Allicin chiết xuất từ tỏi có khả năng chống viêm nhiễm mạnh,
ức chế sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh, ức chế sự phát triển của tế bào ung
thư.. . Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng và ẩm, nên
khả năng mắc các bệnh viêm nhiễm rất cao. Tuy nhiên, cho đến nay, nguồn thuốc điều
trị chủ yếu nhập ngoại, giá thành cao và luôn bị phụ thuộc vào nước ngoài.
Trước nhu cầu xã hội, các nhà khoa học Trường ĐHKHTN đã nghiên cứu thành công công nghệ sản
xuất Allicin từ tỏi Việt Nam. Bản tin ĐHQGHN đã có dịp trò chuyện với TS. Trịnh
Tất Cường – Phòng Thí nghiệm Trọng điểm Công nghệ Enzym và Protein, Trường ĐHKHTN
về vấn đề này.
TS cho biết lí do vì sao anh chọn nghiên cứu sản phẩm này? Tỏi có tên
khoa học là Allium stavium, thuộc họ
Hành tỏi (Liliaceae) Hay Hoa kèn đỏ Amaryllidaceae, chi Allium. Thực tế, tỏi được
sử dụng rất phổ biến, là một gia vị không thể thiếu trong những bữa ăn và là vị
thuốc có giá trị chữa bệnh cao. Trong những thập niên gần đây, cùng với sự phát
triển của 2 loại bệnh tim mạch và ung thư, các nhà khoa học đặc biệt quan tâm đến tác dụng
chống oxy hóa, chống đột biến tế bào, hạ độ mỡ trong máu và làm giảm nguy cơ máu
đông của một số hoạt chất thiên nhiên. Trong đó, tỏi có hoạt chất chống oxy hóa
mạnh nhất, có thể ngăn chặn các quá trình trên. Tỏi có 3 hoạt chất chính: Allicin,
liallyl sulfide và ajoene.
Allicin là hoạt chất mạnh nhất và quan trọng nhất của tỏi, nhưng
không có sẵn ở trong tỏi. Tuy nhiên, khi được cắt mỏng hoặc đập dập và dưới sự xúc
tác của men allinase, chất alliin có sẵn trong tỏi sẽ tự tổng hợp thành Allicin.
Nhưng Allicin dễ mất hoạt tính sau khi được hình thành và càng
để lâu càng mất hoạt tính. Allicin là một chất kháng sinh tự nhiên rất mạnh, mạnh
hơn cả penicillin. Bên cạnh đó, Allicin có một số dược tính có lợi mà giúp cho cơ
thể có khả năng tăng cường đáp ứng đối với một số bệnh. Các nghiên cứu gần đây đã công bố Allicin
có khả năng chống viêm nhiễm mạnh, tăng cường hoạt tính của các tế bào trong quá
trình thực bào, tăng cường hoạt tính của các tế bào tự nhiên, ức chế sự phát triển
của vi sinh vật gây bệnh, ức chế sự phát triển của những tế bào ung thư. Thực sự,
Allicin không có sẵn trong tỏi nhưng rất nhiều công bố và các công ty trên thế giới
đã sản xuất allicin từ việc tạo quá trình xúc tác giữa allinin với enzym allinase
có sẵn trong tỏi. Bằng việc sử dụng Allicin này, các công ty trên thế giới đã sản
xuất được rất nhiều loại thực phẩm chức năng cao cấp với nhiều tác dụng sinh học
quí.
Ngoài ra hiện nay, việc tiêu chuẩn hoá và phát triển các sản
phẩm tăng cường sức khỏe cho con người có nguồn gốc tự nhiên đang là một đòi hỏi
cấp bách trong quá trình hiện đại hoá, công nghiệp hoá tại Việt Nam.
Từ những lí do trên nhóm nghiên cứu đã xây dựng phát triển
ý tưởng và đã được Đại học Quốc gia Hà Nội ủng hộ đề tài: Nghiên cứu vai trò của allicin
từ tỏi trong quá trình điều hòa một số đáp ứng viêm trong bệnh nhiễm trùng nặng
và choáng nhiễm trùng thông qua thụ thể Dectin-1.
Được biết allicin chiết xuất từ tỏi cũng đã được sản xuất trên
thế giới, vậy sản phẩm của chúng ta có những ưu điểm hay khác biệt gì so với những
sản phẩm đó?
Thực tế cho thấy, Việt Nam là một nước có sản lượng tỏi khá lớn
được trồng tại nhiều vùng khác nhau. Mỗi một vùng lại có những giống tỏi có những
đặc trưng riêng và có những ưu điểm rất khác nhau đặc biệt là hàm lượng enzym allinase
trong tỏi các vùng của Việt Nam là tương đối cao. Đây chính là ưu điểm rất tốt cho
công nghệ tạo ra Allicin từ tỏi. Ngoài ra, tỏi ViệtNam có một nhược điểm thường
là vỏ mỏng, củ nhỏ và nhánh các củ không đều nhau. Do vậy, nguyên liệu này nếu làm
tỏi đen (hiện nay đang là một trong những sản phẩm được đánh giá
cao về cải thiện sức khỏe cho cộng đồng và được sử dụng khá phổ biến) Là rất khó
và thực sự là rất ít doanh nghiệp sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho công nghệ
tỏi đen. Vì vậy, bà con nông dân vẫn khó có thể cải thiện được đời sống kinh tế
bằng việc trồng tỏi cũng như không thể đẩy được giá trị của tỏi Việt Nam trên thị
trường kể cả trong nước và thế giới.
Cần phải có những phương pháp nào để nghiên cứu thành công sản phẩm?
Có rất nhiều phương pháp nhưng theo cá nhân tôi thì nên kết hợp
trực tiếp với các doanh nghiệp cùng tham gia sản xuất và phát triển sản phẩm dựa
trên công nghệ đã được nghiên cứu thành công.
Anh có thể cho biết cụ thể giá trị của sản phẩm đối với cuộc
sống con người?
Như tôi đã nói, tỏi của Việt Nam thường củ nhỏ, vỏ mỏng và không
đều. Do vậy, khả năng xuất khẩu cũng như để làm nguyên liệu cho sản xuất tỏi đen
không được thuận lợi. Nhưng trong tỏi lại chiếm một lượng lớn những tiền chất có
khả năng tạo ra Allicin cho nên nếu được sản xuất thành Allicin chắc chắn sẽ có
giá trị cao hơn rất nhiều. Trước hết, người nông dân trực tiếp trồng ra tỏi sẽ nâng
cao được giá trị kinh tế của mình. Quan trọng hơn, sản phẩm Allicin sẽ có mặt trên
thị trường như là một sản phẩm thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường,
tim mạch, chống viêm nhiễm. Từ đó, sản phẩm này sẽ góp phần giúp cải thiện được
sức khỏe cộng đồng và giúp cho người dân giảm kinh phí khi sử dụng một số loại thực
phẩm chức năng tương tự đang phải nhập ngoại với giá thành khá cao gấp khoảng 6
đến 7 lần.
Trong quá trình nghiên cứu anh có những thuận lợi
và gặp những khó khăn gì?
Trước hết, tôi xin thay mặt nhóm nghiên cứu được gửi lời cảm ơn sâu
sắc tới Đại học Quốc gia Hà Nội cũng như Ban
Giám đốc Phòng Thí nghiệm Trọng điểm
Công nghệ Enzym và Protein đã kích lệ và tạo điều kiện thuận
lợi cho nhóm thực hiện đề tài. Thực tế, đề tài này chúng tôi đã gặp rất nhiều
thuận lợi đó là được sự hỗ trợ kinh phí từ Đại học Quốc gia Hà nội và PTNTĐCNEP
có một đội ngũ cán bộ có chuyên môn sâu về lĩnh vực của công nghệ này nên đề tài đã được triển khai đúng theo dự
kiến và hoàn thành công nghệ sản xuất Allicin với quy mô 1 kg allicin trên/mẻ. Còn
về khó khăn thì cũng có nhiều nhưng chủ yếu liên quan đến thiết bị chuyên dụng vẫn
phải đi sử dụng nhờ hoặc thuê các đơn vị khác.
Theo anh, chúng ta cần phải làm thế nào để đưa những sản phẩm
khoa học ứng dụng vô cùng ý nghĩa như
thế này đến được với thị trường trong nước và tiến xa hơn là cả các nước khác trên
thế giới?
Đây là một câu hỏi khó. Theo cá nhân tôi để một sản phẩm khoa học ứng dụng nói chung và sản phẩm
Allicin nói riêng ra được thị trường trước hết chúng ta phải kiểm soát được chất
lượng sản phẩm nhưng quan trọng hơn là giá thành có thể cạnh tranh so với sản
phẩm tương ứng như của nước ngoài. Ngoài ra cần phải có yếu tố doanh nghiệp tham
gia vào đầu tư phát triển. Để làm được điều này, cần phải giải quyết được 3 vấn
đề chính.
Đầu tiên là nguyên liệu sản xuất, thứ hai là công nghệ, thứ ba
là kinh doanh sản phẩm. Như vậy, đứng về phía người làm khoa học, chúng ta chỉ có thể xử lý
được vấn đề nguyên liệu và công nghệ. Từ đây cho thấy, nếu đã nghiên cứu sản phẩm ứng dụng trước
hết phải chỉ ra được đầu vào nguyên liệu có đảm bảo chất
lượng và giá thành có rẻ hay không (theo tôi thì chỉ có những nguyên liệu có
sẵn trong nước là có thành rẻ nhất). Còn nếu sản phẩm mà đầu vào nguyên liệu phải
nhập ngoại thường giá thành đã khá đắt. Do vậy, công nghệ có tốt đi chăng nữa cũng
khó có thể đưa sản phẩm ra thị trường được. Về kinh doanh sản phẩm khoa học ứng dụng, các nhà doanh nghiệp
cũng chỉ cần các nhà khoa học hỗ trợ họ về mặt công nghệ
nhưng để công nghệ mà thực sự có sản phẩm ra thị trường trước hết là Việt Nam và
xa hơn là thế giới thì chắc chắn nguyên liệu phải rẻ tiền và chỉ có nguồn nguyên
liệu trong nước mới đáp ứng được điều này. Chính vì vậy, theo tôi không phải các
nhà khoa học chúng ta không có công nghệ
mà ngược lại có rất nhiều nhưng khi các doanh nghiệp quan tâm tới các công nghệ
này có lẽ họ nhận thấy không đáp ứng được vấn đề nguyên liệu đầu vào nên không thể
đầu tư để phát triển và kinh doanh sản phẩm khoa học ra thị trường.
Nhận xét
Đăng nhận xét