ĐIỂM TIN GIÁO DỤC NGÀY 07 THÁNG 01 NĂM 2016
Tăng thêm tiền vay hàng tháng cho học sinh, sinh viên:
Từ ngày 9/1/2016, mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên (HSSV) Sẽ tăng từ 1,1 triệu đồng/tháng/HSSV lên 1,25 triệu đồng/tháng/HSSV. Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định điều chỉnh mức cho vay quy định tại khoản 1 Điều 5 Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV. Theo đó, mức cho vay tối đa là 1,25 triệu đồng/tháng/HSSV. So với quy định cũ, mức cho vay tối đa đối với HSSV tăng thêm 150.000 đồng/tháng/HSSV. Quyết định mới có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9/1/2016, áp dụng đối với các khoản vay mới kể từ khi Quyết định này có hiệu lực thi hành. Theo ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội, qua hơn 8 năm thực hiện, Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên (Chương trình) Đã góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục lớp trẻ của đất nước, đảm bảo tính công bằng trong giáo dục. Đồng thời, Chương trình vừa tham gia giảm nghèo bền vững vừa đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội thời hội nhập quốc tế. Đặc biệt, Chương trình có tính nhân văn rất cao đó là quan tâm tới học sinh, sinh viên nghèo nhưng có ý chí vươn lên bằng tri thức nhưng gặp khó khăn về tài chính. Tính đến nay doanh số cho vay đạt khoảng 55.000 tỉ đồng và trên 3,3 triệu lượt học sinh, sinh viên đã được vay vốn từ Chương trình này. Dư nợ tính đến 31/10/2015 là khoảng trên 24.000 tỉ đồng, trong đó, nợ quá hạn là 133 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 0,54%.
Hà Nội tăng học phí lên gấp rưỡi:
Học phí của học sinh, sinh viên thủ đô sẽ tăng gấp rưỡi so với quy định hiện hành từ đầu năm 2016. UBND TP Hà Nội mới ra quyết định tăng mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập của thành phố. Đối tượng áp dụng là trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của thành phố. Cụ thể, học phí của học sinh từ bậc mầm non đến THPT khu vực thành thị tăng từ 40.000 đồng lên 60.000 đồng/tháng. Học sinh ở nông thôn tăng từ 20.000 đồng lên 30.000 đồng. Riêng học sinh các xã miền núi thu 8.000 đồng/tháng thay vì không thu như trước đây. Các trường công lập chất lượng cao được chủ động xây dựng mức học phí tương xứng với tiêu chí cơ sở vật chất, đào tạo của trường do thành phố phê duyệt. Sinh viên theo học chương trình đại trà của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập thì đóng học phí theo quy định của trường. Căn cứ vào mức trần, hiệu trưởng quy định mức cụ thể đối với từng đối tượng, trình độ đào tạo cho phù hợp. Mức đóng cụ thể xem tại đây. Mức học phí mới này được áp dụng từ 1/1/2016. Riêng thời gian miễn, giảm học phí, chi phí học tập cho một số đối tượng được tính từ đầu tháng 12/2015.
Lo nhất là ngoại ngữ:
Trình độ tiếng Anh của lao động Việt Nam còn quá thấp và rất ít người học ngôn ngữ của các nước ASEAN như Thái Lan, Lào, Campuchia… Nhiều trường đại học áp dụng biện pháp mới để nâng cao kỹ năng ngoại ngữ của sinh viên. Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, cho biết, để hội nhập AEC, trường tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới chương trình đảm bảo tiêu chí theo yêu cầu. Trường cũng có nhiều giải pháp để nâng cao trình độ ngoại ngữ cho sinh viên như đào tạo chương trình điều dưỡng bằng tiếng Anh, đào tạo tiếng Anh cho chương trình nhập khẩu của Mỹ. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào học ngoại ngữ trong trường như khuyến khích sinh viên làm khóa luận bằng tiếng Anh…
Chia sẻ về chất lượng nhân lực ngành y sắp tới, PGS. TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, cho biết, vừa qua, Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học y, dược họp và đưa ra đề xuất kỳ tuyển sinh năm 2016, các trường đại học y, dược sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, phải áp dụng điểm ngưỡng cho ngành dược học (học 5 năm) Và y đa khoa (6 năm). Mặc dù Luật Giáo dục đại học cho phép các trường tự chủ tuyển sinh, nhưng y dược là ngành đặc biệt, cần có sự quản lý của Nhà nước. Ý kiến đề xuất này được 100% sự ủng hộ của hội đồng. Ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế, cho hay, chứng chỉ hành nghề y dược (tức đầu ra) Là vấn đề được Bộ Y tế quan tâm từ lâu. Sắp tới, bộ này sẽ kiến nghị Chính phủ, Quốc hội về việc sửa Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó đề xuất cấp chứng chỉ hành nghề y quốc gia.
Theo ông Nguyễn Hữu Tú, khó khăn nhất của ngành y trong vấn đề hội nhập là ngoại ngữ và chất lượng đào tạo không đồng đều. “Chương trình đào tạo của trường chưa được đánh giá ngoài, chưa được kiểm định nên khó có thể biết mình đứng ở đâu so với thế giới”, ông Tú lý giải. Đối với ngành kế toán, PGS. TS Lê Hữu Lập, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, cho biết, từ khi thành lập khoa, trường đã xác định phải theo chuẩn quốc tế. Vì vậy, với một số module chính, sinh viên học hoàn toàn bằng tiếng Anh, nhất là sinh viên năm cuối. Không những thế, với sinh viên của trường, muốn tốt nghiệp, trình độ ngoại ngữ phải đạt bậc B1 theo khung tham chiếu châu Âu.
Một số ngành dạy bằng tiếng Anh...
Để tận dụng quyền tự do dịch chuyển trong ASEAN đối với 8 ngành nghề, ngoài yêu cầu về kỹ thuật, người lao động phải có trình độ tiếng Anh nhất định. Trong lộ trình của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 của Bộ GD&ĐT, các trường triển khai chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ cho khoảng 10% số lượng sinh viên cao đẳng, đại học vào năm 2012-2013; 60% vào năm học 2015-2016 và 100% vào năm 2019-2020. Đến năm 2015, trong các trường đại học, cao đẳng, một số ngành hoặc môn học thuộc ngành ưu tiên sư phạm, khoa học tự nhiên, công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng, du lịch, quản trị kinh doanh không chuyên ngữ được giảng dạy bằng tiếng Anh. Như vậy, cho đến năm học này, số sinh viên đại học, cao đẳng được đào tạo tăng cường ngoại ngữ theo lộ trình đề án của Bộ GD&ĐT cũng chưa đủ 100%. Hầu hết các trường đại học đều phải căng mình để tìm giải pháp nâng chuẩn ngoại ngữ đầu ra đối với sinh viên. Chuẩn ngoại ngữ được các trường áp dụng đa số là tiếng Anh. Theo PGS. TS Lê Hữu Lập, các trường đều tập trung đào tạo tiếng Anh, còn tiếng Thái, tiếng Lào, tiếng Campuchia.. . Thì tính sau. “Để đào tạo cả tiếng các nước trong ASEAN, sinh viên sẽ phải ngồi giảng đường đại học 10 năm. Điều này là không hợp lý”, ông Lập nói.
Tự do lao động trong ASEAN, các trường đại học nhập cuộc:
Siết đầu vào, nâng cao chuẩn đầu ra, đào tạo thêm kỹ năng mềm, cọ xát với thực tế… là những gì đã, đang và sẽ được các trường đại học Việt Nam áp dụng, sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN ra đời ngày 31/12/2015 với quy định nhân lực trong 8 ngành nghề được tự do dịch chuyển trong khối. Theo công bố cập nhật thị trường lao động quý III/2015 (Bộ LĐ-TB&XH thực hiện), hơn 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, trong đó, hơn 483 nghìn người thất nghiệp có chuyên môn kỹ thuật. Đặc biệt, người có bằng đại học trở lên thất nghiệp chiếm số lượng lớn nhất với 225,5 nghìn người. Ngoài ra, 117,3 nghìn người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp không tìm được việc làm…
Sinh viên chịu ảnh hưởng trực tiếp!
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, bà Trần Thị Hồng, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành ở TPHCM, cho biết, theo thỏa thuận trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), 8 lĩnh vực ngành nghề được tự do di chuyển, gồm nha khoa, điều dưỡng, kỹ thuật, xây dựng, kế toán, kiến trúc, khảo sát và du lịch. “Chúng ta có cơ hội tiếp nhận lao động có tay nghề và năng suất cao từ các nước trong khu vực và theo lý thuyết thì lao động chất lượng cao của chúng ta cũng có cơ hội thử sức, phát triển nghề nghiệp tại những nước tiên tiến trong ASEAN”, bà Hồng nói. Tuy nhiên, bà Hồng băn khoăn với thực trạng trình độ lao động Việt Nam nói chung về kỷ luật lao động, kỹ năng làm việc, ý thức còn rất hạn chế, nên sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với lực lượng lao động có tay nghề và kỷ luật tốt đến từ các nước trong khu vực. Nỗi lo còn hiện hữu khi giai đoạn đầu sau khi AEC được thành lập, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/5 Malaysia, 2/5 Thái Lan và 1/15 Singapore. Theo bà Hồng, về lý thuyết, chúng ta sẽ có cơ hội phát triển ở các nước tiên tiến, nhưng thực tế, thị trường lao động Việt Nam sẽ không tránh khỏi bị tổn thương từ cơ hội này trong những năm đầu. “Sinh viên là lực lượng lao động chính trong tương lai nên sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ cộng đồng kinh tế này”, bà Hồng nói.
“Sinh viên hãy nắm bắt cơ hội, suy nghĩ tích cực để đón nhận các kiến thức, trau dồi kỹ năng và có thái độ phù hợp để tích luỹ nhiều nhất cho 3 vấn đề: Kiến thức, kỹ năng và thái độ. Đặc biệt, kỹ năng hội nhập nên xem là điều bình thường, không còn mới mẻ nữa bởi các nghiên cứu của nhiều tổ chức xã hội đã cho thấy, để thành đạt trong sự nghiệp thì kỹ năng mềm (trí tuệ cảm xúc) Chiếm đến 85%, kỹ năng cứng (trí tuệ logic) Chỉ chiếm 15%” - Ông Trần Đình Lý - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Nông Lâm TPHCM. Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TPHCM là trường công lập duy nhất hiện nay được phép đào tạo chuyên ngành bằng tiếng Anh (trừ các môn chính trị, quân sự…). Tuy nhiên, ông Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng nhà trường, vẫn có phần lo lắng khi sinh viên ra trường phải cạnh tranh việc làm với các nước trong khu vực. Theo ông Phong, kinh nghiệm giao tiếp là điều hết sức cần thiết bởi sinh viên dù có tiếng Anh tốt, nhưng không có môi trường tiếp xúc, giao lưu với người nước ngoài thì cũng rất khó để nâng cao năng lực. Ông Phong cho rằng, nhiều người đang có công việc tốt thì không có lý do gì để họ bỏ công việc đó, chạy qua Việt Nam để cạnh tranh với chúng ta. “Nếu có thì cũng chỉ xảy ra ở những vị trí có mức thu nhập cao mà thôi. Chính vì thế, sinh viên cần phải khoanh vùng lao động, trình độ để đầu tư cho phù hợp”, ông Phong nói.
Theo ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, nhiều sinh viên ra trường vẫn thất nghiệp, trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn không tuyển đủ người. Tuy nhiên, ông Lý cho rằng, nguồn nhân lực Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng vươn tầm quốc tế trong bối cảnh gia nhập AEC và TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương). “Vấn đề quan trọng là sinh viên cần tự tin để học hỏi và phát huy những tiềm năng sẵn có trên nền tảng kiến thức và cơ hội mà cơ sở giáo dục đào tạo, cả các doanh nghiệp và xã hội mang đến cho các em”, ông nói.
Siết đầu vào, nâng chuẩn đầu ra...
Trước tình trạng sinh viên sau khi ra trường sẽ phải cạnh tranh với lực lượng có tay nghề cao, chuyên môn tốt, ông Hồ Thanh Phong cho biết, thời gian tới, trường sẽ siết đầu vào và nâng chuẩn đầu ra, tăng cường đào tạo kỹ năng mềm.. . “Sắp tới, trong chương trình học, nhà trường sẽ đưa các kiến thức địa lý, văn hóa của các nước trong khu vực vào dạy cho sinh viên để các em làm quen, nắm bắt cơ hội nghề nghiệp…”, ông Phong thông tin. Bà Trần Thị Hồng cho rằng, các cơ sở đào tạo phải mạnh mẽ thay đổi tư duy giảng dạy, cải tổ chương trình đào tạo, cơ sở vật chất… “Trong những năm qua, chúng tôi đã và đang xây dựng các chương trình đào tạo tiên tiến cho nhiều ngành (trong đó có khối ngành kinh tế, y dược và kiến trúc) Trên cơ sở kết hợp hài hòa nhất chương trình, giáo trình của các nước tiên tiến như Anh, Mỹ, Úc với tài liệu giảng dạy và giáo trình trong nước, đồng thời đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm giúp sinh viên chủ động hơn trong việc tiếp cận và giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó, trang bị khả năng ngoại ngữ (tiếng Anh) Cho các em sinh viên, giúp các em có cơ hội tiếp cận kho tri thức của thế giới với nguồn sách và tài liệu online”, bà Hồng nói.
Theo bà, trường còn đặt ra những chuẩn đầu ra rõ ràng cho từng ngành học, trên cơ sở nghiên cứu những yêu cầu thực tế trong công việc của doanh nghiệp thông qua khảo sát, tham vấn mạng lưới gần mà trường đang có quan hệ rất chặt chẽ, từ đó liên tục điều chỉnh để phù hợp với thị trường. Để sinh viên sau khi ra trường có thể cạnh tranh được với lao động trong khu vực, ông Trần Đình Lý cho biết, dù chưa tăng chuẩn đầu ra, nhưng Trường Đại học Nông Lâm TPHCM cũng có những động thái để giúp sinh viên đạt được chuẩn B1 trong khung tham chiếu châu Âu như bổ sung vào chương trình học bắt buộc 7 tín chỉ tiếng Anh cơ bản…
Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016 không cao hơn năm 2015:
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga vừa có văn bản gửi các trường ĐH về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh của các cơ sở giáo dục ĐH có quy mô sinh viên ĐH chính quy vượt mức quy định. Theo đó, đối với các cơ sở giáo dục ĐH có quy mô sinh viên ĐH chính quy cao hơn quy định tại khoản 3, điều 5 thông tư 32/2015/TT-BGDĐT ngày 16-12-2015, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường phải xây dựng lộ trình giảm dần quy mô sinh viên ĐH chính quy và gửi báo cáo về bộ trước ngày 31-3 để xem xét quyết định. Riêng năm 2016, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo tiêu chí 1 và 2 tại thông tư 32 (tỉ lệ sinh viên/giảng viên và diện tích sàn xây dựng - PV) Và không vượt quá chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015. Theo thông tư 32 quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở giáo dục ĐH vừa được Bộ GD-ĐT ban hành (sẽ có hiệu lực từ tháng 2-2016), một trong những căn cứ để các trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh là phải đảm bảo quy mô tối đa của trường, không vượt quá 15.000 sinh viên ĐH chính quy (8.000 đối với nhóm ngành sức khỏe và 5.000 đối với nhóm ngành nghệ thuật).
Trường mầm non ngoài trời ở Mỹ:
Không bó buộc trong các bức tường với bàn ghế và chương trình được giáo viên lên kế hoạch sẵn, học sinh của trường mẫu giáo đặc biệt ở bang Seattle (Mỹ) Vừa học vừa chơi trong cánh rừng dưới những tán cây cao. Theo tờ New York Times, Trường mầm non Fiddleheads được thành lập năm 2012 bởi Kit Harrington, một giáo viên mầm non và Sarah Heller, giáo viên khoa học đồng thời là nhà tự nhiên học. Cũng như mô hình giáo dục của hệ thống Trường Waldorf chú trọng cho học sinh hoạt động ngoài trời, Fiddleheads đang nắm bắt xu hướng hiện lan rộng trên toàn quốc nhưng với các đối tượng nhỏ tuổi hơn. Trẻ bắt đầu buổi học từ 9g sáng và buổi học kéo dài bốn giờ mỗi ngày bất kể nắng hay mưa trong khu vườn bách thảo thuộc khuôn viên Đại học Washington. Trẻ lắng nghe chim hót, đùa nghịch với các con giun đất, học chữ cái bằng các que củi và đất đá xung quanh. Ngoài ra, trẻ còn tự do hát hò, chơi trò gọi tên bất cứ vật gì chúng nhìn thấy và ăn trưa ngay dưới những tán cây cao mát, việc học trở nên thú vị như một chuyến khám phá. Trên thực tế có nhiều nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả của hoạt động bên ngoài đến sự phát triển của trẻ chẳng hạn như làm giảm nguy cơ béo phì, giảm stress, tăng sự nhanh nhẹn và linh hoạt.
Tế nhị trong họp phụ huynh:
Thời điểm này trên khắp cả nước đồng loạt diễn ra họp phụ huynh các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông. Thông thường, cuộc họp phụ huynh diễn ra gồm những nội dung sau: Giáo viên chủ nhiệm báo cáo tình hình trường, lớp; Ban đại diện cha mẹ học sinh báo cáo hoạt động của hội cha mẹ trong học kỳ qua; Phụ huynh học sinh phát biểu ý kiến, giáo viên chủ nhiệm giải đáp; Cuối cùng là thông qua biên bản kết thúc cuộc họp. Phần lớn các cuộc họp phụ huynh đều mang lại nhiều cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố.. . Phụ huynh có con chăm ngoan, học giỏi thì vui sướng, còn phụ huynh có con quậy phá, lười học, kết quả yếu thì buồn bực, tức giận.. . Thế nhưng mới đây tôi tham dự cuộc họp phụ huynh mà tất cả đều vui, dù kết quả rèn luyện hai mặt học tập và đạo đức không phải đều tốt mà vẫn còn những em học yếu, chưa ngoan. Đó là nhờ sự tế nhị mang đầy tính nghệ thuật sư phạm của thầy giáo chủ nhiệm con tôi. Con tôi năm nay học lớp 11, mỗi năm có 2-3 cuộc họp phụ huynh, nghĩa là tôi đã tham dự trên 20 cuộc họp. Tất cả đều theo một kịch bản như tôi đã nói ở trên và đều giống nhau ở chỗ: Khi báo cáo kết quả học tập của lớp, bên cạnh việc tuyên dương những em ngoan, học giỏi khiến những phụ huynh đó nở mày nở mặt thì luôn đi kèm với phần kể tội những em quậy phá, lười học khiến phụ huynh những em này xấu hổ muốn chết, chỉ mong sàn nhà có lỗ nứt để chui xuống nhưng phải trân mình chịu trận, đến khi về nhà thì trút tức giận lên con. Nhiều trẻ đã phải chịu những trận đòn kinh hoàng của cha mẹ sau cuộc họp phụ huynh, có trẻ uất ức quá mà bỏ học, có phụ huynh nóng giận quá không cho con đến trường nữa.. .
Tôi cũng từng đi họp phụ huynh với tâm trạng xấu hổ và từng trút giận lên con với những đòn roi mà lúc bình tâm nghĩ lại thấy mình sai và xót con vô cùng. Nhưng năm nay, thầy giáo chủ nhiệm con tôi đã xử sự tế nhị với những phụ huynh có con quậy phá, chưa ngoan, kết quả học tập và đạo đức chưa tốt. Sau khi báo cáo chung về tình hình của trường, lớp, biểu dương những em học sinh chăm ngoan, đạt thành tích học tập xuất sắc mà không có phần kể tội những em học yếu, chưa ngoan. Phụ huynh những em này được thầy đề nghị cuối buổi họp ở lại để trao đổi riêng, khi đó thầy mới nêu những điểm yếu, điểm chưa tốt của học sinh và đề nghị phụ huynh quan tâm, phối hợp với giáo viên, nhà trường để cùng giáo dục con em tốt hơn. Sự tế nhị này khiến phụ huynh dù buồn với kết quả học tập của con em nhưng lại vui vì được thầy giáo tôn trọng, không làm mất mặt trước tập thể. Với sự ứng xử khéo léo đó phụ huynh tin tưởng, quý trọng thầy cô giáo hơn và chắc chắn sẽ có sự hợp tác tốt để cùng giáo dục con em. Mong sao sẽ có nhiều thầy cô giáo tế nhị trong cuộc họp phụ huynh, một hành động nhỏ nhưng mang lại hiệu quả giáo dục!
Chương trình học bổng thạc sĩ Fulbright 2017-2018 bắt đầu nhận hồ sơ:
Chương trình học bổng Fulbright năm học 2017-2018, lấy bằng thạc sĩ tại Mỹ các ngành khoa học xã hội và nhân văn tại Mỹ bắt đầu tiếp nhận hồ sơ. Chương trình học bổng Fulbright lấy bằng thạc sĩ tại Mỹ năm học 2017- 2018 khuyến khích các ngành khoa học xã hội và nhân văn như: Hoa Kỳ học, giáo dục, truyền thông, báo chí, quan hệ quốc tế, công tác xã hội, chính sách công, kinh tế, kinh doanh, sức khoẻ cộng đồng, thư viện, quản lý hành chính công, chính sách công, giảng dạy tiếng Anh, nghiên cứu về giới và phụ nữ, vv… Học bổng bao gồm toàn bộ học phí, trợ cấp hàng tháng, vé máy bay khứ hồi đến Mỹ và bảo hiểm y tế. Người được cấp học bổng sẽ theo học chương trình thạc sĩ tại Mỹ bắt đầu vào năm học 2017-2018. Chương trình Fulbright hướng tới mục tiêu tăng cường hiểu biết lẫn nhau thông qua trao đổi văn hoá và giáo dục được thành lập năm 1946 với nguồn tài trợ từ Quốc hội Mỹ. Đối tượng tham gia chương trình là công dân Việt Nam, tốt nghiệp đại học, có ít nhất hai năm kinh nghiệm kể từ khi tốt nghiệp đại học đến thời điểm nộp hồ sơ, có điểm TOEFL iBT tối thiểu là 79 điểm IELTS 6.5 còn giá trị sử dụng. Hạn chót nhận hồ sơ là ngày 5 giờ chiều, ngày 15-4-2016. Chương trình Fulbright sẽ tổ chức các buổi giới thiệu thông tin tại nhiều tỉnh thành để giải đáp những thắc mắc liên quan đến việc nộp hồ sơ.
(Tổng hợp theo ND, TP, TN, TT)
Nhận xét
Đăng nhận xét