũng cho biết các khoản thanh toán theo chế độ như tiền tăng giờ học kỳ 2 năm học 2014-2015, tiền tập huấn từ năm 2014, tiền hỗ trợ vé tàu xe cho các cán bộ viên chức hè năm 2015.. . Đến nay vẫn chưa được thanh toán. Một giáo viên bức xúc kể đã gần một năm nhưng rất nhiều giáo viên ở huyện vẫn chưa nhận được khoản tiền tăng giờ trong học kỳ 2 năm học 2014-2015. Các giáo viên khác cũng phản ảnh hiện nay các khoản thanh toán như tiền hỗ trợ tàu xe đi nghỉ hè, tiền tập huấn theo chế độ năm 2015 với tổng số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng đang bị Phòng giáo dục huyện Ia Grai giữ lại, chưa thanh toán cho giáo viên.
Tiền đang ở đâu!
Lý giải về các khoản tiền theo chế độ đến nay phòng vẫn chưa thanh toán cho giáo viên, ông Nguyễn Quang Thuấn - trưởng Phòng giáo dục huyện Ia Grai - cho biết đang rà soát lại hồ sơ, số lượng giáo viên chưa được thực hiện chế độ để quyết toán. Theo ông Thuấn, hầu hết các khoản như chế độ hỗ trợ một lần cho giáo viên, chế độ tăng giờ với tổng số tiền lên tới nhiều tỉ đồng hiện nay giáo viên chưa được phòng tài chính kế hoạch quyết toán. Riêng các khoản phụ như hỗ trợ vé tàu xe đi về hè, tiền đi tập huấn.. . Do hồ sơ chứng từ của một số cán bộ giáo viên chưa rõ ràng nên phòng cần có thêm thời gian để kiểm tra, đối chứng lại, tránh chứng từ khống. Trong khi đó ông Bùi Đức Chinh - trưởng Phòng tài chính kế hoạch Ia Grai - cho biết hằng năm ngành giáo dục huyện Ia Grai được cấp kinh phí hoạt động bình quân hơn 170 tỉ đồng, ngoài ra có các khoản chi để phục vụ các công việc đột xuất trong ngành giáo dục. Ông Chinh khẳng định từ năm 2012 đến nay ngân sách hằng năm được giao về phòng đều đã chi đủ, giao đủ và có chứng từ rõ ràng, trong khoản này có gần 1 tỉ đồng tiền trợ cấp một lần cho giáo viên.
“Khoản này chúng tôi đã giao chung trong dự toán, phân bổ ra các mục nhỏ chi vào đâu, chi như thế nào nhưng đến nay phòng giáo dục lại nói rằng chưa nhận được. Chúng tôi không biết khoản tiền này đã đi đâu, sử dụng vào mục đích gì”. Về số tiền hơn 7 tỉ đồng chi tăng giờ học kỳ 2 cho giáo viên trong năm học 2014-2015, ông Chinh cũng khẳng định đã giao đủ cho phòng giáo dục, tuy nhiên hiện nay giáo viên lại nói rằng chưa nhận được khiến phòng rất bất ngờ. “Chúng tôi không dại mà giữ lại tiền của Nhà nước giao. Ngoài tiền chi thường xuyên hơn 170 tỉ đồng hằng năm, phòng giáo dục được chi trên dưới 7 tỉ đồng kinh phí đột xuất nhưng không hiểu bên đó quyết toán như thế nào mà luôn kêu thiếu” - ông Chinh nói. Không chỉ nhiều khoản chi có dấu hiệu bất minh, không rõ ràng, mà nhiều cán bộ giáo viên ở Ia Grai cũng cho biết mặc dù các trường có kế toán riêng nhưng toàn bộ hoạt động tài chính của các trường đều do Phòng giáo dục Ia Grai “ôm” hết. “Hằng tháng trả lương cho kế toán để làm gì? Họ chỉ ngồi chơi xơi nước, thu chi thế nào phòng giáo dục quyết định” - một lãnh đạo huyện Ia Grai nói.
10 yêu cầu phát triển văn hóa đọc trong trường học:
Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa có văn bản đưa ra 10 yêu cầu đối với các sở giáo dục để hình thành và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường. Theo văn bản của Bộ GD-ĐT, nhằm phát huy hiệu quả hệ thống thư viện trường học, thúc đẩy phong trào đọc, hình thành thói quen đọc, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng; Đồng thời khuyến khích học sinh tìm hiểu, thực hành các hoạt động nghiên cứu khoa học và vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn, bộ đề nghị các sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo thực hiện 10 nội dung:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và toàn xã hội về tác dụng, ý nghĩa của việc đọc; Nêu gương những điển hình tiên tiến của các tập thể, cá nhân thành đạt nhờ đọc nhiều.
2. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ thư viện đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác tổ chức các hoạt động và quản lý thư viện, góp phần đổi mới hoạt động dạy học của nhà trường.
3. Mở các lớp giáo dục kỹ năng, phương pháp đọc, phương pháp thu thập và xử lý thông tin cho học sinh; Phổ biến kinh nghiệm đọc cho người dân tại trung tâm học tập cộng đồng.
4. Giáo viên các trường mầm non dành thời gian đọc sách, kể chuyện cho trẻ; Đồng thời hướng dẫn và khuyến khích cha mẹ học sinh đọc sách, kể chuyện cho con nghe thường xuyên tại gia đình.
6. Tổ chức thảo luận trong trường, trao đổi với cha mẹ học sinh để thống nhất áp dụng quy định về thời gian đọc sách tại trường (thư viện), ở nhà, trong đó có thời gian cha mẹ đọc sách cùng con; Lựa chọn, giới thiệu những cuốn sách thiết thực, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, phù hợp với mục tiêu giáo dục.
7. Đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động thư viện trường học nhằm tạo môi trường thuận lợi cho học sinh tiếp cận thường xuyên với sách bằng nhiều hình thức như “thư viện xanh”, “thư viện thân thiện”, “thư viện điện tử”,....
8. Xã hội hoá các nguồn lực xây dựng thư viện trường học, huy động cha mẹ học sinh, các tập thể, cá nhân tích cực tham gia xây dựng tủ sách lớp học, tủ sách phụ huynh. Hướng dẫn và tổ chức cho học sinh tự quản lý tủ sách và cho mượn sách.
9. Tổ chức các sự kiện, các hoạt động giao lưu, các cuộc thi, các buổi tọa đàm.. . Nhằm khuyến khích học sinh, người dân đọc sách.
10. Thành lập các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học trong các trường phổ thông với cơ cấu tổ chức linh hoạt, chương trình và hình thức hoạt động đa dạng phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.
Bên cạnh đó, để tăng cường hiệu quả hoạt động của câu lạc bộ, các trường cần chú trọng việc đánh giá học sinh thông qua các dự án học tập, sản phẩm nghiên cứu khoa học, kỹ thuật.. . Thay cho các bài kiểm tra. Cũng tại văn bản này, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ ban hành những quy định mới về tổ chức, hoạt động và tiêu chí đánh giá thư viện trường học; Đề nghị các sở giáo dục và đào tạo thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện và tập hợp những kiến nghị, đề xuất gửi về bộ.
Bình quân mỗi người VN đọc 2,8 cuốn sách trong một năm!
Theo Cục Xuất bản, Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch, bình quân mỗi người Việt Nam đọc được 2,8 cuốn sách và 7,07 tờ báo một năm, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong một báo cáo khác của Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, cho biết, tỷ lệ người hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26%, tỷ lệ người thỉnh thoảng mới cầm một cuốn sách lên để đọc chiếm tới 44%, đọc thường xuyên chỉ chiếm tỷ lệ 30%. Bạn đọc của thư viện chỉ chiếm khoảng 8 - 10 % dân số.
Tốt nghiệp ĐH Sư phạm Huế, thầy Phan Cả (28 tuổi, trú tại Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) Vẫn chưa thể thực hiện ước mơ đứng trên bục giảng nên mở lớp học miễn phí cho trẻ nghèo ngay tại quê mình. Cầm trên tay hai tấm bằng đại học gồm ngành tâm lý giáo dục và giáo dục chính trị của Trường ĐH Sư phạm Huế nhưng thầy Phan Cả vẫn chưa xin được việc làm. Thầy Phan Cả quyết định về quê mưu sinh đủ việc, phụ giúp gia đình. Ước mơ đứng trên bục giảng đành gác lại. Nhưng tình yêu nghề giáo cùng việc muốn giúp đỡ những em nhỏ ở quê trong học tập đã thôi thúc thầy Phan Cả mở lớp dạy học miễn phí tại quê. “Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, mình muốn kèm cặp mấy đứa nhỏ trong thôn học bài. Mình chỉ nghĩ đơn giản vậy thôi. Ban đầu chỉ những em trong xóm đến học. Nhưng sau, mình vận động thêm học sinh và phụ huynh để các em đến lớp đông hơn. Chứ nhiều em gia đình khó khăn, ba mẹ suốt ngày lo mưu sinh nên việc học của con cái không thể quan tâm thấu đáo được”, thầy Phan Cả tâm sự. Lớp học được mở tại một ngôi nhà nhà hoang tại thôn Lương Viên (TT. Phú Đa, H. Phú Vang). Với những chiếc bàn, chiếc ghế và chiếc bảng đen cũ, lớp học bình dị nhưng đầy ắp tiếng cười học sinh. Mỗi tuần bốn buổi, hơn 20 em nhỏ là học sinh từ lớp 1 - 5 trong thôn được anh Cả tận tình hướng dẫn những con chữ, những phép tính. “Lớp học được sự ủng hộ của nhiều người nên mình rất vui. Bàn ghế là do một nhà hảo tâm ủng hộ. Phòng học thì mình mượn một ngôi nhà để trống trong thôn. Lớp học được mở hơn 5 tháng nay, thấy các em ngày càng chăm chỉ, đến lớp đều đặn nên mình càng hứng thú”, thầy Phan Cả nói.
Anh Nguyễn Văn Dũng, Phó bí thư Đoàn TT. Phú Đa (H. Phú Vang) Cho biết: “Lớp học của thầy Phan Cả miễn phí hoàn toàn. Đây là một việc làm ý nghĩa và rất thiết thực. Lớp học được địa phương và phụ huynh rất ủng hộ”. Không chỉ mở lớp dạy học miễn phí, thầy Phan Cả còn đóng một tủ sách nhỏ, thường xuyên đi quyên góp sách để phục vụ việc tham khảo cho các em học sinh. Thầy Phan Cả chia sẻ: “Gia đình mình vốn khó khăn nên ngày xưa đường học của mình khá gian nan. Học cấp ba xong mình phải vào miền Nam làm công nhân phụ gia đình, sau mới về học đại học. Mình học hai bằng để có cơ hội tìm việc làm. Sau nửa năm ra trường, mình vẫn chưa xin được việc làm phù hợp. Tạm thời mình làm đủ nghề để sống. Lớp học không chỉ giúp các em nhỏ học tập mà nó còn là tâm huyết của mình với nghề giáo, mang lại niềm vui cho chính bản thân mình…”.
Đừng khoác áo “đặc biệt” cho con:
Sau khi đọc bài “Cha mẹ muốn con nổi tiếng”, không riêng gì các vị phụ huynh trong bài báo nêu trên mà nhiều bậc cha mẹ khác cũng có những “hi vọng tràn trề” về con mình như thế! Ép buộc con học ngay từ nhỏ, nào học ở trường, nào học thêm nhà thầy cô, nào tham gia các lớp năng khiếu (mặc dù con mình chẳng có mấy “năng khiếu” ).. . Đã biến con trẻ trở nên mụ mị, sợ hãi việc học, sợ cả thầy cô.. . Sự thông minh, biểu hiện có năng khiếu một phần do tính di truyền. Khẩu hiệu “Cần cù bù năng lực” chỉ đúng một phần nào thôi, chứ một khi đã không có năng khiếu thật sự thì cần cù, cặm cụi cả đời vẫn thế! Nói như vậy để chúng ta thấy rằng người có năng khiếu bẩm sinh rất hiếm, có thể nói là cực hiếm. Mặt khác, do hoàn cảnh sống của cuộc sống hiện đại, có khi các em có vài biểu hiện “vượt trội” thì cha mẹ vội ngộ nhận là con mình có năng khiếu và lập tức “lên kế hoạch tương lai” cho con bằng lịch học dày đặc. Hãy để cho con mình phát triển tự nhiên như bao đứa trẻ khác, đừng vội khoác lên mình con chiếc áo đặc biệt thì con không mang nổi.
Đọc bài báo tôi thấy thương cho hai đứa nhỏ. Mới học lớp 2, lớp 4 thôi mà học đến 10-11g đêm.. . Tội tình gì mà các cháu phải chịu nhiều áp lực quá sức mình như vậy, ngay cả việc vui chơi, thư giãn, xem tivi một chút thôi mà cũng không được. Cha mẹ nào mà không muốn con mình học giỏi, thậm chí nổi tiếng với đúng nghĩa của nó? Nhưng “nổi tiếng” để làm gì khi con phải tự gồng mình để học, để theo các lớp ngoại khóa “năng khiếu” và đầu óc non nớt của con rất dễ bị tổn thương vì quá tải. Trẻ em lớn lên như quả bầu quả bí, lớn lên một cách tự nhiên, không bón thúc, không gây áp lực. Xin các bậc làm cha làm mẹ hãy hiểu con mình, đừng ngộ nhận, đừng quá hi vọng vào con mà thất vọng về sau. Một đứa trẻ học tiểu học chủ yếu là vui chơi, chỉ cần “biết đọc, biết viết, biết làm toán là được” như lời của một phụ huynh đã tâm sự.
10 tỉ đồng cho Quỹ Tiếp sức tài năng tỉnh An Giang:
Đầu năm mới, Quỹ Tiếp sức tài năng An Giang tiếp nhận thêm 1,6 tỉ đồng từ các cá nhân, tổ chức đóng góp và đã trao tiền tài trợ cho 58 cá nhân có nghiên cứu thiết thực, sinh viên vượt khó học giỏi trong tỉnh, mỗi người 10 triệu đồng. Ngày 3-1, ông Nguyễn Hữu Khánh, nguyên bí thư Tỉnh ủy An Giang, cho biết như trên. Quỹ này do ông Khánh đề xuất thành lập. Sau 5 năm, quỹ đã tiếp nhận được 10 tỉ đồng từ hơn 100 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đóng góp. Qua đó đã tổ chức trao thưởng, tài trợ, hỗ trợ cho trên 1.000 cá nhân trong tỉnh có những nghiên cứu đóng góp cho xã hội và có thành tích học tập tiêu biểu với số tiền gần 3 tỉ đồng. Trong số sinh viên từng nhận tài trợ của quỹ đã có hơn 30 người sau khi tốt nghiệp ĐH đã học tiếp lên chương trình thạc sĩ, tiến sĩ.
(Tổng hợp theo ND, TP, TN, TT)
Nhận xét
Đăng nhận xét