Chuyển đến nội dung chính

BẠCH ĐÀN VI VÚT

TRUYỆN NGẮN



BẠCH ĐÀN VI VÚT



Những ánh nắng cuối ngày đã nhạt dần, trời cũng nhá nhem tối mà những người đi trên con đường mòn dẫn vào làng vẫn thấy lão Tự đang cặm cụi ngồi bên mấy ngôi mộ. Người ta gọi lão là lão gàn vì có công việc, có nhà cửa, vợ con đàng hoàng ở trong xóm không ở, tự nhiên đi ra cái chốn hoang lạnh đó để ở với người âm.

truyện ngắn bạch đàn vi vútCó một dạo người làng đồn lão bị điên, rồi lão bị bệnh nên vợ con mới không cho ở cùng và đuổi ra đó nhưng thấy vợ con lão thỉnh thoảng vẫn ghé thăm, hàng tuần lão vẫn về nhà thì những lời đồn thổi ấy dần dần chìm xuống. Người ta cũng quen dần với hình ảnh của một người đàn ông già nua ngày ngày chăm chút cho những ngôi mộ xếp thành từng hàng, từng hàng thẳng tắp.

Mỗi sáng lão dậy sớm, tưới nước cho hết các bồn cây trong khuôn viên của khu nghĩa trang. Những ngôi mộ vô danh được lão chăm chút kỹ hơn, bên cạnh bát hương là hai chậu hoa nhỏ, khi thì cúc vạn thọ nở hoa vàng rực, khi thì là những khóm cúc bách nhật nở hoa tím rịm, phủ lòa xòa xuống như che mát cho những người nằm ở dưới. Không hiểu sao, khóm nào cũng rực rỡ, cũng xum xuê. Ngày rằm, mùng một lão lại đốt hương cho từng ngôi mộ rồi xì xụp khấn vái. Lão bảo “Chẳng biết họ ở đâu, người thân của họ có muốn đến cũng không biết chỗ mà tìm, thôi thì mình chăm chỉ thắp hương cầu khấn để họ được ấm áp, biết đường mà tìm về với người thân”.

Lão kể, cái nghĩa trang này ngày xưa là một cái đồi, chiến tranh qua đi, ngôi làng hoang sơ của lão hứng chịu bao vết thương, cũng có nhiều người đã hy sinh, có người được đồng đội, người thân tìm thấy nhưng cũng có những người ngã xuống nhưng mãi mãi vô danh bởi chẳng có một thông tin, một dòng địa chỉ. Tất cả những ngôi mộ ấy được đưa về đây, người làng bảo chỗ này cao ráo thoáng mát nhất làng nên để các anh nằm ở đó, các anh sẽ thấy được tứ phía biết đường mà tìm về nhà. Nhưng rồi người ta cũng dần quên, những ngôi mộ với những tấm bia đá nhuộm màu thời gian, nhiều bia chữ đã mờ, chẳng ai chăm sóc, cỏ mọc lút đầu. Mỗi ngày đi làm qua đó lão đều nhìn vào thấy sao nó âm u, hoang lạnh quá.

Ngày đó lão làm bảo vệ cho một công ty sản xuất giày da trên thị trấn, hôm thì trực ca ngày, hôm trực ca đêm, ngày nào trước khi đi lão cũng dắt theo chiếc dao rựa được gói cẩn thận trong chiếc bao tải buộc ở sau xe. Ngày nào đi làm về lão cũng ghé nghĩa trang để phát quang bụi rậm, cỏ lác. Nếu ai hỏi thì lão bảo cắt cỏ về làm chất đốt. Nhưng lão cắt rồi để đó thành từng lớp cỏ khô chứ có bao giờ thấy lão mang thứ gì về nhà. Có người can ngăn lão nói đừng phạm vào khu đó, ở đó toàn những linh hồn không biết đường về, mình vào họ sẽ theo mình về nhà. Nhưng lão bỏ ngoài tai những lời đồn đoán. Mặc kệ những lời phàn nàn của vợ con, ròng rã mấy tháng cả khu đồi thông thoáng hơn hẳn, còn lão thì gầy rộc đi trông thấy. Khuôn mặt hốc hác, hai hố mắt trũng sâu. Vợ lão bảo “Ông đừng ra ngoài nghĩa trang nữa, nghĩ dại, lỡ ra”. “Việc gì mà bà phải lo, mình làm việc tốt các anh chẳng quở mình đâu” - lão trả lời. Người làng thì bảo lão bị những vong hồn vô danh ám nên mới tiều tụy như thế. Lão mặc kệ, mỗi lần lão đi qua, những hàng cây bạch đàn được trồng từ nhiều năm trước đó, không còn bị những cây tầm gửi, những thân cỏ mềm quấn chân, vươn mình, vi vu trong gió như đang vẫy vẫy chào lão.

Đùng một cái lão tuyên bố với vợ con sẽ nghỉ việc ở công ty sản xuất giày da. Vợ lão bảo: “Ông định làm gì? ”.

Lão im lặng không nói gì, nhưng hôm sau lão ở nhà thật. Sáng lão lấy xe đạp đi một lát rồi về, chiều còn nắng chang chang, úp vội chiếc mũ cối lên đầu lão lại đi tiếp, lúc về mặt lão đỏ gay, mồ hôi lấm tấm đầy trán. Vợ hỏi:

- “Ông đi đâu mà hớt hải vậy? “.

- “Đi lên huyện” - lão đáp cụt lủn.



Vợ lão thở dài không nói gì. Dạo gần đây lão ngủ không ngon giấc, đêm nào cũng trằn trọc, có những đêm đang ngủ lão giật mình rồi thức trắng cả đêm. Lão bảo cứ nằm xuống là nghe thấy những tiếng trò chuyện rì rầm, có người kêu lão dậy.. . Lão bảo hay là các anh muốn lão ra đó ở cùng cho ấm áp. Vợ lão vừa thấy sợ hãi, vừa thấy hoang mang.

Vậy hóa ra lão định ra đó thật.

Lão đi lên huyện mấy lần nhưng người ta không đồng ý cho lão ra đó, người ta bảo khu đó lâu nay vẫn để thế có sao đâu, người ta sợ lão ra đó chỉ là cái cớ để chiếm dụng đất đai vì đó là khu đất đồi đẹp nhất, nằm ở trục đường chính, tương lai thị trấn sẽ lên thị xã con đường này sẽ khang trang to đẹp lắm. Lão một mực cãi, lão nào có biết đến cái gọi là quy hoạch nào đó của chính quyền, vậy mà người ta quy chụp lão như thế.

Lão buồn lắm. Nhưng ở nhà mãi cũng chán, lão lại đạp xe ra khu nghĩa trang. Mấy chiếc cọc, một ít đất trộn rơm, một ít lá cọ, lão dựng thành túp lều nho nhỏ. Chiếc chõng tre đặt ngay ngắn ở góc nhà. Đêm đầu tiên ngủ quyết định ở lại đó lão cũng thấy chên chợn, nhưng sao đêm đó lão ngủ ngon đến thế.

Sáng sớm thức dậy lão thấy người khỏe khoắn, sảng khoái hơn hẳn. Lão nghe thấy cả tiếng chim lích chích trên những tán bạch đàn.

Lão ở đó được mấy hôm thì người ở trên huyện xuống. Họ ngồi chật cả một chiếc ô-tô bảy chỗ. Những chiếc áo trắng tinh được đóng thùng thẳng thớm. Trên tay là những chiếc cặp da mầu đen cũng bóng lộn. Họ đi phăm phăm về phía túp lều của lão. Lúc đó lão đang trồng hoa trên mấy ngôi mộ, thấy có người đến, lão dừng tay, đi về phía họ. Tiếng của ông chủ tịch sang sảng: - “Ông Tự, ông Tự đâu rồi, tôi đã nói là không được dựng nhà trái phép ở đây sao ông vẫn làm”.



Lão Tự im lặng không nói gì, ông chủ tịch càng điên tiết, sai nhân viên châm lửa đốt cái chòi. Lão Tự thư thả nhả từng chữ: - “Đây là chốn linh thiêng, xin đừng phạm đến các anh”.

Mấy người đi cùng ông chủ tịch huyện nghe vậy cũng chùn bước, họ đã nghe nhiều lời đồn thổi về khu nghĩa trang này, họ cũng đã biết lão Tự nhiều năm tận tay chăm sóc, hương hỏa cho những linh hồn vô danh ở đây mà không vì bất cứ danh lợi nào. Họ còn đang lừng khừng người này nhìn người kia, thì ông chủ tịch huyện giật chiếc hộp quẹt trên tay một người cấp dưới, phăm phăm đi về phía túp lều. Họ chỉ đứng cách túp lều có mấy mét nhưng vừa bước đi được mấy bước, ông chủ tịch ngã bổ nhào về phía trước, đầu đập vào hòn đá ngay sát bên lối đi, máu trên đầu rỉ ra. Mọi người vội vàng chạy lại đỡ ông chủ tịch dậy. Lão Tự còn chạy vào lều lấy ít thuốc lào để rịt vết thương cho ông ta. Máu từ trán chảy xuống mặt, thấm vào chiếc áo trắng ông đang mặc loang lổ. Lão Tự nói: - “Các anh thiêng lắm, các ông quay vào vái các anh rồi về đi”.

Mọi người hốt hoảng dìu ông chủ tịch ra xe. Khi tất cả ngồi ngay ngắn trên xe rồi, ông chủ tịch lẩm bẩm “Đằng nào sau chuyến này cũng phải di dời cái nghĩa trang này, để xem lão ta cố thủ ở đó được bao lâu. Người không muốn ở đi ở với ma”. Mọi người yên vị trên xe, lái xe đề mãi mà chiếc xe chỉ kêu xành xạch rồi tắt máy. Trời đã về chiều, hoàng hôn buông tím cả một góc đồi. Lái xe dò tìm mãi mà không ra nguyên nhân tại sao chiếc xe không chạy, mọi người phải xuống xe ghé vai vào đẩy chiếc xe cũng không nhúc nhích. Sau khi đoàn người đi ra, ông Tự quay vào dọn đống cuốc thuổng và những cây hoa đang trồng dở lúc chiều. Ông cảm thấy khó chịu, buông những tiếng thở dài nhè nhẹ. Hàng cây bạch đàn lao xao trong ánh chiều buông. Lúc ông đi ra thấy chiếc xe vẫn đậu đó, đoàn người lố nhố vừa hò hét vừa còng lưng đẩy xe phía đằng xa. Ông bỏ đồ nghề vào lều rồi đi ra, hạ chiếc mũ cối đã bạc mầu, đưa chiếc khăn mặt đã cũ lên lau mặt, lão ngoắc một người trong đó rồi bảo khẽ “Anh nói với ông chủ tịch xuống xe, hướng vào nghĩa trang mà xin các anh”. Nói rồi ông quay đầu đi vào.

Nhìn qua cửa kính, ông chủ tịch nhìn thấy dáng đi xiêu xiêu của lão Tự chênh vênh trên triền đồi, khi cậu nhân viên quay lại thì thầm, ông bước xuống xe, hướng mặt về phía quả đồi lầm rầm khấn vái.

Chẳng biết ông khấn những gì nhưng khi ông vừa vái xong thì chiếc xe nổ được máy, mọi người vui mừng, ai nấy đều hướng mặt về quả đồi như thể nói lời cảm ơn.

Sau chuyến đi đó, những cán bộ chủ chốt của huyện trong chuyến đi cùng chủ tịch lên đồi nghĩa trang hôm đó chẳng ai thấy ông đề cập đến chuyện di dời nghĩa trang đi nơi khác. Cũng chẳng thấy ai nhắc đến vấn đề này. Một ngày, người ta thấy nghĩa trang được trùng tu lại, những ngôi mộ được xây mới, khắc bia mới, lối vào cũng được trải bê-tông từ phía chân đồi. Bên cạnh những hàng cây cũ, nhiều gốc bạch đàn non được trồng xuống, lá cây lúc nào cũng reo vui, vi vu trong gió. Túp lều của lão Tự cũng được thay bằng một căn nhà cấp bốn khang trang hơn, có một phòng khách để người dân thập phương ghé vào nghỉ chân, uống nước sau khi đi viếng mộ các anh nằm đây.

Mỗi ngày, người ta vẫn thấy lão Tự tưới cây, nhổ cỏ, chăm sóc cho những khóm hoa, hương khói cho các anh ấm áp, nhiều người bảo thường thấy lão rì rầm nói chuyện với các anh, nên lão được các anh phù hộ cho khỏe mạnh, minh mẫn. Trên đồi, những hàng bạch đàn cứ lao xao, vi vút trong gió.


Nhật Hạ

=======

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

sách giáo trình công nghệ thông tin pdf doc - sách tham khảo

[-] Mục Lục 1 kế toán doanh nghiệp với visual basic https://ambn.vn/product/35662/ke-toan-doanh-nghiep-voi-visual-basic.html Những kiến thức cơ bản về kế toán như biểu mẫu, báo cáo, sổ sách chứng từ kế toán đã được trình bầy ở những bộ sách trước cùng tác giả, và coi như ở tập sách này là bạn đã nắm rõ về microsoft access và visual basic. Trong sách này, sẽ hướng dẫn bạn thêm khi thiết kế các giao diện nhập dữ liệu, xử lý và báo cáo trong chương trình kế toán, hiểu rõ những kỹ thuật và công cụ lập trình nâng cao và dễ dàng thiết kế thành công một chương trình quản lý kế toán doanh nghiệp bằng Visual Basic 2. lập trình cơ sở dữ liệu visual basic sql server https://ambn.vn/product/35577/lap-trinh-co-so-du-lieu-visual-basic-sql-server.html Cuốn sách này cung cấp cho người học những thông tin chi tiết cảu các công cụ kỹ thuật hiện nay như ADO, ADO MD và ADOX, MSDE, .. SQL Namespace.. Mục tiêu cuốn sách là cung cấp các kiến thức ở mức độ chuyên sâu những công cụ mà kết hợp giữa

Đề tài: Hoạt động marketing của công ty cổ phần bút bi Thiên Long

Đề tài: Hoạt động marketing của công ty cổ phần bút bi Thiên Long Mục Lục Lời mở đầu Chương I : Phân tích kết quả kinh doanh của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long I. Kết quả kinh doanh của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long trong thời gian qua II.Đánh giá hoạt động marketing của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long thời gian qua Chương II : Phân tích môi trường marketing của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long I. Phân tích môi trường marketing vĩ mô II.Phân tích môi trường marketing vi mô III. Phân tích môi trường marketing nội bộ IV. Phân tích swot Chương III. Phân đoạn thị trường của công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long với sản phẩm bút bi Thiên Long I. Vị trí hiện tại của doanh nghiệp II. Xác định đối tượng khách hàng hay thị trường cần phân đoạn III. Phân chia thị trường theo những tiêu thức thích hợp IV. Đánh giá tiềm năng của các đoạn thị trường V. Lựa chọn các phương thức marketing nhằm khai thác các đoạn thị trường mục tiêu Chương IV. Xác định chiến lược M

CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KẾT QUẢ HỌC TẬP CỦA HỌC SINH TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRỲ TỈNH CAO BẰNG

LUẬN VĂN THẠC SĨ: CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KẾT QUẢ HỌC TẬP CỦA HỌC SINH TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRỲ TỈNH CAO BẰNG HỌC VIÊN: BẾ THỊ DIỆP – HƯỚNG DẪN KH: TS. NGUYỄN THỊ TUYẾT CHUYÊN NGÀNH: ĐO LƯỜNG VÀ ĐÁNH GIÁO TRONG GIÁO DỤC MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 2. Mục đích nghiên cứu của đề tài 3. Giới hạn nghiên cứu của đề tài 4. Phương pháp nghiên cứu 5. Câu hỏi nghiên cứu, giả thuyết nghiên cứu 6. Khung lý thuyết của đề tài 7. Khách thể và đối tượng nghiên cứu Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 1.1. TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 1.1.1. Các công trình nghiên cứu ở nước ngoài 1.1.2. Các công trình trong nước 1.2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN 1.2.1. Hoạt động học tập trong nhà trường 1.2.2. Loại hình nhà trường PTDTNT 1.2.3. Đặc trưng học sinh THPT DTTS 1.2.4. Các khái niệm công cụ của đề tài 1.3. KẾT LUẬN CHƯƠNG Chương 2: TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU 2.1. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1.1. Tổng thể