Chuyển đến nội dung chính

ĐIỂM TIN GIÁO DỤC NGÀY 15 THÁNG 01 NĂM 2016

ĐIỂM TIN GIÁO DỤC NGÀY 15 THÁNG 01 NĂM 2016








Nhiều điểm mới trong dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh 2016:


Điểm tin giáo dục ngày thứ sáu, 15 tháng 01 năm 2016Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) vừa gửi văn bản xin ý kiến các đơn vị liên quan việc sửa đổi, bổ sung quy chế thi THPT quốc gia gồm 16 điểm. Ngoài ra, theo thông tin riêng của chúng tôi, dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2016 đang được lấy ý kiến với khá nhiều điểm sửa đổi, bổ sung so với năm 2015. Trong đó, việc sửa đổi bổ sung tập trung vào một số nội dung chính như: Tổ chức tuyển sinh; chính sách ưu tiên trong tuyển sinh; nguyên tắc lựa chọn tổ hợp các môn xét tuyển; tổ chức xét tuyển; yêu cầu về bảo đảm chất lượng đầu vào đối với trường tuyển sinh riêng; xét tuyển của các trường tuyển sinh riêng…

Giảm số đối tượng ưu tiên...

Trong những dự kiến sửa đổi bổ sung được đưa ra lấy ý kiến, một số ưu tiên đối với đối tượng tuyển sinh sẽ bị bãi bỏ. Trong đó, so với quy chế 2015 sẽ bỏ các đối tượng ưu tiên: Đối tượng 02 là công nhân trực tiếp sản xuất đã làm việc liên tục 5 năm trở lên, trong đó có ít nhất 2 năm là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh công nhận trở lên và được bằng khen. Ngoài ra, đối tượng 07 là người lao động được cấp bộ, tỉnh công nhận thợ giỏi…; giáo viên giảng dạy đủ 3 năm trở lên thi vào các trường sư phạm; y tá, dược tá… công tác 3 năm trở lên thi vào ngành y, dược…cũng được bãi bỏ. Đáng chú ý, thí sinh thuộc đối tượng ưu tiên quy định tại gạch đầu dòng thữ 4, điểm b, khoản 4, điều 7 là học sinh có hộ khẩu thường trú tại các xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi...; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo...; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135... cũng sẽ được bãi bỏ. Theo lý giải của dự thảo quy chế, những đối tượng ưu tiên trên không phù hợp với điều kiện hiện nay. Trong vấn đề về khung điểm ưu tiên với đối tượng và khu vực cũng được đưa ra 2 phương án để thảo luận. Trong đó, phương án 1: Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa 2 nhóm đối tượng kế tiếp là 1,0 điểm; giữa hai khu vực liền kề là 0,5 điểm. Phương án 2: Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa 2 nhóm đối tượng kế tiếp là 0,5 điểm; giữa hai khu vực liền kề là 0,25 điểm. Trong 2 phương án trên, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đề nghị giữ nguyên (khoảng cách 1,0 và 0,5 điểm) vì nếu giảm theo phương án mới (0,5 và 0,25 điểm) sẽ khó khăn nguồn tuyển cho các trường thuộc vùng Tây Bă, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Việc tính khu vực (KV) tuyển sinh cũng được đưa ra quy định rõ ràng hơn là: KV2 gồm các thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; các huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc trung ương (trừ các xã thuộc KV1). Việc điều chỉnh nhằm không gây hiểu nhầm khi một số địa phương cho rằng thị xã của thành phố trực thuộc trung ương là KV2, còn thị xã trực thuộc tỉnh lại thuộc KV2-NT.

Đăng ký xét tuyển bằng tin nhắn điện thoại...

Trong những vấn đề dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh 2016 đưa ra lấy ý kiến thì vấn đề tổ chức xét tuyển cũng có một số thay đổi được đưa ra bàn thảo theo 2 phương án. Trong đó, cả 2 phương án thống nhất thí sinh chỉ cần nộp phiếu đăng ký xét tuyển; trường tự quy định số ngành tối đa thí sinh có thể đăng ký trong phiếu đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên, theo phương án 1, sẽ giao tự chủ hoàn toàn cho các trường, Bộ GD và ĐT chỉ quy định: Ngưỡng bảo đảm chất lượng; phân luồng thí sinh có kết quả thi thấp vào cao đẳng nghề và TCCN; điểm trúng tuyển đợt sau không thấp hơn điểm trúng tuyển trước. Đáng chú ý, trong phương án 1 đưa ra, đối với thí sinh nộp phiếu đăng ký xét tuyển và lệ phí đăng ký xét tuyển cho trường quy định: Qua đường bưu điện theo hình thức chuyển phát nhanh; nộp trực tiếp tại trường; đăng ký trực tuyến hay bằng tin nhắn điện thoại. Phương án 2 là giữ ổn định như năm 2015, có một số điều chỉnh trên cơ sở rút kinh nghiệm từ công tác xét tuyển năm 2015 như: Thí sinh không được thay đổi nguyện vọng trong các đợt xét tuyển; đối với đợt xét nguyện vọng 1 thí sinh được đăng ký vào 1 trường; đăng ký đợt nguyện vọng bổ sung, thí sinh được đăng ký tối đa vào 3 trường… Ngoài ra, trong việc lựa chọn tổ hợp môn xét tuyển ngoài việc yêu cầu duy trì các tổ hợp môn như năm 2015, với những trường sử dụng nhiều tổ hợp môn thi để xét tuyển một ngành phải công bố mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp hoặc quy định chỉ tiêu cho từng tổ hợp (bỏ quy định giữ 75% chỉ tiêu cho ngành, nhóm ngành truyền thống).

Đáng chú ý, vấn đề công nghệ thông tin cũng được đưa ra bàn thảo bằng “giải pháp hệ thống hỗ trợ tuyển sinh đại học năm 2016” với các phân tích lợi ích đem lại cho thí sinh, nhà trường, xã hội, cơ quan quản lý các cấp. Trong đó, giải pháp giả định các bước thực hiện tuyển sinh gồm có 8 bước. Theo các chuyên gia giáo dục, dự thảo các sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh 2016 vẫn còn phải bàn thảo nhiều vấn đề vì có những quy định mới đưa ra chưa hợp lý. Thí dụ phương án nộp đăng ký xét tuyển qua tin nhắn điện thoại hay các giải pháp công nghệ thông tin sẽ do đơn vị nào chịu trách nhiệm. Nếu để các cơ sở giáo dục tự làm thì sẽ nở rộ dịch vụ tin nhắn và việc thí sinh bị một số đơn vị, cá nhân không có chức năng vẫn mời nhắn tin để kiếm lời hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu các đơn vị dịch vụ tin nhắn được Bộ quy định thì ai sẽ “trúng thầu”. Bởi vấn đề dữ liệu thi, sử dụng phần mềm của kỳ thi và tuyển sinh năm 2015 vốn đã dây nhiều nghi ngờ cho thí sinh, phụ huynh.




Trường học quá tải vì nhà cao tầng:


Mặc dù áp dụng nhiều biện pháp nhưng đến nay nhiều trường tiểu học tại Hà Nội vẫn trong tình trạng quá tải. Nhiều lớp có số học sinh lên tới 60 học sinh. Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, một trong những nguyên nhân chính là việc Hà Nội có quá nhiều nhà cao tầng.

Nhiều trường tiểu học có 60 HS/lớp!

Lãnh đạo phòng giáo dục và đào tạo các quận như Hà Đông, Hoàn Kiếm… phản ánh về số học sinh/lớp hiện quá đông nhưng vẫn có xu hướng tăng lên. Đa số các trường tiểu học ở Hà Nội có số học sinh từ 50-60 học sinh/lớp. Cá biệt có những trường số học sinh lên tới trên 60 học sinh/lớp như: Trường tiểu học Tứ Hiệp (Gia Lâm), Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Tây Hồ)… Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Dương Xá, huyện Gia Lâm Nguyễn Thị Kiều Thủy cũng cho rằng, sĩ số lớp học đông nên muốn chia nhóm học tập cũng khó khăn. Theo bà Thủy, hiện nay một số trường tại Hà Nội đã thực hiện dạy học theo mô hình VNEN, việc ghép lại bàn, phân nhóm là bắt buộc. “Lớp học quá đông, việc tổ chức nhóm không làm tốt, sẽ khó nắm bắt trình độ học sinh. Có em không tự giác, ỷ lại, nói chuyện riêng, không theo kịp chương trình học”, bà Thủy nói. Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, vấn đề tăng sĩ số trong lớp hiện nay do tình trạng dân số ở các địa bàn tăng đột biến. Chung cư cao tầng mọc lên quá nhiều, trong khi các trường chịu áp lực bắt buộc phải nhận hết học sinh có hộ khẩu trên địa bàn dẫn đến quá tải.  Vấn đề này đơn vị đã có báo cáo UBND thành phố Hà Nội để có giải pháp tăng quỹ đất xây dựng trường học. Năm học 2014-2015, UBND các quận, huyện trong thành phố Hà Nội cũng đã xây mới, sửa chữa, cơi nới thêm hàng trăm phòng học nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của học sinh đầu cấp. 

Sẽ tuyển sinh đầu cấp qua mạng...

Theo ông Tiến, để tránh tình trạng lộn xộn cũng như giảm phiền hà cho phụ huynh trong việc đi lại, năm 2016 việc tuyển sinh đầu cấp các khối mầm non, tiểu học, THCS sẽ thực hiện trực tuyến. Thay vì phụ huynh phải đến các trường học để làm hồ sơ thi thì trong năm học tới, để đăng ký cho con vào học mầm non, lớp 1, lớp 6 chỉ cần đăng nhập vào cổng thông tin tuyển sinh của trường để hoàn thành hồ sơ online. Đến ngày tuyển sinh, những trường hợp đủ điều kiện được duyệt hồ sơ trước đó chỉ cần mang hồ sơ gốc đến đối chiếu. Sở GD&ĐT cũng cho hay, hiện đơn vị đang xây dựng phần mềm tuyển sinh online cho cả ba bậc gồm: mầm non, tiểu học và THCS. Năm học 2014-2015, Bộ GD&ĐT ra quy định cấm thi tuyển vào lớp 6. Quy định này được cho là làm khó các trường THCS chất lượng cao tại Hà Nội như: Hà Nội Amsterdam, Lương Thế Vinh, Marie Curie, Cầu Giấy… vốn dĩ có lượng hồ sơ đổ về dự tuyển lên tới con số hàng nghìn trong khi chỉ tiêu tuyển sinh đầu cấp chỉ từ 200-300 học sinh. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Tiến, do điều tra dân số, phân tuyến tuyển sinh trong các quận huyện nên mùa tuyển sinh năm trước không có khiếu nại của người dân. Ông Tiến đề nghị các trường, ngay thời điểm này phải rà soát học sinh trong độ tuổi trên địa bàn, nhất là ở các địa phương có nhiều nhà cao tầng để có phân luồng hợp lý, tránh áp lực nhằm vào một số trường.




Năm 2016, Hà Nội áp dụng tuyển sinh đầu cấp trực tuyến:


Ngày 14.1, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, năm 2016 việc tuyển sinh đầu cấp các khối mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn TP sẽ thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Cũng theo ông Phạm Xuân Tiến tuyển sinh đầu cấp trực tuyến là để tránh tình trạng lộn xộn cũng như giảm phiền hà cho phụ huynh trong việc đi lại. Theo đó, các phòng GD-ĐT của tất cả các quận, huyện có trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai dịch vụ xét tuyển trực tuyến trong tuyển sinh đầu cấp (cung cấp mọi hồ sơ, đơn xin xét tuyển trên cổng thông tin điện tử của Phòng; đăng ký hồ sơ và trả kết quả xét tuyển trực tuyến). Công khai kế hoạch tuyển sinh và số điện thoại đường dây nóng về tuyển sinh của các quận huyện, thị xã trên website của Phòng GD-ĐT và Sở GD-ĐT. Phụ huynh học sinh sẽ đăng nhập vào cổng thông tin tuyển sinh, hoàn thành hồ sơ online. Đến ngày tuyển sinh, những trường hợp được sơ duyệt trước đó chỉ cần mang hồ sơ gốc đến để đối chiếu. Như vậy sẽ hạn chế tối đa tình trạng lộn xộn, giảm phiền hà trong đi lại của phụ huynh. Phần mềm tuyển sinh này hiện đang được Sở GD-ĐT Hà Nội xây dựng cho cả 3 bậc học là mầm non, tiểu học, THCS.

Cũng theo thông tin từ Sở GD-ĐT Hà Nội, việc tuyển sinh vào các lớp mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10 năm 2016 sẽ thực hiện “4 rõ” trong tuyển sinh (rõ về tuyến tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, thời gian tuyển sinh và trách nhiệm tuyển sinh); “3 tăng, ba giảm” (tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng công tác tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học; giảm số học sinh trái tuyến, giảm số học sinh trên một lớp, giảm số học sinh trên số lớp đối với những trường có số lớp quá lớn). Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2016 - 2017 của Hà Nội cũng được giữ ổn định như những năm học trước. Thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT dự thi hai môn toán và ngữ văn. Điểm chuẩn vào lớp 10 sẽ là điểm xét tuyển dựa trên học bạ của 4 năm học ở cấp THCS và điểm thi hai môn. Lịch thi thực hiện trong tháng 6.2016. Để việc tuyển sinh tránh bị quá tải cục bộ, năm nay, Sở GD-ĐT yêu cầu các quận, huyện phải thực hiện nghiêm túc công tác rà soát học sinh trong độ tuổi trên địa bàn, nhất là tại các khu vực có các khu đô thị mới, chung cư cao tầng để có phân tuyến tuyển sinh hợp lí, tránh áp lực cục bộ đối với một số trường, nhất là mầm non và tiểu học.




Vì đâu con tôi cho rằng mình “đẳng cấp” (>> NGHE ĐỌC BÀI <<):


Ba câu chuyện của ba người mẹ gửi về Tuổi Trẻ đều đong đầy nỗi lo âu: con mình ngày càng xa cách mọi người và tự cho mình là “đẳng cấp”. Mời bạn đọc cùng chia sẻ với họ.

Cuối tuần, vợ chồng tôi cho con về quê chơi. Vừa về đến nhà, con chưa chào ông bà nội đã đòi iPad của ba để chơi game. Phải chờ mẹ nhắc thì con mới chịu chào miễn cưỡng khiến tôi rất buồn... Vì có iPad chơi nên con trai tôi rất “vênh” với các em. Thấy các em xán lại gần để xem, con tôi cau có: “Chúng mày biết gì mà đòi xem? Tránh ra nào”. Tôi lên tiếng chỉnh con: “Con cho các em chơi cùng với”. Con cãi: “Chúng nó chẳng biết gì về iPad cả”. Tôi thật sự không hài lòng nên có mắng con vài câu. Thế là con nằm lăn ra nhà khóc và ăn vạ. Chỉ đến khi ông bà nội vào dỗ dành con mới chịu nín. Dù mới đang học lớp 1 nhưng con tỏ ra rất thành thạo khi sử dụng iPhone, iPad của ba mẹ. Con tỏ ra hững hờ với bữa ăn, tự tách mình ra chơi riêng, không chơi với các em vì có lần con nói rằng: “Bọn nó dốt lắm”. Ngay cả khi ăn, con cũng đòi hỏi hết cái này đến cái khác. Con tỏ ra sành điệu và chê thức ăn ở quê không ngon, đôi đũa bị mốc, không đẹp bằng đũa mà con thường ăn cơm hằng ngày trên thành phố. Rồi con chê nước ở quê không sạch, không trong nên nhất quyết không chịu tắm. Cứ như vậy tôi quay như chong chóng với những đòi hỏi vô lý, quá đà của con. Nay tôi tự thấy mình đã sai trong cách dạy con. Cũng tại mỗi khi con thể hiện rằng mình hiểu biết, tôi đã không uốn nắn kịp thời. Nhất là từ khi cho con chơi iPad, laptop, con luôn thể hiện mình là người cái gì cũng biết, tự cho rằng mình đẳng cấp. Có bao nhiêu ông bố, bà mẹ mắc sai lầm như tôi?

“Đừng để bạn con thấy chiếc xe máy của mẹ”!

Đi học về, thấy bạn bè có gì mới con đều mè nheo: “Mẹ ơi, bạn Linh có chiếc váy rất đẹp, mẹ mua cho con nha”. Thi thoảng con lại đòi mua giày dép, mũ, kẹp tóc, balô, tất cả đều phải “xịn” vì con muốn là người sành điệu nhất lớp. Tôi chưa bao giờ từ chối mọi mong muốn của con vì luôn đeo đẳng ý nghĩ sợ con thua thiệt so với bạn bè. Chỉ thời gian ngắn, đòi hỏi của con ngày càng nhiều hơn. Mới học lớp 6 nhưng con đã đòi hỏi cha mẹ đủ thứ, nào mua điện thoại di động để con tiện liên lạc, trao đổi bài với bạn bè; rồi lại đòi xe đạp điện và nhiều thứ khác mà với thu nhập của nhà tôi là quá sức, vậy mà tôi vẫn chiều con. Nhưng có lẽ điều tôi lo ngại nhất chính là việc con bắt đầu biết nói dối, nói khoác. Chồng tôi là kỹ sư, tôi là dân văn phòng, vậy mà con lại khoe với bạn bè là có ba làm to trong cơ quan A, mẹ là giám đốc một công ty lớn. Ngày nào con cũng “nổ” rằng nghỉ hè ba mẹ thường cho đi du lịch những đâu, hằng ngày được ăn những món ngon, được ngồi xe hơi đẹp... Nghe con nói về những điều đã nói với bạn bè, tôi rất buồn và chấn chỉnh con. Nhưng con lại cho rằng phải nói vậy để không thua kém bạn bè, sợ bị bạn bè coi thường... Con không thích mẹ chở đến trường nữa vì mẹ đi xe số chứ không phải xe hơi hay xe tay ga như ba mẹ của các bạn trong lớp. Có lần tôi đến cổng trường đón con, thấy con đang nói chuyện với bạn bè, tôi vẫy tay ra hiệu nhưng con vẫn làm ngơ. Tôi đành phải gọi to tên con... Ngồi đằng sau xe mẹ, con còn cằn nhằn: “Con dặn mẹ rồi, nếu đến đón con thì đứng xa cổng trường một chút, con tự khắc sẽ ra mà, cần gì mẹ phải gọi để các bạn nhìn thấy chiếc xe máy của mẹ chứ!”. Con bảo trên lớp đã trót khoe nhà có xe hơi, ba mẹ bận đi làm nên cô giúp việc mới phải đưa đón con đến trường rồi. Bỗng nhiên trở thành “cô giúp việc”, tôi cay đắng nhận ra con không còn hồn nhiên, vô tư như nhiều trẻ khác. Phải chăng sự sĩ diện của con đã quá trớn mất rồi?

“Em có tố chất lãnh đạo”!

Con trai tôi đang học lớp 7 và con gái tôi học lớp 2. Ở lớp, con trai tôi thường xuyên được thầy cô khen. Tất nhiên không người cha, người mẹ nào lại không vui khi con mình được thầy cô khen nhiều như vậy. Nhưng thực tế chỉ vì được khen quá nhiều khiến con trai tôi tự tin thái quá. Ở nhà, mỗi khi tôi nhắc nhở con vào học bài thì con cự cãi: “Thầy giáo dạy toán bảo rằng thông minh bằng mười chăm chỉ”. Thú thật là từ khi được khen nhiều, con luôn phớt lờ lời của ba mẹ. Tôi không hài lòng với thái độ trịch thượng của con mỗi khi nhận xét về người khác như “Chị T. học chán lắm, năm nào cũng xếp gần cuối lớp” hay “Anh Q. học toán dốt lắm mẹ ạ”... Con trở nên tự mãn, tự cao tự đại, xem mình là số 1 tự lúc nào không hay. Tôi nhắc con nên biết mình biết người, khiêm tốn thì con bao biện: “Cô còn khen con có tố chất lãnh đạo”, “Sau này con muốn làm lãnh đạo”... Tôi luôn ủng hộ, khích lệ ước mơ của con, nhưng không phải là cái kiểu tự tin thái quá như thể “chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”. Nghe con nói thế, tôi chưa vội mừng mà lại đâm lo bởi lẽ con đang từng ngày nhận thức lệch lạc về bản thân, mộng mị, ảo tưởng quá đà. Tôi chẳng biết tố chất lãnh đạo của con đến đâu, như thế nào, nhưng con ngày càng trở nên cao ngạo, thích thể hiện mình, nói năng với người lớn chưa khiêm tốn, đúng mực. Còn hôm đi họp phụ huynh cho con gái đang học lớp 2, cô giáo cũng khen nhiều lắm. Ngoài việc điểm số của con đều tuyệt đối thì cô còn khen lấy khen để khiến tôi cứ ngỡ cô giáo nhầm lẫn với một cháu khác. Bởi con tôi thế nào tôi rất hiểu. Cháu còn rất nhút nhát, dè dặt mỗi khi đi ra ngoài, vậy mà cô giáo lại khen là cháu tự tin. Nhìn sang những cháu khác trong lớp cũng tương tự. Cháu nào cũng được khen như những tấm gương hoàn hảo. Có phụ huynh ghé tai tôi nói nhỏ: “Khen đã là trào lưu rồi chị ạ. Trường nào, lớp nào cũng vậy cả thôi. Khen đôi khi để đẹp lòng phụ huynh là chính ấy mà. Thôi thì chê mới lo, chứ khen có chết ai?”... Những lời khen chừng mực, đúng đắn có thể giúp các con hào hứng, tiến bộ hơn. Nhưng cũng có những lời khen vô tình khiến con dễ vấp ngã trên đường đời. Con được thầy cô khen đó mà sao tôi không thấy vui...




Một ngày làm sinh viên kỹ thuật:


Ngày hội tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh - ngày mở năm 2016 do Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM tổ chức sẽ diễn ra ngày 17-1. PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng nhà trường - cho biết ngày hội được tổ chức nhằm hỗ trợ tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh và giải đáp toàn diện những thắc mắc cho thí sinh trước kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH năm nay. Tham gia ngày hội có đại diện Bộ GD-ĐT, lãnh đạo nhà trường sẽ cung cấp thông tin, giải đáp tất cả vấn đề liên quan đến công tác tuyển sinh ĐH năm 2016 nói chung và của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM nói riêng. Đến với ngày hội, học sinh sẽ được trực tiếp tham gia các hoạt động hướng nghiệp và trải nghiệm trong môi trường học tập, sinh hoạt, vui chơi như sinh viên ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Đồng thời được trực tiếp quan sát, tìm hiểu các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học, phòng thí nghiệm tại các khoa của trường. “Đến nay đã có hơn 60 trường THPT của 9 tỉnh, thành phía Nam đăng ký tham gia ngày hội với hơn 4.000 học sinh. Ngoài ra còn có hơn 60 đội tham gia cuộc thi đua xe bằng năng lượng mặt trời được diễn ra trong khuôn khổ ngày hội” - ông Dũng cho biết.




Cận cảnh ngành nghề thời hội nhập:


Cẩm nang tuyển sinh ĐH, CĐ 2016 do báo Tuổi Trẻ và Nhà xuất bản Trẻ liên kết ấn hành cũng sẽ ra mắt phục vụ các bạn thí sinh và phụ huynh. Dự kiến cẩm nang ra mắt tháng 2-2016, ngay sau khi Bộ GD-ĐT ban hành quy chế kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay. Kỳ thi THPT quốc gia năm nay tiếp tục là kỳ thi “2 trong 1”: vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Cẩm nang tuyển sinh ĐH, CĐ 2016 sẽ cung cấp đầy đủ cho thí sinh và phụ huynh những nội dung liên quan đến kỳ thi năm nay. Ở phần thông tin về tuyển sinh, cẩm nang sẽ cập nhật đầy đủ về quy chế tuyển sinh mới nhất của Bộ GD-ĐT, quy định đăng ký xét tuyển, chính sách ưu tiên trong tuyển sinh, đề thi THPT quốc gia dễ hay khó?... Cẩm nang tuyển sinh ĐH, CĐ 2016 chứa đựng nhiều bài phân tích, đánh giá sâu sắc, tổng hợp chi tiết, nhận định chính xác và cập nhật đầy đủ phương án tuyển sinh mới nhất của các trường ĐH, CĐ trong năm nay. Đồng thời, cẩm nang tập hợp rất nhiều thông tin về ngành tuyển sinh, tổ hợp các môn xét tuyển, chỉ tiêu của hầu hết trường ĐH, CĐ trong cả nước để thí sinh có thể lựa chọn cho mình một ngành, một trường phù hợp.

Nhóm tác giả thực hiện cẩm nang sẽ mang đến cho các bạn thí sinh những thông tin mới nhất về dự báo nhu cầu nhân lực của các nhóm ngành nghề trong những năm tới. Đặc biệt, cẩm nang cũng đăng tải nhiều bài viết cận cảnh về các ngành nghề đang “nóng” trong thời hội nhập được nhiều bạn trẻ quan tâm, sẽ được tái hiện sinh động nhất. Bên cạnh đó, những bài viết của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực còn giúp các bạn thí sinh định hướng năng lực của mình chính xác hơn, có được sự tư vấn dinh dưỡng thế nào là hợp lý trong những ngày ôn luyện... Cẩm nang còn có nhiều thông tin cần thiết khác liên quan trực tiếp đến việc thi cử của thí sinh, như bí quyết làm bài các môn thi, hướng dẫn cách ghi hồ sơ đăng ký dự thi theo mẫu mới, các thông tin về học phí, vay vốn học tập cũng như những chia sẻ về việc chọn lựa ngành nghề của những người nổi tiếng và nhiều thông tin bổ ích khác.




Ngày hội khoa học cho học sinh tiểu học:


Ngày 14.1, Trung tâm khoa học công nghệ trẻ Thành đoàn TP.HCM công bố sẽ phối hợp cùng Hội Tin học TP.HCM tổ chức Ngày hội STEM với chủ đề Chuyến du hành vũ trụ STEM vào hai ngày 16 và 17/1. Ngày hội diễn ra tại Trường ĐH Sài Gòn với các hoạt động hoàn toàn miễn phí dành cho học sinh tiểu học như: trình diễn mô hình máy bay, tham quan, trải nghiệm về hệ mặt trời, sao chổi, sao băng, sáng chế tên lửa từ vỏ chai nước, sân chơi khoa học ngoài trời... Những hoạt động này đều áp dụng phương pháp học qua thực hành, thực nghiệm để giúp trẻ em rèn luyện khả năng tư duy logic, kỹ năng giải quyết vấn đề, làm việc nhóm.




(Tổng hợp theo ND, TP, TN, TT)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đề tài: Hoạt động marketing của công ty cổ phần bút bi Thiên Long

Đề tài: Hoạt động marketing của công ty cổ phần bút bi Thiên Long Mục Lục Lời mở đầu Chương I : Phân tích kết quả kinh doanh của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long I. Kết quả kinh doanh của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long trong thời gian qua II.Đánh giá hoạt động marketing của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long thời gian qua Chương II : Phân tích môi trường marketing của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long I. Phân tích môi trường marketing vĩ mô II.Phân tích môi trường marketing vi mô III. Phân tích môi trường marketing nội bộ IV. Phân tích swot Chương III. Phân đoạn thị trường của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long với sản phẩm bút bi Thiên Long I. Vị trí hiện tại của doanh nghiệp II. Xác định đối tượng khách hàng hay thị trường cần phân đoạn III. Phân chia thị trường theo những tiêu thức thích hợp IV. Đánh giá tiềm năng của các đoạn thị trường V. Lựa chọn các phương thức marketing nhằm khai thác các đoạn thị trường mục tiêu Chương IV. Xác định chiến lược M...

CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KẾT QUẢ HỌC TẬP CỦA HỌC SINH TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRỲ TỈNH CAO BẰNG

LUẬN VĂN THẠC SĨ: CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KẾT QUẢ HỌC TẬP CỦA HỌC SINH TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRỲ TỈNH CAO BẰNG HỌC VIÊN: BẾ THỊ DIỆP – HƯỚNG DẪN KH: TS. NGUYỄN THỊ TUYẾT CHUYÊN NGÀNH: ĐO LƯỜNG VÀ ĐÁNH GIÁO TRONG GIÁO DỤC MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 2. Mục đích nghiên cứu của đề tài 3. Giới hạn nghiên cứu của đề tài 4. Phương pháp nghiên cứu 5. Câu hỏi nghiên cứu, giả thuyết nghiên cứu 6. Khung lý thuyết của đề tài 7. Khách thể và đối tượng nghiên cứu Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 1.1. TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 1.1.1. Các công trình nghiên cứu ở nước ngoài 1.1.2. Các công trình trong nước 1.2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN 1.2.1. Hoạt động học tập trong nhà trường 1.2.2. Loại hình nhà trường PTDTNT 1.2.3. Đặc trưng học sinh THPT DTTS 1.2.4. Các khái niệm công cụ của đề tài 1.3. KẾT LUẬN CHƯƠNG Chương 2: TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU 2.1. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1.1. Tổng thể...

SÁCH TRUNG QUỐC DANH PHƯƠNG TOÀN TẬP

SÁCH THAM KHẢO VỀ Y HỌC PHƯƠNG ĐÔNG TRUNG QUỐC DANH PHƯƠNG TOÀN TẬP Cái truyền lại được của y học nằm lại trong bài thuốc. Cho nên dược học của Đông y dẫu đã trải qua nhiều chìm nổi, biến thiên song không triều đại nào, thòi kỳ nào bị ruồng bỏ, mà trong y học, việc nghiền cứu thảo luận các bài thuốc đã trở thành một chủ đề muôn thuở. Người học không sợ nhiều mà chỉ lo ít, người SƯU tầm chẳng sợ giàu mà chỉ lo còn quá nghèo. Cuốn sách này là công việc của nhiều người tâm huyết với nhiều năm lao động, tập hợp các bài thuốc hay, bất kê kinh phương, thời phương hoặc bí phương, hễ có công dụng lâm sàng tốt, được chấp nhận rộng rãi từ cổ chí kim đều được giới thiệu. Thuốc hay tập hợp hơn nghìn bài lấy công dụng chủ trị làm cương lĩnh, lấy phương tễ làm đề mục. Mỗi phương đều có tên bài, xuất xứ, thành phần, cách dùng, công hiệu, chủ trị, giải thích bài thuốc theo lí luận Đông y, lòi bàn, các bài thuốc cùng tên, các bài thuốc phụ thêm, phân tích, điền lí để sáng rõ. Trong phần ...