Bản Án Không Thành
1 Chiều bên bờ Nam sông Bến Hải. Nhìn sang bờ
Bắc, ngọn cờ vẫn phần phật tung bay như nhắc nhở những điệp báo hoạt động trong
lòng địch, rằng: Miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa đang trông cậy vào họ.
Tiếng con chim bìm bịp kêu xa xa, nao lòng.
Thành khẽ rùng mình không phải vì ngọn gió lạnh thốc từ mặt nước lên mà bởi chân
dung người con gái trong ảnh quá trẻ trung và xinh đẹp. Nhân vật tên Diễm My, một
nữ ký giả hào nhoáng, lịch lãm tròn 25 tuổi đang hoạt động chính trị cho Ngô Tổng
thống, chủ yếu để thuyết giảng chủ thuyết “Cần
lao nhân vị”. Người dân bờ Bắc sông Bến Hải bên kia vĩ tuyến 17, ngày nào cũng
nghe đến thuộc làu giọng nói ngọt ngào của Diễm My. Chất giọng của cô ta trơn tru
nhẹ nhàng đến đỗi có thể hình dung ra chủ nhân xinh đẹp dường nào mà chẳng cần nhìn
mặt.
Quê Thành ở Hải Phú, Hải Lăng, Quảng Trị. Anh
mất cha, mẹ trong một trận pháo nên ở với dì. Đến tuổi, Thành xung phong vào lực
lượng du kích rồi được tuyển vào công an vũ trang qua lại giới tuyến thực hiện các
nhiệm vụ cấp trên giao. Và Thành gặp Hương, cô gái 18 tuổi con của má Tám, một cơ
sở phía bờ Nam. Bận đó, anh nhận nhiệm vụ vượt sông vào ấp để truyền đạt nhiệm vụ
cho các đồng đội công an vũ trang nằm vùng. Rủi thay trời mưa làm trôi sạch lớp
bùn ngụy trang trên người, mà ánh chớp lập lòa cứ soi đi soi lại cơ thể trần lực
lưỡng của Thành, trong khi bọn cảnh sát ngụy đang đi tuần gần đến vị trí chém vè.
Bấm bụng, Thành lao thẳng vào ngôi nhà dân gần đó. Má Tám sau phút hoảng hốt, đã
nhận ra tình hình cấp bách, bèn ấn đầu Thành vào trong chiếc chăn mà Hương đang
đắp ngủ. Thành không thể nào quên được giây phút trống ngực của anh và Hương ngày
càng loạn nhịp, trái ngược với tiếng giày đinh lộp cộp của giặc xa dần, xa dần..
. Mùi thơm oải hương từ mái tóc người con gái Quảng Trị, hơi ấm nồng nàn trong chiếc
chăn, vòng tay che chở của má Tám.. .
Vậy mà được sao? Gương mặt xinh đẹp, giọng nói
quyến rũ, ánh mắt thánh thiện của nữ ký giả Diễm My lại chất chứa đằng sau đó không
khí ảm đạm, chết chóc bao trùm. Luật 10-59 thực thi ở mảnh đất nắng gió này thêm
mùi máu, mùi tang tóc chính là nhờ có sự góp mặt của Diễm My sao? Bản án của tổ
chức phân công anh thực thi, ghi rành rành: “Tên CIA đội lốt ký giả không chỉ xuyên
tạc sự thật ở vĩ tuyến 17, kích động tâm lý chiến mà thực chất còn là gián điệp
nằm vùng chỉ điểm nhiều cuộc xăm hầm, chỉ điểm, phá vỡ nhiều cở sở cách mạng ở bờ
Nam, bắt giam nhiều cơ sở của ta. Tên gián điệp phải bị tử hình. Bản án được tòa
án cách mạng tuyên và có hiệu lực trong ngày ký. 12-12”.
Trời nhá nhem tối, Thành trườn sát mặt bãi bồi
ven sông rồi chui xuống hầm bí mật nhà má Tám. Trong khi chờ đợi thời cơ hành động,
anh lắp thêm đạn súng ngắn vào băng dự trữ, khẽ liếc lại con dao cho thật sắc và
kiểm tra thuốc chống chó béc-giê. Xong xuôi mọi thứ cần thiết, Thành móc bùn trát
khắp người, kẻ mặt vằn vện rồi đội nón vải che tóc.
Đúng giờ hẹn mà sao mãi không thấy ánh đèn dầu
ám hiệu của má Tám, lòng Thành như có lửa đốt, anh tự nhủ: “Hay ta bị lộ? ”, rồi
tự trấn an mình: “Các chi tiết đều đúng kịch bản thứ nhất, má Tám sẽ không việc
gì, có lẽ đang động nên má chưa làm ám hiệu! ”.
Trăng lên cao quá đầu. Bùn trên người Thành
đã khô quánh lại và đàn muỗi tấn công anh liên tục. Đói, khát và lạnh run. Sau một
thoáng cân nhắc, Thành quyết định thực hiện kịch bản thứ hai. Không đợi má Tám dẫn
đường vào nhà ả ký giả đội lốt nữa, anh sẽ trực tiếp đến điểm hẹn với K64, một đảng
viên công an vũ trang nằm trong lòng địch, để được K64 hỗ trợ đến điểm X.
Không có má Tám và Hương đưa đường, Thành chừng
như mất phương hướng và cần mạo hiểm bằng tính mạng để thực hiện nhiệm vụ. Vành
đai trắng đầy kẽm gai và các thiết bị điện tử, bom mìn lùng nhùng mà giặc gọi là
hàng rào điện tử không cản được Thành. Anh bò thật chậm qua từng lớp kẽm, dán bụng
sát đất để không va chạm gây ra âm thanh rồi dùng kìm cắt dây nối chốt các loại
mìn. Phía trong vành đai là khu gia binh thuộc đồn Vĩnh Sơn đèn điện trắng lóa,
vang rền tiếng ngỗng kêu, chó sủa.
Sương lạnh căm mà mồ hôi đổ ra như tắm, Thành
khẽ gõ vào vách chiếc container trưng dụng làm chỗ ở cho sĩ quan ngụy. K64 xuất
hiện, nói nhanh: “Má Tám và em Hương vừa bị bắt. Tụi nó đánh gãy chân má rồi, em
Hương đang bị tra tấn dữ lắm. Vị trí X ở cách đây 500 m, là container mầu xám, bên
phải. Thôi, chúc đồng chí bình an, hoàn thành nhiệm vụ”. K64 khẽ bắt tay Thành rồi
đóng cửa container, tắt đèn. Bên trong, K64 tựa lưng vào vách, nước mắt trào ra
xót xa cho cơ sở và đồng đội mình. Bên ngoài, Thành cắn môi đến mặn chát. Anh sợ
má Tám và Hương có bề gì.. .
2 bò được hơn 400 m men theo các căn nhà container,
người công an trẻ rớm máu cả đôi tay. Một bóng đen của con gì vọt thật nhanh, chạm
vào hàng rào kẽm gai gần đó nghe loảng xoảng. Lập tức tiếng lên đạn rôm rốp và ánh
đèn 500W chiếu thẳng về phía Thành. Bọn lính gác hét lên: “Ai, ở mô đứng im tao
bắn bỏ mẹ”. Rồi ba bốn thằng chạy xồng xộc về phía Thành. Anh biết rằng giây phút
quyết định đã đến, và nhiệm vụ thi hành bản án sẽ khó hoàn thành. Song nếu có hy
sinh, thì nhất định Thành cũng kéo theo mấy thằng giặc. Anh sờ tay vào chuôi dao
găm rồi mở khóa an toàn khẩu súng giảm thanh, thanh thản chờ đợi.. . Tiếng giày
đinh từ ba bốn phía đã thật gần, chợt Thành thấy một thùng phuy chứa nước cứu hỏa
đặt sau góc tối của cột điện. Anh cho tất cả mọi thứ vào túi nilông mang theo rồi
buộc túm lại, sau đó trườn nhẹ như con thạch sùng vào thùng phuy, miệng ngậm vòi
cao-su để thở.. .
Cái then cửa không khó mở bằng dây kẽm từ phía
ngoài, Thành trườn vào trong, móc súng và kéo phắt tấm ri-đô rồi sững người.. .
Sau chiếc màn xanh dịu mát, tấm lưng trần thanh tú của người phụ nữ phơi bày, nõn
nà. Diễm My quay ngay lại, tay vẫn bồng đứa bé đang ngậm chặt vú mẹ, mặt tái dại
đi. Chàng trai mới lớn lần đầu tiên chứng kiến cảnh này, anh khẽ rùng mình trong
một giây rồi luồn tay chộp lấy khẩu súng ám sát mà Diễm My để dưới đầu nằm. Giọng
Thành run run không phải vì sợ, anh mắc cỡ trước tình cảnh gần như trần như nhộng
của cả hai, đọc: “Mặt trận dân tộc giải phóng tuyên bố tử hình tên gián điệp gây
nhiều tội ác với cách mạng, đồng bào.. . Hãy đặt đứa bé xuống, cho nói lời sau cùng!
”.
- Tôi hiểu những việc
tôi trót làm và biết sẽ có ngày này. Cũng vì chồng chết trận, vì phải nuôi con nên
tôi bán linh hồn mình. Trước khi chết, tui xin ông cho con tui được uống sữa mẹ
lần cuối cùng, sau này cháu mồ côi khát sữa lắm.. .
- Được, nhưng.. . Phải
nhanh lên đó!
Ngón tay nuột nà của Diễm My xoa đều lên bầu
vú căng tròn. Cô ta cố nặn cho dòng sữa chảy tràn trề chung quanh miệng đứa bé lần
sau cuối. Diễm My khóc nấc, lệ chảy ướt cả mặt con. Cái miệng ngậm chặt bầu sữa
của đứa bé ngày càng nhọn dần, nhọn dần phía chót môi rồi rời hẳn vú mẹ. Nó lim
dim ngủ sau bữa sữa no nê, mặt vẫn ướt nhẹp. Đặt con nằm ngay ngắn giữa giường,
Diễm My ôm hôn đứa bé lần cuối, khoác tấm áo mỏng nhắm mắt đợi cái chết. Thành trân
trân đứng nhìn, tay vẫn đặt lên cò súng, anh thấy đứa bé hình như nhoẻn miệng cười
trong mơ. Anh tự trách mình sao lại gặp tình cảnh oái ăm này. Rồi anh hình dung
người chỉ huy sẽ như thế nào nếu anh không hoàn thành nhiệm vụ. Thành nhớ đến má
Tám, em Hương, anh tự nhủ: “Phải cứng rắn lên, bao nhiêu đồng bào bị giặc sát hại
cũng bỏ lại con thơ, mẹ già. Hãy xem tên gián điệp này như bao tên khác và lần xử
tử hình này như những trận đánh trước! ”.
Đầu ruồi nòng súng giảm thanh từ từ đưa lên
trên, xê dịch vào phía trái thì bắt gặp dòng sữa rỉ thấm ướt tấm áo mỏng. Thành
lại thấy đứa trẻ đang cười, anh rùng mình lần nữa, hỏi như người mộng du, lần này
khẩu khí đã dịu đi: “Chị chết, đứa trẻ ở với ai? ”. Diễm My khóc: “Tui van xin ông,
ông hãy cho nó đi theo tui, một phát súng cũng được, mà hai phát thì dưới âm phủ
tui còn nuôi con, nó còn có mẹ. Ông ơi, tui không muốn đời nó lại mồ côi như tui,
ông hãy ban ân huệ cho tui và nó mỗi người một viên đạn, tội nghiệp nó ông à! ”.
Hàng trăm mối tơ vò trong lòng người công an
trẻ. Một bản án kỷ luật, những nghi kỵ của đồng chí đồng đội, điều ra tiếng vào..
. Nếu như anh không siết cò. Nhưng nếu nổ súng, anh còn mang thêm tội giết một đứa
trẻ. Đã thi hành hàng chục bản án với nhiều tên ác ôn, nhưng chưa lần nào anh rơi
vào tình cảnh này. Anh chợt rớt nước mắt khi nghĩ về thân phận mồ côi của mình!
- Giá chị sớm tự cứu
mình.
- Tui đâu còn cơ hội
nữa, xin ông cho nó và tui “đi" chung đêm nay, tui không đủ can đảm bắn con
mình. Xin ông.. .
- Chị.. . Vẫn còn cơ
hội lập công chuộc tội và sống với con trọn đời. Chị là chỉ huy cụm tình báo hỗn
hợp bờ Bắc sông Bến Hải?
- Dạ
- Chị viết ngay danh
sách các gián điệp đang hoạt động trong đội ngũ chúng tôi, không sai, không thiếu
sót bất kỳ tên nào. Nếu chị không thành thật, thì lần sau, chính tôi sẽ tử hình
chị. Hàng rào Macnamara còn không cản được tôi vào tận nơi đây, thì chị không thoát
lưới trời đâu, Diễm My à!
3 - Lập trường không vững vàng, kỷ luật xong,
tôi cho đồng chí ra khỏi lực lượng công an vũ trang giới tuyến. Tuy đồng chí có
lập chiến công bắt 12 tên gián điệp trong nội bộ ta do danh sách của Diễm My đưa
nhưng chuyện nào ra chuyện nấy. Đồng chí nhận kỷ luật rồi lên đường đi B5.
- Báo cáo, rõ!
Thành biết lỗi của mình, anh đã tha cho Diễm
My nên dù có loại được hơn chục tên gián điệp từ bản danh sách ấy, anh vẫn có tội
với ba mẹ, đồng đội, má Tám, em Hương và biết bao đồng bào. Thành cũng hiểu vào
B5 là đi Tây Nguyên theo đường Trường Sơn, nơi chiến trường ác liệt và khắc nghiệt
nhất.
.. . Chiều ngày 10-3-1975,
cánh quân của Thành chễm chệ trên chiếc xe tăng chạy vòng Buôn Ma Thuột biểu dương
sức mạnh quân giải phóng. Trận đánh thần tốc và bước tiếng như vũ bão mà Thành và
đồng đội thọc sâu vào thủ phủ Tây Nguyên đã tạo nên thế chẻ tre. Ngay trong đêm,
anh nhận lệnh tiến về Pleiku theo đường 14 để giải phóng Gia Lai Kon Tum cùng với
nhiều mũi tiến công khác từ Rattanakiri, Atopu (Cam-pu-chia và Lào) Về; Từ đường
7, đường 9 lên.
Một đoàn thanh niên xung phong từ Đác Min được
điều lên để cáng thương, dọn đường và lo hậu cần cho quân ta. Thành và đồng đội
tươi cười trước những đôi tay vẫy vẫy của các cô gái giọng miền ngoài. Phải rồi,
đóng quân trong rừng bấy lâu, có anh bộ đội nào mà không cảm thấy nao lòng trước
khung cảnh chiều nay. Thành nhận ra mùi hoa oải hương phảng phất, tim anh loạn nhịp,
mắt dáo dác nhìn dòng người đi gần bên. Ôi, tấm lưng quen quá, mùi oải hương không
thể lẫn, giọng cười nắc nẻ trong veo.. .
- Hương, em phải không,
Hương ơi!
- Trời ơi, em tưởng
anh đã hy sinh
Cả tiểu đội xe tăng và hàng trăm thanh niên
xung phong như lặng người trước sự trùng phùng hiếm có này. Hương vừa kể vừa khóc,
rằng sau khi Thành đi B5, thì một đồng chí có bí danh K64 là người của ta ở đồn
Vĩnh Sơn đã liên lạc được với cô. Chiều hôm đó, địch dùng chiêu đưa tù binh lên
ca-nô chở đi tuyên truyền. Khi ca-nô vừa ra đến giữa sông, má Tám và Hương nghe
một tiếng nổ đanh gọn. Tên lái ca-nô gục chết bởi phát đạn từ họng súng của tên
áp tải tù binh, là một gián điệp quy hàng ta. Má Tám, Hương được đưa về bờ Bắc cùng
một thùng truyền đơn trống rỗng, bên trong chứa một.. . Đứa trẻ khoảng 18 tháng
tuổi, ngủ say sưa. Hương và người gián điệp quy hàng ấy, sau khi nghe tin Thành
hy sinh, đã cùng nhau vào thanh niên xung phong, ra chiến trường. Đứa trẻ 18 tháng
tuổi được gửi lại cho má Tám và miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa, nay đã học lớp 6 trường
làng.
Thành chưa bao giờ hạnh phúc như chiều nay.
Anh và Hương ôm nhau khóc như chưa bao giờ được khóc. Gần đó, một nữ thanh niên
xung phong tên Diễm My nhoẻn miệng cười, nụ cười thật viên mãn!
Dương Minh Anh
===========
Nhận xét
Đăng nhận xét