Chuyển đến nội dung chính

bai giang lich su van hoa viet nam

BÀI GIẢNG

 LỊCH SỬ VĂN HÓA VIỆT NAM


Bài giảng online - Đăng tải bởi AMBN

CHƯƠNG I: LỊCH SỬ VĂN HÓA VIỆT NAM:


ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN

1.1. Khái niệm lịch sử văn hóa

1.1.1. Khái quát về văn hóa

1.1.1.1. Khái niệm văn hóa

Sự phát triển của loài người gắn liền với văn hóa ngay từ những bước đi sơ khởi, tuy không phải ngay lúc ấy đã có một khái niệm văn hóa độc lập song có thể nói rằng văn hóa xuất hiện khá sớm trong ngôn ngữ của các dân tộc văn minh và phát triển trong thời cổ đại như Trung Hoa, Ấn Độ, Ai Cập, Hi Lạp.

Ở phương Đông, từ văn hóa mà chúng ta dùng có cội nguồn từ tiếng Hán. Trong ngôn ngữ Hán, hai chữ văn và hóa xuất hiện khá sớm, như hai từ đơn có nghĩa riêng biệt. Theo những tài liệu cổ xưa của Trung Quốc thì văn có nghĩa là “vẻ đẹp”, hóa có nghĩa là “biến đổi”, biến hóa. Văn hóa gộp lại theo nghĩa gốc là “làm cho đẹp, trở thành đẹp đẽ”.

Ở phương Tây, từ văn hóa xuất hiện vào khoảng thế kỷ III TCN. Xét về nguồn gốc, văn hóa là khái niệm gắn với sản xuất nông nghiệp. Văn hóa trong tiếng Latinh bắt nguồn từ chữ Cultus có nghĩa gốc là trồng trọt, cày cấy, vun trồng. Về sau, thuật ngữ văn hóa mở rộng thành Cultus animi và được chuyển nghĩa, nói về sự vun trồng tinh thần, trí tuệ, bồi dưỡng tâm hồn con người. Từ thuật ngữ gốc Latinh này mà xuất hiện từ Culture trong tiếng Anh, Pháp, Kultur trong tiếng Đức và Kultura trong tiếng Nga đều có nghĩa là văn hóa.

Theo tiến trình lịch sử, khái niệm văn hóa dần phong phú hơn về nội hàm, trong rất nhiều thế kỷ nó được dùng để chỉ những khái niệm và hiện tượng hết sức khác nhau.

Ngày nay, để nghiên cứu đầy đủ và sâu sắc khái niệm phức hợp này, cần thiết phải nghiên cứu mối quan hệ giữa văn hóa và tự nhiên cũng như các hình thái cơ bản của sự tồn tại văn hóa.

Nghiên cứu mối quan hệ giữa văn hóa và tự nhiên cũng như các hình thái cơ bản của sự tồn tại văn hóa, ta rút ra hai cách hiểu cơ bản về nội dung văn hóa như sau:

Theo nghĩa rộng, văn hóa là hoạt động sáng tạo của con người trong các lĩnh vực sản xuất vật chất và tinh thần. Nó bao gồm cả quá trình sản xuất, bảo quản, phân phối, trao đổi và tiêu thụ những giá trị vật chất và tinh thần. Nó là tổng hợp những giá trị đã vật thể hóa hoạt động sáng tạo của con người.

Theo nghĩa hẹp thì văn hóa là nhu cầu thiết yếu trong đời sống tinh thần của xã hội, thể hiện trình độ phát triển chung của một đất nước, một thời đại, là lĩnh vực sản xuất tinh thần tạo ra các giá trị nhân văn, những công trình nghệ thuật được lưu truyền từ đời này sang đời khác làm giàu đẹp thêm cuộc sống của con người.

1.1.1.2. Các chức năng của văn hóa

* Chức năng tổ chức xã hội

Chức năng chủ yếu của văn hóa là duy trì kết cấu xã hội, thực hiện sự liên kết và tổ chức đời sống cộng đồng thông qua các thiết chế xã hội – văn hóa. Thiết chế xã hội là một tổ chức hoạt động xã hội được đặt ra để duy trì sự ổn định và phát triển của các quan hệ xã hội. Nó được thể chế hóa và được các thành viên trong cộng đồng thừa nhận. Thiết chế xã hội còn biểu hiện như sự đại diện của hệ thống chuẩn mực xã hội, vận hành trong mọi sinh hoạt kinh tế, chính trị, pháp luật, tôn giáo, văn hóa, xã hội…

* Chức năng điều tiết xã hội

Để thực hiện chức năng điều tiết xã hội, văn hóa hình thành nên những giá trị. Giá trị là những chuẩn mực được cộng đồng thừa nhận và tuân thủ tuyệt đối. Nó điều chỉnh các nguyện vọng và hành động của con người, là cơ sở để đánh giá hành vi và định đoạt lợi ích xã hội của các thành viên trong cộng đồng. Tuy nhiên, các giá trị không đóng kín, bất biến mà thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung, đáp ứng nhu cầu tồn tại và phát triển của cộng đồng. Nhờ đó, xã hội duy trì được trạng thái cân bằng động, không ngừng thích ứng với những biến đổi của môi trường và phát triển hoàn thiện.

* Chức năng giao tiếp

Do gắn liền với con người và hoạt động của con người trong xã hội, văn hóa trở thành một công cụ giao tiếp quan trọng. Thông qua ngôn ngữ, chữ viết, con người tiếp xúc với nhau, trao đổi với nhau, thông báo cho nhau, yêu cầu hoặc trực tiếp nhận ở nhau các thông tin cần thiết về những hoạt động sống thường ngày của cộng đồng. Ngoài ra, văn hóa còn đóng vai trò là chiếc cầu nối giữa các thế hệ, các dân tộc, quốc gia tạo nên sự tiếp xúc, giao lưu giữa các nền văn hóa.

* Chức năng giáo dục

Văn hóa bao giờ cũng hình thành trong một quá trình lâu dài và được tích lũy qua nhiều thế hệ. Nó tạo nên các trầm tích và truyền thống văn hóa. Nhờ đó, văn hóa thực hiện được chức năng giáo dục.

Với chức năng giáo dục, văn hóa tạo nên sự phát triển liên tục của lịch sử nhân loại và lịch sử mỗi dân tộc. Việc giáo dục con người bằng các giá trị và truyền thống văn hóa có một vai trò rất quan trọng, là một quá trình bền bỉ không ngừng nghỉ của nhân loại.

1.1.1.3. Các quy luật vận động và phát triển của văn hóa

* Quy luật về sự quyết định của điều kiện kinh tế - xã hội đối với văn hóa

Điều kiện kinh tế - xã hội bao gồm các yếu tố chính là phương thức sản xuất vật chất, điều kiện tự nhiên, hoàn cảnh địa lí, dân số… trong đó phương thức sản xuất vật chất là yếu tố cơ bản nhất.

Hoạt động kinh tế tạo tiền đề vật chất cho sự tồn tại của văn hóa. Nó không chỉ tạo tiền đề mà còn quy định tính chất, diện mạo của một nền văn hóa.

Cơ sở kinh tế - xã hội quy định nội dung, bản chất của một nền văn hóa và của các thành tố văn hóa. Tách rời khỏi cơ sở kinh tế sẽ không hiểu được nội dung, bản chất của văn hóa.

Cơ sở kinh tế - xã hội góp phần xác định mục tiêu, xu hướng phát triển của văn hóa; Bởi văn hóa mang tính giai cấp.

Cùng với kinh tế, chính trị quy định phương hướng phát triển của văn hóa, tạo nên nội dung ý thức hệ của văn hóa và bằng hệ thống các chính sách pháp luật quản lí các hoạt động văn hóa. Tuy nhiên, văn hóa cũng có tính độc lập tương đối.

* Quy luật kế thừa trong phát triển văn hóa

Kế thừa là quy luật nội tại, quy luật sống còn của văn hóa.

Kế thừa trong văn hóa luôn đi liền với sáng tạo và đổi mới. Kế thừa không có nghĩa là “phục cổ” một cách nguyên xi, máy móc. Mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển diễn ra rất đa dạng. Có khi bên cạnh cái vốn có của truyền thống lại xuất hiện yếu tố vay mượn. Có khi giá trị vốn có đó lại được “lai tạo” với giá trị khác tạo ra một giá trị mới. Cũng có khi cái vốn cũ đó được chuyển hóa thành cái mới, thay thế cái cũ. Vì vậy, muốn bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống phải đặt bảo tồn và phát triển trong mối quan hệ biện chứng, tránh sự phiến diện, một chiều. Phải thấy rằng, bảo tồn mới chỉ là một điều kiện cho phát triển. Sự kế thừa phải luôn song hành với đổi mới vì văn hóa không chỉ có nhiệm vụ giữ gìn và lưu truyền các giá trị quá khứ mà còn phải sáng tạo ra những giá trị mới.

* Quy luật tiếp xúc - giao lưu trong phát triển văn hóa

Văn hóa không có chỗ cho khép kín. Nó phải luôn được mở cửa và giao lưu với bên ngoài để tiếp nhận sinh khí mới, để bản thân nền văn hóa đó phát triển. Hoạt động tiếp xúc và giao lưu văn hóa được thực hiện một cách thường xuyên.

Cơ sở của giao lưu văn hóa là giao lưu kinh tế. Ngoài hoạt động trao đổi kinh tế còn có những hoạt động trao đổi phi kinh tế mà ảnh hưởng của chúng đến giao lưu văn hóa không nhỏ như trao đổi tặng phẩm, vật phẩm tôn giáo… Sự tiếp xúc văn hóa còn có thể có được nhờ những tiếp xúc khác như quan hệ hôn nhân, quan hệ ngoại giao… Các cuộc thiên di lớn nhỏ, luôn xảy ra trong thời nguyên thủy và cổ trung đại làm cho các tập đoàn người có văn hóa khác nhau đã tiến đến bên nhau hoặc sống xen kẽ vào nhau. Đó cũng là một yếu tố quan trọng tạo ra sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa.

Quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa đòi hỏi mỗi quốc gia, dân tộc phải xử lí tốt mối quan hệ biện chứng giữa yếu tố nội sinh và ngoại sinh trong phát triển văn hóa.

1.1.2 Về môn học lịch sử văn hóa Việt Nam

Lịch sử văn hóa Việt Nam là môn học nghiên cứu các sự kiện, hiện tượng của văn hóa gắn với các thời kỳ đấu tranh giữ nước và dựng nước của dân tộc để thấy rõ quy luật phát triển của văn hóa Việt Nam trong quan hệ với chế độ chính trị và kinh tế.

1.2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

1.2.1. Đối tượng

-Bối cảnh lịch sử, kinh tế - xã hội của các sự kiện văn hóa Việt Nam.

-Các hiện tượng văn hóa Việt Nam.

-Các thành tựu văn hóa tương ứng với từng thời kỳ lịch sử Việt Nam.

1.2.2. Phương pháp tiếp cận

* Phương pháp logic – lịch sử

Quán triệt quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, đồng thời vận dụng phương pháp lịch sử (lịch đại) Và phương pháp logic (đồng đại) Trong các nghiên cứu văn hóa. Trong đó, phương pháp lịch sử được đặt lên hàng đầu. Phương pháp logic cũng cần phải được vận dụng hợp lý, bởi lẽ, nếu chỉ thuần túy vận dụng phương pháp lịch sử thì khó có thể trình bày các sự kiện và thành tựu cũng như khuynh hướng và các quy luật phát triển của lịch sử.

Thực hiện phương pháp này, chúng ta nghiên cứu văn hóa trong tiến trình hình thành, phát triển với những quy luật nội tại của chúng, nghiên cứu văn hóa gắn với lịch sử tư tưởng, lịch sử xã hội của mỗi dân tộc và nhân loại.

* Phương pháp liên ngành

Văn hóa vốn dĩ là một khái niệm hàm chứa những nội dung rất phong phú và rộng lớn. Để tiếp cận được, đặc biệt hơn là để có thể hiểu được, con đường tất yếu là phải tạo ra sự kết hợp của nhiều ngành khoa học khác nhau.

Thực hiện phương pháp này, chúng ta:

-Vận dụng tri thức của nhiều môn khoa học khác nhau như Dân tộc học, Khảo cổ học, Sử học, Xã hội học, Triết học… để làm rõ các vấn đề đời sống văn hóa của con người và xã hội trong các quá trình lịch sử.

-Sử dụng các thuật ngữ, khái niệm, các khái quát lí luận (nguyên lí, quy luật, kết luận khoa học) Của các khoa học khác trong những trường hợp cần thiết trong nghiên cứu văn hóa.

-Sử dụng các cứ liệu của các khoa học làm cơ sở cho việc nghiên cứu văn hóa.

Câu hỏi ôn tập chương 1:

1. Trình bày khái niệm văn hóa? Các chức năng của văn hóa? Chức năng nào quan trọng nhất, vì sao?

2. Phân tích các quy luật phát triển văn hóa?

3. Vì sao phải nghiên cứu lịch sử văn hóa dân tộc?


5. Trình bày ưu, nhược điểm của các phương pháp nghiên cứu lịch sử văn hóa?

CHƯƠNG II: VĂN HÓA VIỆT NAM – SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN


2.1. Điều kiện hình thành văn hóa Việt Nam

2.1.1. Địa văn hóa/ điều kiện tự nhiên

Bối cảnh địa lí - khí hậu Việt Nam có ba đặc điểm cơ bản, đây là những đặc điểm thường trực, có thể coi là những hằng số tự nhiên của văn hóa Việt Nam.

Hằng số tự nhiên thứ nhất: Khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm và mưa nhiều. Hằng số tự nhiên thứ hai: Đây là một vùng sông nước.

Hằng số tự nhiên quan trọng thứ ba: Nơi đây là giao điểm của các nền văn hóa, văn minh.

Điều kiện tự nhiên quy định cho khu vực này loại hình văn hóa gắn với nông nghiệp với những đặc điểm sau:

+ Trồng lúa nước;

+ Sống định cư và hòa hợp với thiên nhiên;

+ Đề cao vai trò của phụ nữ;

+ Sùng bái mùa màng, sinh nở.

Do nằm trong vùng địa lí này nên văn hóa Việt Nam có đầy đủ những phẩm chất nói trên, và chúng cấu thành các yếu tố đặc thù trong nội dung văn hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, điều kiện địa lí riêng có của Việt Nam cũng tạo ra những phẩm chất văn hóa độc đáo, các yếu tố riêng thuộc về bản sắc. Đó là:

+ Ứng xử mềm dẻo, khả năng thích nghi và chịu đựng cao;

+ Tính dung hợp cao;

+ Không có các công trình kiến trúc đồ sộ (ngoại trừ hệ thống đê điều và thủy lợi), do là vùng đất trẻ, lấn dần ra biển nên không có kết cấu bền vững;

+ Tồn tại nhiều loại hình nghệ thuật gắn với sông nước, biển (chèo, rối nước, đua thuyền…).

2.1.2. Con người, chủ nhân văn hóa

Căn cứ vào những kết quả nghiên cứu về sự hình thành và phân bố các chủng người trên trái đất, có thể nói rằng chủ thể của văn hóa Việt Nam ra đời trong phạm vi của trung tâm hình thành loài người phía Đông và trong khu vực hình thành của đại chủng phương Nam.

Quá trình hình thành các dân tộc Việt Nam có thể chia thành 3 giai đoạn:

a) Vào thời đồ đá giữa (khoảng 10.000 năm về trước), khu vực Đông Dương diễn ra sự hợp chủng giữa dòng người thuộc đại chủng Mongoloid từ vùng Tây Tạng, với cư dân Melanésien bản địa (thuộc đại chủng Úc), dẫn đến kết quả là sự hình thành chủng Indonésien (còn gọi là Cổ Mã Lai) Với nước da ngăm đen, tóc quăn dợn sóng, tầm vóc thấp…

b) Từ cuối thời đá mới, đầu thời đại đồ đồng (khoảng gần 5.000 năm về trước), trên cơ sở sự chuyển biến từ loại hình Indonésien bản địa dưới tác động của việc tiếp xúc thường xuyên với đại chủng Môngloid từ phía Bắc, đã hình thành một chủng mới là chủng Nam Á (Austro-asiatique).

c) Thời kỳ sau đó, chủng Nam Á được chia tách thành một loạt các chủng tộc mà trong cổ thư Việt Nam và Trung Hoa được gọi bằng danh từ Bách Việt.

Trong khi đó, ở phía Nam, dọc theo dải Trường Sơn, vẫn là địa bàn cư trú của người Indonésien. Thời gian đã làm cho họ chuyển biến thành chủng có tên gọi là Nam Đảo (Austronésien).

Như vậy, người Việt và tuyệt đại bộ phận các dân tộc Việt Nam đều xuất phát từ cùng một nguồn gốc chung là nhóm loại hình Indonesien, chính điều đó đã tạo nên tính thống nhất - một tính thống nhất trong sự đa dạng - của con người và văn hóa Việt Nam, và rộng hơn là toàn vùng Đông Nam Á.

2.1.3. Lịch sử xã hội

Với vị trí địa lí giao điểm của các luồng văn hóa, quá trình phát triển lịch sử - xã hội của Việt Nam đã bị chi phối mạnh mẽ bởi các quan hệ giao lưu văn hóa rộng rãi với Đông Nam Á, Trung Hoa, Ấn Độ và phương Tây. Dưới giác độ giao lưu tiếp biến, văn hóa Việt Nam là kết quả của các cuộc gặp gỡ văn hóa lớn trong khu vực:

+ Giao lưu với văn hóa các tộc người bản địa qua văn hóa Chămpa ở Trung Bộ và văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ;

+ Giao lưu với văn hóa Trung Hoa: Chủ yếu bằng con đường cưỡng chế (bị xâm lược, đô hộ và đồng hóa);

+ Giao lưu với văn hóa Ấn Độ: Chủ yếu bằng con đường hòa bình, tự nguyện;

+ Giao lưu với văn hóa phương Tây: Trong lịch sử, sự giao lưu này diễn ra chủ yếu thông qua các kênh: Buôn bán đường biển, sự đô hộ của thực dân Pháp, và sau đó là đế quốc Mĩ.

2.2. Phân kỳ lịch sử văn hóa Việt Nam

Việc phân chia các thời kỳ trong lịch sử văn hóa nước ta phải dựa vào các cột mốc chính trị quan trọng mà xác định. Theo cách tiếp cận đó, tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam có thể được phân chia thành 5 thời kỳ sau:

2.2.1. Văn hóa Việt Nam thời tiền sử và sơ sử

2.2.1.1. Văn hóa Việt Nam thời tiền sử

Những kết quả nghiên cứu khoa học hiện nay của Khảo cổ học và Cổ nhân học đã khẳng định, Việt Nam là một trong những khu vực loài người có mặt từ rất sớm, một trong những cái nôi của loài người.

Những phát hiện di cốt người - vượn trong các hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai (Lạng Sơn) Và hang Thẩm Ồm (Nghệ An), và những phát hiện di cốt người hiện đại trong hang Hùm (Yên Bái) Và hang Kéo Lèng (Lạng Sơn) Đã chứng tỏ ở Việt Nam, con người đã từng có mặt rất sớm và đã từng trải qua sự tiến hóa từ dạng người vượn đến dạng người hiện đại (người khôn ngoan - Homosapiens).

Gần đây, bản đồ khảo cổ học từ thời tiền sử Việt Nam đã được bổ sung khá phong phú với một loạt nền văn hóa tiền sử từ thời đại đá cũ qua thời đại đá mới đến đầu kim khí như: Văn hóa Núi Đọ, Văn hóa Sơn Vi, Văn hóa Hòa Bình, Văn hóa Bắc Sơn, Văn hóa Quỳnh Văn

Nhìn chung, từ văn hóa Núi Đọ đến văn hóa Quỳnh Văn, ngay từ thời tiền sử, con người đã đặt nền móng cho những sáng tạo văn hóa buổi sơ khai. Đó là sự tự nhận thức về tự nhiên thể hiện ở việc ứng xử thích ứng với tự nhiên: 50% cửa hang quay về hướng chính Nam và Đông Nam để tránh gió mùa Đông Bắc, đã cảm nhận được sự luân phiên giữa ngày và đêm, tuần trăng tròn và trăng khuyết, mùa nóng và mùa lạnh, sự sinh trưởng của cây cỏ…

Vào lúc cực thịnh của thời đại đồ đá, con người đã biết trồng trọt, tạo lập nền nông nghiệp nguyên thủy. Đây được coi là cuộc “cách mạng đá mới” đánh dấu bước chuyển từ săn bắt, hái lượm những thứ có sẵn trong tự nhiên sang sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi.

Đời sống tinh thần cũng bắt đầu phong phú. Họ đã biết biểu đạt tư duy về thời gian và vũ trụ thông qua hoa văn trên đồ gốm: Biểu thị mặt trời bằng hình tròn, hình chữ S, được vẽ lặp lại, biểu hiện sự chuyển động của thời gian, mùa màng, biểu hiện những hiện tượng như mưa, nắng, gió, đặc biệt là mặt trời đã trở thành các thần linh quan trọng trong tín ngưỡng và thần thoại của người nguyên thủy. Người nguyên thủy đã có niềm tin vào thế giới bên kia và sự tôn thờ các sức mạnh tự nhiên có ảnh hưởng đến mùa màng. Về nghệ thuật tạo hình: Người nguyên thủy đã biết khắc trên vách hang động.

Về tổ chức xã hội: Trong thời đại đồ đá, con người tiền sử đã tiến từ giai đoạn bầy người đến bộ lạc. Và đến giai đoạn hậu kỳ đá mới, khi đã có những người làm nghề nông định cư thì có thể tin rằng, đã có những bộ lạc sống thành các làng xóm.

2.2.1.2. Văn hóa Việt Nam thời sơ sử

Đây là thời đại kim khí với văn hóa đồng thau cách ngày nay khoảng 4.000 năm. Thời kỳ này trên địa bàn từ lưu vực sông Hồng cho đến lưu vực sông Đồng Nai thuộc lãnh thổ Việt Nam ngày nay, tồn tại ba trung tâm văn hóa lớn: Văn hóa Đông Sơn (miền Bắc), văn hóa Sa Huỳnh (miền Trung) Và văn hóa Đồng Nai (miền Nam), trong đó văn hóa Đông Sơn được coi là cốt lõi của người Việt cổ.

* Văn hóa Đông Sơn

Văn hóa Đông Sơn thuộc thời đại kim khí. Tuy nhiên, sự hình thành và phát triển của nó lại bắt nguồn từ các văn hóa tiền Đông Sơn, ở lưu vực sông Hồng, sông Mã, sông Cả: Ở lưu vực sông Hồng là các văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun (thuộc giai đoạn đồng thau từ khoảng 2.000 đến 700 năm TCN), ở lưu vực sông Mã là nhóm di tích Cồn Chân Tiên - Hoa Lộc, Bái Man - Đồng Ngầm và văn hóa Quỳ Chử, ở lưu vực sông Cả là nhóm di tích Đền Đồi - Rú Ta và nhóm di tích Rú Trăn. Văn hóa Đông Sơn là nền văn hóa nông nghiệp lúa nước. Nền tảng nông nghiệp lúa nước in dấu trên mọi lĩnh vực văn hóa.

Văn hóa vật chất:

+ Nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước, dùng cày với sức kéo trâu bò là chính. Nghề luyện kim và đúc đồng thau đã phát triển rực rỡ với việc sản xuất được nhiều loại vật dụng gồm công cụ sản xuất, chiến đấu, đồ dùng sinh hoạt… Ngoài ra, các nghề như chế tạo đồ gốm, chế tạo thủy tinh, nghề mộc, nghề dệt vải đều đã xuất hiện và đang phát triển.

+ Cư dân Đông Sơn đã sử dụng gạo tẻ để nấu cơm, gạo nếp để đồ xôi, và ăn các loại hoa quả, rau màu, thủy sản.

+ Ở người Đông Sơn, nam mặc khố, nữ mặc váy và yếm, vào những ngày lễ hội họ có những bộ lễ phục được kết bằng lá cây, lông vũ khá độc đáo. Tóc được tết bím, búi tó hoặc cắt ngắn. Đồ trang sức phong phú gồm các loại vòng, hoa tai, hạt chuỗi.

+ Nhà ở bằng tre, gỗ, nứa, lá, làm theo lối nhà sàn và nền đất, mái cong hình thuyền và hình mu rùa. Nhà sàn có kiểu dáng khác nhau, gắn với chức năng xã hội - văn hóa: Nhà sàn mái sống võng xuống (nhà ở), mái sống lồi (để tiến hành nghi lễ).

+ Họ đi lại bằng thuyền (thuyền độc mộc, thuyền ván), bè, mảng và vận tải bằng voi, ngựa, gùi địu. Ngoài ra, người Việt cổ còn đóng được cả thuyền chiến và thuyền đua. Người Việt thời kỳ này đã có tài chèo thuyền, tài bơi lặn.

Văn hóa tinh thần:

+ Người Đông Sơn có tục ăn trầu, nhuộm răng đen, xăm mình.

+ Tín ngưỡng chủ yếu liên quan đến nông nghiệp trồng lúa, tiếp đến là tín ngưỡng phồn thực biểu hiện ở tục thờ dương vật và âm vật, các nghi lễ cầu mùa, cầu giống loài sinh sôi, con cháu đông đúc. Tục thờ cúng tổ tiên, sùng bái anh hùng và thủ lĩnh, đó cũng là những biểu hiện quan trọng của ý thức về nòi giống dân tộc của người Đông Sơn.

Văn hóa nghệ thuật

+ Nghệ thuật âm nhạc, hát múa thời Đông Sơn đã giữ một vai trò quan trọng trong sinh hoạt lễ hội và đời sống tinh thần. Âm nhạc lúc bấy giờ được tạo nên bởi một hệ thống nhạc cụ phong phú và đa dạng như: Trống các loại, chiêng, cồng, chuông nhạc, sênh, phách, khèn sáo, kèn lá, đàn gõ…

Hoạt động hát gồm: Hát chúc thần, hát giao duyên, hát vui chơi.. . Nghệ thuật múa gồm: Múa hóa trang và múa vũ trang, múa đạo cụ.. .

Về nghệ thuật tạo hình, trên nhiều trống đồng và đồ đồng thấy chạm khắc các cảnh múa hát, bơi thuyền sôi nổi trên sông nước, cảnh những cặp tượng người cõng nhau nhảy múa, thổi khèn.

+ Các thần thoại, huyền thoại chính của người Việt cổ cũng hình thành ở thời kỳ này.

Văn hóa tổ chức xã hội:

+ Công xã thị tộc đã nhường chỗ cho công xã nông thôn ra đời và phát triển.

+ Xã hội Đông Sơn là một xã hội đã có phân hóa nhưng chưa gay gắt, và Nhà nước thì mới hình thành.

+ Ở phạm vi quốc gia, ngay từ thời kỳ này, đã xác lập hệ cấu trúc xã hội “nhà - làng - nước”, trong đó, làng là đơn vị xã hội - văn hóa giữ vai trò chủ yếu trong sáng tạo, bảo tồn và tái tạo các truyền thống văn hóa.

* Văn hóa Sa Huỳnh

Chủ nhân của văn hóa Sa Huỳnh là cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Bên cạnh đó, do sinh sống ven biển và kề rừng, nên ngoài nông nghiệp, họ cũng biết khai thác nguồn lợi của biển, của rừng, cũng biết phát triển các nghề thủ công (nhất là nghề xe sợi, dệt vải, chế tạo gốm, làm đồ trang sức, làm thủy tinh). Người Sa Huỳnh cũng sớm biết mở rộng quan hệ giao lưu, trao đổi, buôn bán với các cư dân trong khu vực.

Quan niệm về thế giới bên kia qua việc hỏa táng và sử dụng các chum gốm lớn có nắp đậy vào việc mai táng người chết cho thấy đời sống tâm linh của cư dân khá phức tạp. Sự đa dạng, cầu kỳ, tinh tế của các loại đồ trang sức, tư duy nghệ thuật trong bố cục hoa văn trong đồ gốm, lối tư duy kỹ thuật chặt chẽ trong việc sáng chế các sản phẩm có yêu cầu kỹ thuật cao cho thấy biểu hiện lối tư duy sáng tạo của chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh.

Sự phát triển về đời sống vật chất, tinh thần của cư dân Sa Huỳnh tạo điều kiện cho vùng đất Nam Trung Bộ trở thành một trung tâm phát triển và có ảnh hưởng ở khu vực, hình thành một nền văn minh lớn với sự ra đời của vương quốc Chămpa (ra đời sau nước Âu Lạc khoảng hơn 3 thế kỷ).

* Văn hóa Đồng Nai

Cư dân Đồng Nai có mặt ở vùng đồng bằng Nam Bộ cách ngày nay khoảng

4.000 – 5.000 năm, với không gian sinh sống gắn chặt với vùng đất cửa sông, giáp biển. Các cư dân ấy là lớp người đầu tiên đến lập nghiệp ở vùng đất này, xây dựng nên văn hóa Đồng Nai, đặt nền móng cho thời kỳ chinh phục vùng châu thổ sông Cửu Long, tức thời kỳ văn hóa Óc Eo vào những thế kỷ đầu công nguyên sau này.

Hoạt động kinh tế chủ yếu của cư dân Đồng Nai là nghề nông và nghề thủ công. Trong trồng trọt, lúa là loại cây lương thực chính. Ngoài trồng trọt, người Đồng Nai còn khai thác các sản vật rừng và săn bắn. Nghề thủ công của họ khá phát triển, thể hiện ở chế tác các đồ trang sức (bằng đá, thủy tinh, đồng, sắt), chế tác đồng, sắt, xe sợi.

Đời sống tinh thần của người Đồng Nai còn nặng tín ngưỡng bái vật giáo được thể hiện qua nghệ thuật tạo hình: Các di vật như tượng lợn rừng, rùa bằng sa thạch, tượng chó săn mồi bằng đồng, tượng Trút Long giao bằng đồng. Người Đồng Nai tin rằng người chết là bắt đầu một cuộc sống khác. Một trong những thành tựu văn hóa đặc sắc của cư dân Đồng Nai là các bộ đàn đá, có niên đại sớm nhất là vào khoảng

3.000 năm cách ngày nay.

2.2.2. Văn hóa Việt Nam đầu công nguyên

2.2.2.1. Bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa

Năm 179 TCN, Triệu Đà - vua nước Nam Việt (đóng đô ở Phiên Ngung thuộc Quảng Đông, Trung Quốc ngày nay) Đã đánh chiếm Âu Lạc, biến nước ta thành một bộ phận lãnh thổ của Nam Việt. Nhà Triệu chia Âu Lạc ra thành hai quận: Giao Chỉ và Cửu Chân.

Năm 111 TCN, nhà Hán chiếm nước Nam Việt của Triệu Đà, đổi vùng đất của Âu Lạc thành châu Giao Chỉ, dưới có bảy quận, với chức quan đầu châu là Thứ sử, đầu quận là Thái thú. Từ đó, đất nước ta trải qua hơn 10 thế kỷ sống dưới sự thống trị của nhà nước phong kiến phương Bắc. Trong hơn 10 thế kỷ đó, các đế chế Trung Hoa: Triệu, Tây Hán, Đông Hán, Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương, Tùy, Đường đô hộ nước ta.

Các triều vua Trung Quốc kế tiếp nhau thi hành chính sách đồng hóa, thống trị tàn bạo, bóc lột ráo riết nhân dân ta (bóc lột bằng cống nạp, nộp tô thuế và lao dịch).

Thời kỳ này, cả nước Chăm cổ cũng bị đế chế Trung Hoa thôn tính.

Thời kỳ này thường được gọi là thời nghìn năm Bắc thuộc, song có lẽ đúng hơn là thời Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, thời bị Hán hóa và chống Hán hóa.

Tình hình chính trị - kinh tế - xã hội và văn hóa thời Bắc thuộc

Về chính trị, trước hết, các triều vua Trung Quốc tìm đủ mọi cách để thủ tiêu nền độc lập và tự chủ dân tộc, biến nước ta thành quận huyện của Trung Quốc. Đồng thời cũng luôn tìm cách xóa bỏ bằng được dấu ấn về quốc hiệu của tổ tiên ta.

Về quân sự, các triều đại Trung Quốc đã thực hiện một chính sách chung, thống nhất, đó là sẵn sàng đàn áp một cách đẫm máu mọi hình thức đấu tranh của dân Việt nhằm xây dựng và bảo vệ guồng máy đô hộ trên toàn cõi nước ta.

Về kinh tế, chính sách bao trùm của tất cả chính quyền phong kiến Trung Quốc đô hộ là ra sức vơ vét tài nguyên và của cải của người Việt. Chúng thực hiện triệt để chính sách thu cống phẩm và đặc biệt chú ý đến đặc sản của từng vùng.

Từ thời Đường, phép tô, dung, điệu được áp dụng triệt để. So với chế độ thu nạp cống phẩm, các phép tô, dung và điệu quy định mức đóng góp của dân Việt cụ thể hơn nhiều. Chính vì vậy, cuộc sống của nhân dân vô cùng cực khổ. Đó cũng là lí do dẫn đến những cuộc nổi dậy đấu tranh của nhân dân ta.

Về xã hội, hiện tượng dễ nhận thấy là việc các chính quyền đô hộ luôn mở cửa, khuyến khích dân Trung Quốc di cư xuống nước ta. Lực lượng dân di cư này bao gồm ba bộ phận khác nhau: Dân nghèo Trung Quốc, đội ngũ nho sĩ Trung Quốc bất đắc chí, các nhà tu hành Phật giáo và Đạo giáo.

2.2.2.2. Những nét mới trong đời sống văn hóa và tư tưởng người Việt

Một trong những nét mới trong đời sống văn hóa Việt Nam lúc bấy giờ là sự tiếp nhận các yếu tố ngoại sinh từ văn hóa phương Bắc, đặc biệt là trên lĩnh vực tư tưởng, với sự xuất hiện của Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo.

Nét mới thứ hai trong đời sống văn hóa nước ta lúc bấy giờ là sự lớn mạnh của chủ nghĩa yêu nước. Ý chí ngoan cường của nhân dân ta kết tinh trong những cơn bão lửa quật khởi, trong khí phách oai hùng của các vị lãnh tụ kiệt xuất như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí, Lý Tự Tiên, Đinh Kiến, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng…

Và yêu nước cũng có nghĩa là tôn vinh những người có công với nước. Đó là những người có công dựng nước, giữ nước; Là các bậc tổ sư khai sáng nghề nghiệp; Là các nhà đạo đức đáng để cho đời đời ngưỡng mộ và noi theo; Là những bậc chân tu và đạo hạnh hơn người… Gắn liền với ý thức chân thành tôn vinh những người có công với dân với nước, là thái độ công khai khinh ghét quân xâm lăng, những kẻ phản dân hại nước.

Một trong những điểm nổi bật nhất của thời Bắc thuộc là lòng yêu nước luôn luôn được thể hiện tập trung qua tình cảm đối với làng. Làng là một đơn vị kinh tế, chính trị, xã hội khép kín. Tình cảm mỗi người đối với làng thường được thể hiện qua năm điểm chủ yếu sau đây:

-Tôn kính chức sắc của làng.

-Tôn kính các vị thần và các bậc tiền hiền của làng.

-Tôn kính lệ làng và hương ước

-Tôn kính tập tục và lề thói của làng.

-Đóng góp công sức và tài sản vào việc xây dựng những công trình công cộng của làng và xây dựng những nơi tôn nghiêm như đình làng, đền miếu và chùa làng.

2.2.2.3. Thực trạng và đặc trưng văn hóa thời Bắc thuộc

* Thực trạng

Các triều đại phong kiến phương Bắc áp dụng chính sách nô dịch và đồng hóa văn hóa. Tuy nhiên, thực trạng của đời sống văn hóa lại diễn ra không đúng như sự mong đợi của kẻ xâm lược. Một loạt các hiện tượng văn hóa mới đã sản sinh trong thời kỳ này như:

Sự truyền bá và tiếp nhận Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo đã làm cho cấu trúc văn hóa ở nước ta mới hơn và cũng phong phú hơn so với trước đó. Và mặc dù có sự cọ sát, sự đấu tranh, song hệ quả lớn nhất và đáng chú ý nhất vẫn là quá trình cùng tiếp biến để hội nhập.

Các thành tố văn hóa ngoại nhập đến từ nhiều hướng khác nhau, tuy nhiên, giữ vị trí chủ đạo và chi phối mạnh mẽ nhất vẫn là các thành tố ngoại nhập có nguồn gốc từ Trung Quốc. Và mặc dù, quá trình tiếp biến để hội nhập là quá trình phổ biến nhưng nó diễn ra không đồng đều. Nếu khảo sát ở những vùng mà thành tố Hán là nổi trội, chúng ta có thể gọi đó là văn hóa Hán – Việt, nhưng nếu khảo sát ở những vùng mà thành tố Việt là thành tố nổi trội thì lại có thể gọi đó là văn hóa Việt – Hán.

Ngoài các tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo, nhiều trào lưu văn hóa khác cũng đã được truyền bá tới nước ta. Ví dụ: Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, nghệ thuật hội họa, nghệ thuật ca múa nhạc…

* Đặc trưng

Đặc trưng xuyên suốt đó là sự bảo tồn và phát triển của văn hóa dân tộc được thể hiện trên các lĩnh vực sau:

Trước hết, bản sắc nông nghiệp lúa nước đã gia tăng thêm độ bền vững mà không hề bị mai một.

Trong cuộc đấu tranh đề kháng chống chính sách đồng hóa, bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, làng xã cổ truyền có vai trò hết sức quan trọng. Người Việt suốt thời kỳ Bắc thuộc đã không ngừng bảo tồn và củng cố cộng đồng xóm làng để chống đồng hóa, dựa vào làng mà giành lại nước. Như đã nói, trong thời kì Bắc thuộc, người Việt mất nước chứ không mất làng.

Về phong tục, lễ giáo, văn học nghệ thuật trong thời kỳ Bắc thuộc, nhìn chung vẫn được duy trì và có sức sống mạnh mẽ.

Các tín ngưỡng và lễ hội nông nghiệp của các cộng đồng cư dân lúa nước vẫn giữ được sức sống của nó trong lòng các làng xã.

Tóm lại, trong thời kỳ Bắc thuộc, văn hóa Việt đã chịu đựng những tổn thất, bị vỡ cấu trúc, và những truyền thống được bảo lưu thì ẩn mình và hòa tan vào dòng văn hóa dân gian của làng xã. Nhưng văn hóa Việt đã không co lại chỉ để tự vệ và do đó trở thành bảo thủ và cô lập, mà đã tiếp nhận những yếu tố ngoại nhập. Hơn thế, xu hướng tiếp nhận văn hóa ngoại nhập bằng con đường dung hợp và bản địa hóa đã làm văn hóa Việt Nam trở nên phong phú hơn và sau này sẽ trở thành bộ phận cốt lõi trong nền văn hóa truyền thống sau này.

2.2.3. Văn hóa Đại Việt từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX (1858)

Khi nói về văn hóa thời tự chủ, tức nói về văn hóa Đại Việt. Thời kỳ này triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê và Nguyễn. Về mặt lịch sử, đây là kỷ nguyên độc lập tự chủ và thống nhất đất nước, về văn hóa, đây là thời kỳ phục hưng và phát triển văn hóa dân tộc về bề rộng cũng như bề sâu. Thời kỳ này chia làm các giai đoạn sau:

2.2.3.1. Văn hóa Đại Việt thời kỳ Ngô - Đinh - Tiền Lê

* Bối cảnh lịch sử

Năm 938, Ngô Quyền quét sạch quân Nam Hán ra khỏi bờ cõi, ông lên ngôi Vương, đóng đô ở Cổ Loa.

Năm 944, Ngô Quyền mất, chính quyền trung ương đi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Đất nước bị rơi vào loạn 12 sứ quân.

Năm 967, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn được 12 sứ quân. Một năm sau, ông lên ngôi, xưng là Đinh Tiên Hoàng, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, định đô tại Hoa Lư.

Năm 979, Đinh Tiên Hoàng mất, con trai nối nghiệp là Đinh Toàn, lúc này còn quá nhỏ. Trong lúc đó, vận nước đang lâm nguy, nên đến năm 980, đa số quan lại và sư sãi trong triều đình nhà Đinh đã đồng lòng tôn quan Thập Đạo Tướng quân Lê Hoàn lên ngôi. Nhà Tiền Lê ra đời từ đó. Kế tục nhà Đinh, nhà Tiền Lê vẫn tiếp tục đóng đô tại Hoa Lư và giữ quốc hiệu Đại Cồ Việt. Nhà Tiền Lê đã có công chống Tống (năm 981), bình Chiêm (982), đồng thời đã ban hành nhiều chính sách trị nước tích cực và tiến bộ.

Đến nhà Tiền Lê, giai đoạn đất nước bước đầu xây dựng và khẳng định kỷ nguyên độc lập, tự chủ và thống nhất đã kết thúc. Từ nhà Tiền Lê trở đi, một giai đoạn phát triển hùng mạnh của đất nước được bắt đầu.

* Thành tựu văn hóa

+ Củng cố nền độc lập dân tộc, bước đầu xây dựng đất nước.

Để khẳng định chủ quyền của dân tộc Việt và nâng cao ý thức đề kháng Trung Quốc, Ngô Quyền đã tự xưng Vương, bỏ lệ xưng Tiết độ sứ, đóng đô ở Cổ Loa - thủ đô thời Âu Lạc, lập thành một vương quốc độc lập. Đến Đinh Bộ Lĩnh với việc dẹp loạn 12 sứ quân cũng là biểu hiện của sự củng cố tinh thần khối đoàn kết anh em một nhà. Hơn thế nữa, việc đặt tên nước là Đại Cồ Việt, nhà vua đã biểu hiện sự đối ứng với Đại Tống. Dưới thời vua Lê Đại Hành, ý thức đề kháng Trung Hoa thể hiện rất quyết liệt trong cuộc đánh đuổi giặc Tống. Với các niên hiệu Thiên Phúc, Hưng Thống, Ứng Thiên, nhà Tiền Lê đã khẳng định linh khí của tổ tiên thời Văn Lang - Âu lạc.

+ Trong công cuộc xây dựng đất nước, nhà Tiền Lê chăm lo phát triển kinh tế. Kinh tế dưới triều Tiền Lê bắt đầu phát triển. Chính quyền đã thi hành một số biện pháp có lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Nhà Tiền Lê xây dựng nhiều công trình để mở mang giao thông đường thủy, đường bộ. Các nghề thủ công cổ truyền như nghề gốm, nghề dệt, nghề khai mỏ luyện sắt, đúc đồng, làm đồ da, các nghề mỹ nghệ… được phục hồi và phát triển. Triều đình còn tổ chức những xưởng đúc tiền, đóng thuyền, sản xuất vũ khí. Việc buôn bán trong nước và ngoài nước, nhất là đối với Trung Quốc được mở mang. Kinh đô Hoa Lư trở thành trung tâm chính trị và văn hóa của đất nước thời Đinh –Lê.

Nhiệm vụ hàng đầu của thời các triều đại Ngô - Đinh - Tiền Lê là ra sức củng cố nền độc lập, xây dựng lực lượng quân sự để đẩy lùi mọi cuộc ngoại xâm và cũng để đè bẹp thế cát cứ trong nước. Các vương triều trong giai đoạn này chưa có điều kiện chăm lo nhiều đến sự phát triển văn hóa.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đất nước độc lập, nền văn hóa dân tộc vẫn nảy nở trên vốn cổ truyền mà nhân dân ta đã bảo tồn và phát huy qua hơn 1.000 năm bị nước ngoài đô hộ.

2.2.3.2. Văn hóa Đại Việt thời Lý - Trần

* Bối cảnh lịch sử

Sau khi Lê Đại Hành mất, các con của ông ra sức chém giết lẫn nhau để giành ngôi báu; Chính sự nhà Tiền Lê đổ nát một cách thảm hại. Sau khi Lê Long Đĩnh chết (1009), triều đình đưa một người dòng họ khác là Lý Công Uẩn lên làm vua. Nhà Lý được dựng lên kể từ đó. Lý Thái Tổ quyết định dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La (1010) Và đổi tên là Thăng Long, đổi tên nước là Đại Việt (1054).

Từ cuối thế kỷ XI, cơ đồ nhà Lý tàn tạ một cách nhanh chóng, đất nước lâm vào cảnh hỗn chiến triền miên. Nhân cơ hội đó, họ Trần đã khôn khéo tìm cách xây dựng thế lực riêng của mình. Cuối năm 1225, nhờ sự sắp đặt của Trần Thủ Độ, ngôi vua đã thuộc về họ Trần, và nhà Trần được thiết lập từ đó.

Nhà Trần không những khôi phục chế độ phong kiến trung ương tập quyền mà còn nâng cao địa vị của đội ngũ quý tộc, phát triển đất nước về mọi mặt. Trong thế kỷ

XIII, nhà Trần đã lãnh đạo quân dân Đại Việt tiến hành ba cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại (1258 - 1288) Chống lại ba cuộc xâm lăng tàn bạo của đế quốc Nguyên Mông. Bên cạnh đó, nhà Trần còn mở rộng đất đai về phía Nam, bình giặc Chiêm Thành gây được ảnh hưởng mạnh mẽ đối với các nước xung quanh.

* Thành tựu văn hóa

+ Hệ tư tưởng

Ở thời kỳ Lý - Trần, nền độc lập tự chủ được thể hiện rõ nét nhất thông qua sự lựa chọn, thiết lập hệ tư tưởng chủ đạo trong ứng xử với thời cuộc. Đó là sự dung hòa tam giáo Nho - Phật - Đạo, còn gọi là chính sách Tam giáo đồng nguyên, trong đó nổi trội là Phật giáo và Nho giáo.

Cũng trong hệ tư tưởng, thời Lý - Trần, ý thức đề kháng Trung Hoa “bất tốn Hoa Hạ” rất quyết liệt.

+ Văn hóa vật thể

Các công trình kiến trúc thời Lý - Trần rất đa dạng. Trước hết là việc xây dựng kinh thành Thăng Long, một công trình có quy mô lớn với hai vòng thành và nhiều cung điện. Ngoài ra còn có nhiều kiến trúc khác như, Văn miếu và Quốc Tử Giám, chùa, đền tháp, đình… tiêu biểu là hệ thống chùa và tháp mà ngày nay còn lưu lại như: Chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ, chùa Giạm, tháp Báo Thiên, tháp Chương Sơn, chùa Phổ Minh.

+ Văn hóa tinh thần

Mở mang học tập và thi cử: Năm 1070, nhà Lý dựng Văn Miếu để thờ Chu Công, Khổng Tử và các môn đệ của ngài, đến năm 1076 lại mở Quốc Tử Giám ở kinh thành để làm nơi học tập cho con em tầng lớp quý tộc, quan lại. Năm 1075, triều đình mở khoa thi đầu tiên để chọn nhân tài.

Các hình thái văn hóa dân gian như lễ hội, tín ngưỡng, phong tục, truyện dân gian, hát múa, điêu khắc được phục hưng và lưu truyền cho đến tận ngày nay.

Đến đời Trần, nghệ thuật ca múa nhạc và nghệ thuật tạo hình đã có những bước phát triển mới.

Năm 1239, vua Trần cho xây dựng cung thất tại làng Tức Mạc (về sau gọi là Phủ Thiên Trường) Là quê hương của nhà Trần để nhà vua về thăm quê khi thư nhàn. Nghệ thuật kiến trúc đời Trần cũng được phục hưng mạnh mẽ. Sau chiến thắng oanh liệt của dân tộc, cung điện, đền chùa, nhà cửa được sửa chữa hoặc xây dựng mới. Tháp Phổ Minh và chùa Bình Sơn (Lập Thạch - Vĩnh Phú) Là những công trình kiến trúc có giá trị thời Trần.

Nền văn hóa bác học hình thành và phát triển. Từ sự phát triển của Phật giáo và Nho giáo, đội ngũ trí thức đã được hình thành, mà sản phẩm chính là nền văn học viết. Theo các nguồn tư liệu, từ thế kỷ X đến thế kỷ XII, có trên 50 tác giả, trong đó chủ yếu là các nhà sư, từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XIV, có trên 60 tác giả, trong đó chủ yếu là các nho sĩ. Sáng tác văn học thời kỳ này tất nhiên mang nặng tư tưởng của Phật giáo, đạo lý của Nho giáo, song cũng có những áng văn mang ý nghĩa nhân sinh và giá trị văn hóa sâu sắc, như Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn.

Tư tưởng độc lập là động lực thúc đẩy sự ra đời và phát triển văn tự - chữ Nôm và văn học bằng chữ Nôm.

Sự phát triển các bộ môn khoa học: Việc biên soạn lịch sử dân tộc bắt đầu phát triển. Nhà Trần thành lập Viện quốc sử để ghi chép lịch sử của các triều đại.

Một số ngành khoa học khác như kỹ thuật quân sự, pháp chế, thiên văn, lịch pháp, y học cũng có những thành tựu đáng kể.

2.2.3.3. Văn hóa Đại Việt thời Hậu Lê

* Bối cảnh lịch sử

Năm 1400, Hồ Quý Ly giành được ngôi nhà Trần và lập ra nhà Hồ. Nhà Hồ tồn tại từ năm 1400 - 1407. Sau khi lên ngôi, vua đầu triều nhà Hồ dời đô về Thanh Hóa và đặt tên cho kinh đô mới là Tây Đô, đổi quốc hiệu là Đại Ngu (niềm an vui lớn). Nhà Hồ đã ban hành rất nhiều chính sách cải cách về chính trị và quân sự, về kinh tế và xã hội, về văn hóa và giáo dục, về quan hệ bang giao, mở rộng đất đai về phương Nam, gây ảnh hưởng mạnh mẽ đối với các nước xung quanh.

Năm 1407, nhà Minh xâm lược Đại Việt.

Sau 10 năm kháng chiến (1418 - 1427), Lê Lợi đã lãnh đạo nhân dân giành độc lập, giặc Minh bị quét sạch khỏi bờ cõi Đại Việt. Vào đầu năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, khai sáng ra nhà Hậu Lê.

Đến năm 1527, nhà Mạc giành ngôi nhà Lê, dẫn đến xung đột Lê - Mạc, gọi là thời kỳ Nam Bắc triều. Từ năm 1570 đến năm 1786 lại là thời kỳ đất nước bị phân tranh, hậu quả xung đột của Lê Trịnh ở Đàng ngoài với các chúa Nguyễn ở Đàng trong. Năm 1786, anh em nhà Tây Sơn khởi nghĩa thống nhất đất nước, thành lập triều Tây Sơn (1788 - 1802).

* Thành tựu văn hóa

+ Củng cố và xây dựng thể chế của chế độ phong kiến trung ương tập quyền Sau khi lên ngôi, Lê Lợi đẩy mạnh công việc kiến thiết đất nước về nhiều mặt.

Đến đời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1407) Thì thiết chế nhà nước đã đạt đến trình độ hoàn chỉnh nhất.

Tất cả đội ngũ quan lại thời Lê đều được tuyển chọn qua các kỳ thi với những quy chế rất chặt chẽ.

Ngay khi vừa lên ngôi, Lê Lợi đã sai các quan đại thần soạn thảo luật lệ. Đến năm 1489, nhà Lê đã biên soạn xong bộ luật Hồng Đức, tức Lê Triều hình luật.

+ Văn hóa vật chất

Nghề nông rất được quan tâm. Nhà Lê triệt để thi hành chính sách khuyến nông.

Thủ công nghiệp vẫn tiếp tục tồn tại ở vị trí một ngành kinh tế phụ, tuy nhiên, các trung tâm thủ công nghiệp chuyên nghiệp của khá nhiều địa phương đã lần lượt ra đời. Riêng vùng Thăng Long, nhà Lê lập thành phủ Trung Đô, sau đổi là Phụng Thiên, quản lĩnh hai huyện, chia làm 36 phường vừa làm nghề thủ công vừa buôn bán.

Bấy giờ, chợ đã mọc lên ở khắp nơi và nhà Lê cũng đã ban hành những quy định khá chặt chẽ về việc lập chợ. Ngoài ra, nhiều thương nhân nước ngoài cũng đến xin đặt quan hệ buôn bán nhưng hoạt động ngoại thương chỉ được hạn chế trong một số khu vực nhất định, có sự kiểm soát chặt chẽ của nhà Lê.

+ Văn hóa tinh thần

Nho giáo giữ địa vị độc tôn.

Về giáo dục và thi cử, nhà Lê rất quan tâm đến lĩnh vực này. Nhà Lê ra sức đề cao kẻ sĩ, tạo cho học trò có ý chí trở thành kẻ sĩ.

Về văn học, trước hết, văn học chữ Hán chiếm ưu thế trên văn đàn. Khác với thời Lý - Trần, đến đây, lực lượng sáng tác chủ yếu là nho sĩ. Bên cạnh văn học chữ Hán, văn học chữ Nôm cũng đã tiến được một bước rất dài. Với Quốc âm thi tập, Nguyễn Trãi đã có đến 254 bài thơ Nôm, các thành viên trong hội Tao Đàn cũng đã để lại bộ Hồng Đức quốc âm thi tập với hơn 300 bài thơ Nôm.

Các bộ môn khoa học khác như lịch sử, địa lí, toán học, y học, dược học… cũng có những bước tiến mới mẻ. Ngoài ra, khoa học quân sự nước nhà cũng đã vươn tới một đỉnh cao mới. Thiên tài lỗi lạc của khoa học quân sự thời kỳ này là Nguyễn Trãi và tác phẩm ghi lại những văn kiện quân sự quan trọng nhất là Quân trung từ mệnh tập.

Về nghệ thuật, một số loại hình như ca, múa, nhạc vẫn tiếp tục phát triển trong đó, tuồng, chèo là hai thể loại sân khấu đã đạt đến sự ổn định về mặt nghệ thuật và lý luận.

Kiến trúc và điêu khắc: Tại Thanh Hóa, vị vua đầu tiên triều Hậu Lê cho xây một thành lũy kiên cố, gọi là Lam Kinh. Lam Kinh được coi là kinh đô thứ hai của nhà Lê. Tại Thăng Long (năm 1430 đổi tên là Đông Kinh), từ năm 1428 trở đi đã xây dựng các cung điện lớn như điện Kính Thiên, điện Cần Chính, điện Vạn Thọ. Ngoài ra còn xây một số điện nhỏ, vừa như điện Cần Đức, điện Trùng Quang, điện Giảng Võ.. .

Đời vua Lê Tương Dực, nhà vua đã xây các đàn Nam Giao tế trời đất, đàn Xã Tắc để cầu được mùa, đàn Phong Vân để cầu mưa mỗi khi hạn hán. Đời vua Lê Thánh Tông đã xây dựng lại Văn Miếu, mở mang Quốc Tử Giám.

Kiến trúc đình làng cũng có nhiều chuyển biến sâu sắc, nhất là khi có quyết định năm 1492 của vương triều nhà Lê giao cho làng xã quản lý đình làng.

Nhìn chung, trên cơ sở văn hóa bản địa, văn hóa thời Hậu Lê đã phát triển rực rỡ về mọi mặt. Đặc biệt là sự cực thịnh của văn hóa Nho giáo, sự đa dạng về văn hóa bác học, và sự phong phú về văn hóa chữ Nôm.

2.2.3.4. Văn hóa Đại Việt từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII

* Bối cảnh lịch sử

Sau một thời gian nắm chính quyền, triều Lê đã đi vào suy thoái. Tầng lớp thống trị sống xa hoa, trụy lạc, triều đình và cả bộ máy quan lại ngày càng hũ bại, ruỗng nát. Dưới sự thống trị của triều đình chuyên chế, đời sống nhân dân khổ cực điêu đứng. Các cuộc khởi nghĩa nông dân bùng nổ khắp nơi.

Cũng từ đầu thế kỷ XVI, các cuộc xung đột tranh giành giữa các phe phái phong kiến diễn ra gay gắt. Năm 1527, tập đoàn phong kiến do Mạc Đăng Dung cầm đầu thắng thế, đã phế truất triều Lê, lập ra triều Mạc.

Viên tướng cũ của triều Lê là Nguyễn Kim tập hợp các thế lực chống lại nhà Mạc, chiếm giữ vùng Thanh Hóa, Nghệ An, lập thành một vương triều riêng mang danh nghĩa là “triều Lê Trung Hưng”.

Sau khi Nguyễn Kim chết, quyền hành lọt vào tay Trịnh Kiểm. Và từ đó, cuộc xung đột Mạc - Trịnh kéo dài hơn nữa thế kỷ (cuộc xung đột này còn gọi là xung đột Bắc - Nam triều).

Cuối cùng Nam triều thắng Bắc triều, nhưng sau đó diễn ra cuộc xung đột mới –xung đột Trịnh - Nguyễn. Cuộc xung đột này đã dẫn tới vạch đôi nước làm giang sơn riêng của hai dòng họ. Phía Bắc thuộc họ Trịnh, thường được gọi là Đàng Ngoài hay Bắc Hà, phía Nam thuộc họ Nguyễn, thường gọi là Đàng Trong hay Nam Hà.

Năm 1786, anh em nhà Tây Sơn khởi nghĩa, thống nhất đất nước.

* Thành tựu văn hóa

+ Hệ tư tưởng

Giai đoạn này đã có những thay đổi trong lĩnh vực tư tưởng.

Điều mới mẻ trong đời sống tư tưởng của đất nước giai đoạn này là sự xuất hiện của một tôn giáo mới - đạo Thiên Chúa (Kitô giáo). Bằng hình thức thông qua thương mại mà các giáo sĩ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha tìm đến nước ta truyền giáo ngày càng đông và mạnh mẽ.

+ Sự xuất hiện của chữ quốc ngữ: Từ thế kỷ XVII khi vào nước ta để truyền đạo, các giáo sĩ phương Tây đã tìm cách học tiếng Việt, họ dùng chữ cái La Tinh để ghi âm tiếng Việt nhằm phục vụ cho việc giảng đạo. Chữ quốc ngữ dần dần xuất hiện. Các giáo sĩ người Bồ Đào Nha, Italia đã dùng chữ này để soạn sách giáo lý, làm từ điển để tổ chức việc đúc chữ in. Hai cố đạo thuộc Dòng Tên, Gaspar de Amaral và Antoine de Barbosa, đã xuất bản các cuốn từ điển Việt - Bồ, từ điển Bồ - Việt vào năm 1632. Năm 1649 - 1951, Alexandre de Rhodes đã cho xuất bản tại La Mã bộ từ điển Việt - Bồ - La Tinh và cuốn Phép giảng tám ngày, một cuốn sách giáo lý bằng hai thứ tiếng La Tinh - Việt.

+ Văn học cũng có nhiều chuyển biến mới. Văn Nôm được khởi phát từ các giai đoạn trước, đến thời kỳ này đã ngày càng phát triển. Cùng với sự phát triển của văn học thành văn là sự nở rộ của những sáng tác dân gian: Truyện cười, truyện trạng, tục ngữ… đều nở rộ trong thời gian này. Các hình thức diễn xướng dân gian như tuồng, chèo, hát ả đào… phát triển rất mạnh mẽ.

+ Kiến trúc: Sự trỗi dậy của Phật giáo và Đạo giáo thời kỳ này đã khiến cho những thiết chế của những tôn giáo này được xây dựng khá nhiều.

* Sự phát triển văn hóa Việt Đàng trong Giữa thế kỷ XVI, sau khi Nguyễn Kim chết, Trịnh Kiểm nắm bắt tất cả quyền hành, tước đoạt mọi quyền lực của dòng họ Nguyễn. Con trai Nguyễn Kim là Nguyễn Hoàng phải xin vào trấn thủ đất Thuận Hóa vào năm 1558, rồi kiêm luôn trấn thủ Quảng Nam năm 1570. Thực ra, trước khi Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm, cư dân Việt đã vào đây khai phá làng, lập ấp. Sau khi ly khai với tập đoàn Lê - Trịnh ở Đàng ngoài và tiến hành những cuộc chiến tranh giữa hai tập đoàn phong kiến, các chúa Nguyễn đã biến Thuận - Quảng thành vùng đất trù phú. Rồi từ Thuận - Quảng, các chúa Nguyễn mở rộng dần sự khai phá của mình vào Nam Bộ.

So với Đàng ngoài, Đàng trong là vùng đất mới của người Việt. Đặc điểm tự nhiên của vùng đất có những khác biệt so với vùng đất cội nguồn, là nơi tổ tiên người Việt sinh sống lâu đời và cũng là vùng cội nguồn của văn hóa dân tộc Đại Việt. Do vậy, lịch sử văn hóa Việt Nam trên vùng đất mới ắt sẽ có những nét riêng biệt. Người Việt đến đây sẽ phải thích ứng với các quan hệ sau, để phát triển đời sống và văn hóa của mình.

-Thứ nhất, đó là mối quan hệ giữa vốn văn hóa ẩn trong tiềm thức người Việt mang theo từ vùng cội nguồn và điều kiện tự nhiên, xã hội của vùng đất mới.

-Thứ hai, là mối quan hệ giữa văn hóa của người Việt với văn hóa của các dân tộc khác trên vùng địa bàn mà họ sinh sống.

-Thứ ba là mối quan hệ giữa văn hóa của lưu dân khai phá với vốn văn hóa của cư dân xa xưa, nhất là ở Nam Bộ..

2.2.3.5. Văn hóa Đại Việt dưới triều Nguyễn

* Bối cảnh lịch sử

Sau khi thống nhất đất nước, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung. Nhà Nguyễn Tây Sơn được thành lập. Triều Nguyễn Tây Sơn lập được chiến công hiển hách trong cuộc chiến chống quân Mãn Thanh và Xiêm La.

Vua Quang Trung đã thực thi nhiều chính sách tiến bộ, thúc đẩy sự phát triển đất nước về các mặt kinh tế - văn hóa. Đặc biệt, nhà vua rất có ý thức phát triển văn hóa.

Nhưng vào năm 1792, nhà vua đột ngột qua đời, khi mới 39 tuổi. Người kế vị ông là Quang Toản, đã không đủ sức gánh vác trọng trách được giao phó. Do những mâu thuẫn từ việc tranh giành quyền lực, nội bộ nhà Tây Sơn đã lục đục từ đó.

Lợi dụng những mâu thuẫn trong nội bộ nhà Tây Sơn, và dựa vào thế lực của chủ nghĩa tư bản Pháp, Nguyễn Ánh đã đánh đổ nhà Tây Sơn, lên ngôi vua, lập ra triều Nguyễn vào năm 1802, lấy niên hiệu là Gia Long. Nhà Nguyễn - Gia Long tồn tại từ năm 1802 đến 1945.

* Văn hóa - những bước chuyển và những thành tựu

+ Văn hóa vật chất

Nghề nông phát triển và được đề cao.

Các nghề thủ công tiếp tục phát triển. Các sản phẩm gốm sứ, sản phẩm mỹ nghệ đã là sản phẩm giao dịch với các nước trong khu vực.

+ Văn hóa tinh thần

Các tôn giáo lớn như Nho, Phật, Thiên chúa giáo tiếp tục tác động vào đời sống của nhân dân ở từng mức độ khác nhau. Bên cạnh đó, các tín ngưỡng dân gian ngày càng được mở rộng.

Về văn học, sáng tác dân gian phong phú, phản ảnh trung thực cuộc sống lao động và chiến đấu của nhân dân, tư tưởng và tình cảm, tâm hồn con người Việt Nam. Nền văn học viết cũng phồn thịnh hơn.

Bên cạnh văn học chữ Hán, nền văn học chữ Nôm cũng khá phát triển, có thể nói là chiếm ưu thế trên văn đàn. Các tác phẩm có giá trị về nội dung tư tưởng cũng như về nghệ thuật và ngôn ngữ, đều là những tác phẩm chữ Nôm.

Các ngành khoa học, nghệ thuật khác cũng khá phát triển. Triều Nguyễn (đời vua Minh Mạng) Đã cho lập Quốc sử quán với nhiệm vụ thu thập và biên soạn sách sử. Việc biên soạn địa chí đã trở thành phong trào. Thời Nguyễn, ngành địa chí học và địa lí lịch sử phát triển rất mạnh mẽ.

Về y học, thầy thuốc danh tiếng nửa sau thế kỷ XVIII Lê Hữu Trác, biệt hiệu Hải thượng lãn ông là tác giả của rất nhiều công trình y học lớn, trong đó nổi bật nhất là bộ Hải thượng y tông tâm lĩnh (66 quyển), trong đó ghi lại 305 vị thuốc nam và 2854 phương thuốc cổ truyền.

Cuối thế kỷ XVIII, một số ngành khoa học rất mới cũng đã có mầm mống xuất hiện ở nước ta. Sang thế kỷ XIX, kỹ thuật của phương Tây du nhập vào nước ta ngày càng nhiều hơn.

Về lĩnh vực nghệ thuật, nghệ thuật điêu khắc và tạc tượng thế kỷ XVIII đạt đến trình độ điêu luyện, chứng tỏ tài năng tuyệt vời của người nghệ nhân dân gian. Chùa Tây Phương là nơi tập trung nhiều pho tượng có giá trị, trong đó nổi tiếng là tượng Tuyết Sơn và 18 vị Tổ.

Về hội họa, hiện còn lại một số tranh vẽ sơn màu trên gỗ ở các đền, chùa, một số tranh bốn mùa, tranh vẽ chân dung ở các gia đình có danh tiếng. Tranh dân gian được mô hình hóa một cách đặc sắc.

Về kiến trúc: Nổi bật là kiến trúc kinh thành và lăng tẩm Huế.

2.2.4. Văn hóa Việt Nam từ năm 1858 đến năm 1945

2.2.4.1. Bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Từ năm 1862 trở đi, sau khi chiếm được ba tỉnh miền Đông Nam Bộ (Định Tường, Biên Hòa, Vĩnh Long), thực dân Pháp lấn dần từng bước để đến năm 1884 thì đặt xong ách đô hộ trên toàn cõi Việt Nam. Triều đình nhà Nguyễn chống cự yếu ớt và cuối cùng đã đầu hàng.

Sau khi hoàn thành công cuộc bình định Việt Nam, thực dân Pháp bắt tay vào công cuộc khai thác thuộc địa.

2.2.4.2. Đặc trưng văn hóa giai đoạn từ 1858 đến 1945

Đây là thời kỳ diễn ra những va chạm mạnh mẽ giữa văn hóa cổ truyền của dân tộc và văn hóa phương Tây mang đậm màu sắc văn minh vật chất. Giai đoạn này có hai đặc trưng văn hóa lớn:

-Tiếp xúc cưỡng bức và giao thoa văn hóa Việt - Pháp;

-Giao lưu văn hóa tự nhiên Việt Nam với thế giới phương Tây. Trong tầng lớp sĩ phu lúc bấy giờ có ba thái độ ứng xử chủ yếu:

Một là, phủ nhận tuyệt đối văn minh phương Tây, xuất phát từ lòng yêu nước chống ngoại xâm và phần nào đó cũng ảnh hưởng của tính bảo thủ, nệ cổ, trì trệ của tư tưởng Nho giáo, chống lại sự giao thoa văn hóa phương Đông - Tây. Thái độ này lụi tàn dần cùng nền văn hóa giáo dục cũ.

Hai là, bộ phận đầu hàng thực dân về chính trị, cố học lấy một ít chữ Pháp, chữ quốc ngữ và văn hóa Pháp rồi ra làm quan cho chính quyền thực dân, trở thành những ông Tây, bà đầm An Nam. Đây là sự chấp nhận đồng hóa một cách tiêu cực.

Ba là, tiếp nhận có chọn lọc, có mức độ văn minh phương Tây kết hợp với việc canh tân văn hóa nước nhà.

2.2.4.3. Những biến đổi văn hóa và những trào lưu cải cách ở Việt Nam

* Hệ tư tưởng

Sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa giữa Việt Nam từ năm 1858 - 1945 diễn ra trong một thời kỳ đầy biến động lớn về tư tưởng và chính trị.

Ở Việt Nam, cuối thế kỷ XIX đã có những cuộc vận động cải cách đất nước với những gương mặt quen thuộc như Nguyễn Hiệp, Lê Đỉnh, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Trường Tộ.

Tư tưởng dân chủ tư sản: Hệ tư tưởng này vào Việt Nam đã cảnh tỉnh và thu phục một số nhà nho, khiến họ đã từ biệt hệ tư tưởng quen thuộc của bao thế hệ trước. Phan Bội Châu là một nhân chứng tiêu biểu. Ông là nhà chính trị có ước nguyện giành độc lập dân tộc. Phan Bội Châu (1867 - 1940) Đã chuyển từ tư tưởng quân chủ (thể hiện ở Duy Tân Hội) Sang tư tưởng dân chủ (thể hiện ở Việt Nam Quang Phục Hội).

Tư tưởng dân chủ tư sản đã có ảnh hưởng quan trọng đến văn hóa Việt Nam. Dưới ảnh hưởng của làn sóng Tân thư và Tân văn Trang Quốc, đã dẫn đến sự ra đời của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục do các nhà nho Lương Văn Can, Nguyễn Quyền lập ra.

Cùng với việc ra đời các giai cấp tư sản, tiểu tư sản, sự phát triển của hệ thống giáo dục Pháp - Việt đã tạo ra nhiều trí thức mới, đông đảo hơn, khiến tư tưởng tư sản vào Việt Nam đã có chiều sâu.

Tư tưởng xã hội chủ nghĩa: Việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam gắn liền với việc hình thành phong trào Cộng sản Việt Nam, thông qua các tổ chức yêu nước. Về mặt chính trị, chủ nghĩa Mác - Lênin là cẩm nang giúp cho người Việt Nam giải phóng dân tộc.

* Văn hóa

+ Văn hóa vật chất

Với mục đích khai thác thuộc địa, ngay từ đầu, người Pháp đã triển khai phát triển đô thị, công nghiệp và giao thông.

Sự phát triển của đô thị dẫn đến sự phát triển của kiến trúc đô thị. Các kiến trúc kiểu Tây phương được đưa vào Việt Nam, và được Việt Nam hóa.

Sự xuất hiện bộ Âu phục của nam giới, áo dài tân thời của phụ nữ được cải tiến từ chiếc áo dài truyền thống, những kiểu nhà Tây nhiều tầng với những tiện nghi phù hợp, với lối sống đô thị, những phương tiện giao thông mới có nguồn gốc phương Tây (các loại xe có động cơ như ô tô, tàu điện, xe lửa, tàu xuồng máy…).

+ Văn hóa tinh thần

Báo chí Việt Nam ra đời ở Sài Gòn trước tiên. Khởi điểm để báo chí ra đời là từ ý đồ của thực dân Pháp: Cần có một thứ vũ khí nhằm tuyên truyền cho chính quyền thuộc địa.

Sài Gòn là một nơi đi đầu về báo chí cả nước vì ở đó đã có nhà in do Pháp đưa vào. Sang đầu thế kỷ XX, báo mới lan ra Bắc.

Văn học nghệ thuật, tình yêu nước là nét nổi bật của thơ văn yêu nước thời kỳ này. Nói khác đi, văn học nửa sau thế kỷ XIX đã đi vào cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược.

Sụ giao lưu tiếp xúc văn hóa Đông - Tây đã tác động một cách khách quan đến văn học, khiến nền văn học nước nhà thời kỳ này có dáng vẻ mới. Nghề văn, khi từ Nam ra Bắc, đã thực sự có bước chuyển mình. Đó là sự thay đổi cả về số lượng lẫn chất lượng nghệ thuật. Quan trọng nhất là đã có một sự cách tân về quan niệm văn học, về nghề văn và phương pháp sáng tác.

Năm 1943, Đảng cộng sản Đông Dương đưa ra đề cương về “Cách mạng văn hóa Việt Nam” với ba nguyên tắc hành động: “Dân tộc, khoa học và đại chúng” đã được tất cả các ngành nghệ thuật quán triệt, kể cả văn học. Bản đề cương đã tạo điều kiện trong vấn đề giải quyết giữa truyền thống và hiện đại cho nền văn học trung đại bước sang thời hiện đại.

Một trong những kết quả của giao lưu, tiếp xúc và thâu nhận văn hóa phương Tây ở nước ta là sự xuất hiện các loại hình nghệ thuật mới, có nguồn gốc phương Tây.

Tóm lại, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, gần 100 năm, văn hóa Việt Nam từ thành thị đến nông thôn có những biến thiên ghê gớm từ văn hóa vật chất đến văn hóa tinh thần. Tất cả đều đi tới hòa nhập với thế giới hiện đại.

2.2.5. Văn hóa Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay

2.2.5.1. Bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa

Cách mạng tháng Tám là một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử Việt Nam, làm thay đổi toàn diện xã hội Việt Nam trong mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

Mặc dù sau cách mạng tháng Tám năm 1945, Việt Nam tiếp tục trải qua cuộc kháng Pháp lần thứ hai, và cuộc chiến tranh gay gắt với đế quốc Mĩ nhưng trong suốt thời gian đó Đảng ta vẫn giành mối lưu tâm lớn cho văn hóa. Cụ thể là, quán triệt và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng ta đã có một sự định hướng đúng đắn đối với vấn đề phát triển văn hóa. Đó là kết hợp những nguyên tắc cách mạng với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Ngay từ năm 1943, Đảng đã công bố Đề cương văn hóa Việt Nam với ba tiêu chí lớn: Khoa học, dân tộc, đại chúng. Đó là định hướng quan trọng cho sự ra đời của nền văn hóa mới ở giai đoạn sau năm 1945.

Từ Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 đến nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương khóa VIII, vấn đề văn hóa trong quá trình phát triển đất nước ngày càng được quan tâm sâu sắc và nhận thức thấu triệt hơn. Đồng thời sự lãnh đạo sâu sắc, kịp thời của Đảng đã khiến văn hóa Việt Nam từ năm 1945 đến nay có bước phát triển vượt bậc.

2.2.5.2. Xu hướng biến đổi và phát triển của văn hóa Việt Nam từ năm 1945 đến nay

Sự chuyển đổi của cấu trúc văn hóa Việt Nam từ truyền thống sang hiện đại, được quyết định bởi sự chuyển đổi của xã hội Việt Nam từ một xã hội nông nghiệp cổ truyền sang một xã hội phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong hoàn cảnh hội nhập vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thế giới. Sự chuyển đổi này diễn ra theo ba hướng:

-Kế thừa và phát huy các giá trị của văn hóa tryền thống;

-Tiếp nhận những giá trị văn hóa thế giới để làm giàu và phong phú văn hóa dân tộc bằng những tài sản văn hóa nhân loại và hội nhập được vào thế giới hiện đại;

-Phát triển các hoạt động sáng tạo văn hóa mới theo phương hướng kết hợp những giá trị truyền thống với những giá trị văn hóa hiện đại thế giới.

Cấu trúc văn hóa hiện đại Việt Nam còn mang tính chất là một cấu trúc mở, luôn có sự giao lưu, trao đổi với những nền văn hóa khu vực và thế giới. Do đó, một mặt nó sẽ không ngừng được làm phong phú hơn bằng cách tiếp nhận những giá trị mới, mặt khác những giá trị đã có của nó cũng luôn luôn có khả năng điều chỉnh cho phù hợp với những biến đổi nhanh chóng của xã hội hiện đại.

2.2.5.3. Một số thành tựu

Khoảng thời gian hơn nửa thế kỷ qua của văn hóa Việt Nam đã đánh dấu những thay đổi lớn lao trong đời sống văn hóa dân tộc. Tuy vậy, nó lại là một giai đoạn còn đang chịu sự thử thách của thời gian, nên những đánh giá các đặc điểm và thành tựu của nó sau đây chỉ ở mức đầu.

Trước hết, điều dễ nhận thấy nhất là sự phát triển của văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp: Hoạt động văn hóa được chuyên nghiệp hóa, khẳng định rõ hơn bản sắc văn hóa dân tộc và sự tiếp cận với xu thế hiện đại của thời đại\

Đặc điểm thứ hai là việc xây dựng một hệ thống giáo dục hoàn chỉnh.

Thứ ba, các giá trị văn hóa truyền thống được chú trọng kế thừa, nâng cao và phát triển: Nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, mĩ thuật dân gian được khôi phục, bảo tồn, chỉnh lí, cải biên. Các lĩnh vực văn hóa dân gian được khai thác. Việc nghiên cứu văn hóa bác học đạt được nhiều thành tựu đáng kể.

Thứ tư là giao lưu văn hóa ngày càng mở rộng.

Tóm lại, văn hóa Việt Nam giai đoạn từ 1945 đến nay so với diễn trình lịch sử văn hóa dân tộc thì chỉ là một khoảng thời gian ngắn, nhưng đã đạt được những thành tựu rất đỗi tự hào, tiếp nối mạch phát triển của văn hóa dân tộc.

Câu hỏi ôn tập chương 2:

1. Phân tích những điều kiện hình thành văn hóa Việt Nam?

2. Hãy làm sáng tỏ sự phân kỳ lịch sử văn hóa Việt Nam?

3. Kể tên các nền văn hóa Khảo cổ học ở Việt Nam. Trình bày một nền văn hóa Khảo cổ mà anh (chị) Ấn tượng nhất?

4. Phân tích nền văn hóa Đông Sơn?

5. Quá trình tiếp biến văn hóa của văn hóa Việt Nam thời Bắc thuộc?

6. Trình bày văn hóa Đại Việt thời Lý – Trần?

7. Trình bày đặc điểm văn hóa Đại Việt thời Lê Sơ?

8. Trình bày đặc điểm văn hóa Việt Nam từ thế kỷ XVI đến năm 1858?

9. Quan hệ giữa các yếu tố nội sinh và ngoại sinh trong văn hóa Việt Nam từ năm 1858 đến 1945?

10. Suy nghĩ của anh (chị) Về những hiện tượng văn hóa mới ở Việt Nam từ năm 1975 đến nay?

CHƯƠNG III: MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM VĂN HÓA VIỆT NAM


3.1. Đa dạng trong thống nhất của văn hóa Việt Nam

3.1.1. Sắc thái văn hóa địa phương

Sắc thái văn hóa địa phương hay còn được gọi là vùng văn hóa, theo kết quả nghiên cứu hiện nay, nước ta có 6 vùng văn hóa là:

* Vùng văn hóa Việt Bắc

* Vùng văn hóa Tây Bắc

* Vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ

* Vùng văn hóa Trung Bộ

* Vùng văn hóa Trường Sơn Tây Nguyên

* Vùng văn hóa Nam Bộ

3.1.2. Sắc thái văn hóa tộc người

Theo thống kê thành phần tộc người thì nước ta có 54 dân tộc với những sắc thái và bản sắc văn hóa dân tộc hết sức đa dạng. Sắc thái văn hóa tộc người được thể hiện trên ba cấp độ: Văn hóa nhóm ngôn ngữ tộc người, văn hóa tộc người, văn hóa nhóm địa phương tộc người.

3.1.2.1. Văn hóa nhóm ngôn ngữ tộc người

Việc phân chia các tộc người vào các nhóm ngôn ngữ cơ bản dựa vào cứ liệu ngôn ngữ và để nghiên cứu mối quan hệ về nguồn gốc và mối quan hệ ngôn ngữ. Tuy nhiên, ngôn ngữ cũng là một bộ phận văn hóa tộc người, nếu không muốn nói là bộ phận rất quan trọng. Mặt khác, từ mối quan hệ nguồn gốc ngôn ngữ, cũng tạo nên những tương đồng về đời sống văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của các tộc người.

* Nhóm văn hóa ngôn ngữ Việt – Mường

* Nhóm văn hóa ngôn ngữ Môn – Khơ me

* Nhóm văn hóa ngôn ngữ Tày – Thái

* Nhóm văn hóa ngôn ngữ Mông – Dao

* Nhóm văn hóa ngôn ngữ Mã Lai - Đa Đảo

* Nhóm văn hóa ngôn ngữ Hán

* Nhóm văn hóa ngôn ngữ Tạng – Miến

* Nhóm văn hóa ngôn ngữ Ka Đai.

3.1.2.2. Văn hóa tộc người

Văn hóa tộc người là một tổng thể các yếu tố: Văn hóa sản xuất, văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần, văn hóa xã hội, mà cụ thể hơn là tiếng nói, lối sống, phong cách sống, cách ứng xử với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, giữa con người với con người, giữa con người với cộng đồng, là sắc thái tâm lý, tình cảm, quan niệm về cái chân, thiện, mỹ, quan niệm về vũ trụ, về nhân sinh, là tập quán trong sinh hoạt đời thường, trong chu kỳ của một đời người, là nghi lễ, tín ngưỡng… của tộc người.

Những yếu tố này được hình thành trong lịch sử, có tính chất đặc thù, bền vững, ổn định, được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nó không bất biến mà luôn thay đổi và phát triển, hoàn thiện không ngừng trong điều kiện mới, cùng với sự phát triển của tộc người, trải qua sự mở rộng của giao lưu văn hóa; Tuy nó phát triển nhưng cái cốt lõi của nó vẫn được duy trì. Những yếu tố này làm nên sắc thái văn hóa tộc người, nó là biểu hiện bên ngoài của bản sắc văn hóa dân tộc, là cái tiềm ẩn vào bên trong con người và tộc người, ngũ quan con người không cảm thụ được, dường như vô hình nhưng nó có mãnh lực làm cho con người ta phân biệt dân tộc này với dân tộc khác, văn hóa tộc người này với văn hóa tộc người khác. \

3.1.2.3. Văn hóa nhóm địa phương tộc người

Việc phân biệt một tộc người nhất định chia thành các nhóm địa phương thường dựa vào các đặc điểm sau:

a) Theo màu sắc trang phục: Dao Đỏ, Dao Quần trắng, Mông Đen, Mông Trắng, Mông Đỏ, Mông Xanh, Mông Hoa, Thái Đen, Thái Trắng, Cờ Lao Đỏ, Cờ Lao Trắng, Cờ Lao Xanh, Phù Lá Đen, Phù Lá Trắng, Phù Lá Hoa…

b) Đặc điểm của y phục và khăn đội đầu: Dao Quần chẹt, Dao áo dài, Dao

Tiền.

c) Đặc điểm cư trú: Xinh Mun Dạ (dưới), Xinh Mun Nghẹt (trên); Mảng Gừng (trên cao), Mảng Lệ (ở thấp).

d) Thời gian chuyển cư (trước, sau, sớm, muộn): Dao Lô (Lù) Gang (Dao đến sau).

e) Đặc điểm kinh tế: Mnông rolăm (nhóm Mnông ở thấp làm ruộng nước).

f) Gắn liền với địa danh: Bru – Vân Kiều, Chăm Châu Đốc.

Về sự khác biệt giữa các nhóm địa phương trong cùng một tộc người, trước hết phải kể đến các phương ngữ, hoạt động kinh tế; Và cuối cùng là trong văn hóa, càng xa nhau lâu năm thì những yếu tố văn hóa chung càng phai nhạt dần, trong khi đó, thông qua giao lưu lại tiếp thu các yếu tố văn hóa mới của các tộc người khác.

3.2. Văn hóa Việt Nam – Những giá trị đặc trưng

3.2.1. Chủ nghĩa yêu nước, anh hùng

Đây là giá trị nổi bật xuyên suốt các thời kỳ lịch sử văn hóa dân tộc.

Tinh thần yêu nước của người Việt Nam được thử thách liên tục, từ buổi sơ khai dựng nước cho đến tận ngày nay.

Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam truyền thống có trong mối liên kết giữa Nhà với Làng với Nước. Nhà là biểu hiện đầu tiên, là điểm xuất phát và cũng là chỗ trở về trong mục đích hòa đồng để phát triển của Nước. Làng là sự mở rộng của Nhà và Nước là sự mở rộng và tập hợp của các làng mà thành.

Người Việt Nam càng yêu nước càng thể hiện rõ bản chất anh hùng của mình. Anh hùng Việt Nam phần lớn đều là những con người bình thường, không hẳn phải có tài thao lược, họ là những anh hùng hữu danh và vô danh, mang trong mình nhiệt huyết “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Những sự tích ấy không những được ghi chép trong sử sách mà đặc biệt được ghi tạc trên núi sông. Từ Móng Cái đến mũi Cà Mau, không có địa phương nào không có di tích nhắc lại những cuộc chiến đấu oanh liệt giành quyền sống của bao thế hệ. Đền đài, miếu mạo thờ các vị đều dựng ở chỗ sơn thanh thủy tú, hằng năm mở hội hè đình đám thu hút hàng vạn người đến chiêm ngưỡng. Cũng chính ở những nơi ấy có những công trình kiến trúc, công trình mỹ thuật quý giá nhất, tiêu biểu cho tài năng, trí tuệ của ta.

3.2.2. Chủ nghĩa nhân đạo

Thương người, vị nghĩa là sự cao quý của tư tưởng và tâm hồn Việt Nam, là giá trị nhân cách của con người Việt Nam. Người Việt Nam cư xử hợp tình hợp lí, không để mang tiếng “bất cận nhân tình”, “cạn tàu ráo máng”. Trong cuộc sống, chúng ta không tha thứ chuyện phụ tình phụ nghĩa, đổi trắng thay đen mà rất trọng những người thủy chung, trọn nghĩa vẹn tình. Đó là đạo đức của người Việt Nam trong việc xử thế.

Vì yêu thương con người nên ông cha ta không phân biệt đẳng cấp, giàu nghèo, ai cũng bình đẳng với nhau, yêu thương lẫn nhau, đoàn kết với nhau tạo thành sức mạnh để chống thiên tai địch họa. Nhưng ông cha ta lại rạch ròi giữa người thiện và người ác.

Khi xã hội có sự phân chia giai cấp mạnh mẽ thì thương người tức là thương dân, bởi vì dân là những người cực khổ, lầm than nhất, đứng về phía nhân dân chống lại những kẻ thuộc giai cấp thống trị đàn áp, hãm hại nhân dân.

3.2.3. Tinh thần dân tộc

Nếu như tinh thần yêu nước đóng vai trò tích cực trong việc bảo vệ lãnh thổ, thì tinh thần dân tộc lại đóng vai trò chủ yếu trong việc bảo vệ dân tộc khỏi bị họa diệt vong, bảo vệ nền văn hóa dân tộc giữ được bản sắc riêng. Suốt một thời gian dài mười thế kỷ, từ khi triều đình Hán sang xâm lược đến năm 938, người Việt Nam chúng ta không bị đồng hóa với người Hán, mặc dù chính sách của Hán, của Đường là đồng hóa người Việt Nam, đưa người sang ở lẫn lộn, thay đổi phong tục tập quán từ cách ăn mặc cho đến cách dựng vợ gả chồng. Chúng dựng học hiệu, dạy lễ nghĩa, bắt cha ông ta học chữ của chúng, theo ý thức hệ của chúng. Lịch sử từng cho biết trong sự đấu tranh sinh tồn, nhiều dân tộc đã bị đồng hóa, nhiều quốc gia bị thôn tính vĩnh viễn, ấy thế mà nước Việt Nam vẫn tồn tại, nền văn hóa Việt Nam vẫn giữ được màu sắc dân tộc, mặc dù sự đô hộ của người Trung Hoa là tàn bạo, chính sách đồng hóa của người Trung Hoa là kiên trì.

Trong đời sống vật chất và tinh thần của người Việt Nam vẫn nổi lên một bản sắc riêng, không trộn lẫn với người Trung Quốc.

3.2.4. Tinh thần lao động sáng tạo

Trong lao động, người Việt Nam cần cù và thông minh. Đất nước

Trong quá trình khai thác tự nhiên, chúng ta phải lấy khối óc mà nhận xét, phán đoán để chinh phục thiên nhiên để lao động theo quy luật của thiên nhiên.

Để có đủ cơm ăn áo mặc, nhà ở, vật dùng, ông cha ta cũng làm bách nghệ và nhờ lao động cần cù và trí thông minh, nghề nào cũng trở nên thành thạo, khéo léo, tài tình. Với dụng cụ đơn sơ, nhẹ nhàng, qua bàn tay khéo léo, sự kiên nhẫn, khiếu thẩm mỹ, các sản phẩm của nghề thủ công Việt Nam được tạo ra vô cùng tinh xảo và ích dụng.

Lao động chân tay mà thể hiện tài năng nghệ thuật đặc biệt là lao động ở lĩnh vực tạc tượng và xây dựng đình chùa, cung điện, đền đài.. . ngày nay, chúng ta còn được chiêm ngưỡng pho tượng Quan Âm nghìn tay nghìn mắt, tượng đồng đen chùa Quan Thánh, các pho tượng La Hán chùa Tây Phương, các bức chạm ở các đình chùa miền Bắc, các cung điện, lăng tẩm ở Huế… Chúng đều là những tác phẩm nghệ thuật khiến người xem khâm phục.

3.2.5. Tinh thần lạc quan, yêu đời

Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách, cha ông ta vẫn rất yêu đời, tin ở tương lai, tin tưởng có thể xây dựng được một cuộc sống tươi đẹp hơn. Đó là tinh thần lạc quan của người lao động.

Tinh thần lạc quan giúp cho cha ông ta rèn luyện ý chí kiên cường trong lao động, trong cuộc chiến đấu chống thiên nhiên và kẻ thù. Họ chịu thương chịu khó làm nên bát cơm manh áo nuôi cả xã hội nhưng không bao giờ bi quan đối với cuộc sống, kể cả khi cuộc sống nặng nề, tưởng không chịu được. Bài hát cổ: “Trâu ơi ta bảo trây này, Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta…” thật ra không phải là nói với con trâu mà là lòng tự nhủ lòng của người nông dân. Cũng như câu “Rủ nhau đi cấy đi cày, Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu” hoặc “Ngày nay nước bạc ngày sau cơm vàng” đều phản ánh tinh thần lạc quan của người lao động tin tưởng ở tương lai, tin tưởng ở thành quả sức lao động mình bỏ ra. Cũng như câu tục ngữ: “trời sinh voi, trời sinh cỏ” hoặc câu ca dao “Non cao cũng có đường đèo, Đường dầu hiểm nghèo cũng có lối đi” là những câu tự an ủi, tự khuyến khích trong bước khó khăn để không nản lòng. Có thế chúng ta mới lấy “tiếng hát át tiếng bom” được, không chịu khuất phục trước sự tàn bạo của đế quốc Mỹ và cuối cùng đã giành được thắng lợi hoàn toàn, làm cho cả thế giới đều kinh ngạc.

Câu hỏi ôn tập chương 3:

1. “Việt Nam là một Đông Nam Á thu nhỏ”. Dựa vào hiểu biết về văn hóa tộc người, anh (chị) Hãy làm sáng tỏ câu nói trên?

2. Phân tích tính đa dạng của văn hóa Việt Nam (lấy dẫn chứng từ văn hóa vùng)?

3. Trình bày những đặc trưng cơ bản của văn hóa Việt Nam? Phân tích một trong những đặc trưng ấy?

4. Với tư cách là một sinh viên chuyên ngành Văn hóa học, anh (chị) Sẽ làm gì để bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử văn hóa Việt Nam?

Nội dung bài giảng

Chương 1: Lịch sử văn hóa Việt Nam – Đối tượng và phương pháp tiếp cận (10 tiết)

1.1. Khái niệm lịch sử văn hóa

1.1.1. Khái quát về văn hóa

1.1.2. Về môn học Lịch sử văn hóa Việt Nam

1.2. Đối tượng và phương pháp tiếp cận

1.2.1. Đối tượng nghiên cứu

1.2.2. Phương pháp tiếp cận

Chương 2: Văn hóa Việt Nam – Sự hình thành và phát triển (20 tiết)

2.1. Điều kiện hình thành văn hóa Việt Nam

2.1.1. Điều kiện về tự nhiên

2.1.2. Điều kiện về chủ thể

2.1.3. Điều kiện về lịch sử xã hội

2.2. Phân kỳ lịch sử văn hóa Việt Nam

2.2.1. Văn hóa Việt Nam thời tiền sử và sơ sử

2.2.2. Văn hóa Việt Nam đầu công nguyên

2.2.3. Văn hóa Đại Việt từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX

2.2.4. Văn hóa Việt Nam từ 1858 đến năm 1945

2.2.5. Văn hóa Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay

Chương 3: Một số đặc điểm văn hóa Việt Nam (15 tiết)

3.1. Đa dạng trong thống nhất của văn hóa Việt Nam

3.1.1. Sắc thái văn hóa địa phương

3.1.2. Sắc thái văn hóa tộc người

3.2. Văn hóa Việt Nam – Những giá trị đặc trưng

3.2.1. Chủ nghĩa yêu nước, anh hùng

3.2.2. Chủ nghĩa nhân đạo

3.2.3. Tinh thần dân tộc

3.2.4. Tinh thần lao động sáng tạo

3.2.5. Tinh thần lạc quan yêu đời

4.2. Hình thức tổ chức dạy học:

TÀI LIỆU THAM KHẢO tin, H

Nội

1. Đào Duy Anh (2000), Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Văn hóa – Thông

2. Phan Đại Dõng (2004), Mấy vấn đề văn hóa làng xã Việt Nam trong lịch sử

3. Ngô Văn Doanh (1994), Văn hóa Chăm Pa, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà

4. Bùi Huy Đáp, Nguyễn Điền (1996), Nông nghiệp Việt Nam từ cội nguồn đến đổi mới, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội

5. Nguyễn Công Bình, Lê Xuân Diệm, Mạc Đường (1990), Văn hóa và cư dân đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội

BÀI GIẢNG

 

LỊCH SỬ VĂN HÓA VIỆT NAM



CHƯƠNG I: LỊCH SỬ VĂN HÓA VIỆT NAM:


ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN

1.1. Khái niệm lịch sử văn hóa

1.1.1. Khái quát về văn hóa

1.1.1.1. Khái niệm văn hóa

Sự phát triển của loài người gắn liền với văn hóa ngay từ những bước đi sơ khởi, tuy không phải ngay lúc ấy đã có một khái niệm văn hóa độc lập song có thể nói rằng văn hóa xuất hiện khá sớm trong ngôn ngữ của các dân tộc văn minh và phát triển trong thời cổ đại như Trung Hoa, Ấn Độ, Ai Cập, Hi Lạp.

Ở phương Đông, từ văn hóa mà chúng ta dùng có cội nguồn từ tiếng Hán. Trong ngôn ngữ Hán, hai chữ văn và hóa xuất hiện khá sớm, như hai từ đơn có nghĩa riêng biệt. Theo những tài liệu cổ xưa của Trung Quốc thì văn có nghĩa là “vẻ đẹp”, hóa có nghĩa là “biến đổi”, biến hóa. Văn hóa gộp lại theo nghĩa gốc là “làm cho đẹp, trở thành đẹp đẽ”.

Ở phương Tây, từ văn hóa xuất hiện vào khoảng thế kỷ III TCN. Xét về nguồn gốc, văn hóa là khái niệm gắn với sản xuất nông nghiệp. Văn hóa trong tiếng Latinh bắt nguồn từ chữ Cultus có nghĩa gốc là trồng trọt, cày cấy, vun trồng. Về sau, thuật ngữ văn hóa mở rộng thành Cultus animi và được chuyển nghĩa, nói về sự vun trồng tinh thần, trí tuệ, bồi dưỡng tâm hồn con người. Từ thuật ngữ gốc Latinh này mà xuất hiện từ Culture trong tiếng Anh, Pháp, Kultur trong tiếng Đức và Kultura trong tiếng Nga đều có nghĩa là văn hóa.

Theo tiến trình lịch sử, khái niệm văn hóa dần phong phú hơn về nội hàm, trong rất nhiều thế kỷ nó được dùng để chỉ những khái niệm và hiện tượng hết sức khác nhau.

Ngày nay, để nghiên cứu đầy đủ và sâu sắc khái niệm phức hợp này, cần thiết phải nghiên cứu mối quan hệ giữa văn hóa và tự nhiên cũng như các hình thái cơ bản của sự tồn tại văn hóa.

Nghiên cứu mối quan hệ giữa văn hóa và tự nhiên cũng như các hình thái cơ bản của sự tồn tại văn hóa, ta rút ra hai cách hiểu cơ bản về nội dung văn hóa như sau:

Theo nghĩa rộng, văn hóa là hoạt động sáng tạo của con người trong các lĩnh vực sản xuất vật chất và tinh thần. Nó bao gồm cả quá trình sản xuất, bảo quản, phân phối, trao đổi và tiêu thụ những giá trị vật chất và tinh thần. Nó là tổng hợp những giá trị đã vật thể hóa hoạt động sáng tạo của con người.

Theo nghĩa hẹp thì văn hóa là nhu cầu thiết yếu trong đời sống tinh thần của xã hội, thể hiện trình độ phát triển chung của một đất nước, một thời đại, là lĩnh vực sản xuất tinh thần tạo ra các giá trị nhân văn, những công trình nghệ thuật được lưu truyền từ đời này sang đời khác làm giàu đẹp thêm cuộc sống của con người.

1.1.1.2. Các chức năng của văn hóa

* Chức năng tổ chức xã hội

Chức năng chủ yếu của văn hóa là duy trì kết cấu xã hội, thực hiện sự liên kết và tổ chức đời sống cộng đồng thông qua các thiết chế xã hội – văn hóa. Thiết chế xã hội là một tổ chức hoạt động xã hội được đặt ra để duy trì sự ổn định và phát triển của các quan hệ xã hội. Nó được thể chế hóa và được các thành viên trong cộng đồng thừa nhận. Thiết chế xã hội còn biểu hiện như sự đại diện của hệ thống chuẩn mực xã hội, vận hành trong mọi sinh hoạt kinh tế, chính trị, pháp luật, tôn giáo, văn hóa, xã hội…

* Chức năng điều tiết xã hội

Để thực hiện chức năng điều tiết xã hội, văn hóa hình thành nên những giá trị. Giá trị là những chuẩn mực được cộng đồng thừa nhận và tuân thủ tuyệt đối. Nó điều chỉnh các nguyện vọng và hành động của con người, là cơ sở để đánh giá hành vi và định đoạt lợi ích xã hội của các thành viên trong cộng đồng. Tuy nhiên, các giá trị không đóng kín, bất biến mà thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung, đáp ứng nhu cầu tồn tại và phát triển của cộng đồng. Nhờ đó, xã hội duy trì được trạng thái cân bằng động, không ngừng thích ứng với những biến đổi của môi trường và phát triển hoàn thiện.

* Chức năng giao tiếp

Do gắn liền với con người và hoạt động của con người trong xã hội, văn hóa trở thành một công cụ giao tiếp quan trọng. Thông qua ngôn ngữ, chữ viết, con người tiếp xúc với nhau, trao đổi với nhau, thông báo cho nhau, yêu cầu hoặc trực tiếp nhận ở nhau các thông tin cần thiết về những hoạt động sống thường ngày của cộng đồng. Ngoài ra, văn hóa còn đóng vai trò là chiếc cầu nối giữa các thế hệ, các dân tộc, quốc gia tạo nên sự tiếp xúc, giao lưu giữa các nền văn hóa.

* Chức năng giáo dục

Văn hóa bao giờ cũng hình thành trong một quá trình lâu dài và được tích lũy qua nhiều thế hệ. Nó tạo nên các trầm tích và truyền thống văn hóa. Nhờ đó, văn hóa thực hiện được chức năng giáo dục.

Với chức năng giáo dục, văn hóa tạo nên sự phát triển liên tục của lịch sử nhân loại và lịch sử mỗi dân tộc. Việc giáo dục con người bằng các giá trị và truyền thống văn hóa có một vai trò rất quan trọng, là một quá trình bền bỉ không ngừng nghỉ của nhân loại.

1.1.1.3. Các quy luật vận động và phát triển của văn hóa

* Quy luật về sự quyết định của điều kiện kinh tế - xã hội đối với văn hóa

Điều kiện kinh tế - xã hội bao gồm các yếu tố chính là phương thức sản xuất vật chất, điều kiện tự nhiên, hoàn cảnh địa lí, dân số… trong đó phương thức sản xuất vật chất là yếu tố cơ bản nhất.

Hoạt động kinh tế tạo tiền đề vật chất cho sự tồn tại của văn hóa. Nó không chỉ tạo tiền đề mà còn quy định tính chất, diện mạo của một nền văn hóa.

Cơ sở kinh tế - xã hội quy định nội dung, bản chất của một nền văn hóa và của các thành tố văn hóa. Tách rời khỏi cơ sở kinh tế sẽ không hiểu được nội dung, bản chất của văn hóa.

Cơ sở kinh tế - xã hội góp phần xác định mục tiêu, xu hướng phát triển của văn hóa; Bởi văn hóa mang tính giai cấp.

Cùng với kinh tế, chính trị quy định phương hướng phát triển của văn hóa, tạo nên nội dung ý thức hệ của văn hóa và bằng hệ thống các chính sách pháp luật quản lí các hoạt động văn hóa. Tuy nhiên, văn hóa cũng có tính độc lập tương đối.

* Quy luật kế thừa trong phát triển văn hóa

Kế thừa là quy luật nội tại, quy luật sống còn của văn hóa.

Kế thừa trong văn hóa luôn đi liền với sáng tạo và đổi mới. Kế thừa không có nghĩa là “phục cổ” một cách nguyên xi, máy móc. Mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển diễn ra rất đa dạng. Có khi bên cạnh cái vốn có của truyền thống lại xuất hiện yếu tố vay mượn. Có khi giá trị vốn có đó lại được “lai tạo” với giá trị khác tạo ra một giá trị mới. Cũng có khi cái vốn cũ đó được chuyển hóa thành cái mới, thay thế cái cũ. Vì vậy, muốn bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống phải đặt bảo tồn và phát triển trong mối quan hệ biện chứng, tránh sự phiến diện, một chiều. Phải thấy rằng, bảo tồn mới chỉ là một điều kiện cho phát triển. Sự kế thừa phải luôn song hành với đổi mới vì văn hóa không chỉ có nhiệm vụ giữ gìn và lưu truyền các giá trị quá khứ mà còn phải sáng tạo ra những giá trị mới.

* Quy luật tiếp xúc - giao lưu trong phát triển văn hóa

Văn hóa không có chỗ cho khép kín. Nó phải luôn được mở cửa và giao lưu với bên ngoài để tiếp nhận sinh khí mới, để bản thân nền văn hóa đó phát triển. Hoạt động tiếp xúc và giao lưu văn hóa được thực hiện một cách thường xuyên.

Cơ sở của giao lưu văn hóa là giao lưu kinh tế. Ngoài hoạt động trao đổi kinh tế còn có những hoạt động trao đổi phi kinh tế mà ảnh hưởng của chúng đến giao lưu văn hóa không nhỏ như trao đổi tặng phẩm, vật phẩm tôn giáo… Sự tiếp xúc văn hóa còn có thể có được nhờ những tiếp xúc khác như quan hệ hôn nhân, quan hệ ngoại giao… Các cuộc thiên di lớn nhỏ, luôn xảy ra trong thời nguyên thủy và cổ trung đại làm cho các tập đoàn người có văn hóa khác nhau đã tiến đến bên nhau hoặc sống xen kẽ vào nhau. Đó cũng là một yếu tố quan trọng tạo ra sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa.

Quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa đòi hỏi mỗi quốc gia, dân tộc phải xử lí tốt mối quan hệ biện chứng giữa yếu tố nội sinh và ngoại sinh trong phát triển văn hóa.

1.1.2 Về môn học lịch sử văn hóa Việt Nam

Lịch sử văn hóa Việt Nam là môn học nghiên cứu các sự kiện, hiện tượng của văn hóa gắn với các thời kỳ đấu tranh giữ nước và dựng nước của dân tộc để thấy rõ quy luật phát triển của văn hóa Việt Nam trong quan hệ với chế độ chính trị và kinh tế.

1.2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

1.2.1. Đối tượng

-Bối cảnh lịch sử, kinh tế - xã hội của các sự kiện văn hóa Việt Nam.

-Các hiện tượng văn hóa Việt Nam.

-Các thành tựu văn hóa tương ứng với từng thời kỳ lịch sử Việt Nam.

1.2.2. Phương pháp tiếp cận

* Phương pháp logic – lịch sử

Quán triệt quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, đồng thời vận dụng phương pháp lịch sử (lịch đại) Và phương pháp logic (đồng đại) Trong các nghiên cứu văn hóa. Trong đó, phương pháp lịch sử được đặt lên hàng đầu. Phương pháp logic cũng cần phải được vận dụng hợp lý, bởi lẽ, nếu chỉ thuần túy vận dụng phương pháp lịch sử thì khó có thể trình bày các sự kiện và thành tựu cũng như khuynh hướng và các quy luật phát triển của lịch sử.

Thực hiện phương pháp này, chúng ta nghiên cứu văn hóa trong tiến trình hình thành, phát triển với những quy luật nội tại của chúng, nghiên cứu văn hóa gắn với lịch sử tư tưởng, lịch sử xã hội của mỗi dân tộc và nhân loại.

* Phương pháp liên ngành

Văn hóa vốn dĩ là một khái niệm hàm chứa những nội dung rất phong phú và rộng lớn. Để tiếp cận được, đặc biệt hơn là để có thể hiểu được, con đường tất yếu là phải tạo ra sự kết hợp của nhiều ngành khoa học khác nhau.

Thực hiện phương pháp này, chúng ta:

-Vận dụng tri thức của nhiều môn khoa học khác nhau như Dân tộc học, Khảo cổ học, Sử học, Xã hội học, Triết học… để làm rõ các vấn đề đời sống văn hóa của con người và xã hội trong các quá trình lịch sử.

-Sử dụng các thuật ngữ, khái niệm, các khái quát lí luận (nguyên lí, quy luật, kết luận khoa học) Của các khoa học khác trong những trường hợp cần thiết trong nghiên cứu văn hóa.

-Sử dụng các cứ liệu của các khoa học làm cơ sở cho việc nghiên cứu văn hóa.

Câu hỏi ôn tập chương 1:

1. Trình bày khái niệm văn hóa? Các chức năng của văn hóa? Chức năng nào quan trọng nhất, vì sao?

2. Phân tích các quy luật phát triển văn hóa?

3. Vì sao phải nghiên cứu lịch sử văn hóa dân tộc?


5. Trình bày ưu, nhược điểm của các phương pháp nghiên cứu lịch sử văn hóa?

CHƯƠNG II: VĂN HÓA VIỆT NAM – SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN


2.1. Điều kiện hình thành văn hóa Việt Nam

2.1.1. Địa văn hóa/ điều kiện tự nhiên

Bối cảnh địa lí - khí hậu Việt Nam có ba đặc điểm cơ bản, đây là những đặc điểm thường trực, có thể coi là những hằng số tự nhiên của văn hóa Việt Nam.

Hằng số tự nhiên thứ nhất: Khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm và mưa nhiều. Hằng số tự nhiên thứ hai: Đây là một vùng sông nước.

Hằng số tự nhiên quan trọng thứ ba: Nơi đây là giao điểm của các nền văn hóa, văn minh.

Điều kiện tự nhiên quy định cho khu vực này loại hình văn hóa gắn với nông nghiệp với những đặc điểm sau:

+ Trồng lúa nước;

+ Sống định cư và hòa hợp với thiên nhiên;

+ Đề cao vai trò của phụ nữ;

+ Sùng bái mùa màng, sinh nở.

Do nằm trong vùng địa lí này nên văn hóa Việt Nam có đầy đủ những phẩm chất nói trên, và chúng cấu thành các yếu tố đặc thù trong nội dung văn hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, điều kiện địa lí riêng có của Việt Nam cũng tạo ra những phẩm chất văn hóa độc đáo, các yếu tố riêng thuộc về bản sắc. Đó là:

+ Ứng xử mềm dẻo, khả năng thích nghi và chịu đựng cao;

+ Tính dung hợp cao;

+ Không có các công trình kiến trúc đồ sộ (ngoại trừ hệ thống đê điều và thủy lợi), do là vùng đất trẻ, lấn dần ra biển nên không có kết cấu bền vững;

+ Tồn tại nhiều loại hình nghệ thuật gắn với sông nước, biển (chèo, rối nước, đua thuyền…).

2.1.2. Con người, chủ nhân văn hóa

Căn cứ vào những kết quả nghiên cứu về sự hình thành và phân bố các chủng người trên trái đất, có thể nói rằng chủ thể của văn hóa Việt Nam ra đời trong phạm vi của trung tâm hình thành loài người phía Đông và trong khu vực hình thành của đại chủng phương Nam.

Quá trình hình thành các dân tộc Việt Nam có thể chia thành 3 giai đoạn:

a) Vào thời đồ đá giữa (khoảng 10.000 năm về trước), khu vực Đông Dương diễn ra sự hợp chủng giữa dòng người thuộc đại chủng Mongoloid từ vùng Tây Tạng, với cư dân Melanésien bản địa (thuộc đại chủng Úc), dẫn đến kết quả là sự hình thành chủng Indonésien (còn gọi là Cổ Mã Lai) Với nước da ngăm đen, tóc quăn dợn sóng, tầm vóc thấp…

b) Từ cuối thời đá mới, đầu thời đại đồ đồng (khoảng gần 5.000 năm về trước), trên cơ sở sự chuyển biến từ loại hình Indonésien bản địa dưới tác động của việc tiếp xúc thường xuyên với đại chủng Môngloid từ phía Bắc, đã hình thành một chủng mới là chủng Nam Á (Austro-asiatique).

c) Thời kỳ sau đó, chủng Nam Á được chia tách thành một loạt các chủng tộc mà trong cổ thư Việt Nam và Trung Hoa được gọi bằng danh từ Bách Việt.

Trong khi đó, ở phía Nam, dọc theo dải Trường Sơn, vẫn là địa bàn cư trú của người Indonésien. Thời gian đã làm cho họ chuyển biến thành chủng có tên gọi là Nam Đảo (Austronésien).

Như vậy, người Việt và tuyệt đại bộ phận các dân tộc Việt Nam đều xuất phát từ cùng một nguồn gốc chung là nhóm loại hình Indonesien, chính điều đó đã tạo nên tính thống nhất - một tính thống nhất trong sự đa dạng - của con người và văn hóa Việt Nam, và rộng hơn là toàn vùng Đông Nam Á.

2.1.3. Lịch sử xã hội

Với vị trí địa lí giao điểm của các luồng văn hóa, quá trình phát triển lịch sử - xã hội của Việt Nam đã bị chi phối mạnh mẽ bởi các quan hệ giao lưu văn hóa rộng rãi với Đông Nam Á, Trung Hoa, Ấn Độ và phương Tây. Dưới giác độ giao lưu tiếp biến, văn hóa Việt Nam là kết quả của các cuộc gặp gỡ văn hóa lớn trong khu vực:

+ Giao lưu với văn hóa các tộc người bản địa qua văn hóa Chămpa ở Trung Bộ và văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ;

+ Giao lưu với văn hóa Trung Hoa: Chủ yếu bằng con đường cưỡng chế (bị xâm lược, đô hộ và đồng hóa);

+ Giao lưu với văn hóa Ấn Độ: Chủ yếu bằng con đường hòa bình, tự nguyện;

+ Giao lưu với văn hóa phương Tây: Trong lịch sử, sự giao lưu này diễn ra chủ yếu thông qua các kênh: Buôn bán đường biển, sự đô hộ của thực dân Pháp, và sau đó là đế quốc Mĩ.

2.2. Phân kỳ lịch sử văn hóa Việt Nam

Việc phân chia các thời kỳ trong lịch sử văn hóa nước ta phải dựa vào các cột mốc chính trị quan trọng mà xác định. Theo cách tiếp cận đó, tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam có thể được phân chia thành 5 thời kỳ sau:

2.2.1. Văn hóa Việt Nam thời tiền sử và sơ sử

2.2.1.1. Văn hóa Việt Nam thời tiền sử

Những kết quả nghiên cứu khoa học hiện nay của Khảo cổ học và Cổ nhân học đã khẳng định, Việt Nam là một trong những khu vực loài người có mặt từ rất sớm, một trong những cái nôi của loài người.

Những phát hiện di cốt người - vượn trong các hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai (Lạng Sơn) Và hang Thẩm Ồm (Nghệ An), và những phát hiện di cốt người hiện đại trong hang Hùm (Yên Bái) Và hang Kéo Lèng (Lạng Sơn) Đã chứng tỏ ở Việt Nam, con người đã từng có mặt rất sớm và đã từng trải qua sự tiến hóa từ dạng người vượn đến dạng người hiện đại (người khôn ngoan - Homosapiens).

Gần đây, bản đồ khảo cổ học từ thời tiền sử Việt Nam đã được bổ sung khá phong phú với một loạt nền văn hóa tiền sử từ thời đại đá cũ qua thời đại đá mới đến đầu kim khí như: Văn hóa Núi Đọ, Văn hóa Sơn Vi, Văn hóa Hòa Bình, Văn hóa Bắc Sơn, Văn hóa Quỳnh Văn

Nhìn chung, từ văn hóa Núi Đọ đến văn hóa Quỳnh Văn, ngay từ thời tiền sử, con người đã đặt nền móng cho những sáng tạo văn hóa buổi sơ khai. Đó là sự tự nhận thức về tự nhiên thể hiện ở việc ứng xử thích ứng với tự nhiên: 50% cửa hang quay về hướng chính Nam và Đông Nam để tránh gió mùa Đông Bắc, đã cảm nhận được sự luân phiên giữa ngày và đêm, tuần trăng tròn và trăng khuyết, mùa nóng và mùa lạnh, sự sinh trưởng của cây cỏ…

Vào lúc cực thịnh của thời đại đồ đá, con người đã biết trồng trọt, tạo lập nền nông nghiệp nguyên thủy. Đây được coi là cuộc “cách mạng đá mới” đánh dấu bước chuyển từ săn bắt, hái lượm những thứ có sẵn trong tự nhiên sang sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi.

Đời sống tinh thần cũng bắt đầu phong phú. Họ đã biết biểu đạt tư duy về thời gian và vũ trụ thông qua hoa văn trên đồ gốm: Biểu thị mặt trời bằng hình tròn, hình chữ S, được vẽ lặp lại, biểu hiện sự chuyển động của thời gian, mùa màng, biểu hiện những hiện tượng như mưa, nắng, gió, đặc biệt là mặt trời đã trở thành các thần linh quan trọng trong tín ngưỡng và thần thoại của người nguyên thủy. Người nguyên thủy đã có niềm tin vào thế giới bên kia và sự tôn thờ các sức mạnh tự nhiên có ảnh hưởng đến mùa màng. Về nghệ thuật tạo hình: Người nguyên thủy đã biết khắc trên vách hang động.

Về tổ chức xã hội: Trong thời đại đồ đá, con người tiền sử đã tiến từ giai đoạn bầy người đến bộ lạc. Và đến giai đoạn hậu kỳ đá mới, khi đã có những người làm nghề nông định cư thì có thể tin rằng, đã có những bộ lạc sống thành các làng xóm.

2.2.1.2. Văn hóa Việt Nam thời sơ sử

Đây là thời đại kim khí với văn hóa đồng thau cách ngày nay khoảng 4.000 năm. Thời kỳ này trên địa bàn từ lưu vực sông Hồng cho đến lưu vực sông Đồng Nai thuộc lãnh thổ Việt Nam ngày nay, tồn tại ba trung tâm văn hóa lớn: Văn hóa Đông Sơn (miền Bắc), văn hóa Sa Huỳnh (miền Trung) Và văn hóa Đồng Nai (miền Nam), trong đó văn hóa Đông Sơn được coi là cốt lõi của người Việt cổ.

* Văn hóa Đông Sơn

Văn hóa Đông Sơn thuộc thời đại kim khí. Tuy nhiên, sự hình thành và phát triển của nó lại bắt nguồn từ các văn hóa tiền Đông Sơn, ở lưu vực sông Hồng, sông Mã, sông Cả: Ở lưu vực sông Hồng là các văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun (thuộc giai đoạn đồng thau từ khoảng 2.000 đến 700 năm TCN), ở lưu vực sông Mã là nhóm di tích Cồn Chân Tiên - Hoa Lộc, Bái Man - Đồng Ngầm và văn hóa Quỳ Chử, ở lưu vực sông Cả là nhóm di tích Đền Đồi - Rú Ta và nhóm di tích Rú Trăn. Văn hóa Đông Sơn là nền văn hóa nông nghiệp lúa nước. Nền tảng nông nghiệp lúa nước in dấu trên mọi lĩnh vực văn hóa.

Văn hóa vật chất:

+ Nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước, dùng cày với sức kéo trâu bò là chính. Nghề luyện kim và đúc đồng thau đã phát triển rực rỡ với việc sản xuất được nhiều loại vật dụng gồm công cụ sản xuất, chiến đấu, đồ dùng sinh hoạt… Ngoài ra, các nghề như chế tạo đồ gốm, chế tạo thủy tinh, nghề mộc, nghề dệt vải đều đã xuất hiện và đang phát triển.

+ Cư dân Đông Sơn đã sử dụng gạo tẻ để nấu cơm, gạo nếp để đồ xôi, và ăn các loại hoa quả, rau màu, thủy sản.

+ Ở người Đông Sơn, nam mặc khố, nữ mặc váy và yếm, vào những ngày lễ hội họ có những bộ lễ phục được kết bằng lá cây, lông vũ khá độc đáo. Tóc được tết bím, búi tó hoặc cắt ngắn. Đồ trang sức phong phú gồm các loại vòng, hoa tai, hạt chuỗi.

+ Nhà ở bằng tre, gỗ, nứa, lá, làm theo lối nhà sàn và nền đất, mái cong hình thuyền và hình mu rùa. Nhà sàn có kiểu dáng khác nhau, gắn với chức năng xã hội - văn hóa: Nhà sàn mái sống võng xuống (nhà ở), mái sống lồi (để tiến hành nghi lễ).

+ Họ đi lại bằng thuyền (thuyền độc mộc, thuyền ván), bè, mảng và vận tải bằng voi, ngựa, gùi địu. Ngoài ra, người Việt cổ còn đóng được cả thuyền chiến và thuyền đua. Người Việt thời kỳ này đã có tài chèo thuyền, tài bơi lặn.

Văn hóa tinh thần:

+ Người Đông Sơn có tục ăn trầu, nhuộm răng đen, xăm mình.

+ Tín ngưỡng chủ yếu liên quan đến nông nghiệp trồng lúa, tiếp đến là tín ngưỡng phồn thực biểu hiện ở tục thờ dương vật và âm vật, các nghi lễ cầu mùa, cầu giống loài sinh sôi, con cháu đông đúc. Tục thờ cúng tổ tiên, sùng bái anh hùng và thủ lĩnh, đó cũng là những biểu hiện quan trọng của ý thức về nòi giống dân tộc của người Đông Sơn.

Văn hóa nghệ thuật

+ Nghệ thuật âm nhạc, hát múa thời Đông Sơn đã giữ một vai trò quan trọng trong sinh hoạt lễ hội và đời sống tinh thần. Âm nhạc lúc bấy giờ được tạo nên bởi một hệ thống nhạc cụ phong phú và đa dạng như: Trống các loại, chiêng, cồng, chuông nhạc, sênh, phách, khèn sáo, kèn lá, đàn gõ…

Hoạt động hát gồm: Hát chúc thần, hát giao duyên, hát vui chơi.. . Nghệ thuật múa gồm: Múa hóa trang và múa vũ trang, múa đạo cụ.. .

Về nghệ thuật tạo hình, trên nhiều trống đồng và đồ đồng thấy chạm khắc các cảnh múa hát, bơi thuyền sôi nổi trên sông nước, cảnh những cặp tượng người cõng nhau nhảy múa, thổi khèn.

+ Các thần thoại, huyền thoại chính của người Việt cổ cũng hình thành ở thời kỳ này.

Văn hóa tổ chức xã hội:

+ Công xã thị tộc đã nhường chỗ cho công xã nông thôn ra đời và phát triển.

+ Xã hội Đông Sơn là một xã hội đã có phân hóa nhưng chưa gay gắt, và Nhà nước thì mới hình thành.

+ Ở phạm vi quốc gia, ngay từ thời kỳ này, đã xác lập hệ cấu trúc xã hội “nhà - làng - nước”, trong đó, làng là đơn vị xã hội - văn hóa giữ vai trò chủ yếu trong sáng tạo, bảo tồn và tái tạo các truyền thống văn hóa.

* Văn hóa Sa Huỳnh

Chủ nhân của văn hóa Sa Huỳnh là cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Bên cạnh đó, do sinh sống ven biển và kề rừng, nên ngoài nông nghiệp, họ cũng biết khai thác nguồn lợi của biển, của rừng, cũng biết phát triển các nghề thủ công (nhất là nghề xe sợi, dệt vải, chế tạo gốm, làm đồ trang sức, làm thủy tinh). Người Sa Huỳnh cũng sớm biết mở rộng quan hệ giao lưu, trao đổi, buôn bán với các cư dân trong khu vực.

Quan niệm về thế giới bên kia qua việc hỏa táng và sử dụng các chum gốm lớn có nắp đậy vào việc mai táng người chết cho thấy đời sống tâm linh của cư dân khá phức tạp. Sự đa dạng, cầu kỳ, tinh tế của các loại đồ trang sức, tư duy nghệ thuật trong bố cục hoa văn trong đồ gốm, lối tư duy kỹ thuật chặt chẽ trong việc sáng chế các sản phẩm có yêu cầu kỹ thuật cao cho thấy biểu hiện lối tư duy sáng tạo của chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh.

Sự phát triển về đời sống vật chất, tinh thần của cư dân Sa Huỳnh tạo điều kiện cho vùng đất Nam Trung Bộ trở thành một trung tâm phát triển và có ảnh hưởng ở khu vực, hình thành một nền văn minh lớn với sự ra đời của vương quốc Chămpa (ra đời sau nước Âu Lạc khoảng hơn 3 thế kỷ).

* Văn hóa Đồng Nai

Cư dân Đồng Nai có mặt ở vùng đồng bằng Nam Bộ cách ngày nay khoảng

4.000 – 5.000 năm, với không gian sinh sống gắn chặt với vùng đất cửa sông, giáp biển. Các cư dân ấy là lớp người đầu tiên đến lập nghiệp ở vùng đất này, xây dựng nên văn hóa Đồng Nai, đặt nền móng cho thời kỳ chinh phục vùng châu thổ sông Cửu Long, tức thời kỳ văn hóa Óc Eo vào những thế kỷ đầu công nguyên sau này.

Hoạt động kinh tế chủ yếu của cư dân Đồng Nai là nghề nông và nghề thủ công. Trong trồng trọt, lúa là loại cây lương thực chính. Ngoài trồng trọt, người Đồng Nai còn khai thác các sản vật rừng và săn bắn. Nghề thủ công của họ khá phát triển, thể hiện ở chế tác các đồ trang sức (bằng đá, thủy tinh, đồng, sắt), chế tác đồng, sắt, xe sợi.

Đời sống tinh thần của người Đồng Nai còn nặng tín ngưỡng bái vật giáo được thể hiện qua nghệ thuật tạo hình: Các di vật như tượng lợn rừng, rùa bằng sa thạch, tượng chó săn mồi bằng đồng, tượng Trút Long giao bằng đồng. Người Đồng Nai tin rằng người chết là bắt đầu một cuộc sống khác. Một trong những thành tựu văn hóa đặc sắc của cư dân Đồng Nai là các bộ đàn đá, có niên đại sớm nhất là vào khoảng

3.000 năm cách ngày nay.

2.2.2. Văn hóa Việt Nam đầu công nguyên

2.2.2.1. Bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa

Năm 179 TCN, Triệu Đà - vua nước Nam Việt (đóng đô ở Phiên Ngung thuộc Quảng Đông, Trung Quốc ngày nay) Đã đánh chiếm Âu Lạc, biến nước ta thành một bộ phận lãnh thổ của Nam Việt. Nhà Triệu chia Âu Lạc ra thành hai quận: Giao Chỉ và Cửu Chân.

Năm 111 TCN, nhà Hán chiếm nước Nam Việt của Triệu Đà, đổi vùng đất của Âu Lạc thành châu Giao Chỉ, dưới có bảy quận, với chức quan đầu châu là Thứ sử, đầu quận là Thái thú. Từ đó, đất nước ta trải qua hơn 10 thế kỷ sống dưới sự thống trị của nhà nước phong kiến phương Bắc. Trong hơn 10 thế kỷ đó, các đế chế Trung Hoa: Triệu, Tây Hán, Đông Hán, Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương, Tùy, Đường đô hộ nước ta.

Các triều vua Trung Quốc kế tiếp nhau thi hành chính sách đồng hóa, thống trị tàn bạo, bóc lột ráo riết nhân dân ta (bóc lột bằng cống nạp, nộp tô thuế và lao dịch).

Thời kỳ này, cả nước Chăm cổ cũng bị đế chế Trung Hoa thôn tính.

Thời kỳ này thường được gọi là thời nghìn năm Bắc thuộc, song có lẽ đúng hơn là thời Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, thời bị Hán hóa và chống Hán hóa.

Tình hình chính trị - kinh tế - xã hội và văn hóa thời Bắc thuộc

Về chính trị, trước hết, các triều vua Trung Quốc tìm đủ mọi cách để thủ tiêu nền độc lập và tự chủ dân tộc, biến nước ta thành quận huyện của Trung Quốc. Đồng thời cũng luôn tìm cách xóa bỏ bằng được dấu ấn về quốc hiệu của tổ tiên ta.

Về quân sự, các triều đại Trung Quốc đã thực hiện một chính sách chung, thống nhất, đó là sẵn sàng đàn áp một cách đẫm máu mọi hình thức đấu tranh của dân Việt nhằm xây dựng và bảo vệ guồng máy đô hộ trên toàn cõi nước ta.

Về kinh tế, chính sách bao trùm của tất cả chính quyền phong kiến Trung Quốc đô hộ là ra sức vơ vét tài nguyên và của cải của người Việt. Chúng thực hiện triệt để chính sách thu cống phẩm và đặc biệt chú ý đến đặc sản của từng vùng.

Từ thời Đường, phép tô, dung, điệu được áp dụng triệt để. So với chế độ thu nạp cống phẩm, các phép tô, dung và điệu quy định mức đóng góp của dân Việt cụ thể hơn nhiều. Chính vì vậy, cuộc sống của nhân dân vô cùng cực khổ. Đó cũng là lí do dẫn đến những cuộc nổi dậy đấu tranh của nhân dân ta.

Về xã hội, hiện tượng dễ nhận thấy là việc các chính quyền đô hộ luôn mở cửa, khuyến khích dân Trung Quốc di cư xuống nước ta. Lực lượng dân di cư này bao gồm ba bộ phận khác nhau: Dân nghèo Trung Quốc, đội ngũ nho sĩ Trung Quốc bất đắc chí, các nhà tu hành Phật giáo và Đạo giáo.

2.2.2.2. Những nét mới trong đời sống văn hóa và tư tưởng người Việt

Một trong những nét mới trong đời sống văn hóa Việt Nam lúc bấy giờ là sự tiếp nhận các yếu tố ngoại sinh từ văn hóa phương Bắc, đặc biệt là trên lĩnh vực tư tưởng, với sự xuất hiện của Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo.

Nét mới thứ hai trong đời sống văn hóa nước ta lúc bấy giờ là sự lớn mạnh của chủ nghĩa yêu nước. Ý chí ngoan cường của nhân dân ta kết tinh trong những cơn bão lửa quật khởi, trong khí phách oai hùng của các vị lãnh tụ kiệt xuất như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí, Lý Tự Tiên, Đinh Kiến, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng…

Và yêu nước cũng có nghĩa là tôn vinh những người có công với nước. Đó là những người có công dựng nước, giữ nước; Là các bậc tổ sư khai sáng nghề nghiệp; Là các nhà đạo đức đáng để cho đời đời ngưỡng mộ và noi theo; Là những bậc chân tu và đạo hạnh hơn người… Gắn liền với ý thức chân thành tôn vinh những người có công với dân với nước, là thái độ công khai khinh ghét quân xâm lăng, những kẻ phản dân hại nước.

Một trong những điểm nổi bật nhất của thời Bắc thuộc là lòng yêu nước luôn luôn được thể hiện tập trung qua tình cảm đối với làng. Làng là một đơn vị kinh tế, chính trị, xã hội khép kín. Tình cảm mỗi người đối với làng thường được thể hiện qua năm điểm chủ yếu sau đây:

-Tôn kính chức sắc của làng.

-Tôn kính các vị thần và các bậc tiền hiền của làng.

-Tôn kính lệ làng và hương ước

-Tôn kính tập tục và lề thói của làng.

-Đóng góp công sức và tài sản vào việc xây dựng những công trình công cộng của làng và xây dựng những nơi tôn nghiêm như đình làng, đền miếu và chùa làng.

2.2.2.3. Thực trạng và đặc trưng văn hóa thời Bắc thuộc

* Thực trạng

Các triều đại phong kiến phương Bắc áp dụng chính sách nô dịch và đồng hóa văn hóa. Tuy nhiên, thực trạng của đời sống văn hóa lại diễn ra không đúng như sự mong đợi của kẻ xâm lược. Một loạt các hiện tượng văn hóa mới đã sản sinh trong thời kỳ này như:

Sự truyền bá và tiếp nhận Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo đã làm cho cấu trúc văn hóa ở nước ta mới hơn và cũng phong phú hơn so với trước đó. Và mặc dù có sự cọ sát, sự đấu tranh, song hệ quả lớn nhất và đáng chú ý nhất vẫn là quá trình cùng tiếp biến để hội nhập.

Các thành tố văn hóa ngoại nhập đến từ nhiều hướng khác nhau, tuy nhiên, giữ vị trí chủ đạo và chi phối mạnh mẽ nhất vẫn là các thành tố ngoại nhập có nguồn gốc từ Trung Quốc. Và mặc dù, quá trình tiếp biến để hội nhập là quá trình phổ biến nhưng nó diễn ra không đồng đều. Nếu khảo sát ở những vùng mà thành tố Hán là nổi trội, chúng ta có thể gọi đó là văn hóa Hán – Việt, nhưng nếu khảo sát ở những vùng mà thành tố Việt là thành tố nổi trội thì lại có thể gọi đó là văn hóa Việt – Hán.

Ngoài các tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo, nhiều trào lưu văn hóa khác cũng đã được truyền bá tới nước ta. Ví dụ: Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, nghệ thuật hội họa, nghệ thuật ca múa nhạc…

* Đặc trưng

Đặc trưng xuyên suốt đó là sự bảo tồn và phát triển của văn hóa dân tộc được thể hiện trên các lĩnh vực sau:

Trước hết, bản sắc nông nghiệp lúa nước đã gia tăng thêm độ bền vững mà không hề bị mai một.

Trong cuộc đấu tranh đề kháng chống chính sách đồng hóa, bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, làng xã cổ truyền có vai trò hết sức quan trọng. Người Việt suốt thời kỳ Bắc thuộc đã không ngừng bảo tồn và củng cố cộng đồng xóm làng để chống đồng hóa, dựa vào làng mà giành lại nước. Như đã nói, trong thời kì Bắc thuộc, người Việt mất nước chứ không mất làng.

Về phong tục, lễ giáo, văn học nghệ thuật trong thời kỳ Bắc thuộc, nhìn chung vẫn được duy trì và có sức sống mạnh mẽ.

Các tín ngưỡng và lễ hội nông nghiệp của các cộng đồng cư dân lúa nước vẫn giữ được sức sống của nó trong lòng các làng xã.

Tóm lại, trong thời kỳ Bắc thuộc, văn hóa Việt đã chịu đựng những tổn thất, bị vỡ cấu trúc, và những truyền thống được bảo lưu thì ẩn mình và hòa tan vào dòng văn hóa dân gian của làng xã. Nhưng văn hóa Việt đã không co lại chỉ để tự vệ và do đó trở thành bảo thủ và cô lập, mà đã tiếp nhận những yếu tố ngoại nhập. Hơn thế, xu hướng tiếp nhận văn hóa ngoại nhập bằng con đường dung hợp và bản địa hóa đã làm văn hóa Việt Nam trở nên phong phú hơn và sau này sẽ trở thành bộ phận cốt lõi trong nền văn hóa truyền thống sau này.

2.2.3. Văn hóa Đại Việt từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX (1858)

Khi nói về văn hóa thời tự chủ, tức nói về văn hóa Đại Việt. Thời kỳ này triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê và Nguyễn. Về mặt lịch sử, đây là kỷ nguyên độc lập tự chủ và thống nhất đất nước, về văn hóa, đây là thời kỳ phục hưng và phát triển văn hóa dân tộc về bề rộng cũng như bề sâu. Thời kỳ này chia làm các giai đoạn sau:

2.2.3.1. Văn hóa Đại Việt thời kỳ Ngô - Đinh - Tiền Lê

* Bối cảnh lịch sử

Năm 938, Ngô Quyền quét sạch quân Nam Hán ra khỏi bờ cõi, ông lên ngôi Vương, đóng đô ở Cổ Loa.

Năm 944, Ngô Quyền mất, chính quyền trung ương đi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Đất nước bị rơi vào loạn 12 sứ quân.

Năm 967, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn được 12 sứ quân. Một năm sau, ông lên ngôi, xưng là Đinh Tiên Hoàng, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, định đô tại Hoa Lư.

Năm 979, Đinh Tiên Hoàng mất, con trai nối nghiệp là Đinh Toàn, lúc này còn quá nhỏ. Trong lúc đó, vận nước đang lâm nguy, nên đến năm 980, đa số quan lại và sư sãi trong triều đình nhà Đinh đã đồng lòng tôn quan Thập Đạo Tướng quân Lê Hoàn lên ngôi. Nhà Tiền Lê ra đời từ đó. Kế tục nhà Đinh, nhà Tiền Lê vẫn tiếp tục đóng đô tại Hoa Lư và giữ quốc hiệu Đại Cồ Việt. Nhà Tiền Lê đã có công chống Tống (năm 981), bình Chiêm (982), đồng thời đã ban hành nhiều chính sách trị nước tích cực và tiến bộ.

Đến nhà Tiền Lê, giai đoạn đất nước bước đầu xây dựng và khẳng định kỷ nguyên độc lập, tự chủ và thống nhất đã kết thúc. Từ nhà Tiền Lê trở đi, một giai đoạn phát triển hùng mạnh của đất nước được bắt đầu.

* Thành tựu văn hóa

+ Củng cố nền độc lập dân tộc, bước đầu xây dựng đất nước.

Để khẳng định chủ quyền của dân tộc Việt và nâng cao ý thức đề kháng Trung Quốc, Ngô Quyền đã tự xưng Vương, bỏ lệ xưng Tiết độ sứ, đóng đô ở Cổ Loa - thủ đô thời Âu Lạc, lập thành một vương quốc độc lập. Đến Đinh Bộ Lĩnh với việc dẹp loạn 12 sứ quân cũng là biểu hiện của sự củng cố tinh thần khối đoàn kết anh em một nhà. Hơn thế nữa, việc đặt tên nước là Đại Cồ Việt, nhà vua đã biểu hiện sự đối ứng với Đại Tống. Dưới thời vua Lê Đại Hành, ý thức đề kháng Trung Hoa thể hiện rất quyết liệt trong cuộc đánh đuổi giặc Tống. Với các niên hiệu Thiên Phúc, Hưng Thống, Ứng Thiên, nhà Tiền Lê đã khẳng định linh khí của tổ tiên thời Văn Lang - Âu lạc.

+ Trong công cuộc xây dựng đất nước, nhà Tiền Lê chăm lo phát triển kinh tế. Kinh tế dưới triều Tiền Lê bắt đầu phát triển. Chính quyền đã thi hành một số biện pháp có lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Nhà Tiền Lê xây dựng nhiều công trình để mở mang giao thông đường thủy, đường bộ. Các nghề thủ công cổ truyền như nghề gốm, nghề dệt, nghề khai mỏ luyện sắt, đúc đồng, làm đồ da, các nghề mỹ nghệ… được phục hồi và phát triển. Triều đình còn tổ chức những xưởng đúc tiền, đóng thuyền, sản xuất vũ khí. Việc buôn bán trong nước và ngoài nước, nhất là đối với Trung Quốc được mở mang. Kinh đô Hoa Lư trở thành trung tâm chính trị và văn hóa của đất nước thời Đinh –Lê.

Nhiệm vụ hàng đầu của thời các triều đại Ngô - Đinh - Tiền Lê là ra sức củng cố nền độc lập, xây dựng lực lượng quân sự để đẩy lùi mọi cuộc ngoại xâm và cũng để đè bẹp thế cát cứ trong nước. Các vương triều trong giai đoạn này chưa có điều kiện chăm lo nhiều đến sự phát triển văn hóa.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đất nước độc lập, nền văn hóa dân tộc vẫn nảy nở trên vốn cổ truyền mà nhân dân ta đã bảo tồn và phát huy qua hơn 1.000 năm bị nước ngoài đô hộ.

2.2.3.2. Văn hóa Đại Việt thời Lý - Trần

* Bối cảnh lịch sử

Sau khi Lê Đại Hành mất, các con của ông ra sức chém giết lẫn nhau để giành ngôi báu; Chính sự nhà Tiền Lê đổ nát một cách thảm hại. Sau khi Lê Long Đĩnh chết (1009), triều đình đưa một người dòng họ khác là Lý Công Uẩn lên làm vua. Nhà Lý được dựng lên kể từ đó. Lý Thái Tổ quyết định dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La (1010) Và đổi tên là Thăng Long, đổi tên nước là Đại Việt (1054).

Từ cuối thế kỷ XI, cơ đồ nhà Lý tàn tạ một cách nhanh chóng, đất nước lâm vào cảnh hỗn chiến triền miên. Nhân cơ hội đó, họ Trần đã khôn khéo tìm cách xây dựng thế lực riêng của mình. Cuối năm 1225, nhờ sự sắp đặt của Trần Thủ Độ, ngôi vua đã thuộc về họ Trần, và nhà Trần được thiết lập từ đó.

Nhà Trần không những khôi phục chế độ phong kiến trung ương tập quyền mà còn nâng cao địa vị của đội ngũ quý tộc, phát triển đất nước về mọi mặt. Trong thế kỷ

XIII, nhà Trần đã lãnh đạo quân dân Đại Việt tiến hành ba cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại (1258 - 1288) Chống lại ba cuộc xâm lăng tàn bạo của đế quốc Nguyên Mông. Bên cạnh đó, nhà Trần còn mở rộng đất đai về phía Nam, bình giặc Chiêm Thành gây được ảnh hưởng mạnh mẽ đối với các nước xung quanh.

* Thành tựu văn hóa

+ Hệ tư tưởng

Ở thời kỳ Lý - Trần, nền độc lập tự chủ được thể hiện rõ nét nhất thông qua sự lựa chọn, thiết lập hệ tư tưởng chủ đạo trong ứng xử với thời cuộc. Đó là sự dung hòa tam giáo Nho - Phật - Đạo, còn gọi là chính sách Tam giáo đồng nguyên, trong đó nổi trội là Phật giáo và Nho giáo.

Cũng trong hệ tư tưởng, thời Lý - Trần, ý thức đề kháng Trung Hoa “bất tốn Hoa Hạ” rất quyết liệt.

+ Văn hóa vật thể

Các công trình kiến trúc thời Lý - Trần rất đa dạng. Trước hết là việc xây dựng kinh thành Thăng Long, một công trình có quy mô lớn với hai vòng thành và nhiều cung điện. Ngoài ra còn có nhiều kiến trúc khác như, Văn miếu và Quốc Tử Giám, chùa, đền tháp, đình… tiêu biểu là hệ thống chùa và tháp mà ngày nay còn lưu lại như: Chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ, chùa Giạm, tháp Báo Thiên, tháp Chương Sơn, chùa Phổ Minh.

+ Văn hóa tinh thần

Mở mang học tập và thi cử: Năm 1070, nhà Lý dựng Văn Miếu để thờ Chu Công, Khổng Tử và các môn đệ của ngài, đến năm 1076 lại mở Quốc Tử Giám ở kinh thành để làm nơi học tập cho con em tầng lớp quý tộc, quan lại. Năm 1075, triều đình mở khoa thi đầu tiên để chọn nhân tài.

Các hình thái văn hóa dân gian như lễ hội, tín ngưỡng, phong tục, truyện dân gian, hát múa, điêu khắc được phục hưng và lưu truyền cho đến tận ngày nay.

Đến đời Trần, nghệ thuật ca múa nhạc và nghệ thuật tạo hình đã có những bước phát triển mới.

Năm 1239, vua Trần cho xây dựng cung thất tại làng Tức Mạc (về sau gọi là Phủ Thiên Trường) Là quê hương của nhà Trần để nhà vua về thăm quê khi thư nhàn. Nghệ thuật kiến trúc đời Trần cũng được phục hưng mạnh mẽ. Sau chiến thắng oanh liệt của dân tộc, cung điện, đền chùa, nhà cửa được sửa chữa hoặc xây dựng mới. Tháp Phổ Minh và chùa Bình Sơn (Lập Thạch - Vĩnh Phú) Là những công trình kiến trúc có giá trị thời Trần.

Nền văn hóa bác học hình thành và phát triển. Từ sự phát triển của Phật giáo và Nho giáo, đội ngũ trí thức đã được hình thành, mà sản phẩm chính là nền văn học viết. Theo các nguồn tư liệu, từ thế kỷ X đến thế kỷ XII, có trên 50 tác giả, trong đó chủ yếu là các nhà sư, từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XIV, có trên 60 tác giả, trong đó chủ yếu là các nho sĩ. Sáng tác văn học thời kỳ này tất nhiên mang nặng tư tưởng của Phật giáo, đạo lý của Nho giáo, song cũng có những áng văn mang ý nghĩa nhân sinh và giá trị văn hóa sâu sắc, như Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn.

Tư tưởng độc lập là động lực thúc đẩy sự ra đời và phát triển văn tự - chữ Nôm và văn học bằng chữ Nôm.

Sự phát triển các bộ môn khoa học: Việc biên soạn lịch sử dân tộc bắt đầu phát triển. Nhà Trần thành lập Viện quốc sử để ghi chép lịch sử của các triều đại.

Một số ngành khoa học khác như kỹ thuật quân sự, pháp chế, thiên văn, lịch pháp, y học cũng có những thành tựu đáng kể.

2.2.3.3. Văn hóa Đại Việt thời Hậu Lê

* Bối cảnh lịch sử

Năm 1400, Hồ Quý Ly giành được ngôi nhà Trần và lập ra nhà Hồ. Nhà Hồ tồn tại từ năm 1400 - 1407. Sau khi lên ngôi, vua đầu triều nhà Hồ dời đô về Thanh Hóa và đặt tên cho kinh đô mới là Tây Đô, đổi quốc hiệu là Đại Ngu (niềm an vui lớn). Nhà Hồ đã ban hành rất nhiều chính sách cải cách về chính trị và quân sự, về kinh tế và xã hội, về văn hóa và giáo dục, về quan hệ bang giao, mở rộng đất đai về phương Nam, gây ảnh hưởng mạnh mẽ đối với các nước xung quanh.

Năm 1407, nhà Minh xâm lược Đại Việt.

Sau 10 năm kháng chiến (1418 - 1427), Lê Lợi đã lãnh đạo nhân dân giành độc lập, giặc Minh bị quét sạch khỏi bờ cõi Đại Việt. Vào đầu năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, khai sáng ra nhà Hậu Lê.

Đến năm 1527, nhà Mạc giành ngôi nhà Lê, dẫn đến xung đột Lê - Mạc, gọi là thời kỳ Nam Bắc triều. Từ năm 1570 đến năm 1786 lại là thời kỳ đất nước bị phân tranh, hậu quả xung đột của Lê Trịnh ở Đàng ngoài với các chúa Nguyễn ở Đàng trong. Năm 1786, anh em nhà Tây Sơn khởi nghĩa thống nhất đất nước, thành lập triều Tây Sơn (1788 - 1802).

* Thành tựu văn hóa

+ Củng cố và xây dựng thể chế của chế độ phong kiến trung ương tập quyền Sau khi lên ngôi, Lê Lợi đẩy mạnh công việc kiến thiết đất nước về nhiều mặt.

Đến đời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1407) Thì thiết chế nhà nước đã đạt đến trình độ hoàn chỉnh nhất.

Tất cả đội ngũ quan lại thời Lê đều được tuyển chọn qua các kỳ thi với những quy chế rất chặt chẽ.

Ngay khi vừa lên ngôi, Lê Lợi đã sai các quan đại thần soạn thảo luật lệ. Đến năm 1489, nhà Lê đã biên soạn xong bộ luật Hồng Đức, tức Lê Triều hình luật.

+ Văn hóa vật chất

Nghề nông rất được quan tâm. Nhà Lê triệt để thi hành chính sách khuyến nông.

Thủ công nghiệp vẫn tiếp tục tồn tại ở vị trí một ngành kinh tế phụ, tuy nhiên, các trung tâm thủ công nghiệp chuyên nghiệp của khá nhiều địa phương đã lần lượt ra đời. Riêng vùng Thăng Long, nhà Lê lập thành phủ Trung Đô, sau đổi là Phụng Thiên, quản lĩnh hai huyện, chia làm 36 phường vừa làm nghề thủ công vừa buôn bán.

Bấy giờ, chợ đã mọc lên ở khắp nơi và nhà Lê cũng đã ban hành những quy định khá chặt chẽ về việc lập chợ. Ngoài ra, nhiều thương nhân nước ngoài cũng đến xin đặt quan hệ buôn bán nhưng hoạt động ngoại thương chỉ được hạn chế trong một số khu vực nhất định, có sự kiểm soát chặt chẽ của nhà Lê.

+ Văn hóa tinh thần

Nho giáo giữ địa vị độc tôn.

Về giáo dục và thi cử, nhà Lê rất quan tâm đến lĩnh vực này. Nhà Lê ra sức đề cao kẻ sĩ, tạo cho học trò có ý chí trở thành kẻ sĩ.

Về văn học, trước hết, văn học chữ Hán chiếm ưu thế trên văn đàn. Khác với thời Lý - Trần, đến đây, lực lượng sáng tác chủ yếu là nho sĩ. Bên cạnh văn học chữ Hán, văn học chữ Nôm cũng đã tiến được một bước rất dài. Với Quốc âm thi tập, Nguyễn Trãi đã có đến 254 bài thơ Nôm, các thành viên trong hội Tao Đàn cũng đã để lại bộ Hồng Đức quốc âm thi tập với hơn 300 bài thơ Nôm.

Các bộ môn khoa học khác như lịch sử, địa lí, toán học, y học, dược học… cũng có những bước tiến mới mẻ. Ngoài ra, khoa học quân sự nước nhà cũng đã vươn tới một đỉnh cao mới. Thiên tài lỗi lạc của khoa học quân sự thời kỳ này là Nguyễn Trãi và tác phẩm ghi lại những văn kiện quân sự quan trọng nhất là Quân trung từ mệnh tập.

Về nghệ thuật, một số loại hình như ca, múa, nhạc vẫn tiếp tục phát triển trong đó, tuồng, chèo là hai thể loại sân khấu đã đạt đến sự ổn định về mặt nghệ thuật và lý luận.

Kiến trúc và điêu khắc: Tại Thanh Hóa, vị vua đầu tiên triều Hậu Lê cho xây một thành lũy kiên cố, gọi là Lam Kinh. Lam Kinh được coi là kinh đô thứ hai của nhà Lê. Tại Thăng Long (năm 1430 đổi tên là Đông Kinh), từ năm 1428 trở đi đã xây dựng các cung điện lớn như điện Kính Thiên, điện Cần Chính, điện Vạn Thọ. Ngoài ra còn xây một số điện nhỏ, vừa như điện Cần Đức, điện Trùng Quang, điện Giảng Võ.. .

Đời vua Lê Tương Dực, nhà vua đã xây các đàn Nam Giao tế trời đất, đàn Xã Tắc để cầu được mùa, đàn Phong Vân để cầu mưa mỗi khi hạn hán. Đời vua Lê Thánh Tông đã xây dựng lại Văn Miếu, mở mang Quốc Tử Giám.

Kiến trúc đình làng cũng có nhiều chuyển biến sâu sắc, nhất là khi có quyết định năm 1492 của vương triều nhà Lê giao cho làng xã quản lý đình làng.

Nhìn chung, trên cơ sở văn hóa bản địa, văn hóa thời Hậu Lê đã phát triển rực rỡ về mọi mặt. Đặc biệt là sự cực thịnh của văn hóa Nho giáo, sự đa dạng về văn hóa bác học, và sự phong phú về văn hóa chữ Nôm.

2.2.3.4. Văn hóa Đại Việt từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII

* Bối cảnh lịch sử

Sau một thời gian nắm chính quyền, triều Lê đã đi vào suy thoái. Tầng lớp thống trị sống xa hoa, trụy lạc, triều đình và cả bộ máy quan lại ngày càng hũ bại, ruỗng nát. Dưới sự thống trị của triều đình chuyên chế, đời sống nhân dân khổ cực điêu đứng. Các cuộc khởi nghĩa nông dân bùng nổ khắp nơi.

Cũng từ đầu thế kỷ XVI, các cuộc xung đột tranh giành giữa các phe phái phong kiến diễn ra gay gắt. Năm 1527, tập đoàn phong kiến do Mạc Đăng Dung cầm đầu thắng thế, đã phế truất triều Lê, lập ra triều Mạc.

Viên tướng cũ của triều Lê là Nguyễn Kim tập hợp các thế lực chống lại nhà Mạc, chiếm giữ vùng Thanh Hóa, Nghệ An, lập thành một vương triều riêng mang danh nghĩa là “triều Lê Trung Hưng”.

Sau khi Nguyễn Kim chết, quyền hành lọt vào tay Trịnh Kiểm. Và từ đó, cuộc xung đột Mạc - Trịnh kéo dài hơn nữa thế kỷ (cuộc xung đột này còn gọi là xung đột Bắc - Nam triều).

Cuối cùng Nam triều thắng Bắc triều, nhưng sau đó diễn ra cuộc xung đột mới –xung đột Trịnh - Nguyễn. Cuộc xung đột này đã dẫn tới vạch đôi nước làm giang sơn riêng của hai dòng họ. Phía Bắc thuộc họ Trịnh, thường được gọi là Đàng Ngoài hay Bắc Hà, phía Nam thuộc họ Nguyễn, thường gọi là Đàng Trong hay Nam Hà.

Năm 1786, anh em nhà Tây Sơn khởi nghĩa, thống nhất đất nước.

* Thành tựu văn hóa

+ Hệ tư tưởng

Giai đoạn này đã có những thay đổi trong lĩnh vực tư tưởng.

Điều mới mẻ trong đời sống tư tưởng của đất nước giai đoạn này là sự xuất hiện của một tôn giáo mới - đạo Thiên Chúa (Kitô giáo). Bằng hình thức thông qua thương mại mà các giáo sĩ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha tìm đến nước ta truyền giáo ngày càng đông và mạnh mẽ.

+ Sự xuất hiện của chữ quốc ngữ: Từ thế kỷ XVII khi vào nước ta để truyền đạo, các giáo sĩ phương Tây đã tìm cách học tiếng Việt, họ dùng chữ cái La Tinh để ghi âm tiếng Việt nhằm phục vụ cho việc giảng đạo. Chữ quốc ngữ dần dần xuất hiện. Các giáo sĩ người Bồ Đào Nha, Italia đã dùng chữ này để soạn sách giáo lý, làm từ điển để tổ chức việc đúc chữ in. Hai cố đạo thuộc Dòng Tên, Gaspar de Amaral và Antoine de Barbosa, đã xuất bản các cuốn từ điển Việt - Bồ, từ điển Bồ - Việt vào năm 1632. Năm 1649 - 1951, Alexandre de Rhodes đã cho xuất bản tại La Mã bộ từ điển Việt - Bồ - La Tinh và cuốn Phép giảng tám ngày, một cuốn sách giáo lý bằng hai thứ tiếng La Tinh - Việt.

+ Văn học cũng có nhiều chuyển biến mới. Văn Nôm được khởi phát từ các giai đoạn trước, đến thời kỳ này đã ngày càng phát triển. Cùng với sự phát triển của văn học thành văn là sự nở rộ của những sáng tác dân gian: Truyện cười, truyện trạng, tục ngữ… đều nở rộ trong thời gian này. Các hình thức diễn xướng dân gian như tuồng, chèo, hát ả đào… phát triển rất mạnh mẽ.

+ Kiến trúc: Sự trỗi dậy của Phật giáo và Đạo giáo thời kỳ này đã khiến cho những thiết chế của những tôn giáo này được xây dựng khá nhiều.

* Sự phát triển văn hóa Việt Đàng trong Giữa thế kỷ XVI, sau khi Nguyễn Kim chết, Trịnh Kiểm nắm bắt tất cả quyền hành, tước đoạt mọi quyền lực của dòng họ Nguyễn. Con trai Nguyễn Kim là Nguyễn Hoàng phải xin vào trấn thủ đất Thuận Hóa vào năm 1558, rồi kiêm luôn trấn thủ Quảng Nam năm 1570. Thực ra, trước khi Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm, cư dân Việt đã vào đây khai phá làng, lập ấp. Sau khi ly khai với tập đoàn Lê - Trịnh ở Đàng ngoài và tiến hành những cuộc chiến tranh giữa hai tập đoàn phong kiến, các chúa Nguyễn đã biến Thuận - Quảng thành vùng đất trù phú. Rồi từ Thuận - Quảng, các chúa Nguyễn mở rộng dần sự khai phá của mình vào Nam Bộ.

So với Đàng ngoài, Đàng trong là vùng đất mới của người Việt. Đặc điểm tự nhiên của vùng đất có những khác biệt so với vùng đất cội nguồn, là nơi tổ tiên người Việt sinh sống lâu đời và cũng là vùng cội nguồn của văn hóa dân tộc Đại Việt. Do vậy, lịch sử văn hóa Việt Nam trên vùng đất mới ắt sẽ có những nét riêng biệt. Người Việt đến đây sẽ phải thích ứng với các quan hệ sau, để phát triển đời sống và văn hóa của mình.

-Thứ nhất, đó là mối quan hệ giữa vốn văn hóa ẩn trong tiềm thức người Việt mang theo từ vùng cội nguồn và điều kiện tự nhiên, xã hội của vùng đất mới.

-Thứ hai, là mối quan hệ giữa văn hóa của người Việt với văn hóa của các dân tộc khác trên vùng địa bàn mà họ sinh sống.

-Thứ ba là mối quan hệ giữa văn hóa của lưu dân khai phá với vốn văn hóa của cư dân xa xưa, nhất là ở Nam Bộ..

2.2.3.5. Văn hóa Đại Việt dưới triều Nguyễn

* Bối cảnh lịch sử

Sau khi thống nhất đất nước, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung. Nhà Nguyễn Tây Sơn được thành lập. Triều Nguyễn Tây Sơn lập được chiến công hiển hách trong cuộc chiến chống quân Mãn Thanh và Xiêm La.

Vua Quang Trung đã thực thi nhiều chính sách tiến bộ, thúc đẩy sự phát triển đất nước về các mặt kinh tế - văn hóa. Đặc biệt, nhà vua rất có ý thức phát triển văn hóa.

Nhưng vào năm 1792, nhà vua đột ngột qua đời, khi mới 39 tuổi. Người kế vị ông là Quang Toản, đã không đủ sức gánh vác trọng trách được giao phó. Do những mâu thuẫn từ việc tranh giành quyền lực, nội bộ nhà Tây Sơn đã lục đục từ đó.

Lợi dụng những mâu thuẫn trong nội bộ nhà Tây Sơn, và dựa vào thế lực của chủ nghĩa tư bản Pháp, Nguyễn Ánh đã đánh đổ nhà Tây Sơn, lên ngôi vua, lập ra triều Nguyễn vào năm 1802, lấy niên hiệu là Gia Long. Nhà Nguyễn - Gia Long tồn tại từ năm 1802 đến 1945.

* Văn hóa - những bước chuyển và những thành tựu

+ Văn hóa vật chất

Nghề nông phát triển và được đề cao.

Các nghề thủ công tiếp tục phát triển. Các sản phẩm gốm sứ, sản phẩm mỹ nghệ đã là sản phẩm giao dịch với các nước trong khu vực.

+ Văn hóa tinh thần

Các tôn giáo lớn như Nho, Phật, Thiên chúa giáo tiếp tục tác động vào đời sống của nhân dân ở từng mức độ khác nhau. Bên cạnh đó, các tín ngưỡng dân gian ngày càng được mở rộng.

Về văn học, sáng tác dân gian phong phú, phản ảnh trung thực cuộc sống lao động và chiến đấu của nhân dân, tư tưởng và tình cảm, tâm hồn con người Việt Nam. Nền văn học viết cũng phồn thịnh hơn.

Bên cạnh văn học chữ Hán, nền văn học chữ Nôm cũng khá phát triển, có thể nói là chiếm ưu thế trên văn đàn. Các tác phẩm có giá trị về nội dung tư tưởng cũng như về nghệ thuật và ngôn ngữ, đều là những tác phẩm chữ Nôm.

Các ngành khoa học, nghệ thuật khác cũng khá phát triển. Triều Nguyễn (đời vua Minh Mạng) Đã cho lập Quốc sử quán với nhiệm vụ thu thập và biên soạn sách sử. Việc biên soạn địa chí đã trở thành phong trào. Thời Nguyễn, ngành địa chí học và địa lí lịch sử phát triển rất mạnh mẽ.

Về y học, thầy thuốc danh tiếng nửa sau thế kỷ XVIII Lê Hữu Trác, biệt hiệu Hải thượng lãn ông là tác giả của rất nhiều công trình y học lớn, trong đó nổi bật nhất là bộ Hải thượng y tông tâm lĩnh (66 quyển), trong đó ghi lại 305 vị thuốc nam và 2854 phương thuốc cổ truyền.

Cuối thế kỷ XVIII, một số ngành khoa học rất mới cũng đã có mầm mống xuất hiện ở nước ta. Sang thế kỷ XIX, kỹ thuật của phương Tây du nhập vào nước ta ngày càng nhiều hơn.

Về lĩnh vực nghệ thuật, nghệ thuật điêu khắc và tạc tượng thế kỷ XVIII đạt đến trình độ điêu luyện, chứng tỏ tài năng tuyệt vời của người nghệ nhân dân gian. Chùa Tây Phương là nơi tập trung nhiều pho tượng có giá trị, trong đó nổi tiếng là tượng Tuyết Sơn và 18 vị Tổ.

Về hội họa, hiện còn lại một số tranh vẽ sơn màu trên gỗ ở các đền, chùa, một số tranh bốn mùa, tranh vẽ chân dung ở các gia đình có danh tiếng. Tranh dân gian được mô hình hóa một cách đặc sắc.

Về kiến trúc: Nổi bật là kiến trúc kinh thành và lăng tẩm Huế.

2.2.4. Văn hóa Việt Nam từ năm 1858 đến năm 1945

2.2.4.1. Bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Từ năm 1862 trở đi, sau khi chiếm được ba tỉnh miền Đông Nam Bộ (Định Tường, Biên Hòa, Vĩnh Long), thực dân Pháp lấn dần từng bước để đến năm 1884 thì đặt xong ách đô hộ trên toàn cõi Việt Nam. Triều đình nhà Nguyễn chống cự yếu ớt và cuối cùng đã đầu hàng.

Sau khi hoàn thành công cuộc bình định Việt Nam, thực dân Pháp bắt tay vào công cuộc khai thác thuộc địa.

2.2.4.2. Đặc trưng văn hóa giai đoạn từ 1858 đến 1945

Đây là thời kỳ diễn ra những va chạm mạnh mẽ giữa văn hóa cổ truyền của dân tộc và văn hóa phương Tây mang đậm màu sắc văn minh vật chất. Giai đoạn này có hai đặc trưng văn hóa lớn:

-Tiếp xúc cưỡng bức và giao thoa văn hóa Việt - Pháp;

-Giao lưu văn hóa tự nhiên Việt Nam với thế giới phương Tây. Trong tầng lớp sĩ phu lúc bấy giờ có ba thái độ ứng xử chủ yếu:

Một là, phủ nhận tuyệt đối văn minh phương Tây, xuất phát từ lòng yêu nước chống ngoại xâm và phần nào đó cũng ảnh hưởng của tính bảo thủ, nệ cổ, trì trệ của tư tưởng Nho giáo, chống lại sự giao thoa văn hóa phương Đông - Tây. Thái độ này lụi tàn dần cùng nền văn hóa giáo dục cũ.

Hai là, bộ phận đầu hàng thực dân về chính trị, cố học lấy một ít chữ Pháp, chữ quốc ngữ và văn hóa Pháp rồi ra làm quan cho chính quyền thực dân, trở thành những ông Tây, bà đầm An Nam. Đây là sự chấp nhận đồng hóa một cách tiêu cực.

Ba là, tiếp nhận có chọn lọc, có mức độ văn minh phương Tây kết hợp với việc canh tân văn hóa nước nhà.

2.2.4.3. Những biến đổi văn hóa và những trào lưu cải cách ở Việt Nam

* Hệ tư tưởng

Sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa giữa Việt Nam từ năm 1858 - 1945 diễn ra trong một thời kỳ đầy biến động lớn về tư tưởng và chính trị.

Ở Việt Nam, cuối thế kỷ XIX đã có những cuộc vận động cải cách đất nước với những gương mặt quen thuộc như Nguyễn Hiệp, Lê Đỉnh, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Trường Tộ.

Tư tưởng dân chủ tư sản: Hệ tư tưởng này vào Việt Nam đã cảnh tỉnh và thu phục một số nhà nho, khiến họ đã từ biệt hệ tư tưởng quen thuộc của bao thế hệ trước. Phan Bội Châu là một nhân chứng tiêu biểu. Ông là nhà chính trị có ước nguyện giành độc lập dân tộc. Phan Bội Châu (1867 - 1940) Đã chuyển từ tư tưởng quân chủ (thể hiện ở Duy Tân Hội) Sang tư tưởng dân chủ (thể hiện ở Việt Nam Quang Phục Hội).

Tư tưởng dân chủ tư sản đã có ảnh hưởng quan trọng đến văn hóa Việt Nam. Dưới ảnh hưởng của làn sóng Tân thư và Tân văn Trang Quốc, đã dẫn đến sự ra đời của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục do các nhà nho Lương Văn Can, Nguyễn Quyền lập ra.

Cùng với việc ra đời các giai cấp tư sản, tiểu tư sản, sự phát triển của hệ thống giáo dục Pháp - Việt đã tạo ra nhiều trí thức mới, đông đảo hơn, khiến tư tưởng tư sản vào Việt Nam đã có chiều sâu.

Tư tưởng xã hội chủ nghĩa: Việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam gắn liền với việc hình thành phong trào Cộng sản Việt Nam, thông qua các tổ chức yêu nước. Về mặt chính trị, chủ nghĩa Mác - Lênin là cẩm nang giúp cho người Việt Nam giải phóng dân tộc.

* Văn hóa

+ Văn hóa vật chất

Với mục đích khai thác thuộc địa, ngay từ đầu, người Pháp đã triển khai phát triển đô thị, công nghiệp và giao thông.

Sự phát triển của đô thị dẫn đến sự phát triển của kiến trúc đô thị. Các kiến trúc kiểu Tây phương được đưa vào Việt Nam, và được Việt Nam hóa.

Sự xuất hiện bộ Âu phục của nam giới, áo dài tân thời của phụ nữ được cải tiến từ chiếc áo dài truyền thống, những kiểu nhà Tây nhiều tầng với những tiện nghi phù hợp, với lối sống đô thị, những phương tiện giao thông mới có nguồn gốc phương Tây (các loại xe có động cơ như ô tô, tàu điện, xe lửa, tàu xuồng máy…).

+ Văn hóa tinh thần

Báo chí Việt Nam ra đời ở Sài Gòn trước tiên. Khởi điểm để báo chí ra đời là từ ý đồ của thực dân Pháp: Cần có một thứ vũ khí nhằm tuyên truyền cho chính quyền thuộc địa.

Sài Gòn là một nơi đi đầu về báo chí cả nước vì ở đó đã có nhà in do Pháp đưa vào. Sang đầu thế kỷ XX, báo mới lan ra Bắc.

Văn học nghệ thuật, tình yêu nước là nét nổi bật của thơ văn yêu nước thời kỳ này. Nói khác đi, văn học nửa sau thế kỷ XIX đã đi vào cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược.

Sụ giao lưu tiếp xúc văn hóa Đông - Tây đã tác động một cách khách quan đến văn học, khiến nền văn học nước nhà thời kỳ này có dáng vẻ mới. Nghề văn, khi từ Nam ra Bắc, đã thực sự có bước chuyển mình. Đó là sự thay đổi cả về số lượng lẫn chất lượng nghệ thuật. Quan trọng nhất là đã có một sự cách tân về quan niệm văn học, về nghề văn và phương pháp sáng tác.

Năm 1943, Đảng cộng sản Đông Dương đưa ra đề cương về “Cách mạng văn hóa Việt Nam” với ba nguyên tắc hành động: “Dân tộc, khoa học và đại chúng” đã được tất cả các ngành nghệ thuật quán triệt, kể cả văn học. Bản đề cương đã tạo điều kiện trong vấn đề giải quyết giữa truyền thống và hiện đại cho nền văn học trung đại bước sang thời hiện đại.

Một trong những kết quả của giao lưu, tiếp xúc và thâu nhận văn hóa phương Tây ở nước ta là sự xuất hiện các loại hình nghệ thuật mới, có nguồn gốc phương Tây.

Tóm lại, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, gần 100 năm, văn hóa Việt Nam từ thành thị đến nông thôn có những biến thiên ghê gớm từ văn hóa vật chất đến văn hóa tinh thần. Tất cả đều đi tới hòa nhập với thế giới hiện đại.

2.2.5. Văn hóa Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay

2.2.5.1. Bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa

Cách mạng tháng Tám là một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử Việt Nam, làm thay đổi toàn diện xã hội Việt Nam trong mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

Mặc dù sau cách mạng tháng Tám năm 1945, Việt Nam tiếp tục trải qua cuộc kháng Pháp lần thứ hai, và cuộc chiến tranh gay gắt với đế quốc Mĩ nhưng trong suốt thời gian đó Đảng ta vẫn giành mối lưu tâm lớn cho văn hóa. Cụ thể là, quán triệt và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng ta đã có một sự định hướng đúng đắn đối với vấn đề phát triển văn hóa. Đó là kết hợp những nguyên tắc cách mạng với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Ngay từ năm 1943, Đảng đã công bố Đề cương văn hóa Việt Nam với ba tiêu chí lớn: Khoa học, dân tộc, đại chúng. Đó là định hướng quan trọng cho sự ra đời của nền văn hóa mới ở giai đoạn sau năm 1945.

Từ Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 đến nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương khóa VIII, vấn đề văn hóa trong quá trình phát triển đất nước ngày càng được quan tâm sâu sắc và nhận thức thấu triệt hơn. Đồng thời sự lãnh đạo sâu sắc, kịp thời của Đảng đã khiến văn hóa Việt Nam từ năm 1945 đến nay có bước phát triển vượt bậc.

2.2.5.2. Xu hướng biến đổi và phát triển của văn hóa Việt Nam từ năm 1945 đến nay

Sự chuyển đổi của cấu trúc văn hóa Việt Nam từ truyền thống sang hiện đại, được quyết định bởi sự chuyển đổi của xã hội Việt Nam từ một xã hội nông nghiệp cổ truyền sang một xã hội phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong hoàn cảnh hội nhập vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thế giới. Sự chuyển đổi này diễn ra theo ba hướng:

-Kế thừa và phát huy các giá trị của văn hóa tryền thống;

-Tiếp nhận những giá trị văn hóa thế giới để làm giàu và phong phú văn hóa dân tộc bằng những tài sản văn hóa nhân loại và hội nhập được vào thế giới hiện đại;

-Phát triển các hoạt động sáng tạo văn hóa mới theo phương hướng kết hợp những giá trị truyền thống với những giá trị văn hóa hiện đại thế giới.

Cấu trúc văn hóa hiện đại Việt Nam còn mang tính chất là một cấu trúc mở, luôn có sự giao lưu, trao đổi với những nền văn hóa khu vực và thế giới. Do đó, một mặt nó sẽ không ngừng được làm phong phú hơn bằng cách tiếp nhận những giá trị mới, mặt khác những giá trị đã có của nó cũng luôn luôn có khả năng điều chỉnh cho phù hợp với những biến đổi nhanh chóng của xã hội hiện đại.

2.2.5.3. Một số thành tựu

Khoảng thời gian hơn nửa thế kỷ qua của văn hóa Việt Nam đã đánh dấu những thay đổi lớn lao trong đời sống văn hóa dân tộc. Tuy vậy, nó lại là một giai đoạn còn đang chịu sự thử thách của thời gian, nên những đánh giá các đặc điểm và thành tựu của nó sau đây chỉ ở mức đầu.

Trước hết, điều dễ nhận thấy nhất là sự phát triển của văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp: Hoạt động văn hóa được chuyên nghiệp hóa, khẳng định rõ hơn bản sắc văn hóa dân tộc và sự tiếp cận với xu thế hiện đại của thời đại\

Đặc điểm thứ hai là việc xây dựng một hệ thống giáo dục hoàn chỉnh.

Thứ ba, các giá trị văn hóa truyền thống được chú trọng kế thừa, nâng cao và phát triển: Nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, mĩ thuật dân gian được khôi phục, bảo tồn, chỉnh lí, cải biên. Các lĩnh vực văn hóa dân gian được khai thác. Việc nghiên cứu văn hóa bác học đạt được nhiều thành tựu đáng kể.

Thứ tư là giao lưu văn hóa ngày càng mở rộng.

Tóm lại, văn hóa Việt Nam giai đoạn từ 1945 đến nay so với diễn trình lịch sử văn hóa dân tộc thì chỉ là một khoảng thời gian ngắn, nhưng đã đạt được những thành tựu rất đỗi tự hào, tiếp nối mạch phát triển của văn hóa dân tộc.

Câu hỏi ôn tập chương 2:

1. Phân tích những điều kiện hình thành văn hóa Việt Nam?

2. Hãy làm sáng tỏ sự phân kỳ lịch sử văn hóa Việt Nam?

3. Kể tên các nền văn hóa Khảo cổ học ở Việt Nam. Trình bày một nền văn hóa Khảo cổ mà anh (chị) Ấn tượng nhất?

4. Phân tích nền văn hóa Đông Sơn?

5. Quá trình tiếp biến văn hóa của văn hóa Việt Nam thời Bắc thuộc?

6. Trình bày văn hóa Đại Việt thời Lý – Trần?

7. Trình bày đặc điểm văn hóa Đại Việt thời Lê Sơ?

8. Trình bày đặc điểm văn hóa Việt Nam từ thế kỷ XVI đến năm 1858?

9. Quan hệ giữa các yếu tố nội sinh và ngoại sinh trong văn hóa Việt Nam từ năm 1858 đến 1945?

10. Suy nghĩ của anh (chị) Về những hiện tượng văn hóa mới ở Việt Nam từ năm 1975 đến nay?

CHƯƠNG III: MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM VĂN HÓA VIỆT NAM


3.1. Đa dạng trong thống nhất của văn hóa Việt Nam

3.1.1. Sắc thái văn hóa địa phương

Sắc thái văn hóa địa phương hay còn được gọi là vùng văn hóa, theo kết quả nghiên cứu hiện nay, nước ta có 6 vùng văn hóa là:

* Vùng văn hóa Việt Bắc

* Vùng văn hóa Tây Bắc

* Vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ

* Vùng văn hóa Trung Bộ

* Vùng văn hóa Trường Sơn Tây Nguyên

* Vùng văn hóa Nam Bộ

3.1.2. Sắc thái văn hóa tộc người

Theo thống kê thành phần tộc người thì nước ta có 54 dân tộc với những sắc thái và bản sắc văn hóa dân tộc hết sức đa dạng. Sắc thái văn hóa tộc người được thể hiện trên ba cấp độ: Văn hóa nhóm ngôn ngữ tộc người, văn hóa tộc người, văn hóa nhóm địa phương tộc người.

3.1.2.1. Văn hóa nhóm ngôn ngữ tộc người

Việc phân chia các tộc người vào các nhóm ngôn ngữ cơ bản dựa vào cứ liệu ngôn ngữ và để nghiên cứu mối quan hệ về nguồn gốc và mối quan hệ ngôn ngữ. Tuy nhiên, ngôn ngữ cũng là một bộ phận văn hóa tộc người, nếu không muốn nói là bộ phận rất quan trọng. Mặt khác, từ mối quan hệ nguồn gốc ngôn ngữ, cũng tạo nên những tương đồng về đời sống văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của các tộc người.

* Nhóm văn hóa ngôn ngữ Việt – Mường

* Nhóm văn hóa ngôn ngữ Môn – Khơ me

* Nhóm văn hóa ngôn ngữ Tày – Thái

* Nhóm văn hóa ngôn ngữ Mông – Dao

* Nhóm văn hóa ngôn ngữ Mã Lai - Đa Đảo

* Nhóm văn hóa ngôn ngữ Hán

* Nhóm văn hóa ngôn ngữ Tạng – Miến

* Nhóm văn hóa ngôn ngữ Ka Đai.

3.1.2.2. Văn hóa tộc người

Văn hóa tộc người là một tổng thể các yếu tố: Văn hóa sản xuất, văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần, văn hóa xã hội, mà cụ thể hơn là tiếng nói, lối sống, phong cách sống, cách ứng xử với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, giữa con người với con người, giữa con người với cộng đồng, là sắc thái tâm lý, tình cảm, quan niệm về cái chân, thiện, mỹ, quan niệm về vũ trụ, về nhân sinh, là tập quán trong sinh hoạt đời thường, trong chu kỳ của một đời người, là nghi lễ, tín ngưỡng… của tộc người.

Những yếu tố này được hình thành trong lịch sử, có tính chất đặc thù, bền vững, ổn định, được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nó không bất biến mà luôn thay đổi và phát triển, hoàn thiện không ngừng trong điều kiện mới, cùng với sự phát triển của tộc người, trải qua sự mở rộng của giao lưu văn hóa; Tuy nó phát triển nhưng cái cốt lõi của nó vẫn được duy trì. Những yếu tố này làm nên sắc thái văn hóa tộc người, nó là biểu hiện bên ngoài của bản sắc văn hóa dân tộc, là cái tiềm ẩn vào bên trong con người và tộc người, ngũ quan con người không cảm thụ được, dường như vô hình nhưng nó có mãnh lực làm cho con người ta phân biệt dân tộc này với dân tộc khác, văn hóa tộc người này với văn hóa tộc người khác. \

3.1.2.3. Văn hóa nhóm địa phương tộc người

Việc phân biệt một tộc người nhất định chia thành các nhóm địa phương thường dựa vào các đặc điểm sau:

a) Theo màu sắc trang phục: Dao Đỏ, Dao Quần trắng, Mông Đen, Mông Trắng, Mông Đỏ, Mông Xanh, Mông Hoa, Thái Đen, Thái Trắng, Cờ Lao Đỏ, Cờ Lao Trắng, Cờ Lao Xanh, Phù Lá Đen, Phù Lá Trắng, Phù Lá Hoa…

b) Đặc điểm của y phục và khăn đội đầu: Dao Quần chẹt, Dao áo dài, Dao

Tiền.

c) Đặc điểm cư trú: Xinh Mun Dạ (dưới), Xinh Mun Nghẹt (trên); Mảng Gừng (trên cao), Mảng Lệ (ở thấp).

d) Thời gian chuyển cư (trước, sau, sớm, muộn): Dao Lô (Lù) Gang (Dao đến sau).

e) Đặc điểm kinh tế: Mnông rolăm (nhóm Mnông ở thấp làm ruộng nước).

f) Gắn liền với địa danh: Bru – Vân Kiều, Chăm Châu Đốc.

Về sự khác biệt giữa các nhóm địa phương trong cùng một tộc người, trước hết phải kể đến các phương ngữ, hoạt động kinh tế; Và cuối cùng là trong văn hóa, càng xa nhau lâu năm thì những yếu tố văn hóa chung càng phai nhạt dần, trong khi đó, thông qua giao lưu lại tiếp thu các yếu tố văn hóa mới của các tộc người khác.

3.2. Văn hóa Việt Nam – Những giá trị đặc trưng

3.2.1. Chủ nghĩa yêu nước, anh hùng

Đây là giá trị nổi bật xuyên suốt các thời kỳ lịch sử văn hóa dân tộc.

Tinh thần yêu nước của người Việt Nam được thử thách liên tục, từ buổi sơ khai dựng nước cho đến tận ngày nay.

Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam truyền thống có trong mối liên kết giữa Nhà với Làng với Nước. Nhà là biểu hiện đầu tiên, là điểm xuất phát và cũng là chỗ trở về trong mục đích hòa đồng để phát triển của Nước. Làng là sự mở rộng của Nhà và Nước là sự mở rộng và tập hợp của các làng mà thành.

Người Việt Nam càng yêu nước càng thể hiện rõ bản chất anh hùng của mình. Anh hùng Việt Nam phần lớn đều là những con người bình thường, không hẳn phải có tài thao lược, họ là những anh hùng hữu danh và vô danh, mang trong mình nhiệt huyết “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Những sự tích ấy không những được ghi chép trong sử sách mà đặc biệt được ghi tạc trên núi sông. Từ Móng Cái đến mũi Cà Mau, không có địa phương nào không có di tích nhắc lại những cuộc chiến đấu oanh liệt giành quyền sống của bao thế hệ. Đền đài, miếu mạo thờ các vị đều dựng ở chỗ sơn thanh thủy tú, hằng năm mở hội hè đình đám thu hút hàng vạn người đến chiêm ngưỡng. Cũng chính ở những nơi ấy có những công trình kiến trúc, công trình mỹ thuật quý giá nhất, tiêu biểu cho tài năng, trí tuệ của ta.

3.2.2. Chủ nghĩa nhân đạo

Thương người, vị nghĩa là sự cao quý của tư tưởng và tâm hồn Việt Nam, là giá trị nhân cách của con người Việt Nam. Người Việt Nam cư xử hợp tình hợp lí, không để mang tiếng “bất cận nhân tình”, “cạn tàu ráo máng”. Trong cuộc sống, chúng ta không tha thứ chuyện phụ tình phụ nghĩa, đổi trắng thay đen mà rất trọng những người thủy chung, trọn nghĩa vẹn tình. Đó là đạo đức của người Việt Nam trong việc xử thế.

Vì yêu thương con người nên ông cha ta không phân biệt đẳng cấp, giàu nghèo, ai cũng bình đẳng với nhau, yêu thương lẫn nhau, đoàn kết với nhau tạo thành sức mạnh để chống thiên tai địch họa. Nhưng ông cha ta lại rạch ròi giữa người thiện và người ác.

Khi xã hội có sự phân chia giai cấp mạnh mẽ thì thương người tức là thương dân, bởi vì dân là những người cực khổ, lầm than nhất, đứng về phía nhân dân chống lại những kẻ thuộc giai cấp thống trị đàn áp, hãm hại nhân dân.

3.2.3. Tinh thần dân tộc

Nếu như tinh thần yêu nước đóng vai trò tích cực trong việc bảo vệ lãnh thổ, thì tinh thần dân tộc lại đóng vai trò chủ yếu trong việc bảo vệ dân tộc khỏi bị họa diệt vong, bảo vệ nền văn hóa dân tộc giữ được bản sắc riêng. Suốt một thời gian dài mười thế kỷ, từ khi triều đình Hán sang xâm lược đến năm 938, người Việt Nam chúng ta không bị đồng hóa với người Hán, mặc dù chính sách của Hán, của Đường là đồng hóa người Việt Nam, đưa người sang ở lẫn lộn, thay đổi phong tục tập quán từ cách ăn mặc cho đến cách dựng vợ gả chồng. Chúng dựng học hiệu, dạy lễ nghĩa, bắt cha ông ta học chữ của chúng, theo ý thức hệ của chúng. Lịch sử từng cho biết trong sự đấu tranh sinh tồn, nhiều dân tộc đã bị đồng hóa, nhiều quốc gia bị thôn tính vĩnh viễn, ấy thế mà nước Việt Nam vẫn tồn tại, nền văn hóa Việt Nam vẫn giữ được màu sắc dân tộc, mặc dù sự đô hộ của người Trung Hoa là tàn bạo, chính sách đồng hóa của người Trung Hoa là kiên trì.

Trong đời sống vật chất và tinh thần của người Việt Nam vẫn nổi lên một bản sắc riêng, không trộn lẫn với người Trung Quốc.

3.2.4. Tinh thần lao động sáng tạo

Trong lao động, người Việt Nam cần cù và thông minh. Đất nước

Trong quá trình khai thác tự nhiên, chúng ta phải lấy khối óc mà nhận xét, phán đoán để chinh phục thiên nhiên để lao động theo quy luật của thiên nhiên.

Để có đủ cơm ăn áo mặc, nhà ở, vật dùng, ông cha ta cũng làm bách nghệ và nhờ lao động cần cù và trí thông minh, nghề nào cũng trở nên thành thạo, khéo léo, tài tình. Với dụng cụ đơn sơ, nhẹ nhàng, qua bàn tay khéo léo, sự kiên nhẫn, khiếu thẩm mỹ, các sản phẩm của nghề thủ công Việt Nam được tạo ra vô cùng tinh xảo và ích dụng.

Lao động chân tay mà thể hiện tài năng nghệ thuật đặc biệt là lao động ở lĩnh vực tạc tượng và xây dựng đình chùa, cung điện, đền đài.. . ngày nay, chúng ta còn được chiêm ngưỡng pho tượng Quan Âm nghìn tay nghìn mắt, tượng đồng đen chùa Quan Thánh, các pho tượng La Hán chùa Tây Phương, các bức chạm ở các đình chùa miền Bắc, các cung điện, lăng tẩm ở Huế… Chúng đều là những tác phẩm nghệ thuật khiến người xem khâm phục.

3.2.5. Tinh thần lạc quan, yêu đời

Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách, cha ông ta vẫn rất yêu đời, tin ở tương lai, tin tưởng có thể xây dựng được một cuộc sống tươi đẹp hơn. Đó là tinh thần lạc quan của người lao động.

Tinh thần lạc quan giúp cho cha ông ta rèn luyện ý chí kiên cường trong lao động, trong cuộc chiến đấu chống thiên nhiên và kẻ thù. Họ chịu thương chịu khó làm nên bát cơm manh áo nuôi cả xã hội nhưng không bao giờ bi quan đối với cuộc sống, kể cả khi cuộc sống nặng nề, tưởng không chịu được. Bài hát cổ: “Trâu ơi ta bảo trây này, Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta…” thật ra không phải là nói với con trâu mà là lòng tự nhủ lòng của người nông dân. Cũng như câu “Rủ nhau đi cấy đi cày, Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu” hoặc “Ngày nay nước bạc ngày sau cơm vàng” đều phản ánh tinh thần lạc quan của người lao động tin tưởng ở tương lai, tin tưởng ở thành quả sức lao động mình bỏ ra. Cũng như câu tục ngữ: “trời sinh voi, trời sinh cỏ” hoặc câu ca dao “Non cao cũng có đường đèo, Đường dầu hiểm nghèo cũng có lối đi” là những câu tự an ủi, tự khuyến khích trong bước khó khăn để không nản lòng. Có thế chúng ta mới lấy “tiếng hát át tiếng bom” được, không chịu khuất phục trước sự tàn bạo của đế quốc Mỹ và cuối cùng đã giành được thắng lợi hoàn toàn, làm cho cả thế giới đều kinh ngạc.

Câu hỏi ôn tập chương 3:

1. “Việt Nam là một Đông Nam Á thu nhỏ”. Dựa vào hiểu biết về văn hóa tộc người, anh (chị) Hãy làm sáng tỏ câu nói trên?

2. Phân tích tính đa dạng của văn hóa Việt Nam (lấy dẫn chứng từ văn hóa vùng)?

3. Trình bày những đặc trưng cơ bản của văn hóa Việt Nam? Phân tích một trong những đặc trưng ấy?

4. Với tư cách là một sinh viên chuyên ngành Văn hóa học, anh (chị) Sẽ làm gì để bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử văn hóa Việt Nam?


Nội dung bài giảng


Chương 1: Lịch sử văn hóa Việt Nam – Đối tượng và phương pháp tiếp cận (10 tiết)

1.1. Khái niệm lịch sử văn hóa

1.1.1. Khái quát về văn hóa

1.1.2. Về môn học Lịch sử văn hóa Việt Nam

1.2. Đối tượng và phương pháp tiếp cận

1.2.1. Đối tượng nghiên cứu

1.2.2. Phương pháp tiếp cận

Chương 2: Văn hóa Việt Nam – Sự hình thành và phát triển (20 tiết)

2.1. Điều kiện hình thành văn hóa Việt Nam

2.1.1. Điều kiện về tự nhiên

2.1.2. Điều kiện về chủ thể

2.1.3. Điều kiện về lịch sử xã hội

2.2. Phân kỳ lịch sử văn hóa Việt Nam

2.2.1. Văn hóa Việt Nam thời tiền sử và sơ sử

2.2.2. Văn hóa Việt Nam đầu công nguyên

2.2.3. Văn hóa Đại Việt từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX

2.2.4. Văn hóa Việt Nam từ 1858 đến năm 1945

2.2.5. Văn hóa Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay

Chương 3: Một số đặc điểm văn hóa Việt Nam (15 tiết)

3.1. Đa dạng trong thống nhất của văn hóa Việt Nam

3.1.1. Sắc thái văn hóa địa phương

3.1.2. Sắc thái văn hóa tộc người

3.2. Văn hóa Việt Nam – Những giá trị đặc trưng

3.2.1. Chủ nghĩa yêu nước, anh hùng

3.2.2. Chủ nghĩa nhân đạo

3.2.3. Tinh thần dân tộc

3.2.4. Tinh thần lao động sáng tạo

3.2.5. Tinh thần lạc quan yêu đời

4.2. Hình thức tổ chức dạy học:



TÀI LIỆU THAM KHẢO 

1. Đào Duy Anh (2000), Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Văn hóa – Thông

2. Phan Đại Dõng (2004), Mấy vấn đề văn hóa làng xã Việt Nam trong lịch sử

3. Ngô Văn Doanh (1994), Văn hóa Chăm Pa, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà

4. Bùi Huy Đáp, Nguyễn Điền (1996), Nông nghiệp Việt Nam từ cội nguồn đến đổi mới, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội

5. Nguyễn Công Bình, Lê Xuân Diệm, Mạc Đường (1990), Văn hóa và cư dân đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội

6. Vũ Khiêu (chủ biên), Nho giáo xưa và nay, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội

7. Phan Khoang (2000), Việt sử xứ Đàng trong, Nxb Văn học, Hà Nội

8. Hữu Ngọc (1995) (chủ biên), Từ điển văn hóa cổ truyền Việt Nam, Nxb Thế giới, Hà Nội

9. Nguyễn Quang Ngọc (1995) (chủ biên), Tiến trình lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội

10. Phan Ngọc (2000), Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội

11. Li Tana (1990), Xứ Đàng trong, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh

12. Trần Từ (1994), Cơ cấu tổ chức của làng Việt Bắc Bộ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội

13. Nguyễn Tài Thư (1993) (chủ biên), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội

14. Nguyễn Khắc Thuần (2004), Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam, 5 tập, Nxb Giáo dục, Hà Nội

15. Trần Quốc Vượng (2000), Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội





Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

sách giáo trình công nghệ thông tin pdf doc - sách tham khảo

[-] Mục Lục 1 kế toán doanh nghiệp với visual basic https://ambn.vn/product/35662/ke-toan-doanh-nghiep-voi-visual-basic.html Những kiến thức cơ bản về kế toán như biểu mẫu, báo cáo, sổ sách chứng từ kế toán đã được trình bầy ở những bộ sách trước cùng tác giả, và coi như ở tập sách này là bạn đã nắm rõ về microsoft access và visual basic. Trong sách này, sẽ hướng dẫn bạn thêm khi thiết kế các giao diện nhập dữ liệu, xử lý và báo cáo trong chương trình kế toán, hiểu rõ những kỹ thuật và công cụ lập trình nâng cao và dễ dàng thiết kế thành công một chương trình quản lý kế toán doanh nghiệp bằng Visual Basic 2. lập trình cơ sở dữ liệu visual basic sql server https://ambn.vn/product/35577/lap-trinh-co-so-du-lieu-visual-basic-sql-server.html Cuốn sách này cung cấp cho người học những thông tin chi tiết cảu các công cụ kỹ thuật hiện nay như ADO, ADO MD và ADOX, MSDE, .. SQL Namespace.. Mục tiêu cuốn sách là cung cấp các kiến thức ở mức độ chuyên sâu những công cụ mà kết hợp giữa

Đề tài: Hoạt động marketing của công ty cổ phần bút bi Thiên Long

Đề tài: Hoạt động marketing của công ty cổ phần bút bi Thiên Long Mục Lục Lời mở đầu Chương I : Phân tích kết quả kinh doanh của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long I. Kết quả kinh doanh của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long trong thời gian qua II.Đánh giá hoạt động marketing của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long thời gian qua Chương II : Phân tích môi trường marketing của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long I. Phân tích môi trường marketing vĩ mô II.Phân tích môi trường marketing vi mô III. Phân tích môi trường marketing nội bộ IV. Phân tích swot Chương III. Phân đoạn thị trường của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long với sản phẩm bút bi Thiên Long I. Vị trí hiện tại của doanh nghiệp II. Xác định đối tượng khách hàng hay thị trường cần phân đoạn III. Phân chia thị trường theo những tiêu thức thích hợp IV. Đánh giá tiềm năng của các đoạn thị trường V. Lựa chọn các phương thức marketing nhằm khai thác các đoạn thị trường mục tiêu Chương IV. Xác định chiến lược M

CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KẾT QUẢ HỌC TẬP CỦA HỌC SINH TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRỲ TỈNH CAO BẰNG

LUẬN VĂN THẠC SĨ: CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KẾT QUẢ HỌC TẬP CỦA HỌC SINH TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRỲ TỈNH CAO BẰNG HỌC VIÊN: BẾ THỊ DIỆP – HƯỚNG DẪN KH: TS. NGUYỄN THỊ TUYẾT CHUYÊN NGÀNH: ĐO LƯỜNG VÀ ĐÁNH GIÁO TRONG GIÁO DỤC MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 2. Mục đích nghiên cứu của đề tài 3. Giới hạn nghiên cứu của đề tài 4. Phương pháp nghiên cứu 5. Câu hỏi nghiên cứu, giả thuyết nghiên cứu 6. Khung lý thuyết của đề tài 7. Khách thể và đối tượng nghiên cứu Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 1.1. TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 1.1.1. Các công trình nghiên cứu ở nước ngoài 1.1.2. Các công trình trong nước 1.2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN 1.2.1. Hoạt động học tập trong nhà trường 1.2.2. Loại hình nhà trường PTDTNT 1.2.3. Đặc trưng học sinh THPT DTTS 1.2.4. Các khái niệm công cụ của đề tài 1.3. KẾT LUẬN CHƯƠNG Chương 2: TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU 2.1. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1.1. Tổng thể