Chuyển đến nội dung chính

bai giang van hoa trang phuc viet nam

 BÀI GIẢNG

VĂN HÓA TRANG PHỤC VIỆT NAM


Hoàng Thị Mai Sa - AMBN


Chương 1: Khái niệm trang phục và văn hóa trang phục

1.1. Trang phục – Biểu hiện của văn hóa

Ăn, mặc, ở là một trong những nhu cầu thiết yếu của đời sống con người, sự lựa chọn của con người trong cách ăn, mặc, ở là khác nhau tạo nên các sắc thái trong sinh hoạt khác nhau. Khi sự lựa chọn ấy đạt đến tính thống nhất, tính bền vững, tính giá trị cao thì chúng được nâng lên thành văn hóa, trở thành biểu hiện của văn hóa.

Trang phục là lĩnh vực hoạt động sáng tạo riêng của nữ giới, chính họ đã xây dựng cho tộc người mình một kiểu trang phục riêng, hay nói cách khác, chính họ đã xây dựng một hệ biểu tượng của văn hóa truyền thống trên trang phục. Vì vậy, thông qua hệ biểu tượng này, trang phục trở thành một trong những sắc thái để nhận biết đặc trưng của mỗi dân tộc. Cũng qua cách phục sức, chúng ta tiếp nhận những thông tin quan trọng làm cơ sở để phân biệt tộc người này với tộc người khác, các giai tầng trong xã hội, trình độ văn hóa và sở thích của cá nhân. Một trong những biểu hiện của văn hóa tộc người được bảo lưu thường xuyên và lâu bền nhất qua các thời đại là trang phục, hiểu được tầm quan trọng này, chính sách đồng hóa của kẻ thù đều bắt đầu từ cách ăn mặc, cách phục trang của dân tộc.

1.2. Trang phục – Một thành tố cơ bản của văn hóa

Cùng với chức năng cơ bản là bảo vệ cơ thể và đáp ứng nhu cầu thẩm mĩ, từ xa xưa, trang phục đã cùng với ngôn ngữ, chữ viết trở thành dấu hiệu quan trọng để nhận diện một dân tộc.

Bản sắc văn hóa dân tộc thể hiện rất rõ trong mọi hoạt động của đời sống, từ việc ăn, mặc, ở, đến các mối quan hệ xã hội, các phong tục tập quán, nghi lễ cưới xin, ma chay, lễ tết hội hè… của cộng đồng, tộc người, dân tộc. Đặc biệt, thông qua trang phục, bản sắc văn hóa được biểu hiện rõ nét, thường xuyên và lâu bền nhất; Mặt khác nó còn là tấm gương phản chiếu giá trị đạo đức, tâm lý, nếp sống, lối sống, phong tục… của mỗi cộng đồng dân tộc.

Trang phục gắn bó mật thiết và tồn tại trong sự vận hành của đời sống tộc người. Nhiều hoạt động đặc trưng của văn hóa tộc người đều có sự tham gia của trang phục, đặc biệt là trong những ngày lễ lớn, khoảnh khắc thiêng liêng của tộc người, hoặc thời điểm đánh dấu bước ngoặt cuộc đời mỗi người trước sự chứng giám của cộng đồng, tộc người… Sự chu đáo, cẩn trọng trong trang phục vào những thời điểm ấy không chỉ đánh dấu tính thiêng của sự kiện mà còn thể hiện quan niệm tín ngưỡng, tâm linh và là một cơ hội để con người thể hiện cá tính, bản lĩnh trước cộng đồng.

Trong xã hội, mỗi giới tính, mỗi lứa tuổi, mỗi nghề nghiệp đều có lối cắt may, xử lý trang phục khác nhau để phù hợp với tâm lý đặc điểm sinh hoạt khác nhau. Trang phục tham gia vào hoạt động giao tiếp góp phần làm nên văn hóa giao tiếp con người và văn hóa giao tiếp của cộng đồng.

Trang phục là những sản phẩm mang giá trị văn hóa vật thể được hình thành do nhu cầu của đời sống con người và nó không ngừng phát triển cùng với lịch sử phát triển của các cộng đồng tộc người và quốc gia. Trang phục là sản phẩm văn hóa tiêu biểu mang đậm dấu ấn văn hóa của từng thời đại, góp phần quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa riêng của từng tộc người và quốc gia. Trang phục mang tính hai mặt: Vừa bảo lưu những yếu tố văn hóa truyền thống, vừa giao thoa hòa đồng để thay đổi, bổ sung thêm các thành tố của một bộ trang phục cũng như chất liệu, kiểu dáng… cho phù hợp với cuộc sống hiện đại.

Trang phục có mối quan hệ sâu sắc với đời sống văn hóa tộc người nên trang phục là một thành tố cơ bản của nền văn hóa nước nhà.

1.3. Khái niệm trang phục và văn hóa trang phục

1.3.1Trang phục

Trang phục là một thành tố văn hóa có nội dung đa dạng và phong phú. Từ trước đến nay, nhiều học giả trong và ngoài nước đã dùng nhiều khái niệm, thuật ngữ đề cập đến hiện tượng văn hóa trang phục. Những thuật ngữ thường được đề cập đến là:

-Y phục: Thuật ngữ dùng để chỉ các đồ mặc của con người (kể cả nam và nữ, từ trẻ em đến người già) Như khăn, áo, váy, khố, quần, thắt lưng, v.v… được làm ra từ nhiều loại chất liệu khác nhau.

-Trang sức: Thuật ngữ chỉ những vật dụng mà con người thường mang trên cơ thể, vừa có tác dụng làm đẹp cho con người, dùng để trừ tà khí, vừa gắn với những quan niệm tín ngưỡng của các tộc người. Trang sức thường là những vật dụng như: Vòng cổ, vòng tay, trâm cài tóc, hoa tai, khuyên tai, nhẫn, kiềng, xà tích… thường được tạo hình từ chất liệu bình dân là những thứ sẵn có trong tự nhiên như trai, sò, đá… đến kim loại quý như vàng, bạc, đồi mồi, ngà voi…

-Phục sức: Là một từ ghép để chỉ nội dung y phục và trang sức.

-Trang phục: Là một từ ghép chỉ nội dung của trang sức và y phục. Trang phục gồm hai yếu tố cơ bản tạo nên một chỉnh thể, theo công thức trang phục = y phục + Trang sức.

Giữa hai thuật ngữ phục sức và trang phục, người ta hay dùng thuật ngữ trang phục hơn.

1.3.2Văn hóa trang phục

Trang phục là một phần không thể thiếu đối với con người, do đó con người luôn tìm tòi sáng tạo để tìm ra được trang phục phù hợp với điều kiện sống, hoạt động kinh tế, phù hợp với lứa tuổi, giới tính và mục đích sử dụng trang phục. Điều kiện sống, tín ngưỡng, văn hóa mỗi dân tộc khác nhau nên mỗi dân tộc đều có kiểu trang phục khác nhau.

Văn hóa trang phục là kết quả của hoạt động sống và sáng tạo của con người, là văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội, qua đó thể hiện bản sắc dân tộc rõ nét.

Câu hỏi ôn tập chương 1:

1. Trang phục là gì? Tại sao nói trang phục là một biểu hiện của văn hóa?

2. Chứng minh trang phục là một thành tố cơ bản của văn hóa tộc người?


Chương 2: Trang phục Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại

2.1. Trang phục thời kỳ Hùng Vương

Trước thời kỳ Hùng Vương, cái mặc của con người được đảm bảo chủ yếu từ da thú, các loại bẹ lá, lá cây; Và từ khi biết dùng vỏ cây, bằng mọi kỹ thuật chằm, vá, vấn, bện… con người đã tạo nên những bộ trang phục sơ khởi nhất.

Đến thời kỳ Hùng Vương cùng với sự phát triển của nghề nông (trồng lúa, khoai, cây ăn quả…), cư dân Việt cổ đã biết trồng một số cây như gai, đay, dâu và nuôi tằm, ươm tơ dệt vải, nên nguyên liệu may trang phục đã dần phong phú và thẩm mĩ hơn.

Hoạt động tạo ra trang phục gắn liền với nghề trồng bông, nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải, nhuộm vải do chủ thể sáng tạo độc đáo là những người phụ nữ, nên trang phục nữ được ưu tiên hơn về số lượng và chất lượng. Trang phục nữ thời kỳ này thể hiện ở áo, váy, thắt lưng, mũ.

Trang phục của đàn ông, như những hình ảnh còn lại mà chúng ta thấy trong cảnh chèo thuyền trên trống đồng, là những chiến binh, mình trần, đóng khố. Khố là một dải vải, chiều ngang khoảng 10cm, chiều dài khoảng 1,2m hoặc dài hơn nữa. Tùy theo chiều dài của khố, người ta quấn một hoặc nhiều vòng quanh bụng thả đuôi khố (ngắn hoặc dài) Ra hai phía trước sau, thường thả đuôi khố về phía trước bụng. Các khối tượng nổi cho thấy đàn ông Đông Sơn thường cởi trần, hoặc mặc những chiếc áo chui đầu hay những tấm áo choàng độc đáo với những hoa văn trang trí phức tạp.

Qua một số hiện vật bằng gốm, mảnh gỗ, miếng da còn lại, có thể thấy màu sắc phổ biến thời đó là màu vàng, màu đen, màu đỏ nâu, xám nhạt, vàng nhạt…

Cư dân thời Hùng Vương đã chú ý nhiều hơn đến cách phục trang, như: Để các kiểu đầu tóc, chế tạo và hoàn thiện các loại vòng tay chuỗi hạt bằng đá đẹp và ngọc, tục xăm vẽ lên thân mình.

Trang phục của chiến binh thời kỳ này gồm một số bộ phận như những mảnh giáp, đai lưng đồng, bao ống chân, bao ống tay bằng đồng.

2.2. Trang phục thời Ngô – Đinh – Tiền Lê

Nước ta trải qua hơn mười thế kỷ Bắc thuộc, sau chiến thắng Bạch Đằng oanh liệt, Ngô Quyền xưng vương, lập quốc. Nhưng triều đại nhà Ngô không tồn tại được lâu nên chưa làm được nhiều việc. Dù vậy Ngô Vương cũng đã đặt ra các chức quan văn võ, quy định các nghi lễ trong triều và đặc biệt đã quy định về màu sắc phẩm phục quan lại các cấp…

Đến triều đại nhà Đinh (968 – 980), trang phục được sử sách đời sau nhắc đến rất ít. “Năm 974, quân lính đều đội mũ chỏm bằng, bốn bên hình vuông”, mũ làm bằng da, bốn cạnh khít lại, trên hẹp dưới rộng, gọi là mũ “tứ phương bình đính”. Hoặc “Năm Thái Bình thứ sáu (975) Đinh Tiên Hoàng định phẩm phục của các quan văn võ”. Năm 980 trong một bức thư của nhà Tống gửi cho triều đình ta có nói tới việc nhân dân ta thời đó đều cắt tóc ngắn, hoặc mũ của các đạo sĩ thời đó màu vàng, áo của các nhà sư màu thâm, các quan được dùng ấn vàng thì thắt lưng dải tím, được dùng ấn bạc thì thắt dải xanh…

Sang thời Tiền Lê (981 – 1009), ta thấy vua Lê Đại Hành lên ngôi mặc áo long cổn, về sau áo mặc thường dùng vóc đỏ, mũ trang sức trân châu.

2.3. Trang phục thời Lý

Thời kỳ này, nền kinh tế phát triển, xuất hiện nhiều cơ sở nuôi tằm, dệt lụa với các mặt hàng thủ công như gấm, vóc, lụa, đoạn nhiều màu, họa tiết đặc sắc.

Năm 1029, vua Lý Thái Tông định quy chế mũ áo của các công hầu và các quan văn võ. Nhưng quy định này còn chưa chặt chẽ kể cả về hình thức trang phục và cách thức sử dụng.

Các vũ nữ, tóc thường búi cao đến đỉnh đầu, trên trán có một điểm trang trí, mái tóc điểm những bông hoa, tay đeo vòng, cổ đeo những chuỗi hạt, mặc váy ngắn có nhiều nếp. Trang phục của nhạc công cũng khá độc đáo. Mũ chùm kín tóc, phía trên mũ được làm cao lên và trang trí các diềm uốn lượn. Áo cánh trong: Tay dài và chít ở cổ tay. Bên ngoài là một chiếc áo cộc tay. Quanh cổ áo có chiếc vân kiên (như chiếc yếm dài) Chùm cả một phần ngực, lưng và vai. Quanh bụng đeo những miếng diềm vải rộng có trang trí nhiều đường thêu đẹp. Bọng chân quấn xà cạp và chân đi giày vải mũi nhọn.

Thời gian này vẫn còn tục xăm mình. Từ vua đến quân sĩ ai cũng xăm mình. Quân cấm vệ xăm vào ngực và chân những dấu hiệu riêng và được phép xăm hình rồng lên người. Nhân dân cũng xăm mình nhưng chỉ được xăm hình rắn, hình các lối hoa văn như hình khắc trên trống đồng.

Ngoài một số ít tư liệu thành văn chỉ nói về trang phục triều đình, còn đối với áo quần của nhân dân, ta tham khảo những hiện vật như tượng tròn, tượng nổi của thời này để biết được những thông tin tối thiểu về quy cách may mặc, về chất liệu. Có lệnh cấm những kẻ nô bộc ở các nhà nội ngoại thành thích dấu mực vào bụng, ngực và chân như kiểu cấm quân, cấm thích hình rồng trên mình. Cấm người dân mặc áo màu vàng, con gái dân gian không được bắt chước kiểu búi tóc như cung nhân.

Thời kỳ này, tục nhuộm răng và ăn trầu rất phổ biến. Đàn bà thường đeo khuyên bạc, vũ nữ thường búi tóc cao và buộc diềm hoa trên đầu giống hình ảnh trang điểm ở tượng người phụ nữ trên cán dao găm, trên chuôi kiếm ngắn từ thời Hùng Vương.

2.4. Trang phục thời Trần

Thời gian này nghề dệt khá phát triển, nhân dân ta đã làm ra nhiều loại vải bông, vải gai, lụa, lĩnh, sa, the, nái, sồi, đoạn, gấm, vóc.. . Nghề thêu cũng phát triển.

Thời Trần đã có sự củng cố một bước hệ thống quan lại triều đình và gắn bó với nó là những quy định về phẩm phục theo thứ bậc, theo bên văn và bên võ. Và sau ba lần đánh thắng quân Nguyên, triều đình mới ban hành các quy định về mũ áo cho các quan, và về thực chất, các kiểu trang phục ấy, tuy không được giản đơn như thời kháng chiến nhưng vẫn giữ được phong cách khoáng đạt, khỏe khoắn chung mang hơi thở của thời đại.

Cuối thời Trần, vẫn chuộng dùng đồ trang sức như vòng tay và chuỗi hạt đeo cổ… bằng đồi mồi, xương sừng, ít dùng vàng, bạc.

Riêng trang phục của nhân dân, sử sách thời kỳ này không thấy ghi lại những quy định cụ thể, trong nhân dân, trừ phụ nữ không ai được mặc màu trắng. Ai mặc màu trắng là phạm pháp. Các màu xanh, vàng, tía cũng không được dùng.

Đàn bà thường mặc áo tứ thân màu đen, trong lót vải trắng để may viền vào cổ áo, rộng khoảng 13cm, cắt tóc để lại chừng 10cm rồi buộc túm lên đỉnh đầu, xong uốn cong đuôi tóc và buộc lại lần nữa hình giống như cây bút, không để tóc mai, không búi tóc phía sau đầu, không đeo vòng khuyên. Người giàu cài trâm đồi mồi, còn những người khác thì cài trâm bằng xương hoặc sừng, không dùng phấn sáp hay vàng ngọc.

Đàn ông thưởng cởi trần hoặc mặc áo tứ thân màu đen, cổ áo tròn bằng the, quần mỏng bằng lụa thâm. Đại đa số cạo trọc đầu. Có người chùm đầu bằng khăn lụa. Trong nhân dân vẫn phổ biến tục nhuộm răng và ăn trầu. Tục xăm mình thời

Trần rất phổ biến, đạt đến trình độ nghệ thuật, và đã có thợ chuyên vẽ hình xăm. Trong khi quân đội thời Trần đều thích lên cánh tay hai chữ “Sát Thát”, thì nhân dân Đại Việt, nhiều người, dù là người đã có con cháu, cũng xăm lên bụng những chữ “Nghĩa dĩ quyên khu, hình vu báo quốc” thể hiện tinh thần vì việc nghĩa liều thân, báo đền ơn nước.

2.5. Trang phục thời nhà Hồ

Nhà Hồ sau khi thay thế nhà Trần, đã tồn tại không lâu. Sử sách hầu như không nhắc tới các quy định về trang phục của nhà Hồ đối với quan lại và dân chúng. Năm 1406, nhà Minh phái quân sang xâm chiếm nước ta, nhưng mãi đến năm 1414 chúng mới đặt được bộ máy cai trị. Trong thời gian đô hộ (1414 - 1427), quân Minh đổi nước ta thành quận Giao Chỉ với ý đồ thủ tiêu nền độc lập dân tộc, âm mưu đồng hóa nước ta, bắt nhân dân ta thay đổi phong tục, tập quán, cách ăn mặc… theo lối phương Bắc. Nhà Minh tuyên bố “phong tục có liên quan đến việc trị đạo”. Do đó chúng ban bố thiết lệnh hạn định trong một tháng, tất cả quan lại, kỳ chính, giám thủ, quan lang, đầu mục, binh lính… đều phải có sự phân biệt về y phục, nhất thiết phải thay đổi theo chế độ hiện hành, nếu trái lệnh sẽ bị trị tội.

Thời kỳ này quan lại và nho sinh đều đội mũ có cạnh, mặc áo vạt dài, cổ áo viền tròn, đi giày ủng có dây thắt. Quan lại mặc áo may bằng tơ lụa. Nho sinh mặc áo màu xanh lam. Đàn bà lấy chồng làm quan, khăn áo phải theo đúng thể lệ quy định. Người nào lấy chống là thường dân thì mặc áo rộng, váy dài, phải búi tóc, chùm khăn lụa đen, trâm thoa, khuyên mấm tùy nghi sử dụng, còn giày dép làm bằng vải hay bằng da. Cấm cắt tóc, cấm để lộ chân. Cấm mọi người dùng các màu huyền, vàng, tía. Trước đó, đàn ông nước ta thường cạo trọc đầu, đàn bà thường cắt tóc ngắn, thì nay “con trai, con gái không được cắt tóc, đàn bà con gái phải mặc áo ngắn, mặc quần dài, theo phong tục phương Bắc”.

Kẻ thù bắt nhân dân ta phải ăn mặc theo chúng, nhưng người dân vẫn ăn mặc theo truyền thống, quân khởi nghĩa đội mũ tứ phương bình đính, loại mũ được dùng từ thời nhà Đinh, Tiền Lê. Nhân dân ta biểu thị sức chống đối mãnh liệt nên nhiều lần chúng đã phải ra thông cáo, nêu quy định…, trong đó có những điều khoản về trang phục.

2.6. Trang phục thời Lê

Thời Lê đánh dấu bước phát triển cao của nhà nước phong kiến tập quyền Đại Việt nên sự quy định về lễ, nhạc, trang phục càng nghiêm ngặt và tỉ mỉ.

Từ năm 1429, sau khi lên ngôi một năm, vua Lê Thái Tổ đã quan tâm đến trang phục của các quan, nhưng do điều kiện khó khăn của đất nước nên chỉ mới biểu thị qua một số hình thức: Quan võ từ thượng tướng tước trí tự và tước phục hầu trở lên, quan văn từ chức nhập nội, hành khiển, và quan phục hầu trở lên đều cho mặc áo lụa màu đỏ.

Trang phục của chúa Trịnh không khác biệt gì trang phục của vua Lê mà chỉ khác về màu sắc (vua dùng màu vàng, chúa dùng màu tía), biểu hiện một sự lấn quyền nghiêm trọng. Điều này còn được chứng minh cả ở trang phục tầng lớp con cháu vua chúa. Người con sẽ được nối ngôi vua (Hoàng Thái Tử) Mặc áo xanh, đội mũ dương đường. Người con sẽ được nối ngôi chúa (Vương Thế Tử) Mặc áo đỏ, đội mũ dương đường cánh chuồn dát vàng, bổ tử hình kỳ lân thêu kim tuyến, mang đai đính đá quý bịt vàng. Khi chầu ở phủ chúa mới mặc áo thanh cát có dây thao kép (giáp thao) Xâu hạt ngọc, dát vàng, đội mũ ô sa.

Trang phục của phụ nữ trong triều đình cũng được phản ánh trên những tượng chân dung hay ở các bức chạm gỗ, như tượng vợ vua Lê, tượng người hầu trong cung.. . Trang phục của các vợ vua Lê: Bên trong là tấm yếm cổ tròn, kín ngực, bên ngoài mặc áo dài mở giữa, buông vạt, nẹp trang trí đẹp, thắt bao lưng vải buộc múi trước bụng. Một tượng khác có đeo vân kiên rộng, thêu nhiều hình trang trí, phủ cả hai vai và ngực. Tiếp theo là những dải vải đẹp tỏa kín bụng. Tượng nào cũng đội mũ đẹp, chạm trổ tinh vi. Đặc biệt từ thời gian này, ta thấy xuất hiện hình ảnh người phụ nữ Việt Nam để tóc dài, vấn khăn, rẽ đường ngôi giữa, mặc áo dài cổ tròn, tay áo chật, có xẻ một đoạn ở cổ tay áo để khi mặc cho bàn tay luồn qua dễ dàng. Thắt lưng buông dải trước bụng, váy dài và rộng. Có người còn mang những dải xiêm đẹp rủ xuống chân.

Ở những tượng cung nữ ta thấy hình thức búi tóc gọn lên đỉnh đầu từ thời Trần đến thời Lê vẫn còn tồn tại. Đời vua Lê Hiển Tông (1418 - 1504) Cho phép cung nhân khi hầu được búi tóc lệch, lúc ra tấu nhạc thì đội mũ chữ đinh tròn.

Đồ trang sức có vòng tay tròn dẹt, hoa tai hình quả bầu, hình hoa sen hay khuyên tròn.

Dưới thời Lê, triều đình rất quan tâm đến vấn đề trang phục, không những đối với quan, quân mà cả đối với nhân dân lao động, trên cơ sở quyền lợi của giai cấp thống trị. Sự phân biệt giai cấp, đẳng cấp thời kỳ này được biểu hiện rõ nét qua hình thức trang phục, sắc màu trang phục. Điều đó có thể thấy rõ bằng lệnh cấm nhân dân về trang phục, không cho phép lẫn lộn giữa vua, quan, quân dân (không được mặc áo kích thước như các quan, không được mặc màu vàng, đi hài, đội nón thủy ma, nón sơn đỏ…)

2.7. Trang phục thời Nguyễn

Đầu thời Nguyễn, trang phục của vua quan cũng được quy định tỉ mỉ như ở những triều đại phong kiến trước và có một cơ quan là Bộ Lễ chăm lo việc ăn mặc, song nó đã không mang được sắc thái riêng của dân tộc.

Nhìn vào hệ thống trang phục của vua, quan nhà Nguyễn, người ta đã thấy được thực chất tham vọng của những con người mặc nó. Ví dụ như trên bề mặt nhỏ hẹp của một chiếc áo lai căng, vua Nguyễn đã cho thêu vẽ đầy họa tiết rồng, mây, hoa, lá, sóng nước, vàng bạc, châu báu.. . Như muốn thu cả đất trời, của cải về mình. Cái nón dân tộc giản dị, trang nhã được gắn đầy ngọc ngà. Còn trang phục các quan, hầu như là một sự sao chép trang phục triều đình phương Bắc.. . Tưởng là phô trương được uy quyền và sự giàu có, nhưng ngược lại nó lại nói lên sự yếu đuối về tinh thần độc lập, tự chủ, sự nghèo nàn về xu hướng thẩm mĩ.. .

Về trang phục nhân dân, phụ nữ lao động ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ thường mặc áo cánh ngắn bằng vải nâu, cổ tròn, viền nhỏ, tà mở, đa số không cài cúc trước ngực. Bên trong là yếm màu vàng tơ tằm hay bằng vải màu hoa hiên hoặc màu nâu non. Váy thường mặc ngắn đến ống chân. Họ thường quấn thắt lưng bằng vải màu một hoặc rất nhiều vòng ngoài cạp váy. Ngoài ra còn có kiểu áo dài, áo năm thân, mặc áo dài đều phải thắt thắt lưng màu đẹp buông xuống phía trước. Phụ nữ thường để tóc dài và vấn khăn. Các loại nón thường thấy: Nón lá gồi, lá cọ, nón chỏm bằng, nón lòng chảo, nón thúng, nón chân tượng.. . Áo tơi là trang phục chống mưa, chống rét và cả chống nắng.

Vào những năm 1920 – 1930, trang phục ở nông thôn vẫn giữ được cách ăn mặc cổ truyền, nhưng trang phục của thành thị Bắc, Trung, Nam có nhiều thay đổi.

Với chính sách cai trị của Pháp, làn sóng “văn hóa” Tây Âu tràn vào Việt Nam đã ảnh hưởng tới thị hiếu của những người tư sản, tiểu tư sản, đến tầng lớp thanh niên thành thị trong các phong trào sống mới, vui khỏe, trẻ trung. Năm 1935, ở Hà Nội, áo dài Lơ Muya các kiểu ra đời, được xem là mốt tân tiến.

Giai đoạn này, trang phục đàn ông trong cả nước đều giống nhau. Đàn ông thuộc tầng lớp lao động, miền Bắc, miền Trung thường mặc quần áo bằng vải Đồng Lầm nhuộm nâu. Áo cánh ngắn bốn thân cài cúc giữa hay năm thân cài cúc bên, may cổ tròn đứng, vuông góc. Quần lá tọa đũng thấp, ống thẳng rất phù hợp cho việc sinh hoạt và lao động. Tóc đàn ông để đài như tóc đàn bà, búi cao gần lên phía sau đỉnh đầu. Do thời tiết nóng bức, đa số đàn ông đi lao động hay cởi trần nhưng vẫn thắt dây lưng vải.

Từ năm 1910, nhiều đàn ông đã cắt tóc ngắn nhưng vẫn quấn khăn lượt. Ra đường gặp mưa, dùng ô màu trắng hoặc đen, thường gọi ô cánh dơi.

Những năm 1930, phong trào cắt tóc ngắn rẽ ngôi lệch càng rầm rộ. Những người đứng tuổi mặc áo dài, đội khăn xếp, khăn xếp hình thức vẫn như khăn quấn. Những người đi làm, ngoài các trang phục dân tộc, áo the khăn xếp còn mặc quần áo Âu.

2.8. Trang phục từ Cách mạng tháng Tám đến nay

Sau cách mạng tháng Tám 1945, trang phục đàn ông ở thành thị được Âu hóa khá nhanh. Ở nông thôn còn phải trải qua một quá trình lâu hơn mới có sự thay đổi căn bản.

Từ năm 1975 đến nay, đa số đàn ông trong cả nước đều mặc quần Âu (thường gọi là quần Tây). Trang phục của đàn ông trong cả nước, nhất là ở thành thị, đã được may theo các kiểu trang phục châu Âu, xem ra cũng có phần gọn gàng, thuận tiện. Tuy vậy, với những đặc điểm khí hậu, thói quen thẩm mĩ, điều kiện kinh tế.. . Ở từng vùng Việt Nam, các loại trang phục đàn ông cũng đã được cải tiến nhiều cho thích hợp. Điều thấy rõ là qua trang phục đàn ông, người ta không thấy còn sự cách biệt giữa các tầng lớp như trong xã hội cũ nữa.

Kể từ năm 1954, chiếc áo dài Việt Nam đã được nhiều nữ sinh mặc đến trường với kiểu tà rộng, eo thắt, cổ cao có lót cứng, ống tay hẹp. Phong trào mặc áo sơ mi, váy đầm cũng song song phát triển.

Váy, từ kiểu dài quá đầu gối, may phồng đến những năm 1960 lại may thẳng, xẻ chút ít ở giữa thân sau, hoặc may xếp li, hoặc may bó. Mặc với áo ngắn tay hoặc áo không tay, ngang lưng có dải vải thắt ngoài, bỏ giọt bên cạnh hay ở giữa. Hoặc mặc với áo thẳng, cổ viền, túi viền.. . Một màu hay nối màu.

Áo dệt thun chui đầu với các kiểu cộc tay hay không tay, cổ bẻ hay không cổ, gấu áo bỏ ra ngoài váy. Có cả các loại quần thun bó sát, ống ngắn, hoặc rộng dài hơn.

Sau năm 1968, chiếc váy mi-ni ra đời, ngắn trên đầu gối, càng ngắn càng hợp thời trang. Quần Âu ống loe 30cm - 40cm xuất hiện với nhiều loại thắt lưng da các màu, to bản. Người ta dùng cả thắt lưng bằng kim khí.

Áo quần kiểu “híp-pi” đã một thời chiếm lĩnh mốt thời trang của Sài Gòn. Áo may bằng vải xô mỏng, thêu rối rắm, tay dài hoặc tay ngắn. Có loại áo may rất ngắn, để hở cả lưng, bụng người mặc, ống tay áo dài hoặc ngắn nhưng rộng, gấu tay áo thít lại cho tay áo phồng lên. Quần bò Jeans bạc phếch, có khi vá miếng da ở đầu gối, ở mông.. . Xuất hiện thêm loại váy dài đến mắt cá nhân, có hàng khuy ở giữa từ thắt lưng xuống gấu, cài mấy khuy là tùy thuộc ở chủ nhân.

Về đầu tóc, từ năm 1954, nhiều bà đã thôi búi tóc mà uốn quăn. Tóc của nữ thanh niên cũng diễn ra đủ kiểu: Cắt ngắn, uốn điện, uốn lượn sóng. Rồi đến giai đoạn uốn tóc, rẽ đường ngôi lệch trở thành lạc hậu, lúc này người ta rẽ đường ngôi giữa và để tóc buông thả tự nhiên đến ngang vai, ngang lưng, gió thổi bay lòa xòa che cả mặt. Hoặc cuộn thành nhiều cuộn tóc nhỏ trên đầu, hoặc đánh rối làm cho tóc bù xù.. .

Giày dép cũng thay đổi nhanh chóng. Đồ trang sức phổ biến có vòng tay bằng nhựa nhiều màu đeo ở cổ tay hay ở bắp tay. Nhẫn phần nhiều đều gắn mặt đá nhiều màu, cỡ lớn. Tai đeo vòng to. Cổ đeo các vòng đồng hoặc các chuỗi hột to.

Kính đeo mắt, gọng bằng nhựa, mắt kính càng ngày càng to ra với các hình tròn, hình chữ nhật, hình vuông, nhiều cạnh, với các màu xanh, tím nhạt, hồng nâu v.v.. . Các mốt trang điểm tất nhiên theo hướng phát triển của mốt trang phục. Càng về sau, mặt càng đánh bự phấn. Môi son, má hồng đỏ chót. Mắt kẻ đậm nét, trên mi tô màu xanh, hoặc nâu, hoặc tím, có người tô cả hai màu hoặc ba màu nối tiếp, cặp hàng lông mi giả. Lông mày nhổ, để lại một hàng chỉ nhỏ rồi vẽ cho đậm. Móng tay, móng chân đánh màu hồng rồi đỏ, thậm chí màu nâu, màu tím, màu xanh…

Câu hỏi ôn tập chương 2:

1. Trình bày trang phục thời Hùng Vương?

2. Trình bày khái quát tục xăm mình?

3. Các loại nón được sử dụng dưới triều Hậu Lê?

4. Tính phân tầng xã hội thể hiện qua trang phục vua quan triều Nguyễn?

5. Giới thiệu sơ lược trang phục trẻ em từ sau cách mạng tháng Tám?

6. Những xu hướng trang phục mới giai đoạn từ 1945 đến 1975?

Chương 3: Trang phục hội hè, nghi lễ, tôn giáo

3.1. Trang phục cưới

Từ trước đến nay, những bộ trang phục cưới bao giờ cũng mới, đẹp hơn trang phục ngày thường. Thời xưa, bộ trang phục cô dâu cũng chính là bộ trang phục các cô mặc trong những ngày hội cổ truyền, thậm chí còn được bổ sung thêm cho đẹp hơn, phong phú hơn.

Thời chúa Nguyễn, ngày cưới, công chúa đội mũ ngũ phượng, dệt bằng lông đuôi ngựa, đính 5 con phượng bằng vàng, cầu mũ bằng vàng, giữa có bông hoa đỏ. Hai bên có dây tua được kết bằng 120 hột trân châu và pha lê. Áo bào bằng đoạn bát ty màu đỏ, tay áo thụng thêu hoa tròn và chim phượng, thắt đai đỏ. Xiêm bằng đoạn bát ty màu bạch tuyết, trang trí hình chim phượng và viền kim tuyến. Hài màu đỏ.

Chú rể (phò mã) Đội mũ có cầu vàng, phía trước đính một bông hoa bằng vàng, hai cánh chuồn bằng đồng thau bọc vàng. Áo màu lục, ống tay rộng, đính bổ tử màu đỏ thêu đám mây, chim hạc, thắt đai màu hồng, chân đi hia.

Trong tầng lớp nhân dân lao động, trang phục cưới của các cô dâu miền Bắc thường mặc bộ áo mớ ba, ngoài cùng là chiếc áo the thâm, bên trong ẩn hiện hai chiếc áo màu hồng và màu xanh. Rồi đến áo cánh trắng, cuối cùng là chiếc yếm hoa đào có dải bằng lụa bạch. Váy sồi đen hoặc váy lĩnh. Thắt lưng gồm hai chiếc bằng lụa màu hoa đào, hoa lý, ngoài cùng là thắt lưng sồi, cả ba thắt lưng đều có tua ở hai đầu. Vấn khăn, đầu khăn gài chiếc đanh ghim, có đính con bướm vàng chạm bạc, để tóc đuôi gà. Lúc đưa dâu đi đường đội nón thúng quai thao. Chân đi dép cong. Đồ trang sức có khuyên tai đeo bằng vàng hoặc bạc. Sườn đeo bộ xà tích, con dao, ống vôi bằng bạc chạm trổ tinh vi.

Cô dâu miền Trung cũng mặc áo mớ ba, trong cùng là áo màu đỏ, hoặc hồng điều, áo giữa bằng the màu xanh chàm, áo ngoài cùng bằng the màu đen. Mặc quần trắng, đi hài thêu, tóc chải lật búi sau gáy. Cổ đeo kiềng hoặc quấn chuỗi hột vàng cao lên quanh cổ. Cổ tay đeo vòng vàng, xuyến vàng. Cô dâu con quan, nhà giàu mặc áo dài gấm, ngoài khoác áo tứ thân mệnh phụ, bằng gấm dệt hoa, có nẹp to trang trí hoa văn họa tiết chim phượng nhiều màu sắc viền quanh cổ áo đến dưới ngực, tay áo thụng…, kiềng vàng được đeo ở phía trong cổ áo mệnh phụ.

Cô dâu miền Nam mặc áo dài gấm, quần lĩnh đen, đi hài thêu. Tóc chải lật búi lại và cuốn ba vòng phía sau đầu, gài lược bằng đồi mồi hoặc bằng vàng, bạc, hoặc cài trâm vàng. Đeo dây chuyền nách bằng vàng, đeo nhiều chuỗi hột vàng ở cổ.

Chú rể ba miền đều mặc áo thụng bằng gấm hay the màu lam, quần trắng, búi tóc, chít khăn nhiễu màu lam, chân đi hài thêu đẹp.

Từ sau năm 1975, đất nước thống nhất, mối giao lưu văn hóa mở rộng, cô dâu ở thành thị miền Nam và miền Bắc mặc áo liền váy màu trắng hoặc màu vàng, màu xanh nhạt. Váy xòe rộng, dài quá gót chân. Có những chiếc váy từ thắt lưng đến gấu chia làm nhiều đoạn với những khoanh đăng ten gọi là váy ba tầng hay năm tầng hoặc váy dài gấp nhiều đường… Đi giày cao gót trắng. Tay đeo găng mỏng. Cổ đeo chuỗi hạt kim cương hoặc giả kim cương lóng lánh.

Ngày nay, cuộc sống có nhiều thay đổi, hiện đại và tiện nghi hơn. Trang phục cô dâu chú rể ngày càng hợp mốt, thời trang và phong cách hơn. ngày càng có nhiều lựa chọn về kiểu dáng, mẫu mã, màu sắc trong trang phục cưới xin.

3.2. Trang phục tang

Trang phục lễ tang ngoài mục đích để biểu thị tình cảm, thái độ đối với người chết còn nhằm để phân biệt mối quan hệ thân sơ ruột thịt xa gần với người chết. Về sau, giai cấp thống trị đã dùng nó làm phương tiện để phô trương, thị uy, tuyên truyền cho quan điểm giai cấp đương thời.

Trong xã hội phong kiến, từ thời nhà Lý đã nói tới quốc tang với trang phục: Dùng vải xô, gai. Vua chết cả nước phải để tang. Tùy các triều vua mà có quy định để tang dài hay ngắn về thời gian (ba tháng, hoặc ba năm…). Đến thời nhà Nguyễn, tổ chức quốc tang được bày biện quy mô, linh đình, tốn kém. Trang phục lễ tang của hoàng gia và các tầng lớp quan, quân cũng có nhiều kiểu cách phức tạp.

Ngoài quốc tang, mỗi người dân khi nhà có tang đều tuân thủ những quy định về gia lễ. Có các loại tang phục sau:

1. Trảm thôi và ti thôi:

2. Cơ phục

3. Đại công

4. Tiểu công

5. Ti ma

Đối với người chết, cũng có trang phục như khăn chít đầu (bức cân), khăn phủ mặt (khăn minh mục), bao tay (các thủ bạch), áo thâm, áo trắng, quần trắng, thắt lưng, bít tất, giày… Lưu ý: Áo phải cắt hết khuy, mặc lẻ không nên mặc chẵn.

Trước kia những người để tang đều mặc quần áo tang trắng nhưng về sau, chỉ quấn khăn là chính. Nam nữ quấn khăn vải trắng. Hàng chắt khăn màu vàng. Hàng chút chít khăn màu đỏ.

Đi đưa ma, xưa thường phải đi chân đất, về sau nhà giàu ở thành thị bỏ lệ ấy mà đi dép tết bằng cói.

Sau ngày lễ tang, nhưng người thân vẫn còn chít khăn cho tới một trăm ngày. Áo quần để xổ gấu. Sống áo dài để hai nẹp máy ra ngoài (như mặc áo trái). Đội mũ phải quấn khăn trắng quanh mũ.

Từ cách mạng tháng Tám đến nay, trang phục lễ tang đơn giản nhiều. Đi dép bình thường. Nhiều người không đội mũ rơm, không chống gậy nữa. ngày thường để tang bằng cách dùng miếng vải đen đeo quanh cánh tay. Có người đính ở trước ngực một miếng vải đen nhỏ. Có gia đình trong đám tang vẫn mặc bình thường và chỉ để tang bằng cách chít khăn.

Nhìn chung, tang phục thường dùng màu trắng may bằng các loại vải thô, rẻ tiền như xô, gai… Khi may, khi mặc, còn cố tình làm cho xấu đi để tỏ lòng thương tiếc đối với người quá cố, để chứng minh bản thân người sống đau buồn đến mức không muốn hưởng thụ gì…

3.3. Trang phục tôn giáo

Vấn đề trang phục trong tôn giáo không phải là quá mới mẻ, nhưng mức độ phổ quát hiểu biết về chúng trong nhân dân còn quá khiêm nhường. Hiện nay ở nước ta có nhiều tôn giáo, có hai tôn giáo lớn đang tồn tại với quy mô tổ chức chặt chẽ, với số lượng tín đồ khá đông, là Phật giáo và Thiên Chúa Giáo. Vì vậy, trong khuôn khổ bài giảng này, chỉ xin giới thiệu trang phục Phật Giáo và Thiên chúa giáo.

3.3.1. Trang phục Phật giáo

Phật giáo ở nước ta chia làm hai tông phái: Bắc tông và Nam tông.

Các nhà sư Bắc tông ở các chùa miền Bắc mặc loại vải thô màu nâu - vải nhuộm bằng củ nâu. Về sau đã dùng loại vải tốt, mịn hơn và có thể nhuộm bằng thuốc nhuộm.

Ngày thường mặc áo cánh ngắn nâu, quần nâu, nam cũng như nữ. Lúc ra đường hoặc khi có việc chừa, mặc áo dài tương đối rộng, không căng ngực, cổ tròn đứng, mềm, cài khuy kín cổ, khuy tết bằng vải nâu.

Lúc làm lễ, các sư bậc thấp mặc áo tràng vạt nâu tay rộng cổ chéo. Các sư bậc cao mặc áo tràng vạt màu vàng. Bên ngoài còn khoác một tấm vải gọi là áo cà sa màu nâu hoặc màu vàng tùy theo cấp bậc.

Theo truyền thuyết trong đạo Phật, chiếc áo cà sa hình thành từ những mảnh vải lẻ của nhân dân góp lại cho người tu hành. Khi có nhiều mảnh vải rồi, các nhà sư thỉnh xin đức Phật cho biết nên may áo theo kiểu cách nào. Nhân đi qua một cánh đồng, đức Phật liền chỉ tay và truyền may theo hình các thửa ruộng. Cũng vì lẽ đó mà tấm áo cà sa còn có tên gọi là tấm pháp phúc điền, ý cầu mong lúa gạo nhiều, chúng sinh ấm no. Trong kinh Phật còn gọi là y pháp, gồm có y ngũ điều (do năm mảnh điều ghép lại), y thất điều (do bảy mảnh điều ghép lại), y cửu điều (do chín mảnh điều ghép lại).. .. Về sau đã có trường hợp dùng tới y 25 điều và dùng nhiều màu sắc, chất liệu khác nhau tùy theo điều kiện của nhà chùa. Ngoài ra còn loại áo cà sa nhiều màu để dùng khi chay đàn.

Loại áo cà sa nhiều màu (xanh, đỏ, tím, nâu.. ..) Ghép lại cũng may theo quy cách như áo cà sa một màu, nói lên ý nghĩa tấm áo nhà chùa là do nhiều nhà đóng góp, mỗi nhà một mảnh, một màu khác nhau. Về sau, nhất là ở thành thị, các chùa dùng loại áo cà sa cùng một màu, nhưng vẫn do nhiều mảnh điều ghép lại.

Các nhà sư Nam tông, trang phục không may thành quần áo như phái Bắc tông mà chỉ dùng vải vàng hoặc nâu quấn, vắt trên người với các kiểu khác nhau. Có các hình thức sau đây:

a. Y nội

b. Y vai trái

Về đồ đội: Xưa kia có loại nón riêng cho nhà sư gọi là nón tu lờ. Nón làm bằng lá, gần như chiếc mũ rộng vành. ngày nay, khi đi nắng, các sư ông đội mũ lá. Trời rét đội mũ len màu nâu. Các sư bà đội nón bình thường. Các nhà sư Nam tông không đội mũ, khi ra đường dùng ô màu vàng hoặc màu đen.

Các nhà sư đều cạo trọc đầu, riêng nữ có khăn chít đầu: Khi đội khăn, gấp mép khăn theo chiều dài, trùm khăn lên đầu, mép đầu gấp để trước trán, hai đầu khăn đưa ra phía sau rồi vắt chéo nhau ở gáy, nhét một phần vải hai bên ở đầu khăn vào trong, ở ngay sau hai tai.

Lúc làm lễ chay đàn, nhà sư còn đội một loại mũ nhiều màu hình hoa sen, gọi là mũ thất Phật gồm bảy cánh, mỗi cánh thêu một hình Phật hay hình hoa sen, hình chữ Phạn.. . Ngoài ra, tùy theo đám lễ, đàn lễ, còn dùng mũ tì lư, mũ Phật quang, mũ Quan Âm, mũ hiệp chưởng.

Tất cả các sư sãi Bắc tông đều đeo chuỗi hạt gọi là tràng hạt. Có thể là một chuỗi dài hoặc hai ba chuỗi ngắn nhưng nhất thiết phải có 108 hạt tượng trưng cho 108 quả bồ đề. Lần tràng hạt để bỏ đi 108 điều phiền não, điều xấu trong cõi đời trần tục. Các nhà sư phái Nam tông không đeo tràng hạt.

3.3.2. Trang phục Thiên Chúa giáo

Thiên Chúa Giáo phân thành các nhánh nhỏ như đạo Công giáo và đạo Tin lành, trong khuôn khổ bài giảng này, xin chỉ giới thiệu trang phục thường thấy trong đạo Công giáo ở việt Nam như sau:

Tín đồ thường có sao mặc vậy, tầng lớp học sinh ở các tiểu chủng viện trước đây bắt buộc phải mặc áo dài bằng vải màu đen, quần trắng. ngày nay, có thể mặc quần áo bình thường nhưng màu sắc không được sặc sỡ. Tóc cắt ngắn, không được trải chuốt.

Khi lên nhà thờ hay ở cuộc lễ nghi nào đó, với chức Thầy đã được mặc áo chùng đen rộng, dài chấm gót chân, tay áo rộng thẳng đều. Cổ áo tròn không cao lắm và được lót ở trong một khoang vải hồ cứng màu trắng. Ở trước ngực áo xẻ một đoạn để chui đầu, xỏ tay. Suốt từ cổ đến gấu áo chạy dài một hàng khuy to.

Cha phải mặc áo chùng đen. Khi Cha mới chịu chức phải cắt tròn một ít tóc trên đỉnh đầu. Sau để tóc cũng được nhưng không được để tóc dài. Chân đi giày đen. Đầu đội mũ làm bằng vải hình tròn đội một tí trên đỉnh đầu.

Giám mục vẫn mặc áo chùng đen như Cha, còn khoác thêm một áo choàng đen ngắn bên ngoài, đeo thánh giá, thắt quanh bụng một băng vải màu tím đỏ.

Giám mục được đeo nhẫn biểu thị sự gắn bó với Chúa. Thánh giá và nhẫn thường bằng vàng kiểu cách tùy nghi. Đi giày đen.

Tổng Giám mục trang phục như Giám mục, đầu đội mũ bằng vải màu tím đỏ như màu thắt lưng.

Đức Hồng Y mặc áo chùng màu đỏ, áo choàng ngắn cũng màu đỏ. Trong áo choàng ngắn là một áo bằng ren trắng mỏng dài đến đầu gối, ống tay áo rộng. Ngoài ra khi làm lễ, Đức Hồng y, Tổng Giám mục, Giám mục đội mũ mitra. Mũ có cốt, ngoài bọc lụa trắng thêu vàng, loại đơn giản chỉ bọc lụa tráng, có trang trí hoa văn.

Những người nữ tu tùy theo các dòng khác nhau mà trang phục có sự khác nhau. Như mặc áo váy đen, đội mũ bằng vải trắng, hồ cứng, vành mũ rất rộng, hai bên được uốn lên, tạo thành một mỏ nhọn ở phía trước hoặc mặc áo dài đen, quần đen, đầu trùm khăn lúp (khăn đen, có viền trắng phía trên trán, phần khăn còn lại buông phủ sau lưng).

Gần đây, khi không hành lễ, tiếp xúc với xã hội thường nhật, các vị chức sắc công giáo đã mặc trang phục đời thường, tuy nhiên vẫn giữ lại một vài dấu hiệu nhất định.

Xuất phát từ mục đích, nội dung của từng tôn giáo, hầu hết những người làm tôn giáo đều tự nguyện sống giản dị. Điều này thể hiện rõ qua trang phục của họ. Về hình thức, trang phục trong Phật giáo cũng như Thiên Chúa giáo thường giản dị, áo quần không diêm dúa, cầu kỳ. Màu sắc tối được sử dụng trong hầu khắp trang phục.

Đặc biệt, trang phục Phật giáo Việt Nam đã được bản địa hóa cao độ, đặc biệt là ở phái Bắc tông. Áo cánh cài khuy giữa, áo dài cài khuy cạnh, quần ống rộng của các nhà sư đều xuất phát từ mẫu quần áo của dân tộc ta. Kiểu chít khăn của sư nữ cũng là một sáng tạo của Việt Nam. Trong Thiên Chúa giáo thường thấy sử dụng chiếc áo dài đen cài khuy cạnh, quần trắng kiểu dân tộc ta. Kiểu áo lễ khởi thủy có hàng khuy ở giữa thân áo, đã có thời gian sửa thành cài khuy chéo từ cổ xuống nách, giống kiểu áo năm thân Việt Nam.

Như vậy, có thể nói, trong lĩnh vực trang phục, ý thức bản địa hóa để phù hợp với phong tục, tập quán, với thực tế khách quan ở Việt Nam đã đem lại cho tôn giáo Việt Nam một màu sắc độc đáo.

Câu hỏi ôn tập chương 3:

1. Giới thiệu những nét cơ bản về áo cà sa nhà Phật?

2. Trang phục nhà sư phái Nam Tông?

3. Phân tích tính phù hợp của trang phục tang ma?

4. Trang phục cưới của nhân dân lao động thời phong kiến?

Chương 4: Trang phục cổ truyền các dân tộc Việt Nam

Việt Nam bao gồm nhiều dân tộc, trong đó người Việt có số dân đông nhất và là một trong những tộc người có gốc tích lâu đời trên dải đất này. Mỗi dân tộc mang đậm nét một bản sắc văn hóa độc đáo. Do đó, trang phục nói chung của từng tộc người nói riêng thật phong phú đa dạng và đầy tính năng qua từng thời kỳ của lịch sử Việt Nam.

4.1. Trang phục dân tộc Kinh

Có đủ các chủng loại y phục khăn áo, váy, quần, khố (trước đây), mũ nón, giày dép.. . Và trang sức. Có đặc trưng riêng về phong cách mỹ thuật khác với các dân tộc cùng nhóm ngôn ngữ và lân cận.

+ Trang phục nam

Trang phục thường nhật: Nhìn chung người Việt thường ngày mặc áo cánh nâu, xẻ ngực, cổ tròn, xẻ tà, hai túi dưới. Đây là loại áo ngắn mặc với quần lá tọa ống rộng. Đó là loại quần có cạp hoặc dùng dây rút. Trước đây nam để tóc dài, búi tó, hoặc thắt khăn đầu rìu, đóng khố.. .

Trong lễ, tết, hội hè: Nam thường mặc áo dài màu đen, hoặc loại vải the có lót trắng bên trong, đầu đội khăn xếp, quần tọa màu trắng. Đó là loại áo dài, xẻ nách phải không trang trí hoa văn, nếu có chỉ là loại hoa văn dệt cùng màu tinh tế trên vải. Chân đi guốc mộc.

+ Trang phục nữ

Trang phục thường nhật: Phụ nữ miền Bắc và Bắc Trung Bộ thường mặc áo cánh ngắn vải nâu, phía trong mặc yếm. Váy là loại váy kín (ống), có nơi mặc ngắn đến ống chân như Bắc và Trung Bộ. Thắt lưng là bao lương bằng vải màu (có nơi gọi là ruột tượng) Quấn ra ngoài cạp váy. Khi ra đường họ thường mang khăn vuông đội theo lối “mỏ quạ” hoặc các loại nón: Thúng, ba tầm.. .

Trang phục trong lễ, tết, hội hè: Trong những dịp này phụ nữ Việt thường mang áo dài. Họ thường để tóc dài vấn khăn thành vành tròn quanh đầu, ngoài trùm khăn hoặc đội nón ba tầm, nón thúng. Các thiếu nữ thường búi tóc đuôi gà. Mùa rét phổ biến quấn trên đầu chiếc khăn vuông màu thâm. Đồ trang sức thường mang là các loại trâm, vòng cổ, hoa tai, nhẫn, vòng tay mang phong cách từng vùng.

Phụ nữ Nam Bộ thường ngày mặc áo bà ba với các kiểu cổ tròn, cổ trái tim, cổ bà lai. Phụ trang đi kèm với bộ bà ba là chiếc khăn rằn thường có ô vuông xen kẽ hai màu, là loại khăn có nguồn gốc của người Khơ Me mà người Việt đã ảnh hưởng.

Chiếc nón lá có sườn nón gồm những nan tre xếp thẳng dọc và khoảng 16 vòng nan tre xếp tròn, đường kính từ nhỏ xíu trên đỉnh nón đến lớn dần theo vành nón.

4.2. Trang phục dân tộc Mường

Nghề thủ công tiêu biểu của người Mường là dệt vải, đan lát, ươm tơ. Nhiều phụ nữ Mường dệt thủ công với kỹ nghệ khá tinh xảo. Người Mường có đặc trưng riêng về tạo hình và phong cách thẩm mĩ trên trang phục.

Thầy mo khi hành lễ mặc y phục riêng. Ðó là chiếc áo dài 5 thân cài khuy bên nách phải, nhuộm màu xanh hoặc đen, thắt dây lưng trắng, đội mũ vải nhọn đầu. Thầy mỗi khi cúng chữa bệnh thường đội mũ chầu.

Trang phục nam

Nam mặc áo cánh xẻ ngực, cổ tròn, cúc sừng vai, hai túi dưới hoặc thêm túi trên ngực trái. Đây là loại áo cánh ngắn phủ kín mông. Đầu cắt tóc ngắn hoặc quấn khăn trắng. Quần lá tọa ống rộng dùng khăn thắt giữa bụng còn gọi là khăn quần. Xưa có tục để tóc dài búi tóc. Trong lễ hội dùng áo lụa tím hoặc tơ vàng, khăn màu tím than, ngoài khoác đôi áo đen dài tới gối, cài cúc nách và sườn phải.

Trang phục nữ

Bộ y phục nữ đa dạng hơn nam giới và còn giữ được nét độc đáo. Khăn đội đầu là một mảnh vải trắng hình chữ nhật không thêu thùa, yếm, áo cánh (phổ biến là màu trắng) Thân rất ngắn thường xẻ ở ngực và váy dài đến mắt cá chân gồm hai phần chính là thân váy và cạp váy. Cạp váy nổi tiếng bởi các hoa văn được dệt kỳ công. Trang sức gồm vòng tay, chuỗi hạt và bộ xà tích 2 hoặc 4 dây bạc có treo hộp quả đào và móng vuốt hổ, gấu bịt bạc.

Áo mặc thường ngày có tên là áo pắn (áo ngắn). Bên trong là loại áo báng, cùng với đầu váy nổi lên giữa hai vạt áo ngắn. Váy là loại váy kín màu đen. Toàn bộ phận được trang trí là đầu váy và cạp váy, khi mặc mảng hoa văn nổi lên giữa trung tâm cơ thể.

4.3. Trang phục dân tộc Tày

Dân tộc Tày còn có tên gọi khác là Thổ và bao gồm cả các nhóm: Ngạn, Phén, Thu Lao, Pa Dí. Phần đông người Tày cư trú ven các thung lũng, triền núi thấp ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Quảng Ninh và một số vùng thuộc Bắc Giang v.v.. .

Người Tày có đặc trưng riêng về phong cách thẩm mĩ. Người Tày thường mặc quần áo vải bông nhuộm chàm. Bộ y phục cổ truyền của người Tày làm từ vải sợi bông tự dệt, nhuộm chàm, hầu như không thêu thùa, trang trí. Phụ nữ mặc váy hoặc quần, có áo cánh ngắn ở bên trong và áo dài ở bên ngoài.

Trang phục nam

Y phục của nam giới Tày gồm loại áo cánh 4 thân, áo dài 5 thân, khăn đội đầu, quần và giày vải. Áo cánh 4 thân là loại xẻ ngực, cổ tròn cao, không cầu vai, xẻ tà, cài cúc vải (7 cái) Và hai túi nhỏ phía dưới 2 thân trước. Trong dịp tết, lễ, hội nam giới mặc thêm loại áo dài 5 thân xẻ nách phải, đơm cúc vải hay cúc đồng. Quần (khóa) Cũng làm bằng vải sợi bông nhuộm chàm như áo, cắt theo kiểu quần đũng chéo, độ choãng vừa phải dài tới mắt cá chân. Quần có cạp rộng không luồn rút, khi mặc có dây buộc ngoài. Khăn đội đầu màu chàm (30cm x 200cm) Quấn trên đầu theo lối chữ nhân.

Trang phục nữ

Y phục của nữ thường gồm áo cánh, áo dài năm thân, quần váy, thắt lưng, khăn đội đầu, hài vải. Áo cánh là loại 4 thân xẻ ngực, cổ tròn, có hai túi nhỏ phía dưới hai vạt trước, thường được cắt may bằng vải chàm hoặc trắng. Khi đi hội thường được mặt lót phía trong áo dài. Vì vậy người Tày còn được gọi là người áo trắng để phân biệt với người Nùng chỉ dùng màu chàm. Áo dài cũng là loại 5 thân, xẻ nách phải cài cúc vải hoặc đồng, cổ tròn ống tay và thân hẹp có eo. Trước đây phụ nữ mặc váy, nhưng gần đây phổ biến mặc quần; Đó là loại quần về nguyên tắc cắt may giống nam giới kích thước có phần hẹp hơn. Khăn phụ nữ Tày cũng là loại khăn vuông màu chàm khi đội gập chéo giống kiểu mỏ quạ của người Kinh. Nón của phụ nữ Tày khá độc đáo. Nón bằng nan tre lợp lá có mái nón bằng và rộng. Trang sức phụ nữ Tày đơn giản song có đủ các chủng loại cơ bản như vòng cổ, vòng tay, vòng chân, xà tích.. . Có nơi còn đeo túi vải.

4.4. Trang phục dân tộc Nùng

Dân tộc Nùng sống tập trung là ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Tuyên Quang. Tiếng nói của người Nùng rất gần với tiếng Tày và thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái.

Nguồn sống chính của người Nùng là cây lúa và cây ngô. Họ kết hợp làm ruộng nước ở các vùng khe dọc với trồng lúa cạn trên các sườn đồi. Đồng bào Nùng sống thành từng bản trên các sườn đồi. Họ có một kho tàng văn hóa dân gian phong phú.

Đồng bào ở nhà sàn làm bằng gỗ tốt, lợp ngói máng hoặc lợp tranh. Đồng bào Nùng mặc quần áo chàm. Tấm áo chàm của người Nùng đã từng che chở cho Bác Hồ khi Bác từ nước ngoài về sống và hoạt động cách mạng ở Pắc Bó (1941). Một số vùng đồng bào còn lưu truyền câu chuyện cổ nói về sự tích màu chàm là màu chung thủy của người vợ trẻ chờ chồng đi đánh giặc giữ nước.

Nam, nữ người Nùng đến tuổi trưởng thành đều bịt một chiếc răng bằng vàng ở hàm trên và như thế được xem là làm đẹp, là người sang trọng. Phụ nữ mặc áo năm thân và cài một hàng cúc bằng nút vải phía bên nách phải. Tùy từng nhóm Nùng địa phương mà áo dài, ngắn, rộng, hẹp khác nhau, nhưng ở đoạn cổ tay và lá sen bao giờ cũng đắp một miếng vải và bốn túi áo không có nắp. Nam, nữ đều mặc một loại quần nhuộm màu chàm, cạp to, ống rộng, dài tới tận mắt cá chân. Phụ nữ Nùng thường đeo tạp dề trước bụng, khi gồng gánh còn mang thêm miếng nệm vai.

4.5. Trang phục dân tộc Thái

Người Thái nổi tiếng về nghệ thuật thêu, dệt vải. Các sản phẩm của họ trước hết thỏa mãn nhu cầu mặc nội tộc. Hầu hết các cô gái Thái đều khéo léo trong việc thêu dệt, không chỉ váy, áo cho mình mà còn cho chồng con, anh em, đồng thời đó còn là những sản phẩm trao đổi, mua bán. Học thêu là cả một quá trình vất vả. Ban đầu, các cô chỉ thêu được những đường thẳng hoặc những mô típ hoa văn đơn giản, dần dần tiến tới biết xử lý đồ án, bố cục, biết xử lý màu sắc ở nhiều mô típ hoa văn phức tạp.

Về trang phục nam: Trong sinh hoạt và lao động thường nhật, nam giới mặc áo cánh ngắn, xẻ ngực, quần xẻ dũng. Áo là loại cổ tròn, không cầu vai, hai túi dưới và trước cài cúc vải hoặc xương. Đặc điểm của áo cánh nam giới người Thái khu Tây Bắc không phải là lối cắt may (vì cơ bản giống ngắn nam Tày, Nùng, Kinh.. .) Mà là ở màu sắc đa dạng của loại vải cổ truyền của cộng đồng sáng tạo nên: Không chỉ có màu chàm, trắng mà còn có màu cà phê sữa, hay dật các vuông bằng các sợi màu đỏ, xanh.. . Trong các ngày lễ, tết, họ mặc loại áo dài xẻ nách phải màu chàm, đầu quấn khăn, chân đi guốc. Trong tang lễ họ mặc nhiều loại áo sặc sỡ, tương phản màu sắc với ngày thường với lối cắt may dài, thụng, không lượn nách với các loại: Xẻ ngực, xẻ nách, chui đầu.

Về trang phục nữ có sự phân biệt giữa Thái đen và Thái trắng:

Thái Trắng: Thường nhật, phụ nữ mặc xửa cỏm, váy màu đen không trang trí hoa văn. Xửa cỏm Thái Đen, cổ áo hình chữ V, thân áo ngắn hơn áo cánh người Kinh, tạo dáng ôm chặt lấy thân, khi mặc cho vào trong cạp váy. Áo thường là màu sáng, trắng, phần cổ áo và tay áo được viền tinh tế bên trong, chỉ để lộ một đường nhỏ, tạo cho cổ áo có độ tròn tự nhiên. Phần nẹp áo được làm bằng vải màu sẫm tạo sự nổi bật, trên nẹp áo được đơm những hàng cúc bạc hình con bướm, con ve, con ong.. . Hàng cúc áo thể hiện quan niệm âm dương hài hòa có nam có nữ. Với phụ nữ đã có chồng thì số hàng cúc sẽ chẵn, con gái chưa chồng thì hàng cúc sẽ lẻ, có thể là 11,13,15. Chiếc áo của người Thái cũng hết sức gợi cảm nhờ phần nách sẽ cắt nối thêm một miếng vải nhỏ, gọi là tó son, nhờ nó mà tạo được độ ôm cho ngực và phần eo.

Váy trong tiếng Thái được gọi là Hua a xin, làm bằng vải bông, được nhuộm chàm, nay thường được làm bằng vải nhung hay sa tanh. Cạp váy làm bằng vải kẻ thổ cẩm hoặc được thêu bằng những màu sắc sặc sỡ, mép dưới váy cũng được viền tinh tế bằng vải thổ cẩm đỏ.

Khi mặc xửa cỏm và váy phụ nữ còn tấm choàng ra ngoài được trang trí nhiều màu. Khăn đội đầu không có hoa văn mà chỉ là băng vải chàm dài trên dưới 2m.. .

Trong các dịp lễ tết họ mặc áo dài màu đen. Phụ nữ chưa chồng hay có chồng không có dấu hiệu quy định nhận biết.. . Họ có loại nón rộng vành.

Thái Đen: Thường nhật phụ nữ mặc áo ngắn màu tối (chàm hoặc đen), cổ áo là loại cổ tròn, đứng. Đầu đội khăn gọi là “piêu” thêu hoa văn nhiều mô-típ trang trí mang phong cách từng mường. Váy là loại giống phụ nữ Thái Trắng đã nói ở trên. Lối để tóc khi đã có chồng búi lên đỉnh đầu gọi là “Tằng cẩu”; Khi chồng chết có thể búi tóc thấp xuống sau gáy; Chưa chồng không búi tóc. Trong lễ, tết áo dài Thái Đen đa dạng với các loại xẻ nách, chui đầu, trang trí phong phú đa dạng về màu.

Phục trang không thể thiếu trong trang phục phụ nữ Thái là dây lưng, được làm bằng tơ, nhuộm màu xanh. Ngoài ra còn phải kể đến dây xà tích. Xà tích thường đính với phần dây lưng.

4.6. Trang phục dân tộc Dao

Dân tộc Dao có nhiều nhóm địa phương và phương ngữ khác nhau, mỗi nhóm đều có trang phục riêng. Trang phục Dao Đỏ thích dùng màu đỏ tươi rực rỡ để trang trí: Khăn đỏ, bông trên ngực áo, cổ áo, trên khăn đỏ, tua đỏ, yếm đỏ, nẹp ngực áo đỏ, yếm lưng đỏ, yếm che trước bụng đỏ, màu thêu trên quần cũng dùng các màu sắc đỏ. Hoa văn trang trí thêu dày đặc. Các vật liệu trang trí như bạc, nhôm, hạt cườm có tác dụng phát sáng, màu sắc lóng lánh, lung linh được sử dụng nhiều càng làm tôn vẻ rực rỡ sang trọng cho bộ y phục đầy bản sắc dân tộc.

Dao Đỏ, Dao Tiền, Dao Coóc mùn, Dao Ôgang, Dao Quần chẹt đều có kỹ thuật thêu thoáng trên nền vải đen, vải chàm. Ngoài những họa tiết là vốn chung của nhiều dân tộc như hình hoa tám cánh, chữ S, mào gà, chữ vạn, người Dao có nhiều sáng tạo họa tiết riêng cho trang trí, khai thác các hình tượng trong thiên nhiên có cách điệu kỷ hà hóa cao nhưng vẫn nghiêng về xu hướng diễn tả gần gũi với hiện thực như: Cây thông, người, ngựa, chim, chó, sóng nước, mặt trời, mặt trăng, ngôi sao.. . Là những thành tựu trang trí đặc sắc của họ.

Trong trang trí Dao có những họa tiết thể hiện tín ngưỡng vật tổ của dân tộc như hình “Tua chồ” (Con chó).

Một bộ trang phục hoàn chỉnh của người Dao gồm: Áo, yếm, xà cạp, cùng đồ trang sức vàng bạc, khăn vấn đầu.. . Duy nhất trong cộng đồng người Dao chỉ có người Dao Tiền là mặc váy (váy của người Dao Tiền phía bắc dài hơn váy của người Dao Tiền phía nam). Áo của người Dao Tiền gồm hai thân trước, nẹp và một xỏ tà. Thường trên đó họ dùng họa tiết hình gấu, chó. Áo thường có bộ khuy quý bằng bạc hình tròn chạm khắc tinh vi. Cổ áo của người phụ nữ Dao được trang trí bằng núm bông hoa đỏ như nắm tay nổi bật trên nền áo chàm xanh đằm thắm. Yếm của người Dao khá đơn giản, chỉ là một vuông lụa trắng đính một miếng vải hình tam giác làm cổ yếm. Xà cạp có hình hoa văn móc câu hay răng cưa hình chim. Để bộ trang phục thêm hoàn mỹ, họ thường dùng nhiều loại khăn vấn đầu (có 3 loại khăn: Khăn vuông, khăn chữ nhật và khăn dài). Trong đám hát ví, họ thường dùng khăn thêu trắng dài chừng 12m, rộng 30 - 40 cm, hai đầu gồm hai mảng hoa văn hình vuông tạo nên cảm giác mềm mại.

Ngoài trang phục chính, người phụ nữ Dao còn ưa dùng đồ trang sức: Vòng cổ, nhẫn, túi ăn trầu, các đồ trang sức bằng bạc hình bán cầu, hình sao 8 cánh. Có những cô gái Dao đeo 10 chiếc vòng cổ, 12 chiếc nhẫn, cùng những chiếc khuy bạc đường kính 6 - 7 cm, nổi bật trên màu áo chàm.

Vào dịp lễ hội, người phụ nữ Dao còn giữ tục chải đầu bằng sáp ong cho mái tóc mượt mà. Đây cũng là một bí quyết giúp mái tóc của những cô gái Dao khỏe về sức sống, đẹp trong con mắt mọi người.

4.7. Trang phục dân tộc Ê-đê đất và khả năng hồi phục của đất. Rẫy đa canh và mỗi năm chỉ trồng một vụ.

Người Ê-đê có đầy đủ các thành phần, chủng loại trang phục và phong cách thẩm mĩ khá tiêu biểu cho các dân tộc khu vực Tây Nguyên. Y phục cổ truyền của người Ê-đê là màu chàm, có điểm những hoa văn sặc sỡ. Đàn bà mặc áo, quấn váy. Đàn ông đóng khố, mặc áo. Đồng bào ưa dùng các đồ trang sức bằng bạc, đồng, hạt cườm. Trước kia, tục cà răng quy định mọi người đều cắt cụt 6 chiếc răng cửa hàm trên, nhưng lớp trẻ ngày nay không cà răng nữa. Người đàn ông Ê-đê để tóc ngắn quấn khăn màu chàm nhiều vòng trên đầu. Y phục gồm áo và khố. Áo có hai loại cơ bản:

Loại áo dài tay: Khoét cổ chui đầu, thân dài trùm mông, xẻ tà. Đây là loại áo khá tiêu biểu cho người Ê-đê qua trang phục nam. Trên nền chàm của thân và ống tay áo ở ngực, hai bên bả vai, cửa tay, các đường viền cổ, nơi xẻ tà gấu áo được trang trí và viền vải đỏ, trắng. Đặc biệt là khu giữa ngực áo có mảng sọc ngang trong bố cục hình chữ nhật tạo vẻ đẹp, khỏe.

Loại thứ hai: Loại áo dài (quá gối), khoét cổ, ống tay bình thường không trang trí như loại áo ngắn trên,.. .

Khố có nhiều loại và được phân biệt ở sự ngắn dài có trang trí hoa văn như thế nào. Đẹp nhất là các loại ktêh, drai, đrêch, piêk, còn các loại bong và băl là loại khố thường. Áo thường ngày ít có hoa văn, bên cạnh các loại áo trên còn có loại áo cộc tay đến khủy, hoặc không tay.

Áo có giá trị nhất là loại áo Ktêh của những người quyền quý, có dải hoa văn “đại bàng dang cánh”, ở dọc hai bên nách, gấu áo phía sau lưng có đính hạt cườm. Nam giới cũng mang hoa tai và vòng cổ.

Phụ nữ Ê-đê thường để tóc dài buộc ra sau gáy. Họ mang áo váy trong trang phục thường nhật. Áo phụ nữ là loại áo ngắn dài tay, khoét cổ (loại cổ thấp hình thuyền) Mặc kiểu chui đầu. Thân áo dài đến mông khi mặc cho ra ngoài váy. Trên nền áo màu chàm các bộ phận được trang trí là: Cổ áo lan sang hai bên bả vai xuống giữa cánh tay, cửa tay áo, gấu áo. Đó là các đường viền kết hợp với các dải hoa văn nhỏ bằng sợi màu đỏ, trắng, vàng. Cái khác của trang phục áo nữ Ê-đê so với Gia Rai về phong cách trang trí là không có đường ở giữa thân áo.

Cùng với áo là chiếc váy mở (tấm vải rộng làm váy) Quấn quanh thân, được gia công trí các sọc nằm ngang ở mép trên, mép dưới và giữa thân bằng chỉ các màu tương tự như áo. Đồ án trang trí tập trung hơn ở mép trên và dưới thân váy. Váy có nhiều loại phân biệt ở các dải hoa văn gia công nhiều hay ít. Váy loại tốt là myêng đếch, rồi đến myêng đrai, myêng piêk. Loại bình thường mặc đi làm rẫy là bong. Hiện nay nữ thanh niên thường mặc váy kín. Ngoài ra phụ nữ còn có áo lót cộc tay. Xưa họ để tóc theo kiểu búi tó và đội nón duôn bai. Họ mang đồ trang sức bằng bạc hoặc đồng. Vòng tay thường đeo thành bộ kép nghe tiếng va chạm của chúng vào nhau họ có thể nhận ra người quen, thân.

4.8. Trang phục dân tộc Gia Rai

Người Gia Rai còn có các tên gọi khác là người Giơ Rai, Chơ Rai, Tơ Buăn, Hơbau, Hdrung, Chor hay Gia Lai. Người Gia Rai sinh sống và cư trú chủ yếu tập trung ở tỉnh Gia Lai (90%), một bộ phận ở tỉnh Kon Tum (5%) Và phía Bắc tỉnh Đắc Lắc (4%).

Thường nhật, nam đội khăn, theo lối quấn nhiều vòng trên đầu rồi buông sang một bên tai, hoặc quấn gọn ghẽ như khăn xếp của người Kinh. Khăn màu chàm. Nhìn chung nam giới Gia Rai đóng khố. Khố này thường ngắn hơn khố ngày hội, là loại vải trắng có kẻ sọc. ngày lễ họ mang khố màu chàm (dài 410 cm x 29 cm), khố loại này được trang trí hoa văn màu trắng, đỏ thành các đường viền ở mép khố, đặc biệt hai đầu với các tua trên nền chàm. Có nhóm ở trần, có nhóm mang áo (loại cộc tay và loại dài tay màu chàm, khoét cổ chui đầu). Loại ngắn tay thường có đường viền chỉ màu trắng bên sườn. Loại dài tay giống phong cách áo dài nam Ê-đê hay Mnông.

Phụ nữ để tóc dài búi sau gáy hoặc quấn gọn trên đỉnh đầu. Áo là loại áo ngắn, chui đầu, phổ biến là kiểu chui đầu cổ “hình thuyền”, riêng nhóm Gia Rai Mthur lại có kiểu cổ thấp hình chữ V và các loại cổ phổ biến. Trên nền chàm áo được trang trí các sọc hoa văn theo bố cục ngang thân áo ở cổ, vai, ống tay, giữa ngực, gấu áo và hai cổ tay áo. Đó là các sọc màu đỏ xen trắng và vàng trên nền chàm hoặc màu xanh nhạt diệp và màu chàm. Váy là loại váy hở quấn vào thân (kích thước trên dưới 140 cm x 100 cm). Phong cách trang trí trên váy cũng thiên về lối bố cục ngang với các đường sọc màu (như áo là chính). Có nhóm ở Plây-cu với nguyên tắc trên nhưng được mở rộng thành các mảng hoa văn ở giữa thân váy, nửa thân dưới áo và hai ống tay. Trang sức có vòng cổ, vòng tay.

4.9. Trang phục dân tộc Chăm

Trang phục Chăm dù là dành riêng cho vua chúa, cho các chức sắc tôn giáo hay trang phục nam giới, nữ giới đều có những nét chung là sự hài hòa giữa trời đất, âm – dương, mộc mạc mà tinh xảo, vừa duyên dáng vừa tế nhị. Trang phục Chăm thiên về màu trắng.

+ Trang phục vua chúa

Trang phục vua chúa Chăm ngày xưa rất phong phú và đa dạng, nhưng cùng với sự tàn lụi của vương triều Chăm, loại trang phục này đã bị mất đi, chỉ tìm hiểu được qua tư liệu cổ, bia ký, tượng thờ…

+ Trang phục chức sắc:

Thầy kéo đàn Kanhi mặc áo dài trắng, mặc váy trắng viền hoa văn rồng, đầu đội khăn có tua đỏ, vai vắt khăn đỏ và đeo túi. Thầy bóng mặc áo aw lah, mặc váy không có cạp váy và dây thắt lưng bằng vải trắng thô không có hoa văn, đội khăn có tua đỏ. Bà bóng mặc áo aw sah kamey, được may bằng loại vải thô màu trắng, cổ áo hình trái tim, đầu đội khăn màu trắng có viền hoa văn và đeo hoa tai có đính tua vải màu đỏ…

+ Trang phục nam

Nam mặc áo aw lah xẻ ngực màu sáng hoặc tối. Đó là loại áo cổ tròn cài cúc. Có người mặc áo ngắn, xẻ ngực, cộc tay. Các đường viền ở cổ sườn, hai thân trước và gấu được trang trí và đính các miếng kim loại hình tròn, có nhóm mặc lễ phục là loại áo dài xẻ nách trắng hoặc đỏ. Trang phục cổ truyền là chiếc váy (sarông) Và quần.

Vùng Thuận Hải, đàn ông lớn tuổi thường để tóc dài, quấn khăn. Đó là loại khăn màu trắng có dệt thêu hoa văn ở các mép và hai đầu khăn cũng như các tua vải. Khăn đội theo lối chữ nhân, hai đầu thả ra hai mang tai. Nhóm Chăm Hroi đội khăn trắng quấn gọn trên đầu.

+ Trang phục nữ

Về cơ bản, phụ nữ các nhóm Chăm thường đội khăn. Cách đội hoặc là phủ trên mái tóc hoặc quấn gọn trên đầu, hoặc quấn theo lối chữ nhân, hoặc với loại khăn to quàng từ đầu rồi phủ kín vai. Khăn đội đầu chủ yếu là màu trắng, có loại được trang trí hoa văn theo lối viền các mép khăn (khăn to), nhóm Chăm Hroi thì đội khăn màu chàm. Lễ phục thường có chiếc khăn vắt vai ngoài chiếc áo dài màu trắng. Đó là chiếc khăn dài tới 23m vắt qua vai chéo xuống hông, được dệt thêu hoa văn cẩn thận với các màu đỏ, trắng, vàng của các mô tip trong bố cục của dải băng.

Phụ nữ các nhóm Chăm thường đội khăn, hoặc phủ trên mái tóc, hoặc quấn gọn trên đầu, hoặc quấn theo lối chữ nhân, hoặc với loại khăn to quàng từ đầu rồi phủ kín vai. Lễ phục thường có chiếc khăn vắt vai ngoài chiếc áo dài màu trắng. Nhóm Khánh Hòa và một số nơi, chị em mặc quần bên trong áo dài. Nhóm Chăm Hroi mặc váy quấn (hở) Có miếng đáp sau váy. Nhóm Quảng Ngãi mặc áo cánh xẻ ngực, cổ đeo vòng và các chuỗi hạt cườm. Màu sắc trong trang phục Chăm thiên về màu trắng.

4.10. Trang phục dân tộc Khơ Me

Người Khơ Me ở nước ta khoảng hơn 100 vạn người, cư trú chủ yếu ở các tỉnh thuộc vùng châu thổ sông Cửu Long như: Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, Long An v.v.. .

Trang phục cổ truyền của người Khơme có cá tính ở lối mặc váy và phong cách trang phục gắn với tín giáo đạo Phật.

Thường nhật nam giới trung niên và người già thường mặc bộ bà ba đen, quấn khăn rằn trên đầu. Trong dịp lễ, tết họ mặc áo bà ba trắng, quần đen (hoặc áo đen, quàng khăn quàng trắng chéo ngang hông vắt lên vai trái. Trong đám cưới chú rể thư ường mặt bộ “xà rông” và áo ngắn bỏ ngoài màu đỏ. Đây là loại áo xẻ ngực, cổ đứng cài cúc, quàng khăn trắng vắt qua vai trái và đeo thêm con dao cưới với ý nghĩa bảo vệ cô dâu. Thanh niên hiện nay khi ở nhà thường không mặc áo và quấn chiếc xà rông kẻ sọc.

Cách đây ba, bốn mươi năm phụ nữ Khơ Me Nam Bộ thường mặc váy. Đó là loại váy bằng tơ tằm, hình ống

(kín). Chiếc váy điển hình là loại xăm pốt chân khen, một loại váy hở, quấn quanh thân nhưng khác nhiều tộc người khác cũng có loại váy này là cách mang váy vào thân. Đó là cách mang luồn giữa hai chân từ sau ra trước, rồi kéo lên dắt cạnh hông tạo thành những chiếc quần ngắn và rộng. Nếu cách tạo hình váy và một số mô tip hoa văn trên váy có thể có sự tiếp xúc với các tộc người khác thì cách mặc váy này có thể xem là đặc trưng độc đáo của Khơ Me Nam Bộ. Họ thường mặc váy trong những ngày lễ lớn, mỗi ngày mặc một màu khác nhau trong suốt tuần lễ đó. Đó là loại xăm pốt pha muông. ngày nay các loại trên ít thấy, chỉ tồn tại trên sân khấu cổ truyền mà thôi.

4.11. Trang phục dân tộc Hoa

Dân tộc Hoa gồm những nhóm có khác biệt nhau nhất định về tiếng nói, tên gọi, lịch sử di cư, v.v.. . Đồng bào sinh sống ở nhiều nơi từ Bắc đến Nam, ở cả nông thôn và thành thị. Tiếng nói của người Hoa thuộc nhóm Hán.

Đàn bà mặc quần, áo 5 thân cài cúc vải ở bên nách phải, dài trùm mông, áo cộc tay cũng 5 thân. Các thầy cúng có y phục riêng khi làm lễ. Nón, mũ, ô là các đồ đội trên đầu thông dụng của người Hoa.

Những trang phục gọi là truyền thống của người Hoa hiện chỉ còn thấy ở một số người có tuổi hay trong các nghi lễ cưới xin, tang ma. Phụ nữ thường mặc áo cổ viền cao, cài khuy một bên, xẻ tà cao hoặc một chiếc áo “sườn xám” may dài, ôm ngang hông, xẻ tà dưới phần đùi. Màu sắc trang phục của họ, nhất là các thiếu nữ thích màu hồng hoặc màu đỏ, cùng với các sắc màu đậm. Ðàn ông mặc áo màu đen hay xanh đậm, cài khuy vải một bên, vai liền cổ đứng, xẻ tà hoặc kiểu áo tứ thân, xẻ giữa, cổ đứng, vai liền, có túi. Phụ nữ thích dùng đồ trang sức, đặc biệt là vòng tay (bằng đồng, vàng, đá, ngọc.. .), bông tai, dây chuyền.. . Ðàn ông thích bịt răng vàng và xem như một lối trang sức.

Câu hỏi ôn tập chương 4:

1. Tính đa dạng của trang phục dân tộc Kinh?

2. Trang phục dân tộc Mường?

3. Nghệ thuật trang trí trang phục dân tộc Tày?

4. Trình bày những nét khái quát trang phục dân tộc Nùng?

5. Thị hiếu thẩm mĩ của đồng bào dân tộc Ê-đê được thể hiện như thế nào qua trang phục truyền thống?

6. Vẻ đẹp trang phục dân tộc Thái?

7. Bản sắc văn hóa dân tộc Dao qua sự thể hiện trên trang phục?

Chương 5: Văn hóa trang phục Việt Nam – Những vấn đề cơ bản

5.1. Quá trình sáng tạo các giá trị văn hóa trang phục

Để có một bộ trang phục, người phụ nữ trải qua quá trình lao động vất vả từ trồng bông, nuôi tằm ươm tơ, dệt vải, nhuộm, trang trí hoa văn, thêu.. . Đến cắt may hoàn thiện. Công đoạn nào cũng đòi hỏi sự khéo léo và kỹ thuật cao ở người phụ nữ.

Nhắc đến nghề dệt Việt Nam, thật thiếu sót khi không kể đến nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là thổ cẩm Ê-đê. Để dệt thổ cẩm, người Ê-đê ở Đắc Lắc đã sáng tạo ra công cụ dệt độc đáo. Đó là khung cửi chuyên dụng, gọi là khung dệt thổ cẩm. Có hai loại khung dệt vải độc đáo này: Khung dệt vải váy và khung dệt vải khổ hẹp.

Loại khung chuyên dệt vải váy có thể dệt cả chăn và tấm đắp có cấu tạo phức tạp, có tới 10 bộ phận, chi tiết khác nhau để bảo đảm thực hiện chức năng riêng. Trong đó, bộ phận cài dệt hoa văn được sáng chế rất tinh vi. Loại khung dệt vải khổ hẹp để làm túi thổ cẩm, địu, khố, dây đeo.

Vì khung dệt thổ cẩm của người Ê-đê được cấu tạo khác với khung cửi của người Việt, nên một đầu khung dệt thổ cẩm này có khung dây vòng qua sau lưng người thợ dệt, còn đầu kia buộc cố định vào vách, cột nhà sàn, gốc cây.

Thổ cẩm Ê-đê có đặc điểm: Dày, chắc, bền, hoa văn và họa tiết đẹp, nền nã và sinh động. Màu sắc đan dệt trên thổ cẩm được người Ê-đê ưa chuộng, gồm các màu: Đỏ, đen, trắng, vàng, xanh lam.. . Màu được ưa chuộng nhất vẫn là màu đỏ và màu đen. Trên sản phẩm dệt của người Ê-đê, hoa văn, họa tiết được bố cục chặt chẽ, theo chiều dọc tấm vải. Các hoa văn sọc được điểm những họa tiết phổ biến là hoa văn chấm dải, các hình dệt cài được cách điệu rất cao: Bông hoa, con chim, con mối, con kỳ đà, con bướm, con rùa, hình người, hình khẩu súng săn.. . Sự bố trí đan dệt màu sắc tấm thổ cẩm do đó đã trở nên hài hòa, tinh xảo. Nhiều nhà khoa học xưa nay coi thổ cẩm Ê-đê cũng như thổ cẩm các dân tộc ít người khác (Chăm, Thái, Mường) Là loại sản phẩm mỹ thuật, là những tác phẩm nghệ thuật do nghệ nhân dân gian và khung dệt cổ truyền tạo ra.

Sau khi có tấm vải đẹp, những người phụ nữ lại điểm tô thêm cho nó bằng những hoa văn trang trí, bằng nét thêu nhẹ nhàng, uyển chuyển và cũng đầy sinh động

Công cụ dùng trong nghề thêu khá đơn giản. Các thợ thêu chỉ sử dụng một số thứ ở mức tối thiểu:

-Kim thêu, kim khâu

-Khung thêu các cỡ, kiểu tròn và kiểu chữ nhật

-Keo, thước, phấn mờ, về sau có thêm bút lông

-Vải thêu (vải trắng, xa tanh, lụa.. .)

Hoa văn trang trí trên vải là một dấu hiệu thông tin đặc biệt, nó thể hiện quan niệm về cái đẹp, phản ánh nhân sinh quan, vũ trụ quan.. . Của mỗi dân tộc, giúp chúng ta phân biệt được tộc người này với tộc người khác. Thông qua việc tìm hiểu hoa văn trên vải dân tộc H'mông ta sẽ thấy rõ điều này.

5.2. Các chức năng của trang phục

Khi nói chức năng của trang phục là nói đến ý nghĩa của trang phục đối với con người.

-Chức năng ích dụng:

+ Bảo vệ cơ thể con người trước điều kiện bất lợi của môi trường tự nhiên: Nóng, lạnh, rét, gió.

+ Phòng chống bệnh tật (trang sức bạc, guốc gỗ…), trừ tà.

+ Tính thực tiễn của trang phục trong việc phục vụ đời sống con người. Từ đó dẫn đến đa dạng các loại trang phục: Trang phục trong lao động, hội hè, trang phục chiến đấu.. .

- Chức năng thẩm mĩ:

+ Trang phục góp phần tô điểm thêm vẻ đẹp của con người. Sáng tạo của con người hầu hết tuân theo quy luật cái đẹp. Đẹp là sự hài hòa khi nó đạt đến chân - thiện - mĩ, khi nó gắn với thói quen thẩm mĩ của cộng đồng dân tộc.

+ Tính thẩm mĩ thể hiện qua hình dáng, màu sắc, hoa văn, chất liệu… của trang phục. Lâu nay, nhiều người quan niệm vẻ đẹp của trang phục được đánh giá tượng của thị giác nên đòi hỏi nó phải biểu hiện được những chuẩn mực cho sự nhìn. Nhưng nhìn qua bộ trang phục của người Việt từ đầu thế kỷ XX trở về trước, chúng ta thấy rõ ngoài việc đáp ứng yêu cầu nhìn, còn có cả thính giác, vị giác và tất nhiên dẫn đến cả xúc giác nữa.

Một xu hướng thường thấy ở người Việt là sử dụng một vật kiêm nhiều chức năng. Chiếc khăn trùm đầu, còn để quàng cổ, vắt vai, làm khăn lau và gặp lúc bất ngờ cũng có khi là vũ khí phòng hộ. Vấn đề đa chức năng của trang phục người Việt, trong nhiều trường hợp chưa hẳn đã là vì nghèo.

5.3. Các giá trị nổi bật của văn hóa trang phục

* Giá trị lịch sử

Trang phục là tài liệu lịch sử, nhìn vào trang phục có thể đoán định được thời kỳ lịch sử sản sinh ra nó. Trang phục phản ánh trình độ phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của xã hội đương thời.

* Giá trị văn hóa

Trang phục cũng là một hiện tượng văn hóa về mặt vật chất, hay văn hóa vật chất. Trước kia, bên cạnh nghề trồng lúa nước, nghề trồng dâu, nuôi tằm là hoạt động sản xuất cơ bản trong đời sống của xã hội người Việt.

Đứng ở góc độ văn hóa tinh thần, trang phục còn có ý nghĩa về ý thức chính trị, về đạo đức con người.. .

* Giá trị thẩm mĩ

Trang phục là một nhu cầu vật chất quan trọng trong đời sống của nhân dân ta. Với tính chất thực dụng, nó là một sản phẩm; Dưới góc độ thẩm mĩ, nó lại là một tác phẩm.

* Giá trị sáng tạo

Giá trị sáng tạo của trang phục thể hiện ở: Chất liệu tạo trang phục, quy trình kỹ thuật và việc sử dụng trang phục cũng như ý nghĩa các dấu hiệu trên trang phục.

5.4. Trang phục và thời đại

Trang phục thể hiện tập trung tính truyền thống và hiện đại, trang phục là bộ mặt của thời đại. Nói cách khác, tính thời đại của mặc là sự kết hợp nhuần nhuyễn, hợp lý và khoa học giữa truyền thống và hiện đại.

Nói tới khái niệm hiện đại là nói tới một vấn đề rất rộng. “Hiện đại” thể hiện rất nhiều ngữ nghĩa, có thể chỉ mốc thời gian sau cận đại, có thể chỉ thời hiện tại v.v… Trong lĩnh vực trang phục, hiện đại chính là chỉ thời trang, là chỉ cách suy nghĩ, nếp sống tân tiến. Mặc khác, nói tới truyền thống và hiện đại trong trang phục tức là nói tới tính kế thừa và cách tân. Đây là một điều rất quan trọng, thể hiện đặc trưng và bản lĩnh văn hóa của một cộng đồng, một tộc người.

Một số giai đoạn lịch sử, trang phục của người Việt chịu ảnh hưởng của quan niệm thẩm mĩ văn hóa Trung Hoa, văn hóa Pháp và gần đây là các trào lưu văn hóa trên khắp thế giới. Dù có lúc sự ảnh hưởng này đã bộc lộ những mặt trái của nó nhưng nhìn chung, sức sống văn hóa của người Việt đã giúp họ biết chọn lọc những gì là tinh túy làm phong phú thêm cho truyền thống văn hóa, tránh sự sao chép, lệ thuộc, lai căng.

5.5. Vấn đề đặt ra đối với trang phục cổ truyền trong đời sống hiện đại

Ngày nay, trang phục cổ truyền Việt Nam đang có nhiều thay đổi về tần suất sử dụng.

Có thể nhận thấy thời trang trong những năm gần đây có những bước tiến khá dài. Trang phục đang đòi hỏi sự vươn tới cái đẹp, thể hiện sự hoàn mỹ hay che bớt những nhược điểm, khuyết điểm trên cơ thể. Người phụ nữ ngày nay có rất nhiều cơ hội thể hiện vẻ đẹp qua trang phục.

Trong thế giới thời trang phong phú với những làn sóng mốt đến rồi lại đi, thay đổi đến chóng mặt, trang phục truyền thống của người Việt vẫn thể hiện rõ bản lĩnh của mình. Sau thời gian bị lóa mắt trước những cơn sóng thời trang từ bên ngoài tràn vào, trang phục cổ truyền lại lên ngôi, lắng sâu hơn và thể hiện rõ bản sắc của mình hơn, biểu hiện ngày càng rõ nét phong cách trang phục vốn có từ ngàn đời. Trang phục cổ truyền còn tồn tại vì nó còn phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tiễn và tính giá trị của sản phẩm trang phục Việt Nam.

Tóm lại, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong trang phục là một nguyên tắc cơ bản, nguyên tắc vàng trong quá trình bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, đặc biệt là bản sắc văn hóa trang phục Việt Nam.

Câu hỏi ôn tập chương 5:

1. Kể tên các nguyên liệu sợi dệt ở nước ta?

2. Kể tên một số sản phẩm tơ lụa của nước ta?

3. Nêu các chức năng trang phục?

4. Đặc điểm truyền thống của trang phục Việt Nam?

5. Chọn và phân tích một đặc điểm truyền thống của trang phục Việt Nam?

NỘI DUNG BÀI GIẢNG

Chương 1: Khái niệm trang phục và văn hóa trang phục (4 tiết)

1.1. Trang phục – Biểu hiện của văn hóa

1.2. Trang phục – Một thành tố cơ bản của văn hóa

1.3. Khái niệm trang phục và văn hóa trang phục

Chương 2: Trang phục Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại (8 tiết)

2.1. Trang phục thời kỳ Hùng Vương

2.2. Trang phục thời Ngô – Đinh – Tiền Lê

2.3. Trang phục thời Lý

2.4. Trang phục thời Trần

2.5. Trang phục thời nhà Hồ

2.6. Trang phục thời Lê

2.7. Trang phục thời Nguyễn

2.8. Trang phục từ cách mạng tháng Tám đến nay

Chương 3: Trang phục hội hè, nghi lễ, tôn giáo (4 tiết)

3.1. Trang phuc cưới

3.2. Trang phục tang

3.3. Trang phục tôn giáoChương 4: Trang phục cổ truyền các dân tộc Việt Nam (8 tiết)

4.1. Trang phục dân tộc Kinh

4.2. Trang phục dân tộc Mường

4.3. Trang phục dân tộc Tày

4.4. Trang phục dân tộc Nùng

4.5. Trang phục dân tộc Thái

4.6. Trang phục dân tộc Dao

4.7. Trang phục dân tộc Ê-đê

4.8. Trang phục dân tộc Gia Rai

4.9. Trang phục dân tộc Chăm

4.10. Trang phục dân tộc Khơ Me

4.11. Trang phục dân tộc Hoa

Chương 5: Văn hóa trang phục Việt Nam – Những vấn đề cơ bản (6 tiết)

5.1. Quá trình sáng tạo các giá trị văn hóa trang phục

5.2. Các chức năng của trang phục

5.3. Các giá trị nổi bật của văn hóa trang phục

5.4. Trang phục và thời đại

5.5. Vấn đề đặt ra đối với trang phục cổ truyền trong đời sống hiện đại

Kết luận

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Toan Ánh (1992), Nếp cũ – Con người Việt Nam, Nxb Trẻ Tp HCM.

2. Diệp Trung Bình (2005), Hoa văn trên vải dân tộc Mường, Nxb Văn hóa dân tộc.

3. Ngô Văn Doanh (1994), Văn hóa Chăm Pa, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.

4. Nguyễn Thị Đức (1998), Văn hóa trang phục từ truyền thống đến hiện đại, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

5. Nguyễn Quang Ngọc (1995) (chủ biên), Tiến trình lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

6. Phan Ngọc (2000), Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.

7. Nguyễn Thu Phương (2005), Trang phục Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại, Nxb Lao động, Hà Nội.

8. Li Tana (1990), Xứ Đàng trong, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh

9. Lê Ngọc Thắng (1990), Nghệ thuật trang phục Thái, Nxb Văn hóa dân tộc – Trung tâm văn hóa Việt Nam, Hà Nội.

10. Ngô Đức Thịnh (2000), Trang phục cổ truyền các dân tộc Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

11. Nguyễn Khắc Thuần (2004), Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam, 5 tập, Nxb Giáo dục, Hà Nội

12. Nguyễn Tài Thư (1993) (chủ biên), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội

13. Đoàn Thị Tình (1987), Tìm hiểu trang phục Việt Nam (dân tộc Việt), Nxb Văn hóa, Hà Nội.

14. Trần Từ (1978), Hoa văn Mường, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

15. Bùi Văn Vượng (2010), Nghề dệt, nghề thêu cổ truyền Việt Nam, Nxb Thanh niên.





Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

sách giáo trình công nghệ thông tin pdf doc - sách tham khảo

[-] Mục Lục 1 kế toán doanh nghiệp với visual basic https://ambn.vn/product/35662/ke-toan-doanh-nghiep-voi-visual-basic.html Những kiến thức cơ bản về kế toán như biểu mẫu, báo cáo, sổ sách chứng từ kế toán đã được trình bầy ở những bộ sách trước cùng tác giả, và coi như ở tập sách này là bạn đã nắm rõ về microsoft access và visual basic. Trong sách này, sẽ hướng dẫn bạn thêm khi thiết kế các giao diện nhập dữ liệu, xử lý và báo cáo trong chương trình kế toán, hiểu rõ những kỹ thuật và công cụ lập trình nâng cao và dễ dàng thiết kế thành công một chương trình quản lý kế toán doanh nghiệp bằng Visual Basic 2. lập trình cơ sở dữ liệu visual basic sql server https://ambn.vn/product/35577/lap-trinh-co-so-du-lieu-visual-basic-sql-server.html Cuốn sách này cung cấp cho người học những thông tin chi tiết cảu các công cụ kỹ thuật hiện nay như ADO, ADO MD và ADOX, MSDE, .. SQL Namespace.. Mục tiêu cuốn sách là cung cấp các kiến thức ở mức độ chuyên sâu những công cụ mà kết hợp giữa

Đề tài: Hoạt động marketing của công ty cổ phần bút bi Thiên Long

Đề tài: Hoạt động marketing của công ty cổ phần bút bi Thiên Long Mục Lục Lời mở đầu Chương I : Phân tích kết quả kinh doanh của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long I. Kết quả kinh doanh của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long trong thời gian qua II.Đánh giá hoạt động marketing của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long thời gian qua Chương II : Phân tích môi trường marketing của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long I. Phân tích môi trường marketing vĩ mô II.Phân tích môi trường marketing vi mô III. Phân tích môi trường marketing nội bộ IV. Phân tích swot Chương III. Phân đoạn thị trường của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long với sản phẩm bút bi Thiên Long I. Vị trí hiện tại của doanh nghiệp II. Xác định đối tượng khách hàng hay thị trường cần phân đoạn III. Phân chia thị trường theo những tiêu thức thích hợp IV. Đánh giá tiềm năng của các đoạn thị trường V. Lựa chọn các phương thức marketing nhằm khai thác các đoạn thị trường mục tiêu Chương IV. Xác định chiến lược M

CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KẾT QUẢ HỌC TẬP CỦA HỌC SINH TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRỲ TỈNH CAO BẰNG

LUẬN VĂN THẠC SĨ: CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KẾT QUẢ HỌC TẬP CỦA HỌC SINH TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRỲ TỈNH CAO BẰNG HỌC VIÊN: BẾ THỊ DIỆP – HƯỚNG DẪN KH: TS. NGUYỄN THỊ TUYẾT CHUYÊN NGÀNH: ĐO LƯỜNG VÀ ĐÁNH GIÁO TRONG GIÁO DỤC MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 2. Mục đích nghiên cứu của đề tài 3. Giới hạn nghiên cứu của đề tài 4. Phương pháp nghiên cứu 5. Câu hỏi nghiên cứu, giả thuyết nghiên cứu 6. Khung lý thuyết của đề tài 7. Khách thể và đối tượng nghiên cứu Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 1.1. TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 1.1.1. Các công trình nghiên cứu ở nước ngoài 1.1.2. Các công trình trong nước 1.2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN 1.2.1. Hoạt động học tập trong nhà trường 1.2.2. Loại hình nhà trường PTDTNT 1.2.3. Đặc trưng học sinh THPT DTTS 1.2.4. Các khái niệm công cụ của đề tài 1.3. KẾT LUẬN CHƯƠNG Chương 2: TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU 2.1. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1.1. Tổng thể